GIÁO HỘI HIỆN THẾ
"Giáo Hội không bao giờ chỉ là một thực tại bất di bất dịch, đứng im tại chỗ, tự mình là
cùng đích, mà là một cuộc hành trình liên tục trong giòng lịch sử hướng đến
cùng đích tối hậu và tuyệt vời là Vương Quốc Thiên Đình, một thực tại cùng đích mà
Giáo Hội trần thế chỉ là mầm mống và là khởi điểm"
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Giáo Hội Cộng Đồng - Bài 15 - Thứ Tư ngày 26/11/2014
Xin chào buổi sáng Anh Chị Em thân mến.
Ngày hôm nay không đẹp lắm, nhưng anh chị em đã tỏ ra can đảm, xin chúc mừng anh chị em nhé! Hôm nay chúng ta hy vọng được cùng nhau cầu nguyện.
Khi trình bày Giáo Hội cho con người trong thời đại của chúng ta, Công Đồng Chung Vaticanô II đã tỏ ra rất ý thức về một chân lý cốt yếu không bao giờ được quên lãng: Giáo Hội không bao giờ chỉ là một thực tại bất di bất dịch, đứng im tại chỗ, tự mình là cùng đích, mà là một cuộc hành trình liên tục trong giòng lịch sử hướng đến cùng đích tối hậu và tuyệt vời là Vương Quốc Thiên Đình, một thực tại cùng đích mà Giáo Hội trần thế chỉ là mầm mống và là khởi điểm (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân, 5). Khi chúng ta hướng tới chân trời này chúng ta thấy rằng óc tưởng tượng của chúng ta bị giới hạn, tự mình nó chỉ có thể trực giác thấy được ánh quang của mầu nhiệm này là những gì vượt quá các cảm quan của chúng ta. Thế rồi trong chúng ta tự nhiên nẩy lên một số vấn đề: Khi nào thì cuộc vượt qua cuối cùng này xẩy ra? Chiều kích mới mà Giáo Hội tiến vào sẽ ra sao? Bấy giờ những gì sẽ xẩy ra cho nhân loại cũng như cho thiên nhiên tạo vật ở chung quanh nhân loại? Những vấn nạn này chẳng phải là những gì mới mẻ; chúng đã được các môn đệ của Chúa Kitô đặt ra từ thời ấy: 'Thế nhưng bao giờ điều ấy xẩy ra? Khi nào thì Thần Linh sẽ chiến thắng trên thiên nhiên, trên tạo vật, trên tất cả mọi sự...' Đó là những câu hỏi cũ kỹ của con người. Chúng ta cũng đặt ra những vấn nạn này nữa.
Trước những câu hỏi này, những vấn nạn luôn vang vọng trong tâm can của con người, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng đã viết: 'Chúng ta không biết được thời gian tận cùng của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết được tất cả mọi sự sẽ được biến đổi ra sao. Vì bị tội lỗi làm biến dạng, hình thể của thế giới này sẽ qua đi; thế nhưng chúng ta được dạy cho biết rằng Thiên Chúa đang sửa soạn một chỗ cư ngụ mới và một trái đất mới là nơi công lý sẽ ngự trị, nơi hạnh phúc sẽ đáp ứng và vượt trội hơn tất cả mọi niềm mong ước an bình bừng lên trong cõi lòng của con người' (số 39). Đó, đích điểm Giáo Hội hướng về, như Thánh Kinh nói, là 'tân Giêrusalem', là 'Thiên Đàng'. Nó không phải là một nơi chốn, mà là 'một trạng thái' của tâm trí làm cho những niềm mong đợi sâu xa nhất của chúng ta được viên trọn một cách dồi dào, và hữu thể của chúng ta là tạo vật và là con Thiên Chúa sẽ đạt tới tầm vóc thành toàn của nó. Cuối cùng chúng ta sẽ được bao bọc trọn vẹn bởi niềm vui, bởi an bình và bởi tình yêu thương của Thiên Chúa, không còn bị bất cứ một giới hạn nào, và chúng ta sẽ được diện kiến dung nhan của Ngài (xem 1Corinto 13:12). Thật là tuyệt vời khi nghĩ đến điều này, nghĩ đến Thiên Đàng. Tất cả chúng ta là những người đang ở trần thế này, tất cả mọi người chúng ta. Thật là đẹp đẽ vì ý nghĩ ấy cống hiến sức mạnh cho linh hồn của chúng ta.
Theo chiều hướng ấy thì đẹp đẽ thay khi thấy được có một sự liên tục và mối hiệp thông chặt chẽ giữa Giáo Hội đang ở trên Thiên Quốc và Giáo Hội đang hành trình trên trần thế. Thật vậy, những ai đang sống trước nhan Thiên Chúa có thể trợ giúp và chuyển cầu cho chúng ta, các vị có thể cầu cho chúng ta. Trái lại, chúng ta cũng luôn cống hiến các việc lành phúc đức, các lời nguyện cầu và chính Thánh Thể để giảm bớt khổ hình cho các linh hồn đang đợi chờ vinh phúc vô cùng bất tận. Phải, vì theo quan điểm Kitô giáo thì không còn tình trạng phân biệt giữa một người đã chết và một người chưa chết, mà là giữa người ở trong Chúa Kitô và người chưa ở trong Chúa Kitô! Đó là yếu tố định đoạt, yêu tố thực sựquyết liệt cho phần rỗi của chúng ta cũng như cho hạnh phúc của chúng ta.
Đồng thời Thánh Kinh cũng dạy chúng ta rằng việc hoàn trọn dự án tuyệt vời này không thể nào không có lợi cho tất cả mọi sự ở chung quanh chúng ta và là dự án xuất phát từ tâm tưởng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã minh nhiên khẳng định khi viết rằng 'chính tạo vật sẽ được giải thoát khỏi cảnh nô lệ hư hoại của chúng và chiếm được niềm tự do hiển vinh của con cái Thiên Chúa' (Roma 8:21). Các đoạn Thánh Kinh khác sử dụng hình ảnh 'trời mới' và 'đất mới' (xem 2Phêrô 3:13; Khải Huyền 21:1), ở chỗ toàn thể vũ trụ này sẽ được canh tân đổi mới và sẽ được giải thoát một lần vĩnh viễn khỏi hết mọi vết tích của sự dữ cũng như khỏi chính sự chết. Bởi thế, những gì được trông đợi, như là sự viên trọn cho một thứ biến thể thực sự đã xẩy ra nhờ Cái Chết và Phục Sinh của Chúa Kitô, là một cuộc tạo dựng mới; vì thế mà nó không phải là một thứ hư không hóa vũ trụ này cũng như tất cả những gì ở chung quanh chúng ta, mà là làm cho hết mọi sự được trọn vẹn về hữu thể, về sự thật và về sự mỹ. Đó là dự án mà Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần bao giờ cũng muốn hiện thực và đang hiện thực.
Các bạn thân mến, khi chúng ta nghĩ về thực tại tuyệt vời mà chúng ta đang đợi chờ ấy, chúng ta mới nhận thức được việc chúng ta thuộc về Giáo Hội là một tặng ân tuyệt vời biết chừng nào, một tặng ân cho thấy một ơn gọi rất là cao cả. Vậy chúng ta hãy xin Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, luôn canh chừng đường đi nước bước của chúng ta và giúp chúng ta như Mẹ trở thành một dấu hiệu của niềm vui, của niềm tin tưởng và hy vọng giữa anh chị em của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
(kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý)
http://www.zenit.org/en/
Xin xem thêm cái cái video clips sau đây về buổi triều kiến chung hôm nay:
http://www.romereports.com/
http://www.romereports.com/
Trước khi kết thúc buổi triều kiến chung hôm nay, ĐTC
vừa thông báo vừa đồng thời xin cầu nguyện cho chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ của
ngài 3 ngày, từ Thứ Sáu 28/11 đến Chúa Nhật 30/11/2014,
Lễ Thánh Anrê, Quan Thày của chung Giáo Hội Chính Thống Giáo Đông Phương.
Trong cuộc phỏng vấn với Zenit đưoọc phổ
biến hôm nay http://www.zenit.org/en/
"Tôi không nghĩ thế. Tôi nhớ là có lần tôi được nói chuyện với một Đức Thánh Cha nay đã làm Thánh là Đức Gioan Phaolô II, vị đã nói với tôi rằng: 'Cái đe dọa tôi đã gặp thì ở Rôma chứ không phải đâu xa'. Tôi không nghĩ những thứ đe dọa này có thể ngăn cản chúng ta hay có thể cản trở Đức Giáo Hoàng thực hiện sứ vụ của ngài. Tôi không nghĩ thế".