"Ngày Thế Giới Truyền Giáo cũng là một cơ hội để tái thắp lên niềm ước muốn và trách vụ luân lý

trong việc hân hoan tham phần vào sứ vụ truyền giáo cho muôn dân".

 

ĐTC Phanxicô - Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 188 Chúa Nhật 19/10/2014

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Ngày nay biết bao nhiêu là người vẫn chưa nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, việc truyền giáo cho muôn dân (ad gentes) vẫn tiếp tục là vấn đề khẩn trương. Tất cả mọi phần tử của Giáo Hội đều được kêu gọi tham dự vào sứ vụ này, vì Giáo Hội tự bản chất của mình là truyền giáo: Giáo Hội được hạ sinh 'để ra đi'. Ngày Thế Giới Truyền Giáo là một thời khắc đặc biệt để tín hữu thuộc các châu lục khác nhau tham gia cầu nguyện, cùng với các cử chỉ liên kết cụ thể để nâng đỡ các Giáo Hội trẻ trung thuộc những miền đất truyền giáo. Nó là một cử hành ân sủng và niềm vui. Một cử hành ân sủng vì Thánh Linh được Cha sai đến để cống hiến khôn ngoan cùng sức mạnh cho những ai tuân theo hành động của Ngài. Một cử hành niềm vui vì Chúa Giêsu Kitô, Con của Cha, Đấng đã được sai đến truyền bá phúc âm hóa, nâng đỡ và hỗ trợ những nỗ lực truyền giáo của chúng ta. Niềm vui này của Chúa Giêsu và của thành phần môn đệ thừa sai khiến tôi nêu lên một hình ảnh Thánh Kinh chúng ta thấy trong Phúc Âm Thánh Luca. 

 

1- Vị Thánh ký này nói với chúng ta rằng Chúa Kitô đã sai 72 môn đệ 2 người một vào các thành và các làng để loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến, và sửa soạn cho dân chúng gặp gỡ Chúa Giêsu. Sau khi thi hành sứ vụ rao giảng này, các môn đệ tràn đầy vui mừng trở về: vui mừng là điểm nổi bật nơi cảm nghiệm truyền giáo đầu tiên bất khả quên lãng ấy. Tuy nhiên, Vị Thày thần linh đã bảo các vị rằng: "Đừng hớn hở vì ma quỉ phải lụy phục các con; mà là vui mừng bởi tên của các con đã được ghi ở trên trời. Chính lúc ấy Chúa Giêsu đã cảm thấy phấn khởi trong Thánh Linh mà nói rằng: 'Con xin chúc tụng Cha' Rồi quay sang các môn đệ Người nói riêng với các vị rằng: 'Phúc cho những con mắt được nhìn thấy những gì các con thấy'"

 

Ở đây Thánh Luca trình bày cho thấy 3 cảnh. Trước hết Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người, sau đó thưa cùng Cha và rồi với các môn đệ của Người một lần nữa. Chúa Giêsu muốn các môn đệ được thông phần với niềm vui của Người, một niềm vui khác hẳn và cao cả hơn bất cứ sự gì các vị đã từng cảm thấy trước đó. 

 

2- Các môn đệ được tràn đầy niềm vui, hào hứng về quyền năng của mình trong việc giải phóng dân chúng khỏi ma quỉ. Thế nhưng Chúa Giêsu cánh giác các vị đừng hớn hở quá về quyền lực các vị đã lãnh nhận hơn là về tình yêu thương các vị đã nhận lãnh: 'vì tên của các con đã được ghi ở trên trời'. Các môn đệ được cống hiến một cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, cùng với khả năng để chia sẻ tình yêu đó. Cảm nghiệm này là nguyên do để tri ân cảm tạ và hân hoan ở trong tâm can của Chúa Giêsu. Thánh Luca đã thấy việc hoan hỉ này theo chiều kích của mối hiệp thông ba ngôi: 'Chúa Giêsu hoan hỉ trong Thánh Linh', hướng về Cha mà chúc tụng Ngài. Giây phút thật là hoan lạc này xuất phát từ tình yêu bao la của con cái đối với Cha của Người là Chúa trời đất, Đấng đã giấu những sự ấy khỏi thành phần khôn ngoan và trí thức mà tỏ chúng ra cho người ai trở nên như trẻ nhỏ. Thiên Chúa vừa giấu kín vừa tỏ ra, và trong lời nguyện cầu chúc tụng này thì việc Ngài tỏ ra lại nổi hơn. Thiên Chúa đã tỏ ra và giấu diếm những gì? Các mầu nhiệm về Vương Quốc của Ngài, việc tỏ hiện vai trò làm chúa thần linh nơi Đức Giêsu và cuộc vinh thắng trên Satan

 

Thiên Chúa đã giấu điều ấy khỏi tất cả những ai quá đầy bản thân họ và những ai cho rằng mình đã biết hết mọi sự rồi. Họ là thành phần mù lòa bởi tính tự cao tự đại của họ và họ không còn chỗ cho Thiên Chúa nữa. Người ta dễ nghĩ ngay đến một số người đồng thời của Chúa Giêsu cứ bị Người khiển trách, thế nhưng cái nguy hiểm này là một thứ nguy hiểm luôn xẩy ra và dính dáng đến cả chúng ta nữa. Thành phần 'những kẻ bé mọn', về phía mình, là những kẻ khiêm hạ, những kẻ đơn sơ chất phác, những kẻ nghèo hèn, những kẻ bên lề xã hội, những kẻ không có tiếng nói, những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, thành phần được Chúa Giêsu bảo rằng 'có phúc'. Chúng ta liền nghĩ ngay đến Mẹ Maria, Thánh Giuse, những con người đánh cá Galilêa và những người môn đệ được Chúa Giêsu kêu gọi khi Người rao giảng. 

 

3- 'Vâng, thưa Cha, ý muốn ưu ái của Cha là như tthế'. Những lời này của Chúa Giêsu cần phải được hiểu trong tương quan với niềm hoan hỉ nội tâm của Người. Chữ 'ưu ái' diễn tả dự án cứu độ và từ ái của Cha đối với nhân loại. Chính sự ưu ái thần linh này đã làm cho Chúa Giêsu trở nên hoan lạc, vì Cha muốn tỏ lòng yêu thương nhân loại bằng cùng một tình yêu Ngài đã dành cho Con của Ngài. Thánh Luca cũng ám chỉ đến niềm hoan hỉ tương tự nơi Mẹ Maria: 'Linh hồn tôi ngợi khen sự cao cả của Chúa và thần trí của tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi'. Đó là Tin Mừng mang ơn cứu độ. Mẹ Maria, đang cưu mang trong lòng mình Chúa Giêsu, vị truyền bá phúc âm hóa tuyệt nhất, đã gặp bà Isave và đã hân hoan trong Thánh Linh khi Mẹ hát lên Ca Vịnh Magnificat của Mẹ. Chúa Giêsu, khi thấy sự thành công nơi sứ vụ của các môn đệ mình và niềm vui của các vị từ đó mà có thì Người đã hân hoan trong Thánh Linh và dâng lên Cha của Ngài lời nguyện cầu.  Trong cả 2 trường hợp, đó là niềm vui vì công cuộc cứu độ, vì tình yêu Cha dành cho Con mình lan sang cả chúng ta, và nhờ Thánh Linh tràn đầy nơi chúng ta và cho chúng ta được tham phần với sự sống Ba Ngôi.

 

Cha là nguồn mạch của niềm vui. Con là Vị tỏ hiện niềm vui này, và Thánh Linh là Đấng ban phát niềm vui ấy. Ngay sau khi Người chúc tụng Cha thì Thánh ký Mathêu nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu phán: "Hãy đến với Tôi hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, Tôi sẽ cho các người được nghỉ ngơi. Hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, rồi các người sẽ được nghỉ an. Vì gánh của Tôi thì êm ái và ách của Tôi thì nhẹ nhàng" (biệt chú của người dịch, câu Phúc Âm vừa được ĐTC trích dẫn từ Phúc Âm Thánh Mathêu 11:28-30). "Niềm Vui Phúc Âm sẽ làm tràn đầy tâm hồn và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận việc Người cống hiến ơn cứu độ thì được thoát khỏi tội lỗi, buồn thương, trống rỗng trong lòng và lẻ loi cô độc. Với Chúa Kitô thì niềm vui luôn là những gì mới mẻ" (biệt chú của người dịch - câu vừa được ĐTC trích dẫn từ Tông Huấn Niềm vui Phúc Âm, đoạn 1).  

 

Trinh Nữ Maria đã có một kinh nghiệm đặc thù về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô như thế, nhờ đó Mẹ đã trở thành "causa nostrae laetitiae" (căn nguyên cho niềm vui của chúng ta). Về phần mình, các môn đệ đã nhận được tiếng gọi theo Chúa Giêsu và được Người sai đi rao giảng Phúc Âm, bởi thế họ đã được tràn đầy niềm vui. Tại sao cả chúng ta nữa không ngụp lặn trong niềm vui này chứ? 

 

4- 'Cái nguy hiểm cả thể trong thế giới ngày nay, một thế giới thực sự bị thấm đẫm chủ nghĩa hưởng thụ, đó là tình trạng hoang tàn và khổ ải xuất phát từ một cõi lòng tự mãn nhưng vẫn muốn chiếm hữu, một theo đuổi nóng sốt về những thứ khoái lạc khờ khạo, và một lương tâm cùn nhụt'. Nhân loại rất cần bám lấy ơn cứu độ được Chúa Kitô hoàn thành. Môn đệ của Người là thành phần để mình được tình yêu Chúa Giêsu chiếm đoạt hơn bao giờ hết và được ghi dấu bằng ngọn lửa đam mê cho Vương Quốc của Thiên Chúa cũng như cho việc loan truyền niềm vui Phúc Âm. Tất cả mọi môn đệ của Chúa Kitô được kêu gọi nuôi dưỡng niềm vui của việc truyền bá phúc âm hóa này. Các vị Giám Mục, cũng như những ai có trách nhiệm chính yếu về việc loan báo ấy, đều có nhiệm vụ cổ võ mối kết nối Giáo Hội địa phương vào việc dấn thân truyền giáo của Giáo Hội ấy. Các vị được kêu gọi để nhận thấy rằng niềm vui của việc truyền đạt Chúa Giêsu Kitô được thể hiện nơi mối quan tâm loan truyền Người ở những địa điểm xa cách nhất, cũng như ở việc liên tục vươn dài trải rộng tới những rìa mép thuộc địa phận của các vị, nơi mà rất đông dân chúng nghèo khổ đang đợi chờ sứ điệp này.  

 

Nhiều phần đất trên thế giới đang trải qua nạn khan hiếm ơn gọi làm linh mục và đời sống tận hiến. Thường thì tình trạng này gây ra bởi sự thiếu vắng nhiệt tâm tông đồ có sức tiêm nhiễm trong các cộng đồng thiếu tâm huyết nên không còn sức thu hút. Niềm vui Phúc Âm xuất phát từ cuộc gặp gỡ Chúa Kitô cũng như từ việc chia sẻ với người nghèo. Vì thế, tôi muốn phấn khích các cộng đồng giáo xứ, các đoàn thể và các nhóm hội hãy sống một cuộc đời huynh đệ thiết tha được đặt trên nền tảng mến yêu Chúa Giêsu và quan tâm đến những nhu cầu của thành phần bất hạnh nhất. Ở đâu có niềm vui, lòng nhiệt thành và ước muốn mang Chúa Kitô đến cho người khác, thì ở đấy gia tăng các ơn gọi chân thực. Trong số những ơn gọi ấy, chúng ta không được coi nhẹ ơn gọi truyền giáo của giáo dân. Việc ý thức về căn tính và sứ vụ của thành phần tín hữu giáo dân trong Giáo Hội, cùng với việc nhìn nhận rằng họ được kêu gọi để lãnh nhận một vai trò càng ngày càng hệ trọng trong vấn đề loan truyền Phúc Âm, là những gì đã từng gia tăng. Bởi thế họ cần phải được cung cấp việc huấn luyện xứng hợp để hoạt động tông đồ được hiệu năng. 

 

5- 'Thiên Chúa yêu thích người vui vẻ ban tặng'. Ngày Thế Giới Truyền Giáo cũng là một cơ hội để tái thắp lên niềm ước muốn và trách vụ luân lý trong việc hân hoan tham phần vào sứ vụ truyền giáo cho muôn dân. Vấn đề đóng góp tiền bạc về phía cá nhân là dấu hiệu cho việc tự hiến, trước hết cho Chúa rồi cho những người khác; nhờ thế việc cống hiến về vật chất có thể trở thành phương tiện truyền bá phúc âm hóa của nhân loại được xây dựng trên yêu thương. 

 

Anh chị em thân mến, vào Ngày Thế Giới Truyền Giáo này, tôi nghĩ đến tất cả các Giáo Hội địa phương. Chúng ta đừng bị cướp mất niềm vui truyền bá phúc âm hóa! Tôi mời gọi anh chị em hãy dìm mình vào niềm vui Phúc Âm và hãy duy trì ơn gọi và sứ vụ của anh chị em. Tôi tha thiết xin mỗi người trong anh chị em hãy nhớ lại, như thể anh chị em đang thực hiện một cuộc hành trình nội tâm, rằng 'mối tình đầu (first love)' mà Chúa Giêsu Kitô đã sưởi ấm lòng của anh chị em không phải vì vấn đề nhung nhớ cho bằng để kiên trì trong niềm vui. Các môn đệ của Chúa Kitô kiên trì trong niềm vui khi các vị cảm thấy sự hiện diện của Người, làm theo ý muốn của Người và chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái truyền bá phúc âm hóa của họ với kẻ khác.

 

Chúng ta hãy cầu nguyện nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, mẫu gương cho việc truyền bá phúc âm hóa khiêm tốn và hân hoan, để Giáo Hội được trở nên một ngôi nhà đón nhận, một người mẹ cho tất cả mọi dân tộc và là nguồn tái sinh cho thế giới chúng ta. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/missions/documents/papa-francesco_20140608_giornata-missionaria2014.html