Giáo Lý Giáo Hội Cộng Đồng
của Đức Thánh Cha Phanxicô
"Trong cuộc hành trình lịch sử của mình, Giáo Hội bị cám dỗ bởi Tên Gian Ác, kẻ
cố gắng chia rẽ Giáo hội, và bất hạnh thay, Giáo Hội đã bị đánh dấu bằng các
cuộc phân rẽ trầm trọng và đau thương".
ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Giáo Hội - Bài 8 - Thứ Tư 8/10/2014
Anh Chị Em thân mến,
Trong các buổi giáo lý vừa rồi, chúng ta muốn làm sáng tỏ bản chất và vẻ đẹp của
Giáo Hội, và chúng ta tự hỏi mỗi người chúng ta cần phải làm gì đế có thể trở
nên thành phần của dân này. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng có rất
nhiều anh chị em chung dự với chúng ta về niềm tin vào Chúa Kitô, nhưng họ lại
có những niềm tin khác và thuộc về những truyền thống khác với truyền thống của
chúng ta. Nhiều người đã phải buông xuôi theo tình trạng chia rẽ này, một tình
trạng trong giòng lịch sử thường gây ra những xung đột và khổ đau. Thậm chí cho
đến ngày nay các mối liên hệ không phải lúc nào cũng tỏ ra trân trọng và thân
ái... Phần chúng ta, chúng ta giải quyết tất cả những điều này làm sao đây?
Chúng ta có thường buông xuôi nếu không phải thực sự là dửng dưng lạnh lùng hay
chăng? Hay chúng ta mạnh mẽ tin tưởng rằng chúng ta có thể và cần phải bước đi
theo chiều hướng hòa giải và trọn vẹn hiệp thông?
Những cuộc chia rẽ giữa Kitô hữu chẳng những làm tổn thưởng đến Giáo Hội mà
còn đến Chúa Kitô nữa.
Thật vậy, Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô là Đầu. Chúng ta đã quá rõ Chúa
Giêsu thiết tha biết bao mong muốn cho các môn đệ của Người được liên kết nên
một trong tình yêu thương của Người. Chỉ cần nghĩ đến những lời của Người
trong đoạn Phúc Âm 17 của Thánh Gioan, lời nguyện cầu được Người dâng lên Cha
của Người ngay trước Cuộc Khổ Nạn của Người: "Lạy Cha Thánh, xin vì danh Cha mà
gìn giữ họ, những người Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như Chúng Ta là
một" (17:21). Mối hiệp nhất này đã bị đe dọa trong khi Chúa Giêsu còn ở giữa
thành phần thuộc về Người: thật thế, trong Phúc Âm, chúng ta thấy rằng các
Tông Đồ đã tranh cãi nhau xem ai là kẻ cả, là người lớn (xem Luca 9:46). Thế
nhưng, Chúa Kitô đã nhấn mạnh đến mối hiệp nhất vì danh Cha, khiến chúng ta hiểu
rằng việc
loan báo của chúng ta và việc làm chứng của chúng ta sẽ càng khả tín hơn một khi
chúng ta làm sao để sống hiệp thông và yêu thương nhau. Đó
là những gì các Tông Đồ của người, với ơn Chúa Thánh Thần, bấy giờ đã hiểu một
cách sâu xa và đã ấp ủ nó, đến độ Thánh Phaolô tiến đến chỗ đã van xin cộng đoàn
Corintô bằng những lời lẽ sau đây: "Anh em ơi, tôi xin anh em, vì danh của Chúa
Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tất cả anh em hãy thuận thảo chứ đừng bất hòa với
nhau, nhờ đó anh em được liên kết trong cùng một tâm trí và cùng một phán đoán"
(1 Corintô 1:10).
Trong cuộc hành trình lịch sử của mình, Giáo Hội bị cám dỗ bởi Tên Gian Ác, kẻ
cố gắng chia rẽ Giáo hội, và bất hạnh thay, Giáo Hội đã bị đánh dấu bằng các
cuộc phân rẽ trầm trọng và đau thương.
Chúng là những chia rẽ đôi khi đã được kéo dài lâu đời theo thời gian, cho đến
tận ngày nay, để rồi tới lúc này khó lòng mà tái thiết được tất cả mọi động lực,
nhất là trong việc tìm kiếm những giải quyết khả dĩ. Những
lý do đã dẫn đến những đổ vỡ và phân rẽ có thể khác nhau lắm: từ những khác biệt
về các nguyên tắc tín lý và luân lý cũng như về các quan niệm khác nhau về thần
học và mục vụ, đến những tác động thuận lợi về chính trị, đến những đụng độ gây
ra bởi hận thù và những tham vọng riêng tư. Điều chắc chắn đó là, dù cách này
hay cách khác, ở đằng sau những chia cắt này bao giờ cũng là những gì kiêu hãnh
và vị kỷ, những nguyên nhân gây ra tất cả mọi thứ bất đồng và khiến chúng ta trở
nên bất khoan nhượng, mất khả năng lắng nghe và chấp nhận những quan niệm hay
chủ trương khác với chúng ta.
Vậy, trước tất cả những gì như thế, là phần tử của Mẹ Thánh Giáo Hội, mỗi một
người chúng ta có thể và cần phải làm gì hay chăng? Chắc chắc không thể
thiếu được việc cầu nguyện để tiếp nối và hiệp thông với lời cầu nguyện của Chúa
Giêsu. Rồi cùng với lời nguyện cầu, Chúa xin chúng ta hãy tái cởi mở: Người xin chúng
ta đừng khép kín mình trước việc đối thoại và gặp gỡ, nhưng hãy lợi dụng tất cả
những gì là giá trị và tích cực được cống hiến cho chúng ta từ người nghĩ khác
chúng ta hay chủ trương khác chúng ta. Người xin chúng ta đừng tập trung vào
những gì chia rẽ chúng ta, trái lại, vào những gì liên kết chúng ta,
cho thấy chúng ta nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu hơn nữa và chia sẻ tình yêu
phong phú của Người. Điều này đòi phải gắn bó một cách cụ thể với chân lý, cùng
với khả năng tha thứ cho nhau, cảm thấy mình thuộc về cùng một gia đình, coi
mình là một tặng ân cho nhau và cùng nhau thực hiện nhiều điều tốt lành, nhiều
công việc bác ái.
Các bạn thân mến, vậy chúng ta hãy tiến tới mối hiệp nhất trọn vẹn! Lịch sử đã
phân rẽ chúng ta, thế nhưng chúng ta đang tiến trên con đường hướng về việc hòa
giải và hiệp thông! Cho
dù đích điểm ấy có vẻ quá xa vời hầu như bất khả đạt, khiến chúng ta cảm thấy
chán chường, chúng ta hãy can đảm lên bởi ý nghĩ là Thiên Chúa không thể nào bịt
tai của Ngài lại trước tiếng nói của Chúa Giêsu Con Ngài mà không nghe lời cầu
nguyện của Người và của chúng ta, xin cho tất cả mọi Kitô hữu được thực sự hiệp
nhất nên một.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.zenit.org/en/articles/full-text-of-pope-s-general-audience-catechesis-oct-8thand
(Nhan đề và những chỗ in nghiêng mầu là do tự ý của người dịch).