ĐTC Phanxicô hướng dẫn trong các Buổi Triều Kiến Chung từ 8/1 đến 26/3/2014
Thứ Tư 8/1/2014: Bí Tích Rửa Tội
Xin chào anh chị em thân mến buổi sáng!
Hôm nay, chúng ta bắt đầu một loạt bài mới về Giáo Lý Các Phép Bí Tích, mà trước hết là Phép Rửa. Một trùng hợp may mắn đó là Chúa Nhật tới đây lại là lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa.
1- Phép Rửa là một bí tích làm nền tảng cho đức tin của chúng ta và liên kết chúng ta trong Chúa Kitô cũng như trong Giáo Hội của Người như là những phần thể sống động. Cùng với Bí Tích Thánh Thể và Thêm Sức, cả 3 làm nên bộ bí tích được gọi là "Khai Mở Kitô Giáo - Christian Initiation", một cuộc khai mở tạo nên như là một đại biến cố duy nhất về bí tích khiến chúng ta nên giống Chúa và làm cho chúng ta trở thành một dấu hiệu sống động về sự hiện diện của Người cũng như về tình yêu thương của Người.
Thế nhưng một vấn nạn có thể nẩy lên nơi chúng ta, đó là phải chăng Phép Rửa thực sự cần thiết để sống như là Kitô hữu và để theo Chúa Giêsu? Phải chăng về căn bản nó chỉ là một nghi thức đơn thuần, một tác động chính thức của Giáo Hội trong việc cống hiến tên thánh cho một bé trai hay bé gái nào đó? Đó là vấn nạn có thể được đặt ra nơi chúng ta. Theo chiều hướng ấy thì vấn đề được soi sáng nơi những gì Thánh Phaolô viết: "Anh em không biết rằng tất cả chúng ta được thanh tẩy trong Chúa Giêsu Kitô là anh em đã được thanh tẩy trong cái chết của Người hay chăng? Bởi đó, chúng ta đã được mai táng với Người nơi cái chết nhờ phép rửa để như Chúa Kitô đã được sống lại từ trong kẻ chết nhờ vinh quang của Cha thế nào thì cả chúng ta nữa cũng được sống một sự sống mới như vậy" (Roma 6:3-4). Thế nên, phép rửa không phải là một thứ hình thức! Phép rửa là một tác động sâu xa chạm đến việc hiện hữu của chúng ta. Một đứa trẻ được lãnh nhận phép rửa và một đứa trẻ không lãnh nhận phép rửa không giống nhau! Một người lãnh nhận phép rửa và một người kh6ong lãnh nhận không giống nhau! Nhờ Phép Rửa, chúng ta được chìm ngập vào nguồn sống vô tận là cái chết của Chúa Giêsu, một tác động yêu thương cao cả nhất trong toàn bộ lịch sử; và nhờ tình yêu này chúng ta có thể sống một sự sống mới, không còn bị thống trị bởi sự dữ, tội lỗi và sự chết, nhưng được hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em.
2- Nhiều người trong chúng ta không hề nhớ một tí nào đến việc cử hành Bí Tích này, dĩ nhiên, nếu chúng ta được rửa tội sau khi sinh một chút. Tôi đã đặt câu hỏi này hai ba lần ở Quảng Trường này. Ở đây ai biết được ngày Rửa Tội của mình nào? Xin giơ tay lên! Ai biết? Đó, thấy không, mấy người thôi! Rất ít. Đây là vấn đề quan trọng! Cần phải biết ngày nào anh chị em được chìm xuống giòng nước cứu độ của Chúa Giêsu! Xin cho tôi có một chút khuyến dụ nhé. Một bài làm ở nhà hôm nay hơn là một lời khuyến dụ: Hôm nay về nhà anh chị em hãy tìm kiếm, hỏi han xem ngày Rửa Tội của anh chị em. Nhờ đó anh chị em mới thực sự biết rõ cái ngày tuyệt vời Rửa Tội đó của anh chị em. Anh chị em có làm thế không? [Dân chúng: Thưa có!] Tôi không nghe thấy nhiệt liệt cho lắm. Anh chị em có làm hay chăng? [Dân chúng; Thưa có!] Có! Vì cần phải biết đến một ngày hồng phúc! Ngày Thanh Tẩy của chúng ta! Thế nhưng, cái nguy cơ đó là làm mất đi ký ức về những gì Chúa đã làm ở nơi chúng ta, cái ký ức về một tặng ân chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta đi đến chỗ coi nó chỉ như là một biến cố đã xẩy ra trong quá khứ - và là một biến cố thậm chí không phải bởi ý muốn của chúng ta mà là bởi cha mẹ chúng ta - một biến cố không còn một tác dụng gì trong đời sống hiện tại của chúng ta. Chúng ta cần phải làm bừng lại ký ức về Phép Rửa. Chúng ta được kêu gọi để sống Phép Rửa của chúng ta hằng ngày như là một thực tại thật sự trong việc hiện hữu của chúng ta. Nếu chúng ta theo Chúa Giêsu và lưu lại trong Giáo Hội, bất chấp những hạn hữu của chúng ta, yếu hèn của chúng ta và tội lỗi của chúng ta, thì chính nhờ Bí Tích này mà chúng ta đã trở nên một tạo vật mới và chúng ta được tái mặc lấy Chúa Kitô. Thật vậy, bởi Phép Rửa, được khỏi nguyên tội, chúng ta được tháp nhập vào mối liên hệ của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha; mà chúng ta trở thành những người chất chứa một niềm hy vọng mới, vì Phép Rửa cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng mới này! Niềm hy vọng tiến bước trên con đường cứu độ suốt cuộc đời còn lại của chúng ta. Không gì và không ai có thể dập tắt đi niềm hy vọng này, vì hy vọng không lừa dối. Hãy nhớ như thế. Niềm hy vọng vào Chúa này không bao giờ lừa dối chúng ta. Nhờ Phép Rửa, chúng ta có thể tha thứ và yêu thương những ai phạm đến chúng ta và gây tổn thương cho chúng ta, chúng ta có thể nhận biết nơi những người thấp hèn nhất cũng như nơi người nghèo dung nhan của Chúa là Đấng viếng thăm chúng ta và đến gần với chúng ta, và nhờ Phép Rửa này chúng ta có thể nhận ra nơi khuôn mặt của những ai thiếu thốn, những ai khổ đau, thậm chí hàng xóm láng giếng của chúng ta, dung nhan của Chúa Giêsu. Đó là một ân sủng về sức mạnh này của Phép Rửa.
3- Một yếu tố cuối cùng quan trọng mà tôi muốn đặt vấn đề đó là Người ta có thể tự rửa tội cho mình được chăng? [Dân chúng: Thưa Không!] Tôi không nghe thấy anh chị em! [Dân chúng: Thưa Không!]. Anh chị em có chắc không đấy? [Dân chúng: Thưa Chắc!] Người ta không thể nào tự rửa tội cho mình! Không ai có thể tự rửa tội cho mình! Không một ai hết! Chúng ta có thể xin được rửa tội, mong được rửa tội, thế nhưng chúng ta bao giờ cũng cần một ai đó ban Bí Tích này nhân danh Chúa. Phép Rửa là một tặng ân được ban tặng trong một môi trường ham ước và chia sẻ huynh đệ. Trong lịch sử bao giờ cũng thế người này rửa tội cho người kia và người nọ. Đó là một cái xích, một cái xích ân sủng. Thế nhưng tôi không thể rửa tội cho bản thân mình. Tôi phải xin người khác Rửa Tội cho. Nó là một tác động của tình huynh đệ, một tác động của phận con cái đối với Giáo Hội. Nơi việc cử hành của bí tích này, chúng ta có thể nhận thấy những tính chất xác thực nhất của Giáo Hội, một Giáo Hội, như một người mẹ, tiếp tục sản sinh những người con cái mới trong Chúa Kitô, bằng tính chất phong phú của Thánh Linh. Giờ đây chúng ta hãy xin Chúa với tất cả tâm hồn của mình để có thể cảm nghiệm hơn bao giờ hết trong cuộc sống hằng ngày ân sủng chúng ta đã lãnh nhận nơi Phép Rửa. Để trong việc gặp gỡ chúng ta, anh chị em chúng ta có thể gặp gỡ con cái thực sự của Thiên Chúa, những người anh chị em thực sự của Chúa Giêsu Kitô, những phần thể thực sự của Giáo Hội. Và đứng quên bài làm ở nhà hôm nay đấy nhé, đó là tìm kiếm, hỏi han ngày lãnh nhận Phép Rửa của anh chị em. Và như người ta biết được ngày sinh của mình thế nào thì họ cũng phải biết được ngày Phép Rửa của mình, vì đó là một ngày lễ hội vậy!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/on-the-sacrament-of-baptism--2
Thứ Tư 15/1/2014: Các Hoa Trái của Phép Rửa
Thân mến
chào anh chị em buổi sáng!
Thứ Tư
tuần trước, tôi đã bắt đầu một loạt bài ngắn về các Bí Tích, mở màn là Phép rửa.
Hôm nay tôi cũng chia sẻ về Phép Rửa nữa, để nhấn mạnh đến một thứ hoa trái rất
quan trọng của Bí Tích này, đó là nó làm cho chúng ta trở nên chi thể của Thân
Mình Chúa Kitô và là phần tử của Dân Chúa. Thánh Thomas Aquinas nói rằng ai lãnh
nhận Phép Rửa thì được tháp nhập với Chúa Kitô, như là chính chi thể của Người
và được nhập vào với cộng đồng tín hữu (cf. Suma Theologiae, III, q. 69, art. 5;
q. 70, art. 1), tức là, dân Chúa. Theo chủ trương của Công Đồng Chung Vaticanô
II, hôm nay đây chúng ta nói rằng Phép Rửa làm cho chúng ta gia nhập Dân Chúa,
làm cho chúng ta trở thành các phần tử của một Dân đang lữ hành, một dân lữ hành
trong lịch sử.
Thật vậy,
như sự sống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia, ân sủng cũng được truyền
từ đời này sang đời khác, bằng việc tái sinh nơi giếng rửa tội, và nhờ ân sủng
này dân Kitô giáo hành trình trong thời gian như một con sông tưới dội mặt đất
và lan truyền ân phúc của Thiên Chúa trên thế giới. Chúang ta đã nghe trong Phúc
Âm từ khi Chúa Giêsu nói các môn đệ đã đi làm phép rửa; và từ lúc ấy cho tới nay
xẩy ra một chuỗi truyền đạt đức tin bằng Phép Rửa. Mỗi người chúng ta là một mắt
xích trong sợi xích đó: một bước tới, luôn mãi; như một con sông tưới dội. Ân
sủng của Thiên Chúa cũng thế và đức tin của chúng ta cũng vậy, những gì chúng ta
cần phải truyền đạt cho con cái của chúng ta, vì chúng, khi lớn khôn, lại có thể
truyền đạt cho con cái của mình. Phép Rửa cũng thế. Tại sao? Vì Phép Rửa làm cho
chúng ta gia nhập với Dân Chúa là thành phần truyền đạt đức tin. Điều này rất
quan trọng. Một Dân Chúa tiến bước và truyền đạt đức tin.
Vì phép
rửa của mình, tất cả mọi phần tử thuộc Dân Chúa đã trở nên thành phần môn đệ
truyền giáo, được kêu gọi để mang Phúc Âm đến cho thế giới (cf. Apostolic
Exhortation Evangelii gaudium, 120). "Tất cả những ai đã lãnh nhận phép rửa, ở
bất cứ vị trí nào trong Giáo Hội hay thuộc tầm cấp giáo dục nào về đức tin, đều
là thành phần tác nhân của việc truyền bá phúc âm hóa... Việc tân truyền bá phúc
âm hóa đòi mỗi một người lãnh nhận phép rửa về phần mình phải tham gia bản thân
mình" (ibid.), về phần hết của mọi người, về phần của toàn thể dân Chúa, một thứ
tham gia bản thân mình từ mỗi một người lãnh nhận phép rửa. Dân Chúa như là một
Dân Truyền Giáo - vì họ lãnh nhận đức tin - và là thành phần Thừa
Sai - vì họ truyền đạt đức tin. Và Phép Rửa làm như thế nơi chúng ta. Phép
Rửa cống hiến cho chúng ta Ân Sủng và truyền đạt đức tin cho chúng ta. Tất cả
chúng ta trong Giáo Hội đều là thành phần môn đệ, và chúng ta bao giờ cũng thế,
cả cuộc sống của mình; và tất cả chúng ta đều là thành phần thừa sai, mỗi người
ở vị thế Chúa ấn định cho họ. Hết mọi người: người nhỏ nhất cũng là một thừa
sai; và ai xem ra lớn nhất cũng là một người môn đệ. Thế nhưng có người trong
anh chị em có thể nói rằng: 'Các vị Giám Mục không phải là các môn đệ, các vị
Giám Mục biết hết mọi sự; Giáo Hoàng biết hết mọi sự, nên không phải là một
người môn đệ'. Không phải thế, cho dù các Giám Mục và Giáo Hoàng cũng cần phải
trở thành những người môn đệ, vì nếu các vị không là môn đệ thì các vị không
hành sự tốt đẹp, các vị không thể là thành phần thừa sai, các vị không thể
truyền đạt đức tin. Tất cả chúng ta đều là môn đệ và là thừa sai.
Có một
mối liên kết bất khả phân ly giữa chiều kích thần bí và truyền giáo nơi ơn gọi
Kitô giáo, cả hai đều bắt nguồn từ Phép Rửa. "Trong việc lãnh nhận đức tin và
Phép Rửa, Kitô hữu chúng ta đón nhận tác động của Thánh Thần là Đấng dẫn chúng
ta đến chỗ tuyên xứng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là
'Abba' Cha ơi! Tất cả chúng ta là những con người nam nữ đã lãnh nhận phép rửa
... đều được kêu gọi để sống và truyền đạt mối hiệp thông với Ba Ngôi, vì việc
truyền bá phúc âm hóa là một lời gọi mời dự phần vào mối hiệp thông Ba Ngôi
Thiên Chúa" (Final Document of Aparecida, n. 157).
Không ai
tự cứu lấy mình. Chúng ta là một cộng đồng tín hữu, chúng ta là Dân Chúa và
trong cộng đồng này chúng ta cảm nghiệm được vẻ đẹp của việc chia sẻ cảm nghiệm
về một tình yêu có trước tất cả chúng ta, thế nhưng đồng thời lại là một tình
yêu đòi chúng ta trở thành 'những cái máng' chuyên chở ân sủng cho nhau, bất kể
những gì là hạn hẹp và tội lỗi của chúng ta. Chiều kích cộng đồng này không phải
chỉ là một 'cái khung', một 'thứ trưng bày' mà là một phần trọn vẹn của đời sống
Kitô hữu, của việc làm chứng và của việc truyền bá phúc âm hóa. Đức tin Kitô hữu
được sinh ra và sống động trong Giáo Hội, và nơi Phép Rửa, các gia đình và các
giáo xứ cử hành việc tháp nhập một phần tử mới của Chúa Kitô vào Thân Mình của
Người là Giáo Hội (cf. Ibid., n. 175b).
Liên quan
tới tầm quan trọng của Phép Rửa đối với Dân Chúa, lịch sử của cộng đồng Kitô hữu
ở Nhật bản là một mẫu gương. Họ đã chịu đựng một cuộc bách hại dữ dội vào đầu
thế kỷ thứ 17. Có rất nhiều vị tử đạo; các phần tử thuộc hàng giáo sĩ bị trục
xuất và hằng ngàn tín hữu đã bị sát hại. Chỉ còn một vị linh mục duy nhất vẫn
còn ở Nhật, ngoài ra tất cả đều bị trục xuất. Bấy giờ cộng đồng này trở thành
giáo hội hầm trú, giữ đức tin và nguyện cầu một cách lén lút. Khi có một đứa con
sinh ra thì người bố hay người mẹ rửa tội cho con mình, vì mọi tín hữu đều có
thể rửa tội trong những hoàn cảnh đặc biệt. Sau gần hai thế kỷ rưỡi, tức 250 năm
sau, các vị thừa sai đã trở lại Nhật bản, thì hàng ngàn Kitô hữu đã công khai ra
mặt và Giáo Hội đã có thể tái triển nở. Họ đã tồn tại với ân sủng Phép Rửa của
mình! Đó là những gì cao cả: Dân Chúa truyền đạt đức tin, đã rửa tội cho con cái
của mình và tiến lên. Và họ đã giữ được, cho dù trong thầm kín, một tinh thần
cộng đồng mãnh liệt, vì Phép Rửa đã làm cho họ trở thành một thân thể duy nhất
trong Chúa Kitô: họ không bị lẻ loi cô độc và bị che khuất, nhưng bao giờ cũng
là phần tử của Dân Chúa, phần tử của Giáo Hội. Chúng ta có thể học đưoọc rất
nhiều từ câu truyện này!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.zenit.org/en/articles/on-the-fruits-of-baptism
Thứ Tư 29/1/2014: Bí Tích Thêm Sức
Xin chào anh chị em thân mến buổi sáng!
Trong bài giáo lý thứ ba này về các Bí Tích, chúng ta sẽ chia sẻ về Bí Tích Thêm Sức hay Cresima, một bí tích được hiểu là một tiếp nối với Bí Tích Rửa Tội, bí tích bất khả tách biệt với Bí Tích Thêm Sức. Hai Bí Tích này, cùng với Bí Tích Thánh Thể, làm nên một biến cố cứu độ - "Gia Nhập Kitô Giáo - Christian initiation", nhờ đó chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh cùng trở thành tạo vật mới và nên phần tử của Giáo Hội. Đó là lý do tại sao ngay từ ban đầu ba Bí Tích này được cử hành một lúc, vào cuối hành trình giáo lý dự tòng, bình thường vào Đêm Vọng Phục Sinh. Bởi thế, hành trình của việc giáo huấn đã được niêm ấn và một cuộc tháp nhập từ từ vào cộng đồng Kitô giáo có thể kéo dài thậm chí vài năm. Nó được thực hiện từng bước một để tiến đến Phép Rửa, rồi Thêm Sức và Thánh Thể.
Bình thường người ta nói về Bí Tích "Cresima", một chữ có nghĩa là "xức dầu". Mà thật vậy, nhờ thứ dầu được gọi là "Dầu thánh" chúng ta, bởi quyền năng của Thần Linh, được nên giống Chúa Giêsu Kitô, "Đấng được Xức Dầu" chân thực duy nhất, "Đấng Thiên Sai", Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Chữ "Thêm Sức" bởi thế nhắc nhở chúng ta rằng Bí Tích này làm cho ân sủng của Bí Tích Rửa Tội gia tăng, ở chỗ, Bí Tích ấy liên kết chúng ta mạnh mẽ hơn nữa với Chúa Kitô; Bí Tích ấy làm hoàn trọn mối liên hệ của chúng ta với Giáo Hội; Bí Tích ấy ban cho chúng ta một sức mạnh đặc biệt của Thánh Linh để truyền bá và bênh vục đức tin, để tuyên xưng danh Chúa Kitô và không bao giờ cảm thấy tủi nhục về thập giá của Người (cf. Catechism of the Catholic Church, n. 1303).
Vì thế cần phải chú trọng đến vấn đề con cái của chúng ta, giới trẻ của chúng ta được lãnh nhận bí tích này. Tất cả chúng ta cần phải chú trọng đến việc chúng được rửa tội, đó là điều tốt, nhưng có lẽ chúng ta không quan tâm lắm về việc chúng lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức: chúng cứ ở trong tình trạng lưng chừng và không lãnh nhận Thánh Linh là Đấng rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu, vì Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để tiến bước!
Mỗi người chúng ta hãy nghĩ xem chúng ta có thực sự chăm sóc cho con cái của chúng ta và giới trẻ của chúng ta trong việc lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức hay chăng? Điều này là vấn đề quan trọng, nó là vấn đề quan trọng! Và nếu anh chị em có con cái trong gia đình, những giới trẻ chưa lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức mà đã đến tuổi lãnh nhận bí tích này, thì anh chị em hãy làm mọi sự có thể để hoàn tất việc gia nhập Kitô giáo này cũng như để chúng đưoọc lãnh nhận sức mạnh của Thánh Linh. Đây là vấn đề quan trọng!
Tất nhiên cần phải sửa soạn một cách tốt đẹp cho các ứng viên lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, một việc sửa soạn làm sao để có thể dẫn chúng đến chỗ gắn bó bản thân với niềm tin tưởng vào Chúa Kitô cũng như làm bừng lên nơi chúng cảm quan thuộc về Giáo Hội.
Như mọi Bí Tích khác, Bí Tích Thêm Sức không phải là công việc của con người mà là của Thiên Chúa, Đấng chăm sóc đời sống của chúng ta để khuôn đúc no theo hình ảnh Con của Ngài, để làm cho chúng ta có thể yêu thương như Người. Ngài làm như thế bằng việc thấm nhập vào chúng ta Thánh Linh của Ngài, Đấng hoạt động gây thẩm thấu toàn thể con người và tất cả đời sống, khi chiếu soi bằng 7 tặng ân được Truyền Thống luôn chứng thực theo ý nghĩa Thánh Kinh. Bảy tặng ân này, tôi không muốn hỏi anh chị em xem anh chị em có nhớ 7 tặng ân này hay chăng. Có thể là tất cả anh chị em đều nhớ... Thế nhưng tôi sẽ thay anh chị em kể ra nhé. Những tặng ân này là gì? Khôn ngoan, Thông hiểu, Huấn dụ, Can đảm, Hiểu biết, Thảo hiếu và Kính sợ Thiên Chúa. Những tặng ân này được Thánh Linh ban cho chúng ta nơi Bí Tích Thêm Sức. Tôi có ý định nói về các tặng ân này ở các bài giáo lý sau loạt bài giáo lý về các Bí Tích.
Khi chúng ta lãnh nhận Thánh Linh trong lòng mình và để cho Ngài hành động, thì Chính Chúa Kitô làm cho Bản Thân Người hiện diện trong chúng ta và khuôn đúc cuộc đời của chúng ta. Qua chúng ta sẽ là chính Người là Đấng cầu nguyện, Đấng thứ tha, Đấng truyền đạt niềm hy vọng và an ủi, Đấng phục vụ anh chị em, Đấng làm cho Mình gần gũi với thành phần thiếu thốn và bé mọn, Đấng kiến tạo mối hiệp thông, Đấng gieo rắc hòa bình. Hãy nghĩ đến tầm quan trọng ra sao về điều này, đó là, nhờ Thánh Linh, Chính Chúa Kitô đến để làm tất cả những điều ấy ở giữa chúng ta cho chúng ta. Vì lý do ấy cần phải làm sao để con cái và giới trẻ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự nhắc nhở mình rằng chúng ta đã lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức! Tất cả chúng ta! Chúng ta hãy nhớ đến bí tích này trước hết dể tạ ơn Chúa về tặng ấn ấy, và rồi xin Ngài hãy giúp chúng ta sống là những Kitô hữu thực sự, luôn bước đi bằng niềm hân hoan của Thánh linh là Đấng được ban cho chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
http://www.zenit.org/en/articles/on-the-sacrament-of-confirmation
Thứ Tư 5/2/2014: Bài 4-
Bí Tích Thánh Thể
Anh Chị Em thân mến, chào anh chị em buổi sáng, thế nhưng hôm nay lại không đẹp
trời, khí hậu hơi khó chịu làm sao ấy...
Cùng với Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, Bí Tích Thánh Thể là tâm điểm của "việc
gia nhập Kitô giáo", và bí tích này tạo nên nguồn mạch của chính sự sống của
Giáo Hội. Thật vậy, từ Bí Tích Tình Yêu này tuôn trào ra hết mọi đường nẻo chân
thực của đức tin, của mối hiệp thông và của việc chứng từ.
Cái chúng ta thấy, khi chúng ta cùng nhau cử hành Thánh Thể - Thánh Lễ, làm cho
chúng ta nhận ra những gì chúng ta sắp sửa sống. Ở tâm điểm của nơi được chỉ
định cho việc cử hành này là bàn thờ, là một cái bàn, được phủ khăn, và điều này
khiến chúng ta nghĩ đến một bữa tiệc. Trên bàn này có một cây thánh giá, ám chỉ
là trên bàn thờ đó là nơi hiến dâng hy tế của Chúa Kitô: Người là lương thực
thần linh được lãnh nhận từ đó, dưới hình bánh và rượu. Gần bàn thờ là bục
giảng, tức là nơi công bố Lời Chúa: điều này cho thấy rằng chúng ta qui tụ lại
đó để nghe Chúa là Đấng nói năng qua Thánh kinh, và vì thế thứ lương thực chúng
ta lãnh nhận cũng là Lời của Người nữa.
Lời và Bánh trở thành duy nhất trong Thánh Lễ, như trong Bữa Tiệc Ly, khi tất cả
lời nói của Chúa Giêsu, tất cả dấu hiệu Người làm, đều được cô đọng lại nơi cử
chỉ bẻ bánh và dâng chén, hướng về hy tế thập giá, cũng như nơi những lời này:
"Các con hãy nhận lấy mà ăn, này là Mình Thày... Các con hãy nhận lấy mà uống,
này là Máu Thày".
Cử chỉ Chúa Giêsu thực hiện trong Bữa Tiệc Ly là việc Người tối hậu tạ ơn Chúa
Cha về tình yêu của Cha, về lòng thương xót của Cha. "Tạ ơn - thanksgiving" theo
tiếng Hy Lạp là "thánh thể - eucharist". Vì thế mà Bí Tích này được gọi là Thánh
Thể: Bí tích này là việc tạ ơn tối hậu dâng lên Cha là Đấng đã yêu thương chúng
ta đến độ đã vì yêu thương ban cho chúng ta Con của Ngài. Đó là lý do tại sao
chữ "Thánh Thể" gồm tóm lại tất cả mọi cử chỉ, cử chỉ của Thiên Chúa và cử chỉ
của con người, cử chỉ của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật.
Bởi vậy, việc cử hành Thánh Thể vượt trên một bữa tiệc thuần túy: việc cử hành này thật sự là việc tưởng niệm đến Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, mầu nhiệm chính yếu của ơn cứu độ. "Tưởng niệm - memorial" không chỉ là nhớ - memory, một thứ nhớ xuông nhưng có nghĩa là mỗi khi chúng ta cử hành Bí Tích này là chúng ta tham dự vào cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Thánh Thể là tột đỉnh của tác động cứu độ của thiên Chúa: Chúa Giêsu, khi biến mình thành bánh bẻ ra cho chúng ta, thật sự là tuôn xuống trên chúng ta tất cả lòng xót thương của Người và tình yêu thương của Người, để canh tân đổi mới lòng của chúng ta, đời sống của chúng ta và cách thức chúng ta liên hệ với Người cũng như với anh chị em của chúng ta. Chính vì thế mà bình thường khi chúng ta tiến đến với Bí Tích này, chúng ta nói rằng chúng ta "Hiệp Lễ - receive Communion", chúng ta thực hiện "việc Hiệp Lễ của chúng ta - our Communion", tức là, nhờ quyền phép của Thánh Linh, việc tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể làm cho chúng ta nên giống Chúa Kitô một cách đặc thù và sâu xa, cống hiến cho chúng ta một tiên hưởng ngay hiện tại này mối hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha là những gì biểu hiệu cho bữa tiệc thiên quốc, nơi mà cùng với tất cả mọi Thánh Nhân chúng ta sẽ hoan hưởng niềm vui khôn lường của việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền.
Các bạn thân mến, chúng ta không bao giờ cám ơn Chúa cho đủ về tặng ân Ngài ban cho chúng ta nơi Thánh Thể! Đó là một tặng ân cao cả vĩ đại và vì thế rất cần phải đi Lễ Chúa Nhật. Đi Lễ không phải chỉ để cầu nguyện mà là để Hiệp Lễ, để rước lấy tấm bánh là mình Chúa Kitô cứu độ chúng ta, thứ tha chúng ta, nối kết chúng ta với Cha. Thật là tuyệt vời để làm điều ấy! Và chúng ta đi Lễ mọi ngày Chúa Nhật, vì đó là cính ngày Phục Sinh của Chúa. Bởi vậy Chúa Nhật là ngày rất quan trọng đối với chúng ta. Với Thánh Thể, chúng ta cảm thấy chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về Dân Chúa, thuộc về Thân Mình Chúa, thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta sẽ không bao giờ gom góp đưoọc tất cả mọi giá trị và kho tàng phong phú của Thánh Thể. Vậy chúng ta hãy xin Người để Bí Tích này tiếp tục bảo tồn việc hiện diện của Người sống động trong Giáo Hội và khuôn đúc các cộng đồng chúng ta bằng đức bác ái và mối hiệp thông, theo tâm can của Chúa Cha. Và điều này được thực hiện trong suốt cuộc sống của các bạn, thế nhưng nó bắt đầu được thực hiện vào ngày Hiệp Lễ Lần Đầu - First Communion. Trẻ em cần phải được sửa soạn đàng hoàng kỹ lưỡng cho việc Hiệp Lễ Lần Đầu này và mỗi em cần phải làm như thế, vì nó là bước đầu tiên trong việc mạnh mẽ thuộc về Chúa Giêsu Kitô, sau Phép Rửa và Thêm Sức. Xin cám ơn các bạn!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
http://www.zenit.org/en/articles/on-the-eucharist--4
Thứ Tư 12/2/2014: Bài 5 - Sống Bí Tích Thánh Thể
Xin chào Anh
Chị Em thân mến buổi sáng!
Trong bài
giáo lý tuần vừa rồi, tôi đã nhấn mạnh đến vấn đề Thánh Thể đưa chúng ta đến mối
hiệp hiệp thông với Chúa Giêsu cũng như với mầu nhiệm của Người. Giớ đây chúng
ta có thể tự vấn mình về một số vấn đề liên quan tới mối liên hệ giữa Thánh Thể
chúng ta cử hành và đời sống của chúng ta, với tư cách là Giáo Hội cũng như là
cá nhân Kitô hữu. Chúng ta tự vấn xem chúng ta sống
Thánh Thể ra sao? Chúng ta đến dâng Thánh Lễ Chúa Nhật chúng ta sống
Thánh Lễ thế nào? Phải chăng nó chỉ là một giây phút cử hành vậy thôi, một thứ
truyền thống cần giữ, một cơ hội gặp gỡ và cảm thấy vui, hay còn là một điều gì
hơn thế nữa?
Có rất nhiều
dấu hiệu để biết được chúng ta sống tất cả những điều ấy ra sao, chúng ta sống
Thánh Thể thế nào; những dấu hiệu cho chúng ta thấy chúng ta có sống Thánh Thể
một cách tốt đẹp hay chúng ta không sống Thánh Thể bao nhiêu.
Dấu hiệu đầu tiên đó là cách thức chúng ta nhìn vào và
quan tâm đến người khác. Trong Thánh Thể, Chúa Kitô bao giờ cũng lập lại
tác động hiến ban Bản Thân Người mà Người đã thực hiện trên Thánh Giá. Tất cả
đời sống của Người là một tác động yêu thương hoàn toàn thông ban Bản Thân Mình;
đó là lý do tại sao Người đã thích ở cùng các môn đệ và ở cùng thành phần Người
được gặp gỡ. Đối với Người điều ấy có nghĩa là chia sẻ những ước muốn của họ,
những vấn đề của họ, những gì làm cho tâm hồn của họ và đời sống của họ cảm thấy
xôn xao bối rối. Vậy chúng ta, khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta gặp gỡ đủ mọi loại
người nam nữ: giới trẻ, giới già, trẻ em, người nghèo và người giầu, người ở địa
phương và xa lạ, cùng với họ hàng thân thuộc hay lẻ loi một mình... Tuy nhiên,
Thánh Thể mà tôi cử hành có dẫn tôi đến chỗ thực sự coi họ tất cả đều là anh chị
em của tôi hay chăng? Thánh Thể có làm cho tôi có khả
năng cảm thấy vui với người vui và buồn với người buồn hay chăng? Thánh Thể có
thúc đẩy tôi đến với người nghèo, người bệnh, người sống bên lề xã hội hay
chăng? Thánh Thể có giúp tôi nhận thấy dung nhan của Chúa Giêsu nơi họ hay
chăng? Tất cả chúng ta đi Lễ vì chúng ta yêu mến Chúa Giêsu và chúng ta
muốn thông dự vào Thánh Thể cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người. Thế nhưng,
chúng ta có yêu thương như Chúa Giêsu mong muốn những người anh chị em thiếu
thốn nhất hay chăng? Chẳng hạn, ở Rôma đây, trong những ngày này, chúng ta đã
thấy xẩy ra rất nhiều những khốn khó về xã hội hay vì mưa gió đã gây thiệt hại
nặng cho toàn diện các khu vực lân cận, hay vì thiếu công ăn việc làm, hậu quả
gây ra bởi cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới. Tôi tự vấn và mỗi người
chúng ta cần phải tự vấn mình xem tôi là người đi Lễ đã sống điều ấy ra sao? Tôi
có chắc chắn giúp đáp, đến gần, cầu nguyện cho những ai gặp phải vấn đề ấy hay
chăng? Hay tôi tỏ ra hơi lạnh lùng dửng dưng? Hoặc
tôi có lẽ lại quan tâm đến các chuyện tầm phào: các
bạn có thấy cách bà này phục sức, hay ông kia ăn mặc chăng? Đôi khi điều
này xẩy ra sau Lễ mà đáng lẽ không được như vậy! Chúng ta cần phải lo về những
người anh chị em của chúng ta đang cần giúp đỡ vì bệnh nạn, vì có vấn đề. Hôm
nay, chúng ta chỉ cần nghĩ đến những người anh chị em này của chúng ta đang gặp
những vấn đề ấy ở Rôma: những vấn đề gây ra bởi thảm cảnh do mưa gió gây ra, do
các vấn đề về xã hội và công ăn việc làm. Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu, Đấng
chúng ta lãnh nhận trong Thánh Thể, giúp chúng ta để chúng ta giúp họ.
Một dấu hiệu thứ hai,
dấu hiệu rất quan trọng đó là ơn cảm thấy mình được
thứ tha và sẵn sàng tha thứ. Đôi khi có những người hỏi rằng:
"Tại sao chúng ta cần phải đi nhà thờ trong khi đó
những người có thói quen tham dự Thánh Lễ lại là thành phần tội nhân như những
người khác chứ?" Biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe thấy điều này! Thực
tế cho thấy ai cử hành Thánh Thể mà không làm như vậy là vì họ tin tưởng họ khá
hơn người khác, hay muốn tỏ ra mình khá hơn người khác, thế nhưng thực sự là họ
cảm thấy mình cần được tình thương của Thiên Chúa đón nhận và tái sinh, một tình
thương đã hóa thành nhục thể nơi Chúa Giêsu Kitô. Nếu
từng người chúng ta không cảm thấy tình thương của Thiên Chúa, không cảm thấy
mình như là một tội nhân, thì thà đừng đi Lễ nữa! Chúng ta đi Lễ vì chúng
ta là những tội nhân và chúng ta muốn được Thiên Chúa thứ tha, muốn tham dự vào
ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, vào ơn tha thứ của Người. Lời "tôi thú nhận" chúng
ta đọc ở đầu lễ không phải là một thứ "pro forma - theo hình thức" mà là một
tác động thống hối thực sự! Tôi là một tội nhân và tôi xưng thú như vậy, đó là
cách mở đầu Thánh Lễ! Chúng ta không bao giờ được quên rằng Bữa Tiệc Ly của Chúa
Giêsu đã diễn ra "vào đêm Người bị phản nộp" (1Corinto 11:23). Ở nơi bánh và
rượu mà chúng ta hiến dâng và là bánh rượu qui tụ chúng ta lại thì mỗi lần được
tái diễn đều là tặng ân Mình và Máu Chúa Kitô để tha thứ tội lỗi của chúng ta.
Chúng ta cần phải đi Lễ một cách khiêm tốn, như là
những tội nhân để Chúa hòa giải với chúng ta.
Dấu hiệu quí
báu cuối cùng được cống hiến cho chúng ta bởi mối liên hệ giữa việc cử hành
Thánh Thể với đời sống nơi các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta bao giờ
cũng cần phải nhớ rằng Thánh Thể không phải là một
điều gì đó chúng ta làm; Thánh Thể không phải là việc chúng ta tưởng nhớ
đến những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Không. Thánh
Thể thực sự là hành động của Chúa Kitô! Chính Chúa Kitô tác động ở đó,
trên bàn thờ. Đó là một tặng ân của Chúa Kitô, Đấng làm cho Mình hiện diện và
qui tụ chúng ta lại quanh Người để nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của Người cũng
như bằng chính sự sống của Người. Tức là sứ vụ và chính căn tính của Giáo Hội
xuất phát từ đó, từ Thánh Thể, và cả hai điều này bao giờ cũng được hình thành ở
đó. Một cử hành thậm chí có thể hoàn hảo, theo quan
điểm ngoại tại, thế nhưng nếu nó không dẫn chúng ta đến chỗ gặp gỡ Chúa Giêsu
thì nó có nguy cơ không mang lại bất cứ một bổ dưỡng nào cho cả tâm hồn lẫn đời
sống của chúng ta. Trái lại, nhờ Thánh Thể, Chúa Kitô muốn tiến vào cuộc
đời của chúng ta và làm cho nó thấm nhiễm ân sủng của Người, nhờ đó nơi hết mọi
cộng đồng Kitô hữu có được mối gắn bó giữa phụng vụ và đời sống.
Tâm can của
chúng ta tràn đầy niềm tin tưởng và hy vọng khi nghĩ đến những lời Chúa Giêsu
nói được thuật lại trong Phúc Âm Thánh Gioan: "Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi
thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết" (6:54).
Chúng ta hãy sống Thánh Thể bằng một tinh thần đức tin, tinh thần cầu nguyện,
tinh thần thống hối, tinh thần hân hoan cộng đồng, tinh thần quan tâm đến thành
phần thiếu thốn cũng như đến các nhu cầu của rất nhiều anh chị em, tin tưởng
rằng Chúa sẽ hoàn tất những gì Người đã hứa với chúng ta đó là sự sống đời đời.
Chớ gì được như vậy!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/on-how-we-live-the-eucharist (Những chỗ in mầu là do người dịch tự ý nhấn mạnh)
Thứ Tư 19/2/2014: Bài 6 - Bí Tích Giải Tội
Xin chào Anh
Chị Em thân mến buổi sáng!
Nhờ các Bí
Tích Gia Nhập Kitô Giáo - Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể - con người lãnh nhận
sự sống mới trong Chúa Kitô. Giờ đây chúng ta chưa đựng sự sống này "trong những
cái bình sành" (2Corintô 4:7), chúng ta vẫn còn chịu cám dỗ, chịu khổ đau, chịu
chết, và vì tội lỗi, chúng ta vẫn có thể bị mất đi sự sống mới ấy. Đó là lý do
tại sao Chúa Giêsu muốn Giáo Hội của Người tiếp tục
công việc cứu độ của Người đối với các phần thể của Giáo Hội, đặc biệt là bằng
Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, các bí tích có thể liên
kết lại mang tên gọi là "Các Bí Tích Chữa Lành". Bí Tích Hòa Giải là một Bí Tích
chữa lành. Khi tôi đi xưng tội là tôi chữa lành bản thân mình, chữa lành linh
hồn tôi, chữa lành cõi lòng tôi cũng như chữa lành bất cứ sự gì xẩy ra không
tốt. Hình ảnh Thánh kinh diễn tả hay nhất về mối liên hệ sâu xa của những
sự cần được chữa lành này đó là đoạn về việc tha thứ và chữa lành cho người bại
liệt, đoạn Chúa Giêsu tỏ mình Người ra là vị y sĩ của
cả linh hồn lẫn thân xác (cf. Mark 2:1-12; Matthew 9:1-8; Luke 5:17-26).
1-
Bí Tích Thống Hối và Hòa Giải này trực tiếp xuất phát
từ Mầu Nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, vào chính buổi tối Phục Sinh, Chúa đã
hiện ra với các môn đệ đang ẩn mình trong Nhà Tiệc Ly, và sau khi chào họ bằng
câu "Bình an cho các con!" Người đã thở hơi trên các vị mà phán: "Các con hãy
nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội của họ được thứ tha" (Gioan
20:21-23). Đoạn này cho chúng ta thấy cái động lực sâu xa nhất nơi Bí Tích này.
Trước hết, sự kiện thứ tha tội lỗi của chúng ta không
phải là những gì chúng ta có thể ban phát cho mình. Tôi không thể nói
rằng: Tôi tha thứ tội lỗi của tôi. Ơn tha thứ là những gì cần phải kêu xin, nó
cần phải kêu xin người khác và trong việc Xưng Tội chúng ta xin Chúa Giêsu ơn
tha thứ. Ơn thứ tha không phải là hoa trái do nỗ lực của chúng ta tạo nên mà là
một tặng ân, một tặng ân của Thánh Linh, Đấng làm cho chúng ta trọn vẹn được ơn
thanh tẩy của tình thương và của ân sủng, một ơn thanh tẩy không ngừng tuôn ra
từ trái tim rộng mở của Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Sau nữa, chúng ta cần nhớ
rằng chỉ khi nào chúng ta để cho mình, trong Chúa Giêsu, được hòa giải với Cha
và với anh chị em mình, chúng ta mới có thể thực sự sống bình an. Và tất cả
chúng ta đều nghe thấy điều này trong lòng khi chúng ta đi xưng tội với cả một
gánh nặng trong linh hồn, một chút buồn khổ nào đó; và khi chúng ta được ơn thứ
tha của Chúa Giêsu chúng ta cảm thấy được bình an, thứ bình an trong linh hồn
rất tuyệt vời này chỉ có Chúa Giêsu mới có thể ban tặng, chỉ một mình Người mà
thôi.
2- Theo
giòng thời gian, việc cử hành Bí Tích này trải qua từ hình thức Xưng Tội công
khai đến hình thức cá nhân và riêng biệt. Tuy nhiên, điều này không được làm cho
chúng ta đánh mất đi tính chất Giáo Hội là những gì tạo nên một môi trường quan
trọng. Thật vậy, cộng đồng Kitô hữu là nơi cho Thần Linh hiện diện, Đấng canh
tân cõi lòng trong tình yêu của Thiên Chúa và làm cho tất cả mọi anh chị em nên
một trong Chúa Giêsu Kitô. Bởi thế mà việc xin Chúa ơn
tha thứ trong tâm trí của chúng ta thôi chưa đủ, mà cần phải xưng thú các tội
lỗi của mình một cách khiêm tốn và tin tưởng với vị thừa tác viên của Giáo Hội
nữa. Trong việc cử hành Bí Tích này, vị linh
mục chẳng những đại diện Thiên Chúa mà còn tất cả cộng đồng nữa, một cộng
đồng nhìn nhận bản thân mình nơi tính chất yếu hèn ở từng phần tử của mình, một
cộng đồng cảm kích khi lắng nghe lòng thống hối của con người, một cộng đồng hòa
giải với con người, một cộng đồng phấn khích và hỗ trợ con người trên con đường
hoán cải và trưởng thành về nhân bản cũng như về Kitô giáo. Người ta có thể nói
rằng tôi chỉ xưng tội với Thiên Chúa thôi. Đúng thế, bạn có thể nói cùng Thiên
Chúa rằng "xin tha thứ cho con" rồi kể lể tội lỗi của mình ra, thế nhưng tội lỗi
của chúng ta cũng phạm đến cả anh chị em, phạm đến Giáo Hội nữa. Vì thế cần phải
xin tha thứ từ Giáo Hội, từ anh chị em, nơi con người của vị linh mục.
"Thế nhưng thưa Cha, con cảm thấy xấu hổ..." Kể
cả vấn đề cảm thấy xấu hổ cũng tốt nữa, thật là lành
mạnh khi cảm thấy xấu hổ một chút nào đó; cảm thấy xấu hổ là những gì lành mạnh.
Khi một người không cảm thấy hổ thẹn, ở xứ sở của tôi, chúng tôi nói rằng họ là
một “sin vergüenza” (không biết xấu hổ). Thế nhưng cho dù là xấu hổ cũng giúp
cho chúng ta nữa, vì nó làm cho chúng ta trở nên khiêm nhượng hơn, và vị linh
mục lắng nghe việc xưng tội này một cách yêu thương và dịu dàng rồi nhân danh
Chúa mà tha tội.
Ngay cả theo
quan điểm nhân loại, để trao trút cần phải nói chuyện với một người anh chị em
và nói với vị linh mục về những điều đang đè nặng trên tâm hồn của tôi. Và người
ta cảm thấy rằng họ thực hiện việc trao trút trước Thiên Chúa với Giáo Hội, với
anh chị em. Đừng sợ Xưng Tội! Khi người ta đứng xếp hàng chờ xưng tội, họ cảm
thấy những điều ấy, thậm chí cảm thấy xấu hổ, thế nhưng sau đó, khi chấm dứt
việc Xưng Tội, họ lại cảm thấy thoải mái, phấn khởi, tuyệt vời, thứ tha, thanh
sạch, hạnh phúc. Đó là vẻ đẹp của việc Xưng Tội! Tôi xin hỏi anh chị em - nhưng
đừng trả lời to tiếng, mỗi người tự đáp lại lấy trong lòng mình - đó là
anh chị em đã đi xưng tội lần vừa rồi khi nào vậy,
lần anh chị em đã xưng tội? Mỗi người hãy nghĩ về nó đi... Phải chăng là hai
ngày, hai tuần, hai năm, hai mươi năm, bốn mươi năm? Và nếu đã qua đi một thời
gian dài thì đừng bỏ lỡ cơ hội khác, hãy đi, vị linh mục sẽ là một vị tốt lành.
Chúa Giêsu ở đó, và Chúa Giêsu còn tốt lành hơn các vị linh mục nhiều, Chúa
Giêsu là Đấng tiếp nhận anh chị em, Người hết sức yêu thương tiếp nhận anh chị
em. Hãy can đảm và đi Xưng Tội nhé!
Các bạn thân
mến, việc cử hành Bí Tích Hòa Giải nghĩa là việc được
ấp ủ một cách ấm áp: nó là tác động ôm ấp của
Người Cha vô cùng yêu xót thương. Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn tuyệt vời,
tuyệt vời về người con bỏ nhà mình mà đi mang theo tiền bạc được thừa hưởng; hắn
đã phung phí tất cả tiền bạc, để rồi khi hắn không còn gì nữa, hắn đã quyết định
trở về nhà, không phải như là một người con mà là một tên đầy tớ. Hắn chất chứa
trong lòng rất ư là nhiều lầm lỗi và cảm thấy hết sức là hổ thẹn. Lạ lùng thay
khi hắn bắt đầu nói, xin tha thứ, thì người cha lại không để hắn nói, đã ôm lấy
hắn, đã hôn hắn và mở tiệc mừng. Nhưng tôi xin nói cùng các bạn rằng:
mỗi khi chúng ta xưng tội là mỗi lần Thiên Chúa ôm lấy
chúng ta, Thiên Chúa mở tiệc ăn mừng! Chúng ta hãy tiến bước theo con
đường ấy. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/on-the-sacrament-of-penance (Những chỗ in mầu là do người dịch tự ý nhấn mạnh)
Thứ Tư 26/2/2014: Bài 7 -
Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân
Xin chào
Anh Chị Em buổi sáng!
Hôm nay tôi
sẽ nói cùng anh chị em về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân,
một bí tích giúp cho tay của chúng ta có thể chạm đến con người bằng lòng cảm
thương của Thiên Chúa. Trong qua khứ bí tích này được gọi là "Extreme
Unction - Xức Dầu Sau Hết", vì được hiểu như niềm an ủi thiêng liêng cuối cùng
trong giờ lâm chung. Trái lại, kiểu nói "Xức Dầu Bệnh
Nhân" giúp chúng ta nới rộng cái nhìn của chúng ta về cảm nghiệm bệnh hoạn và
khổ đau, hướng về tình thương của Thiên Chúa.
1- Một hình
ảnh thánh kinh diễn tả một cách sâu xa tất cả mầu nhiệm đượ tỏa chiếu nơi việc
Xức Dầu Bệnh Nhân, đó là dụ ngôn "Người Samaritanô Nhân Lành" trong Phúc Âm
Thánh Luca (10:30-35). Tất cả những lần chúng ta cử hành Bí Tích này của Chúa
Giêsu, nơi bản thân của vị linh mục, là chúng ta đến gần với những ai khổ đau và
lâm trọng bệnh hay già yếu. Dụ ngôn ấy cho thấy rằng Người Samaritanô Nhân Lành
chăm sóc cho người khổ nạn, đổ dầu và rượu lên các vết thương của nạn nhân. Dầu
làm cho chúng ta nghĩ đến những gì được làm phép hằng năm bởi Giám Mục trong Lễ
Truyền Dầu Thứ Năm Tuần Thánh, chính yếu cho việc Xức Dấu Bệnh Nhân. Trái lại,
rượu là dấu hiệu của yêu thương và ân sủng của Chúa Kitô tuôn ra từ việc Người
hiến sự sống của Người cho chúng ta và được thể hiện với tất cả tính chất phong
phú của nó nơi đời sống bí tích của Giáo Hội. Sau hết, con người khổ nạn được ký
gửi cho một chủ quán trọ, để người chủ quán tiếp tục chăm sóc cho họ, bất kể tốn
kém bao nhiêu. Vậy ai là người chủ quán trọ này? Chính là Giáo Hội, là cộng đồng
Kitô hữu; chính là chúng ta là thành phần hằng ngày được Chúa Giêsu ký thác cho
những ai khốn khổ về thân xác cũng như tinh thần, để chúng ta có thể tiếp tục
rộng tay tuôn đổ xuống trên họ tất cả tình thương và ơn cứu độ của Người.
2- Sứ vụ này
được hiển nhiên và thực sự chứng thực nơi Thư của Thánh Giacôbê, trong đó ngài
khuyên rằng: "Trong anh em có ai bị bệnh ư? Hãy yêu cầu các vị trưởng lão trong
Giáo Hội, và các vị cầu nguyện cho họ, nhân danh Chúa mà xức dầu cho họ; và lời
cầu nguyện của đức tin sẽ cứu bệnh nhân, và Chúa sẽ nâng họ lên; nếu họ đã sa
ngã phạm tội thì sẽ được thứ tha" (5:14-15). Bởi thế, đây là một việc được thực
hiện vào thời các Thánh Tông Đồ. Thật vậy, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của
Người có cùng tấm lòng như Người trong việc yêu chuộng người bệnh hoạn và khổ
đau, và Người đã truyền đạt cho các vị khả năng và công việc để tiếp tục cống
hiến một cách nhưng không, nhân danh Người và theo tấm lòng của Người, những gì
làm dịu bớt và mang lại an bình nhờ ân sủng đặc biệt của Bí Tích này. Tuy nhiên,
điều ấy không khiến cho chúng ta trở thành mù quáng theo đuổi tìm kiếm một phép
lạ nào đó, hay giả tưởng rằng bao giờ mình cũng được chữa lành trong hết mọi
trường hợp. Thực sự bí tích này là một bảo đảm về việc
Chúa Giêsu cận kề với bệnh nhân cũng như với cả người già lão nữa, vì hết
mọi người già lão, hết mọi người trên 65 tuổi, đều có
thể lãnh nhận Bí Tích ấy (every elderly person, every person over the age
of 65, can receive this Sacrament), nhờ đó chính Chúa
Giêsu mang chúng ta đến gần với Người hơn.
Thế nhưng
khi có một bệnh nhân, đôi khi chúng ta lại nghĩ rằng: "Chúng ta hãy gọi linh mục
đến"; "Đừng, đừng gọi ngài kẻo ngài mang bất hạnh đến thì sao", hoặc cũng có
thể "kẻo bệnh nhân sẽ cảm thấy run sợ". Tại sao người ta lại có thể nghĩ được
như thế chứ? Bởi hơi có ý nghĩ là vì sau khi vị linh mục đến nhà quàn. Điều ấy
không đúng. Vị linh mục đến giúp cho bệnh nhân hay lão nhân; vì thế mà việc
viếng thăm của linh mục rất quan trọng đối với bệnh nhân. Anh chị em cần gọi
linh mục mà nói rằng: "Xin cha hãy đến xức dầu và ban phép lành cho họ".
Chính Chúa Giêsu đến cho bệnh nhân được cảm thấy nhẹ
nhàng, được tăng sức, được hy vọng, được trợ giúp, thậm chí còn được tha tội
nữa. Điều ấy thật là tuyệt vời! Không cần nghĩ rằng đó là những gì cấm
kỵ, vì bao giờ cũng tuyệt vời khi biết rằng trong giây phút đớn đau và bệnh hoạn
cúng ta không lẻ loi cô độc một mình: vị linh mục cùng với những người hiện diện
trong việc Xức Dầu Bệnh Nhân là đại diện cho cộng đồng Kitô hữu, như một thân
thể duy nhất gắn bó chung quanh những ai khổ đau và thân bằng quyến thuộc của
họ, nuôi dưỡng đức tin và đức cậy nơi họ, cùng nâng đỡ họ bằng lời nguyện cầu và
tình huynh đề nồng nàn. Thế nhưng, niềm an ủi lớn lao nhất xuất phát từ sự kiện
là chính Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong Bí Tích
này, Đấng chạm tay đến chúng ta, Ngài chăm sóc chúng ta như Người đã làm với
thành phần bệnh nhân và nhắc nhở chúng ta rằng giờ đây chúng ta thuộc về Người
và không có bất cứ một sự gì - kể cả sự dữ hay sự chết - có thể tách chúng ta ra
khỏi Người. Chúng ta hãy có thói quen gọi linh mục để người bệnh của
chúng ta - tôi không nói đến những ai bị cảm cúm 3 hay 4 ngày, mà là những ai bị
bệnh nặng (serious sickness) và cả thành phần già lão của chúng ta nữa, để vị
linh mục đến ban cho họ Bí Tích này, ban cho họ niềm an ủi, ban cho họ sức mạnh
của Chúa Giêsu để họ tiến bước. Chúng ta hãy làm điều ấy!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.zenit.org/en/articles/on-the-anointing-of-the-sick
(Những chỗ in mầu là do người dịch tự ý nhấn mạnh)
Thứ Tư 26/3/2014: Bài 8 -
Bí Tích Truyền Chức Thánh
Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đã
thấy rằng ba Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể cùng nhau tạo nên mầu nhiệm
"gia nhập Kitô giáo", một đại biến cố đặc thù của ân sủng tái sinh chúng ta
trong Chúa Kitô. Đó là ơn gọi nền tảng liên kết tất cả chúng ta vào Giáo Hội như
là thành phần môn đệ của Chúa Giêsu. Rồi còn hai Bí Tích hợp với hai ơn gọi đặc
biệt nữa, đó là Bí Tích Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. Chúng tạo nên hai cách
thức cao cả nhờ đó người Kitô hữu có thể biến đời sống của mình thành một cuộc
trao tặng yêu thương, theo gương Chúa Kitô và nhân danh Chúa Kitô, để hợp tác
vào việc xây dựng Giáo Hội.
Bí Tích Truyền Chức Thánh, được phân kết thành ba cấp trật là giáo phẩm / giám
mục, giáo sĩ / linh mục và phó tế, là Bí Tích giúp thực hiện thừa tác vụ được
Chúa Giêsu ký thác cho các Tông Đồ trong việc chăm nuôi đàn chiên của Người,
bằng quyền năng của Thần linh và theo như tấm lòng của Người. Việc chăm nuôi đàn
chiên của Chúa Giêsu không phải bằng quyền năng của sức mạnh loài người hay bằng
sức mạnh của riêng mình, mà là bằng quyền năng của Thần Linh và theo như tấm
lòng của Người, mà tấm lòng của Chúa Giêsu là một tấm lòng yêu thương.
Vị linh mục, Giám Mục, phó tế cần phải chăm nuôi đàn chiên của Chúa bằng tình
yêu thương. Nếu họ không làm như thế bằng tình yêu thương thì thật là vô dụng.
Theo ý nghĩa ấy thì các vị thừa tác viên được tuyển chọn và thánh hiến cho việc
phục vụ này kéo dài việc hiện diện của Chúa Giêsu trong thời gian, nếu các vị
làm như thế bằng quyền năng của Thánh Linh nhân danh Thiên Chúa và bằng tình yêu
thương.
Khía cạnh thứ nhất.
Những ai thụ phong thì được đặt làm đầu của cộng đồng. Các vị thật sự "làm đầu"
đấy, nhưng đối với Chúa Giêsu thì có nghĩa là sử dụng quyền bính của mình để
phục vụ, như chính Người đã chứng tỏ và dạy các môn đệ khi nói những lời này:
"Các con biết rằng các kẻ cai trị thuộc Dân Ngoại thì làm chủ trên họ và thành
phần làm lớn của họ thi hành quyền bính trên họ. Nhưng nơi các con lại không như
thế; ai muốn làm lớn trong các con thì phải làm đầy tớ của các con, và ai muốn
làm đầu trong các con thì phải làm tôi mọi cho các con; như chính Con Người đã
đến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá
chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:25-28; Marcô 10:42-45).
Một Giám Mục không phục vụ cộng đồng thì chẳng ích gì, một linh mục không phục
vụ cộng đồng thì chẳng lợi chi, chỉ là lầm lạc.
Một đặc tính khác
luôn xuất phát từ mối liên kết bí tích với Chúa Kitô đó là "tình yêu tha thiết
đối với Giáo Hội". Chúng ta nghĩ đến đoạn Thư gửi Cộng Đoàn Êphêsô có lời Thánh
Phaolô nói rằng Chúa Kitô "đã yêu thương Giáo Hội và đã hiến mình cho Giáo Hội,
để Người thánh hóa Giáo Hội, thanh tẩy Giáo Hội bằng việc rửa sạch bởi lời, để
Người có được một Giáo Hội rạng ngời, vô tì tích, không nhăn nheo hay bất cứ
những gì như thế" (5:25-27). Vì Bí Tích Truyền Chức Thánh mà vị thừa tác viên hy
hiến tất cả con người mình cho cộng đồng và hết lòng yêu thương cộng đồng: đó là
gia đình của ngài.
Vị Giám Mục và linh mục yêu thương Giáo Hội nơi cộng đồng của mình, các vị yêu
thương Giáo Hội một cách tha thiết. Bằng cách nào? Như Chúa Kitô yêu thương Giáo
Hội.
Thánh Phaolô cũng nói như thế về hôn phối: người chồng yêu thương vợ mình như
Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội. Đó là một mầu nhiệm cao cả của yêu thương: thừa
tác vụ tư tế này và thừa tác vụ hôn phối, hai Bí Tích trở thành đường lối nhờ đó
con người thường dùng để đến cùng Chúa.
Khía cạnh cuối cùng.
Thánh Tông Đồ Phaolô khuyến dụ người môn đệ Timôthêu của mình là đừng sao lãng
mà là luôn tái sộng động tặng ân nơi bản thân mình. Tặng ân được ban cho anh qua
việc đặt tay (cf. 1 Timothy 4:14; 2 Timothy 1:6). Khi thừa tác vụ
-
thừa tác vụ của Giám Mục, thừa tác vụ của linh mục
-
không được nuôi dưỡng
bằng việc nguyện cầu, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, và bằng việc hằng ngày cử
hành Thánh Thể cùng với việc thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Thống Hối, thì không
thể nào tránh được tình trạng con người tiến đến chỗ đánh mất ý nghĩa đích thực
của việc phục vụ và niềm vui của mình là những gì xuất phát từ mối hiệp thông
sâu xa với Chúa Giêsu.
Vị Giám Mục không cầu nguyện, vị Giám Mục không lắng nghe Lời Chúa, không cử
hành Thánh Lễ hằng ngày, không thường xuyên đi Xưng Tội, cũng thế đối với linh
mục không làm những điều ấy,
thì về lâu về dài sẽ mất đi mối liên kết với Chúa Giêsu và trở thành một con
người tầm thường chẳng giúp gì cho Giáo Hội.
Bởi thế, chúng ta cần phải giúp các Giám Mục và linh mục cầu nguyện, lắng nghe
Lời Chúa như bữa ăn hằng ngày; cử hành Thánh Thể mỗi ngày và thường xuyên Xưng
Tội. Đó là những gì rất quan trọng vì
nó thực sự liên quan đến việc thánh hóa của các Giám Mục và linh mục.
Tôi xin kết thúc bằng một điều trong đầu đó là người ta cần phải làm gì để trở
thành một linh mục?
Ở đâu có thể tìm mua được thiên chức linh mục?
Không.
Không có vấn đề mua bán thiên chức linh mục. Nó là một khởi động được Chúa thực
hiện.
Chúa kêu gọi. Người kêu gọi ai Người muốn để trở thành linh mục.
Có lẽ ở nơi đây có một số bạn trẻ đã cảm thấy ơn gọi này trong lòng mình, có ước
muốn trở thành linh mục, ước muốn phục vụ người khác nơi những gì từ Thiên Chúa
mà đến, ước muốn hiến cả đời mình để giúp giáo lý, rửa tội, tha tội, cử hành
Thánh Thể, chăm sóc bệnh nhân... và hiến cả cuộc đời của mình như thế. Nếu ai
trong các bạn đã cảm thấy điều ấy trong lòng thì chính là Chúa Giêsu đã tác động
đó. Hãy trân trọng lời mời gọi này và hãy cầu nguyện để nó gia tăng và sinh hoa
kết trái trong toàn Giáo Hội nhé.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, những chỗ in nghiêng và mầu là do người dịch tự
ý nhấn mạnh
http://www.zenit.org/en/articles/on-the-sacrament-of-holy-orders
Thứ Tư 26/3/2014: Bài 9 -
Bí Tích Hôn Phối
Xin chào buổi sáng Anh Chị Em thân mến!
Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý về các Bí Tích bằng bài về Hôn Phối.
Bí tích này dẫn chúng ta tới tâm điểm của dự án Thiên Chúa, đó là một dự án giao
ước với dân Ngài, với tất cả chúng ta, một dự án hiệp thông. Mở đầu Sách Khởi
Nguyên, cuốn Sách đầu tiên của Thánh Kinh, để hoàn tất trình thuật tạo dựng,
sách này kể rằng: "Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài,
theo hình ảnh của mình Thiên Chúa đã dựng nên họ; Ngài đã dựng nên họ có nam có
nữ... Bởi thế, người nam lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ của mình, và họ trở
nên một xác thịt" (1:27;2:24).
Đôi phối ngẫu là hình ảnh của Thiên Chúa: con người nam và con người nữ, chẳng
phải duy chỉ người nam thôi, chẳng phải duy chỉ người nữ thôi, mà là cả hai. Đó
là hình ảnh Thiên Chúa: tình yêu, giao ước của Thiên Chúa với chúng ta được tiêu
biểu nơi giao ước giữa nam và nữ. Điều này thật là đẹp! Chúng ta được dựng nên
để yêu thương, để phản ảnh Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Và nơi mối hiệp nhất
phối ngẫu, người nam và người nữ hiện thực hóa ơn gọi này, ở chỗ hỗ tương lẫn
nhau và hiệp thông với nhau bằng một đời sống trọn vẹn và vĩnh viễn.
Khi người nam và người nữ cử hành Bí Tích Hôn Phối thì có thể nói Thiên Chúa
được "phản ảnh" nơi họ, Ngài in ấn nơi họ những tính chất của Ngài cùng với đặc
tính bất khả xóa nhòa của tình yêu Ngài. Hôn nhân là hình ảnh về tình yêu của
Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật vậy, Thiên Chúa cũng hiệp thông nữa, đó là Ba
Ngôi Vị Cha, Con và Thánh Thần luôn luôn và vĩnh viễn sống trong mối hiệp nhất
trọn hảo. Đấy thực sự là mầu nhiệm của Hôn Nhân, ở chỗ Thiên Chúa làm cho đôi
phối ngẫu trở thành một cuộc sống duy nhất. Thánh Kinh sử dụng một lời diễn tả
mạnh mẽ là "một xác thịt", một diễn tả cho thấy mối hiệp nhất rất thân mật giữa
người nam và người nữ nơi đời sống hôn nhân. Mầu nhiệm của hôn nhân chính là ở
chỗ tình yêu của Thiên Chúa được phản ảnh nơi đôi nam nữ quyết định sống chung
với nhau. Bởi thế người nam lìa bỏ gia đình của mình, lìa bỏ gia đình cha mẹ
mình mà sống với vợ mình, và liên hợp bản thân mình với vợ một cách mãnh liệt
đến độ cả hai trở nên một xác thịt như Thánh Kinh nói.
Trong Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự kiện về một mầu
nhiệm rất cao cả phản ảnh nơi thành phần phối ngẫu Kitô hữu, đó là mối liên hệ
Chúa Kitô thiết lập với Giáo Hội, một mối liên hệ phối ngẫu (5:21-33). Giáo Hội
là Hôn Thê của Chúa Kitô. Mối liên hệ là thế. Tức là Hôn Nhân đáp ứng một ơn gọi
đặc biệt và cần phải được coi như là một thứ thánh hiến (cf. Gaudium et spes,
48; Familiaris consortio, 56). Nó là một thứ thánh hiến ở chỗ người nam và người
nữ được thánh hiến trong tình yêu của họ. Bởi Bí Tích này, đôi phối ngẫu thực sự
được đầu tư vào một sứ vụ thực sự và thích đáng, để họ có thể hiển hiện hóa, từ
những gì tầm thường, tình yêu thương Chúa Kitô tỏ ra với Giáo Hội của Người,
tiếp tục cống hiến sự sống của Người cho Giáo Hội, một cách trung thành và phục
vụ.
Thật là một dự án kỳ diệu được chất chứa nơi Bí Tích Hôn Phối! Và dự án này được
thể hiện một cách đơn thường cũng như một cách mong manh nơi thân phận con
người. Chúng ta biết rõ là có biết bao nhiêu là khó khăn và thử thách xẩy ra nơi
đời sống vợ chồng. Điều quan trọng đó là làm sao giữ được mối liên hệ với Thiên
Chúa, Đấng là nền tảng của mối liên hệ phối ngẫu. Mối liên hệ thực sự này bao
giờ cũng là mối liên hệ với Chúa. Khi gia đình cầu nguyện thì mối liên hệ ấy
được bảo tồn. Khi người chồng cầu nguyện cho người vợ và người vợ cầu nguyện cho
người chồng, thì mối liên hệ ấy trở nên vững mạnh; người này cầu nguyện cho
người kia.
Đời sống hôn nhân thật sự là có nhiều thứ khó khăn, nhiều lắm, nào là việc làm,
nào là bị thiếu thốn tiền bạc, nào là con cái có vấn đề - rất ư là nhiều khốn
khó. Nên rất thường xẩy ra chuyện vợ chồng trở nên lo lắng và cải vã nhau. Họ
cãi nhau - bao giờ cũng thế thôi nơi đời sống hôn nhân - đôi khi đến độ đĩa bay
chén bay (plates fly). Tuy nhiên, chúng ta không được vì thế mà tỏ ra buồn thảm;
thân phận của con người là thế đó. Cái bí mật đó là tình yêu mạnh hơn cả những
lúc cải nhau nữa, nên tôi bao giờ cũng khuyên nhủ các cặp vợ chồng rằng: Đừng
bao giờ kết thúc ngày sống khi anh chị cãi nhau mà chưa làm hòa với nhau. Hãy
luôn luôn làm như thế! Thì không cần phải gọi Liên Hiệp Quốc tới nhà của mình để
giải hòa. Một cử chỉ nho nhỏ nào đó, một ân cần chăm sóc nào đó, một tiếng chào
thôi cũng đủ! Thế rồi sang ngày mai - và ngày mai người ta bắt đầu lại. Đó là
cuộc sống; cần phải tiến bước như thế, cần phải tiến tới bằng tấm lòng can đảm
muốn sống với nhau. Đó là những gì cao cả, những gì đẹp đẽ! Đời sống hôn nhân là
một thứ gì đẹp nhất và chúng ta cần phải luôn canh chừng nó, bảo vệ con cái.
Ở quảng trường này có những lần tôi đã từng nói một điều có thể giúp ích nhiều
cho đời sống hôn nhân. Có ba lời luôn luôn cần phải nói, ba lời cần phải nói
trong gia đình, đó là xin làm ơn - please / permesso, xin cám ơn - thank you /
grazie, xin thứ cho - sorry / scusa, ba lời nói có ma lực.
Xin làm ơn, để tránh xâm phạm vào đời sống của người phối ngẫu. Xin làm ơn, thế
nhưng lời nói này anh chị em thấy sao? Xin làm ơn cho tôi.
Xin cám ơn để cám ơn người bạn đời của mình: xin cám ơn anh/em về điều anh/em
làm cho anh/em, xin cám ơn anh/em về điều đó nhé. Đẹp đẽ biết bao khi ngỏ lời
cám ơn!
Và khi tất cả chúng ta gây ra lầm lỗi, thì một lời nói khác hơi khó nói nhưng
vẫn cần phải nói đó là: xin tha cho.
Xin làm ơn, xin cám ơn, xin tha cho. Bằng 3 lời nói này, bằng việc cầu nguyện
của người chồng cho người vợ và ngược lại, bằng việc bao giờ cũng làm hòa trước
khi kết thúc ngày sống, thì cuộc đời hôn nhân sẽ tiến phát - ba lời nói ma lực,
việc cầu nguyện và luôn làm hòa.
Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
http://www.zenit.org/en/articles/on-the-sacrament-of-marriage