Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du Nam Hàn 14-18/8/2014

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển hợp và chuyển dịch

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2014/outside/documents/papa-francesco-repubblica-corea.html

 

Tông Du - Thực Hiện, Gặp Gỡ và Cử Hành

Thứ Tư ngày 13/8/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu chuyến tông du ngoài Ý quốc thứ ba của ngài từ khi ngài làm giáo hoàng. Chuyến tông du đầu tiên vào thời điểm 22-29/7/2013 ở Ba Tây vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 28. Chuyến tông du thứ hai vào thời điểm 24-26/5/2014 nhân dịp kỷ niệm 50 năm biến cố hai vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống hội ngộ hòa giải (1964). 

Chuyến tông du thứ ba này ngài đến Nam Hàn (13-18/8/2014) nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ VI. Chuyến bay Alitalia A330 sẽ rời phi trường Fiumicino Roma vào lúc 4 giờ chiều 13/8/2014, tức vào lúc 8 giờ sáng ở California, hay 11 giờ sáng ở Nữu Ước, hoặc 10 giờ tối ở Việt Nam, hay 12 giờ đêm ở Seoul Nam Hàn.

Chuyến bay này sẽ bay qua Trung Hoa lần đầu tiên cùng với 10 quốc gia khác là Ý, Croatia, Slovenia, Austria, Slovakia, Poland, Belarus, Russia, Mongolia và South Korea. Chuyến bay này sẽ kéo dài 11 tiếng rưỡi và vượt qua một khoảng cách xa tới 8970 cây số và sẽ hạ cánh xuống điểm hẹn vào lúc 12 giờ trưa địa phương.

Tháng tới, vào ngày 21/9/2014, ngài sẽ thực hiện chuyến tông du nữa trong năm 2014, đó là chuyến tông du thứ tư, lần này đến Tirana nước Albania (quê hương của Chân Phước Têrêsa Calcutta). 

Như thói quen, trước và sau mỗi chuyến tông du, Đức Thánh Cha Phanxicô bao giờ cũng đến kính viếng và tạ ơn Mẹ Maria ở Đền thờ Đức Bà Cả. Ngay sau ngày được bầu chọn làm giáo hoàng 13/3/2013, ngài cũng đã đến Đền Thờ Thánh Mẫu này. Vào lúc 11 giờ sáng ngày lên đường cho chuyến tông du Nam Hàn, Thứ Tư 13/8/2014, ngài đã đến kính viếng Mẹ 15 phút và dâng cho Mẹ bó hoa như thường lệ. 

Đặc biệt là chuyến bay của ngài từ Rôma đến Nam Hàn được phép bay trên không phận của Trung Cộng, trong khi đó Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II 2 lần tông du Nam Hàn mà không được. Ngoài ra, trong chuyến tông du của mình ở Nam Hàn, ngài đã sử dụng một chiếc xe tầm thường hơn là sang trọng, thậm chí những chiếc xe đi hộ tống ngài còn sang trọng hơn xe ngài muốn sử dụng nữa. Ngài đã cảnh báo các vị giám mục Đại Hàn về vấn đề giầu có.

Trong chuyến tông du thứ ba này của giáo triều mới gần 1 năm rưỡi của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thứ tự gặp các thành phần của Nam Hàn như sau: 1- giới lãnh đạo chính trị ở 'Nhà Xanh - Blue House' và 2- hàng giám mục ở Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn (14/8); 3- giới trẻ Á Châu ở Đền Thánh Solmoe (15/8); 4- cộng đồng tu sĩ ở Trung Tâm Đào Luyện 'Học Đường Yêu Thương' và 5- lãnh đạo tông đồ giáo dân ở Trung Tâm Linh Đạo (16/8); 7- các vị linh mục Á Châu ở Đền Thánh Haemi (17/8).

Ngoài ra, mỗi ngày ngài còn dâng các Thánh Lễ đặc biệt như sau: 1- Lễ Mẹ Mông Triệu 15/8 ở Vận Động Trường Deajeon; 2- Lễ Phong Chân Phước 16/8 cho 124 vị tử đạo Đại Hàn ở Gwanghwamun Gate; 3- Lễ Bế Mạc 17/8 Ngày Giới Trẻ Á Châu lần VI ở Haemi Castle; và 4- Lễ 18/8 cầu cho Hòa Bình và Hòa Giải ở Myeong-dong Cathedral. 

 

Về Mối Liên Hệ Hai Biến Cố: "Hai việc cử hành này bổ túc cho nhau".

Ngài tông du Nam Hàn vào dịp Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ VI và để phong chân phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn, một chuyến tông du liên kết cả trẻ (giới trẻ ngày nay) lẫn già (124 vị tử đạo ngày xưa) lại với nhau, vì cả 2 đều làm nên lịch sử của mỗi quốc gia cũng như chung thế giới. Trong bài diễn từ với thành phần lãnh đạo chính trị của Nam Hàn ở Nhà Xanh (Blue House) Seoul ngày Thứ Năm 14/8/2014, ngài đã sâu xa cho thấy ý nghĩa liên hệ trẻ già này như sau:

"Chuyến viếng thăm Đại Hàn của tôi vào dịp Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ VI, dịp qui tụ giới trẻ Công giáo từ khắp nơi của châu lục rộng lớn này lại để hân hoan cử hành niềm tin chung của họ. Theo tiến trình thăm viếng của mình, tôi cũng phong chân phước cho một số người Đại Hàn đã chịu tử đạo vì đức tin Công giáo, đó là Paul Yen Ji-chung và 123 đồng bạn của mình. Hai việc cử hành này bổ túc cho nhau. Nền văn hóa Đại Hàn quá biết được cái giá trị cùng với sự khôn ngoan truyền lại từ cha ông của chúng ta và tỏ lòng tôn kính các vị trong xã hội. Người Công giáo chúng tôi cũng tôn kính các vị cha ông đã tử đạo vì đức tin bởi các vị sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho một sự thật được các vị tin tưởng và là một sự thật các vị đã nhờ đó sống cuộc đời của mình. Các vị dạy chúng ta sống hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho thiện ích của nhau.

"Một dân tộc khôn ngoan và cao cả không chỉ hoan hỉ với các truyền thống tổ tiên của mình; họ còn trân quí giới trẻ của mình nữa, tìm cách truyền đạt cái di sản của quá khứ và sử dụng chúng để giải quyết những thách đố của hiện tại. Bất cứ khi nào giới trẻ qui tụ lại với nhau, như cơ hội này đây, thì đó là một cơ hội quí báu cho tất cả chúng ta trong việc lắng nghe những gì họ hy vọng và quan tâm. Chúng ta cũng cần phải suy nghĩ xem về cách thức tốt đẹp ra sao trong việc chúng ta đang truyền đạt các thứ giá trị của chúng ta cho thế hệ tới đây, cũng như về loại thế giới cùng xã hội nào chúng ta đang sửa soạn truyền đạt cho họ. Theo chiều hướng ấy, tôi nghĩ rằng thật là quan trọng trong việc chúng ta nghĩ đến nhu cầu cần phải cống hiến cho giới trẻ của chúng ta tặng ân hòa bình..." 

 

Với Giới Lãnh Đạo Chính Trị: "Việc tìm cầu hòa bình ...trong một thế giới càng ngày càng trở nên toàn cầu hóa"

Giới lãnh đạo chính trị được ngài ngỏ lời đầu tiên ở Nhà Xanh (Blue House) Seoul ngày Thứ Năm 14/8/2014, với những ý tưởng chính yếu tiêu biểu liên quan đến việc tìm cầu hòa bình trong một thế giới càng ngày càng toàn cầu hóa như sau (tiếp theo những gì ngài nói tới mối liên hệ giữa hai biến cố trên đây):

"Việc tìm cầu hòa bình cũng cho thấy một cuộc thử thách đối với mỗi người chúng ta, đặc biệt là đối với quí vị là thành phần dấn thân theo đuổi công ích của gia đình nhân loại bằng công việc ngoại giao một cách nhẫn nại. Nó là một thứ thách đố trường kỳ của việc hủy hoại đi những bức tường bất tín nhau cùng ghen ghét hận thù, bằng cách cổ võ một nền văn hóa hòa giải và đoàn kết. Vì việc ngoại giao, một thứ nghệ thuật của những gì là khả thể, được căn cứ vào niềm xác tín chắc chắn và kiên vững rằng hòa bình là những gì có thể đạt được bằng việc lặng lẽ lắng nghe nhau và trao đổi với nhau, hơn là bằng những tố cáo lẫn nhau, những phê phán vô bổ và những thứ thị uy quyền lực. 

"Hòa bình không phải chỉ là tình trạng không có chiến tranh, mà là 'công cuộc của công lý' (xem Is 32:17). Và công lý, như là một nhân đức, đòi phải biết kỷ cương kiềm chế; nó cần chúng ta không quên những bất công quá khứ nhưng chế ngự những bất công ấy bằng thứ tha, khoan nhượng và hợp tác. Nó đòi phải biết sẵn sàng nhận thức và chiếm đạt được các đích điểm bổ ích hỗ tương, xây dựng các nền tảng tương kính, thông cảm và hòa giải... Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng trong một thế giới càng ngày càng trở nên toàn cầu hóa thì kiến thức của chúng ta về công ích, về tiến bộ và về phát triển, trên hết phải có tính chất nhân bản chứ không thuần kinh tế... Tôi hy vọng rằng nền dân chủ của Đại Hàn sẽ tiếp tục được vững mạnh và quốc gia này sẽ cho thấy rằng mình dẫn đầu trong cả vấn đề toàn cầu hóa tình đoàn kết là những gì rất cần thiết hôm nay đây: một thứ toàn cầu hóa tình đoàn kết nhắm đến việc phát triển toàn diện của hết mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại của chúng ta. Trong lần viếng thăm Đại Hàn lần thứ hai của mình 25 năm trước đây (8/10/1989), Thánh Gioan Phaolô II đã nói lên niềm xác tín của mình rằng 'tương lai của Đại Hàn sẽ tùy thuộc vào sự hiện diện nơi dân chúng của nó nhiều con người nam nữ khôn ngoan, đức hạnh và nhiệt tình'".  

 

Với Hàng Giáo Phẩm Đại Hàn: "Giáo Hội ở Đại Hàn đang sống đời và thi hành thừa tác vụ của mình giữa một xã hội thịnh vượng nhưng càng ngày càng tục hóa và duy vật"

Hàng giáo phẩm Đại Hàn được ngài ngỏ lời ngay sau thành phần lãnh đạo chính trị nước này, và nơi ngài gặp gỡ các vị lãnh đạo Giáo Hội Công giáo địa phương này là ở Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn cùng ngày Thứ Năm 14/8/2014, với 2 ý tưởng chính yếu về vai trò lưỡng diện bất khả thiếu và bất khả phân ly của các vị nơi đất nước đang thịnh vượng nhưng đầy cám dỗ thế tục của các vị, ở chỗ các vị vừa phải làm canh giữ viên hồi niệm vừa phải làm canh giữ viên hy vọng như sau:

"... Hoa trái của Phúc Âm trên mảnh đất Đại Hàn, cùng với di sản lớn lao được truyền lại cho quí huynh từ cha ông đức tin của quí huynh, ngày nay có thể được thấy nơi việc thăng hoa các giáo xứ sinh động và những phong trào trong giáo hội, nơi những chương trình giáo lý vững chắc và việc vươn tới giới trẻ, cũng như nơi các học đường, chủng viện và đại học Công giáo. Giáo Hội ở Đại Hàn được cảm phục vì vai trò của mình nơi đời sống thiêng liêng và văn hóa của quốc gia này và động lực truyền giáo mạnh mẽ của nó. Từ một miền đất truyền giáo, giờ đây quí huynh đã trở thành một miền đất của các vị thừa sai; và Giáo Hội hoàn vũ tiếp tục hưởng lợi ích từ nhiều vị linh mục và tu sĩ được quí huynh sai đi.

"Là canh giữ viên hồi niệm không phải chỉ liên quan đến việc tưởng nhớ và trân quí các ân sủng của quá khứ; nó còn có nghĩa là rút tỉa từ chúng những nguồn thiêng liêng để có thể đối đầu một cách khôn ngoan và cương quyết với những gì là hy vọng, hứa hẹn và thách đố trong tương lai. Như chính quí huynh đã ghi nhận, đời sống và sứ vụ của Giáo Hội ở Đại Hàn tựu kỳ trung không phải được đo lường bằng những tiêu chuẩn bề ngoài, số lượng và cơ cấu; trái lại chúng cần phải được thẩm định theo chiều hướng rõ ràng của Phúc Âm cùng với ơn gọi hoán cải trở về với con người của Chúa Giêsu Kitô. Là canh giữ viên hồi niệm nghĩa là ý thức rằng trong khi tăng trưởng xuất phát từ Thiên Chúa (xem 1Cor 3:6), thì nó cũng là hoa trái của việc khổ công âm thầm và kiên trì, trong quá khứ cũng như hiện tại. Việc tưởng niệm đến các vị tử đạo cùng với các thế hệ Kitô hữu đã qua cần phải là một tưởng niệm thiết thực chứ đừng lý tưởng hóa và đừng 'vênh vang tự đắc'.Nhìn về quá khứ mà không nghe thấy tiếng gọi của Thiên Chúa trong việc hoán cải trong hiện tại sẽ chẳng giúp chúng ta tiến tới; trái lại, nó chỉ cầm giữ chúng ta lại và thậm chí còn ngăn cản đà tiến bộ thiêng liêng của chúng ta nữa.

"Quí huynh thân mến, ngoài việc làm canh giữ viên hồi niệm, quí huynh còn được kêu gọi làm canh giữ viên hy vọng nữa: niềm hy vọng được bảo trì nhờ Phúc Âm về ân sủng và tình thương của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng đã phấn chấn các vị tử đạo. Chính niềm hy vọng này mà chúng ta được thách đố trong việc loan báo cho một thế giới, vì tất cả những gì thịnh vượng về vật chất của nó, đang tìm kiếm một cái gì đó hơn nữa, một cái gì đó cao cả hơn nữa, một cái gì đó chân thực và viên trọn...

"Các vị giám mục không được xa cách thành phần linh mục của mình, hoặc tệ hơn nữa là bất khả đến gần. Tôi cảm thấy nhức nhối khi nói đến điều ấy. Nơi tôi ở có một số linh mục nói với tôi rằng: 'Con đã gọi cho đức giám mục, con đã xin được gặp ngài; những đã ba tháng rồi mà con vẫn chưa nhận được hồi âm'. Quí huynh ơi, nếu có vị linh mục nào gọi điện thoại cho quí huynh hôm nay và xin gặp quí huynh thì hãy gọi lại cho họ lập tức, hoặc là hôm nay hay là ngày mai. Nếu quí huynh không có giờ gặp họ thì hãy nói cho họ biết rằng: 'Cha không thể gặp con vì thế này thế nọ thế kia, nhưng cha muốn gọi cho con hay là cha ở đây vì con'. Tuy nhiên, hãy cho họ thấy được việc đáp ứng từ người cha của họ, nhanh bao nhiêu có thể. Xin đừng xa cách các vị linh mục của quí huynh nhé....

"Làm thành phần canh giữ viên hy vọng cũng bao gồm cả việc bảo đảm rằng chứng từ ngôn sứ của Giáo Hội ở Đại Hàn vẫn là những gì tỏ tường nơi mối quan tâm của giáo hội này đối với người nghèo cũng như nơi các chương trình dấn thân vươn mình của nó, đặc biệt là đối với thành phần tỵ nạn và di dân cùng những ai đang sống ở bên lề xã hội. Mối quan tâm này chẳng những cần được thể hiện nơi các khởi động bác ái cụ thể là những gì cần thiết, mà còn nơi công việc tiếp tục cỗ võ về xã hội, nghề nghiệp và giáo dục nữa. Chúng ta có thể gặp nguy cơ biến công việc của chúng ta đối với những ai thiếu thốn thành chiều kích cơ cấu tổ chức mà thôi, trong khi coi nhẹ nhu cầu của từng người trong việc tăng trưởng của họ như là một con người - họ có quyền tăng trưởng như là một con người - và nhu cầu được bày tỏ một cách xứng đáng với phẩm cách, óc sáng tạo và văn hóa riêng của họ. Mối liên đới với người nghèo là tâm điểm của Phúc Âm; nó cần phải được coi là yếu tố thiết yếu của đời sống Kitô hữu... Tôi xác tín rằng nếu dung nhan của Giáo Hội trước hết và trên hết là một dung nhan yêu thương thì càng nhiều giới trẻ sẽ được lôi kéo đến với tấm lòng của Chúa Giêsu hằng bừng cháy tình yêu thần linh nơi mối hiệp thông của nhiệm thể Người

"Tôi đã nói rằng người nghèo là tâm điểm của Phúc Âm; họ hiện diện ở đó từ đầu đến cuối. Trong hội đường ở Nazarét, Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ điều này ngay từ ban đầu thừa tác vụ của Người. Rồi ở Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 25, Người đã nói về những ngày sau cùng và cho thấy cái qui chuẩn chúng ta sẽ bị phán xét chúng ta cũng thấy người nghèo ở đó nữa. 

"Đang có một mối nguy hiểm, một khuynh hướng xẩy ra vào những thời điểm thịnh vượng, đó là mối nguy hiểm cộng đoàn Kitô hữu đang trở thành như "một phần của xã hội" khác, mất đi chiều kích thần bí của mình, mất đi khả năng của mình trong việc cử hành Mầu Nhiệm, và thay vào đó trở thành một thứ cơ cấu thiêng liêng, Kitô giáo và với các giá trị Kitô giáo nhưng lại thiếu mất chất men ngôn sứ. Khi xẩy ra như thế thì người nghèo không còn vai trò xứng hợp của mình ở trong Giáo Hội nữa. Đó là một thứ khuynh hướng gây khốn đốn cho các Giáo Hội riêng, các cộng đồng Kitô hữu qua các thế kỷ; nơi một số trường hợp các giáo hội ấy đã trở thành giới trung lưu khiến thành phần nghèo khổ cảm thấy hổ thẹn thuộc về các giáo hội ấy. Nó là khuynh hướng của thứ 'thịnh vượng' thiêng liêng, thịnh vượng về mục vụ. Không còn là một Giáo Hội nghèo cho người nghèo nữa mà là một Giáo Hội giầu cho người giầu, hay một Giáo Hội trung lưu cho thành phần dư giả. Đó không phải là những gì mới lạ: khuynh hướng này đã có ngay từ ban đầu. Thánh Phaolô đã khiển trách Kitô hữu Corintô trong Thư Thứ Nhất (11:17), trong khi đó Thánh Giacôbê thậm chí còn gay gắt và chi tiết hơn nữa (2:1-7): ngài đã khiển trách những cộng đồng giầu thịnh, các Giáo Hội giầu có cho người giầu có. Các giáo hội ấy không loại trừ người nghèo, thế nhưng đường lối các giáo hội ấy sống khiến cho người nghèo cảm thấy lưỡng lự tham gia, họ không cảm thấy tự nhiên. Đó là khuynh hướng của những gì là thịnh vượng. Tôi không khiển trách quí huynh vì tôi biết rằng quí huynh đang làm việc tốt đẹp. Tuy nhiên, là một người anh em có trách nhiệm củng cố anh em của mình trong đức tin, tôi xin nói cùng quí huynh rằng: hãy cẩn thận, vì Giáo Hội của quí huynh là một Giáo Hội đang thăng hoa, một Giáo Hội đầy truyền giáo, một Giáo Hội trọng đại. Không được để cho ma quỉ gieo những thứ cỏ lùng ấy, gieo khuynh hướng loại trừ người nghèo khỏi chính cơ cấu ngôn sứ của Giáo Hội và làm cho quí huynh trở thành một Giáo Hội giầu thịnh cho người giầu có, một Giáo Hội cho thành phần dư giả - có lẽ chưa đển độ phát triển một thứ 'thần học giầu thịnh' - mà là một Giáo Hội tầm thường. 

"Quí huynh thân mến, thứ chứng từ ngôn sứ cho Phúc Âm cho thấy những thách đố đặc biệt cho Giáo Hội ở Đại Hàn, vì Giáo Hội ở Đại Hàn đang sống đời và thi hành thừa tác vụ của mình giữa một xã hội thịnh vượng nhưng càng ngày càng tục hóa và duy vật. Ở những hoàn cảnh như vậy thì các thừa tác viên mục vụ có khuynh hướng chiều theo chẳng những các thứ mô mẫu điều hành, hoạch định và tổ chức hiệu năng, được rút tỉa từ thế giới kinh doanh, mà còn là một lối sống và tâm thức theo các tiêu chuẩn thành đạt của trần gian, thực sự là tiêu chuẩn về quyền lực, hơn là theo các tiêu chuẩn được Chúa Giêsu nêu lên trong Phúc Âm. Khốn cho chúng ta nếu thập giá mất đi quyền lực của mình trong việc phán xét cái khôn ngoan của thế giới này (xem 1Cor 1:17)! Tôi tha thiết xin quí huynh và anh em linh mục của quí huynh hãy loại trừ đi tất cả mọi hình thức của khuynh hướng này. Chớ gì chúng ta thoát được tính chất trần tục về thiêng liêng và mục vụ là những gì dập tắt Thần Linh, thay thế việc hoán cải bằng niềm tự mãn, và theo tiến trình, phá tán mất tất cả nhiệt tình truyền giáo (xem Niềm vui Phúc Âm, 93-97)...."  

 

Với Giới Trẻ Đại Hàn: "Thiên Chúa dường như bị loại ra khỏi hiện trường. Hầu như một thứ sa mạc tâm linh đang bắt đầu lan tràn khắp thế giới của chúng ta.... Tuy nhiên, đó lại là thế giới mà các bạn được kêu gọi tiến lên làm chứng cho Phúc Âm của niềm hy vọng"

".... Chiều hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn một phần về đề tài của Ngày Giới Trẻ Á Châu thứ IV này: 'Vinh quang của các vị tử đạo chiếu tỏa trên các bạn'. Như Chúa đã chiếu tỏa vinh hiển của Người nơi chứng từ anh dũng của các vị tử đạo thế nào, Người cũng muốn chiếu tỏa vinh hiển của Người nơi đời sống của các bạn như thế, và qua các bạn thắp sáng đời sống của châu lục rộng lớn này. Hôm nay đây Chúa Kitô đang gõ cửa lòng của các bạn, lòng của tôi. Người kêu gọi các bạn hãy vùng lên, hãy thật tỉnh thức và tỉnh táo, và hãy nhìn các sự vật trong cuộc đời một cách chính xác. Còn nữa, Người đang xin các bạn và tôi hãy tiến ra ngoài đường phố và các lề đường của thế giới này, gõ cửa lòng của những người khác, mời họ hãy đón nhận Người vào trong đời sống của họ... 

".... Những hạt giống tốt lành thiện hảo và niềm hy vọng mà chúng ta cố gắng gieo vãi thường bị chết nghẹt biết bao bởi những thứ cỏ lùng vị kỷ, hận thù và bất công, chẳng những ở chung quanh chúng ta mà còn trong lòng của chúng ta nữa. Chúng ta cảm thấy bối rối trước khoảng cách gia tăng nơi xã hội của chúng ta giữa giầu và nghèo. Chúng ta thấy những dấu hiệu về ngẫu tượng giầu sang, quyền lực và khoái thú là những gì phải trả giá cao đối với cuộc sống con người. Gần hơn nữa, rất nhiều bạn bè và người đồng thời của chúng ta, cho dù vẫy vùng trong thịnh vượng vô vàn về vật chất, vẫn đang chịu đựng tình trạng nghèo khổ, cô đơn về tâm linh và kín đáo thất vọng. Thiên Chúa dường như bị loại ra khỏi hiện trường. Hầu như một thứ sa mạc tâm linh đang bắt đầu làn tràn khắp thế giới của chúng ta. Nó ảnh hưởng tới cả giới trẻ nữa, cướp mất hy vọng của họ và thậm chí trong rất nhiều trường hợp cả mạng sống của họ nữa.

"Tuy nhiên, đó lại là thế giới mà các bạn được kêu gọi tiến lên làm chứng cho Phúc Âm của niềm hy vọng, Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô, cũng như cho những hứa hẹn về Vương Quốc của Người. Trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Vương Quốc này đến trong thế gian một cách âm thầm lặng lẽ, phát triển một cách nhẹ nhàng nhưng vững chắc ở bất cứ nơi nào đón nhận nó bằng tấm lòng cởi mở trước sứ điệp hy vọng và cứu độ của nó. Phúc Âm dạy chúng ta rằng Thần Linh của Chúa Giêsu có thể mang sự sống mới cho mọi tâm can con người và có thể biến đổi hết mọi trạng huống, cho dù là hoàn toàn vô vọng. Đó là sứ điệp các bạn được kêu gọi để chia sẻ với những người đồng thời của các bạn: ở trường học, nơi sở làm, trong gia đình, nơi đại học và trong các cộng đồng. Vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết mà chúng ta biết rằng Người có 'những lời sự sống đời đời' (Gioan 6:68), lời Người có một quyền lực chạm đến hết mọi tâm can, khống chế sự dữ bằng sự lành, và thay đổi cùng cứu vớt thế giới.

"Các bạn trẻ thân mến, nơi thế hệ này, Chúa đang tin tưởng nơi các bạn! Người đã tiến vào lòng của các bạn ngày các bạn lãnh nhận Phép Rửa; Người đã ban cho các bạn Thần Linh của Người ngày các bạn lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức; và Người liên lỉ kiên cường các bạn bằng việc hiện diện của Người nơi Thánh Thể, nhờ đó các bạn có thể trở thành chứng nhân của Người trước thế giới. Các bạn có sẵn sàng thưa 'vâng' với Người hay chăng? Các bạn có sẵn lòng hay chăng? Cám ơn các bạn. Các bạn có mệt không? Chắc chắn nhé?"

 

Với Cộng Đồng Tu Sĩ Đại Hàn: "Cảm nghiệm về tình thương của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng việc nguyện cầu và cộng đoàn, cần phải khuôn đúc nên tất cả những gì anh chị em là, tất cả những gì anh chị em làm"

.......... Những lời của bài Thánh Vịnh "xác thịt của tôi và tâm can của tôi bại hoại; thế nhưng Thiên Chúa muôn đời là sức mạnh của lòng tôi và của phần phúc của tôi" (73:26), mời gọi chúng ta hãy nghĩ về đời sống của chúng ta. Tác giả Thánh Vịnh bày tỏ niềm tin tưởng hoan lạc trong Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều biết rằng vì niềm vui không phải luôn luôn được bày tỏ như nhau trong đời sống, nhất là ở vào những lúc đầy gian nan khốn khó, 'nó bao giờ cũng bền bỉ, cho dù chỉ như là một chớp sáng xuất phát từ niềm tin tưởng của bản thân rằng chúng ta vĩnh viễn được yêu thương một khi đã hết sức cố gắng' (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 6). Niềm xác tín mạnh mẽ được Thiên Chúa yêu thương ấy ở ngay tâm điểm ơn gọi của anh chị em, ở chỗ trước mặt người khác anh chị em trở thành một dấu hiệu khả thị về sự hiện diện của Vương Quốc Thiên Chúa, một tiên hưởng niềm vui vĩnh phúc thiên đình. Chỉ khi nào chứng từ của chúng ta có tính chất hân hoan chúng ta mới có thể thu hút con người nam nữ đến với Chúa Kitô. Niềm vui này là tặng ân được nuôi dưỡng bằng một đời sống nguyện cầu, suy niệm lời Chúa, cử hành các bí tích và sống cộng đồng là những gì rất quan trọng. Khi thiếu vắng những điều ấy thì những yếu hèn và khó khăn sẽ xẩy ra làm giảm sút đi niềm vui mà chúng ta đã quá biết khi bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta.

Đối với anh chị em là những con người nam nữ tận hiến cho Thiên Chúa thì niềm vui này được bắt nguồn từ mầu nhiệm tình thương của Chúa Cha nơi hy tế thập giá của Chúa Kitô. Cho dù đặc sủng của Hội Dòng anh chị em hướng đến việc chiêm niệm hay hoạt động đi nữa thì anh chị em cũng đươc thách đố để trở thành 'những chuyên viên' về tình thương thần linh nơi chính đời sống cộng đoàn của anh chị em. Theo kinh nghiệm, tôi biết rằng đời sống cộng đoàn không phải bao giờ cũng dễ dàng, nó là một lãnh vực đào luyện thuận lợi cho tâm can. Thực tế không thể nào lại không xẩy ra những thứ xung khắc; các thứ hiểu lầm sẽ xẩy ra cần phải đối diện đương đầu. Bất chấp những khó khăn ấy, chính ở nơi cuộc sống cộng đoàn mà chúng ta được kêu gọi để tăng trưởng về tình thương, về sự nhẫn nại chịu đựng và về đức ái trọn hảo

Cảm nghiệm về tình thương của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng việc nguyện cầu và cộng đoàn, cần phải khuôn đúc nên tất cả những gì anh chị em là, tất cả những gì anh chị em làm. Đức thanh tịnh, khó nghèo và tuân phục của anh chị em sẽ là một chứng từ hân hoan cho tình yêu của Thiên Chúa ở chỗ anh chị em vững vàng đứng trên tảng đá của tình thương Ngài. Đó là một tảng đá. Đó thực sự là trường hợp liên quan đến đức tuân phục tu trì. Đức tuân phục trưởng thành và quảng đại đòi anh chị em gắn bó bằng việc cầu nguyện với Chúa Kitô là Đấng mặc lấy thân phận tôi đòi đã biết vâng lời nơi những gì Người phải chịu (Sắc Lệnh Đức Ái Trọn Hảo - 14). Không có vấn đề đốt giai đoạn ở đây, vì Thiên Chúa muốn trọn vẹn tấm lòng của chúng ta, tức là muốn chúng ta cần phải 'xuất' thân mỗi ngày một hơn. 

Cái cảm nghiệm sống động về tình thương kiên trì của Chúa cũng hỗ trợ ước muốn đạt tới đức ái trọn hảo xuất phát từ con tim tinh tuyền. Đức thanh tịnh là những gì cho thấy việc dấn thân duy nhất cho tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là 'sức mạnh của tâm can chúng ta'. Tất cả chúng ta đều biết những gì bao gồm nơi việc dấn thân gay go của bản thân. Những chước cám dỗ nơi lãnh vực này đòi hỏi một tấm lòng tin tưởng khiêm tốn vào Thiên Chúa, tỉnh táo, kiên trì và mở lòng chúng ta ra trước anh những anh chị em khôn ngoan được Chúa đặt để trên bước đường của chúng ta.

Bằng lời khuyên khó nghèo của phúc âm anh chị em có thể nhận biết tình thương của Thiên Chúa chẳng những như là một nguồn sức mạnh mà còn như một kho tàng nữa. Điều này có vẻ như mâu thuẫn, thế nhưng trở nên nghèo khó có nghĩa là tìm được một kho tàng. Cho dù có lúc chúng ta mệt mỏi rã rời, chúng ta có thể cống hiến cho Ngài tâm can nặng gánh tội lỗi và yếu hèn của chúng ta; ở vào những lúc chúng ta cảm thấy vô ích nhất, chúng ta vẫn có thể vươn mình tới với Chúa Kitô là 'Đấng đã biến mình trở thành nghèo khó để chúng ta trở nên giầu có' (2Cor 8:9). Nhu cầu căn bản cần được thứ tha và chữa lành này của chúng ta tự nó là một hình thức khó nghèo mà chúng ta không bao giờ được lơ đãng, bất kể chúng ta có tiến đức thế nào chăng nữa... Trong đời sống tận hiến, khó nghèo vừa là một 'bức tường' vừa là một 'người mẹ'. Nó là một 'bức tường' vì nó bảo vệ đời sống tận hiến, và là một 'người mẹ' vì nó giúp đời sống này tăng trưởng và hướng dẫn đời sống này đi theo đường ngay nẻo chính. Cái giả tạo của những con người nam nữ tận hiến khấn khó nghèo mà lại sống giầu sang là những gì làm tổn thương tới linh hồn của tín hữu và tác hại Giáo Hội. Cũng hãy nghĩ đến cái nguy hiểm ra sao khi chiều theo tâm thức thuần hành sử một cách trần thế là những gì dẫn đến chỗ chúng ta đặt niềm hy vọng của mình chỉ ở nơi các phương tiện loài người mà hủy hoại đi chứng từ nghèo khó mà Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã sống và dạy chúng ta. Đến đây tôi muốn cám ơn hai vị Chủ Tịch của anh chị em, vì cả hai đều xác đáng đề cập đến mối đe dọa gây ra cho đức khó nghèo tu trì bởi tình trạng toàn cầu hóa và chủ nghĩa hưởng thụ. .............

 Với Thành Phần Lãnh Đạo Tông Đồ Giáo Dân: "Ngày nay, hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần đến những chứng nhân giáo dân khả tín đối với chân lý cứu độ của Phúc Âm..."

.............. Giáo Hội ở Đại Hàn, như tất cả chúng ta đều biết, là thừa kế viên đức tin của các thế hệ giáo dân đã kiên trì với tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và với mối hiệp thông của Giáo Hội, bất chấp tình trạng khan hiếm linh mục và mối đe đọa bách hại trần trọng. Chân Phước Paul Yun Ji-chung và các vị tử đạo được tuyên phong á thánh hôm nay là thành phần tiêu biểu cho một chương lịch sử ấn tượng này. Các vị đã làm chứng cho đức tin chẳng những bằng những đau khổ và cái chết của mình, mà còn bằng đời sống của liên kết yêu thương của các vị với nhau trong các cộng đồng Kitô giáo có một tính chất đức ái gương mẫu. 

Cái di sản quí báu này đang sống động nơi các công việc về đức tin, đức ái và phục vụ của anh chị em. Ngày nay, hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần đến những chứng nhân giáo dân khả tín đối với chân lý cứu độ của Phúc Âm, đối với quyền lực của chân lý cứu độ này trong việc thanh tẩy và biến đổi cõi lòng của con người, cũng như đối với hoa trái của nó trong việc xây dựng gia đình nhân loại trong hiệp nhất, công lý và hòa bình. Chúng ta biết rằng chỉ có một sứ vụ duy nhất nơi Giáo Hội của Chúa, và hết mọi Kitô hữu đã lãnh nhận Phép Rửa đều chủ động dự phần vào sứ vụ này. Tặng ân của anh chị em là những con người nam nữ là những gì đa phần và công cuộc tông đồ của anh chị em thì khác nhau, tuy nhiên tất cả những gì anh chị em làm đều có mục đích làm gia tăng sứ vụ của Giáo Hội bằng việc bảo đảm rằng trật tự trần thế được thấm nhiễm và hoàn hảo hóa bởi tinh thần của Chúa Kitô và hướng tới việc trị đến của Vương Quốc Người.

... Tôi hết sức biết ơn những ai trong anh chị em, qua công việc và chứng từ của mình, mang đến sự hiện diện an ủi của Chúa cho những người đang sống bên lề xã hội. Hoạt động này không được giới hạn vào việc trợ giúp bác ái, mà cần phải được bao gồm cả mối quan tâm thực tế đối với vấn đề phát triển con người nữa. Không chỉ là việc trợ giúp bác ái mà còn cả việc phát triển cá nhân. Việc trợ giúp người nghèo là những gì tốt đẹp và cấn thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Tôi phấn khích anh chị em hãy gia tăng nỗ lực của anh chị em trong lãnh vực cổ võ nhân bản, để hết mọi con người nam nữ có thể nếm hưởng niềm vui xuất phát từ cái phẩm giá mưu sinh của họ và gia đình họ. Cái phẩm giá này hiện đang bị đe dọa bởi một thứ tôn thờ tiền bạc khiến nhiều người không có việc làm... Chúng ta có thể nói rằng: 'Thưa Cha, chúng con đang bảo đảm rằng họ được nuôi dưỡng mà'. Thế nhưng điều ấy vẫn chưa đủ! Thành phần thất nghiệp, dù là nam hay nữ, cũng đều cảm thức được cái phẩm giá xuất phát từ việc cung cấp cho gia đình của họ bằng cách họ trở thành một nguồn lợi tức! Tôi ký thác công việc này cho anh chị em. 

.... Ở vào thời điểm khủng hoảng trầm trọng xẩy ra cho đời sống gia đình - như tất cả chúng ta đều biết - các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta được kêu gọi để nâng đỡ các cặp phối ngẫu và các gia đình trong việc hoàn thành sứ vụ thích đáng của họ trong đời sống và truyền giáo của Giáo Hội. Gia đình vẫn là đơn vị căn bản của xã hội và là học đường đầu tiên mà con cái học biết những giá trị nhân bản, tinh thần và luân lý là những gì giúp các em có thể trở thành một thứ hải đăng thiện hảo, thanh liêm và công chính trong các cộng đồng của chúng ta. 

Các bạn thân mến, bất cứ các bạn đóng góp đặc biệt nào vào sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, tôi cũng xin anh chị em hãy tiếp tục cổ võ trong các cộng đồng của anh chị em việc huấn luyện trọn vẹn cho tín hữu giáo dân bằng chương trình giáo lý liên tục và hướng dẫn thiêng liêng. Nơi tất cả những gì anh chị em làm, tôi xin anh chị em hãy thực hiện một cách hoàn toàn hòa hợp lòng trí với các vị mục tử, cố gắng mang những minh thức, tài năng và đặc sủng của anh chị em ra phục vụ việc tặng trưởng của Giáo Hội trong mối hiệp nhất và dấn thân truyền giáo. Việc góp phần của anh chị em là những gì thiết yếu cho tương lai của Giáo Hội ở Đại Hàn - cũng như khắp Á Châu - sẽ lệ thuộc phần lớn vào việc phát triển của một thứ nhãn quan có tính chất giáo hội bắt nguồn nơi linh đạo hiệp thông, dự phần và chia sẽ các tặng ân (xem Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu - 45)...............

 

Với Các Vị Giám Mục Á Châu: "Khởi điểm cho tất cả mọi cuộc đối thoại đó là một cảm thức rõ ràng về căn tính của mình và một khả năng cảm thông"


 "Nơi châu lục rộng lớn là quê hương của các đại văn hóa khác nhau, Giáo Hội được kêu gọi để thích ứng và sáng tạo nơi việc làm chứng cho Phúc Âm của mình bằng đối thoại và cởi mở với tất cả mọi các nhân và mọi nền văn hóa. Đó là một thách đố trước mắt quí huynh! Thật vậy, đối thoại là một yếu tố thiết yếu trong việc truyền giáo của Giáo Hội ở Á Châu (xem Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu - 29). Thế nhưng, để thực hiện đường lối đối thoại này với các cá nhân và các nền văn hóa thì đâu là khởi điểm cần phải có của chúng ta và đâu là điểm qui chiếu căn bản của chúng ta để dẫn chúng ta đến đích nhắm của mình? Chắc chắn đó là căn tính riêng của chúng ta, căn tính là Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta không thể nào tham dự vào một cuộc đối thoại thực sự trừ phi chúng ta ý thức được căn tính riêng của mình. Chúng ta không thể đối thoại, chúng ta không thể bắt đầu đối thoại từ không không, từ số không, từ một cảm quan mơ hồ về bản thân mình.Cũng chẳng có một cuộc đối thoại chân thực trừ phi chúng ta có khả năng cởi mở lòng trí của chúng ta ra, bằng việc chấp nhận một cách cảm thông và chân thành những ai chúng ta trao đổi. Nói cách khác, một thứ chăm chú lắng nghe theo tác động của Thánh Linh. Bởi thế nên khởi điểm cho tất cả mọi cuộc đối thoại đó là một cảm thức rõ ràng về căn tính của mình và một khả năng cảm thông. Nếu chúng ta cần phải nói với người khác một cách tự do, cởi mở và mang lại tác dụng, chúng ta cần phải minh tường về bản thân mình, về những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, và về những gì Ngài muốn nơi chúng ta. Và nếu việc trao đổi của chúng ta không phải là một thứ độc thoại thì cần phải có được sự cởi mở tâm trí để làm sao có thể chấp nhận các cá nhân và các nền văn hóa. Một cách không sợ hãi, vì sợ hãi là kẻ thù của loại cởi mở này. 

"Tuy nhiên, công việc có được căn tính của mình và thể hiện căn tính của chúng ta không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì - là tội nhân - chúng ta bao giờ cũng bị cám dỗ bởi tinh thần của thế gian nơi các đường lối khác nhau. Tôi muốn vạch ra 3 trong những đường lối này.Một  thứ ánh sáng lừa đảo của tương đối chủ nghĩa làm lu mờ đi ánh quang rạng ngời của chân lý, và bằng việc làm rung chuyển mặt đất ở dưới chân của chúng ta, nó đu đưa chúng ta đến những vùng cát vụn đổi thay của lầm lạc và thất vọng. Nó là một chước cám dỗ hiện nay cũng ảnh hưởng cả đến các cộng đồng Kitô hữu nữa, khiến cho dân chúng quên đi rằng ở trong một thế giới thay đổi một cách mau chóng và lạc hướng "có nhiều điều vẫn không thay đổi vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay đổi ấy là Chúa Kitô, Đấng vẫn là một cả hôm qua, hôm nay và mãi mãi" (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng - 10; Do Thái 13:8). Ở đây tôi không nói về tương đối chủ nghĩa một cách thuần túy như là một hệ tư tưởng, mà là về thứ tương đối chủ nghĩa cụ thể hằng ngày làm suy yếu cảm quan về căn tính của chúng ta một cách vô thức.

"Đường lối thứ
 hai được thế gian sử dụng để đe dọa sự vững chắc của căn tính Kitô hữu chúng ta đó là tính chất nông nỗi hời hợt, một khuynh hướng chơi đùa với những thứ thời trang, với những bộ phận máy móc và với những cái phân tâm, hơn chú trọng tới những gì là chính yếu (xem Phil 1:10). Một nền văn hóa tôn vinh những gì là nhất thời, và cống hiến rất nhiều những đường lối để tránh né và đào tẩu có thể gây ra một vấn đề trầm trọng về mục vụ. Đối với các thừa tác viên của Giáo Hội thì nó có thể tỏ hiện ở những chương trình mục vụ và các lý thuyết thoải mái, gây tác hại cho việc trực tiếp gặp gỡ một cách tốt đẹp thành phần tín hữu của chúng ta và những người khác nữa, nhất là giới trẻ đang cần đến giáo lý vững chắc và sự hướng dẫn thiêng liêng lành mạnh. Không đâm rễ vào Chúa Kitô, những chân lý giúp chúng ta sống cuộc đời của mình có thể dần dần trở nên suy yếu, việc thực hành các nhân đức có thể trở thành những gì hình thức bề ngoài, và việc đối thoại có thể bị biến thành một hình thức thương thuyết hay một thứ thỏa thuận về những gì là bất đồng... cho yên chuyện... Thứ tính chất nông nổi này thật sự là những gì trầm trọng tác hại chúng ta. 

"Thế rồi còn có một khuynh hướng thứ ba nữa, khuynh hướng về một thứ an toàn bọc vỏ ẩn nấp ở đằng sau những giải đáp dễ dãi, những công thức sẵn có, những qui luật và điều lệ. Chúa Giêsu đã đụng đến thành phần ẩn nấp ở đằng sau các thứ lề luật, các điều lệ và những giải đáp dễ dãi... Người đã gọi họ là những kẻ giả hình. Đức tin theo bản chất của mình không phải là những gì tự thẩm thấu mà là 'tỏa phát'. Nó tìm cách thông hiểu; nó cống hiến chứng từ; nó phát sinh sứ vụ. Theo chiều hướng ấy, đức tin giúp chúng ta có thể vừa dạn dĩ vừa hiền hòa nơi chứng từ hy vọng và yêu thương của chúng ta. Thánh Phêrô nói với chúng ta rằng chúng ta luôn sẵn sàng trả lời cho tất cả những ai đặt vấn đề với chúng ta về niềm hy vọng trong chúng ta (xem 1Phêrô 3:15). Căn tính là Kitô hữu của chúng ta trên hết được thấy ở nơi những nỗ lực âm thầm của chúng ta trong việc thờ phượng một mình Thiên Chúa, trong việc yêu thương nhau, và trong việc chứng tỏ bằng gương mẫu của chúng ta chẳng những cái chúng ta tin mà còn cả cái chúng ta hy vọng và Đấng chúng ta tin tưởng nữa (xem 2Timôthêu 1:12). 

"Xin lập lại, chính đức tin sống động của chúng ta nơi Chúa Kitô là căn tính sâu xa nhất của chúng ta, là việc chúng ta đâm rễ trong Chúa. Nếu được thế thì mọi sự khác đều là thứ yếu. Chính từ cái căn tính sâu xa này - từ việc đâm rễ trong Chúa Kitô bằng niềm tin tưởng sống động này - chính từ thực tại sâu xa này mà việc đối thoại của chúng ta được bắt đầu, và đó là những gì chúng ta cần phải chia sẻ một cách chân thành, một cách khả tín và không giả tạo, qua việc đối thoại trong cuộc sống hằng ngày, qua cuộc đối thoại của bác ái yêu thương cũng như qua các dịp chính thức hơn nữa có thể xẩy ra. Vì Chúa Kitô là sự sống của chúng ta (xem Phil 1:21), chúng ta hãy sẵn sàng và không lưỡng lự hay sợ hãi nói năng 'từ Người và bởi người'. Tính chất đơn giản của lời Người trở nên tỏ tường nơi tính chất giản dị của đời sống chúng ta, nơi tính chất giản dị của việc chúng ta truyền đạt, nơi tính chất giản dị của các hoạt động chúng ta yêu thương phục vụ anh chị em của chúng ta. 

"Giờ đây tôi muốn nói đến một khía cạnh khác nữa của căn tính Kitô giáo chúng ta. Đó làvấn đề sinh hoa kết trái. Vì căn tính này được xuất phát từ và được liên lỉ nuôi dưỡng bởi ơn huệ chúng ta được đối thoại với Chúa cũng như với những tác động của Thần Linh Ngài mà nó mang lại một mùa gặt công lý, thiện hảo và bình an. Vậy tôi xin hỏi quí huynh nhé về những hoa trái đang nẩy nở trong đời sống riêng của quí huynh cũng như nơi đời sống của các cộng đồng được ủy thác cho quí huynh chăm sóc. Căn tính Kitô giáo nơi Giáo Hội riêng của quí huynh có chiếu tỏa ra qua các chương trình giáo lý và thừa tác vụ giới trẻ của quí huynh hay chăng, qua việc quí huynh phục vụ người nghèo và những ai đang sống cùng cực bên lề của những xã hội giầu thịnh hay chăng, và qua các nỗ lực của quí huynh trong việc nuôi dưỡng các ơn gọi linh mục và đời sống tu trì hay chăng? Căn tính ấy có sinh hoa kết trái hay chăng? Đó là vấn đề tôi gợi lên cho quí huynh để mỗi quí huynh suy nghĩ về nó.  

"Sau hết, ngoài cảm quan minh tường về căn tính Kitô hữu riêng của chúng ta, việc đối thoại chân thực cũng đòi hỏi cả một khả năng cảm thông nữaĐể việc đối thoại xẩy ra cần phải có niềm cảm thông này. Chúng ta bị thách đố trong việc lắng nghe chẳng những về lời lẽ người khác nói mà còn về việc truyền đạt không lên lời ở nơi các kinh nghiệm của họ, các niềm hy vọng của họ và các ước vọng của họ, các sự đối chọi của họ và những quan tâm sâu xa nhất của họ. Niềm cảm thông ấy cần phải là hoa trái của minh thức thiêng liêng và cảm nghiệm riêng tư của chúng ta, những gì khiến chúng ta thấy người khác như là anh chị em của mình, và 'nghe thấy', cả trong và ngoài lời họ nói cùng việc họ làm, những gì tâm can của họ muốn truyền đạt. Theo chiều hướng ấy, việc đối thoại đòi chúng ta cần phải có một tinh thần chiêm niệm thực sự cởi mở và đón nhận người khác. Tôi không thể tham gia đối thoại nếu tôi không cởi mở với người khác. Cởi mở ư? Thậm chí còn hơn thế nữa kìa: chấp nhận! Xin hãy lại nhà của tôi, hãy tiến vào lòng của tôi. Tâm can của tôi nghênh đón anh chị em. Nó muốn được nghe anh chị em. Khả năng cảm thông này giúp cho một cuộc đối thoại thật nhân bản có thể nhờ đó xuất phát các lời nói, ý nghĩ và vấn nạn từ cảm nghiệm huynh đệ và đồng loại. Nếu chúng ta muốn thấy được nền tảng thần học về điều này thì chúng ta cần phải đến cùng Chúa Cha là Đấng đã tạo dựng nên tất cả chúng ta; tất cả chúng ta đều là con cái của một Người Cha duy nhất. Khả năng cảm thông này là những gì dẫn tới một cuộc gặp gỡ chân thực - chúng ta cần phải tiến đến thứ văn hóa gặp gỡ này - là thứ văn hóa đối thoại của tâm can với nhau. Chúng ta được trở nên phong phú bởi sự khôn ngoan của người khác và sẵn sàng cùng nhau tiến bước trên con đường hiểu biết nhau hơn, thân tình và liên kết hơn. 'Thế nhưng, thưa người anh Giáo Hoàng, đó là những gì chúng tôi đang làm, nhưng có lẽ chúng tôi chẳng hoán cải được ai hay rất ít thôi...' Vậy thì dầu sao quí huynh cũng đang điều ấy rồi, ở chỗ, theo căn tính của mình, quí huynh đang nghe thấy người khác. Đâu là huấn lệnh đầu tiên của Thiên Chúa là Cha của chúng ta đối với tổ phụ Abraham của chúng ta? 'Hãy bước đi trước nhan của Ta một cách vô trách cứ'. Bởi vậy, với căn tính của tôi và niềm cảm thông của tôi, sự cởi mở của tôi, tôi bước đi với người khác. Tôi không cố gắng để làm cho họ đến với tôi, tôi không dụ giáo. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã rõ ràng nói với tôi rằng: 'Giáo Hội không gia tăng bằng việc dụ giáo, mà bằng việc thu hút'. Trong lúc này đây chúng ta hãy bước đi trước nhan Chúa Cha, ở chỗ vô trách cứ; chúng ta hãy thực hành huấn lệnh đầu tiên này. Đó là nơi xẩy ra cuộc gặp gỡ, cuộc đối thoại. Với căn tính của mình, với tấm lòng cởi mở. Nó là đường lối để hiểu biết hơn, thân tình và liên kết hơn. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nhận thức xác đáng rằng việc chúng ta dấn thân đối thoại được đặt nền tảng nơi chính lý lẽ của việc nhập thể, ở chỗ, nơi Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa trở nên một trong chúng ta, tham dự vào đời sống của chúng ta và nói với chúng ta bằng ngôn từ của chúng ta (xem Giáo Hội ở Á Châu - 29). Theo tinh thần cởi mở với người khác như thế, tôi hết sức hy vọng rằng những xứ sở thuộc châu lục của quí huynh mà Tòa Thánh chưa được hoàn toàn giao hảo sẽ không ngần ngại trao đổi hơn nữa cho lợi ích của tất cả mọi người. Tôi không có ý nói đến việc đối thoại về chính trị thôi mà là đối thoại huynh đệ... 'Thế nhưng những Kitô hữu này không đến như là thành phần chiếm cứ, họ không đến để lấy mất căn tính của chúng tôi: họ mang đến cho chúng tôi căn tính của riêng họ song họ muốn bước đi với chúng tôi'. Chúa sẽ ban ơn của Ngài: đôi khi Ngài đánh động lòng người để họ xin được rửa tội, đôi khi không. Thế nhưng bao giờ chúng ta cũng cùng nhau bước đi. Đó là tâm điểm của việc đối thoại.  

Quí huynh thân mến, tôi xin cám ơn quí huynh đã nồng hậu đón tiếp tôi trong tình huynh đệ.Khi chúng ta nhìn thấy lục địa Á Châu lớn rộng, với đất đai vươn dài trải rộng của nó, với những nền văn hóa và truyền thống cổ kính của nó, chúng ta nhận thức được rằng, theo dự án của Thiên Chúa, các cộng đồng Kitô hữu của quí huynh thực sự là apusillus grex, một đàn chiên nhỏ bé nhưng lại có trách nhiệm mang ánh sáng của Phúc Âm chiếu soi đến tận cùng trái đất. Là một hạt cải thực sự! Là một hạt giống rất nhỏ nhoi... Xin Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng biết và yêu từng con chiên của mình, hướng dẫn và kiên cường các nỗ lực của quí huynh trong việc xây dựng mối hiệp nhất của họ với Người và với tất cả mọi phần tử thuộc đàn chiên của Người khắp thế giới. Giờ đây, cùng nhau chúng ta hãy ký thác các Giáo Hội của quí huynh cùng với lục địa Á Châu cho Đức Mẹ, để với tư cách là Mẹ của chúng ta, Mẹ sẽ dạy chúng ta những gì mà chỉ có người làm mẹ mới có thể dạy cho con cái của mìnhcon là ai đó, tên con là gì vậy, và con có thể hòa hợp với người khác trong đời bằng cách nào đây. Chúng ta tất cả hãy nguyện cầu cùng Đức Mẹ.  

  

Bài Giảng Lễ Mẹ Mông Triệu ngày 15/8: "Chúng ta cũng được kêu gọi để trọn vẹn dự phần vào cuộc chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết"

Hiệp với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành biến cố Mông Triệu của Đức Mẹ, cả xác lẫn hồn, vào vinh quang thiên quốc. Biến cố Mông Triệu của Mẹ Maria cho chúng ta thấy định mệnh của chúng ta là thành phần dưỡng tử của Thiên Chúa và là phần tử của thân mình Chúa Kitô. Như Maria là Mẹ của mình, chúng ta cũng được kêu gọi để trọn vẹn dự phần vào cuộc chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết, cùng Người hiển trị trong Vương Quốc vĩnh hằng của Người. Đó là ơn gọi của chúng ta..... 

"Trong bài đọc thứ 2 hôm nay, chúng ta đã nghe Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Chúa Kitô là tân Adong, Đấng vì vâng lời ý muốn của Cha đã phá hủy vương quyền của tội lỗi và nô lệ mà khai mở vương quyền của sự sống và tự do (xem 1Cor 15:24-25). Tự do chân thực là ở chỗ chúng ta yêu mến gắn bó với ý muốn của Chúa Cha. Nơi Mẹ Maria đầy ơn phúc, chúng ta biết rằng tự do của Kitô hữu không phải chỉ ở chỗ được giải phóng khỏi tội lỗi. Nó là thứ tự do ở nơi cách nhìn các thực tại trần thế một cách thiêng liêng mới mẻ. Nó là thứ tự do để yêu mến Thiên Chúa và anh chị em chúng ta bằng một con tim tinh tuyền, và để sống một đời sống hỉ hoan hy vọng vào việc trị đến của Vương Quốc của Chúa Kitô. 

"Hôm nay, bằng việc tôn kính Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Đình, chúng ta cũng hướng về Mẹ như là Người Mẹ của Hàn quốc. Chúng ta xin Mẹ giúp chúng ta trung thành với thứ tự do vương giả chúng ta đã lãnh nhận trong ngày Thánh Tẩy của chúng ta, hướng dẫn các nỗ lực của chúng ta trong việc biến đổi thế giới theo dự án của Thiên Chúa, và giúp cho Giáo Hội ở xứ sở này có thể trọn vẹn hơn nữa thành men của Vương Quốc Người giữa xã hội Hàn quốc. Chớ gì Kitô hữu của xứ sở này trở thành một lực lượng hùng hậu cho việc canh tân thiêng liêng ở hết mọi tầng cấp xã hội. Chớ gì họ chiến đấu với cái lôi cuốn của một thứ duy vật chủ nghĩa dập tắt mất các giá trị thiêng liêng và văn hóa chân thực, cũng như với cái tinh thần hung hăng tranh giành nhau xuất phát từ những gì là vị kỷ và xung khắc. Chớ gì họ cũng loại trừ đi những mẫu thức kinh tế phi nhân là những gì tạo nên các hình thức nghèo khổ mới và đẩy ra ngoài rìa thành phần công nhân, cùng nền văn hóa sự chết coi thường hình ảnh của Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa của sự sống, và vi phạm đến phẩm giá của hết mọi con người nam nữ và trẻ em... 

"Anh chị em thân mến, niềm hy vọng này, niềm hy vọng được Phúc Âm truyền đạt, là thứ khử độc đối với tinh thần thất vọng là những gì dường như đang tăng trưởng như một loại ung thư trong các xã hội bề ngoài thịnh đạt nhưng thường cảm thấy buồn chán và trống rỗng nội tâm...." 

 

Bài Giảng Lễ Phong Chân Phước ngày 16/8: "Sau khi những hạt giống đầu tiên ấy được gieo trồng ở mảnh đất này chẳng bao lâu, các vị tử đạo và cộng đồng Kitô hữu đã phải chọn giữa việc theo Chúa Giêsu hay theo thế gian" 

"'Ai sẽ tách tôi khỏi tình yêu của Chúa Kitô?' (Rm 8:35). Thánh Phaolô nói những lời này về vinh hiển của đức tin chúng ta nơi Chúa Giêsu: chẳng những Chúa Kitô phục sinh từ trong kẻ chết và lên trời mà Người còn liên kết chúng ta với bản thân của người, và Người cho chúng ta được thông phần vào sự sống đời đời của Người. Chúa Kitô là Đấng vinh thắng và Người là vinh thắng của chúng ta!

"Hôm nay, chúng ta cử hành cuộc vinh thắng này nơi Chân Phước Paul Ji-chung và 123 đồng bạn của ngài. Tên của các vị giờ đây được ghi cùng với tên của những vị thánh tử đạo Andrew Kim Taegon, Paul Chong Hasang và đồng bạn, những vị tôi vừa đến kính viếng. Tất cả các vị đã sống và đã chết vì Chúa Kitô, và giờ đây đang hiển trị với Người trong hoan lạc và vinh quang....

"Trong sự quan phòng huyền diệu của Thiên Chúa, đức tin Kitô giáo đã không được mang đến các bờ biển của Hàn quốc qua các vị thừa sai; trái lại, nó đã tiến vào qua lòng trí của chính nhân dân Hàn quốcNó được tác động bởi sự tò mò muốn hiểu biết, bởi sự tìm kiếm chân lý về đạo giáo. Nhờ cuộc gặp gỡ đầu tiên với Phúc Âm, thành phần Kitô hữu tiên khởi Hàn quốc đã mở tâm trí ra cho Chúa Giêsu. Họ muốn hiểu biết hơn nữa về một Đức Kitô chịu khổ nạn, chết đi và sống lại từ trong kẻ chết này. Việc hiểu biết về Chúa Giêsu chẳng bao lâu đã dẫn đến cuộc gặp gỡ Chúa, đã dẫn đến những cuộc rửa tội đầu tiên, đến niềm khát vọng được lãnh nhận đầy đủ trọn vẹn đời sống bí tích và giáo hội, và đến những khởi đầu cho việc vươn mình truyền giáo. Nó cũng sinh hoa kết trái nơi các cộng đồng được tác động bởi Giáo Hội tiên khởi là nơi các tín hữu thực sự chỉ có một lòng trí, bất chấp những khác biệt về truyền thống xã hội, và lấy tất cả mọi sự làm của chung (xem Tông Vụ 4:32).  

"Lịch sử này cho chúng ta thấy được rất nhiều về tầm quan trọng, về phẩm giá và về vẻ đẹp của ơn gọi giáo dân....

"Sau khi những hạt giống đầu tiên này được gieo trồng ở mảnh đất này chẳng bao lâu, các vị tử đạo và cộng đồng Kitô hữu đã phải chọn giữa việc theo Chúa Giêsu hay theo thế gian. Họ đã nghe thấy lời cảnh báo của Chúa rằng thế gian sẽ vì Người mà ghen ghét họ (xem Gioan 17:14); họ biết được cái giá phải trả nơi vai trò làm môn đệ của họ. Đối với nhiều người, như thế có nghĩa là chịu bách hại, thế rồi sau đó họ đã tẩu thoát lên các vùng núi để thành lập các lành Công giáo. Họ đã sẵn sàng thực hiện những việc hy sinh cả thể và để cho mình bị tước lột đi bất cứ sự gì đã khiến họ xa cách Chúa Kitô - như các vật sở hữu và đất đai, thế giá và danh giá - vì họ biết rằng chỉ có một mình Chúa Kitô mới thực sự là kho tàng chân thật của họ thôi.

"Ngày nay chúng ta rất thường thấy đức tin của chúng ta bị thử thách bởi thế gian, và qua vô vàn cách thức, chúng ta bị đòi hỏi phải thỏa hiệp đức tin của chúng ta, phải giảm thiểu những đòi hỏi gắt gao của Phúc Âm và chiều theo tinh thần của thời đại này. Tuy nhiên các vị tử đạo kêu gọi chúng ta là hãy đặt Chúa Kitô trên hết và coi tất cả mọi sự khác trên thế gian này trong mối liên hệ với Người và với Vương Quốc vĩnh hằng của Người. Các vị thách thức chúng ta hãy nghĩ về những gì, bất cứ sự gì, mà chính chúng ta sẵn sàng chết cho...."

  

Bài Giảng Lễ Bế Mạc Ngày Giới Trẻ Á Châu ngày 17/8: "Hãy để cho Chúa Kitô biến nỗi lạc quan tự nhiên của các bạn thành niềm hy vọng Kitô giáo, nghị lực của các bạn thành nhân đức luân lý, thiện chí của các bạn thành tình yêu thương tự hiến chân thực!"

"... Một phần khác của đề tài cho Ngày này - Hỡi Giới Trẻ Á Châu! Hãy Bừng Tỉnh! - nói với các bạn về một thứ nhiệm vụ, một thứ trách nhiệm. Chúng ta hãy nói đến từng chữ này một chút.  

"Trước hết là chữ 'Á Châu'. Các bạn qui tụ nhau ở Hàn quốc này từ khắp nơi ở Á Châu. Mỗi người trong các bạn đều có một vị trí và môi trường đặc biệt từ đó các bạn được kêu gọi phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa. Địa lục Á Châu, nơi thấm đẫm những truyền thống phong phú về triết học và đạo giáo, vẫn còn là một giới tuyến lớn lao cho chứng từ của các bạn về Chúa Kitô, Đấng là 'đường, là sự thật và là sự sống' (Gioan 14:6). Là giới trẻ chẳng những  Á Châu mà còn là con cái nam nữ của châu lục rộng lớn này, các bạn có quyền và có nhiệm vụ dự phần trọn vẹn vào đời sống xã hội của mình. Đừng sợ mang sự khôn ngoan của đức tin cho hết mọi khía cạnh của đời sống xã hội! 

"... Chúng ta hãy suy nghĩ đến chữ thứ hai là 'Giới Trẻ'. Các bạn và bạn bè của các bạn là thành phần đầy những lạc quan, nghị lực và thiện chí, những gì làm nên đặc tính của giai đoạn đời sống này. Hãy để cho Chúa Kitô biến nỗi lạc quan tự nhiên của các bạn thành niềm hy vọng Kitô giáo, nghị lực của các bạn thành nhân đức luân lý, thiện chí của các bạn thành tình yêu thương tự hiến chân thực! Đó là đường lối các bạn được kêu gọi thực hiện. Đó là đường lối thắng vượt tất cả những gì đe dọa niềm hy vọng, nhân đức và tình yêu thương trong đời sống của các bạn cũng như trong văn hóa của các bạn. Có thế tuổi trẻ của các bạn mới trở thành tặng ân cho Chúa Giêsu cũng như cho thế giới.  

"Là thành phần Kitô hữu trẻ trung, dù các bạn là công nhân hay sinh viên, dù các bạn đã khởi sự nghề nghiệp hay đã đáp ứng ơn gọi hôn nhân, tu trì hay linh mục, các bạn chẳng những là một phần của tương lai Giáo Hội; các bạn còn là một phần cần thiết và yêu dấu của hiện tại Giáo Hội nữaCác bạn là hiện tại của Giáo Hội! Hãy gần gũi nhau, hãy gần gũi Thiên Chúa hơn bao giờ hết, và cùng với các vị giám mục và linh mục của các bạn hãy sống những năm tháng này trong việc xây dựng một Giáo Hội truyền giáo và khiêm tốn hơn nữa, một Giáo Hội thánh thiện hơn nữa, truyền giáo và khiêm tốn hơn nữa, một Giáo Hội yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa bằng việc tìm cách phục vụ người nghèo, người cô đơn, người bệnh nạn và người ở bên lề xã hội.  

"Trong đời sống Kitô hữu của mình, các bạn sẽ gặp thấy nhiều dịp cám dỗ các bạn, như thành phần môn đệ trong Phúc Âm hôm nay, trong việc xua đi kẻ lạ mặt, người thiếu thốn, kẻ nghèo khổ và người đoạn trường. Những người này là thành phần lập lại tiếng kêu của người phụ nữ trong Phúc Âm: 'Lạy Chúa, xin cứu giúp tôi!' Lời van nài của người đàn bà Canaan này là tiếng kêu của hết những ai tìm kiếm yêu thương, đón nhận và tình thân với Chúa Kitô. Đó là tiếng kêu của rất nhiều người ở các thành phố vô danh của chúng ta, tiếng kêu của rất nhiều người đương thời của các bạn, và tiếng kêu của tất cả những vị tử đạo mà thậm chí ngày nay đang phải chịu bách hại và chết chóc vì danh Chúa Giêsu: 'Lạy Chúa, xin cứu giúp tôi!' Nó thường là tiếng kêu xuất phát từ chính cõi lòng của chúng ta nữa: 'Lạy Chúa, xin cứu giúp tôi!' Chúng ta hãy đáp lại, không như thành phần đẩy đi những ai đòi hỏi chúng ta, như thể việc phục vụ thành phần thiếu thốn là đường lối cho chúng ta được gần gũi với Chúa! Không! Chúng ta cần phải như Chúa Kitô, Đấng đáp ứng hết mọi điều van xin giúp đỡ một cách yêu thương, xót thương và cảm thương 

Sau hết, phần thứ ba của đề tài cho Ngày này - 'Bừng tỉnh!' - Lời này nói về một trách nhiệm mà Thiên Chúa trao cho các bạn. Nó là nhiệm vụ sống tỉnh táo, đừng để cho những áp lực, cám dỗ và tội lỗi của chúng ta hay của kẻ khác làm cùn nhụt đi cảm thức của chúng ta trước vẻ đẹp của thánh thiện, trước niềm vui của Phúc Âm. Bài đáp ca hôm nay mời gọi chúng ta hãy liên lỉ 'hân hoan và vui hát'. Không ai ngủ lại có thể ca hát, nhảy múa hay vui lên. Tôi không thích thấy giới trẻ ngủ. Đừng nhé! Hãy bừng tỉnh! Hãy đi! Hãy tiến bước! Giới trẻ thân mến, 'Thiên Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, đã chúc lành cho chúng ta!' (Thánh Vịnh 67:6); từ Ngài chúng ta đã 'được xót thương' (Roma 11:30). Được bảo đảm bởi tình yêu Thiên Chúa, hãy tiến vào thế gian để, 'nhờ tình thương được tỏ ra cho các bạn, họ - thân hữu của các bạn, đồng nghiệp của các bạn, hàng xómn của các bạn, đồng hương của các bạn, hết mọi người trên châu lục rộng lớn này - 'giờ đây được lãnh nhận tình thương của Thiên Chúa' (xem Rôma 11:31). Chính bởi tình thương của Ngài mà chúng ta được cứu độ.... 

"Hỡi giới trẻ Á Châu, hãy thức giấc!"

 

Bài Giảng Lễ Cầu Hòa Bình và Hòa Giải ngày 18/8: "Thập giá của Chúa Kitô là những gì cho thấy quyền lực của Thiên Chúa trong việc nối lại hết mọi chia rẽ, trong việc chữa lành hết mọi thương tích, và trong việc tái thiết những mối liên hệ yêu thương huynh đệ của thuở ban đầu... Hãy tin vào quyền lực thập giá của Chúa Kitô!".

".... Bài đọc thứ nhất cho thấy lời hứa hẹn của Thiên Chúa trong việc phục hồi mối hiệp nhất và thịnh vượng cho một thành phần dân bị phân tán bởi tai ương và chia rẽ. Đối với chúng ta, như đối với dân Yến-Duyên (Israel), thì đây là một lời hứa đầy hy vọng: nó nhắm đến một tương lai được Thiên Chúa hiện đang sửa soạn cho chúng ta. Tuy nhiên, lời hứa này liên hệ bất khả phân ly với một mệnh lệnh, mệnh lệnh trở về cùng Thiên Chúa và hết lòng tuân giữ lề luật của Ngài (xem Đệ Nhị Luật 30:2-3). Những tặng ân của Thiên Chúa về hòa giải, hiệp nhất và bình an là những tặng ân liên hệ bất khả phân ly với ơn hoán cải, một thứ thay đổi tâm can có thể xoay vần đời sống chúng ta và lịch sử của chúng ta, với tư cách cá nhân cũng như một dân tộc

"Nơi Thánh Lễ này, chúng ta tự nhiên được nghe thấy lời hứa hẹn này trong bối cảnh liên quan đến cảm nghiệm lịch sử của dân tộc Hàn quốc, một cảm nghiệm chia rẽ và xung khắc đã kéo dài trên 60 năm trời. Thế nhưng những lời hiệu triệu khẩn trương của Thiên Chúa trong việc hoán cải cũng thách đố thành phần môn đệ theo Chúa Kitô ở Hàn quốc trong việc hãy xem xét tính chất về vấn đề họ góp phần của mình vào việc xây dựng một xã hội thực sự công chính và nhân bản. Nó thách đố mỗi người trong anh chị em trong việc suy nghĩ về mức độ mà anh chị em, với tư cách cá nhân cũng như cộng đồng, chứng tỏ cho thấy mối quan tâm phúc âm đối với thành phần kém may mắn, thành phần bị đẩy ra ngoài lề xã hội, thành phần không có công ăn việc làm và thành phần không được chung phần với tình trạng thịnh vượng của nhiều người. Và nó thách đố anh chị em, với tư cách là Kitô hữu và người dân Hàn quốc, mạnh mẽ loại trừ đi thứ tâm thức ngờ vực, đối chọi và tranh giành, mà thay vào đó là việc làm sao để hình thành một thứ văn hóa làm nên bởi giáo huấn Phúc Âm cùng với các thứ giá trị tuyền thống cao quí nhất của nhân dân Hàn quốc. 

"Chúa Giêsu muốn chúng ta tin rằng việc tha thứ là cánh cửa dẫn đến hòa giải. Khi bảo chúng ta hãy tha thứ cho anh chị em của chúng ta một cách sẵn sàng là Người đang xin chúng ta hãy làm một cái gì đó hoàn toàn sâu xa, thế nhưng Ngài cũng ban ơn cho chúng ta để thực hiện điều ấy. Những gì có vẻ bất khả theo quan điểm loài người, không thực tiễn và thậm chí có những lúc bất khả chấp, thì Ngài cũng làm cho nó thành khả dĩ và thành hiệu nhờ quyền lực vô cùng của thập giá Ngài. Thập giá của Chúa Kitô là những gì cho thấy quyền lực của Thiên Chúa trong việc nối lại hết mọi chia rẽ, trong việc chữa lành hết mọi thương tích, và trong việc tái thiết những mối liên hệ yêu thương huynh đệ của thuở ban đầu

"Vậy thì đây là sứ điệp tôi xin lưu lại cho anh chị em khi kết thúc chuyến viếng thăm Hàn quốc của tôi. Hãy tin vào quyền lực thập giá của Chúa Kitô! Hãy đón nhận ân sủng hòa giải của thập giá vào tâm can của anh chị em và hãy chia sẻ ân sủng đó với những người khác! Tôi xin anh chị em hãy thực hiện một chứng từ thuyết phục cho sứ điệp của Chúa Kitô về hòa giải nơi gia đình của anh chị em, nơi cộng đồng của anh chị em cũng như nơi hết mọi lãnh vực của đời sống quốc gia. Tôi tin tưởng rằng, trong tinh thần thân hữu và hợp tác với những Kitô hữu khác, với các môn đồ của đạo giáo khác, cũng như với tất cả mọi con người nam nữ thiện chí còn quan tâm đến tương lai của xã hội Hàn quốc, anh chị em sẽ trở thành men cho Vương quốc của Thiên Chúa nơi mảnh đất này. Nhờ đó, lời nguyện cầu của chúng ta cho hòa bình và hòa giải sẽ được dâng lên Thiên Chúa từ những con tim tinh tuyền hơn bao giờ hết, và nhờ tặng ân ưu ái của Ngài mà chiếm được sự thiện hảo quí báu tất cả chúng ta đều mong chờ.... "

 

ĐTC Phanxicô trả lời Phỏng Vấn trên chuyến bay từ Nam Hàn về Rôma Thứ Hai 18/8/2014

Vấn 1Trong chuyến viếng thăm Hàn quốc, ngài đến với các gia đình của thảm nạn chìm tầu Sewol để an ủi họ. hai vấn đề xin được đặt ra là: ngài cảm thấy gì khi gặp gỡ họ? Và ngài có quan tâm hay chăng đến việc làm của ngài có thể bị giải thích sai lạc theo chính trị?

ĐTC Phanxicô: Khi bạn đặt mình trước khổ đau của con người, bạn cần phải làm những gì lòng bạn thúc đẩy bạn làm. Thế rồi sau đó người ta có thể nói rằng ngài đã làm điều này vì chủ ý chính trị, hay vì cái gì đó. Họ có thể nói đủ thứ. Thế nhưng khi bạn nghĩ về những người nam nữ cha mẹ bị mất con cái của mình, về những người anh chị em bị mất đi anh chị em của mình, và nỗi đớn đau cả thể của một thảm họa như thế ... lòng tôi. Tôi là một linh mục, tôi cảm thấy cần phải đến gần với họ, tôi cảm thấy như thế. Đó là những gì tiên quyết. Tôi biết rằng niềm an ủi tôi có thể cống hiến, các lời nói của tôi, không hẳn là một phương dược. Tôi không thể nào cống hiến sự sống mới cho những ai đã chết. Thế nhưng sự gần gữi của con người trong những giây phút như thế cống hiến sức mạnh, tình đoàn kết cho chúng ta.

Tôi nhớ khi còn là tổng giám mục Buenos Aires, tôi đã trải qua hai thảm họa giống như thế. Một là đám cháy xẩy ra ở một phòng nhẩy, một cuộc hòa nhạc nhạc pop khiến 194 người chết. Biến cố này xẩy ra vào năm 1993. Thế rồi một thảm họa khác xẩy ra cho xe lửa, và tôi nghĩ rằng có 120 người chết vì thế. Vào những lúc ấy tôi cũng cảm thấy thế, đến gần với họ. Nỗi đớn đau của con người thì mạnh mẽ mà nếu chúng ta gần gũi trong những giây phút buồn thảm ấy là chúng ta đã trợ giúp rất nhiều. 

Và tôi muốn nói đến một điều nữa. Tôi đã nhận lấy sợi giây lơ (tôi đang đeo từ những thân nhân của thảm họa chìm tầu Sewold) vì muốn tỏ ra liên kết với họ, và sau nửa ngày thì có người đến gần tôi mà nói rằng 'tốt hơn nên cởi ra, ngài cần phải tỏ ra trung lập'. Thế nhưng, xin hãy nghe đây, người ta không thể nào tỏ ra trung lập trước khổ đau của con người. Tôi đã đáp lại như thế. Đó là cách thức tôi cảm thấy.  

Vấn 2- Ngài biết rằng mới đây lực lượng Hoa Kỳ đã bắt đầu dội bom những kẻ khủng bố ở Iraq để ngăn ngừa nạn thảm sát, để bảo vệ dân thiểu số, bao gồm cả người Công giáo là thành phần đang được ngài dẫn dắt. Câu tôi muốn hỏi là thế này: ngài có chấp nhận việc dội bom của Hoa Kỳ hay chăng? 

ĐTC Phanxicô: Cám ơn bạn về câu hỏi rõ ràng này. Trong những trường hợp như thế, khi xẩy ra một cuộc tấn công bất chính, tôi chỉ có thể nói như vầy: được phép ngăn chặn thành phần tấn công bất chính. Tôi nhấn mạnh đến động từ ngăn chặn. Tôi không nói đến bom đạn, đến lâm chiến, tôi nói ngăn chặn bằng những cách thức nào đó. Họ có thể bị ngăn chặn bằng cách nào đó? Những phương tiện ấy cần phải được thẩm định. Việc ngăn chặn kẻ tấn công bất chính là điều hợp lý.

Thế nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ. Biết bao nhiêu lần lấy lý ngăn chặn kẻ tấn công bất chính mà các quyền lực (ra tay can thiệp) đã nắm quyền kiểm soát dân chúng và đã thực hiện một cuộc chiến xâm chiếm thực sự.

Một quốc gia duy nhất không thể phán quyết cách thức ngăn chặn kẻ tấn công bất chính. Sau Thế Chiến Thứ II đã nẩy lên ý nghĩ về một Liên Hiệp Quốc. Vấn đề ngăn chặn thành phần tấn công bất chính cần phải được bàn luận ở Liên Hiệp Quốc. Có phải đó là một kẻ tấn công bất chính hay chăng? Dường như là thế. Vậy thì làm sao chúng ta ngăn chặn hắn đây? Chỉ thế thôi, không còn gì nữa. 

Sau nữa, bạn đề cập đến thành phần thiểu số. Cám ơn bạn về từ ngữ ấy, vì họ nói với tôi về thành phần Kitô hữu, những người Kitô hữu nghèo khổ. Thật sự là họ chịu khổ. Những vị tử đạo, có nhiều vị tử đạo. Thế nhưng ở nơi đây có nhiều con người nam nữ, có những người thiểu số về tôn giáo, không phải tất cả đều là Kitô hữu, và họ tất cả đều bình đẳng trước nhan Thiên Chúa. 

Việc ngăn chặn thành phần tấn công bất chính là một quyền lợi của nhân loại, nhưng nó cũng là một thứ quyền ngăn chặn kẻ tấn công không được hành ác.   

Vấn 3Xin trở về với vấn đề Iraq. Như Đức Hồng Y Filoni và vị lãnh đạo của Dòng Đaminh, ngài có sẵn sàng ủng hộ việc can thiệp quân sự vào Iraq để ngăn chặn thành phần thánh chiến Hồi giáo (Jihadists) hay chăng? Tôi còn một câu hỏi khác nữa đó là ngài có nghĩ đến việc đến Iraq vào một ngày nào đó hay chăng, có lẽ đến Kurdistan để nâng đỡ thành phần Kitô hữu tị nạn đang chờ đợi ngài ở đây, và để cầu nguyện với họ ở mảnh đất mà họ đã sống 2 ngàn năm nay?

ĐTC Phanxicô: Cách đây không lâu, tôi đã gặp Thống Đốc Barzani của Kardistan. Ông ấy có những ý nghĩ rất rõ ràng về tình hình này và cách thức giải quyết vấn đề, thế nhưng đó là những gì xẩy ra trước cuộc tấn công bất chính này. 

Tôi đã đáp lại câu hỏi thứ nhất rồi. Tôi chỉ đồng ý nơi sự kiện là khi có một kẻ tấn công bất chính thì họ cần phải được ngăn chặn lại.

Đúng thế, tôi đang muốn (đi đến đó). Thế nhưng tôi nghĩ rằng tôi có thể nói thế vầy, đó là khi chúng tôi cùng với các hợp tác viên của tôi nghe thấy những cuộc sát hại thành phần thiểu số tôn giáo, thì vấn đề bấy giờ ở Kurdistan đó là họ không thể nào tiếp nhận quá nhiều người. Vấn đề này người ta có thể hiểu được. Vậy thì có thể làm gì đây? Chúng tôi đã nghĩ đến nhiều điều. Trước hết là một tuyên báo được Cha Lombardi phổ biến thay mặt tôi. Sau đó bản tuyên báo này đã được gửi cho tất cả mọi tòa khâm sứ để thông đạt đến các chính quyền. Rồi tôi viết một bức thư cho vị Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc... Nhiều điều khác nữa... Cuối cùng chúng tôi quyết định gửi vị đại biểu riêng của chúng tôi là Đức Hồng Y Filoni, và tôi đã nói rằng nếu cần thì khi chúng tôi trở về từ Hàn quốc chúng tôi có thể đến đó. Đó là một trong những gì khả thể. Đó là câu trả lời của tôi. Tôi đang muốn (đi tới đó). Vào thời điểm này đây thì nó không phải là điều hay nhất để làm, nhưng tôi sẵn sàng thực hiện.  

Vấn 4- Câu hỏi của tôi về Trung Hoa. Trung Hoa đã cho phép ngài bay trên không phận của họ. Bức điện tín mà ngài đã gửi đi (trên đường đến Hàn quốc) đã được tiếp nhận mà không có một bình phẩm tiêu cực nào. Ngài có nghĩ đó là những bước hướng tới một cuộc đối thoại khả dĩ hay chăng? Và ngài có ước mong đên thăm Trung Hoa hay chăng? (Cha Lombardi xen vào. Tôi có thể cho các bạn biết là chúng ta hiện nay đang bay trên không phận của Trung Hoa vào lúc này đây. Nên câu hỏi này thật thích thời).

ĐTC Phanxicô: Khi chúng ta sắp tiến vào không phận của Trung quốc (trên đường đến Hàn quốc), tôi đã ở trong buồng lái với các phi công, và một người trong họ đã chỉ cho tôi một bản ghi danh mà nói chúng ta chỉ còn 10 phút nữa là vào không phận của Trung quốc, chúng ta cần phải xin phép họ. Người ta bao giờ cũng đòi hỏi điều này. Đó là điều bình thường trước đòi hỏi này của mỗi xứ sở. Và tôi đã nghe họ xin phép ra sao, họ đáp ứng thế nào. Tôi làm chứng điều ấy. Thế rồi người phi công lên tiếng nói rằng chúng tôi đã gửi một bức điện tín, nhưng tôi không biết họ làm như thế nào. 

Sau đó tôi rời buồng lái về chỗ của mình và cầu nguyện nhiều cho nhân dân Trung Hoa mỹ miều cao quí, một dân tộc khôn ngoan. Tôi nghĩ đến những con người khôn ngoan cao cả của Trung Hoa, tôi nghĩ về lịch sử khoa học và khôn ngoan. Và tu sĩ Dòng Tên chúng tôi đã có một lịch sử ở đó qua Cha Ricci. Tất cả những điều ấy hiện lên trong đầu óc của tôi. 

Có có muốn đến Trung Hoa hay chăng? Chắc chắn rồi! Mai này!

Chúng tôi tôn trọng nhân dân Trung Hoa. Giáo Hội chỉ xin được tự do làm việc của mình mà thôi. Ngoài ra không còn một điều kiện nào nữa. 

Thế rồi chúng ta không được quên rằng bức thư căn bản về các vấn đề Trung quốc đã được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI gửi đến nhân dân Trung Hoa. Bức thư này thực sự là thích hợp hôm nay đây. Thực sự là thế. Cần đọc lại bức thư ấy.

Tòa Thánh bao giờ cũng hướng đến chỗ giao hảo. Luôn luôn. Vì Tòa Thánh thực sự mến phục nhân dân Trung Hoa. 

Vấn 5- Chuyến đi tới đây của ngài sẽ là Albania và có thể là Iraq. Sau Phi Luật Tân và Sri Lanka mà ngài sẽ đến vào năm 2015 phải không? Và tôi có thể nói rằng ở Avila cũng hy vọng rằng ngài tới, họ vẫn có thể hy vọng hay chăng?

ĐTC Phanxicô: Phải, Nữ Tổng Thống Hàn quốc đã nói với tôi, bằng tiếng Tây Ban Nha thông thạo, rằng hy vọng là một điều cuối cùng mà người ta đánh mất. Bà nói điều đó với tôi ám chỉ về sự thống nhất của Hàn quốc. Người ta bao giờ cũng có thể hy vọng nhưng không quyết định được. Để tôi giải thích cho nghe nhé.

Năm nay Albania đã được định liệu. Một số người đã nói rằng vị Giáo Hoàng này bắt đầu mọi sự từ ngoại biên. Thế nhưng tôi sẽ đến Albania vì hai lý do quan trọng. Trước hết vì họ đã có thể thành lập một chính quyền - chỉ cần nghĩ đến những người Balkan là dân đã có thể thành lập một chính quyền hiệp nhất đất nước với tín đồ Hồi giáo, Chính Thống giáo và Công giáo, với một hội đồng liên tôn hữu ích và cân bằng. Đó là một điều tốt đẹp và hài hòa. Sự hiện diện của vị Giáo Hoàng là muốn nói cùng tất cả mọi dân tộc (trên thế giới) rằng vẫn có thể cùng nhau làm việc. Tôi cảm thấy chuyến đi của tôi như là một trợ giúp thực sự cho dân tộc cao quí ấy. 

Còn một điều nữa, đó là nếu chúng ta nghĩ đến lịch sử của Albania liên quan đến tôn giáo thì nó là một xứ sở duy nhất trong thế giới cộng sản có trong hiến pháp của mình chủ nghĩa vô thần thực tiễn. Bởi thế nếu các bạn đi lễ là trái với hiến pháp. Thế rồi một trong những vị thừa tác viên đã nói với tôi rằng 1820 nhà thờ đã bị hủy hoại, cả Công giáo lẫn Chính thống giáo, vào thời ấy. Rồi những nhà thờ khác được biến thành các rạp hát, rạp ciné, chỗ nhẩy đầm. Bởi thế tôi cảm thấy rằng tôi cần phải đến đó, chỉ trong vòng một ngày thôi. 

Năm tới tôi muốn đến Philadelphia cho cuộc hội ngộ các gia đình thế giới. Thế rồi tôi đã được vị Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc mời đến với Quốc Hội Hoa Kỳ. Đồng thời vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng mời tôi đến Văn Phòng Liên Hiệp Quốc ở Nữu ước. Vậy là có thể là 3 thành phố vào cùng một dịp. 

Mễ Tây Cơ nữa. Nhân dân Mễ Tây Cơ muốn tôi đến Đền Thánh Đức Mẹ Gualalup, nhờ đó chúng tôi có thể lợi dụng nhân chuyến đến thăm Hoa Kỳ, nhưng vẫn chưa chắc chắn.

Sau hết là Tây Ban Nha. Các Vị Vương Gia Tây Ban Nha đã mời tôi. Các vị giám mục đã mời tôi, có cả một loạt lời mời tôi đến Tây Ban Nha, có thể sẽ thành nhưng chưa có gì là chắc chắn hết, bởi vậy tôi chỉ biết nói rằng tôi có thể tới Avila vào buổi sáng và về buổi chiều nếu được nhưng chưa có gì được định đoạt hết. Bởi vậy người ta vẫn có thể hy vọng.  

Vấn 6Mối liên hệ giữa ngài và Đức Benedicto XVI ra sao? Hai ngài có thường trao đổi ý kiến với nhau hay chăng? Hai ngài có một dự án nào chung sau bức thông điệp (Ánh Sáng Đức Tin) hay chăng?

ĐTC Phanxicô: Chúng tôi gặp gỡ nhau. Trước khi tôi lên đường đi Hàn quốc, tôi đã đến thăm ngài. Hai tuần trước đó ngài đã gửi cho tôi một bản văn đặc biệt và hỏi ý kiến của tôi. Chúng tôi vốn liên hệ bình thường với nhau.

Tôi xin trở lại với ý nghĩ này, một ý nghĩ không được một thần học gia nào đó ưa thích, tôi không phải là thần học gia, nhưng tôi nghĩ rằng vị giáo hoàng hưu trí này không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ thì ngài là vị giáo hoàng hưu trí đầu tiên. Chúng ta hãy nghĩ đến những gì ngài đã nói, đó là tôi già rồi, tôi không còn đủ sức lực. Đó là một cử chỉ tuyệt vời của những gì là cao quí, khiêm hạ và can trường.

Nhưng nếu người ta nghĩ rằng 70 năm trước các vị giám mục hưu trí cũng đã là một thứ ngoại lệ. Không có vấn đề ấy, nhưng ngày nay các vị giám mục hưu trí đã trở thành một điều lệ.

Tôi nghĩ rằng vấn đề giáo hoàng hưu trí đã là một điều lệ vì đời sống của chúng ta tồn tại lâu hơn và ở một độ tuổi nào đó không còn khả năng quản trị tốt đẹp vì thân xác trở nên mệt mỏi, và có thể sức khỏe còn tốt nhưng không có khả năng hành sử tất cả mọi vấn đề của một tổ chức như tổ chức của Giáo Hội. Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã là vị tạo nên cử chỉ này cho các vị giáo hoàng hưu trí. Như tôi đã nói trước, có thể một thần học gia nào đó nói rằng điều này không đúng, nhưng ý nghĩ của tôi là thế đó. Các thế kỷ rồi sẽ cho chúng ta biết rằng có vậy hay chăng. Chúng ta hãy chờ xem. 

Bạn có thể nói với tôi rằng nếu ở một lúc nào đó ngài cảm thấy ngài không thể tiến hơn nữa, tôi sẽ làm như vậy! Tôi sẽ làm như thế. Tôi cầu nguyện, nhưng tôi làm như vậy. Ngài (Đức Benedicto XVI) đã mở cánh cửa điều lệ, không còn là ngoại lệ nữa.

Mối liên hệ của chúng tôi thực sự là mối liên hệ anh em. Thế nhưng tôi cũng đã nói rằng tôi cảm thấy như thể tôi có một người ông trong nhà bởi đức khôn ngoan của ngài. Ngài là một con người khôn ngoan, cảm nhận đáng tôi nghe ngài. Và ngài phấn khích tôi khi cần thiết nữa. Đó là mối liên hệ giữa tôi và ngài.  

Vấn 7- Ngài đã gặp thành phần chịu khổ đau. Ngài cảm thấy thế nào khi ngài chào hỏi những đàn bà an vui trong lễ sáng nay? Đối với nỗi khổ đau của dân chúng ở Hàn quốc cũng có những Kitô hữu ẩn mình ở Nhật Bản và năm tới sẽ kỷ niệm 150 năm thời kỳ Nero của họ. Ngài có thể cùng cầu nguyện cho họ ở Nagasaki hay chăng? 

ĐTC Phanxicô: Còn gì bằng nữa. Tôi đã được mời bởi cả Chính Quyền lẫn các vị Giám Mục. Tôi đã được mời rồi. 

Đối với nỗi khổ đau, bạn trở về với một trong những câu hỏi đầu tiên. Nhân dân Hàn quốc là một dân tộc đã không đánh mất phẩm giá của mình. Đó là một dân tộc đã bị xâm chiếm, bị làm nhục. Nó đã phải chịu đựng các trận chiến ranh và giờ đây đang bị chia đôi. Hôm qua, khi tôi đến gặp giới trẻ (ở Haemi), tôi đã viếng thăm bảo tàng viện của các vị tử đạo ở đó. Những đau khổ của những con người này thật là khủng khiếp, chỉ vì không bước qua thập tự giá. Nó là một nỗi khổ đau lịch sử. Dân tộc này có khả năng chịu đựng và nó là một phần nơi phẩm giá của họ. 

Cả đến ngày hôm nay nữa, khi những người nữ lão thành ấy ở trước mặt tôi trong lễ, tôi đã nghĩ rằng trong cuộc xâm chiếm ấy đã có những người con gái bị bắt đến các trại lính để lạm dụng họ nhưng bấy giờ họ đã không đánh mất phẩm giá của họ. Họ còn đó hôm nay đây cho thấy dung nhan của họ, già lão, những con người cuối cùng còn sống sót. Đó là một dân tộc hào hùng với phẩm giá của mình.

Trở lại với câu hỏi về các vị tử đạo, nỗi khổ đau cũng như những người đàn bá ấy thì những sự này đều là hoa trái của chiến tranh! Hôm nay chúng ta đang ở trong một thế giới chiến tranh loạn lạc, ở khắp mọi nơi. Có người đã nói với tôi rằng, Thưa Cha, cha có biết rằng chúng ta đang ở trong Thế Chiến Thứ Ba, từ từ xẩy ra. Người ấy đã hiểu được! Đó là một thế giới chiến loạn đã diễn ra những thứ dã man ác độc ấy. 

Tôi muốn tập trung vào 2 chữ. Trước hết là dã man tàn bạo (cruelty). Ngày nay bất chấp trẻ em. Có lúc người ta đã nói về một thứ chiến tranh qui ước thì ngày nay không kể đến nó. Tôi không nói rằng chiến tranh qui ước là những gì tốt đẹp, nhưng ngay nay việc tung ra một trái bom sát hại người vô tội, kẻ có tội, trẻ em, phụ nữ, sát hại hết mọi người. Đừng! Chúng ta cần phải ngừng lại và hãy suy nghĩ một chút về mức độ dã man  tàn bạo chúng ta đã đạt tới. Điều này chắc chắn làm cho chúng ta run sợ, và điều ấy không tạo nên sợ hãi. Một nghiên cứu có tính cách nghiệm xét có thể thực hiện về mức độ dã man tàn bạo của nhân loại vào lúc này chắc chắn khiến chúng ta hơi run sợ.

Một chữ khác tôi muốn nói là hành hạ tra tấn (torture). Ngày nay hành hạ tra tấn là một trong những phương tiện, tôi có thể nói, hầu như thường tình nơi hành vi của các lực lượng tình báo, nơi các tiến trình tư pháp, v.v. Hành hạ tra tấn là một tội phạm đến nhân loại, là một tội ác phạm đến loài người. Tôi muốn nói với người Công giáo rằng việc hành hạ tra tấn ai đó là một tội trọng (mortal sin), là một tội nặng (grave sin). Chưa hết, nó là một tội phạm đến nhân loại nữa.

Dã man tàn ác và hành hạ tra tấn! Tôi rất muốn là nếu các bạn, trong ngành truyền thông đại chúng của các bạn, thực hiện một cuộc suy nghĩ xem: các bạn thấy như thế nào những điều này hôm nay đây? Các bạn thấy ra sao tình trạng dã man tàn bạo của loài người, và các bạn nghĩ gì về vấn đề hành hạ tra tấn. Tôi nghĩ rằng sẽ hữu ích cho tất cả chúng ta khi suy nghĩ đến điều ấy. 

Vấn 8- Ngài có một nhịp sống rất gắng sức, đầy những dấn thân và nghỉ ngơi chút ít, rồi không có cả ngày nghỉ nữa, và ngài thực hiện các chuyến đi này đang khi xẩy ra thảm sát. Ở vào những tháng gần đây chúng tôi thấy ngài cũng đã phải hủy bỏ một số cuộc hẹn, thậm chí vào giây phút cuối cùng. Phải chăng có một cái gì đó cần phải quan tâm ở trong đời sống của ngài?

ĐTC Phanxicô: Đúng thế, có người đã nói với tôi điều ấy. Tôi đã chỉ lấy các ngày nghĩ tại nhà như tôi vẫn thường làm thôi. Có lần tôi đã đọc một cuốn sách. Khá hay, nhan đề là "Hãy vui lên nếu bạn loạn thần kinh chức năng - Rejoice that your are neurotic". Tôi cũng hơi bị loạn thần kinh chức năng sao đó. Thế nhưng người ta cần phải trị cả chứng loạn thần kinh chức năng nữa. Hãy cho họ uống chút dược thảo mỗi ngày. Một trong những chứng loạn thần kinh chức năng đó là tôi quá gắn bó với đời sống. 

Lần cuối cùng tôi lấy ngày nghỉ ở ngoài Buenos Aires với cộng đồng Dòng Tên vào năm 1975. Thế nhưng tôi luôn lấy ngày nghỉ. Thật đó. Tôi thay đổi nhịp sống. Tôi ngủ nhiều hơn, tôi đọc những gì tôi thích. Tôi nghe nhạc. Đó là cách nghỉ ngơi của tôi. Trong Tháng 7 và một phần của Tháng 8 tôi sống như thế. 

Về câu hỏi khác. Phải, đúng vậy, tôi đã phải hủy bỏ những cuộc hẹn. Có ngày tôi cần phải đến Bệnh Viện Gemelli, chỉ còn 10 phút trước khi tôi ở đó, nhưng tôi đã không thể làm thế. Quả thực chúng là 7 ngày rất gắng sức, với đầy những cuộc hẹn. Giờ đây tôi cần phải khôn ngoan hơn một chút.  

Vấn 9Ở Rio, khi các đám đông dân chúng hô hoán Phanxicô, Phanxicô thì ngài đã bảo họ là hãy tung hô Chúa Kitô, Chúa Kitô. Ngài đã đương đầu với lòng mộ mến hồ hởi này của dân chúng thế nào? Ngài sống với hiện tượng này ra sao?

ĐTC Phanxicô: Tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi sống với nó bằng cách tạ ơn Chúa cho dân của Ngài hạnh phúc. Thật vậy, tôi thực làm như thế. Và tôi muốn Dân Chúa những gì tốt đẹp nhất. Tôi sống nó nhờ lòng quảng đại của dân chúng. Tôi cố gắng nghĩ về tội lỗi của tôi, lỗi lầm của tôi, để không nghĩ rằng tôi là một ai đó. Vì tôi biết điều này sẽ chỉ kéo dài một thời gian ngắn, hai hay ba năm để rồi về nhà Cha. Bởi thế nếu tin vào điều ấy thì thiếu khôn ngoan. Tôi sống nó như sự hiện diện của Chúa nơi dân của Ngài, Đấng đã sử dụng vị giám mục này, vị mục tử này của dân chúng, để tỏ ra cho họ thấy nhiều điều. Tôi sống nó một cách tự nhiên hơn trước đây một chút, hơn lúc ban đầu là lúc tôi hơi run sợ. Thế nhưng tôi làm những điều này thì tôi nghĩ rằng tôi không được gây lỗi lầm để đừng phạm đến dân chúng ở những điều ấy. Một cách tí chút như thế. 

Vấn 10- Vị Giáo Hoàng này đã đến từ tận cùng trái đất và đang sống ở Vatican. Bên ngoài Nhà Thánh Matta ngài đã nói với chúng tôi về đời sống của ngài và về sự chọn lựa của ngài đối với chỗ trú ngụ này. Vị Giáo Hoàng này sống ở Vatican ra sao? Người ta luôn hỏi chúng tôi rằng: "Ngài đã làm gì? Ngài di chuyển ra sao? Ngài có đi bách bộ hay chăng? Họ đã thấy rằng ngài đã đến một tiệm ăn và điều họ nói gây ngạc nhiên chúng tôi. Ngài sống cuộc đời ra sao ở Nhà Thánh Matta, ngoài công việc của ngài? 

ĐTC Phanxicô: Tôi cố gắng sống thanh thản. Ngoài công việc và các cuộc hẹn thì cuộc đời dành cho tôi, một cuộc đời bình thường nhất tôi có thể sống. Thật vậy, tôi muốn đi ra ngoài thế nhưng không phải là bất khả, không phải là điều bất khả, vì nếu bạn ra ngoài thì dân chúng sẽ kéo đến với bạn. Đó là thực tại. Ở trong Nhà Thánh Matta tôi sống một cuộc đời bình thường với việc làm, nghỉ ngơi, chuyện trò vậy thôi. 

Vấn 11- Ngài có cảm thấy mình như là một tù nhân hay chăng? 

ĐTC Phanxicô: Mới đầu thì có nhưng nay một số bức tường đã bị sụp đổ. Chẳng hạn trước đây tôi được bảo rằng Giáo Hoàng không thể làm điều này điều nọ. Tôi sẽ cống hiến các bạn một ví dụ làm cho các bạn cười nhé. Có lần tôi muốn đi vào phòng tập tạ (the lift) thì có người đột nhiên vào đó vì Giáo Hoàng không thể một mình vào phòng tập tạ. Bởi thế tôi đã nói rằng anh hãy về chỗ của mình để tôi tự mình vào phòng tập tạ. Đó là những gì bình thường.  

Vấn 12- Xin lỗi Cha, con cần hỏi cha câu hỏi này với tư cách là một phần tử của nhóm nói tiếng Tây Ban Nha có một phần Á Căn Đình. Đội tuyển của cha là San Lorenzo đã đoạt giải vô địch Mỹ Châu lần đầu tiên tuần vừa rồi. Con muốn biết cha đang sống điều này ra sao, cha đang vui mừng thế nào. Con nghe thấy rằng có một đại biểu đang mang cái cúp đến buổi triều kiến chung vào ngày Thứ Tư và cha sẽ nhận lấy nó trong buổi triều kiến chung này. 

ĐTC Phanxicô: Sau khi Ba Tây đoạt giải nhì thì đó là một tin vui. Tôi đã biết điều ấy ở đây. Họ nói với tôi ở Seoul. Và họ nói với tôi rằng họ đang đến vào ngày Thứ Tư. Đó là một buổi triều kiến chung và họ sẽ ở đó. Đối với tôi, San Lorenzo là một đội tuyển mà tất cả gia đình tôi đều ủng hộ. Cha tôi đã chơi bóng rổ ở San Lorenzo; ông là một cầu thủ trong đội bóng rổ này. Và khi còn nhỏ chúng tôi đã đi với ông, và bà má cũng đến Gazometer với chúng tôi nữa. Hôm nay đội tuyển 46 này đã là một đội tuyển lớn và đã đoạt giải vô địch. Tôi vui với nó. Không, không phải là một phép lạ! 

Vấn 13- Một bức thông điệp về môi sinh đã được nói đến từ lâu. Ngài có thể nói cho chúng tôi biết khi nào thì nó được ban hành và đâu là những điểm chính yếu của nó? 

ĐTC Phanxicô: Tôi đã nói chuyện nhiều về bức thông điệp này với Đức Hồng Y Turkson cũng như với các người khác. Và tôi đã xin Đức Hồng Y Turkson thu góp tất cả mọi đóng góp đã có, và 4 ngày trước chuyến đi này, Đức Hồng Y Turkson đã mang đến cho tôi bản thảo đầu tiên. Nó dầy như thế này này. Tôi có thể nói nó dài khoảng gấp 3 lần Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm. Nó mới là bản thảo đều tiên. Không phải là một vấn đề dễ dàng, vì về vấn để coi sóc thiên nhiên tạo vật và môi sinh cũng như môi sinh con người, người ta có thể nói một cách an toàn nào đó cho tới một mức độ nào đó, nhưng rồi những giả thuyết khoa học tung ra, có giả thuyết đủ an toàn có giả thuyết không. Trong một bức thông điệp như thế là những gì theo huấn quyền, người ta chỉ có thể căn cứ vào những gì vững chắc, những gì bảo đảm. Nếu vị Giáo Hoàng nói tâm điểm của vũ trụ này là trái đất chứ không phải mặt trời thì ngài đã sai lầm bởi ngài nói một điều không đúng với khoa học. Đó là những gì đang xẩy ra hiện nay. Bởi vậy hiện nay chúng tôi cần phải nghiên cứu, từng khoản một, và tôi tin rằng nó sẽ trở nên ngắn hơn. Tuy nhiên, vẫn phải nhắm đến những gì là thiết yếu, đến những gì người ta có thể khẳng định một cách an toàn. Ở phần chú thích, người ta có thể nói rằng điều ấy theo giả thuyết này giả thuyết kia, theo tín liệu nhưng không thuộc về cấu trúc của một bức thông điệp có tính cách tín lý. Nó cần phải là những gì bảo đảm.   

Vấn 14- Xin cám ơn ngài nhiều về chuyến viếng thăm Nam Hàn. Tôi xin hỏi hai hai vấn nạn. Vấn nạn thứ nhất đó là ngay trước thánh lễ cuối cùng ở vương cung thánh đường, ngài đã an ủi một số người đàn bà an vui ở đó bấy giờ, ngài đã có ý nghĩ gì? Và câu hỏi thứ hai của tôi là Pyongyang coi Kitô giáo là một mối đe dọa trực tiếp đến chế độ của mình và vai trò lãnh đạo của mình, mà chúng ta biết rằng đã xẩy ra một số điểu kinh khủng với Kitô giáo ở Bắc Hàn song chúng ta không biết chính xác những gì đã xẩy ra. Trong đầu của ngài có một phương sách nào đặc biệt để thay đổi chính sách của Bắc Hàn đối với Kitô giáo ở Bắc Hàn hay chăng? 

ĐTC Phanxicô: Về câu hỏi thứ nhất tôi xin lập lại điều này. Ngày nay, những người đàn bà ấy ở đó và bất chấp tất cả những gì họ đã phải chịu họ vẫn giữ phẩm giá của mình, họ tỏ cho thấy gương mặt của họ. Tôi nghĩ, như tôi đã nói trước đây ít lâu, về nỗi khổ của chiến tranh, của dã man tàn bạo của thành phần gây chiến. Những người đàn bà này đã bị khai thác, đã trở thành nô lệ, tất cả đều dã man tàn bạo. Tôi đã suy nghĩ về tất cả những điều ấy cũng như về phẩm giá họ có cùng với việc họ chịu đựng biết là chừng nào. Và việc chịu khổ là một gia sản.Các vị giáo phụ của Giáo Hội đã nói máu tử đạo là hạt giống kitô hữu. Dân Hàn quốc các bạn đã gieo vãi thật nhiều và nhờ trung thành gắn bó mà giờ đây mới thấy được hoa trái từ hạt giống của các vị tử đạo. 

Về Bắc Hàn, tôi biết đó là một nỗi khổ đau, và là nơi tôi biết chắc là có nhiều người họ hàng thân thuộc không thể gặp gỡ nhau được, đó là một nỗi khổ đau, thế nhưng nó là một thứ khổ đau về tình trạng phân chia đất nước. Hôm nay, trong vương cung thánh đường, khi tôi đang mặc áo lễ thì có một món quà trao tặng tôi, đó là một mạo gai của Chúa Kitô được làm bằng loại giây thép chia đôi hai phần đất của Hàn quốc. Giờ đây chúng ta đang mang theo mạo gai này theo máy bay này, nó là một món quà tôi nhận được, là khổ đau của chia rẽ, của gia đình phân tán, thế nhưng như tôi đã nói hôm qua, tôi không thể nhớ chính xác, khi nói với các vị giám mục tôi đã nói rằng chúng ta có một niềm hy vọng đó là hai miến Hàn quốc đều là huynh đệ và nói cùng một ngôn ngữ. Họ nói cùng một ngôn ngữ vì họ có cùng một người mẹ và đó là những gì cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng. Nỗi khổ đau chia rẽ thì lớn lao, tôi hiểu như thế và tôi cầu xin cho nó chấm dứt.  

Vấn 15- Là một người Mỹ gốc Ý tôi có lời khen tặng ngài về khả năng Anh ngữ của ngài, ngài không cần phải sợ, và nếu ngài muốn thực tập trước khi sang Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của tôi, tôi sẵn sàng giúp ngài. Câu hỏi của tôi là như thế này: Ngài đã nói về tử đạo. Tiến trình về án phong thánh cho Đức Tổng Giám Mục Romero đang ở giai đoạn nào rồi. Và ngài muốn thấy thế nào từ tiến trình này?

ĐTC Phanxicô: Tiến trình đã bị khựng lại nơi Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin như được cho biết là "vì khôn ngoan". Giờ đây nó đã được mở lại và đang ở nơi Thánh Bộ Phong Thánh và đi theo tiến trình bình thường. Nó tùy thuộc vào cách thức các cáo thỉnh viên tiến hành, rất cần phải tiến hành một cách mau chóng. 

Điều tôi muốn đó là làm sáng tỏ việc tử đạo có phải vì thù ghét đức tin hay chăng 'odium fidei', một là vì tuyên xưng đức tin hay là vì thi hành các công việc Chúa Giêsu truyền chúng ta làm cho tha nhân. Đó là công việc của các thần học gia đang được nghiên cứu. Vì đằng sau ngài (Đức Tổng Giám Mục Romero), còn có Rutillio Grande cùng những người khác nữa. Cũng có những người khác bị sát hại nhưng không ở cùng một tầm mức như của Đức Tổng Giám Mục Romero. Điều này cũng cần phải được phân biệt theo thần học nữa. Đối với tôi thì Đức Tổng Giám Mục Romero là một con người của Thiên Chúa. Ngài là một con người của Thiên Chúa nhưng vẫn cần phải theo tiến trình, và Chúa sẽ tỏ ra dấu hiệu (chuẩn nhận) của Ngài. Thế nhưng, nếu Ngài muốn thì Ngài sẽ làm như vậy! Giờ đây các cáo thỉnh viên cần phải tiến hành vì không còn gì trở ngại nữa.   

Vấn 16- Trước những gì xẩy ra ở Gaza thì phải chăng việc Cầu Nguyện cho Hòa Bình ở Vatican hôm mùng 8 tháng 6 vừa rồi đã thất bại? 

ĐTC Phanxicô: Việc cầu nguyện cho hòa bình ấy hoàn toàn không bị thất bại. Trước hết, việc khởi động này không xuất phát từ tôi. Việc khởi động cùng nhau cầu nguyện được xuất phát từ hai vị tổng thống: Vị Tổng Thống Nhà Nước Do Thái và Vị Tổng Thống Nhà Nước Palestine. Họ cho tôi biết về khó khăn này, thế rồi chúng tôi muốn thực hiện ở đó (Thánh Địa), nhưng chúng tôi không thể tìm thấy chỗ nào thích hợp bởi giá chính trị cho mỗi bên rất cao nếu họ sang bên kia. Tòa Khâm Sứ là một nơi trung lập, thế nhưng đến tòa khâm sứ thì Vị Tổng Thống Palestine phải đi vào bên của Do Thái, bởi thế mà điều này không dễ dàng thực hiện. Sau đó họ nói với tôi rằng chúng tôi hãy làm điều này ở Vatican, chúng tôi sẽ đến đó. Hai con người này là hai con người của hòa bình, họ là những người tin vào Thiên Chúa, và họ đã sống qua nhiều điều xấu xa, họ tin tưởng rằng họ chỉ còn một cách duy nhất để giải quyết tình hình ở đây đó là bằng đối thoại, thương thuyết và hòa bình.

Bạn hỏi tôi có phải là một thất bại hay chăng ư? Không, cánh cửa vẫn mở. Tất cả 4 người, hai vị Tổng Thống ấy và Đức Bartholomew I, tôi muốn ngài ở đây như là vị thượng phụ toàn cầu của Chính Thống giáo, thật là tốt đẹp khi ngài ở với chúng tôi, cánh cửa cầu nguyện được mở ra. Chúng ta được nhắc là cần phải cầu nguyện, hòa bình là một tặng ân của Chúa. Nó là một tặng ân thế nhưng chúng ta đạt được nó bằng hoạt động của chúng ta. Cần phải nói cùng nhân loại rằng đường lối đối thoại là những gì quan trọng, vấn đề thương thuyết là những gì quan trọng, nhưng có cả đường lối cầu nguyện nữa. Thế rồi sau đó chúng tôi đã thấy những gì xẩy ra. Thế nhưng đó chỉ là trường hợp trùng hợp. Việc gặp gỡ nguyện cầu không phải là việc phối hợp biến cố. Nó là một bước tiến căn bản của thái độ con người, giờ đây khói bom đạn và chiến tranh không cho người ta thấy được cánh cửa này, thế nhưng cánh cửa vẫn mở từ lúc ấy. Và khi tôi tin vào Thiên Chúa thì tôi nhìn vào cánh cửa đó và nhiều người cầu xin và xin Ngài cứu giúp chúng ta. Tôi thích câu hỏi này. Xin cám ơn bạn!

 http://www.zenit.org/en/articles/vatican-approved-transcript-of-pope-francis-airborne-press-conference-from-korea