Giáo Lý Giáo Hội Cộng Đồng

của Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Bài 4 - Thứ Tư 3/9/2014

"Đã bao nhiêu lần trong đời sống của mình chúng ta không làm chứng

cho vai trò làm mẹ này của Giáo Hội, cho lòng can đảm từ mẫu này của Giáo Hội!"

 

Dẫn nhập:

Từ đầu năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cống hiến cho chúng ta 2 loạt bài giáo lý, 9 bài về Giáo Lý 7 Bí Tích cho tới ngày 2/4/2014, và rồi sau đó sang một loạt 7 bài Giáo Lý về 7 Tặng Ân của Thánh Linh, từ 9/4/2014 đến 11/6/2014. Sau đó, ngài đã bắt đầu loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội, từ ngày 18/6/2014 và 25/6/2014, để rồi sau thời gian tạm nghỉ hè (dù ngài chẳng đi khỏi Vatican như đến nhà nghỉ mát ở Bắc Ý hay ở Rôma như các vị tiền nhiệm) không có triều kiến chung suốt 7 tuần lễ liền bao gồm cả tháng 7 và 2 tuần đầu tháng 8, ngài đã trở lại với chủ đề Giáo Lý về Giáo Hội từ Thứ Tư 27/8/2014 (cho dù chưa hết thời gian nghỉ hè cho tới đầu Tháng 9). 

Thứ tự các bài Giáo Lý về Giáo Hội đã được ĐTC Phanxicô hướng dẫn vao các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần có thể được tóm gọn vắn tắt như sau: 1- Giáo Hội - về nguồn tiền sử (18/6/2014); 2- Giáo Hội - tính cách thuộc về (25/6/2014); 3- Giáo Hội - con cái tội lỗi (27/8/2014); 4- Giáo Hội - vai trò làm mẹ (3/9/2014). Sau đây là bản dịch Việt ngữ cho bài giáo lý về Giáo Hội thứ 4.

 

Anh chị em thân mến,

Trong các bài giáo lý trước đây, chúng ta đã một số lần vạch ra rằng anh chị em đã không tự mình trở thành Kitô hữu, nhờ nỗ lực riêng của anh chị em, tự mình anh chị em, mà là bởi được sinh ra và nuôi dưỡng bằng đức tin giữa Dân Chúa tức là Giáo Hội. Theo ý nghĩa đó thì Giáo Hội thật sự là mẹ, Giáo Hội mẹ của chúng ta - thật là tốt đẹp khi nói như thế phải không? - một người mẹ cống hiến cho chúng ta sự sống trong Chúa Kitô cũng như trong mối hiệp thông của Thánh Linh, đưa chúng ta vào đời sống chung với tất cả mọi anh chị em của chúng ta. 

1- Nơi điều này, nơi vai trò làm mẹ của mình, Giáo Hội có Trinh Nữ Maria là mô phạm của Giáo Hội, một mô phạm cao cả nhất và tuyệt vời nhất. Các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã nhấn mạnh đến điều ấy và Công Đồng Chung Vaticanô II đã bày tỏ điều này một cách đáng khen (xem Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 63-64). Vai trò làm mẹ của Đức Maria thực sự là đặc thù, chuyên nhất và được hoàn tất vào thời điểm viên trọn, khi Vị Trinh Nữ này hạ sinh Con Thiên Chúa, bằng việc thụ thai bởi Thánh Linh. Thế nhưng vai trò làm mẹ của Giáo Hội lại tiếp nối vai trò làm mẹ của Đức Maria đối với anh chị em, như kéo dài vai trò này trong giòng lịch sử. Giáo Hội, với sự phong phú của Thần Linh, tiếp tục sinh sản con cái mới trong Chúa Kitô, bằng cách luôn lắng nghe Lời Chúa và tuân theo dự án yêu thương của Ngài. Giáo Hội là mẹ. Thật vậy, việc Chúa Giêsu hạ sinh nơi cung lòng của Mẹ Maria là việc mở màn cho việc tái sinh của hết mọi Kitô hữu nơi cung lòng của Giáo Hội, vì Chúa Kitô là trưởng tử của nhiều anh em(xem Rôma 8:29). Người anh cả của chúng ta là Chúa Giêsu, vị đã được hạ sinh bởi Mẹ Maria, Đấng là mô phạm cho tất cả chúng ta được sinh vào Giáo Hội. Như thế chúng ta mới hiểu được mối liên hệ liên kết Mẹ Maria với Giáo Hội sâu xa là chừng nào, ở chỗ, khi nhìn vào Mẹ Maria, chúng ta thấy được dung nhan mỹ miều và dịu dàng nhất của Giáo Hội; và khi nhìn vào Giáo Hội chúng ta nhận ra những đặc tính cao vời của Mẹ Maria. Kitô hữu chúng ta không phải là những đứa con mồ côi, chúng ta có một người má, chúng ta có một người mẹ, đó là một điều quá hay. Chúng ta không phải là những đứa bé mồ côi. Giáo Hội có một người mẹ đó là Đức Maria và là mẹ. 

2- Giáo Hội là mẹ của chúng ta vì Giáo Hội đã sinh chúng ta nơi Phép Rửa. Khi một đứa bé được rửa tội thì em trở thành con của Giáo Hội, từ ngày đó em ở trong Giáo Hội là tác nhân chăm sóc cho em như một người mẹ ân cần, Giáo Hội làm cho chúng ta lớn lên trong đức tin và, bằng quyền lực của Lời Chúa, tỏ cho chúng ta thấy con đường cứu độ, bênh vực chúng ta khỏi sự dữ. 

Giáo Hội đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu kho tàng Phúc Âm quí báu, không phải để giữ lấy cho mình mà là quảng đại cống hiến cho người khác - như một người mẹ vốn thực hiện. Trong việc truyền bá phúc âm hóa ấy, tính cách làm mẹ của Giáo Hội được tỏ ra một cách đặc biệt - ở chỗ, như một người mẹ, dấn thân cống hiến cho con cái của mình lương thực thiêng liêng để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu và làm cho đời sống này trổ sinh hoa trái. Bởi thế, tất cả mọi người đều được kêu gọi cởi mở lòng trí để đón nhận Lời Chúa được Giáo Hội phân phát hằng ngày, vì Lời này có khả năng thay đổi chúng ta từ trong lòng. Chỉ có Lời Chúa, Lời quyền năng này của Thiên Chúa, mới có khả năng thay đổi chúng ta nên tốt hơn bắt đầu từ bên trong, từ những cội nguồn sâu thẳm nhất của chúng ta. Mà ai cống hiến cho chúng ta Lời Chúa? Mẹ Giáo Hội là tác nhân cống hiến cho con cái của mình lời này, nuôi lớn chúng ta bằng lời này suốt cuộc đời của chúng ta. Thật là cao cả chính Mẹ Giáo Hội thật sự biến đổi chúng ta từ bên trong bằng lời ấy. Những lời Mẹ Giáo Hội cống hiến cho chúng ta là những gì biến đổi chúng ta, làm cho nhân tính của chúng ta không còn đập theo nhịp xác thịt nữa mà là theo Thần Linh.   

Trong việc chăm sóc từ mẫu của mình, Giáo Hội cố gắng tỏ cho tín hữu đường lối để sống một cuộc đời phong phú niềm vui và bằng an. Được sáng soi bởi ánh sáng Phúc Âm và được nâng đỡ phù trì bởi ân sủng của các phép bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có thể hướng những chọn lựa của chúng ta về những gì là tốt lành, và thắng vượt một cách can đảm và hy vọng những giây phút tối tăm và những con đường quanh co rắc rối. Con đường cứu độ, qua đó Giáo Hội hướng dẫn chúng ta và hỗ trợ chúng ta bằng quyền lực của Phúc Âm cùng với sự nâng đỡ của các Bí Tích, cống hiến cho chúng ta khả năng tự vệ khỏi sự dữ. Giáo Hội có được sự can đảm của một người mẹ trong việc bảo vệ con cái của mình khỏi những hiểm nguy gây ra bởi sự hiện diện của Satan trên thế gian này, để mang họ về gặp gỡ Chúa Giêsu. Việc bênh vực này cũng bao gồm lời mời gọi tỉnh thức: hãy tỉnh táo để chống lại những gì lừa đảo và thu hút của sự dữ. Vì, cho dù Thiên Chúa đã khống chế Satan, các chước cám dỗ của hắn vẫn luôn còn đó. Chúng ta đều biết như thế, tất cả chúng ta đều bị tấn công. Chúng ta đừng ngây thờ khờ dại, mà hãy tỉnh táo và vững vàng trong đức tin, đừng cưỡng lại huấn dụ của người mẹ, đừng cự lại việc trợ giúp của Mẹ Giáo Hội. Một người mẹ tốt lành bao giờ cũng hỗ trợ con cái của mình trong những giây phút khó khăn.  

3- Các bạn thân mến, đó là Giáo Hội: đó là Giáo Hội mà tất cả chúng ta đều yêu mến, Giáo Hội mà tôi kính mến. Một người mẹ lo lắng đến tình trạng an sinh của con cái mình, một người mẹ có khả năng hiến sự sống cho con cái của mình. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng Giáo Hội là tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa, chứ không phải chỉ là các vị linh mục hay các vị giám mục, không phải thế, mà là tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều ở trong Giáo Hội, tất cả chúng ta đều là con cái, cả những Kitô hữu khác nữa. Chúng ta, tất cả đã lãnh nhận phép rửa, nam cũng như nữ, cùng nhau là Giáo HộiĐã bao nhiêu lần trong đời sống của mình chúng ta không làm chứng cho vai trò làm mẹ này của Giáo Hội, cho lòng can đảm từ mẫu này của Giáo Hội! Vậy chúng ta hãy ký thác bản thân mình cho Mẹ Maria, vì Mẹ sẽ dạy chúng ta làm sao có cùng một tinh thần từ mẫu của Mẹ đối với anh chị em của chúng ta, với một khả năng chân thành biết chấp nhận, thứ tha và tác động niềm tin tưởng cùng hy vọng

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo 

http://www.zenit.org/en/articles/on-the-motherhood-of-the-church-pope-francis-general-audience-sept-3

(Nhan đề và những chỗ in mầu nghiêng là do tự ý người dịch)

 

Phụ Thêm:

Trong bài giáo lý tuần trước, Thứ Tư 27/4/2014, theo bản dịch của Zenit, có 3 chỗ [...], trong đó hai chỗ cuối xẩy ra một ở gần cuối đoạn 2 và một ở cuối đoạn 3. Bởi vì, 2 đoạn này là hai đoạn Đức Thánh Cha nói buông, không theo bài bản đã được soạn dọn. Như thể ngài muốn khai triển thêm những gì ngài muốn nói vào chính lúc bầy giờ. Theo tờ Vatican Insider http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/francesco-francis-francisco-chiesa-church-iglesia-35990/ thì 2 chỗ [...] tức 2 chỗ Đức Thánh Cha đã nói buông này là hai đoạn dưới đây:

[...] 1- "Điều ấy tốt hay không tốt? Nếu có ai được chọn làm chủ tịch của một hội đoàn, thì có lời ra tiếng vào chống lại anh ta. Có người được chọn làm trưởng ban giáo lý, cũng lời to tiếng nhỏ chống lại chị ta" (một tràng vỗ tay nổi lên khi ngài nói như thế). "Tôi không bảo anh chị em là hãy cắt lưỡi của anh chị em đi, không phải thế, mà là hãy xin Chúa ơn biết kiểm chế...”.

[...] 2- "Có rất nhiều chia rẽ giữa thành phần Kitô hữu chúng ta, nếu chúng ta nhìn vào lịch sử của Giáo Hội! Thậm chí cho đến nay chúng ta vẫn đang chia rẽ nhau. Theo lịch sử, là Kitô hữu, chúng ta đã gây chiến với nhau vì những khác biệt về thần học; chúng ta hãy nghĩ đến Cuộc Chiến 30 Năm. Thế nhưng đó không phải là Kitô giáo. Chúng ta đang chia rẽ nhau thậm chí cho đến giờ này: chúng ta cần phải xin ơn hiệp nhất nơi tất cả mọi Kitô hữu, mối hiệp nhất mà Chúa Giêsu mong muốn, vì Người đã nguyện cầu cho mối hiệp nhất ấy". (Biệt chú của người dịch: ở đây ĐTC nhắc tới một trường hợp chia rẽ trầm trọng giữa Kitô hữu đó là cuộc chiến 30 năm, cuộc chiến từ năm 1618 đến 1648, giữa hoàng đế Rôma Thánh liên minh với Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha với giáo phái Tin Lành Đức quốc).

"Ở trong các giáo phận xưa kia của tôi, có lần tôi đã nghe được một nhận định đáng chú ý và tích cực. Nhận định về một người đàn bà có tuổi, người đã làm việc cho giáo xứ suốt cuộc đời của mình. Có người biết rõ về bà đã nói rằng: 'người đàn bà này không bao giờ nói xấu về bất cứ một ai, không bao giờ xì xèo rỉ tai đồn đoán, bà luôn luôn tươi cười'. Ngày mai có thể phong thánh cho một người đàn bà như thế, thật là tốt lành, thật là một gương sáng". 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL