"Đức Bergoglio nói về cuộc cách mạng của mình vào năm đầu tiên trong vai trò lãnh đạo Giáo Hội"

Bài viết của Ferruccio de Bortoli

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

http://www.zenit.org/en/articles/english-translation-of-pope-francis-corriere-della-sera-interview

 "Trong một cuộc phỏng vấn với Corriere della Sera, Đức Bergoglio nói về Cuộc Cách Mạng của mình vào năm đầu tiên ở vai trò lãnh đạo Giáo Hội"

"Thật ra tôi chẳng thấy nhung nhớ Á Căn Đình"

Bài viết của Ferruccio de Bortoli

Một năm đã qua đi từ "buổi tối tốt đẹp" một cách bình thương đã làm biến chuyển thế giới ấy. Giai đoạn 12 tháng căng thẳng không thể nào chất chứa được cái ào ạt lớn lao từ những thứ đổi mới, cùng với các dấu hiệu sâu xa nơi cuộc canh tân về mục vụ của Đức Phanxicô. Chúng tôi ở trong một căn phòng nhỏ tại Nhà Trọ Thánh Matta. Chỉ có một cửa sổ hướng về một khu vườn mở ra cho thấy một góc nho nhỏ bầu trời xanh. Vị Giáo Hoàng đột nhiên xuất hiện ở cửa vào, với một nét mặt thoải mái tươi cười. Ngài vui đùa trước những bộ phận thâu âm khác nhau được người phóng viên sắp sẵn trên bàn. "Chúng có chạy không vậy? Chắc có rồi đó! Tạ ơn Chúa" Phải chăng là một cuộc thẩm định năm nay? Không, ngài không thích các thứ thẩm định. "Tôi chỉ thực hiện cuộc thẩm định cứ 15 ngày một với vị giải tội của tôi thôi".

Tâu Đức Thánh Cha, thỉnh thoảng Đức Thánh Cha gọi điện thoại cho những ai xin Đức Thánh Cha giúp đỡ. Đôi khi họ không tin được rằng đó là Đức Thánh Cha phải không?

Phải, nó đã xẩy ra cho tôi. Khi ai đó gọi cho tôi là vì họ muốn nói chuyện, họ có một vấn đề gì đó muốn kêu xin, muốn yêu cầu. Khi tôi còn là linh mục ở Buenos Aires thì dễ dàng hơn. Tôi đã giữ thói lệ đó. Nó là một việc phục vụ, có thể nói như thế. Thế nhưng, giờ đây thật sự là không dễ làm nữa, vì số lượng dân chúng viết cho tôi.

Trong số các người liên lạc với mình, Đức Thánh Cha có nhớ một ai bằng một cảm xúc đặc biệt hay chăng?

Có một bà góa 80 tuổi, bị mất đứa con trai của bà, đã viết thư cho tôi. Nay tôi gọi cho bà mỗi tháng một lần. Bà cảm thấy vui. Tôi thực hiện vai trò của một vị linh mục. Tôi thích như thế.

Về mối liên hệ với vị tiền nhiệm là Đức Biển đức XVI, có bao giờ Đức Thánh Cha xin ngài khuyến dụ hay chăng?

Có, vị Giáo Hoàng Hưu Trí không phải là một bức tượng trong bảo tàng viện. Đó là một thủ tục chúng ta không quen thuộc. Sáu mươi hay bảy mươi năm trước không có chuyện vị Giám Mục Hưu Trí. Sau Công Đồng Vaticanô II mới có và giờ đây đã trở thành một thủ tục. Đối với vị Giáo Hoàng Hưu Trí cũng thế. Đức Biển Đức XVI là vị đầu tiên và có lẽ sẽ có những vị khác nữa. Chúng ta không biết về điều này. Ngài kín đáo, khiêm tốn, ngài không muốn gây phiền hà. Chúng tôi đã nói về vấn đề này và chúng tôi cùng đi đến kết luận là tốt hơn ngài nên gặp gỡ dân chúng. Ngài ra tham dự vào đời sống của Giáo Hội. Có lần ngài đã đến đây nhân dịp làm phép bức tượng Thánh Tổng Thần Minh-Kha (Michael), sau đó ngài dùng bữa trưa ở Nhà Thánh Matta và sau Giáng Sinh tôi đã trở lại với lời mời tham dự vào cuộc Mật Nghị Hồng Y và ngài đã nhận lời. Sự khôn ngoan của ngài thật là một tặng ân của Thiên Chúa. Có một số người muốn thấy ngài hưu trí ở một Đan Viện Biển Đức nào đó xa khỏi Vatican. Và rồi tôi đã nghĩ đến các bậc ông bà là thành phần khôn ngoan cố vấn có thể cống hiến sức mạnh cho gia đình, chứ không xứng đáng kết thúc cuộc đời của mình ở một ngôi nhà hưu trí nào đó.

Chúng con nghĩ rằng đường lối Đức Thánh Cha cai trị Giáo Hội như thế này, đó là Đức Thánh Cha lắng nghe hết mọi người rồi tự mình quyết định lấy - đại khái giống như Cha Tổng Quyền Dòng Tên. Phải chăng vị Giáo Hoàng này là một con người lẻ loi cô độc?

Đúng và không đúng, thế nhưng tôi hiểu những gì ông muốn nói với tôi. Vị Giáo Hoàng này không lẻ loi cô độc trong công việc của mình, vì ngài được hỗ trợ nhờ việc tham vấn của nhiều người. Ngài sẽ là một con người lẻ loi cô độc nếu ngài đã quyết định mà không lắng nghe ai hay làm bộ lắng nghe vậy thôi. Tuy nhiên, có một lúc nào đó, người ta cần phải quyết định, khi cần phải ký tên của mình thì trong trường hợp ấy ngài vẫn chỉ có một mình, theo cảm quan trách nhiệm của mình mà thôi.

Đức Thánh Cha đã đổi mới, đã chỉ trích một số thái độ của hàng giáo sĩ. Đức Thánh Cha đã thực hiện cuộc cách mạng Tòa Thánh bằng một số phản kháng và chống đối. Giáo Hội đã thay đổi theo ý muốn của Đức Thánh Cha một năm trước đây hay chăng?

Tháng 3 năm ngoái tôi không có dự tính đổi thay Giáo Hội. Cứ nói như thế này đi, đó là tôi không mong có chuyện chuyển đổi giáo phận này. Tôi bắt đầu việc quản trị khi cố gắng thực hiện hết mọi sự đã xuất phát từ cuộc bàn cãi giữa các vị Hồng Y thuộc các Thánh Bộ khác nhau. Và trong các hành động của mình, tôi hy vọng cậy dựa vào ơn linh ứng của Chúa. Tôi sẽ cho ông thấy một thí dụ, đó là vấn đề đã từng được nói tới liên quan đến tình trạng tinh thần của thành phần làm việc ở Tòa Thánh và sau đó họ đã bắt đầu thực hiện các cuộc tĩnh tâm. Cần phải quan trọng hơn các cuộc tĩnh tâm hằng năm. Tất cả mọi người đều có quyền sống 5 ngày trong thinh lặng và suy niệm, trước đó, ở Tòa Thánh, họ chỉ nghe có 3 bài giảng 1 ngày mà bấy giờ có một số người vẫn tiếp tục làm việc.

Phải chăng sự dịu dàng và tình thương là yếu tính nơi sứ diệp mục vụ của Đức Thánh Cha?

Và của cả Phúc Âm nữa. Chúng là tâm điểm của Phúc Âm. Bằng không người ta không hiểu Chúa Giêsu Kitô, hay hiểu được sự dịu dàng của Cha là Đấng sai Người hằng nghe chúng ta, chữa lành chúng ta, cứu độ chúng ta.

Thế nhưng, sứ điệp này đã được hiểu biết hay chăng? Đức Thánh Cha đã nói rằng "Francis mania - cái gàn của Phanxicô" sẽ không kéo dài lâu. Có một cái gì đó nơi hình ảnh công khai về Đức Thánh Cha mà Đức Thánh Cha không thích hay chăng?

Tôi thích ở giữa dân chúng, với những ai khổ đau và đến với các giáo xứ. Tôi không thích những thứ giải thích có tính cách ý hệ, một thứ huyền thoại nào đó về Giáo Hoàng Phanxicô. Chẳng hạn tôi được cho rằng tôi ra khỏi Vatican vào ban đêm để chăm nuôi những người hành khất ở Via Ottaviano - Tôi không bao giờ nghĩ đến điều này. Sigmund Freud đã nói, nếu tôi không nhớ nhầm, trong tất cả những gì được ý hệ hóa đều chất chứa một cách gì đó hung hãn. Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi vẽ vời lên một vị Giáo Hoàng như thể ngài là một thứ Siêu Nhân, một thứ minh tinh. Vị Giáo Hoàng này là một con người biết cười, biết khóc, biết an lành ngủ nghỉ và có bạn bè thân hữu như mọi người khác. Ngài là một con người bình thường.

Đức Thánh Cha có nhung nhớ Nước Á Căn Đình của mình hay chăng?

Thật ra tôi chẳng thấy nhung nhớ. Tôi muốn thăm viếng người em gái của tôi đang bị bệnh, người cuối cùng trong 5 anh chị em chúng tôi. Tôi muốn thăm người em gái này, thế nhưng điều này không phải là lý do chính đáng để thực hiện một chuyến viếng thăm Á Căn Đình: chỉ cần gọi điện thoại là đủ. Tôi không nghĩ tôi sẽ lên đường trước năm 2016, vì tôi đã ở Mỹ Châu Latinh, ở Rio. Giờ đây tôi cần phải đến Thánh Địa, đến Á Châu và rồi đến Phi Châu. 

Đức Thánh Cha mới làm lại giấy thông hành Á Căn Đình của mình. Đức Thánh Cha vẫn là một vị lãnh đạo của nhà nước.

Tôi làm lại giấy thông hành của mình vì nó đã hết hạn.

Đức Thánh Cha có cảm thấy khó chịu khi người ta tố cáo Đức Thánh Cha là Marxist - Cộng Sản, nhất là ở Hoa Kỳ, sau khi ban hành Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm"?

Chẳng hề chi. Tôi không bao giờ chấp nhận ý hệ Marxist - Cộng Sản vì nó sai lầm, thế nhưng tôi đã quen biết nhiều người tốt lành theo thuyết Marxist - Cộng Sản.

Những gương mù gương xấu gây xôn xao đời sống của Giáo Hội giờ đây may thay đã qua đi. Trong một đề tài tế nhị về vấn đề lạm dụng trẻ em, trong số những người khác có hai triết gia Besancon và Scruton đã xin Đức Thánh Cha lên tiếng chống lại chủ nghĩa cuồng tín và thứ đức tin sai bậy của một thế giới tục hóa không tỏ ra tôn trọng nhiều tuổi ấu thơ?

Tôi muốn nói 2 điều. Những trường hợp lạm dụng trẻ em là những gì kinh khiếp vì chúng lưu lại các thương tích sâu đậm. Đức Biển đức XVI đã rất can đảm và đã mở đường. Và, theo đường lối ấy, Giáo Hội tiến triển rất nhiều, có lẽ hơn ai hết. Các thống kê về hiện tượng bạo lực phạm đến trẻ em thì kinh hoàng, thế nhưng chúng cũng rõ ràng cho thấy rằng đại đa số những nố lạm dụng xuất phát từ môi trường gia đình cũng như từ thành phần gần gũi các em. Giáo Hội Công giáo có lẽ là tổ chức công cộng duy nhất đã biến chuyển một cách trong sáng và hữu trách. Không ai khác đã làm nhiều như thế. Thế mà, Giáo Hội cũng là đối tượng duy nhất bị tấn công.

Đức Thánh Cha nói rằng "người nghèo truyền bá phúc âm hóa chúng ta". Việc chú trọng đến nghèo khổ, dấu hiệu đậm nét nhất nơi sứ điệp của Đức Thánh Cha, được một số quan sát viên coi như là một th xưng tụng bần cùng (a profession of pauperism). Phúc Âm không lên án giầu sang. Và Zakêu là một người giầu và bác ái.

Phúc Âm lên án việc tôn thờ giầu sang phú quí. Sự bần cùng là một trong những giải thích chỉ trích. Vào Thời Trung Cổ có nhiều trào lưu bần cùng. Thánh Phanxicô Assisi đã có được cái thiên tài đặt vấn đề nghèo khó vào cuộc hành trình phúc âm. Chúa Giêsu nói rằng không ai có thể làm tôi hai chủ, Thiên Chúa và tiền bạc. Và khi chúng ta bị xét xử vào ngày cùng tháng tận (Mathêu 25), chúng ta sẽ bị chất vấn về việc chúng ta gắn bó với nghèo khó. Nghèo khó đưa chúng ta ra khỏi ngẫu tượng và hướng đến những cách cửa Quan Phòng. Zakêu đã cống hiến một nửa giầu sang phú quí của mình cho người nghèo. Và những ai có các kho lẫm đầy ắp cái tôi vị kỷ của mình thì Chúa, cuối cùng sẽ đòi phải trả lẽ. Tôi nghĩ rằng tôi đã diễn tả rõ ràng tư tưởng của tôi về vấn đề nghèo khổ trong Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm".

Đức Thánh Cha đã nhận thấy nơi vấn đề toàn cầu hóa, nhất là về tài chính, một số sự dữ mà nhân loại đang phải chịu. Tuy nhiên, việc toàn cầu hóa đã giúp cho nhiều triệu người thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Nó đã mang lại niềm hy vọng, một thứ cảm quan hiếm có không được lẫn lộn với lạc quan tính.

Đúng thế, việc toàn cầu hóa đã cứu nhiều người khỏi cảnh bần cùng, thế nhưng nó lại luận phạt nhiều người khác phải chết đói, vì theo guồng máy kinh tế này nó trở thành những gì là lựa lọc. Việc toàn cầu hóa được Giáo Hội nghĩ đến không giống như một quả cầu (a sphere) trong đó hết mọi góc cạnh cách đều nhau từ tâm điểm, và vì thế, trong đó tính chất đặc thù của dân chúng bị mất đi. Trái lại, nó là một khối đa điện (a polyhedron), có nhiều mặt khác nhau, trong đó mỗi quốc gia vẫn giữ được văn hóa riêng của mình, ngôn ngữ của mình, tôn giáo của mình, căn tính của mình. Việc toàn cầu hóa về kính tế "kiểu quả cầu", nhất là về tài chính, đang sản xuất ra một tư tưởng duy nhất, một tư tưởng yếu kém. Và con người không còn là tâm điểm của nó mà chỉ là tiền bạc.

Chủ đề về gia đình là tâm điểm cho hoạt động của Hội Đồng Tam Vị Hồng Y. Từ Tông Huấn “Familiaris Consortio” của Đức Gioan Phaolô II có nhiều điều đã đổi thay. Những thứ mới mẻ lớn lao cả thể đang được trông đợi xẩy ra. Và Đức Thánh Cha nói rằng không được lên án những người ly dị - họ cần phải được giúp đỡ.

Nó là một con đường dài Giáo Hội cần phải hoàn thành, một tiến trình Chúa mong muốn. Ba tháng sau khi tôi được bầu chọn, các đề tài về cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới được nộp cho tôi, và chúng tôi đã quyết định bàn đến những gì Chúa Giêsu đóng góp với con người hiện đại. Tuy nhiên, cuối cùng - tôi cho rằng đó là dấu Chúa muốn - chúng tôi đã quyết định về gia đình, một cơ cấu đang trải qua một cuộc khủng hoảng rất ư là trầm trọng. Khó lòng mà hình thành nên một gia đình. Giới trẻ không còn lập gia đình nữa. Có nhiều gia đình ly tán, dự án sống chung của họ bị thất bại. Con cái chịu nhiều khổ đau. Chúng ta cần phải cung cấp một giải đáp. Tuy nhiên, chúng ta cần phải suy tư nhiều về vấn đề này, một cách sâu xa. Đó là những gì cuộc Mật Nghị Hồng Y và cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Gới đang làm. Chúng ta cần phải tránh đi việc tỏ ra hời hợt về đề tài này. Khuynh hướng giải quyết từng vấn đề một cách đúng sai là một lầm lỗi, một thứ đơn giản hóa những gì sâu xa. Đó là những gì những người Pharisiêu đã làm: một thứ thần học rất nông cạn. Và chính nhờ chiều hướng suy tư sâu xa này mà các tình huống đặc biệt sẽ có thể được giải quyết một cách nghiêm chỉnh, bao gồm cả tình huống của thành phần ly dị.

Tại sao bản tường trình của Đức Hồng Y Walter Kasper trong cuộc Mật Nghị Hồng Y vừa rồi (một vực thẳm giữa tín lý về hôn nhân và gia đình với đời sống thực sự của nhiều Kitô hữu) đã gây ra quá nhiều chia rẽ giữa các vị Hồng Y? Đức Thánh Cha có nghĩ rằng Giáo Hội sẽ có thể trải qua 2 năm hành trình cực khổ này để tiến đến một sự đồng thuận rộng rãi và bình lặng hay chăng?

Đức Hồng Y Kasper đã thực hiện một cuộc trình bày tuyệt vời và sâu xa, một trình bày chẳng bao lâu sẽ được phổ biến bằng tiếng Đức, trong đó ngài nói đến 5 điểm, mà điểm thứ năm là điểm về vấn đề hôn nhân lần thứ hai. Tôi đã cảm thấy lo hơn nữa nếu không xẩy ra một cuộc bàn luận căng thẳng trong cuộc Mật Nghị Hồng Y này, vì nó sẽ trở thành vô dụng. Các vị Hồng Y biết rằng các vị có thể nói những gì các vị muốn, và các vị đã trình bày cho thấy các quan điểm khác nhau là những gì vốn thêm phần phong phú. Việc bàn cãi cởi mở và huynh đệ giúp cho tư tưởng về thần học và mục vụ gia tăng. Điều đó không làm cho tôi cảm thấy run sợ. Hơn nữa, tôi muốn thấy thế mà.

Đức Hồng Y Kasper đã thực hiện một cuộc trình bày tuyệt vời và sâu xa, một trình bày chẳng bao lâu sẽ được phổ biến bằng tiếng Đức, trong đó ngài nói đến 5 điểm, mà điểm thứ năm là điểm về vấn đề hôn nhân lần thứ hai. Tôi đã cảm thấy lo hơn nữa nếu không xẩy ra một cuộc bàn luận căng thẳng trong cuộc Mật Nghị Hồng Y này, vì nó sẽ trở thành vô dụng. Các vị Hồng Y biết rằng các vị có thể nói những gì các vị muốn, và các vị đã trình bày cho thấy các quan điểm khác nhau là những gì vốn thêm phần phong phú. Việc bàn cãi cởi mở và huynh đệ giúp cho tư tưởng về thần học và mục vụ gia tăng. Điều đó không làm cho tôi cảm thấy run sợ. Hơn nữa, tôi muốn thấy thế mà.

Trong quá khứ mới đây, vấn đề thường qui chiếu về "những thứ giá trị bất khả thương lượng", nhất là về các vấn đề đạo lý sinh học (bioethics) và luân lý tính dục (sexual morality). Đức Thánh Cha chưa hề sử dụng đến công thức ấy. Phải chăng việc chọn lựa này là dấu hiệu cho thấy một đường lối bớt qui tắc hơn, tôn trọng lương tâm cá nhân nhiều hơn?  

Tôi không bao giờ hiểu cái công thức "những thứ giá trị bất khả thương lượng". Giá trị là giá trị và cái gì ra cái đó. Tôi không thể nói ngón tay nào trong bàn tay hữu dụng hơn những ngón còn lại, bởi thế tôi không hiểu được các thứ giá trị bất khả thương lượng nghĩa là gì. Những gì tôi cần phải nói về đề tài sự sống tôi đã đưa vào bản văn Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm".

Nhiều xứ sở đã qui định các cuộc phối hợp đời (civil unions). Phải chăng đó là một đường lối Giáo Hội có thể hiểu được? Thế nhưng cho tới độ nào?

Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Các Chính Quyền dân sự muốn biện minh các cuộc phối hợp đời để hợp thức hóa những trường hợp chung sống khác nhau, được thúc đẩy bởi nhu cầu cần qui định các khía cạnh kinh tế giữa những con người, chẳng hạn, để bảo đảm về việc chăm sóc sức khỏe. Mỗi trường hợp cần phải được xem xét và thẩm định theo tính chất khác biệt của nó.

Vai trò của nữ giới trong Giáo Hội sẽ được cổ võ ra sao?

Khoa phán quyết đúng sai trong trường hợp này cũng chẳng giúp được gì. Thật sự là nữ giới có thể và cần phải hiện diện hơn nữa trong các vai trò quyết định của Giáo Hội. Thế nhưng tôi muốn gọi vấn đề này là một thứ đề bạt của một loại nhiệm vụ. Và nếu chỉ thế thôi thì người ta không tiến hơn bao nhiêu. Trái lại, chúng ta cần phải nghĩ rằng Giáo Hội có điều khoản "la" về nữ giới: nó nguyên thủy là nữ giới. Thần học gia Urs von Balthasar đã cố gắng nhiều về đề tài này: nguyên tắc Thánh Mẫu hướng dẫn Giáo Hội bằng bàn tay của nguyên tắc Phêrô. Vị Trinh Nữ quan trọng hơn bất cứ vị Giám Mục nào và bất cứ vị Tông Đồ nào. Việc suy tư thần học đã được bắt đầu. Đức Hồng Y [Stanislaw] Rylko [chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân], cùng với Hội Đồng Giáo Dân, đang làm việc theo chiều hướng này với nhiều chuyên gia nữ giới.

Nửa thế kỷ sau bức Thông Điệp "Humanae Vitae - Sự Sống Con Người" của Đức Phaolô VI, Giáo Hội có thể lập lại một lần nữa đề tài kiểm soát sinh sản hay chăng? Người huynh đệ của Đức Thánh Cha là Đức Hồng Y [Carlo Maria] Martini [vị cố Tổng Giám Mục Milan] đã tin rằng giờ đây đã đến thời điểm rồi đó.

Tất cả đều lệ thuộc vào cách thức bản văn về "Sự Sống Con Người" được giải thích. Chính Đức Phaolô VI, cho đến cùng, đã huấn dụ các vị giải tội bày tỏ nhiều lòng xót thương và chú trọng tới các hoàn cảnh cụ thể. Thế nhưng, cái thiên tài của ngài là một thứ ngôn sứ, vì ngài đã can đảm trong việc đi ngược lại với đa số, trong việc bênh vực  kỷ cương luân lý, trong việc đạp cái thắng về văn hóa, trong việc chống lại tân chủ nghĩa lo sợ tăng bội dân số Malthusianism. Mục tiêu không phải là để thay đổi tín lý mà là vấn đề đi sâu vào vấn đề này và bảo đảm rằng việc thừa tác mục vụ lưu ý tới những trường hợp của từng người và những gì người đó có thể làm. Điều này cũng sẽ được bàn luận trên đường tiến đến cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới. 

Khoa học tiến hóa và tái định giới hạn của sự sống. Việc kéo dài sự sống trong tình trạng thực vật có ý nghĩa lắm chăng?

Tôi không phải là một chuyên gia về những luận lý về khoa đạo lý sinh học, và tôi sợ bị lầm lẫn về lời nói của mình. Tín lý truyền thống của Giáo Hội nói rằng không ai bị ép buộc phải sử dụng những phương pháp ngoại lệ khi ai đó ở vào giai đoạn tận cùng của họ. Theo mục vụ, trong những trường hợp này, tôi bao giờ cũng khuyến dụ việc chăm sóc xoa dịu giảm đau. Về những trường hợp đặc biệt hơn cần phải thích đáng bàn hỏi với các chuyên gia.

Chuyến đi Thánh Địa của Đức Thánh Cha có dẫn đến một hiệp định liên hiệp thông với Chính Thống Giáo mà Đức Phaolô VI, 50 năm trước, hầu như đã ký với Đức Thượng Phụ Athenagoras?

Tất cả chúng ta đều nóng lòng về việc đạt tới những thành quả "được niêm ấn". Thế nhưng con đường hiệp nhất với Chính Thống trên hết nhắm tới việc cùng nhau tiến bước và làm việc. Ở Buenos Aires, một vài Chính Thống đã đến tham dự các khóa giáo lý. Tôi thường cử hành Giáng Sinh và ngày 6/1 cùng với các vị giám mục của họ, những vị thậm chí xin tham vấn từ các văn phòng địa phận của chúng tôi. Tôi không biết câu chuyện đúng hay chăng là Đức Athenagoras đã nói với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI rằng ngài đề nghị là họ cùng nhau bước đi và sai tất cả các thần học gia đến một hải đảo để bàn luận với nhau. Đó là một câu chuyện đùa, thế nhưng vấn đề ở đây là cần chúng ta cùng nhau tiến bước. Thần học Chính Thống rất phong phú. Và tôi tin rằng, vào lúc này đây, họ có các đại thần học gia. Quan niệm của họ về Giáo Hội và đoàn tính thì tuyệt vời.  

Trong ít năm nữa quyền lực lớn nhất thế giới sẽ là Trung Hoa là nơi mà Tòa Thánh không có liên hệ gì. Cha Matteo Ricci là một tu sĩ Dòng Tên như Đức Thánh Cha.

Chúng ta đang gần với Trung Hoa. Tôi đã gửi một bức thư cho Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào khi ông ta được bầu lên, 3 ngày sau tôi. Và ông đã trả lời cho tôi. Những mối liên hệ đang có đó. Họ là một dân tộc lớn lao mà tôi yêu mến.

Tâu Đức Thánh Cha, tại sao Đức Thánh Cha không bao giờ nói về Âu Châu? Những gì không thuyết phục được Đức Thánh Cha nơi dự án của Âu Châu?

Ông có nhớ ngày tôi đã nói về Á Châu hay chăng? Tôi đã nói gì nào? (Ở đây vị tường trình đã mạo hiểm cống hiến một số giải thích, thu góp những ký ức mơ hồ chỉ để nhận thức rằng ngài đã rơi vào một cái bẫy đẹp). Tôi đã không nói về Á Châu hay Phi Châu hoặc Âu Châu. Chỉ về Mỹ Châu La Tinh khi tôi ở Ba Tây, và khi tôi phải tiếp Ủy Ban về Mỹ Châu La Tinh. Chưa có dịp để nói về Âu Châu. Rồi sẽ có mà.

Đức Thánh Cha đang đọc cuốn sách nào trong những ngày này?

"Phêrô và Mai Đệ Liên" của Damiano Marzotto về chiều kích nữ giới của Giáo Hội. Một cuốn sách tuyệt vời.

Và Đức Thánh Cha không thể coi bất cứ một cuốn phim hay nào, một đam mê khác trong những đam mê của Đức Thánh Cha? "La Grande Bellezza" đã đoạt giải Oscar. Đức Thánh Cha sẽ có xem nó hay chăng?

Tôi không biết. Cuốn phim cuối cùng tôi xem là cuốn "Sự sống thì Mỹ Miều của Benigni. Trước đó tôi đã xem cuốn "La Strada" của Fellini. Một kiệt tác. Tôi cũng thích cả Wajda...

Thánh Phanxicô đã có một tuổi trẻ thản nhiên vô tư. Xin hỏi Đức Thánh Cha là ngài đã từng yêu thương hay chăng?

Trong cuốn sách The Jesuit, tôi đã thuật lại tôi đã từng có một người bạn gái vào năm 17 tuổi. Và tôi cũng đề cập đến nó trong cuốn Trời và Đất, cuốn sách tôi đã viết với Abraham Skorka. Trong chủng viện, có một người con gái đã làm cho tôi xoay vần một tuần lễ.

Nếu Đức Thánh Cha cho phép tôi hỏi thì nó đã chấm dứt thế nào ạ?

Chúng ta những gì của tuổi trẻ. Tôi đã nói chuyện với vị giải tội của tôi về nó [một nụ cười tươi tắn].

Xin cám ơn Đức Thánh Cha

Xin cám ơn ông.