"Hôm nay tôi đến để cám ơn chứng từ của anh chị em cũng như 

để phấn khích anh chị em hãy vun trồng niềm hy vọng nơi anh chị em và trong cõi lòng của anh chị em"

 ĐTC Phanxicô tông du Albania nguyên một ngày Chúa Nhật 21-9-2014

 

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển hợp và chuyển dịch

 

Dẫn nhập:

 

Trước khi thực hiện bất cứ một chuyến tông du nào, Đức Thánh Cha Phanxicô đều đến Đền Thờ Đức Bà Cả để hiến dâng chuyến tông du ấy cho Mẹ Maria. Chuyến tông du nguyên một ngày Chúa Nhật 21/9/2014 ngắn ngủi này cũng thế, ngài đã dâng nó cho Mẹ Maria từ hôm Thứ Năm ngày 18/9/2014. 

 

Chuyến tông du của ngài với tư cách là giáo hoàng đến Albania là chuyến tông du thứ hai, sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II năm 1993. Cho dù trời mưa vào thời điểm ngài dâng lễ ở Quảng Trường Mẹ Têrêsa nhưng vẫn không làm nao núng đông đảo tín hữu tham dự.

 

Trên chuyến bay đến Albania và tới nơi sau 9 giờ sáng một chút, có phái đoàn 50 phóng viên thuộc 10 quốc gia khác nhau, và ngài đã chào hỏi từng phóng viên cùng chúc cho họ "một ngày tốt đẹp làm việc chứ không phải nghỉ ngơi". Ngài đã ngỏ lời chung như sau: "Xin cám ơn anh chị em về sự giúp đỡ rất nhiều của anh chị em nhờ đó dân chúng và thế giới biết được Giáo Hoàng đang làm gì, Giáo Hội đang làm chi ở Albania đây, một quốc gia đã chịu rất ư là nhiều đau khổ. Thật nhiều khổ đau!... một quốc gia cũng thực hiện được một mối hòa bình giữa các tôn giáo khác nhau và đó là một dấu chỉ tuyệt vời trước thế giới..."

 

Trong chuyến bay hôm Thứ Hai 18/8/2014 từ Nam Hàn về lại Vatican lần trước, ngài đã trả lời trong cuộc phỏng vấn về lý do tại sao ngài lại muốn đến viếng thăm Albania, quốc gia trẻ nhất Âu Châu, "mảnh đất của những con phượng hoàng - the land of the eagles" như sau:

"Năm nay Albania đã được định liệu. Một số người đã nói rằng vị Giáo Hoàng này bắt đầu mọi sự từ ngoại biên. Thế nhưng tôi sẽ đến Albania vì hai lý do quan trọng. Trước hết vì họ đã có thể thành lập một chính quyền - chỉ cần nghĩ đến những người Balkan là dân đã có thể thành lập một chính quyền hiệp nhất đất nước với tín đồ Hồi giáo, Chính Thống giáo và Công giáo, với một hội đồng liên tôn hữu ích và cân bằng. Đó là một điều tốt đẹp và hài hòa. Sự hiện diện của vị Giáo Hoàng là muốn nói cùng tất cả mọi dân tộc (trên thế giới) rằng vẫn có thể cùng nhau làm việc. Tôi cảm thấy chuyến đi của tôi như là một trợ giúp thực sự cho dân tộc cao quí ấy. 

 

"Còn một điều nữa, đó là nếu chúng ta nghĩ đến lịch sử của Albania liên quan đến tôn giáo thì nó là một xứ sở duy nhất trong thế giới cộng sản có trong hiến pháp của mình chủ nghĩa vô thần thực tiễn. Bởi thế nếu các bạn đi lễ là trái với hiến pháp. Thế rồi một trong những vị thừa tác viên đã nói với tôi rằng 1820 nhà thờ đã bị hủy hoại, cả Công giáo lẫn Chính thống giáo, vào thời ấy. Rồi những nhà thờ khác được biến thành các rạp hát, rạp ciné, chỗ nhẩy đầm. Bởi thế tôi cảm thấy rằng tôi cần phải đến đó, chỉ trong vòng một ngày thôi".

 

Một trong những giây phút cảm kích nhất của chuyến tông du này là lúc Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ ra cảm xúc đến độ không cầm được nước mắt, khi ngài ôm lấy vị linh mục triều lão thành chứng nhân dưới tjhời cộng sản cấm cách bách hại Kitô hữu, đó là Cha Emesto, 84 tuổi, vị linh mục sau 8 năm làm linh mục đã bị lộ chân tướng, nên đã bị bắt giam và bỏ tù trong một môi trường bất nhân cho tới khi ngài gần chết mới được thả ra sau 18 năm tù vô cùng khổ ải đớn đau. Sau những lời chứng từ, vị linh mục này tiến đến với Đức Thánh Cha, quì xuống hôn nhẫn của ngài, vị giáo hoàng tỏ ra cảm kích trước chứng từ của vị linh mục, đã khóc và ôm lấy vị linh mục một hồi lâu.

 

Ở Albania, ngài đã thứ tự 1- ngỏ lời với thành phần thẩm quyền dân sự tại dinh tổng thống, 2- giảng lễ ở Quảng Trường Mẹ Têrêsa, 3- huấn từ Truyền Tin sau Thánh Lễ liên quan đặc biệt đến giới trẻ, 4- ngỏ lời cùng thành phần lãnh đạo các tôn giáo, 5- huấn dụ linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các phong trào giáo dân trong giờ kinh tối, và 6- huấn dụ thành phần đại diện các trung tâm bác ái ở Trung Tâm Betania coi sóc các trẻ em mồ côi.

 

Thứ Hai ngày 22/9/2014, vào buổi trưa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả để tạ ơn Đức Mẹ về chuyến tông du Albania của ngài hôm qua, Chúa Nhật 21/9/2014. Như thường lệ, ngài đã đến bàn thờ "Mẹ Maria Phù Hộ Dân Rôma - Maria Salus Populi Romani" (ở bên trái từ cửa tiến lên cung thánh trong nội cung của Đền Thờ gần cung thánh), sau khi cầu nguyện, ngài đã dâng một bó hoa cho Mẹ, bó hoa mà ngài nhận được tối hôm qua ở nơi ngài ghé thăm cuối cùng trong chuyến tông du là Trung Tâm Bêtania coi sóc các trẻ mồ côi. Trước khi về lại Vatican sau khi tạ ơn Đức Mẹ, dân chúng hiện diện với ngài trong Đền Thờ Đức Bà Cả bấy giờ đã hát Kinh Lạy Nữ Vương - Salve Regina. 

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô ngỏ lời với thành phần thẩm quyền dân sự Albania tại dinh tổng thống

"Kinh nghiệm ở Albania cho thấy đó là việc chung sống an bình và phong phú giữa những con người và cộng đồng tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau chẳng những là những gì đáng mong ước mà còn khả dĩ và hiện thực nữa".

 

... Gần một phần tư thế kỷ đã qua đi từ khi Albania tái tiến bước trên con đường tự do gai góc nhưng đáng tưởng thưởng. Kinh nghiệm này đã giúp cho xã hội Albania có thể tiếp tục tiến trình tái thiết về vật chất và tinh thần, có thể gia tăng lòng nhiệt thành cùng với những khởi động, có thể tạo nên một tinh thần hợp tác và trao đổi với các xứ sở thuộc Vùng Balkans, Địa Trung Hải, Âu Châu và thật sự là với cả phần còn lại của thế giới. Cái tự do tái tấu này đã giúp cho quí vị tin tưởng và hy vọng hướng về tương lai, bằng việc thiết lập những dự phóng mới và canh tân các mối liên hệ thân tình với những xứ sở gần xa.

 

Việc tôn trọng nhân quyền - đối với quí vị "tôn trọng" là một từ ngữ thiết yếu - trong đó nổi bật là quyền tự do về tôn giáo và tự do ngôn luận, là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển về xã hội và kinh tế của một xứ sở. Một khi phẩm giá của con người được tôn trọng và quyền lợi của họ được nhìn nhận và bảo đảm, thì tính chất sáng tạo và sự độc lập triển nở, và khả năng của cá thể con người được bừng nở qua những hoạt động gia tăng công ích. 

 

Còn một đặc tính đẹp đẽ khác của Albania, một đặc tính được cẩn thận chăm sóc và chú trọng và là một đặc tính khiến tôi cảm thấy rất vui: tôi đang nói tới việc chung sống và hợp tác một cách an bình giữa các tín đồ thuộc những tôn giáo khác nhauBầu khí tôn trọng và tin tưởng nhau giữa các tín đồ Công giáo, Chính Thống giáo và Hồi giáo là một tặng ân quí báu cho xứ sở này. Đây là trường hợp đặc biệt ở những lúc này đây, khi mà tinh thần đạo giáo đích thực đang trở nên bại hoại và những khác biệt về tôn giáo đang bị bóp méo cùng lạm dụng. Điều này tạo nên những hoàn cảnh nguy hiểm dẫn tới chỗ xung khắc và bạo động, hơn là một cơ hội đối thoại cởi mở và trân trọng, và là dịp để suy nghĩ chung về ý nghĩa của những gì tin tưởng vào Thiên Chúa và tuân giữ các lề luật của Ngài. 

 

Đừng ai coi mình là "cái chống đỡ" của Thiên Chúa trong khi lại dự tính và thực hiện các hành động bạo lực và đàn áp! Chớ gì đừng có ai sử dụng tôn giáo như là một thứ bình phong che đậy những hành động phạm đến phẩm giá của con người cũng như phạm đến các quyền lợi căn bản của hết mọi con người nam nữ, nhất là quyền sống và quyền tự do tôn giáo của mọi người!

 

Trái lại, kinh nghiệm ở Albania cho thấy đó là việc chung sống an bình và phong phú giữa những con người và cộng đồng tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau chẳng những là những gì đáng mong ước mà còn khả dĩ và hiện thực nữa. Việc chung sống an bình của các cộng đồng tôn giáo khác nhau thực sự là một thiện ích vô giá cho hòa bình cũng như cho việc phát triển hòa hợp của con người. Đó là một điều đáng giá cần phải được bảo vệ và duy trì mỗi ngày, bằng việc cung cấp một nền giáo dục biết tôn trọng những khác biệt và những căn tính riêng biệt, nhờ đó việc đối thoại và cộng tác vì thiện ích của tất cả mọi người có thể được cổ võ và củng cố nhờ hiểu biết nhau cũng như tôn trọng nhau. Nó là một tặng ân chúng ta cần van xin Thiên Chúa trong nguyện cầu. Chớ gì Albania luôn tiếp tục bước theo đường lối ấy, cống hiến cho các xứ sở khác một tấm gương tác động.  

 

Thưa Ngài Tổng Thống, sau mùa đông cô lập và bách hại, mùa xuân của tự do cuối cùng đã xuất hiện. Nhờ những cuộc tuyển cử tự do cùng với các cơ cấu tổ chức mới, một thứ đa nguyên về dân chủ đã được củng cố là những gì giờ đây thuận lợi cho hoạt động về kinh tế. Nhiều người, đặc biệt là lúc ban đầu, đã quyết định di tản để tìm kiếm công ăn việc làm và một mức sống khá hơn, và theo đường lối của này của mình họ đã góp phần vào việc phát triển xã hội Albania. Nhiều người khác đã tái nhận thức được các lý do ở lại quê hương của mình, muốn xây dựng nó từ bên trong. Những nỗ lực và hy sinh của tất cả mọi người nói chung đã cải tiến đời sống của quốc gia. 

 

... Tuy nhiên, hôm nay những thách đố mới đang nổi lên cần phải đương đầu. Trong một thế giới theo chiều hướng toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa, cần phải hết sức bảo đảm là việc gia tăng và phát triển phải phục vụ tất cả mọi người chứ không một số giới hạn thành phần dân chúng. Hơn thế nữa, việc phát triển ấy sẽ chỉ đích thực nếu nó là những gì khả trợ và chính đáng, tức là nếu nội tại của nó chú trọng tới quyền lợi của người nghèo và tôn trọng môi sinh. Song song với việc toàn cầu hóa về thị trường cũng cần phải có một thứ toàn cầu hóa tương đương về tình đoàn kết; cùng với việc gia tăng về kinh tế cũng cần phải tỏ ra hết sức tôn trọng đối với thiên nhiên tạo vật; song song với quyền lợi của các cá nhân cũng cần bảo đảm quyền lợi của những ai là chiếc cầu nối giữa cá nhân và nhà nước, mà gia đình là cơ cấu tiên khởi và trên hết của những cơ cấu này. Ngày nay Albania có thể đương đầu với những thách đố ấy trong một bầu khí tự do và vững bền, hai thực tại cần phải được củng cố và làm nên nền tảng hy vọng cho tương lai

 

.................

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2014/outside/documents/papa-francesco-albania.html (trừ nhan đề và các chỗ in nghiêng và mầu).

 

 

ĐTC Phanxicô giảng lễ ở Quảng Trường Mẹ Têrêsa 

 

"Albania là một mảnh đất tử đạo"

Phúc Âm chúng ta vừa nghe nói với chúng ta, cũng như với 12 Tông Đồ, Chúa Giêsu kêu gọi 72 môn đệ khác và Người sai các vị này đến các thôn làng và phố thị để loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa (xem Luca 10:1-9,17-20). Người đến để mang cho thế giới tình yêu của Thiên Chúa và Người muốn chia sẻ tình yêu này bằng mối hiệp thông và tình huynh đệ. Để đạt mục đích ấy, Người liền thành lập một cộng đồng môn đệ, một cộng đồng truyền giáo, và Người huấn luyện họ về cách thức "lên đường" truyền giáo. Phương pháp này vừa rõ ràng vừa giản dị, đó là các môn đệ đến thăm viếng các nhà và việc rao giảng của các vị được mở đầu bằng lời chào đầy ý nghĩa: "Bình an ở cùng nhà này!" Nó không phải chỉ là một lời chào mà còn là một tặng ân: tặng ân bình an. Anh chị em Albania thân mến, được ở với anh chị em hôm nay đây ở Quảng Trường được cung hiến cho người nữ tử khiêm hạ và cao cả của đất nước này là Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta, tôi muốn lập lại cùng anh chị em lời chào ấy: Xin bình an ở cùng nhà của anh chị em! Chớ gì bình an ngự trị trong cõi lòng của anh chị em! Bình an ở cùng quốc gia của anh chị em! Bình an!

 

Trong việc truyền giáo của 72 môn đệ chúng ta thấy phản ảnh về cảm nghiệm truyền giáo của cộng đồng Kitô hữu ở mọi thời đại: Chúa phục sinh và hằng sống sai chẳng những Nhóm 12 mà còn toàn thể Giáo Hội; Người sai mỗi một người đã lãnh nhận phép rửa hãy loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi dân nước. Qua các thế hệ, sứ điệp hòa bình được thành phần sứ giả của Chúa Giêsu mang đến không phải bao giờ cũng được chấp nhận; có những lúc các cánh cửa đóng lại không cho nó vào. Trong quá khứ gần đây, các cánh cửa của xứ sở anh chị em cũng đã bị đóng lại, bị khóa bởi những xiềng xích cấm đoán và qui định của một chế độ chối bỏ Thiên Chúa và ngăn cản tự do tôn giáo. Những ai sợ sự thật đã làm hết mọi sự có thể để loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm can của con người nam nữ, và loại trừ Chúa Kitô cùng Giáo Hội ra khỏi lịch sử xứ sở của anh chị em, thậm chí nó đã là một trong những nơi đầu tiên nhận được ánh sáng Phúc Âm. Thật thế, trong bài đọc thứ hai, chúng ta đã nghe nói đến Illyria là nơi trong thời của Thánh Phaolô đã bao gồm cả lãnh thổ Albania tân thời ngày nay

 

Nhớ lại các thập niên của nỗi khổ tàn ác và các cuộc bách hại dữ dội vào các tín đồ Công giáo, Chính Thống giáo và Hồi giáo, chúng ta có thể nói rằng Albania là một mảnh đất tử đạo: nhiều vị giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, và giáo sĩ cùng thừa tác viên của những tôn giáo khác đã phải trả giá cho lòng trung thành của họ bằng mạng sống của họ. Không thiếu những cuộc biểu tỏ lòng can đảm cao cả và nhất trí tuyên xưng đức tin. Biết bao nhiêu là Kitô hữu đã không chịu khuất phục khi bị đe dọa, nhưng đã bất khuất kiên trì trên con đường họ đã tiến bước! Tôi đang đứng một cách thêng liêng ở bức tường của nghĩa trang Scutari, một địa điểm tiêu biểu tử đạo của tín hữu Công giáo trước đám lính xả súng bắn, và bằng tấm lòng hết sức cảm kích, tôi đặt vòng hoa nguyện cầu của tôi và việc tưởng niệm tri ân bất diệt của tôi. Chúa là Đấng gần gũi với anh chị em, anh chị em thân mến, để nâng đỡ anh chị em; Ngài đã dẫn dắt anh chị em và an ủi anh chị em, để rồi sau hết Ngài nâng anh chị em lên trên đôi cánh phượng hoàng như Ngài đã làm cho nhân dân Do Thái xưa kia, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất. Con phượng hoàng, hình ảnh trên lá quốc kỳ của anh chị em, là những gì khơi lên niềm hy vọng, và nhu cầu luôn cần phải tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng không dẫn chúng ta đi sai lạc và là Đấng hằng ở bên chúng ta, nhất là trong những lúc khó khăn

 

Hôm nay, các cánh cửa của Albania đã được mở lại và một mùa tân truyền giáo sinh động đang vươn lên đối với tất cả mọi phần tử của dân Chúa: từng người được rửa tội đều có phận vụ cần phải chu toàn trong Giáo Hội cũng như trong xã hội. Mỗi một người cần phải cảm nghiệm được ơn gọi này trong việc dấn thân mình một cách quảng đại cho việc loan báo Phúc Âm cũng như cho việc làm chứng bác ái; được kêu gọi để kiên cường nhũng mối giây đoàn kết kiến tạo các điều kiện sống chính đáng và huynh đệ cho tất cả mọi người. Hôm nay tôi đến để cám ơn chứng từ của anh chị em cũng như để phấn khích anh chị em trong việc vun trồng niềm hy vọng giữa anh chị em và trong cõi lòng của anh chị em. Anh chị em đừng bao giờ quên con phượng hoàng! Con phượng hoàng không quên tổ của mình, nhưng tung cánh bay cao. Tất cả anh chị em, hãy tung cánh bay cao! Hãy bay lên cao! Tôi cũng đến với cả các thế hệ trẻ; hãy nuôi dưỡng các bạn một cách chuyên cần bằng Lời Chúa, mở lòng các bạn ra cho Chúa Kitô, cho Phúc Âm, cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, cho cuộc gặp gỡ nhau, như các bạn đang làm mà nhờ đó các bạn làm chứng cho toàn thể Âu Châu....................

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo (nhan đề và những chỗ in nghiêng và mầu là do tự ý người dịch)

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2014/outside/documents/papa-francesco-albania.html

 

 

 

Huấn Từ Truyền Tin 

 

"Tôi mời gọi các bạn hãy xây dựng đời sống của mình trên Chúa Giêsu Kitô... Các bạn cần phải 'Dứt Khoát' với ... Các bạn cần phải 'Chấp Nhận'..."

 

Anh Chị Em thân mến, 

 

Trước khi kết thúc cuộc cử hành này, tôi muốn ngỏ lời chào từng anh chị em là những người đến đây từ khắp Albania cũng như từ các xứ sở lân cận. Tôi xin cám ơn sự hiện diện của anh chị em và chứng từ đức tin của anh chị em. 

 

Tôi đặc biệt muốn ngỏ lời chào giới trẻ! Người ta nói rằng Albania là một quốc gia trẻ trung nhất Âu Châu nên tôi ngỏ lời riêng cùng các bạn. Tôi mời gọi các bạn hãy xây dựng đời sống của mình trên Chúa Giêsu Kitô: ai xây dựng trên Chúa Kitô là dựng xây trên đá, vì Người bao giờ cũng trung thành, cho dù đôi khi chúng ta thiếu đức tin (xem 2Timothêu 2:13). Chúa Giêsu biết chúng ta hơn ai hết; khi chúng ta phạm tội Người không lên án chúng ta mà nói cùng chúng ta rằng: "Con hãy về và đừng phạm tội nữa" (Gioan 8:11). 

 

Giới trẻ thân mến, các bạn là thế hệ mới của Albania, là tương lai của đất nước. Với quyền năng của Phúc Âm cũng như với gương lành của cha ông mình, của các vị tử đạo, các bạn cần phải "Dứt Khoát" với ngẫu tượng tiền bạc, "Dứt Khoát" với thứ tự do lầm lạc của cá nhân chủ nghĩa, "Dứt Khoát" với nghiện ngập và bạo lực; các bạn cần phải nói "Chấp Nhận" nền văn hóa gặp gỡ và đoàn kết, "Chấp Nhận" sự mỹ bất khả phân ly với sự thiện và sự thật; "Chấp Nhận" một cuộc đời được sống thật nhiệt thành và đồng thời cũng trung thành nơi cả những điều nhỏ bé. Nhờ đó, các bạn sẽ xây dựng một nước Albania tốt đẹp hơn và một thế giới tốt đẹp hơn theo chân của cha ông các bạn và của những ai đang đưa Albania tiến tới. 

 

Chúng ta hãy hướng về Trinh Nữ Maria, vị chúng ta tôn kính trước hết nơi tước hiệu "Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành - Our Lady of Good Counsel". Một cách thiêng liêng, tôi như đang đứng trước mặt Mẹ, ở Đền Thánh Mẹ Scutari là nơi rất thân thương với anh chị em, và tôi ký thác cho Mẹ toàn thể Giáo Hội ở Albania cùng tất cả mọi người của đất nước đây, nhất là các gia đình, trẻ em và người già, thành phần đang là ký ức sống động của nhân dân. Xin Đức Mẹ dẫn dắt anh chị em trong việc bước đi "cùng với Thiên Chúa hướng về niềm hy vọng không lừa đối".

 

Angelus Domini...

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-angelus-address-at-conclusion-of-mass-in-tirana (nhan đề và những chỗ in nghiêng và mầu là do tự ý của người dịch)

 

 

ĐTC Phanxicô ngỏ lời cùng thành phần lãnh đạo các tôn giáo Albania

 

"Tự do tôn giáo là một không gian chung, một bầu khí tôn trọng và hợp tác cần phải được xây dựng nhờ việc tham phần của hết mọi người, thậm chí bao gồm cả những ai không có những niềm xác tín về tôn giáo"

 

Các Bạn thân mến,

 

...... Albania cảm thấy buồn thương khi chứng kiến thấy bạo lực và thảm trạng có thể bị gây ra bởi một thứ cưỡng bức trục xuất Thiên Chúa ra khỏi đời sống tư riêng và cộng đồng. Một khi nhân danh Thiên Chúa để cố gắng loại trừ Thiên Chúa khỏi xã hội thì tiến đến chỗ tôn thờ ngẫu tượng và chẳng bao lâu con người nam nữ bị lạc hướng, phẩm giá của họ bị chà đạp và quyền lợi của họ bị vi phạm. Các bạn đã quá rõ nỗi đớn đau đến đâu gây ra bởi việc chối bỏ tự do lương tâm và tự do tôn giáo, và từ vết thương đau ấy xuất hiện một thứ nhân loại què quặt vì thiếu mất niềm hy vọng và những lý tưởng hướng dẫn nó.

 

Những đổi thay diễn ra từ thập niên 1990 đã mang lại, trong số các điều khác, tác hiệu tích cực ở việc tạo nên những điều kiện để thực thi quyền tự do tôn giáo đích thực. Điều này đã làm cho nó trở thành khả thể đối với mỗi một cộng đồng trong việc cải cách các truyền thống không bao giờ thực sự bị dập tắt, bất chấp có bách hại dữ dội chăng nữa. Nhờ tự do tôn giáo mỗi người mới có cơ hội cống hiến theo niềm xác tín về đạo giáo của mình việc tích cực đóng góp; trước hết cho việc tái thiết về luân lý của xứ sở, theo sau đó là cho việc tái thiết về kinh tế. 

 

Thật vậy, như Đức Gioan Phaolô II đã nói trong chuyến viếng thăm lịch sử của ngài vào năm 1993, "Tự do tôn giáo [...] chẳng những là một tặng ân quí báu của Chúa cho những ai có đức tin: nó còn là tặng ân cho từng người, vì nó là những gì bảo đảm nồng cốt của hết mọi bày tỏ tự do khác [...] Chỉ có đức tin mới nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta có một Đấng Tạo Hóa duy nhất, thì chúng ta tất cả đều là anh chị em với nhau. Tự do tôn giáo là một thứ bảo đảm chống lại tất cả mọi hình thức chuyên chế độc đoán và quyết liệt góp phần vào tình huynh đệ của nhân loại" (Sứ Điệp cho Nhân Dân Albania ngày 25/4/1993). 

 

Ngay sau đó ngài đã nói thêm rằng: "Tự do tôn giáo thực sự là những gì loại trừ đi khuynh hướng bất khoan nhượng cùng bè phái chủ nghĩa, và cổ võ những thái độ trân trọng và xây dựng đối thoại với nhau" (ibid). Chúng ta không thể nào chối cãi được rằng việc bất khoan nhượng đối với những ai khác với niềm xác tín về tôn giáo là một kẻ thù đặc biệt tinh hiểm, một kẻ thù ngày nay đang được chứng kiến thấy ở các miền đất khác nhau trên thế giới này. Là thành phần tín hữu chúng ta cần phải đặc biệt tỉnh thức, nhờ đó, khi tin tưởng sống giáo lý và luân lý của mình chúng ta bao giờ cũng thể hiện mầu nhiệm chúng ta có ý tôn kính. Điều này có nghĩa là tất cả những hình thức lạm dụng tôn giáo cần phải mạnh mẽ bài trừ như là những gì sai lầm vì chúng bất xứng với Thiên Chúa hay với nhân loại. Tôn giáo chân thực là nguồn bình an chứ phải nguồn bạo lực! Không ai được nhân danh Thiên Chúa để bạo động! Nhân danh Thiên Chúa để sát hại là một thứ phạm thánh nghiêm trọng. Nhân danh Thiên Chúa để kỳ thị là phi nhân

 

Theo chiều hướng ấy thì tự do tôn giáo không phải là một thứ quyền có thể được bảo đảm chỉ bằng luật pháp hiện hành, cho dù luật lệ là những gì cần thiết. Trái lại, tự do tôn giáo là một không gian chung, một bầu khí tôn trọng và hợp tác cần phải được xây dựng nhờ việc tham phần của hết mọi người, thậm chí bao gồm cả những ai không có những niềm xác tín về tôn giáo. Xin cho tôi được tóm gọn hai thái độ có thể đặc biệt ích lợi trong việc thăng tiến của thứ quyền tự do nồng cốt này.

 

Thái độ thứ nhất là thái độ coi hết mọi con người nam nữ, cho dù là những ai thuộc những truyền thống tôn giáo khác, không phải là thành phần đối phương, càng không phải là thù địch, mà là anh chị em. Khi một người bảo toàn niềm tin riêng của mình thì không cần phải áp đặt hay áp lực trên kẻ khác: có một niềm xác tín đó là chân lý có quyền lực thu hút của nó. Nói một cách sâu xa thì tất cả chúng ta đều là kẻ hành trình trên trái đất này, và trong cuộc hành trình này, vì chúng ta khao khát chân lý và vĩnh hằng, chúng ta không sống cuộc đời cá nhân một cách tự lập và tự mãn; các cộng đồng tôn giáo, văn hóa và quốc gia cũng thế. Chúng ta cần nhau, và được trao phó cho việc chăm sóc của nhau. Mỗi truyền thống tôn giáo, tự bên trong, cần phải làm sao để có thể chú trọng đến các tôn giáo khác. 

 

Thái độ thứ hai, thái độ duy trì việc phát động tự do tôn giáo, là công việc được làm để phục vụ công ích. Bất cứ khi nào việc gắn bó với một truyền thống tôn giáo chuyên biệt nào đó cống hiến việc phục vụ đều cho thấy niềm xác tín, lòng quảng đại và mối quan tâm đối với toàn thể xã hội bất phân biệt thì bấy giờ cũng hiện hữu một cuộc sống chân thực và trưởng thành nhờ tự do tôn giáo. Điều này cho thấy nó không chỉ là một vị trí để bênh vực sự tự lập của mình một cách hợp tình hợp lý, mà còn là một khả năng làm phong phú gia đình nhân loại khi nó tiến phát. Con người nam nữ càng phục vụ người khác thì tự do của họ càng cao cả!

 

Chúng ta hãy nhìn chung quanh chúng ta: có rất nhiều người nghèo và thiếu thốn, rất nhiều xã hội cố gắng tìm kiếm một cách thức bao gồm hơn nữa công lý xã hội và đường lối phát triển về kinh tế! Cao cả biết bao tâm can của con người cần phải gắn bó mạnh mẽ vào ý nghĩa sâu xa nhất của các kinh nghiệm trong đời và cắm rễ vào một cuộc tái khám phá thấy niềm hy vọng! Những con người nam nữ, được tác động ở những lãnh vực này bới các thứ giá trị thuộc những truyền thống tôn giáo của họ, có thể cống hiến một thứ đóng góp quan trọng thậm chí đặc thù nữa. Đó thực sự là một mảnh đất phì nhiêu cống hiến nhiều hoa trái, cả ở trong lãnh vực đối thoại liên tôn. 

 

Thế rồi bao giờ cũng có loại con ma tương đối chủ nghĩa cho "mọi sự đều tương đối". Có một nguyên tắc minh nhiên đó là không thể nào đối thoại nếu đối thoại không xuất phát từ căn tính của con người. Thiếu căn tính không thể nào đối thoại được. Nó sẽ là một thứ đối thoại ảo tưởng, một thứ đối thoại "lơ lửng", không hiệu lực. Mỗi người chúng ta đều có căn tính tôn giáo riêng, và chúng ta trung thành với căn tính ấy. Thế nhưng Chúa biết rằng Ngài đang đưa lịch sử này tới đâu. Chúng ta hãy tiến tới từ căn tính riêng của mình. Không phải để làm cho tin rằng chỉ có một căn tính duy nhất. Điều ấy không có tác dụng, chẳng giúp ích chi. Đó là chủ nghĩa tương đối! Cái mang chúng ta lại với nhau là con đường sự sống. Nó là thiện chí hành thiện đối với những người anh chị em. Là anh em, chúng ta cùng nhau tiến bước. Mỗi người chúng ta cống hiến chứng từ cho người khác thấy cái căn tính của mình, và đối thoại với người khác. Bởi thế, khi việc đối thoại tiến triển một chút về các vấn đề thần học là điều tốt đẹp, thế nhưng điều quan trọng nhất đó là cùng nhau tiến bước mà không phản bội căn tính của mình, không che đậy nó, không giả hình. Khi nghĩ đến điều ấy tôi cảm thấy hay ho......

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-address-to-interreligious-leaders-of-albania

(Nhan đề và những chỗ in nghiêng và mầu do tự ý của người dịch)

 

 

 

ĐTC Phanxicô huấn dụ linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các phong trào giáo dân trong giờ kinh tối ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ở Thủ Đô Tirana

 

"Người ta đang mong thấy được thành phần chứng nhân hơn là tìm kiếm những tay chuyên viên: những chứng nhân khiêm hạ của tình thương và sự dịu dàng của Thiên Chúa"

............ 

Tôi hiểu được và cảm nhận nỗ lực anh chị em đang thực hiện để chống lại với những hình thức "độc tài" mới đang đe dọa biến các cá nhân cùng những cộng đồng trở thành nô lệ. Nếu chế độ vô thần tím cách bóp nghẹt đức tin thì những hình thức độc tài mới ấy sẽ có thể bóp nghẹt đức bác ái một cách tinh quái hơn nữaTôi đang nói đến cá nhân chủ nghĩa, đến thái độ giành giật và đến những xung khắc nóng bỏng: đó là những thứ tâm thức trần tục có thể lây lan thậm chí cho cả cộng đồng Kitô hữu. Chúng ta không được thất đảm trước những khó khăn ấy; đừng sợ tiếp tục theo đường lối của Chúa. Ngài luôn ở bên anh chị em, Ngài ban cho anh chị em ân sủng của Ngài và Ngài giúp anh chị em biết nâng đỡ lẫn nhau; chấp nhận nhau như bản thân của anh chị em một cách thông cảm và xót thương; Ngài giúp anh chị em đào sâu mối hiệp thông huynh đệ.  

Việc truyền bá phúc âm hóa trở thành hiệu nghiệm hơn khi nó được thi hành bằng sự hiệp nhất của tinh thần và bằng việc chân thành làm việc với nhau giữa các cộng đồng giáo hội khác nhau cũng như giữa các nhà truyền giáo với hàng giáo sĩ địa phương: điều này đòi phải can đảm để tìm kiếm những cách thức cùng nhau làm việc và cống hiến việc tương trợ ở những lãnh vực về giáo lý và giáo dục công giáo, cũng như về việc phát triển toàn diện con người và đức bác ái. Trong những lãnh vực ấy, việc đóng góp của các phong trào trong giáo hội biết làm việc trong mối hiệp thông với các vị Chủ Chăn là những gì rất sáng giá. Đó chính là những gì tôi đang thấy trước mặt tôi đây: các vị giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân: một Giáo Hội muốn bước đi trong tình huynh đệ và hiệp nhất. 

Khi biết đặt tình yêu Chúa Kitô trên tất cả mọi sự, thậm chí trên cả các nhu cầu riêng biệt hợp lệ của chúng ta, thì bấy giờ chúng ta mới có thể vươn ra khỏi bản thân mình, vươn ra khỏi cái ti tiểu của cá nhân hay của cộng đồng chúng ta, mà vươn tới Chúa Giêsu, Đấng đến với chúng ta nơi anh chị em của chúng taNhững thương tích của Người ngày nay vẫn còn hữu hình trên các thân xác của nhiều con người nam nữ đang đói khát; những con người đang bị tủi nhục đọa đầy; những người đang ở trong nhà thương hay nhà tù. Bằng việc dịu dàng chạm tới và chăm sóc những thương tích ấy thì chúng ta mới có thể trọn vẹn sống Phúc Âm và tôn thờ Vị Thiên Chúa đang sống giữa chúng ta. 

Hằng ngày anh chị em gặp nhiều vấn đề. Những vấn đề này buộc anh chị em trầm mình vào công cuộc tông đồ một cách sốt sắng và quảng đại. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tự mình chúng ta chẳng làm gì được: "Trừ phi Chúa xây nhà bằng không những ai xây nhà chỉ luông công vô ích" (Thánh Vịnh 127:1). Nhận thức này mời gọi chúng ta hằng ngày hãy dành chỗ xứng đáng cho Chúa, hãy cống hiến thời gian của chúng ta cho Ngài, hãy mở lòng của chúng ta ra cho Ngài, nhờ đó Ngài có thể hoạt động trong đời sống của chúng ta cũng như trong sứ vụ của chúng ta. Đó là những gì Chúa hứa ban cho lời nguyện cầu tin tưởng và kiên trì vượt trên những gì chúng ta có thể nghĩ tưởng (xem luca 11:11-12): vượt trên cả những gì chúng ta kêu cầu nữa khi Thiên Chúa sai đến cho chúng ta cả Thánh Linh. Chiều kích chiêm niệm của đời sống chúng ta trở thành những gì bất khả châm chước cho dù ở giữa những công việc khẩn trương nhất và khó khăn nhất chúng ta gặp phải. Sứ vụ của chúng ta càng kêu gọi chúng ta xuất thân tiến vào những bờ rìa của đời sống, thì tâm can của chúng ta càng cảm thấy sâu xa cần phải hiệp nhất với trái tim của Chúa Kitô, một trái tim đầy xót thương và yêu thương.

Về sự kiện con số linh mục và tu sĩ vẫn chưa đủ, Chúa Giêsu lập lại cho anh chị em hôm nay rằng: "Mùa màng thì bề bộn nhưng thợ gặt lại ít; bởi thế các con hãy cầu cùng Chủ mùa để Ngài sai thợ gặt đến làm mùa của Ngài" (Mathêu 9:37-38). Chúng ta không được quên rằng lời cầu nguyện này được bắt đầu bằng ánh mắt: ánh mắt của Chúa Giêsu, Đấng đang thấy mùa gặt bề bộn. Chúng ta có ánh mắt này hay chăng? Chúng ta có biết nhận thức được các hoa trái dồi dào phát sinh nhờ ơn Chúa và công việc cần phải làm trong thửa ruộng của Chúa hay chăng? Chính nhờ cái nhìn tin tưởng vào cánh đồng của Thiên Chúa mà phát sinh ra lời cầu nguyện ấy, tức là lời khẩn cầu hằng ngày thiết tha cùng Chúa cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Các chủng sinh, thử sinh và tập sinh thân mến, anh chị em là hoa trái từ lời nguyện cầu này của dân Chúa, Đấng luôn đi trước anh chị em và hỗ trợ đáp ứng riêng của anh chị em. Giáo Hội ở Albania cần đến sự nhiệt thành và lòng quảng đại của anh chị em. Thời gian anh chị em hôm nay cống hiến cho việc đào luyện vững chắc về tu đức, về thần học, về đời sống chung và về mục vụ, là nhắm đến việc phục vụ dân Chúa một cách trọn vẹn mai này. Người ta đang mong thấy được thành phần chứng nhân hơn là tìm kiếm những tay chuyên viên: những chứng nhân khiêm hạ của tình thương và sự dịu dàng của Thiên Chúa; những linh mục và tu sĩ nên giống Chúa Giêsu là Vị Mục Tử Nhân Lành, thành phần có thể truyền đạt tình yêu của Chúa Kitô cho tất cả mọi người

...................

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2014/outside/documents/papa-francesco-albania.html

(Nhan đề và những chỗ in nghiêng và mầu là do tự ý người dịch)

 

 

ĐTC Phanxicô huấn dụ thành phần đại diện các trung tâm bác ái ở nguyện đường Trung Tâm Betania coi sóc các trẻ em mồ côi.

"Cái bí quyết cho một đời sống tốt lành là ở chỗ yêu thương và hiến thân vì yêu thương"

.............

Ở những nơi như chỗ này đây tất cả chúng ta đều được củng cố trong đức tin; mỗi người được giúp về niềm tin của mình, vì chúng ta thấy đức tin được thể hiện một cách hữu hình qua các hành động bác ái cụ thể. Chúng ta thấy đức tin chiếu tỏa ánh sáng và niềm hy vọng ra sao nơi những trường hợp khốn khổ nặng nề; chúng ta nhận thấy đức tin tái bừng lên như thế nào trong các tâm hồn được chạm tới bởi Thần linh của Chúa Giêsu là Đấng đã phán: "Ai đón nhận một con trẻ như thế này vì danh Thày là đón nhận Thày" (Marcô 9:37). Đức tin này, hoạt động qua đức ái, đang phá đổ đi những núi non của những gì là lạnh lùng, của những gì là bất tín và của những gì là lờ đờ, và đang mở ra những bàn tay cùng những tấm lòng để làm việc cho những gì là thiện hảo và chia sẻ cảm nghiệm này. Qua những cử chỉ khiêm tốn và các hành động chân thành trong việc phục vụ thành phần hèn mọn nhất trong chúng ta mà Tin Mừng Chúa Giêsu phục sinh và đang sống giữa chúng ta được loan báo

Hơn nữa, Trung Tâm này cho thấy rằng có thể cùng nhau sống một cách bình an và huynh đệ như là thành phần thuộc về các sắc tộc khác nhau và như là thành phần môn đồ thuộc các niềm tin tôn giáo khác nhau. Ở nơi đây những gì là khác biệt không cản trở sự hòa hợp, niềm hân hoan và sự an bình, trái lại, còn trở thành cơ hội hiểu biết và thông cảm nhau hơn. Tính chất khác biệt nơi cảm nghiệm tôn giáo cho thấy tình yêu thương tha nhân chân thật và trân trọng; mỗi cộng đồng tôn giáo thể hiện mình qua yêu thương chứ không phải là bạo độngvà không bao giờ hổ thẹn trong việc bày tỏ lòng thiện hảo! Những con người muôi dưỡng sự thiện hảo trong lòng mình đều thấy rằng sự thiện hảo đó dẫn tới một thứ lương tâm bình an và niềm vui sâu xa cho dù ở giữa những khó khăn và hiểu lầm. Thậm chí khi bị đối đầu, sự thiện hảo không bao giờ trở thành yếu kém, trái lại, nó còn tỏ ra sức mạnh của mình ở chỗ không trả thù

Sự thiện hảo chính là phần thưởng của nó và lối kéo chúng ta lại gần với Thiên Chúa hơn, Đấng là Sự Thiện Tối Cao. Nó giúp chúng ta nghĩ như Ngài, thấy đời sống của chúng ta theo chiều hướng dự án yêu thương của Ngài đối với từng người chúng ta, và giúp chúng ta có thể hoan lạc trong các niềm vui hằng ngày của cuộc sống, giúp chúng ta trong những khó khăn và thử thách. Sự thiện hảo cống hiến một cách vô cùng tận hơn là tiền bạc chỉ là những gì lừa dối, bởi chúng ta đã được dựng nên để lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa và để cống hiến tình yêu này, không đo đếm mọi sự bằng tiền bạc hay quyền lực là những gì nguy hiểm có thể sát hại tất cả chúng ta.

Các bạn thân mến, trong lời chào mừng của mình, vị Giám Đốc của các bạn đã nhắc lại quá trình của Hiệp Hội các bạn cùng với những việc làm đã được tác động bởi vị sáng lập là Bà Antonietta Vitale, vị tôi đã thân ái chào hỏi và cám ơn việc chào đón của bà. Vị Giám đốc của các bạn cũng nói về sự giúp đỡ từ các vị ân nhân bảo trợ và đã diễn tả sự tiến bộ của các dự án khác nhau. Bà cũng ghi nhận có bao nhiêu trẻ em đã được ưu ái đón nhận và chăm sóc. Mirjan thì lại nói về một cảm nghiệm riêng tư, về sự lạ lùng và lòng tri ân đối với một cuộc gặp gỡ làm biến đổi cuộc đời của mình, và là một cuộc gặp gỡ đã mở ra các chân trời mới, cống hiến những cơ hội có được những người bạn mới, và nhất là một Người Bạn cao cả hơn tất cả mọi người bạn khác đó là Chúa GiêsuMirjan đã nói một điều rất nhức nhối liên quan đến những tình nguyện viên đóng góp việc họ giúp đỡ; anh nói rằng "15 năm qua họ đã hân hoan hy sinh bản thân mình vì kính mến Chúa Giêsu và yêu thương chúng tôi". Câu này cho thấy việc hiến thân mình vì kính mến Chúa Giêsu làm phát sinh ra sao niềm vui và hy vọng, và nó cũng cho thấy việc phục vụ anh chị em của mình được biến đổi như thế nào thành một cảm nghiệm chia sẻ về vương quốc của Thiên Chúa. Những lời của Mirjan-Paolo có vẻ như là mâu thuẫn với nhiều người trong thế giới của chúng ta là thành phần đang chậm nắm bắt được ý nghĩa của chúng và là thành phần hào hứng tìm kiếm chìa khóa cho cuộc sống giầu sang trần thế, cho những gì chiếm hữu và cho các thứ vui chơi. Trái lại, những gì các người này khám phá ra đều là những xa lạ và rối loạn.

Cái bí quyết cho một đời sống tốt lành là ở chỗ yêu thương và hiến thân vì yêu thương. Từ đó mới xuất phát ra sức mạnh để "hân hoan hy sinh bản thân mình", và nhờ đó công việc gay go nhất được biến thành nguồn hân hoan hơn nữa. Có thế mới không còn bất cứ một thứ sợ hãi nào để thực hiện những chọn lựa quan trọng trong đời sống, mà chúng được nhìn đến như những gì chúng là, tức đến đường lối viên trọn bản thân trong tự do.

.................

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2014/outside/documents/papa-francesco-albania.html

(Nhan đề và những chỗ in nghiêng và mầu là do tự ý người dịch)

 

 

ĐTC Phanxicô trả lời phỏng vấn trên chuyến bay tông du Albania về lại Vatican 21/9/2014

 

"Albania là một xứ sở Âu Châu vì nền văn hóa của nó - thứ văn hóa chung sống, cũng như vì nền văn hóa lịch sử của nó". 

 

DTCPhanxicotraloiTongDuAlbania.jpg

 

Cha Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh, mở lời: 

Giờ đây chúng ta phải tỏ hềt lòng cám ơn Đức Thánh Cha đã ở với chúng ta, cho dù vào lúc cuối cùng của một ngày căng thẳng. Ngài muốn để cho chúng ta đặt một số câu hỏi, ít thôi, về chuyến đi này. Bởi vậy, theo tiêu chuẩn chúng ta đã chấp thuận đó là để cho 3 người bạn Albania của chúng ta hỏi, những người đã đồng hành với chúng ta trọn chuyến đi này: họ đã đến Rôma là để hành trình với anh chị em và giờ đây họ cũng trở về Rôma để hoàn thành kinh nghiệm của họ với anh chị em. Họ từ 3 đài truyền hình của Albania. Chúng ta bắt đầu với Bà Mira Tuci thuộc đài Truyền Hình Quốc Gia Albania.

 

Phóng viên hỏi 1: 

Ngài đã lưu lại một ý nghĩ trong đầu cho nhân dân Albania, cho đất nước Albania - đó là nhân dân Albania đã chẳng những chịu khổ đau ra sao mà họ còn tỏ ra khoan nhượng nữa. Ngài còn thấy được một số phẩm chất khác nơi nhân dân Albania hay chăng? Những phẩm chất ấy có phải là những phẩm chất đích thực để làm cho phượng hoàng bay về tổ của mình hay chăng?

 

ĐTC Phanxicô đáp:

Nỗi khổ đau mà nhân dân Albania của anh chị em chịu đựng tôi đã thấy được rõ nét hơn. Còn đối với việc khoan nhượng... Tôi muốn thay đổi chữ này. Nhân dân Albania không phải là khoan nhượng mà là một người anh em. Họ có khả năng về tình huynh đệ và còn hơn thế nữa. Điều này được chứng thực nơi việc cùng chung sống, nơi việc hợp tác giữa những tín đồ Hồi giáo, Chính Thống giáo và Công giáo. Họ không đang hợp tác với nhau như là anh em hay sao? Thế rồi một điều khác đã tác động tôi từ đầu đó là tính chất trẻ trung của xứ sở này. Khi tôi bày tỏ nhận định này thì tôi được bảo rằng nó là một xứ sở trẻ nhất Âu Châu. Thế nhưng thực sự người ta thấy Albania đạt được một phát triển siêu vượt về văn hóa cũng như về việc quản trị, nhờ tình huynh đệ này. 

 

Phóng viên hỏi 2: 

Thưa Ngài, khi di chuyển trên đại lộ chính ở Tirana, bên dưới những phông hình của các vị giáo sĩ tử đạo trong chế độ Cộng sản ở một xứ sở bị chủ nghĩa vô thần của Nhà Nước áp đặt 25 năm trước, ngài đã cảm thấy như thế nào? 

 

ĐTC Phanxicô đáp:

Tôi đã nghiên cứu hai tháng để hiểu được giai đoạn khó khăn ấy của Albania. Tôi cũng đã nghiên cứu giai đoạn đầu ở một mức độ nào đó. Thế nhưng anh chị em có được những gốc nguồn văn hóa tuyệt vời nhất, và vững mạnh của thứ đại văn hóa ngay từ ban đầu. Tôi đã tìm hiểu giai đoạn này và nó là một giai đoạn hung tàn: mức độ của sự hung tàn kinh hoàng. Khi tôi trông thấy những phông ảnh ấy, chẳng những của tín hữu Công giáo mà còn cả của Chính Thống giáo, thậm chí của Hồi giáo,... và khi tôi nghĩ về những lời bảo với họ rằng "Ngươi không được tin vào Thiên Chúa" - "Tôi vẫn tin!" - đoàng, và họ bắn chết một cách công khai. Bởi thế tôi muốn nói rằng tất cả 3 yếu tố tôn giáo đã làm chứng cho Thiên Chúa và giờ đây làm chứng cho tình huynh đệ. 

 

Phóng viên hỏi 3:

Thưa Ngài, ngài đã viếng thăm Albania là một xứ sở đa số là tín đồ Hồi giáo. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm này đã diễn ra ở một thời điểm nguy hiểm trước tình hình thế giới. Chính ngài đã nói rằng Thế Chiến Thứ Ba đã bắt đầu. Phải chăng sứ điệp về chuyến viếng thăm này của ngài chỉ cống hiến cho nhân dân Albania hay bao gồm hơn thế nữa?

 

ĐTC Phanxicô đáp:

Không, nó bao gồm hơn thế nữa. Albania đã thực hiện một cuộc hành trình hòa bình, chung sống và hợp tác là những gì vươn dài mở rộng; nó đi đến cả các xứ sở khác cũng có các gốc nguồn sắc tộc khác nhau. Bạn đã nói rằng "Nó là một xứ sở đa số Hồi giáo". Đúng thế, nó không phải là một xứ sở Hồi giáo. Nó là một xứ sở Âu Châu. Điều này khiến tôi ngỡ ngàng. Thật vậy, Albania là một xứ sở Âu Châu vì nền văn hóa của nó - thứ văn hóa chung sống, cũng như vì nền văn hóa lịch sử của nó. 

 

Phóng viên hỏi 4:

Giờ đây ngài đã thực hiện chuyến viếng thăm Albania là nước ở Âu Châu. Những chuyến viếng thăm tới là những chuyến nào?

 

ĐTC Phanxicô đáp:

Đúng thế, tôi không thể nào thay đổi được địa dư. Những chuyến đi tới sẽ vào ngày 25/11, ở Strasbourg, với Hội Đồng Âu Châu và Nghị Viện Âu Châu, cả hai, rồi sau đó vào ngày 28 - có lẽ - ở Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự lễ Thánh Anrê ngày 30/11 với Đức Thượng Phụ Bartholomew.

 

Phóng viên hỏi 5:

Thưa Ngài, chúng tôi đã biết rằng ngài có một nhãn quan về Albania ở một nghĩa nào đó khác với nhãn quan của những người Âu Châu, tức là chúng tôi nhìn Âu Châu hầu như là Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Ngài đã chọn xứ sở đầu tiên của Âu Châu để thăm viếng lại là một xứ sở ở ngoài rìa không thuộc về Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Ngài có thể nói sao với những ai chỉ nhìn Âu Châu của thành phần "quyền lực"?

 

ĐTC Phanxicô đáp:

Chuyến đi của tôi là một sứ điệp, nó là một dấu chỉ; nó là một dấu chỉ tôi muốn cống hiến vậy. 

 

Phóng viên hỏi 6:

Tôi tin rằng tất cả chúng tôi đã thấy ngài khóc lần đầu tiên, ngài đã tỏ ra rất cảm kích trong cuộc gặp gỡ ấy: tôi nghĩ đó là giây phút cảm động nhất của chuyến đi này? (Biệt chú của người dịch: Trước giờ kinh chiều với các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các phong trào giáo dân trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ở Thủ Đô Tirana, và sau lời nghênh đón của Đức Tổng Giám Mục Rrok K. Mirdita, Đức Thánh Cha đã nghe chứng từ của một vị linh mục triều lão thành là Cha Ernesto Simoni Troshani và của một nữ tu Dòng Dấu Thánh là Maria Kaleta, và ngài đã không thể cầm hãm được nỗi xúc động đến độ rơi nước mắt sau khi nghe chứng từ của vị linh mục lão thành).

 

ĐTC Phanxicô đáp:

Việc nghe một vị tử đạo nói về cuộc tử đạo của mình là những gì mãnh liệt! Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta ở đó đều cảm kích, tất cả chúng ta. Và những ai làm chứng đã nói như thể họ bấy giờ đang nói về người khác, nói một cách tự nhiên, một cách khiêm tốn. Điều này đã làm cho tôi cảm thấy tốt đẹp! Xin cám ơn anh chị em rất nhiều và chào anh chị em buổi tối nhé. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/full-text-of-in-flight-papal-press-conference-from-albania

 

 

Triều Kiến Chung Thứ Tư 24/9/2014 ĐTC Phanxicô chia sẻ Cảm Nghiệm về Chuyến Tông Du Albania

 

"Tôi muốn lập lại lời mời gọi với anh chị em Albania là hãy can đảm sống thiện hảo, để xây dựng hiện tại và tương lai của xứ sở mình và của Âu Châu"

 

Anh Chị Em thân mến, xin chào anh chị em buổi sáng.

 

Hôm nay tôi muốn nói về Chuyến Tông Du tôi đã thực hiện ở Albania Chúa Nhật vừa rồi. Việc tôi thuật lại đây, trước hết, như là một việc cảm tạ Thiên Chúa là Đấng đã giúp tôi có thể thực hiện chuyến viếng thăm này để chứng tỏ một cách hữu hình và cụ thể sự gắn bó của tôi cũng như của toàn thể Giáo Hội với dân tộc này. Bởi thế tôi muốn lập lại lòng biết ơn huynh đệ của tôi với hàng giáo phẩm Albania, với các linh mục và tu sĩ nam nữ đã dấn thân cho công việc này. Tâm tưởng tri ân của tôi cũng hướng đến các vị thẩm quyền, những vị đã đón tiếp tôi một cách lịch thiệp, cũng như đến tất cả những ai đã cộng tác để hiện thực hóa chuyến viếng thăm này. 

 

Chuyến viếng thăm này được xuất phát từ lòng mong ước của tôi muốn đến một xứ sở mà sau một thời gian dài bị áp bức bởi một chế độ vô thần và phi nhân, đang trải qua một kinh nghiệm chung sống an bình giữa các phần tử tôn giáo khác nhau của mình. Tôi cảm thấy cần phải phấn khích họ theo đuổi con đường này, nhờ đó họ mạnh mẽ tiếp tục đường lối ấy và phản ảnh sâu xa hơn những hàm ý của đường lối này cho sự tiến bộ của công ích. Bởi thế, trọng tâm của chuyến viếng thăm này là một cuộc gặp gỡ liên tôn, một cuộc gặp gỡ khiến tôi đã có thể thấy một cách hết sức hài lòng là một cuộc chung sống hòa bình và thành quả giữa những con người cùng những cộng đồng thuộc các tôn giáo khác nhau chẳng những trở thành một điều hy vọng mà còn là những gì thực sự khả dĩ và khả thi. Họ đang sống như thế! Nó là một cuộc đối thoại chân thực và thành quả, một cuộc đối thoại không bị chi phối bởi tương dối chủ nghĩa và nhận thức được căn tính của nhau. Thật vậy, điều làm cho các biểu hiện tôn giáo khác nhau qui tụ lại với nhau đó là đường lối sống, là thiện chí làm lành cho tha nhân của mình, là không chối bỏ hay giảm thiểu căn tính riêng của họ.

 

Cuộc gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các Phong Trào giáo dân là cơ hội để tri ân nhớ lại, bằng những cảm xúc đặc biệt, nhiều vị tử đạo vì đức tin. Nhờ sự hiện diện của một số vị lão thành đã trải qua nơi thân xác của mình các cuộc bách hại kinh hoàng, mà đức tin đã được âm vang từ nhiều chứng nhân anh dũng của quá khứ, thành phần đã theo Chúa Kitô cho đến những hậu quả tột cùng. Chính nhờ mối hiệp nhất sâu xa của họ với Chúa Giêsu, nhờ mối liên hệ yêu thương của họ với Người mà họ đã có được sức mạnh - như nơi hết mọi vị tử đạo - để đương đầu với những biến cố đau đớn khiến họ phải tử đạo. Cả ngày nay nữa, như hôm qua, sức mạnh của Giáo Hội không phải là ở những khả năng tổ chức hay cấu trúc tổ chức của mình, cho dù là cần thiết. Giáo Hội không tìm thấy sức mạnh của mình ở đó. Sức mạnh của chúng ta đó là tình yêu Chúa Kitô! Một thứ sức mạnh bảo trì chúng ta trong những lúc khó khăn và có thể tác động việc tông đồ ngày nay ở chỗ cống hiến cho tất cả mọi người lòng từ ái và thứ tha nhờ đó làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa

 

Khi di chuyển trên đại lộ chính ở Tirana là đại lộ dẫn từ phi trường đến Quảng trường chính rộng lớn, tôi đã có thể thấy những bức phông của 40 vị linh mục bị sát hại trong chế độ độc tài Cộng sản và là những vị có án phong thánh đang được cứu xét. Họ là những vị trong số hằng trăm tu sĩ Kitô giáo và Hồi giáo bị sát hại, bị hành hạ, bị tù đầy và bị trục xuất chỉ vì các vị tin vào Thiên Chúa. Đó là những năm tháng tối tăm, những tháng năm không có tự do tôn giáo và bị cấm không được tin vào Thiên Chúa. Hàng ngàn nhà thờ và đền thờ bị hủy hoại, bị biến thành những cửa tiệm và rạp hát để tuyên truyền ý hệ Mác-Xít. Các sách vở về tôn giáo bị đốt đi và cha mẹ bị cấm không được đặt tên đạo giáo của cha ông cho con cái. Ký ức về những biến cố thảm thương này là những gì thiết yếu cho tương lai của một dân tộc. Việc tưởng niệm các vị tử đạo đã chịu đựng vì đức tin là một bảo đảm cho định mệnh của Albania, vì máu của các vị không đổ ra vô ích mà là hạt giống sẽ trổ sinh hoa trái an bình và hợp tác huynh đệ. Thật vậy, ngày nay, Albania là một thí dụ chẳng những về việc tái sinh của Giáo Hội mà còn về việc chung sống an bình giữa các tôn giáo nữa. Bởi thế, các vị tử đạo không bị thảm bại mà là thành phần chiến thắng, ở chỗ chiếu tỏa nơi chứng từ anh dũng của mình quyền toàn năng của Thiên Chúa, Đấng luôn an ủi dân của Ngài, mở ra những con đường mới và những chân trời hy vọng

 

Tôi ký thác sứ điệp hy vọng này, được thiết lập trên niềm tin vào Chúa Kitô và vào việc tưởng niệm về quá khứ, cho toàn thể nhân dân Albania, một dân tộc tôi thấy nhiệt thành và hoan hỉ ở những nơi hội họp và cử hành, cũng như trên đường phố ở Tirana. Tôi phấn khích tất cả hãy kín múc lấy những nghị lực hằng mới mẻ từ Chúa Kitô Phục Sinh để có thể trở thành men phúc âm trong xã hội và dấn thân như đã từng làm vào những hoạt động bác ái và giáo dục. 

Một lần nữa tôi cám ơn Chúa vì, qua chuyến đi này, Ngài đã giúp tôi cho thể gặp gỡ một dân tộc can trường và mạnh mẽ, một dân tộc không để mình bị đổ vỡ bởi sầu thương. Tôi muốn lập lại lời mời gọi với anh chị em Albania là hãy can đảm sống thiện hảo, để xây dựng hiện tại và tương lai của xứ sở mình và của Âu Châu. Tôi phó dâng hoa trái của chuyến tôi viếng thăm cho Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, vị được tôn kính tại Đền Thánh mang danh xưng này ở Scutari, nhờ đó Mẹ tiếp tục hướng dẫn đường lối của dân tộc tử đạo ấy. Chớ gì kinh nghiệm hung tàn dữ dội của quá khứ đâm rễ sâu hơn bao giờ hết vào việc hướng về anh chị em của chúng ta, nhất là thành phần yếu kém nhất, và hiến cho kinh nghiệm này một đặc tính sinh động của đức bác ái là những gì rất cần thiết trong môi trường văn hóa xã hội ngày nay. Tôi muốn tất cả chúng ta hôm nay chào mừng dân tộc làm việc can trường này và những gì họ đang tìm kiếm hiệp nhất trong hòa bình

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/on-the-trip-to-albania

(nhan đề và những chỗ in nghiêng và mầu là do tự ý của người dịch)