"Albania là một xứ sở Âu Châu vì nền văn hóa của nó - thứ văn hóa chung sống,
cũng như vì nền văn hóa lịch sử của nó".
ĐTC Phanxicô trả lời phỏng vấn trên chuyến bay tông du Albania
về lại Vatican 21/9/2014
Cha Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh, mở lời:
Giờ đây chúng ta phải tỏ hềt lòng cám ơn Đức Thánh Cha đã ở với chúng ta, cho dù
vào lúc cuối cùng của một ngày căng thẳng. Ngài muốn để cho chúng ta đặt một số
câu hỏi, ít thôi, về chuyến đi này. Bởi vậy, theo tiêu chuẩn chúng ta đã chấp
thuận đó là để cho 3 người bạn Albania của chúng ta hỏi, những người đã đồng
hành với chúng ta trọn chuyến đi này: họ đã đến Rôma là để hành trình với anh
chị em và giờ đây họ cũng trở về Rôma để hoàn thành kinh nghiệm của họ với anh
chị em. Họ từ 3 đài truyền hình của Albania. Chúng ta bắt đầu với Bà Mira Tuci
thuộc đài Truyền Hình Quốc Gia Albania.
Phóng viên hỏi 1:
Ngài đã lưu lại một ý nghĩ trong đầu cho nhân dân Albania, cho đất nước Albania
- đó là nhân dân Albania đã chẳng những chịu khổ đau ra sao mà họ còn tỏ
ra khoan nhượng nữa. Ngài còn thấy được một số phẩm chất khác nơi nhân dân
Albania hay chăng? Những phẩm chất ấy có phải là những phẩm chất đích thực để
làm cho phượng hoàng bay về tổ của mình hay chăng?
ĐTC Phanxicô đáp:
Nỗi khổ đau mà nhân dân Albania của anh chị em chịu đựng tôi đã thấy được rõ nét
hơn. Còn đối với việc khoan nhượng... Tôi muốn thay đổi chữ này. Nhân dân
Albania không phải là khoan nhượng mà là một người anh em. Họ có
khả năng về tình huynh đệ và còn hơn thế nữa. Điều này được chứng thực nơi việc
cùng chung sống, nơi việc hợp tác giữa những tín đồ Hồi giáo, Chính Thống giáo
và Công giáo. Họ không đang hợp tác với nhau như là anh em hay sao? Thế rồi
một điều khác đã tác động tôi từ đầu đó là tính chất trẻ trung của xứ sở này.
Khi tôi bày tỏ nhận định này thì tôi được bảo rằng nó là một xứ sở trẻ nhất Âu
Châu. Thế nhưng thực sự người ta thấy Albania đạt được một phát triển siêu vượt
về văn hóa cũng như về việc quản trị, nhờ tình huynh đệ này.
Phóng viên hỏi 2:
Thưa Ngài, khi di chuyển trên đại lộ chính ở Tirana, bên dưới những phông hình
của các vị giáo sĩ tử đạo trong chế độ Cộng sản ở một xứ sở bị chủ nghĩa vô thần
của Nhà Nước áp đặt 25 năm trước, ngài đã cảm thấy như thế nào?
ĐTC Phanxicô đáp:
Tôi đã nghiên cứu hai tháng để hiểu được giai đoạn khó khăn ấy của Albania. Tôi
cũng đã nghiên cứu giai đoạn đầu ở một mức độ nào đó. Thế nhưng anh chị em
có được những gốc nguồn văn hóa tuyệt vời nhất, và vững mạnh của thứ đại văn hóa
ngay từ ban đầu. Tôi đã tìm hiểu giai đoạn này và nó là một giai đoạn hung tàn:
mức độ của sự hung tàn kinh hoàng. Khi tôi trông thấy những phông ảnh ấy, chẳng
những của tín hữu Công giáo mà còn cả của Chính Thống giáo, thậm chí của Hồi
giáo,... và khi tôi nghĩ về những lời bảo với họ rằng "Ngươi không được tin vào
Thiên Chúa" - "Tôi vẫn tin!" - đoàng, và họ bắn chết một cách công khai. Bởi thế
tôi muốn nói rằng tất cả 3 yếu tố tôn giáo đã làm chứng cho Thiên Chúa và
giờ đây làm chứng cho tình huynh đệ.
Phóng viên hỏi 3:
Thưa Ngài, ngài đã viếng thăm Albania là một xứ sở đa số là tín đồ Hồi giáo. Tuy
nhiên, chuyến viếng thăm này đã diễn ra ở một thời điểm nguy hiểm trước tình
hình thế giới. Chính ngài đã nói rằng Thế Chiến Thứ Ba đã bắt đầu. Phải chăng
sứ điệp về chuyến viếng thăm này của ngài chỉ cống hiến cho nhân dân Albania hay
bao gồm hơn thế nữa?
ĐTC Phanxicô đáp:
Không, nó bao gồm hơn thế nữa. Albania đã thực hiện một cuộc hành trình hòa
bình, chung sống và hợp tác là những gì vươn dài mở rộng; nó đi đến cả các xứ sở
khác cũng có các gốc nguồn sắc tộc khác nhau. Bạn đã nói rằng "Nó là một xứ
sở đa số Hồi giáo". Đúng thế, nó không phải là một xứ sở Hồi giáo. Nó là một xứ
sở Âu Châu. Điều này khiến tôi ngỡ ngàng. Thật vậy, Albania là một xứ sở Âu Châu
vì nền văn hóa của nó - thứ văn hóa chung sống, cũng như vì nền văn hóa lịch sử
của nó.
Phóng viên hỏi 4:
Giờ đây ngài đã thực hiện chuyến viếng thăm Albania là nước ở Âu Châu. Những
chuyến viếng thăm tới là những chuyến nào?
ĐTC Phanxicô đáp:
Đúng thế, tôi không thể nào thay đổi được địa dư. Những chuyến đi tới sẽ vào
ngày 25/11, ở Strasbourg, với Hội Đồng Âu Châu và Nghị Viện Âu Châu, cả hai, rồi
sau đó vào ngày 28 - có lẽ - ở Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự lễ Thánh Anrê ngày 30/11
với Đức Thượng Phụ Bartholomew.
Phóng viên hỏi 5:
Thưa Ngài, chúng tôi đã biết rằng ngài có một nhãn quan về Albania ở một nghĩa
nào đó khác với nhãn quan của những người Âu Châu, tức là chúng tôi nhìn Âu Châu
hầu như là Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Ngài đã chọn xứ sở đầu tiên của Âu Châu để
thăm viếng lại là một xứ sở ở ngoài rìa không thuộc về Khối Hiệp Nhất Âu Châu.
Ngài có thể nói sao với những ai chỉ nhìn Âu Châu của thành phần "quyền lực"?
ĐTC Phanxicô đáp:
Chuyến đi của tôi là một sứ điệp,
nó là một dấu chỉ; nó là một dấu chỉ tôi muốn cống hiến vậy.
Phóng viên hỏi 6:
Tôi tin rằng tất cả chúng tôi đã thấy ngài khóc lần đầu tiên, ngài đã tỏ ra rất
cảm kích trong cuộc gặp gỡ ấy: tôi nghĩ đó là giây phút cảm động nhất của
chuyến đi này? (Biệt
chú của người dịch: Trước giờ kinh chiều với các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng
sinh và các phong trào giáo dân trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ở
Thủ Đô Tirana, và sau lời nghênh đón của Đức Tổng Giám Mục Rrok
K. Mirdita, Đức Thánh Cha đã nghe chứng từ của một vị linh mục triều lão thành
là Cha Ernesto Simoni Troshani và
của một nữ tu Dòng Dấu Thánh là Maria Kaleta, và ngài đã không thể cầm hãm được
nỗi xúc động đến độ rơi nước mắt sau khi nghe chứng từ của vị linh mục lão
thành).
ĐTC Phanxicô đáp:
Việc nghe một vị tử đạo nói về cuộc tử đạo của mình là những gì mãnh liệt! Tôi
nghĩ rằng tất cả chúng ta ở đó đều cảm kích, tất cả chúng ta. Và những ai làm
chứng đã nói như thể họ bấy giờ đang nói về người khác, nói một cách tự nhiên,
một cách khiêm tốn. Điều này đã làm cho tôi cảm thấy tốt đẹp! Xin cám ơn anh chị
em rất nhiều và chào anh chị em buổi tối nhé.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/full-text-of-in-flight-papal-press-conference-from-albania