Giáo Lý Giáo Hội Cộng Đồng

của Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Bài 3 - Thứ Tư 27-8-2014

"Không thể nào đạt được hiệp thông nếu không liên lỉ hoán cải"

 

Xin chào buổi sáng Anh Chị Em thân mến!

Mỗi lần chúng ta lập lại việc tuyên xưng đức tin bằng việc đọc "Kinh Tin Kính", chúng ta đều khẳng định rằng Giáo Hội "duy nhất" và "thánh thiện". Giáo Hội duy nhất vì Giáo Hội bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm hiệp nhất và trọn vẹn hiệp thông. Giáo Hội thánh thiện vì Giáo Hội được thiệt lập trên nền tảng Chúa Giêsu Kitô, được sinh động bởi Thánh Linh tràn đầy tình yêu của Người và ơn cứu độ của Người. Tuy nhiên, Giáo Hội đồng thời vừa thánh thiện vừa bao gồm các tội nhân, bao gồm tất cả chúng ta, chúng ta hằng ngày cảm nghiệm thấy những mỏng dòn của chúng ta và những khốn nạn của chúng ta. Vậy đức tin mà chúng ta tuyên xưng đẩy chúng ta tới chỗ hoán cải, can đảm sống hằng ngày mối hiệp nhất này và sự thánh thiện ấy, mà nếu chúng ta không hiệp nhất, nếu chúng ta không thánh thiện là chúng ta không trung thành với Người. Thế nhưng, Người không để chúng ta lẻ loi một mình; Người không bỏ rơi Giáo Hội của Người! Người bước đi với chúng ta. Người hiểu chúng ta. Người hiểu được những yếu hèn của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, và Người tha thứ cho chúng ta. Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Người bao giờ cũng ở với chúng ta, giúp chúng ta, và làm cho chúng ta trở thành ít tội nhân hơn và nhiều thánh nhân hơn, cũng như hiệp nhất nên một hơn

1- Niềm an ủi trước hết chúng ta xuất phát từ sự kiện là Chúa Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều cho mối hiệp nhất này của thành phần môn đệ. [...] Người đã cầu nguyện cho mối hiệp nhất và Người đã làm như thế vào ngay trước Cuộc Khổ Nạn của Người, khi Người sắp hy hiến mạng sống mình vì chúng ta. Đó là những gì chúng ta được liên lỉ mời gọi đọc lại và suy niệm nơi một trong những trang sách Phúc Âm cảm động của Thánh Gioan, đoạn 17 (xem các câu 11,21-23). Dễ thương biết bao khi biết rằng ngay trước khi chết Chúa đã không quan tâm đến bản thân mình mà là nghĩ đến chúng ta! Và trong cuộc đối thoại đau lòng với Cha, Người đã thực sự cầu nguyện để chúng ta có thể nên một với Người và với nhau. Đó, qua những lời ấy, Chúa Giêsu đã biến thành vị chuyển cầu cùng Cha cho chúng ta, nhờ đó chúng ta cũng có thể được trọn vẹn hiệp thông với Người. Đồng thời Người ký thác chúng ta cho Ngài như là di chúc thiêng liêng của Người, nhờ đó mối hiệp nhất càng có thể trở thành một dấu hiệu đặc biệt của các cộng đồng Kitô hữu chúng ta và thành câu trả lời tuyệt vời nhất cho bất cứ ai muốn hỏi chúng ta về lý do tại sao chúng ta lại ôm ấp niềm hy vọng (xem 1Phêrô 3:15). 

2- "Cho họ được hiệp nhất nên một; như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong Chúng Ta, nhờ đó thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con" (Gioan 17:21). Giáo Hội ngay từ ban đầu đã tìm cách thể hiện ý định này, một ý định rất tha thiết theo lòng mong ước của Chúa Giêsu. Sách Tông Vụ nhắc nhở chúng ta rằng các Kitô hữu tiên khởi đã trở nên nổi bật nhờ sự kiện có cùng "một tấm lòng và một linh hồn" (4:32). Sau đó Thánh Phaolô đã huấn dụ các cộng đoàn của ngài đừng quên rằng họ chỉ là "một thân thể" (1Cor 12:13). Tuy nhiên, kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng có nhiều tội lỗi phạm đến hiệp nhất. Chúng ta đừng vội nghĩ về những thứ đại lạc thuyết và những thứ ly giáo; mà chỉ cần nghĩ đến nhiều thứ thất bại chung nơi các cộng đồng của chúng ta, về các tội lỗi "giáo xứ", với những thứ tội lỗi ấy trong các giáo xứ. Thật vậy, đôi khi các giáo xứ của chúng ta, vốn được kêu gọi để trở thành nơi của sự chia sẻ và hiệp thông, đã tiếc thay bị đánh dấu bởi những gì là bất mãn, tị hiềm, thù hằn. Và tình trạng xì xèo rỉ tai này được lan truyền đến tất cả mọi người. Tình trạng rỉ tai xì xèo ấy đang xẩy ra ở các giáo xứ biết là chừng nào! Tình trạng ấy không tốt. [...] Đó không phải là Giáo Hội! Người ta không được làm như thế, chúng ta không được làm như vậy! Chúng ta cần xin Chúa ơn đừng làm điều ấy.

Đúng vậy, nó là những gì nhân loại nhưng không phải là Kitô hữuĐiều ấy xẩy ra khi chúng ta muốn chiếm chỗ nhất, khi chúng ta quan trọng hóa bản thân mình như là những gì chủ chốt, bằng những tham vọng riêng của mình cũng như bằng những cách thức nhận thức sự vật cùng phán đoán người khác; khi chúng ta nhìn vào những lỗi lầm của anh chị em mình thay vì nhìn thấy các tặng ân của họ, khi chúng ta coi trọng những gì là chia rẽ hơn là những gì đưa chúng ta lại với nhau.  

3- Trước tất cả những sự ấy, chúng ta cần phải thực hiện một cuộc khảo xét lương tâm một cách trân trọng. Trong một cộng đồng Kitô hữu chia rẽ là một trong những trọng tội nhất, vì nó cho thấy nó không phải là việc của Chúa mà là dấu hiệu của ma quỉ, kẻ tự bản chất là tên gây chia rẽ, là tên hủy hoại các mối liên hệ, là tên xui xiểm những thành kiến tổn thương. Trái lại, Thiên Chúa muốn chúng ta lớn lên trong khả năng chấp nhận, thứ tha và yêu thương nhau, muốn chúng ta càng trở nên như Người, Đấng là hiệp thông và yêu thương. Sự thánh thiện của Giáo Hội là ở chỗ nhận biết mình là hình ảnh của Thiên Chúa, tràn đầy tình thương của Ngài và ân sủng của Ngài [...]

Các bạn thân mến, chúng ta hãy để cho những lời này của Chúa Giêsu âm vang trong lòng của chúng ta: "Phúc cho những ai hòa thuận, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mathêu 5:9). Chúng ta hãy thành tâm xin ơn tha thứ về tất cả những lần chúng ta đã trở nên dịp chia rẽ hay hiểu lầm trong cộng đồng của chúng ta, với ý thức rõ ràng rằng không thể nào đạt được hiệp thông nếu không liên lỉ hoán cải. Chúng ta hãy cầu nguyện để việc liên hệ giao tiếp hằng ngày của chúng ta có thể phản ảnh một cách mỹ miều và hoan hỉ hơn bao giờ hết mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/on-the-dangers-of-parish-sins (nhan đề và các chỗ in nghiêng là do tự ý của người dịch)

 

Trong bài giáo lý Thứ Tư 27/4/2014, theo bản dịch của Zenit, có 2 chỗ [...], một ở gần cuối đoạn 2 và một ở cuối đoạn 3. Bởi vì, 2 đoạn này là hai đoạn Đức Thánh Cha nói buông, không theo bài bản đã được soạn dọn. Như thể ngài muốn khai triển thêm những gì ngài muốn nói vào chính lúc bầy giờ. Theo tờ Vatican Insider http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/francesco-francis-francisco-chiesa-church-iglesia-35990/ thì 2 chỗ [...] tức 2 chỗ Đức Thánh Cha đã nói buông này là hai đoạn dưới đây:

 

[...] 1- "Điều ấy tốt hay không tốt? Nếu có ai được chọn làm chủ tịch của một hội đoàn, thì có lời ra tiếng vào chống lại anh ta. Có người được chọn làm trưởng ban giáo lý, cũng lời to tiếng nhỏ chống lại chị ta" (một tràng vỗ tay nổi lên khi ngài nói như thế). "Tôi không bảo anh chị em là hãy cắt lưỡi của anh chị em đi, không phải thế, mà là hãy xin Chúa ơn biết kiểm chế...”.

 

[...] 2- "Có rất nhiều chia rẽ giữa thành phần Kitô hữu chúng ta, nếu chúng ta nhìn vào lịch sử của Giáo Hội! Thậm chí cho đến nay chúng ta vẫn đang chia rẽ nhau. Theo lịch sử, là Kitô hữu, chúng ta đã gây chiến với nhau vì những khác biệt về thần học; chúng ta hãy nghĩ đến Cuộc Chiến 30 Năm. Thế nhưng đó không phải là Kitô giáo. Chúng ta đang chia rẽ nhau thậm chí cho đến giờ này: chúng ta cần phải xin ơn hiệp nhất nơi tất cả mọi Kitô hữu, mối hiệp nhất mà Chúa Giêsu mong muốn, vì Người đã nguyện cầu cho mối hiệp nhất ấy".

 

"Ở trong các giáo phận xưa kia của tôi, có lần tôi đã nghe được một nhận định đáng chú ý và tích cực. Nhận định về một người đàn bà có tuổi, người đã làm việc cho giáo xứ suốt cuộc đời của mình. Có người biết rõ về bà đã nói rằng: 'người đàn bà này không bao giờ nói xấu về bất cứ một ai, không bao giờ xì xèo rỉ tai đồn đoán, bà luôn luôn tươi cười'. Ngày mai có thể phong thánh cho một người đàn bà như thế, thật là tốt lành, thật là một gương sáng".