Dẫn nhập: Nếu bài Giáo Lý thứ 5 về đề tài Sống Thánh Thể tuần trước đã có thể làm cho chúng ta không nhiều thì ít cảm thấy nhức nhối khi chúng ta thành tâm tự kiểm theo những gì được ĐTC Phanxicô chia sẻ và gợi ý, thì bài Giáo Lý thứ 6 hôm nay về Bí Tích Giải Tội của ngài chẳng những giúp cho chúng ta nắm bắt được lý do sâu xa tại sao chúng ta cần phải xưng tội với vị một linh mục, (hoàn toàn tương phản với chủ trương của anh chị em Tin Lành), mà còn cảm thấy phấn khởi đi xưng tội nữa. Với tất cả tâm hồn cởi mở, lắng nghe và sẵn sàng đáp ứng, chúng ta hãy cùng nhau nghiền gẫm bài giáo lý nặng ký về mục vụ hơn về tín lý của vị giáo hoàng rất thực tế đương kim của chúng ta, vị giáo hoàng, qua các bài giáo huấn rất mục vụ của ngài, chẳng khác nào như Chúa Kitô luôn ở bên cạnh cuộc sống đạo của chúng ta, thấu hiểu chúng ta và luôn nâng đỡ chúng ta trong thiện chí và nỗ lực tiến bước theo Người đến cùng của chúng ta trong cuộc hành trình đức tin đầy cam go thử thách ở thời điểm "cấn đến Lòng thương Xót Chúa hơn" hiện nay.
 
 
 
Thứ Tư 19/2/2014: Bài 6 - Bí Tích Giải Tội

Xin chào Anh Chị Em thân mến buổi sáng!

Nhờ các Bí Tích Gia Nhập Kitô Giáo - Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể - con người lãnh nhận sự sống mới trong Chúa Kitô. Giờ đây chúng ta chưa đựng sự sống này "trong những cái bình sành" (2Corintô 4:7), chúng ta vẫn còn chịu cám dỗ, chịu khổ đau, chịu chết, và vì tội lỗi, chúng ta vẫn có thể bị mất đi sự sống mới ấy. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu muốn Giáo Hội của Người tiếp tục công việc cứu độ của Người đối với các phần thể của Giáo Hội, đặc biệt là bằng Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, các bí tích có thể liên kết lại mang tên gọi là "Các Bí Tích Chữa Lành". Bí Tích Hòa Giải là một Bí Tích chữa lành. Khi tôi đi xưng tội là tôi chữa lành bản thân mình, chữa lành linh hồn tôi, chữa lành cõi lòng tôi cũng như chữa lành bất cứ sự gì xẩy ra không tốt. Hình ảnh Thánh kinh diễn tả hay nhất về mối liên hệ sâu xa của những sự cần được chữa lành này đó là đoạn về việc tha thứ và chữa lành cho người bại liệt, đoạn Chúa Giêsu tỏ mình Người ra là vị y sĩ của cả linh hồn lẫn thân xác (cf. Mark 2:1-12; Matthew 9:1-8; Luke 5:17-26).

1- Bí Tích Thống Hối và Hòa Giải này trực tiếp xuất phát từ Mầu Nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, vào chính buổi tối Phục Sinh, Chúa đã hiện ra với các môn đệ đang ẩn mình trong Nhà Tiệc Ly, và sau khi chào họ bằng câu "Bình an cho các con!" Người đã thở hơi trên các vị mà phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội của họ được thứ tha" (Gioan 20:21-23). Đoạn này cho chúng ta thấy cái động lực sâu xa nhất nơi Bí Tích này. Trước hết, sự kiện thứ tha tội lỗi của chúng ta không phải là những gì chúng ta có thể ban phát cho mình. Tôi không thể nói rằng: Tôi tha thứ tội lỗi của tôi. Ơn tha thứ là những gì cần phải kêu xin, nó cần phải kêu xin người khác và trong việc Xưng Tội chúng ta xin Chúa Giêsu ơn tha thứ. Ơn thứ tha không phải là hoa trái do nỗ lực của chúng ta tạo nên mà là một tặng ân, một tặng ân của Thánh Linh, Đấng làm cho chúng ta trọn vẹn được ơn thanh tẩy của tình thương và của ân sủng, một ơn thanh tẩy không ngừng tuôn ra từ trái tim rộng mở của Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Sau nữa, chúng ta cần nhớ rằng chỉ khi nào chúng ta để cho mình, trong Chúa Giêsu, được hòa giải với Cha và với anh chị em mình, chúng ta mới có thể thực sự sống bình an. Và tất cả chúng ta đều nghe thấy điều này trong lòng khi chúng ta đi xưng tội với cả một gánh nặng trong linh hồn, một chút buồn khổ nào đó; và khi chúng ta được ơn thứ tha của Chúa Giêsu chúng ta cảm thấy được bình an, thứ bình an trong linh hồn rất tuyệt vời này chỉ có Chúa Giêsu mới có thể ban tặng, chỉ một mình Người mà thôi.

2- Theo giòng thời gian, việc cử hành Bí Tích này trải qua từ hình thức Xưng Tội công khai đến hình thức cá nhân và riêng biệt. Tuy nhiên, điều này không được làm cho chúng ta đánh mất đi tính chất Giáo Hội là những gì tạo nên một môi trường quan trọng. Thật vậy, cộng đồng Kitô hữu là nơi cho Thần Linh hiện diện, Đấng canh tân cõi lòng trong tình yêu của Thiên Chúa và làm cho tất cả mọi anh chị em nên một trong Chúa Giêsu Kitô. Bởi thế mà việc xin Chúa ơn tha thứ trong tâm trí của chúng ta thôi chưa đủ, mà cần phải xưng thú các tội lỗi của mình một cách khiêm tốn và tin tưởng với vị thừa tác viên của Giáo Hội nữa. Trong việc cử hành Bí Tích này, vị linh mục chẳng những đại diện Thiên Chúa mà còn tất cả cộng đồng nữa, một cộng đồng nhìn nhận bản thân mình nơi tính chất yếu hèn ở từng phần tử của mình, một cộng đồng cảm kích khi lắng nghe lòng thống hối của con người, một cộng đồng hòa giải với con người, một cộng đồng phấn khích và hỗ trợ con người trên con đường hoán cải và trưởng thành về nhân bản cũng như về Kitô giáo. Người ta có thể nói rằng tôi chỉ xưng tội với Thiên Chúa thôi. Đúng thế, bạn có thể nói cùng Thiên Chúa rằng "xin tha thứ cho con" rồi kể lể tội lỗi của mình ra, thế nhưng tội lỗi của chúng ta cũng phạm đến cả anh chị em, phạm đến Giáo Hội nữa. Vì thế cần phải xin tha thứ từ Giáo Hội, từ anh chị em, nơi con người của vị linh mục. "Thế nhưng thưa Cha, con cảm thấy xấu hổ..." Kể cả vấn đề cảm thấy xấu hổ cũng tốt nữa, thật là lành mạnh khi cảm thấy xấu hổ một chút nào đó; cảm thấy xấu hổ là những gì lành mạnh. Khi một người không cảm thấy hổ thẹn, ở xứ sở của tôi, chúng tôi nói rằng họ là một “sin vergüenza” (không biết xấu hổ). Thế nhưng cho dù là xấu hổ cũng giúp cho chúng ta nữa, vì nó làm cho chúng ta trở nên khiêm nhượng hơn, và vị linh mục lắng nghe việc xưng tội này một cách yêu thương và dịu dàng rồi nhân danh Chúa mà tha tội.

Ngay cả theo quan điểm nhân loại, để trao trút cần phải nói chuyện với một người anh chị em và nói với vị linh mục về những điều đang đè nặng trên tâm hồn của tôi. Và người ta cảm thấy rằng họ thực hiện việc trao trút trước Thiên Chúa với Giáo Hội, với anh chị em. Đừng sợ Xưng Tội! Khi người ta đứng xếp hàng chờ xưng tội, họ cảm thấy những điều ấy, thậm chí cảm thấy xấu hổ, thế nhưng sau đó, khi chấm dứt việc Xưng Tội, họ lại cảm thấy thoải mái, phấn khởi, tuyệt vời, thứ tha, thanh sạch, hạnh phúc. Đó là vẻ đẹp của việc Xưng Tội! Tôi xin hỏi anh chị em - nhưng đừng trả lời to tiếng, mỗi người tự đáp lại lấy trong lòng mình - đó là anh chị em đã đi xưng tội lần vừa rồi khi nào vậy, lần anh chị em đã xưng tội? Mỗi người hãy nghĩ về nó đi... Phải chăng là hai ngày, hai tuần, hai năm, hai mươi năm, bốn mươi năm? Và nếu đã qua đi một thời gian dài thì đừng bỏ lỡ cơ hội khác, hãy đi, vị linh mục sẽ là một vị tốt lành. Chúa Giêsu ở đó, và Chúa Giêsu còn tốt lành hơn các vị linh mục nhiều, Chúa Giêsu là Đấng tiếp nhận anh chị em, Người hết sức yêu thương tiếp nhận anh chị em. Hãy can đảm và đi Xưng Tội nhé! 

Các bạn thân mến, việc cử hành Bí Tích Hòa Giải nghĩa là việc được ấp ủ một cách ấm áp: nó là tác động ôm ấp của Người Cha vô cùng yêu xót thương. Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn tuyệt vời, tuyệt vời về người con bỏ nhà mình mà đi mang theo tiền bạc được thừa hưởng; hắn đã phung phí tất cả tiền bạc, để rồi khi hắn không còn gì nữa, hắn đã quyết định trở về nhà, không phải như là một người con mà là một tên đầy tớ. Hắn chất chứa trong lòng rất ư là nhiều lầm lỗi và cảm thấy hết sức là hổ thẹn. Lạ lùng thay khi hắn bắt đầu nói, xin tha thứ, thì người cha lại không để hắn nói, đã ôm lấy hắn, đã hôn hắn và mở tiệc mừng. Nhưng tôi xin nói cùng các bạn rằng: mỗi khi chúng ta xưng tội là mỗi lần Thiên Chúa ôm lấy chúng ta, Thiên Chúa mở tiệc ăn mừng! Chúng ta hãy tiến bước theo con đường ấy. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/on-the-sacrament-of-penance

(Những chỗ in mầu là do người dịch tự ý nhấn mạnh)