GIÁO HỘI HIỆN THẾ
"Nếu là Một Giáo Hội duy nhất thì chúng ta hiểu thế nào về mối liên hệ giữa
thực tại
hữu hình và thiêng liêng của Giáo Hội?"
ĐTC Phanxicô: Giáo Lý Giáo Hội Cộng Đồng - Bài
11, Thứ Tư 29/10/2014
Anh Chị Em thân mến,
Trong bài
giáo lý trước, chúng ta đã nhấn mạnh đến vấn đề tự bản chất Giáo Hội là những gì
thiêng liêng ra sao, ở chỗ Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô, được xây dựng
trong Thánh Thần. Tuy nhiên, khi chúng ta nói đến Giáo Hội thì chúng ta nghĩ
ngay đến các cộng đồng của chúng ta, các giáo xứ của chúng ta, giáo phận của
chúng ta, đến các cơ cấu tổ chức chúng ta thường cùng nhau qui tụ lại, và dĩ
nhiên về cả yếu tố cũng như những
nhân vật hướng
dẫn cùng quản trị nó. Đó là thực tại hữu hình của Giáo Hội. Vậy chúng ta cần
phải đặt vấn đề là: Phải chăng chúng là hai điều khác nhau hay chỉ là Một Giáo
Hội duy nhất? Mà nếu
là Một Giáo Hội duy nhất thì chúng ta hiểu thế nào về mối liên hệ giữa thực tại
hữu hình và thiêng liêng của Giáo Hội?
1- Trước hết, khi chúng ta nói về thực tại hữu
hình của Giáo Hội là chúng ta đã nói đến vấn đề có cả hai rồi - thực tại hữu
hình mà chúng ta thấy và thực tại thiêng liêng - chúng ta không được chỉ nghĩ
về
Giáo Hoàng, các vị Giám
Mục, các
linh mục và những người sống đời tận hiến tu trì. Thực
tại hữu hình của Giáo Hội được làm nên bởi nhiều anh chị em đã lãnh nhận phép
rửa trên khắp thế giới là những ai tin cậy mến.
(Tới đây ĐTC bắt đầu
nói buông như sau: Chúng ta thường nghe dân chúng
nói rằng: 'Giáo Hội không làm điều này... Giáo Hội không làm điều kia!' 'Hãy cho
tôi biết Giáo Hội là ai?' - 'Ồ Giáo Hội là các vị linh mục, các vị giám mục, là
Giáo Hoàng...' Tất
cả chúng ta đều là
Giáo Hội! Tất
cả chúng ta, tất cả chúng ta đã lãnh nhận Phép Rửa! Chúng ta là Giáo Hội, Giáo
Hội của Chúa Giêsu').
Tất cả những ai theo Chúa Giêsu, và nhân danh Người, sống gần gũi với người
nghèo nàn và những ai đau khổ, cố gắng cống hiến cho họ những gì là nhẹ nhõm, ủi
an và bình yên. (Ngài lại nói buông: Tất
cả những ai làm các điều ấy, những gì Chúa sai chúng ta đi làm, đều là Giáo
Hội). Thế
nên chúng ta biết rằng không thể nào đo lường được thực tại hữu hình của Giáo
Hội, không thể nào biết được tất cả tầm vóc viên trọn của Giáo Hội:
làm thế nào để người ta biết được tất cả những gì là thiện hảo thực hiện? (Ngài
nói buông tiếp: Rất nhiều tác
động yêu thương, rất nhiều sự trung thành trong các gia đình, rất nhiều công
việc giáo dục con cái, trong việc thực hiện đức tin, truyền đạt đức tin, rất
nhiều khổ đau nơi bệnh nhân là những người hiến dâng nỗi khổ đau của mình cho
Chúa. Chúng ta không thể nào đo lường được hết các điều ấy! Nó rất ư là nhiều,
rất ư là nhiều!) Làm sao chúng ta có thể biết được tất cả những điều kỳ diệu mà
qua chúng ta, Chúa Kitô có thể tác động nơi tâm hồn và đời sống của mỗi người?
Anh chị em thấy đó: thực
tại hữu hình của Giáo Hội vượt lên trên tầm kiểm soát của chúng ta, vượt ra
ngoài sức lực của chúng ta, và nó là một thực tại huyền nhiệm, bởi nó xuất phát
từ Thiên Chúa.
2- Để
hiểu được mối liên hệ này trong Giáo Hội giữa thực tại hữu hình và thiêng liêng
của Giáo Hội, không còn cách nào khác ngoài việc nhìn lên Chúa Kitô, Đấng
có Thân Mình là Giáo Hội và từ Thân Mình này Giáo Hội được xuất
phát, bằng
một tác động vô cùng yêu thương. Thật vậy, thậm chí nơi cả Chúa Kitô, nhờ mầu
nhiệm Nhập Thể, chúng ta thấy được một bản tính loài người và một bản tính thần
linh, được liên hợp nơi cùng một ngôi vị một cách tuyệt diệu và bất khả phân ly.
Giáo Hội cũng thế. Như nơi Chúa Kitô, nhân tính phục vụ thần tính để hoàn
thành Ơn Cứu Độ thế nào thì tương tự như vậy thực tại hữu hình cũng phục vụ thực
tại linh thiêng của Giáo Hội như vậy. Bởi thế, Giáo
Hội cũng là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm mà những gì không thấy được còn quan
trọng hơn cả những gì được thấy,
và
chỉ có thể nhận biết bằng con mắt đức tin thôi (cf.
Const. Dogmatic Constitution. On the Church Lumen Gentium, 8).
3- Tuy nhiên, nơi trường hợp của Giáo Hội, chúng ta cần phải tự vấn rằng: Làm
thế nào thực tại hữu hình có thể phục vụ thực tại linh thiêng chứ? Một lần nữa,
chúng ta có thể hiểu vấn đề này bằng cách nhìn lên Chúa Kitô. (Đến đây ĐTC
lại một lần nữa nói buông: Thế
nhưng Chúa Kitô là mô phạm và Giáo Hội là Thân Mình của Người mà Người là mô
phạm cho tất cả Kitô hữu, cho tất cả chúng ta! Nhìn
lên Chúa Kitô anh chị em không thể nào sai lạc được!). Phúc Âm theo
Thánh Luca nói cho chúng ta biết Chúa Giêsu xuất thân từ Nazarét ra sao, nơi
Người lớn lên, Người đã đi vào hội đường và đọc đoạn sách của tiên tri Isaia ám
chỉ về Người rằng: "Thần Chúa ở trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi để tôi mang
tin mừng cho người nghèo khó. Ngài đã sai tôi đi loan báo tự do cho kẻ bị cầm tù
và phục quang cho kẻ đui mù, giải thoát kẻ bị áp bức" (4:18-19). Đó, cách Chúa
Giêsu đã sử dụng nhân tính của Người - vì Người cũng là một con người - trong
việc loan báo và thi hành dự án Cứu Chuộc và Cứu Độ, vì thế Giáo Hội cũng vậy. Nhờ
thực tại hữu hình của mình -
hết mọi sự chúng ta nhìn thấy - Các Bí Tích và chứng từ của tất cả mọi Kitô hữu
chúng ta -mà hằng ngày Giáo Hội được kêu gọi tiến đến
gần với hết mọi người, trước tiên là người nghèo, những ai đang chịu khổ đau và
những ai đang sống bên lề xã hội, để tiếp tục giúp cho tất cả mọi người cảm thấy
ánh mắt thương cảm và nhân hậu của Chúa Giêsu.
Anh chị em thân mến, như là Giáo Hội chúng ta thường cảm thấy nỗi yếu hèn của
chúng ta và những hạn hữu của chúng ta, tất cả chúng ta, tất cả chúng ta đều có
những thứ ấy. Tất
cả chúng ta đều là tội nhân, không ai có thể nói tôi không phải là một con
người tội lỗi. Tình trạng
yếu hèn này, những gì hạn hữu ấy, các tội lỗi của chúng ta đây cần phải gợi lên
trong chúng ta cái cảm giác hết sức trăn trở, nhất là khi chúng ta gây ra gương
mù và chúng ta thấy mình trở thành cội nguồn bê bối. Chúng ta đã thường nghe
thấy ở hàng xóm làng giềng của chúng ta nói rằng: "Con
người ấy lúc nào cũng đi nhà thờ nhà thánh mà lại rỉ tai nhảm nhí về hết mọi
người, phê bình chỉ trích người này người kia - quả thật là một gương mù! Đó
không phải là Kitô hữu! Đó là một gương mù gương xấu. Thế nên người ta mới nói:
'Nếu người này là Kitô hữu, thì tôi thà là một kẻ vô
thần! Bởi dân chúng căn cứ vào chứng từ của chúng ta".
Vậy chúng ta hãy xin tặng ân đức tin, để chúng ta có thể hiểu
làm thế nào mà, bất chấp thân phận nhỏ
mọn của chúng ta và tình trạng bần
cùng của chúng ta, Chúa cũng thực sự làm cho chúng ta trở thành phương tiện
của ân sủng và là một dấu hiệu hữu hình của tình Người yêu thương toàn thể
nhân loại. Phải, chúng ta có thể trở thành nguồn mạch bê bối nhưng chúng ta
cũng có thể trở thành nguồn mạch của niềm hy vọng bằng đời sống chứng nhân
của chúng ta như ý muốn của Chúa Giêsu! Xin cám ơn anh chị em.