GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

"Giáo Hội hình thành thân mình theo ý nghĩa nào? Và tại sao Giáo Hội được định

 

 

 nghĩa là 'thân mình của Chúa Kitô?'"


ĐTC Phanxicô - Giáo Lý Giáo Hội Cộng Đồng - Bài 10, Thứ Tư 22/10/2014


Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em buổi sáng.


Hình ảnh về thân mình được sử dụng khi người ta muốn cho thấy làm thế nào các yếu tố làm nên một thực tại liên kết với nhau và cùng nhau hình thành nên một sự vật duy nhất. Bắt đầu từ Thánh Phaolô, việc diễn tả này đã được áp dụng vào Giáo Hội và được công nhận là một đặc tính chuyên biệt sâu xa và tuyệt vời nhất của ngài. Hôm nay, chúng ta cần phải đặt vấn đề là Giáo Hội hình thành thân mình theo ý nghĩa nào? Và tại sao Giáo Hội được định nghĩa là "thân mình của Chúa Kitô?"

Trong Sách Tiên Tri Êzêkiên có một thị kiến lạ kỳ được trình bày một cách ấn tượng nhưng có thể khiến cho lòng chúng ta tin tưởng và hy vọng. Thiên

Chúa cho vị tiên tri này thấy một thung lũng xương rời rạc và khô cứng. Một cảnh tượng hoang tàn. Hãy tưng tượng mà xem một ngọn đồi toàn là

xương với xương. Thế rồi Thiên Chúa bảo vị tiên tri hãy kêu cầu Thần Linh xuống trên đám xương ấy. Bấy giờ các khúc xương mới bắt đầu xích lại mà liên kết, trước hết xuất hiện các giây thần kinh nơi chúng rồi đến thịt, nhờ đó làm nên một thân mình, hoàn toàn và đầy sự sống (37:1-14). Đó là Giáo Hội! Tôi khuyên anh chị em là hôm nay về nhà hãy đọc Sách Tiên Tri Êzêkiên đoạn 27. Đừng quên nhé! Tuyệt vời lắm. Đó là một tuyệt phẩm, một tuyệt phẩm do Thần Linh thực hiện, một tuyệt phẩm được nhận lãnh sự sống mới của Đấng Phục Sinh và được đặt ở gần với nhau, cái này phục vụ và nâng đỡ cái kia, nhờ đó làm cho tất cả chúng ta trở thành một thân mình duy nhất, được cấu tạo trong hiệp thông và yêu thương. 

Tuy nhiên, Giáo Hội không phải chỉ là một thân mình được cấu tạo trong Thần Linh mà Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitô! Đó không phải chỉ là một cách nói về vấn đề chúng ta thực sự là thế! Đó là một đại tặng ân chúng ta nhận được vào ngày chúng ta lãnh nhận Phép Rửa! Thật vậy, nơi Bí Tích Rửa Tội, Chúa Kitô làm cho chúng ta thành của Người, đón nhận chúng ta vào tâm điểm của mầu nhiệm Thánh Giá, mầu nhiệm tối hậu của tình Người yêu thương chúng ta, giúp chúng ta sống lại với Người như là các tạo vật mới. Đó, đó là cách Giáo Hội được hạ sinh ra sao, cách Giáo Hội được công nhận là thân mình của Chúa Kitô. Phép Rửa cấu tạo nên một cuộc tái sinh thực sự, một cuộc tái sinh chúng ta trong Chúa Kitô, khiến chúng ta thuộc về Người, và chặt chẽ liên kết chúng ta với nhau như là các phần thể thuộc về cùng một thân mình mà Người là đầu (xem Roma 12:5; 1Corinto 12:12-13). 

Bởi vậy cái hiện lên đó là một mối hiệp thông yêu thương sâu xa. Thật là khéo léo biết bao khi Thánh Phaolô trong việc huấn dụ các người chồng "hãy yêu thương vợ của mình như bản thân mình", đã nói: "Như Chúa Kitô cũng đã yêu thương Giáo Hội, vì chúng ta đều là chi thể của thân mình Người" (Epheso 5:28-30). Thật là tuyệt vời khi chúng ta thường hay nhớ tưởng hơn nữa về thân phận chúng ta là gì, Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta nên gì: chúng ta là Thân Mình của Người, một Thân Mình không gì và không ai có thể tách ly chúng ta được và Người bao bọc tất cả chúng ta một cách say mê và thương yêu, như chồng đối với vợ mình vậy. Tuy nhiên, ý nghĩ này cần phải làm phát sinh trong chúng ta ước vọng muốn đáp ứng Chúa và muốn chia sẻ tình yêu của Người giữa chúng ta với nhau như là các phần thể sống động của thân mình Người. Vào thời của Thánh Phaolô, cộng đồng Corinto đã gặp nhiều khó khăn theo chiều hướng, như chúng ta cũng thường, trải qua kinh nghiệm chia rẽ, ghen tương, hiểu lầm và tẩy chay loại trừ. 

 

Tất cả những điều ấy đều không tốt, ở chỗ thay vì xây dựng và làm cho Giáo Hội tăng trưởng như là thân mình của Chúa Kitô thì nó lại xé lẻ nó ra thành nhiều mảnh, lại phân thể nó ra.

 

Điều này thậm chi xẩy ra cả ở trong thời đại của chúng ta nữa. Hãy nghĩ đến các cộng đoàn Kitô giáo, các giáo xứ, hãy nghĩ đến hàng xóm láng giềng của chúng ta. Biết bao nhiêu là chia rẽ, biết bao nhiêu là ghen tương, nói ở đằng sau lưng nhau, biết bao nhiêu là những hiểu lầm và tẩy chay!

 

Điều ấy gây ra những gì? Nó phân thể chúng ta! Nó là khởi điểm của chiến tranh. Chiến tranh không bắt đầu ở ngoài mặt trận. Các thứ chiến tranh bắt đầu ở ngay tâm điểm của những hiểu lầm, chia rẽ, ghen tương đối chọi nhau ấy. Cộng đồng Corinto này là như thế đó. Họ là những tay chuyên gia! 


B
ởi thế mà Vị Tông Đồ đã cống hiến cho tín hữu Corinto một số lời khuyên cụ thể được áp dụng cho chúng ta, đó là đừng ghen tương, nhưng hãy cảm nhận trong các cộng đồng của mình những tặng ân và phẩm tính nơi anh chị em của chúng ta

 

Ghen tương... Tôi nhìn thấy người ta mua một cái xe hơi mới khiến tôi bắt đầu cảm thấy ghen tương. Thấy người ta trúng vé số lại ghen tương. Thấy người này làm được điều hay cũng ghen tương. Đó là những gì phân thể gây đớn đau cho chúng ta! Anh chị em không được như thế! Vì các thứ ghen tương gia tăng đầy trong cõi lòng. Một con tim ghen tương là một con tim cay cực, một con tim đầy dấm chua thay vì máu me. Đó là một con tim không bao giờ hạnh phúc. Một con tim phân thể cộng đồng. 

 

Thế nhưng chúng ta cần phải làm gì đây? Hãy cảm nhận được trong cộng đồng của mình những tặng ân, các phẩm tính của người khác, của những người anh chị em chúng ta. Thế nhưng khi chúng ta ghen tương, vì ghen tương xẩy ra cho mọi người, mà tất cả chúng ta đều là tội nhân. Khi anh chị em cảm thấy mình ghen tương hãy thưa: "Tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban điều này cho người ấy". 

 

Hãy cảm nhận các phẩm tính; hãy kề cận và dự phần vào những nỗi đớn đau của những ai hèn mọn nhất cũng như của những ai thiếu thốn nhất; hãy tỏ ra biết ơn tất cả mọi người. 

 

Hãy nói cám ơn! Con tim biết nói cám ơn là một con tim tốt lành, một con tim cao quí, một con tim hạnh phúc. Hãy biết nói cám ơn. Tôi muốn hỏi là tất cả chúng ta có luôn nói cám ơn hay chăng? Không phải lúc nào cũng thế phải không! Vì ghen tương đố kỵ... ngăn cản chúng ta một chút đấy


Sau h
ết, đây là một lời khuyên nhủ được Tông Đồ Phaolô nhắn gửi tín hữu Corinto mà chính chúng ta phải theo, đó là đừng coi bất cứ ai vượt trên người khác

 

Biết bao nhiêu là người coi mình ngon hơn kẻ khác! Ngay cả chúng ta nhiều lần đã nói như người Pharisiêu trong dụ ngôn: "Tạ ơn Chúa vì tôi không phải như tên kia, tôi ngon lành hơn hắn". Thật là quái gở! Đừng bao giờ như thế nhé! Khi anh chị em có ý nghĩ như thế thì hãy nhớ đến tội lỗi của anh chị em, những tội chẳng hề có ai biết, hãy hạ mình xuống trước nhan Chúa mà nói: "Chúa ơi, Chúa mới biết ai là người trổi vượt. Con xin ngậm miệng mình lại". Như thế chúng ta sẽ cảm thấy khoan khoái. 

 

Bao giờ cũng sống trong tình bác ái, coi mình là phần thể của nhau, để anh chị em có thể sống và làm ích cho tất cả mọi người" (xem 1 Corinto 12-14).

 

Anh chị em thân mến, như tiên tri Êzêkiên và như Tông Đồ Phaolô, chúng ta cũng cầu khẩn Thánh Linh để ân sủng của Ngài và các tặng ân dồi dào phong phú của Ngài giúp chúng ta luôn sống như là thân mình liên kết của Chúa Kitô! Như là một gia đình, như thân mình của Chúa Kitô và như một dấu hiệu hữu hình mỹ lệ của tình yêu Chúa Kitô.


Cám ơn anh chị em.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ 
http://www.zenit.org/en/articles/on-the-body-of-christ

(nhan đề và các chỗ nghiêng mầu là do tự ý của người dịch)