Giáo Lý Giáo Hội Cộng Đồng
của Đức Thánh Cha Phanxicô
Bài 6
"Nếu Giáo Hội bẩm sinh là Công Giáo thì có nghĩa là Giáo Hội xuất thân ‘lên
đường’, truyền giáo"
Anh Chị Em thân mến,
Khi chúng ta tuyên xưng đức tin của chúng ta, chúng ta xác tín rằng Giáo Hội
"Công Giáo" và "Tông Truyền". Thế nhưng ý nghĩa của hai chữ này, hai đặc tính
quá quen thuộc này của Giáo Hội thực sự là gì? Và những chữ này có giá trị ra
sao đối với cộng đồng Kitô hữu cũng như đối với mỗi một người chúng ta?
1- Công
giáo có nghĩa là phổ quát. "Chúng
ta có được một định nghĩa đầy đủ và rõ ràng từ một trong những vị Giáo Phụ của
Giáo Hội là Thánh Cyrilô thành Giêrusalem qua câu phát biểu: "Thực sự Giáo
Hội được tuyên xưng là Công Giáo, tức là phổ quát, ở
chỗ Giáo
Hội lan tràn khắp nơi từ chân trời đến góc biển của trái đất này; và
theo tính chất phổ quát cũng như không lầm lạc Giáo
Hội giảng dạy tất cả mọi chân lý mà con người cần phải nhận biết liên quan đến
những sự trên trời hay dưới thế" (18th
Catechesis, 23).
Một dấu hiệu rõ ràng về tính chất công giáo của Giáo Hội đó là việc Giáo Hội nói
bằng tất cả mọi ngôn ngữ. Điều
này là hoa trái của biến cố Hiện Xuống (xem Sách Tông Vụ 2:1-13). Thật vậy,
chính Thánh Linh giúp cho các Tông Đồ và toàn thể Giáo Hội âm vang cho đến tận
cùng trái đất tất cả Tin Mừng cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa. Giáo
Hội bẩm sinh là Công Giáo, từ gốc đã là những gì "hợp tấu" và không thể là gì
khác ngoài Công Giáo, hướng
tới việc truyền bá phúc âm hóa và gặp gỡ tất cả mọi người. Ngày
nay Lời Chúa được đọc bằng tất cả mọi thứ ngôn ngữ, hết mọi người đều có
Phúc Âm để đọc theo ngôn ngữ của mình. Tôi
xin lập lại là bao giờ cũng nên mang theo mình một cuốn Phúc Âm nhỏ, trong
túi đựng hay trong túi xách mà đọc một đoạn trong ngày. Đó là điều thiện ích cho
chúng ta. Phúc Âm đã lan tràn nơi tất cả mọi ngôn ngữ vì Giáo Hội, tác nhân loan
truyền Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc, ở trên toàn thế giới. Vì lý do đó chúng
ta gọi Giáo Hội là Công Giáo vì Giáo Hội thì phổ quát.
2- Nếu
Giáo Hội bẩm sinh là Công Giáo thì có nghĩa là Giáo Hội xuất thân "lên đường",
truyền giáo. Nếu
các vị tông đồ cứ ở trên Căn Thượng Lầu, không ra đi để nguyện cầu Phúc Âm, thì
Giáo Hội chỉ là Giáo Hội của những con người ấy, của thành phố ấy, của nhà tiệc
ly ấy. Thế nhưng, tất cả đều đã đi vào thế giới, từ giây phút Giáo Hội được hạ
sinh, từ giây phút Thánh Thần hiện xuống. Thế nên Giáo
Hội bẩm sinh là xuất thân
"lên đường", là truyền giáo. Đó
là những gì chúng ta diễn tả khi nhận định Giáo Hội là Tông Truyền. Chữ này nhắc
nhở chúng ta rằng Giáo Hội - trên nền tảng các Tông Đồ và tiếp tục với các vị
- được mời gọi để mang đến cho tất cả mọi người việc loan truyền Phúc Âm, kèm
theo những dấu dịu dàng và quyền năng của Thiên Chúa. Điều này cũng xuất phát từ
biến cố Hiện Xuống: thật vậy, chính vì Thánh Linh mà thắng vượt hết mọi đối
chọi, thắng vượt khuynh hướng khép mình lại, trong một số ít tuyển chọn, và coi
mình là thành phần lãnh nhận viên duy nhất của phúc lành Chúa ban... Nếu có một
nhóm Kitô hữu nào như thế - "Chúng tôi là thành phẩn tuyển chọn, chỉ duy một
mình chúng tôi thôi" - thì cuối cùng họ sẽ chết. Họ chết, trước hết trong linh
hồn của họ rồi đến thân xác của họ, vì họ không có sự sống, họ không có khả năng
sản sinh sự sống cho người khác, cho những người khác. Họ không phải là tông
truyền. Chính Thần Linh dẫn chúng ta đến chỗ gặp gỡ anh chị em chúng ta, bao gồm
cả những ai xa cách nhất ở hết mọi ý nghĩa của nó, nhờ đó họ có thể chia sẻ với
chúng ta tình yêu thương, sự bình an và niềm vui là những tặng ân được Chúa Phục
Sinh lưu lại cho chúng ta.
3- Đối
với các cộng đồng của chúng ta cũng như đối với mỗi người chúng ta thì trong việc
thuộc về một Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền bao gồm những gì? Trước
hết, có nghĩa là ôm ấp lấy ơn cứu độ của toàn thể nhân loại, đừng
cảm thấy dửng dưng hay xa lạ trước số phận của rất nhiều anh chị em của chúng
ta, song hướng về và liên kết với họ. Hơn
nữa, nghĩa
là có cái cảm quan trọn vẹn, hoàn toàn và hòa hợp của đời sống Kitô hữu, luôn loại
trừ đi những chủ trương bán phần, riêng lẻ là những gì khép kín chúng ta lại.
Việc thuộc về Giáo Hội Tông Truyền nghĩa là nhận thức rằng đức tin của chúng
ta được gắn liền với việc loan truyền và làm chứng của chính các vị tông đồ của
Chúa Giêsu, và vì thế, bao giờ cũng cảm thấy mình được sai đi, trong
mối hiệp thông với chư vị thừa kế các Tông Đồ, để loan truyền, bằng một tấm lòng
tràn đầy hân hoan, Chúa Kitô và tình yêu của Người cho toàn thể nhân loại.
Đến đây tôi xin gợi nhớ những đời sống anh hùng của nhiều thật nhiều các nhà
truyền giáo đã lìa bỏ quê hương của mình để ra đi rao giảng Phúc Âm ở các xứ sở
khác, ở các châu lục khác. Một vị hồng y Ba Tây đã từng làm việc ở Amazon có
lần đã nói với tôi rằng khi ngài đến một địa điểm, một thành phố ở miền Amazon,
thì bao giờ ngài cũng đến nghĩa trang để viếng thăm các ngôi mộ của những nhà
truyền giáo, các vị linh mục, các tu sĩ nam nữ đã đến đó rao giảng Phúc Âm, các
vị tông đồ. Và ngài nghĩ rằng giờ đây có thể phong thánh cho tất cả những vị
này, vì họ đã từ bỏ tất cả để công bố Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa
vì Giáo Hội của chúng ta đang có nhiều nhà truyền giáo, đã có nhiều vị thừa sai,
nhưng dù sao vẫn cần nhiều hơn nữa! Chúng con tạ ơn Chúa vì điều ấy. Có lẽ trong
số nhiều giới trẻ, những em trai cũng như em gái đang có mặt ở đây, có người
mong muốn trở thành một nhà truyền giáo: các con cứ việc nhé! Thật là một điều
tuyệt vời được loan truyền Phúc Âm của Chúa Giêsu. Hãy hiên ngang và dũng cảm!
Giờ đây chúng ta hãy xin Chúa tái tấu trong chúng ta tặng ân Thần Linh của
Người, nhờ đó hết mọi cộng đồng Kitô hữu và hết mọi người đã lãnh nhận phép
rửa đều phản ảnh Mẹ Thánh Giáo Hội Công Giáo và Tông truyền.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-general-audience-the-church-was-born-catholic-and-apostolic
(nhan đề và các chỗ in nghiêng và mầu là do tự ý của người dịch)