GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

"Anh chị em chẳng những có một lịch sử vinh quang để tưởng nhớ và trình thuật, mà

 

 còn có một lịch sử cao cả vẫn còn cần được thành toàn! Hãy nhìn đến tương lai là

 

 hướng Thần Linh đang sai anh chị em đến để thực hiện những gì thậm

 

 chí còn trọng đại hơn thế nữa"

ĐTC Phanxicô - Sứ Điệp cho Năm Đời Dâng Hiến

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch

http://www.zenit.org/en/articles/pope-francis-message-for-the-year-of-consecrated-life
(kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

Anh Chị Em Sống Đời Dâng Hiến thân mến,

Tôi viết cho anh chị em với tư cách là Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, vị được Chúa ký thác công việc củng cố anh chị em mình trong đức tin (xem Luca 22:32). Thế nhưng, tôi cũng viết cho anh chị em như là một người anh em, một người như chính bản thân của anh chị em, đã dâng hiến cho Thiên Chúa.

Để đáp lại những lời yêu cầu của nhiều người trong anh chị em cũng như của Thánh Bộ về Các Hội Dòng Sống Đời Dâng Hiến và Các Hội Đoàn Sống Đời Tông Đồ, tôi đã quyết định tuyên bố mở Năm Đời Tận Hiến nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium - Ánh Sáng Muôn Dân, một văn kiện nói về đời sống tu sĩ ở chương thứ 6, và Sắc Lệnh Perfectae Caritatis - Đức Ái Trọn Hảo về việc canh tân đổi mới đời sống tu trì. Năm này sẽ bắt đầu vào ngày 30/11/2014, Chúa Nhật I Mùa Vọng, và kết thúc vào Lễ Hiến Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh ngày 2/2/2016.

Sau khi tham vấn với Thánh Bộ về Các Hội Dòng Sống Đời Dâng Hiến và các Hội Đoàn Sống Đời Tông Đồ, tôi đã chọn các đích nhắm cho Năm này như Thánh Gioan Phaolô II đã đề ra cho toàn thể Giáo Hội vào đầu đệ tam thiên niên kỷ, bằng cách lập lại, ở một nghĩa nào đó, những gì ngài đã viết trước đây trong Tông Huấn Vita Consecrata - Đời Tận Hiến Hậu Thượng Nghị Giám Mục: "Anh chị em chẳng những có một lịch sử vinh quang để tưởng nhớ và trình thuật, mà còn có một lịch sử cao cả vẫn còn cần được thành toàn! Hãy nhìn đến tương lai là hướng Thần Linh đang sai anh chị em đến để thực hiện những gì thậm chí còn trọng đại hơn thế nữa" (khoản 10).

I - Các Đích Nhắm của Năm Đời Dâng Hiến

1. Đích nhắm đầu tiên trong các đích nhắm đó là hãy nhìn về quá khứ bằng tấm lòng tri ân cảm tạ. Tất cả mọi Hội Dòng Sống Đời Dâng Hiến đều thừa hưởng một lịch sử phong phú về các đặc sủng. Từ nguyên thủy của chúng, chúng ta đã thấy được bàn tay của Thiên Chúa, Đấng, nơi Thần Linh của Ngài, đã kêu gọi một số cá nhân nào đó để theo Chúa Kitô một cách thân cận hơn, để chuyển dịch Phúc Âm sang một lối sống đặc biệt, để thấy được các dấu chỉ thời đại bằng con mắt đức tin, cũng như để đáp ứng một cách sáng tạo cho các nhu cầu của Giáo Hội. Sau đó cảm nghiệm ban đầu ấy đã được chín mùi và phát triển, bao gồm những phần tử mới ở các môi trường địa dư và văn hóa mới, làm phát sinh những đường lối mới trong việc thi hành đặc sủng, những khởi động và thể hiện mới về đức ái tông đồ. Như hạt giống thành cây thế nào mỗi Hội Dòng cũng đã tăng trưởng và vươn cành ra như vậy. 

Trong Năm này, thật là thích đáng để mỗi một gia đình đặc sủng phản tỉnh lại các gốc tích và lịch sử của mình để tạ ơn Thiên Chúa là Đấng ban cho Giáo Hội các tặng ân khác nhau giúp tô bồi Giáo Hội và trang bị Giáo Hội cho hết mọi việc lành (xem Lumen gentium, 12). 

Việc trình thuật lại lịch sử của chúng ta là những gì thiết yếu để bảo trì căn tính của chúng ta, để kiên cường mối hiệp nhất của chúng ta như là một gia đình cũng như cái cảm quan chung thuộc về của chúng ta. Còn hơn là một cuộc thực hiện về khảo cổ học hay việc vun trồng những gì thuần ký ức nhớ nhung, việc trình thuật này đòi phải theo chân của các thế hệ quá khứ để nắm bắt được các lý tưởng cao vời cũng như nhãn quan cùng các giá trị đã tác động các thế hệ ấy, khởi đi từ các vị nam nữ sáng lập và các cộng đồng tiên khởi. Có thế chúng ta mới thấy được đặc sủng đã được sống ra sao qua năm tháng, tính chất sáng tạo nó đã tỏa ra, những khó khăn nó đã gặp phải và những đường lối cụ thể để thắng vượt những khó khăn ấy. Chúng ta cũng gặp cả những trường hợp bất nhất, thành quả của những gì yếu kém nơi con người, và thậm chí có những lúc tỏ ra thờ ơ sao lãng về một số khía cạnh thiết yếu nào đó của đặc sủng. Tuy nhiên, hết mọi sự đều cho thấy hữu ích, nói chung, hết mọi sự xẩy ra như là một thứ hiệu triệu hoán cải. Việc kể lại câu chuyện của chúng ta đó là việc chúc tụng Thiên Chúa và cảm tạ Ngài về tất cả các tặng ân Ngài ban

Chúng ta đặc biệt tạ ơn Chúa về 50 năm sau Công Đồng Chung Vaticanô II. Công Đồng này là tiêu biểu cho "hơi thở" của Thánh Linh trên toàn thể Giáo Hội. Nhờ đó đời dâng hiến đã thực hiện một cuộc hành trình canh tân đổi mới tốt đẹp, một cuộc canh tân đổi mới, với tất cả những gì là sáng ngời và tăm tối, đã từng là một thời điểm của ân sủng, được đánh dấu bằng sự hiện diện của Thần Linh.

Chớ gì Năm Đời Dâng Hiến này cũng là cơ hội để khiêm tốn xưng thú, bằng tất cả niềm tin tưởng bao la vào Vị Thiên Chúa là Tình Yêu (xem Gioan 4:8), nỗi yếu hèn của chúng ta, và nhờ nỗi yếu hèn ấy mà cảm thấy được tình yêu nhân hậu của Chúa. Chớ gì Năm này cũng là một cơ hội kiên cường và hân hoan làm chứng trước thế giới sự thánh thiện và sinh động đang hiện diện nơi rất nhiều người được kêu gọi theo Chúa Giêsu trong đời dâng hiến.

2. Năm này cũng kêu gọi chúng ta hăng say sống hiện tại. Việc tri ân tưởng nhớ quá khứ dẫn chúng ta, khi chúng ta chăm chú lắng nghe những gì Thánh Linh đang nói với Giáo Hội ngày nay, đến việc áp dụng trọn vẹn hơn bao giờ hết các khía cạnh của đời sống dâng hiến của chúng ta. 

Từ thuở ban đầu của đời sống đan viện tu cho đến "các cộng đồng mới" của thời đại chúng ta, hết mọi hình thức của đời dâng hiến đều đã được xuất phát bởi tiếng Thần Linh kêu gọi theo Chúa Giêsu như Phúc Âm dạy (xem Perfectae Caritatis, 2). Đối với các vị nam nữ sáng lập khác nhau thì Phúc Âm là qui luật tối thượng, còn hết mọi qui luật khác đều chỉ là một thứ thể hiện Phúc Âm và là phương tiện để sống Phúc Âm cho đến tầm vóc viên trọn. Đối với các vị thì lý tưởng là Chúa Kitô; các vị đã tìm cách để được hiệp nhất nên một với Người trong nội tâm, và nhờ đó các vị có thể nói như Thánh Phaolô rằng "đối với tôi sống là Chúa Kitô" (Philiphe 1:21). Những lời khấn của các vị là để thể hiện cụ thể tấm lòng thiết tha mến yêu này.

Vấn đề chúng ta cần phải đặt ra cho mình trong Năm này đó là chúng ta có cởi mở hay chăng và ra sao trước thách đố của Phúc Âm; Phúc Âm có hay chăng thực sự là "cẩm nang" cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng như cho những quyết định chúng ta cần phải thực hiện. Phúc Âm là những gì gay go đòi hỏi: Phúc Âm đòi phải sống một cách thâm đậm và chân thực. Việc đọc Phúc Âm không đủ (cho dù cần phải đọc và học hỏi Thánh Kinh), việc suy niệm Phúc Âm cũng chưa đủ (một việc chúng ta hân hoam thực hiện hằng ngày). Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hành Phúc Âm, mang lời của Người ra thực hành trong đời sống của chúng ta

Một lần nữa, chúng ta cần phải tự vấn xem: Chúa Giêsu có thực sự là tình yêu ban đầu và duy nhất của chúng ta hay chăng, khi chúng ta hứa với Người là như vậy lúc chúng ta tuyên khấn? Chỉ khi nào Người là thế chúng ta mới có thể yêu mến, trong chân lý và xót thương, hết những ai phạm đến chúng ta. Vì chúng ta sẽ học từ Chúa Giêsu ý nghĩa và thực hành yêu thương. Chúng ta sẽ có thể yêu thương vì chúng ta có được trái tim của Người

Các vị nam nữ sáng lập đã được thông dự vào lòng thương cảm của Chúa Giêsu khi Người trông thấy đám đông như chiên không chủ chăn. Như Chúa Giêsu, Đấng đã cảm thương nói lời trìu mến, chữa lành bệnh nhân, ban bánh cho kẻ đói khổ và hy hiến sự sống của mình thế nào, thì các vị nam nữ sáng lập của chúng ta đã tìm kiếm bằng các đường lối khác nhau để phục vụ tất cả những ai được Thần linh gửi đến cho các vị. Các vị đã làm như thế bằng những lời nguyện chuyển cầu của các vị, bằng việc rao giảng Phúc Âm, bằng việc dạy giáo lý của mình, việc giáo dục của mình, việc các vị phục vụ người nghèo và người bệnh... Tính chất sáng tạo của đức bác ái thì vô biên; nó có thể tìm thấy vô vàn những đường lối mới để mang tính chất mới mẻ của Phúc Âm đến cho hết mọi nền văn hóa và hết mọi ngóc ngách của xã hội. 

Năm Đời Dâng Hiến này thách đố chúng ta khảo sát lại lòng trung thành của chúng ta đối với sứ vụ được ủy thác cho chúng ta. Các thừa tác vụ của chúng ta, các việc làm của chúng ta và sự hiện diện của chúng ta có hợp với những gì Thần Linh đòi hỏi nơi các vị nam nữ sáng lập của chúng ta hay chăng? Ngày nay có thích hợp để thực thi hay chăng, trong xã hội và trong Giáo Hội, những thừa tác vụ và các việc làm như thế? Chúng ta có cùng một lòng thiết tha đối với dân chúng của chúng ta hay chăng, chúng ta có gần gũi với họ hay chăng cho đến độ tham dự vào niềm vui nỗi buồn của họ, nhờ đó thực  sự hiểu được các nhu cầu của họ và giúp đáp ứng họ? Thánh Gioan Phaolô II đã có lần nói rằng: "Cùng một lòng quảng đại và việc tự hiến đã hướng dẫn các vị sáng lập của anh chị em giờ đây cần phải là những gì tác động anh chị em là con cái của các vị, trong việc làm sinh động đặc sủng mà, bằng quyền lực của cùng Vị Thần Linh là Đấng đã làm cho chúng bừng lên, được liên lỉ trở nên phong phú và thích ứng mà không bị mất đi chút gì tính chất đặc thù của chúng. Tùy anh chị em có biết sử dụng  hay chăng những đặc sủng ấy để phục vụ Giáo Hội cũng như để hoạt động cho Vương Quốc của Chúa Kitô được viên trọn trị đến" (Apostolic Letter to the Religious of Latin America on the occasion of the Fifth Centenary of the Evangelization of the New World Los caminos del Evangelio [29 June 1990], 26.)

Việc nhớ lại nguồn gốc của chúng ta còn chiếu sáng trên một khía cạnh khác của đời sống dâng hiến nữa. Các vị nam nữ sáng lập của chúng ta đã được thu hút bởi mối hiệp nhất của các Tông Đồ với Chúa Kitô cũng như bởi mối hiệp thông đã trở thành đặc tính của cộng đồng tiên khởi ở Giêrusalem. Trong việc thiết lập cộng đồng riêng của mình, mỗi vị đã đều tìm cách tái diễn các mẫu sống phúc âm ấy, sống chỉ có một tấm lòng và một hồn sống, cũng như sống hân hoan trước nhan Chúa (xem Perfectae Caritatis, 15).

Việc thiết tha sống hiện tại có nghĩa là trở thành "các chuyên gia về hiệp thông", thành "các nhân chứng và kiến trúc sư cho 'dự án hiệp nhất' là tột đỉnh của lịch sử loài người nơi chương trình của Thiên Chúa" (SACRED CONGREGATION FOR RELIGIOUS AND SECULAR INSTITUTES, Religious and Human Promotion [12 August 1980], 24: L’Osservatore Romano, Suppl., 12 November 1980, pp. i-viii.). Trong một xã hội phân cực đối đầu (a polarized society), khi mà các nền văn hóa khác nhau cảm thấy khó khăn trong việc sống với nhau, khi mà thành phần cô thân yếu thế chạm trán với áp bức đè nén, khi mà tình trạng bất bình đẳng tràn đầy, chúng ta được kêu gọi để cống hiến một mẫu sống cộng đồng cụ thể, mà nhờ nhìn nhận phẩm vị của từng người và chia sẻ các tặng ân riêng của chúng ta, nó trở thành khả dĩ để sống với nhau như anh chị em.

Bởi vậy, anh chị em hãy là những con người nam nữ của hiệp thông! Hãy can đảm hiện diện ở giữa những gì là xung khắc và căng thẳng, như là một dấu chỉ khả tín cho sự hiện diện của Thần Linh là Đấng tác động nơi tâm can con người một ước vọng thiết tha muốn cho tất cả mọi người được hiệp nhất nên một (xem Gioan 17:21). Hãy sống cuộc thần bí gặp gỡ (the mysticism of encounter), một cuộc thần bí gặp gỡ đòi phải có "khả năng nghe thấy, khả năng lắng nghe người khác; khả năng cùng nhau tìm kiếm các đường lối và phương tiện"  (Address to Rectors and Students of the Pontifical Colleges and Residences of Rome [2 May 2014]). Hãy sống theo chiều hướng của mối liên hệ yêu thương nơi Ba Ngôi thần linh (xem Gioan 1:4:8), một mẫu sống cho tất cả mọi quan hệ liên cá vị. 

3. Việc nhắm tới tương lai bằng niềm hy vọng cần phải trở thành đích nhắm thứ ba của Năm này. Tất cả chúng ta đều biết những khó khăn mà các hình thức khác nhau của đời sống dâng hiến đang trải qua, đó là tình trạng suy giảm ơn gọi và lão hóa các phần tử, nhất là ở thế giới Tây phương; các trục trặc về kinh tế xuất phát từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; các vấn đề về việc quốc tế hóa và toàn cầu hóa; các thứ đe dọa gây ra bởi chủ nghĩa tương đối và một cảm quan bị cô lập và chẳng có quan hệ gì về xã hội... Thế nhưng,chính ở giữa những bất ổn ấy, những thứ bất ổn chúng ta đang chia sẻ với rất nhiều người đương thời của chúng ta, mà chúng ta được kêu gọi thực hành đức cậy, hoa trái của niềm tin tưởng nơi chúng ta vào Vị Chúa của lịch sử, Đấng tiếp tục nói với chúng ta rằng: "Đừng sợ... vì Ta đang ở cùng ngươi" (Giêrêmia 1:8). 

Niềm hy vọng này không dựa vào các thứ thống kê hay các thứ thành đạt mà là vào Đấng mà trong Ngài chúng ta đặt niềm tin tưởng (xem 1Timôthêu 1:2), Đấng "không có gì là bất khả" (Luca 1:37). Đó là niềm hy vọng không làm thất vọng; nó là niềm hy vọng giúp cho đời sống dâng hiến tiếp tục viết lên lịch sử cao cả của mình một cách tốt đẹp cho tương lai.Chính cái tương lai đó mà chúng ta luôn cần phải hướng về, ý thức rằng Thánh Linh là Đấng thôi thúc chúng ta tiến lên để Ngài vẫn có thể thực hiện những điều cao cả qua chúng ta. 

Bởi vậy đừng chiều theo khuynh hướng nhìn vào sự vật theo con số và tính chất hiệu năng, thậm chí càng đừng tin tưởng vào năng lực của anh chị em nữa. Trong việc thoáng nhìn một cách tổng quan chân trời cuộc đời của mình và giây phút hiện tại, hãy coi chừng và tỉnh táo. Cùng với Đức Benedicto XVI, tôi thiết tha xin anh chị em đừng "nhập bọn với hàng ngũ các thứ chuyên viên nói bậy về tương lai (the prophets of doom), thành phần tuyên bố về ngày cùng tháng tận hay cái vô nghĩa của đời sống dâng hiến trong Giáo Hội nơi thời đại của chúng ta; trái lại, hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và hãy mang lấy khí giới ánh sáng - như Thánh Phaolô khẩn nài (xem Roma 13:11-14) - bằng cách tỉnh thức và canh chừng" (POPE BENEDICT XVI, Homily for the Feast of the Presentation of the Lord [2 February 2013]). Chúng ta hãy liên lỉ bắt đầu lại với niềm tin tưởng vào Chúa. 

Tôi đặc biệt muốn nói với những ai trẻ trung trong anh chị em. Anh chị em là hiện tại, vì anh chị em đang chủ động dự phần rồi vào đời sống của Hội Dòng của anh chị em, cống hiến tất cả những gì là tươi trẻ và quảng đại nơi tiếng "xin vâng" của anh chị em. Anh chị em đồng thời là tương lai, vì chẳng bao lâu nữa anh chị em sẽ được kêu gọi để lãnh nhân vai trò lãnh đạo trong đời sống, việc huấn luyện, việc phục vụ và sứ vụ của cộng đồng anh chị em.Năm này là năm cần phải thấy anh chị em chủ động dấn thân đối thoại trao đổi với thế hệ đi trước. Trong mối hiệp thông huynh đệ anh chị em sẽ được trở nên phong phú nhờ những kinh nghiệm và khôn ngoan của họ, đồng thời anh chị em cũng phấn khích họ, bằng năng lực và nhiệt tình của anh chị em, để họ tái nắm bắt được lý tưởng nguyên khởi của họ. Như thế, cả cộng đồng mới có thể liên kết tìm kiếm những đường lối mới mẻ để sống Phúc Âm cũng như để đáp ứng một cách hiệu nghiệm cho nhu cầu làm chứng và rao giảng.

Tôi cũng cảm thấy hân hoan khi biết rằng anh chị em cũng có cơ hội trong Năm này để gặp gỡ các tu sĩ trẻ trung khác thuộc những Hội Dòng khác nhau. Ch gì những cuộc gặp gỡ như thế trở thành phương cách bình thường để nuôi dưỡng mối hiệp thông, tương trợ và hiệp nhất.

II- Những mong đợi cho Năm Đời Dâng Hiến

Tôi đặc biệt mong muốn gì từ Năm ân sủng cho Đời Dâng Hiến này đây?

1- Đó là câu nói xưa sẽ luôn được thực hiện: "Ở đâu có tu sĩ thì ở đấy có niềm vui". Chúng ta được kêu gọi để nhận biết và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có thể làm cho cõi lòng của chúng ta tràn đầy ngập ngụa hạnh phúc; chúng ta không cần tìm hạnh phúc của mình ở đâu khác nữa; tình yêu huynh đệ nơi cộng đồng của chúng ta làm cho niềm vui của chúng ta gia tăng; và việc chúng ta hoàn toàn hiến thân phục vụ Giáo Hội, phục vụ các gia đình và giới trẻ, phục vụ người già và người nghèo là những gì suốt đời làm viên trọn bản thân chúng ta.

Không ai trong chúng ta được tỏ ra ủ rũ, buồn phiền và khó chịu, vì "người môn đệ nào u sầu là người môn đệ của sầu u". Như hết mọi người, chúng ta cũng có những rắc rối của mình, có những đêm đen trong tâm hồn của chúng ta, có những bất mãn và những yếu bệnh của chúng ta, kinh nghiệm của chúng ta chậm lại khi chúng ta già hơn. Thế nhưng, trong tất cả những sự ấy chúng ta cần phải làm sao để có thể khám phá ra được "niềm vui trọn hảo". Vì chính ở nơi đây chúng ta nhận ra dung nhan của Chúa Kitô, Đấng đã trở nên như chúng ta trong hết nọi sự, và vui lên khi ý thức được rằng chúng ta đang được nên giống Đấng vì yêu chúng ta đã không từ chối những đớn đau của thập giá. 

Trong một xã hội đề cao việc tôn sùng những gì là hiệu năng, tương xứng và thành công, một xã hội khinh thường người nghèo và loại bỏ "những kẻ thua cuộc" (losers), chúng ta có thể chứng thực bằng đời sống của chúng ta sự thật của những lời Thánh Kinh: "Khi tôi hèn yếu là lúc tôi mạnh mẽ" (2Corinto 12:10).

Chúng ta có thể áp dụng cho đời dâng hiến những lời của Đức benedicto XVI đã được tôi trích dẫn trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm: "Giáo Hội không gia tăng bằng việc dụ giáo mà là bằng việc thu hút" (khoản 14). Đời dâng hiến sẽ không nở hoa như là thành quả của những chương trình ơn gọi khôn khéo, mà vì giới trẻ chúng ta gặp gỡ thấy chúng ta có một cái gì đó hấp dẫn, vì họ thấy chúng ta như là những con người nam nữ hân hoan vui sướng! Cũng thế, cái hiệu năng tông đồ của đời dâng hiến không lệ thuộc vào cái công hiệu của các thứ phương pháp. Nó lệ thuộc vào tính chất sống động hùng hồn nơi đời sống của chúng ta, những cuộc đời chiếu tỏa niềm vui và vẻ đẹp của việc sống Phúc Âm và trọn vẹn theo Chúa Kitô.

Như tôi đã nói với các phong trào của giáo hội vào ngày Lễ Vọng Hiện Xuống năm ngoái: "Thật sự ra sức mạnh của Giáo Hội là sống theo Phúc Âm và làm chứng cho đức tin của chúng ta. Giáo Hội là muối đất; Giáo Hội là ánh sáng thế gian. Giáo Hội được kêu gọi để hiện diện hóa trong xã hội chất men của Vương Quốc Thiên Chúa, và Giáo Hội làm điều ấy chính yếu bằng chứng từ của mình, chứng từ yêu thương huynh đệ của Giáo Hội, chứng từ đoàn kết và chia sẻ với người khác" (18/5/2013). 

2- Tôi tin tưởng anh chị em là những người "làm cho thế giới này bừng dậy", vì dấu hiệu chuyên biệt của đời dâng hiến là ngôn sứ. Như tôi đã nói với các vị Bề Trên Tổng Quyền: "Việc sâu xa sống phúc âm không chỉ giành riêng cho tu sĩ: hết mọi người đều cần phải sống như vậy. Thế nhưng tu sĩ theo Chúa một cách đặc biệt, một cách ngôn chứng". Đó là cái ưu tiên cần thiết ngay lúc này đây: "là thành phần ngôn sứ làm chứng cho Chúa Giêsu đã sống trên thế gian này ra sao... người tu sĩ không bao giờ được bỏ bê vai trò ngôn sứ này" (29/11/2013). 

Các vị ngôn sứ lãnh nhận từ Thiên Chúa khả năng thấu triệt được thời điểm họ sống và dẫn giải các biến cố xẩy ra: họ như những người lính canh đêm và mong thấy hừng đông (xem Isaia 21:11-12). Các vị ngôn sứ là những người nhận biết Thiên Chúa và họ biết được cả những con người nam nữ là anh chị em của họ nữa. Họ có thể nhận ra và bài bác sự dữ của những gì là tội lỗi và bất chính. Vì họ là những người tự do, họ không nặng nợ ai ngoài Thiên Chúa, và họ không hứng thú gì khác ngoài Thiên Chúa. Các vị ngôn sứ thiên về bên người nghèo và người bất lực, vì họ biết rằng chính Thiên Chúa ở cùng bên với họ. 

Bởi vậy mà tôi tin tưởng rằng, thay vì sống theo một mộng tưởng nào đó, anh chị em sẽ tìm thấy được những cách thức để tạo nên "những khoảng thay thế" (alternate spaces), nơi có thể nở hoa cho đường lối Phúc Âm về việc hiến thân, huynh đệ, chấp nhận khác biệt và yêu thương nhau. Các đan viện, các cộng đồng, các trung tâm về linh đạo, các học đường, các bệnh viện, các nơi cư trú gia đình - tất cả đều là những nơi hiện thực hóa đức bác ái và óc sáng tạo xuất phát từ các đặc sủng của anh chị em, và nhờ tính chất sáng tạo liên tục các đặc sủng của anh chị em cần phải được tiếp tục trở thành thực hữu. Chúng cần phải càng ngày càng trở thành men cho một xã hội được Phúc Âm tác động, "một thành xây trên núi", chứng thực cho chân lý và quyền năng của những lời Chúa Giêsu nói. 

Có những lúc, như Elia và Giona, anh chị em cảm thấy chiều theo chước cám dỗ muốn tẩu thoát, bỏ bê công việc làm ngôn sứ vì nó quá gay go, mệt mỏi hay rõ ràng là chẳng có hiệu quả gì. Thế nhưng các vị ngôn sứ đều biết rằng họ chẳng bao giờ lẻ loi cô độc một mình. Như đã đối xử với tiên tri Giêrêmia thế nào, Thiên Chúa cũng phấn khích chúng ta như thế: "Đừng sợ chúng, vì Ta ở cùng ngươi để giải cứu ngươi" (Giêrêmia 1:8). 

3- Những tu sĩ nam nữ, như tất cả mọi con người dâng hiến khác, đã được kêu gọi trở thành, như tôi đã đề cập, "những chuyên viên hiệp thông". Bởi thế, tôi hy vọng rằng "linh đạo hiệp thông", được Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh rất nhiều, sẽ trở thành một thực tại và anh chị em sẽ là thành phần dẫn đầu trong việc đáp ứng "cuộc thách đố lớn lao trước mắt chúng ta" trong ngàn năm mới này, đó là "biến Giáo Hội trở thành ngôi nhà và học đường của hiệp thông" (Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte [6 January 2001], 43). Tôi tin rằng trong Năm này anh chị em sẽ hết sức cố gắng để làm cho lý tưởng về tình huynh đệ này, được các vị sáng lập nam nữ của anh chị em theo đuổi thực hiện, được lan ra khắp mọi nơi như là các vòng qui tâm.

Mối hiệp thông trước hết và trên hết được sống trong cộng đồng riêng của mỗi Hội Dòng. Để đạt được đích điểm này tôi xin anh chị em hãy nghĩ về các nhận định thường xuyên của tôi liên quan tới việc phê phán bình phẩm, đến việc xì xèo rỉ tai, đến lòng tham lam ghen tị, đến thái độ hận thù ghen ghét như là các đường lối tác hành không còn chỗ đứng trong các nhà dòng của chúng ta. Có thế thì con đường đức ái mới mở ra trước chúng ta hầu như vô cùng bất tận, vì nó bao gồm việc chấp nhận lẫn nhau và quan tâm đến nhau, thực hành mối hiệp thông về của cải sản vật, cả về vật chất lẫn thiêng liêng, anh chị em sửa lỗi cho nhau và tỏ ra tôn trọng những ai yếu kém... nó là "khoa thần bí chung sống - (the mystique of living together" làm cho đời sống của chúng ta trở thành "một cuộc hành trình linh thánh - a sacred pilgrimage" (Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium [24 November 2013], 87). Chúng ta cần phải tự vấn về đường lối chúng ta giao tiếp với những con người khác văn hóa, trong lúc cộng đồng của chúng ta càng ngày càng trở thành quốc tế. Làm sao chúng ta có thể để cho mỗi một phần tử được tự do phát biểu những gì họ nghĩ, được chấp nhận với các tặng ân đặc biệt của họ, và hoàn toàn được đồng trách nhiệm?

Tôi cũng hy vọng mối hiệp thông gia tăng giữa các phần tử thuộc các Hội Dòng khác nhau nữa. Năm này có thể là một cơ hội để chúng ta can đảm vươn mình ra khỏi những khuôn khổ của Hội Dòng mình mà cùng nhau hoạt động, ở tầm cấp địa phương cũng như hoàn vũ, về các dự án liên quan đến việc huấn luyện, việc truyền bá phúc âm hóa và hoạt động xã hội hay chăngĐiều này sẽ làm cho chứng từ ngôn sứ càng có hiệu năng hơn. Mối hiệp thông và việc gặp gỡ giữa các đặc sủng và ơn gọi khác nhau có thể mở ra một con đường hy vọng. Không ai góp phần cho tương lai trong cô lập, bằng các nỗ lực một mình, nhưng bằng việc thấy mình như thuộc về một mối hiệp thông thực sự liên lỉ hướng tới chỗ gặp gỡ, đối thoại, chuyên chú lắng nghe và hỗ trợ lẫn nhau. Mối hiệp thông như thế đưa chúng ta ra khỏi căn bệnh cuộn mình lại.

Những con người nam nữ sống đời dâng hiến cũng được kêu gọi đến chỗ thực sự kiến tạo nên một toàn khối tất cả mọi ơn gọi khác trong Giáo Hội, bắt đầu là các vị linh mục và giáo dân, để "lan truyền linh đạo hiệp thông, trước hết nơi nội bộ của họ rồi đến cộng đồng giáo hội, thậm chí còn vượt ra ngoài các giới tuyến của nó nữa" (JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Vita Consecrata [25 March 1996], 51.)

4- Tôi cũng mong đợi nơi anh chị em những gì tôi đã xin với tất cả mọi phần tử của Giáo Hội, đó là hãy xuất thân mà đi đến các mép rìa của cuộc sống. "Hãy đi khắp thế gian"; đây là những lời cuối cùng Chúa Giêsu đã nói cùng thành phần theo Người và là lời Người tiếp tục ngỏ cùng chúng ta (xem Marco 16:15). Toàn thế giới đang chờ đợi chúng ta: những con người nam nữ đã mất hết niềm hy vọng, các gia đình trong cơn khốn khó, các trẻ em bị bỏ rơi, giới trẻ không có tương lai, người già, yếu đau và bị bỏ rơi, những ai giầu có về các sản vật trần thế nhưng bên trong lại nghèo nàn, những con người nam nữ tìm kiếm cho cuộc đời có được một mục đích, khát khao thần linh...

Đừng khép kín bản thân mình, đừng bị ngột ngạt bởi những thứ cãi cọ lặt vặt, đừng tiếp tục làm con tin cho các vấn nạn của mình. Những sự ấy sẽ được giải tỏa nếu anh chị em tiến tới và giúp cho người khác giải quyết vấn đề của họ, cùng loan báo Tin Mừng. Anh chị em sẽ tìm được sự sống bằng việc trao ban sự sống, hy vọng bằng việc cống hiến hy vọng, yêu thương bằng việc cống hiến thương yêu.

Tôi xin anh chị em hãy hoạt động một cách thực tiễn trong việc đón nhận các người tị nạn, đến gần với người nghèo và tìm những cách thức sáng tạo để dạy giáo lý, để loan báo Phúc Âm và để dạy cho người khác cách nguyện cầu. Tóm lại tôi hy vọng rằng những thứ cấu trúc được cắt tỉa gọn ghẽ, các ngôi nhà dòng lớn được tái định liệu cho các công việc giúp đáp ứng những đòi hỏi hiện nay của vấn đề truyền bá phúc âm hóa và bác ái, và những hoạt động tông đồ cần được thích ứng với các nhu cầu mới. 

5- Tôi trông mong là mỗi hình thức sống đời dâng hiến sẽ đặt vấn đề Thiên Chúa và dân chúng ngày nay đang đòi hỏi gì ở nơi họ. 

Các đan viện và các nhóm chính yếu về đời sống chiêm niệm có thể gặp gỡ hay tham gia vào việc trao đổi kinh nghiệm về cuộc sống cầu nguyện, về các cách thức đi sâu vào mối hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, về việc nâng đỡ thành phần Kitô hữu bị bách hại, đón tiếp và hỗ trợ những ai đang tìm kiếm một đời sống thiêng liêng sâu xa hơn hay cần được nâng đỡ về luân lý hoặc thể lý.

Cũng thế đối với các Hội Dòng dấn thân thực hiện các việc về bác ái, giảng dạy cũng như tiến bộ văn hóa, thực hiện việc rao giảng Phúc Âm hay thi hành các thừa tác mục vụ đặc biệt. Nó cũng được thực hiện bởi các Tu Hội Đời (Secular Institutes), một tổ chức có các phần tử ở mọi tầng lớp xã hội. Tính chất sáng tạo của Thần Linh đã làm phát sinh ra những đường lối sống và các hoạt động khác nhau đến độ chúng không dễ dàng để được phân loại hay thích hợp với các khuôn mẫu sẵn có. Bởi vậy tôi không thể ngỏ lời với từng và hết mọi hàng ngũ đặc sủng. Tuy nhiên, trong Năm này, không ai có thể được miễn trừ khỏi việc nghiêm cẩn xem xét việc hiện diện của mình trong đời sống của Giáo Hội, cũng như khỏi việc đáp ứng những đòi hỏi mới liên lỉ nhắm tới chúng ta, đáp ứng tiếng kêu của người nghèo.

Chỉ bằng mối quan tâm như thế đối với các nhu cầu của thế giới, và bằng tấm lòng dễ dạy trước những tác động của Thần Linh, Năm Đời Dâng Hiến này mới trở thành một cơ hội thực sự, một thời điểm phong phú ân sủng của Thiên Chúa, một thời điểm của việc biến đổi vậy

 

 

III- Các Chân Trời của Năm Đời Dâng Hiến

 

1. Trong bức thư này, tôi chẳng những muốn nói với những con người sống đời dâng hiến mà còn muốn nói với cả giáo dân nữa, thành phần chia sẻ với họ các lý tưởng như nhau, tinh thần và sứ vụ như nhau. Một số Hội Dòng có một truyền thống lâu đời về vấn đề này, trong khi những hội dòng khác thì mới có cảm nghiệm đây. Thật vậy, chung quanh mỗi một gia đình dòng tu, hết mọi Hội Đoàn Sống Đời Tông Đồ và hết mọi Tu Hội Đời (Secular Institute), đều có một gia đình bao rộng hơn, "một gia đình có tính chất đặc sủng", một gia đình bao gồm một số Tu Hội có cùng đặc sủng, nhất là thành phần tín hữu giáo dân cảm thấy được kêu gọi, chính là vì giáo dân, tham phần vào cùng một thực tại đặc sủng.

 

Tôi tha thiết xin anh chị em, với tư cách là giáo dân, hãy sống Năm Đời Dâng Hiến này như là một hồng ân có thể làm cho anh chị em nhận thức được tặng ân anh chị em đã lãnh nhận. Hãy mừng tặng ân này cùng với toàn thể "gia đình' của anh chị em, nhờ đó anh chị em có thể tăng trưởng và cùng nhau đáp ứng tác động của Thần linh trong xã hội ngày nay. Ở một số trường hợp, khi thành phần nam nữ sống đời dâng hiến thuộc các Hội Dòng khác nhau qui tụ lại, anh chị em hãy sắp xếp để đích thân hiện diện hầu thể hiện một tặng ân duy nhất của Thiên Chúa. Như thế anh chị em sẽ cảm nghiệm được về các gia đình đặc sủng khác và các nhóm giáo dân khác, nhờ đó có cơ hội để phong phú hóa nhau và nâng đỡ lẫn nhau. 

2. Năm Đời Dâng Hiến liên quan chẳng những đến thành phần dâng hiến mà còn đến toàn thể Giáo Hội nữa. Bởi thế, tôi xin toàn thể dân Kitô giáo hãy gia tăng việc nhận thức về tặng ân đang hiện diện nơi nhiều con người nam nữ sống đời dâng hiến của chúng ta, thành phần thừa tự của các vị đại thánh đã viết lên lịch sử Kitô giáo. Giáo Hội sẽ ra sao nếu không có Thánh Biển Đức  Thánh Basiliô, không có Thánh Âu Cơ Tinh  Thánh Bênađô, không có Thánh Phanxicô  Thánh Đaminh, Thánh I Nhã  Thánh Thiên Sa Avila, Thánh Angelica Merici  Thánh Vinh Sơn Phaolô. Danh sách có thể còn dài cho tới Thánh Gioan Bosco  Chân Phước Têrêsa Calcutta. Như Chân Phước Phaolô VI đã nhận định: "Không có dấu hiệu cụ thể này sẽ có nguy cơ là đức ái vốn làm sinh động toàn thể Giáo Hội sẽ trở nên lạnh giá, cái mẫu thuẫn cứu độ của Phúc Âm sẽ thành ra cùn nhụt, và "muối" đức tin sẽ mất đi mùi vị trong một thế giới đang bị trần tục hóa" (Evangelica Testificatio, 3).

Bởi vậy, tôi mời gọi hết mọi cộng đồng Kitô hữu hãy cảm nghiệm Năm này trước hết như là một thời điểm tạ ơn Chúa và tri ân nhớ đến tất cả mọi tặng ân chúng ta tiếp tục nhận lãnh nhờ sự thánh thiện của các vị nam nữ sáng lập, cũng như từ lòng trung thành với đặc sủng của các vị được chứng tỏ nơi rất nhiều con người nam nữ sống đời dâng hiến. Tôi xin tất cả anh chị em hãy gần gũi với những con người nam nữ này, để hoan hỉ với họ, để chia sẻ với những khó khăn của họ và để hỗ trợ họ, bao nhiêu có thể, nơi các thừa tác vụ cũng như các công việc của họ, vì cuối cùng những thừa tác vụ và công việc đó chẳng qua là của toàn thể Giáo Hội. Họ hãy biết rằng toàn thể dân Kitô giáo đều cảm mến và nồng nàn đối với họ. 

3- Trong bức thư này tôi không ngần ngại ngỏ lời cùng những anh chị em sống đời dâng hiến cũng như các phần tử thuộc các huynh đệ đoàn và các cộng đồng thuộc về những Giáo Hội theo truyền thống khác với truyền thống Công giáo. Đời sống đan tu thuộc về gia sản của một Giáo Hội bất phân chia, và vẫn còn rất sinh động ở cả các Giáo Hội Chính Thống lẫn Giáo Hội Công Giáo. Truyền thống đan tu, cùng các cảm nghiệm khác sau đó từ thời Giáo Hội bên Tây phương vẫn còn hiệp nhất, đã ảnh hưởng đến các khởi động như nhau ở các Cộng Đồng Giáo Hội theo truyền thống cải cách. Những khởi động ấy vẫn tiếp tục làm nẩy sinh những thể hiện hơn nữa t cộng đồng và việc phục vụ huynh đệ.

Thánh Bộ đặc trách các Hội Dòng Sống Đời Dâng Hiến và các Hội Đoàn Sống Đời Tông Đồ đã phác họa ra một số khởi động trong việc dễ dàng hóa các cuộc hội ngộ giữa những phần tử thuộc các thể hiện khác nhau của đời sống dâng hiến và huynh đệ nơi những Giáo Hội khác nhau. Tôi nhiệt liệt phấn khích các cuộc gặp gỡ ấy như là một cách thức giúp gia tăng việc hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng và hợp tác với nhau, nhờ đó việc đại kết này của đời sống dâng hiến có thể trở nên hữu ích cho cuộc hành trình lớn lao hơn hướng tới mối hiệp nhất của tất cả mọi Giáo Hội. 

4. Chúng ta không thể quên sót hiện tượng về đời sống đan tu cũng như về các thể hiện khác của tình huynh đệ tu trì đang hiện hiện hữu cả ở tất cả các tôn giáo lớn khác nữaĐã từng xẩy ra trường hợp đối thoại liên đan viện lâu đời bao gồm Giáo Hội Công Giáo và một số đại truyền thống tôn giáo. Tôi tin rằng Năm Đời Dâng Hiến này sẽ là một cơ hội nhìn lại sự tiến bộ đạt được, để làm cho những người sống đời dâng hiến nhận thức được cuộc đối thoại này, và cứu xét xem đâu là những bước xa hơn nữa cần phải thực hiện hướng về việc hiểu biết nhau hơn nữa và hợp tác hơn nữa ở nhiều lãnh vực chung phục vụ sự sống con người. 

Việc cùng nhau hành trình bao giờ cũng mang lại phong phú và có thể mở ra những con đường mới cho các mối liên hệ giữa các dân nước và các nền văn hóa là những gì ngày nay trở nên thật là khó khăn. 

5. Sau hết, tôi muốn đặc biệt ngỏ lời cùng các vị giám mục huynh đệ của tôi. Chớ gì Năm này là một cơ hội để chấp nhận các hội dòng sống đời dâng hiến, một cách sẵn sàng và hân hoan, như là một vốn liếng thiêng liêng góp phần vào thiện ích của toàn thân mình của Chúa Kitô (xem lumen Gentium, 43), chứ không phải chỉ là vốn liếng của các gia đình tu trì riêng tư. "Đời dâng hiến là một tặng ân cho Giáo Hội, nó được xuất phát từ Giáo Hội, nó phát triển trong Giáo Hội và hoàn toàn hướng về Giáo Hội" (BISHOP J.M. BERGOGLIO, Intervention at the Synod on the Consecrated Life and its Mission in the Church and in the World, XVI General Congregation, 13 October 1994). Vì lý do ấy, vì chính là một tặng ân cho Giáo Hội mà nó không phải là một thực tại cô lập hay bên lề, mà sâu xa thuộc về Giáo Hội. Nó ở trong lòng của Giáo Hội, một yếu tố quyết liệt cho sứ vụ của Giáo Hội, vì nó thê hiện bản chất sâu xa của ơn gọi Kitô giáo và niềm mong ước của Giáo Hội Hiền Thê được hiệp nhất với vị Phu Quân duy nhất của mình. Bởi thế mà "nó hoàn toàn thuộc về đời sống và sự thánh thiện" của Giáo Hội (cùng nguồn, 44).

Theo chiều hướng ấy, tôi xin chư huynh, các vị Mục Tử của các Giáo Hội riêng, hãy chứng tỏ mối quan tâm đặc biệt trong việc phát động trong cộng đồng của chư huynh những đặc sủng khác nhau, dù là lâu đời hay mới đây. Tôi xin chư huynh hãy làm điều này bằng việc hỗ trợ và phấn khích của chư huynh, bằng việc trợ giúp của chư huynh về nhận thức, cũng như bằng sự gần gũi dịu dàng và yêu thương được tỏ ra đối với những trường hợp khổ đau và yếu kém nơi một số con người nam nữ sống đời dâng hiến. Nhất là chư huynh hãy làm điều này bằng việc hướng dẫn Dân Chúa về giá trị đời dâng hiến, nhờ đó vẻ đẹp và sự thánh thiện của nó được tỏa chiếu trong Giáo Hội. 

Tôi xin ký thác Năm Đời Dâng Hiến này cho Mẹ Maria, Vị Trinh Nữ của lắng nghe và chiêm niệm, người môn đệ đầu tiên của Người Con yêu dấu của Mẹ. Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ, người nữ tử rất yêu dấu của Chúa Cha, được trang điểm bằng hết mọi quà tặng của ân sủng, như là một mô phạm khôn sánh cho tất cả những ai theo Chúa Kitô vì yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân của mình. 

Cuối cùng, tôi xin hợp với tất cả chư huynh để tri ân cảm tạ về các quà tặng của ân sủng và ánh sáng là những gì Chúa ưu ái muốn sử dụng để làm cho chúng ta trở nên phong phú, và tôi đồng hành với chư huynh với Phép Lành Tòa Thánh của tôi. 



Vatican ngày 21/11/2014, lễ Đức Trinh Nữ Maria Dâng Mình vào Đền Thánh