GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tổng Hợp 24/9
ĐTC Phanxicô cảm nhận về Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta
(©Lapresse)
http://vaticaninsider.lastampa.it/en/news/detail/articolo/francesco-albania-36449/
Trong cuộc họp báo ở Tirana nước Albania Chúa Nhật 21/9/2014 vừa qua, quê hương
của Mẹ Chân Phước Terêsa Calcutta (tên thật của mẹ là Gonxhe Bojaxhiu, sinh ở
Skopje), vị linh mục báo chí của Tòa Thánh là Cha Federico Lombardi đã tiết lộ
cảm tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô về Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta là người
ngài gặp ở Hội Nghị Giám Mục (Phi Châu) được tổ chức tại Vatican năm 1994 như
sau:
"Mẹ ngồi ngay sau tôi trong các cuộc họp. Tôi khâm phục cái mạnh mẽ của mẹ, cái
quyết liệt trong lời nói của mẹ, không bao giờ mẹ để mình bị bối rối sợ
hãi trước cả một hội đồng giám mục. Mẹ đã nói những gì mẹ muốn nói... Nếu mẹ là
bề trên của tôi chắc là tôi cũng sợ đấy!"
Khi còn sống, chính Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, trong Đại Hội Mục Vụ
của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kỳ tổ chức ở Houston Texas năm 1997, (một
cơ hội người viết được hân hạnh tham dự bấy giờ), đã phải công nhận tính chất
thẳng thắn bất khuất của Mẹ Têrêsa Calcutta trước một hội đồng đông đảo các chức
sắc trong Giáo Hội. Đức hồng ý nói trong khi các vị hồng y giám mục nói năng
phải có giấy tờ thì mẹ có thân hình bé nhỏ phải kéo microphone xuống mà nói
nhưng hoàn toàn nói buông vậy thôi, tuy đơn sơ nhưng lại rất tác động...!
ĐTC Phanxicô bổ nhiệm thêm nữ giới vào Ủy Ban Thần Học Quốc
Tế của Tòa Thánh
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ nhật báo L'Osservatore Romano, Đức Hồng Y
Gerhard Muller đã tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm thêm 5 phụ nữ
nữa vào Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Tòa Thánh, một cơ cấu được Đức Thánh Cha
Phaolô VI thành lập từ ngày 11/4/1969 và được lãnh đạo lâu dài bởi Đức Hồng Y
Joseph Ratzinger (tức là vị giáo hoàng hưu trí Biển Đức XVI hiện nay).
Như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng tổng số nữ giới thuộc ủy ban này lên
16%. Phận sự của ủy ban này là để phụ giúp chung Tòa Thánh và riêng Thánh Bộ Tín
Lý Đức Tin trong việc cứu xét các vấn đề tín lý quan trọng nhất trong thời điểm
của mình. Ủy ban này bao gồm 30 thần học gia thuộc các quốc gia khác nhau và
trường phái thần học khác nhau, được Đức Thánh Cha bổ nhiệm theo đề nghị của
Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và tham vấn của các hội đồng giám mục. Từ ngày hiện hữu
đến nay ủy ban này đã phổ biến 27 văn kiện.
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Tòa Thánh phục vụ mỗi nhiệm kỳ là 5 năm, nhiệm kỳ
lần này đã được bắt đầu vào ngày 26/7 và sẽ cử hành 50 năm thành lập vào ngày
11/4/2019. Trong hai nhiệm kỳ ngũ niên trước đây, chỉ có 2 đó là nữ tu Sara
Butler (Hoa Kỳ) và Giáo Sư Barbara Hallensleben (Thụy Sĩ quốc tịch Đức). Nhiệm
kỳ mới này có thêm 5 người nữ nữa, 2 nữ tu và 3 giáo dân, thứ tự như sau: Sơ
Prudence Allen, RSM (Mỹ), Sơ Alenka Arko, Com.Loyola (Slovenia-Russia), Moira
Mary McQuenn (Hiệp Vương Quốc - Canada), Tracy Rowland (Úc), Marianne Schlosser
(Đức - Áo).
Ở 3 trên 10 cuộc phỏng vấn từ trước tới nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn
mạnh đến vai trò của nữ giới và bày tỏ nhu cầu cần phải có một khoa thần học về
nữ giới thấu đáo hơn nữa. Và tác động bổ nhiệm thêm số nữ giới vào Ủy Ban Thần
Học Quốc Tế của Tòa Thánh là một bước khởi đầu chứng tỏ ngài quyết tâm thực hiện
những gì ngài muốn canh tân Giáo Hội vậy.
ĐTC Phanxicô chủ trương thương xót nhưng vẫn không nương tay
(©Reuters)
(©REUTERS) WESOLOWSKI
Trong chuyến bay tông du Thánh Địa trở về Vatican ngày 26/5/2014, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã so sánh hành động lạm dụng tình dục trẻ em của giáo sĩ như là
hành động của lễ đen, hành động phạm thánh. Trường hợp đầu tiên ngài tỏ ra cứng
rắn trong việc canh tân Giáo Hội đó là trường hợp của Đức Tổng Giám Mục jósef
Wesolowski người Balan, nguyên khâm sứ tòa thánh ở Cộng Hòa Dominique Nam Mỹ
Châu (2008-2013), vị đã bị Tòa Án của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin kết tội và trở
thành bậc giáo dân. Vị tổng giám mục này đã bị nhốt ở Santo Domingo, không
còn được tự do đi lại nữa, như trước đây ngài đã thường dụ trẻ em ra bãi
biển! Tin này được tung ra từ vị linh mục giám đốc văn phòng báo chí của Tòa
Thánh vào chiều tối ngày Thứ Ba 23/9/2014.
Trong một cuộc phỏng vấn khác, Đức Thánh Cha còn cho biết rằng: "Một vị linh mục
làm điều ấy là phản bội thân thể của Chúa, vì các linh mục này cần phải dẫn
người con trai này, người con gái ấy, người trẻ kia đến thánh đức. Và người con
trai ấy, con gái ấy, đều tin tưởng vào ngài. Vị linh mục này thay vì dẫn các
em đến thánh đức thì lại lạm dụng các em. Điều này là những gì trầm trọng".
Hôm 7/7/2014, ngài đã giành nguyên một buổi sáng với 6 nạn nhân (ở Đức, Ái Nhĩ
Lan và Hiệp Vương Quốc Anh) bị giáo sĩ lạm dụng tình dục, dâng lễ với họ và lắng
nghe từng người trong họ. Trong đó, một nữ nạn nhân bị hiếp khi còn là con
gái đã nói với ngài rằng: "Đúng thế, ngài cho các thứ linh mục ấy thành giáo
dân, ngài không cho họ làm linh mục nữa. Thế nhưng ai sẽ kiểm soát họ một khi họ
lột bỏ bộ áo linh mục và rời bỏ Giáo Hội đây?"
Vị nguyên tổng giám mục khâm sứ tòa thánh này, sau khi bị Thánh Bộ Tín Lý phân
xử theo giáo luật ngày 27/6/2014, còn bị xử ở Tòa Án của Quốc Đô Vatican
(Vatican Cuty State) nữa, một tiến trình xét xử đã được bắt đầu. Vì lý do sức
khỏe thật sự của đương sự, nạn nhân sẽ được giam giữ với những hạn chế tại gia
trong một dinh thự bên trong Quốc Đô Vatican, cho tới khi khỏe lại thì bị nhốt
trong tù.
Đức Thánh Cha cũng không muốn vị này nhận được bất cứ một đối xử đặc biệt nào.
Nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục vị thành niên được bùng lên ở TGP Boston Hoa Kỳ
từ đầu năm 2002, và đã tái bùng phát vào năm 2010 ở các quốc gia Âu Châu, liên
quan đến cả vấn đề tìm cách che đậy của các vị bản quyền địa phương. Đức Thánh
Cha Phanxicô đã nói: "cuộc bách hại lớn lao nhất của Giáo Hội không xuất phát từ
bên ngoài mà là bởi tội lỗi bên trong Giáo Hội".
Cuộc chiến công khai giữa các vị hồng y về vấn đề ly dị tái hôn rước lễ
(©Ansa)
Ngay trước Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ về hôn nhân gia đình sắp diễn
ra 2 tuần lễ từ ngày 5 đến 19/10/2014 tới đây, một cuộc bày tỏ chưa từng thấy đã
xẩy ra giữa các vị hồng y quan trọng trong Giáo Hội ở Tòa Thánh Rôma.
Thật vậy, vào Tháng 2/2014, Đức Hồng Y Kasper Đức quốc đã được Đức Thánh Cha
Phanxicô mời phát biểu mở đầu cho mật nghị hồng y về hôn nhân gia đình, và bài
phát biểu của ngài, ở phần cuối, cho dù ngài chống lại việc tái hôn nhưng
vẫn thiên về việc cho thành phần ly dị tái hôn được rước lễ tùy trường hợp và
với điều kiện, một ý nghĩ không ngờ đã bị chống đối kịch liệt bởi một số vị hồng
y, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô lại cho rằng những khác biệt ấy cần phải
có.
Vấn đề rất lạ và chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội đó là chính vị chủ
tịch đương kim của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin là Đức Hồng Y Gerhard Ludwig
Muller đã là một trong các tác giả của tác phẩm "Remaining in the Truth of
Christ - Trung Thành với Chân Lý của Chúa Kitô". Thật vậy, danh
sách đồng tác giả của tác phẩm này bao gồm các vị nữa như: Đức HY TGP
Bologna Đức quốc Carlo Caffarra; ĐHY Tổng Trưởng the Apostolic Signatura Raymond
Leo Burke; ĐTGM Bí Thư Thánh Bộ về Các Giáo Hội Đông Phương Cyril Vasil; và 2 vị
chủ tịch hưu trí là
Brandmuler và De Paolis. Vào Tháng 7/2014, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí,
vị tổng trưởng Muller đã bày tỏ ý nghĩ bất đồng của mình về vấn đề này, và cuộc
phỏng vấn này đã trở thành tác phẩm mang tựa đề "Niềm Hy Vọng của Gia Đình". Hai
vị Hồng Y Scola và Pell cũng đồng quan điểm như các tác giả của 2 tác phẩm
trên đây.
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican Insider, Đức Hồng Y Kasper cho biết rằng:
1- ngài không hề biết gì về tác phẩm mới nhất này cho đến khi đọc thấy qua
truyền thông và chưa hề đọc nó;
2- trong giai đoạn của Công Đồng Chung Vaticanô II cũng đã có một số hồng y tỏ
ra chống đối Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong đó có hồng y Tổng Trưởng Thánh Bộ
Tín Lý Đức Tin (bấy giờ còn được gọi là Holy Office), nhưng không công khai và
dường như có dự tính như lần này;
3- vấn đề bất khả phân ly trong hôn nhân là những gì thuộc về luật Chúa, nhưng
nên phân biệt tín lý với kỷ luật, mà tín lý cũng là vấn đề có thể khai triển
theo thời gian;
4- vấn đề then chốt ở đây ngài chỉ đề nghị còn tùy Đức Thánh Cha phê chuẩn: "Cho
dù tái hôn là những gì bất khả, nhưng như các vị giáo phụ đã nói, khi một con
tầu đang chìm xuống thì anh chị em cần một mảnh ván để sống còn. Trong trường
hợp như thế thì điều cần không phải là một cuộc hôn nhân theo bí tích mà là
những phương tiện về bí tích. Việc giải quyết này không áp dụng cho tất cả mọi
trường hợp vì chúng khác nhau rất nhiều. Nó chỉ áp dụng cho những ai làm hết sức
có thể trong hoàn cảnh của họ thôi".
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp