Thứ Tư 26/2/2014: Bài 7 - Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Xin chào Anh Chị Em buổi sáng!

Hôm nay tôi sẽ nói cùng anh chị em về Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, một bí tích giúp cho tay của chúng ta có thể chạm đến con người bằng lòng cảm thương của Thiên Chúa. Trong qua khứ bí tích này được gọi là "Extreme Unction - Xức Dầu Sau Hết", vì được hiểu như niềm an ủi thiêng liêng cuối cùng trong giờ lâm chung. Trái lại, kiểu nói "Xức Dầu Bệnh Nhân" giúp chúng ta nới rộng cái nhìn của chúng ta về cảm nghiệm bệnh hoạn và khổ đau, hướng về tình thương của Thiên Chúa.

1- Một hình ảnh thánh kinh diễn tả một cách sâu xa tất cả mầu nhiệm đượ tỏa chiếu nơi việc Xức Dầu Bệnh Nhân, đó là dụ ngôn "Người Samaritanô Nhân Lành" trong Phúc Âm Thánh Luca (10:30-35). Tất cả những lần chúng ta cử hành Bí Tích này của Chúa Giêsu, nơi bản thân của vị linh mục, là chúng ta đến gần với những ai khổ đau và lâm trọng bệnh hay già yếu. Dụ ngôn ấy cho thấy rằng Người Samaritanô Nhân Lành chăm sóc cho người khổ nạn, đổ dầu và rượu lên các vết thương của nạn nhân. Dầu làm cho chúng ta nghĩ đến những gì được làm phép hằng năm bởi Giám Mục trong Lễ Truyền Dầu Thứ Năm Tuần Thánh, chính yếu cho việc Xức Dấu Bệnh Nhân. Trái lại, rượu là dấu hiệu của yêu thương và ân sủng của Chúa Kitô tuôn ra từ việc Người hiến sự sống của Người cho chúng ta và được thể hiện với tất cả tính chất phong phú của nó nơi đời sống bí tích của Giáo Hội. Sau hết, con người khổ nạn được ký gửi cho một chủ quán trọ, để người chủ quán tiếp tục chăm sóc cho họ, bất kể tốn kém bao nhiêu. Vậy ai là người chủ quán trọ này? Chính là Giáo Hội, là cộng đồng Kitô hữu; chính là chúng ta là thành phần hằng ngày được Chúa Giêsu ký thác cho những ai khốn khổ về thân xác cũng như tinh thần, để chúng ta có thể tiếp tục rộng tay tuôn đổ xuống trên họ tất cả tình thương và ơn cứu độ của Người.

2- Sứ vụ này được hiển nhiên và thực sự chứng thực nơi Thư của Thánh Giacôbê, trong đó ngài khuyên rằng: "Trong anh em có ai bị bệnh ư? Hãy yêu cầu các vị trưởng lão trong Giáo Hội, và các vị cầu nguyện cho họ, nhân danh Chúa mà xức dầu cho họ; và lời cầu nguyện của đức tin sẽ cứu bệnh nhân, và Chúa sẽ nâng họ lên; nếu họ đã sa ngã phạm tội thì sẽ được thứ tha" (5:14-15). Bởi thế, đây là một việc được thực hiện vào thời các Thánh Tông Đồ. Thật vậy, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Người có cùng tấm lòng như Người trong việc yêu chuộng người bệnh hoạn và khổ đau, và Người đã truyền đạt cho các vị khả năng và công việc để tiếp tục cống hiến một cách nhưng không, nhân danh Người và theo tấm lòng của Người, những gì làm dịu bớt và mang lại an bình nhờ ân sủng đặc biệt của Bí Tích này. Tuy nhiên, điều ấy không khiến cho chúng ta trở thành mù quáng theo đuổi tìm kiếm một phép lạ nào đó, hay giả tưởng rằng bao giờ mình cũng được chữa lành trong hết mọi trường hợp. Thực sự bí tích này là một bảo đảm về việc Chúa Giêsu cận kề với bệnh nhân cũng như với cả người già lão nữa, vì hết mọi người già lão, hết mọi người trên 65 tuổi, đều có thể lãnh nhận Bí Tích ấy (every elderly person, every person over the age of 65, can receive this Sacrament), nhờ đó chính Chúa Giêsu mang chúng ta đến gần với Người hơn.

Thế nhưng khi có một bệnh nhân, đôi khi chúng ta lại nghĩ rằng: "Chúng ta hãy gọi linh mục đến"; "Đừng, đừng gọi ngài kẻo ngài mang bất hạnh đến thì sao", hoặc cũng có thể "kẻo bệnh nhân sẽ cảm thấy run sợ". Tại sao người ta lại có thể nghĩ được như thế chứ? Bởi hơi có ý nghĩ là vì sau khi vị linh mục đến nhà quàn. Điều ấy không đúng. Vị linh mục đến giúp cho bệnh nhân hay lão nhân; vì thế mà việc viếng thăm của linh mục rất quan trọng đối với bệnh nhân. Anh chị em cần gọi linh mục mà nói rằng: "Xin cha hãy đến xức dầu và ban phép lành cho họ". Chính Chúa Giêsu đến cho bệnh nhân được cảm thấy nhẹ nhàng, được tăng sức, được hy vọng, được trợ giúp, thậm chí còn được tha tội nữa. Điều ấy thật là tuyệt vời! Không cần nghĩ rằng đó là những gì cấm kỵ, vì bao giờ cũng tuyệt vời khi biết rằng trong giây phút đớn đau và bệnh hoạn cúng ta không lẻ loi cô độc một mình: vị linh mục cùng với những người hiện diện trong việc Xức Dầu Bệnh Nhân là đại diện cho cộng đồng Kitô hữu, như một thân thể duy nhất gắn bó chung quanh những ai khổ đau và thân bằng quyến thuộc của họ, nuôi dưỡng đức tin và đức cậy nơi họ, cùng nâng đỡ họ bằng lời nguyện cầu và tình huynh đề nồng nàn. Thế nhưng, niềm an ủi lớn lao nhất xuất phát từ sự kiện là chính Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong Bí Tích này, Đấng chạm tay đến chúng ta, Ngài chăm sóc chúng ta như Người đã làm với thành phần bệnh nhân và nhắc nhở chúng ta rằng giờ đây chúng ta thuộc về Người và không có bất cứ một sự gì - kể cả sự dữ hay sự chết - có thể tách chúng ta ra khỏi Người. Chúng ta hãy có thói quen gọi linh mục để người bệnh của chúng ta - tôi không nói đến những ai bị cảm cúm 3 hay 4 ngày, mà là những ai bị bệnh nặng (serious sickness) và cả thành phần già lão của chúng ta nữa, để vị linh mục đến ban cho họ Bí Tích này, ban cho họ niềm an ủi, ban cho họ sức mạnh của Chúa Giêsu để họ tiến bước. Chúng ta hãy làm điều ấy!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/on-the-anointing-of-the-sick (Những chỗ in mầu là do người dịch tự ý nhấn mạnh)

 

Tin Vắn:

Nếu năm 2015 được chính thức dành cho Đời Tận Hiến (tu trì), từ 21/11/2014 đến 21/11/2015, thì Năm 2014, dù không chính thức, cũng có thể được coi là dạo khúc cho Năm Gia Đình. Tại sao? Bởi vì có một số biến cố đặc biệt liên quan đến gia đình trong năm nay. Chẳng hạn: 1- Mật Nghị Hồng Y ngoại lệ 2 ngày, 20-21/2/2014 ở Vatican tại New Synod Hall; 2- Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các gia đình ngày 25/2/2014 để kêu gọi cầu nguyện cho Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ về gia đình; 3- Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ về gia đình, chủ đề: "những thách đố về mục vụ cho gia đình trong bối cảnh truyền bá phúc âm hóa", từ 5-19/10/2014. Có thể sau Năm Đời tận Hiến Tu Trì 2015 tới Năm Hôn Nhân Gia Đình Năm 2016 hay chăng, bởi vì, vào Tháng 10/2015 lại có một Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ về gia đình, trước đó 1 tháng, vào Tháng 9/2015 có cuộc Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình ở Philadelphia Hoa Kỳ.

Về Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới (The Synod of Bishops), bao gồm cả Thường Lệ (ordinary) và Ngoại Lệ (extraordinary), một biến cố bắt đầu có ngay sau Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962 - 8/12/1965), như để tiếp nối tinh thần và đường hướng của công đồng chung thứ 21 này của lịch sử Giáo Hội trong thế giới tân tiến ngày nay. Thường 3 năm 1 lần, vào Tháng 10 trong năm và có một chủ đề nào đó. Các Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần I năm 1967 và lần XIV sẽ vào năm 2015, ngoài ra, còn có 3 Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ, lần đầu tiên vào năm 1969, lần hai vào năm 1985 và lần 3 vào năm nay 2014.

Về Cuộc Hội Ngộ Thế Giới Các Gia đình (World Meetings of Families) do Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình (được ĐTC GPII thiết lập năm 1981, ngay sau đó ngài bị ám sát chết hụt ở Quảng Trường Thánh Phêrô 13/5) tổ chức. Cuộc Hội Ngộ Thế Giới Các Gia Đình được bắt đầu từ Năm Gia Đình 1994, lần đầu tiên ở Rôma, sau đó, cứ 3 năm 1 lần, lần 2 ở Rio del Janeiro ở Ba Tây; lần 3 ở Rôma trong Đại Năm Thánh 2000, lần 4 ở Manilla Phi Luật Tân năm 2003, lần 5 ở Valencia Tây Ban Nha năm 2006, lần 6 ở Mexico City Mễ Tây Cơ năm 2009, lần 7 ở Milan Ý quốc năm 2012, và lần 8 ở Philadelphia Hoa Kỳ 9/2015.