GIÁO HỘI HIỆN THẾ
KHÔNG CÒN LÀ NHỮNG KẺ NÔ LỆ MÀ LÀ ANH CHỊ EM
ĐTC Phanxicô - Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình
1-1-2015
1. Vào lúc mở màn cho Năm Mới này, một năm chúng ta đón nhận như là một tặng ân ưu ái của Thiên Chúa ban cho tất cả loài người, tôi xin chân thành chúc bình an đến cho hết mọi con người nam nữ, cho tất cả mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới, cho các vị lãnh đạo quốc gia và chính quyền, và cho tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo. Trong việc chúc bình an này tôi nguyện xin cho việc chấm dứt các cuộc chiến tranh, chấm dứt các cuộc xung khắc và chấm dứt tình trạng rất đau thương gây ra bởi tác nhân con người, bởi các thứ dịch bệnh quá khứ và hiện tại, cũng như bởi tình trạng tàn phá của các tai ương thiên nhiên. Tôi đặc biệt nguyện cầu để, theo ơn gọi chung của chúng ta trong việc hợp tác với Thiên Chúa và với tất cả mọi con người thiện chí cho tình trạng tiến bộ về hòa hợp và hòa bình trên thế giới, chúng ta có thể chống lại khuynh hướng tác hành bằng một cách thức bất xứng với nhân tính của chúng ta.
Trong Sứ Điệp Hòa Bình của tôi năm ngoái, tôi đã nói đến "niềm ước muốn được sống một cuộc đời trọn vẹn... thứ ước muốn bao gồm một niềm mong mỏi có được tình huynh đệ là những gì lối kéo chúng ta đến mối thân tình với người khác và giúp chúng ta có thể nhìn họ không phải là kẻ thù hay đối thủ mà là như những người anh chị em cần được chấp nhận và gắn bó" (1). Vì tự bản chất chúng ta là những hữu thể liên hệ, hướng đến chỗ đạt được tầm vóc viên trọn của mình nhờ những mối giao hảo liên cá thể được tác động bởi công lý và yêu thương, mà cái chính yếu cho việc phát triển về nhân bản của chúng ta là ở chỗ phẩm vị của chúng ta, quyền tự do và độc lập của chúng ta phải được công nhận và tôn trọng. Thảm thương thay, cái nạn gia tăng về việc khai thác nhau của con người đang trầm trọng tác hại đến đời sống hiệp thông và ơn gọi của chúng ta trong việc hình thành các mối giao hảo liên cá thể có đặc tính trân trọng, công chính và yêu thương. Hiện tượng ghê rợn này, một hiện tượng dẫn đến chỗ tỏ ra khinh thường các quyền lợi nồng cốt của người khác và đến chỗ đàn áp quyền tự do và nhân phẩm của họ đưới nhiều hình thức. Tôi muốn vắn tắt quan tâm đến những vấn đề này, để trong ánh sáng của lời Chúa, chúng ta có thể coi tất cả mọi con người nam nữ "không còn là những kẻ nô lệ mà là anh chị em".
Lắng nghe dự án của Thiên Chúa đối với loài người
2. Đề tài tôi đã chọn làm sứ điệp cho năm nay được lấy từ bức thư của Thánh Phaolô gửi cho Philemon, trong đó, vị Tông Đồ này đã xin người cộng sự viên này của ngài hãy đón nhận Onesimus là một nô lệ trước đó của Philemon, giờ đây thành một Kitô hữu, và vì thế, theo Thánh Phaolô, đáng được coi là một người anh em. Vị Tông Đồ Dân Ngoại viết: "Có lẽ đó là lý do tại sao anh ta đã xa cách anh một thời gian, để anh có thể được lại anh ta mãi mãi, không còn là một nô lệ nữa mà còn hơn là một người nô lệ, là một người anh em yêu dấu" (các câu 15-16). Onesimus đã trở thành người anh em của Philemon khi anh ta trở thành một Kitô hữu. Việc trở về với Chúa Kitô, việc bắt đầu một cuộc đời sống vai trò môn đệ Kitô hữu, bởi thế tạo nên một cuộc tái sinh (xem 2 Corinto 5:17; 1Phêrô 1:3) là những gì mang lại tình huynh đệ như là mối liên hệ chính yếu của đời sống gia đình và là nền tảng của đời sống trong xã hội.
Trong Sách Khởi Nguyên (xem 1:27-28), chúng ta đọc thấy rằng Thiên Chúa đã dựng nên con người là nam là nữ, và đã chúc phúc cho họ để họ có thể gia tăng và sinh sôi nẩy nở. Ngài đã làm cho Adong và Evà trở thành bậc cha mẹ, những con người, trong việc đáp ứng lệnh Thiên Chúa muốn sinh sôi nẩy nở, đã tạo nên mối tình huynh đệ đầu tiên, mối tình huynh đệ giữa Cain và Abel. Cain và Abel là anh em với nhau vì họ xuất phát từ cùng một bụng dạ. Bởi thế họ có cùng một nguồn gốc, bản tính và phẩm giá như cha mẹ của họ, thành phần được tạo dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa.
Thế nhưng, tình huynh đệ cũng bao gồm cả những gì khác nhau và khác biệt giữa anh chị em, cho dù họ có liên hệ với nhau về việc sinh ra và giống nhau về bản tính và phẩm giá. Bởi thế, là anh chị em, tất cả mọi người đều liên hệ với người khác, thành phần họ khác biệt thế nhưng lại là những người họ có chung nguồn gốc, bản tính và phẩm giá. Thế nên tình huynh đệ tạo nên một mạng lưới liên hệ thiết yếu cho việc xây dựng gia đình nhân loại được Chúa kiến tạo.
Thảm thương thay, giữa cuộc tạo dựng đầu tiên được Sách Khởi Nguyên trình thuật và cuộc tái sinh trong Chúa Kitô làm cho các tín hữu trở thành anh chị em của "vị trưởng tử trong nhiều anh em" (Roma 8:29), xẩy ra thực tại tiêu cực của tội lỗi, một thực tại thường gây lũng đoạn tình huynh đệ nhân loại và liên tục làm biến dạng vẻ đẹp và tính cao quí của việc chúng ta là anh chị em của nhau trong một gia đình nhân loại duy nhất. Không phải chỉ vì Cain không chịu được Cain; anh ta đã giết em là vì ghen tương, và vì thế đã gây ra cảnh huynh đệ tương tàn đầu tiên. "Việc Cain sát hại Abel là chứng từ thê thảm cho thấy việc anh ta hoàn toàn phủ nhận ơn gọi là anh em của nhau. Câu chuyện của họ (xem Khởi Nguyên 4:1-6) cho thấy công việc khó khăn mà tất cả mọi con người nam nữ được kêu gọi để sống nên một với nhau, mỗi người chăm sóc cho nhau" (2).
Đây cũng là trường hợp liên quan tới Ông Noe và các con của ông (xem Khởi Nguyên 9:18-27). Việc đứa con tên Ham tỏ ra bất kính với cha là Noe đã khiến cho Ông Noe nguyền rủa đứa con trai hỗn láo này của mình và chúc lành cho những đứa khác, những đứa tỏ ra tôn kính ông. Điều này đã tạo nên một tình trạng bất bình đẳng giữa những người anh em được sinh ra cùng một bụng dạ của người mẹ.
Căn cứ vào nguồn gốc của gia đình nhân loại mà tội ly gián tách mình khỏi Thiên Chúa, khỏi người cha và khỏi anh em, trở thành một dấu hiệu chối từ hiệp thông. Nó làm xuất hiện một thứ văn hóa nô dịch (xem Khởi Nguyên 9:25-27), kéo theo tất cả mọi hậu quả của nó từ đời nọ đến đời kia, đó là việc loại trừ người khác, ngược đãi họ, các thứ vi phạm đến phẩm giá và quyền lợi căn bản của họ, và tình trạng bất bình đẳng có tổ chức. Bởi thế, cần thực hiện việc liên lỉ hoán cải trở về với Giao Ước, một giao ước được nên trọn bởi hy tế thập giá của Chúa Giêsu, tin tưởng rằng "ở đâu tội lỗi gia tăng thì ân sủng càng dồi dào hơn nữa... nhờ Đức Giêsu Kitô" (Roma 5:20-21). Chúa Kitô, Người Con yêu dấu (xem Mathêu 3:170, đã đến để tỏ tình yêu của Cha ra cho nhân loại. Ai nghe Phúc Âm và đáp lại tiếng gọi hoán cải thì trở thành "anh em, chị em và mẹ" của Chúa Giêsu (Mathêu 12:50), nhờ đó trở thành đứa con thừa nhận của Cha Người (xem Epheso 1:5).
Người ta không trở thành một Kitô hữu, một đứa con của Cha và là một người anh chị em trong Đức Kitô, vì ý định thần linh quyền thế mà lại không thi hành quyền tự do cá nhân: nói ngắn gọn, mà lại không tự do hoàn cải về với Chúa Kitô. Trở thành một người con của Thiên Chúa cần phải hoán cải: "Hãy thống hối và lãnh nhận phép rửa, hết mọi người trong anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô để tội lỗi của anh em được thứ tha; và anh em sẽ lãnh nhận tặng ân Thánh Linh" (Tông Vụ 2:38). Tất cả những ai đáp lại bằng đức tin và với đời sống của mình đối với việc rao giảng của Thánh Phêrô đã tham dự vào tình huynh đệ của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi (cf. 1 Pet 2:17; Acts 1:15-16, 6:3, 15:23): cả Do Thái lẫn Hy Lạp, cả nô lệ lẫn tự do (cf. 1 Cor 12:13; Gal 3:28). Các nguồn gốc và địa vị xã hội khác nhau không làm suy giảm phẩm giá của bất cứ một ai hay loại trừ bất cứ ai khỏi việc thuộc về Dân Chúa. Bởi thế cộng đồng Kitô hữu là một nơi hiệp thông được sống bằng cùng một tình yêu thương giữa anh chị em với nhau (cf. Rom 12:10; 1 Thess 4:9; Heb 13:1; 1 Pet 1:22; 2 Pet 1:7).
Tất cả những điều này cho thấy cách thức Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà trong Người Thiên Chúa làm cho "tất cả mọi sự nên mới mẻ" (Rev 21:5) (3), cũng có thể cứu được các mối liên hệ của nhân loại, bao gồm cả những mối liên hệ giữa thành phần nô lệ và chủ tể, bằng cách chiếu sáng trên những gì cả hai đều có được đó là vai trò dưỡng tử và mối liên hệ tình huynh đệ trong Đức Kitô. Chính Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ của Người rằng: "Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết được những gì chủ tế của mình làm; nhưng Thày gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thày đã nghe từ Cha Thày thì Thày cũng tỏ ra cho các con" (Gioan 15:15).
Một số căn nguyên sâu xa của vấn đề nô lệ
4- Ngày nay, cũng như trong quá khứ, vấn đề nô lệ đều được bắt nguồn từ một ý nệm về con người là thành phần có thể được đối xử như là một thứ đồ vật. Bất cứ ở đâu tội lỗi làm băng hoại lòng người và tách chúng ta khỏi Đấng Hóa Công cũng như khỏi tha nhân của chúng ta, thì tha nhân không còn được coi là những hữu thể có phẩm giá bình đẳng, như là những người anh chị em có cùng một nhân tính mà là như các đồ vật. Dù là bị áp bức hay lừa đảo, hay bị cưỡng ép về thể lý hoặc tâm lý, con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa bị cướp mất quyền tự do của họ, bị bán đi và biến thành một sản vật của người khác. Họ bị đối xử như là một thứ phương tiện để đạt mục đích.
Cùng với căn nguyên sâu xa này - nguyên nhân chối bỏ nhân tính của người khác - còn có các căn nguyên khác có thể cho thấy những hình thức hiện đại của vấn đề nô lệ. Trong số những căn nguyên này, trước hết tôi nghĩ đến tình trạng nghèo khổ, chậm phát triển và loại trừ, nhất là khi các hình thức ấy còn được kèm theo cả sự thiếu thốn về phương tiện giáo dục hay khan hiếm thậm chí chẳng có những cơ hội được công ăn việc làm. Không phải là không thường xẩy ra là các nạn nhân của việc buôn người và nô lệ con người là thành phần đang tìm cách thoát khỏi tình trạng bần cùng; bị lừa đảo bởi những lời hứa hẹn gả tạo về công ăn việc làm họ thường rơi vào tay của các tổ chức tội ác chủ trương buôn người. Những tổ chức này khéo léo sử dụng phương tiện truyền thông tân tiến như cách thức dụ dỗ thành phần nam nữ trẻ trung ở các phần đất khác nhau trên thế giới.
Một căn nguyên của vấn đề nô lệ nữa đó là tình trạng băng hoại về phía người muốn làm bất cứ điều gì cho có được tiền bạc. Việc lao động nô lệ và buôn người thường cần đến sự đồng lõa của thành phần trung gian, có thể là nhân viên công lực, là công chức quốc gia, hay là các tổ chức dân sự và quân đội. "Điều này xẩy ra khi tiền bạc, chứ không phải là con người, trở thành trọng tâm của kinh tế. Đúng thế, con người, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và được trao trọng trách làm chủ toàn thể thiên nhiên tạo vật, cần phải là tâm điểm của hết mọi thể chế xã hội hay kinh tế. Khi con người bị thay thế bằng tiền tài thì hậu quả xẩy ra đó là sự sụp đổ của các thứ giá trị" (5)
Các căn nguyên khác nữa của vấn đề nô lệ bao gồm cả những xung đột võ trang, bạo động,hoạt động tội ác và khủng bố. Nhiều người bị bắt cóc để được đem bán đi, để tòng quân tham chiến hay bị khai thác tình dục, trong khi những người khác buộc phải di tản, bỏ lại tất cả mọi sự: xứ sở của mình, nhà cửa, tài sản, thậm chí các phần tử trong gia đình. Họ bị đẩy đi tìm kiếm một phương cách khác thay cho những điều kiện kinh khiếp ấy, thậm chí nguy hại đến phẩm giá con người của họ và ngay cả đến mạng sống của họ; họ liều mình lao đầu vào cái vòng xoáy đồi bại là những gì biến họ thành mồi ngon cho khốn khổ, băng hoại và các hậu quả độc hại của họ.
Một cuộc dấn thân chung để chấm dứt vấn đề nô lệ
5- Thường khi cứu xét đến thực tại của việc buôn người, của việc buôn trái phép thành phần di dân và các hình thức nô lệ được công nhận hay không được công nhận, người ta có cảm tưởng rằng chúng đang xẩy ra trong một bối cảnh của tâm trạng dửng dưng chung chung.
Buồn thay, điều này đúng một phần lớn. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập tới các nỗ lực lớn lao và thường âm thầm đã được thực hiện qua nhiều năm bởi các hội dòng, nhất là các hội dòng nữ giới, trong việc nâng đỡ thành phần nạn nhân. Những hội dòng này phục vụ ở trong các trường hợp rất khó khăn, có những lúc bị áp đảo bởi bạo động, khi họ hoạt động để cắt đứt những sợi giây xích vô hình cầm buộc thành phần nạn nhân với những kẻ buôn người và khai thác. Những sợi giây xích này được làm nên bởi một chuỗi những móc nối, mỗi móc nối lại được cấu tạo bởi những các mưu mẹo tinh xảo về tâm lý khiến cho các nạn nhân lệ thuộc vào những kẻ khai thác. Điều này được thực hiện bằng việc hăm dọa tống tiền tấn công họ và các người thân yêu của họ, mà còn bằng những hành động cụ thể như tịch thu các thứ giấy tờ về thân thế và bạo lực thể lý. Hoạt động của các hội dòng được thực hiện nơi ba lãnh vực, đó là ra tay trợ giúp thành phần nạn nhân, giúp họ phục hồi tâm lý và giáo dục, và làm sao để tái hội nhập họ vào xã hội nơi họ đang sống hay nơi họ đến sống.
Công việc rộng lớn này cần phải can đảm, nhẫn nại và kiên trì, nên đáng được toàn thể Giáo Hội và xã hội biết ơn. Tuy nhên, tự mình, nó không đủ để chấm dứt nạn khai thác con người. Cũng cần phải thực hiện một cuộc dấn thân tam diện về lãnh vực cơ cấu: cho việc ngăn ngừa, cho việc bảo vệ nạn nhân và cho việc truy tố những kẻ thủ phạm ra trước pháp luật. Ngoài ra, vì các tổ chức tội ác sử dụng các mạng lưới quốc tế để đạt được các mục đích của mình mà các nỗ lực cần có để loại trừ hiện tượng này cũng cần phải trở thành một nỗ lực chung, và thực sự là một nỗ lực toàn cầu vế phía các tổ chức khác nhau trong xã hội.
Các quốc gia cần phải bảo đảm rằng ngành lập pháp của họ thực sự là tôn trọng con người ở các lãnh vực về di dân, về việc làm, về vấn đề thừa nhận, về việc di chuyển các ngành thương mại ra ngoài nước và việc bán các sản phẩm được làm bởi lao động nô lệ. Cần phải có những luật lệ chân chính chú trọng đến con người, chấp nhận các thứ quyền lợi căn bản và phục hồi các quyền lợi bị vi phạm. Những điều luật như vậy còn cần phải giúp cho nạn nhân được phục hồi, bảo đảm tình trạng an toàn của cá nhân họ, và bao gồm những phương tiện ràng buộc hiệu lực cho khỏi những gì là băng hoại hay không bị trừng phạt. Cần phải công nhận vai trò của nữ giới trong xã hội, ít là bằng các khởi động ở những lãnh vực về văn hóa và truyền thông xã hội.
Các tổ chức liên chính phủ, trong vấn để tuân thủ nguyên tắc phụ trợ, được kêu gọi điều hợp các khởi động để chiến đấu với những tổ chức xuyên quốc gia của hệ thống tội ác nhắm tới việc buôn người và buôn người di dân bất hợp pháp. Thật sự là cần đến việc hợp tác ở một số lãnh vực, liên quan tới các tổ chức quốc gia và quốc tế, các cơ quan xã hội dân sự và thế giới về tài chính.
Các ngành thương mại (6) có nhiệm vụ bảo đảm những điều kiện xứng đáng và những lương bổng thích đáng cho nhân viên của mình, nhưng họ cũng cần phải tỉnh táo để các hình thức nô lệ hóa con người hay buôn người không còn cách nào cho đường giây phân phối. Cùng với trách nhiệm về xã hội của các ngành thươg mại, cũng có cả trách nhiệm về xã hội của thành phần tiêu thụ nữa. Hết mọi người cần phải ý thức rằng "vấn đề thu mua bao giờ cũng là một hành động về luân lý - chứ không phải chỉ là một hành động về kinh tế" (7).
Các tổ chức trong xã hội dân sự, về phần mình, có trách nhiệm làm thức tỉnh lương tâm và phát động bất cứ những gì cần thiết cho việc chiến đấu và làm bật gốc thứ văn hóa nô lệ hóa.
Trong những năm gần đây, Tòa Thánh, chú ý
tới nỗi đớn đau của thành phần nạn nhân buôn người và tiếng nói của các hội
dòng trợ giúp họ trên con đường dẫn đến tự do, đã gia tăng những lời kêu gọi
của mình với cộng đồng quốc tế về vấn đề cộng tác và hợp tác giữa các cơ
quan khác nhau trong việc chấm dứt cái tai họa này (8). Giáo Hội cũng tổ
chức các cuộc hội họp để gây chú ý tới hiện tượng buôn người và giúp dễ dàng
hóa việc
hợp tác giữa các cơ quan khác nhau, bao
gồm cả những chuyên viên từ
các đại học đường và các tổ chức quốc tế, các lực lượng cảnh sát ở các xứ sở
của người di dân, xứ sở nguyên quán,
xứ sở chuyển tiếp, hay xứ sở họ đến, và
các đại diện thuôc những nhóm thuộc giáo
hội phục vụ nạn nhân. Tôi
hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ tiếp tục phát triển trong những năm
tới đây.
Toàn cầu hóa tình huynh đệ chứ không phải toàn cầu hóa vấn đề nô lệ hay tâm trạng dửng dưng
6- Trong việc "loan báo sự thật về tình yêu của Chúa Kitô trong xã hội" của mình (9), Giáo Hội liên lỉ dấn thân thực hiện các hoạt động bác ái được tác động bởi chân lý về con người. Giáo Hội có trách nhiệm phải tỏ ra cho tất cả mọi người con đường hoán cải, một con đường giúp chúng ta có thể thay đổi cách chúng ta nhìn tha nhân của chúng ta, nhìn nhận nơi hết mọi người khác là anh chị em trong gia đình nhân loại của chúng ta, và công nhận phẩm giá bẩm sinh của họ trong sự thật và tự do. Điều này có thể rõ ràng được thấy nơi chuyện của Josephine Bakhita, vị thánh gốc gác ở miền Darfur xứ Sudan, bị thành phần buôn người bắt cóc và bán cho các tay chủ tể tàn bạo khi ngài mới được 9 tuổi. Sau đó - bằng những cảm nghiệm đau thương - ngài đã trở thành "một nữ tử tự do của Thiên Chúa" nhờ đức tin của ngài, đã sống đời thánh hiến tu trì và phục vụ người khác, nhất là những ai thấp hèn nhất và bất lực nhất. Vị thánh này, vị đã sống ở vào khúc quanh của thế kỷ 20, là một chứng nhân rạng ngời của niềm hy vọng thậm chí cho đến ngày nay (10) cho rất nhiều nạn nhân bị làm nô lệ; ngài có thể hỗ trợ các nỗ lực của tất cả những ai dấn thân chiến đấu chống lại "vết thương nứt nẻ trên thân mình của xã hội hiện đại, một tai họa ở trên thân mình của Chúa Kitô" (11).
Căn cứ vào tất cả những điều ấy, tôi xin mời gọi hết mọi người, tùy theo vai trò và trách nhiệm xứng hợp của mình, hãy thực hiện các hành động của tình huynh đệ đối với những ai đang bị giam giữ trong tình trạng làm nô lệ. Chúng ta hãy tự vấn, với tư cách cá nhân và cộng đồng, chúng ta có cảm thấy áy náy trong ngày sống của mình khi chúng ta gặp gỡ hay giao tiếp với những người có thể là nạn nhân của nạn buôn người chăng, hay chúng ta có khuynh hướng lựa chọn các vật rất có thể được sản xuất bởi việc khai thác kẻ khác chăng. Có một số người trong chúng ta, vì tâm trạng dửng dưng lạnh lùng, hay vì lý do tiền bạc, hoặc vì chúng ta bận bịu với các thứ quan tâm hằng ngày của chúng ta, đã nhắm mắt lại trước những gì như thế. Tuy nhiên, những người khác lại quyết định làm một điều gì đó về nó, tham gia vào các hiệp hội dân sự hay thực hành những cử chỉ nhỏ nhoi hằng ngày - hết sức đáng khen! - như nói năng từ tốn, chào hỏi hay tươi cười. Những cử chỉ này chẳng đáng là bao nhưng chúng có thể mang lại niềm hy vọng, có thể mở ra các cánh cửa và có thể thay đổi đời sống của người khác đang sống một cách kín mật; chúng cũng có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta liên quan đến thực tại này.
Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng chúng ta đang đối diện với một hiện tượng toàn cầu vượt quá khả năng của bất cứ một cộng đồng nào hay một xứ sở nào. Để loại trừ nó, chúng ta cần một thứ vận động về kích cỡ có thể sánh với kích cỡ của chính hiện tượng này. Đó là lý do tôi thiết tha kêu gọi tất cả mọi người nam nữ thiện chí, và tất cả những ai gần xa, bao gồm cả các cấp bậc cao nhất nơi những tổ chức dân sự, thành phần chứng kiến thấy cái tai họa của vấn đề nô lệ hiện đại, đừng trở thành kẻ tòng phạm với sự dữ ấy, đừng ngoảnh mặt quay đi trước những khổ đau của anh chị em chúng ta, những con người đồng loại của chúng ta, những người bị tước mất quyền tự do và phẩm giá của mình. Trái lại, chớ gì chúng ta can đảm chạm tới xác thịt đau thương của Chúa Kitô (12), được tỏ ra trên các khuôn mặt của vô vàn là những con người được Người gọi là "thành phần hèn mọn nhất trong anh em của Ta" (Mathêu 25:40,45).
Chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng ta rằng: ngươi đã làm gì cho anh em của ngươi? (xem Khởi Nguyên 4:9-10). Tình trạng toàn cầu hóa tâm trạng dửng dưng lạnh lùng, những gì ngày nay đang đè nén đời sống của rất nhiều anh chị em của chúng ta, cần tất cả chúng ta hình thành một tình liên kết và huynh đệ mới toàn cầu có khả năng cống hiến cho họ niềm hy vọng mới và giúp họ can đảm tiến bước giữa các vấn đề của thời đại chúng ta với các chân trời mới mở ra và được Thiên Chúa trao cho chúng ta.
Tại Vatican ngày 8/12/2014
Phanxicô
[1] No. 1.
[3] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 11.
[4] Cf. Address to Delegates of the International Association of Penal Law, 23 October 2014: L’Osservatore Romano, 24 October 2014, p. 4.
[5] Address to Participants in the World Meeting of Popular Movements, 28 October 2014: L’Osservatore Romano, 29 October 2014, p. 7.
[6] Cf. PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Vocation of the Business Leader: A Reflection, 2013.
[7] BENEDICT XVI, Encyclical Letter Caritas in Veritate, 66.
[8] Cf. Message to Mr Guy Ryder, Director General of the International Labour Organization, on the occasion of the 103rd Session of the ILO, 22 May 2014: L’Osservatore Romano, 29 May 2014, p. 7.
[9] BENEDICT XVI, Encyclical Letter Caritas in Veritate, 5.
[10] “Through the knowledge of this hope she was ‘redeemed’, no longer a slave, but a free child of God. She understood what Paul meant when he reminded the Ephesians that previously they were without hope and without God in the world – without hope because without God” (BENEDICT XVI, Encyclical Letter Spe Salvi, 3).
[11] Address to Participants in the Second International Conference on Combating Human Trafficking: Church and Law Enforcement in Partnership, 10 April 2014: L’Osservatore Romano, 11 April 2014, p. 7; cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 270.
[12] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 24 and 270.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo những chỗ mầu nhấn mạnh tự ý, còn những chỗ in nghiêng vẫn theo nguyên bản chính)