Đông Nam Á là vùng đất cung cấp chiến binh cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ngược lai tổ chức này tạo nguồn cảm hứng cho các nhóm cực đoan. Arnaud Dubus, thông tín viên RFI trong khu vực, phân tích tình hình và cho biết những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất :
Aranud Dubus : Nước chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất là Malaysia. Điều này cũng dễ giải thích : Xu hướng hồi giáo cực đoan rất mạnh ở Malaysia, còn mạnh hơn cả ở Indonesia chẳng hạn.
Chỉ cần lược qua các bài tường thuật của giới báo chí và truyền thông Malaysia thì có thể thấy là tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã tuyển mộ được hàng chục thanh niên Malaysia thông qua các mạng xã hội trên Internet. Số thanh niên này được huấn luyện trong nhiều tháng tại Malaysia trước khi đi qua Syria hay Irak.
Tại vùng Cận Đông, các « chiến binh » này được cho là những « ứng viên » săn sàng chấp nhận những vụ khủng bố tự sát. Đã có ít nhất một trường hợp của một thanh niên Malaysia tiến hành khủng bố tự sát tại Irak và đã làm thiệt mạng hàng chục lính Irak.
Cũng phải nhắc lại là Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã có những tuyên bố mập mờ khó hiểu về các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, khi ông nói rằng lòng dũng cảm của họ phải là tấm gương cho thành viên đảng UMNO của ông ở Malaysia.
Sau đó ông lại dịu giọng phân trần, xác định rằng ông không muốn ca ngợi tổ chức thánh chiến.
RFI : Còn tình hình ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân cư nhất thế giới thì sao ?
Arnaud Dubus : Ở Indonesia, đạo Hồi nói chung được diễn giải một cách ôn hòa hơn là ở Malaysia. Cho nên số người mà tổ chức thánh chiến tuyển mộ được có thể đếm trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên cũng phải công nhận là ý thức hệ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo rất gần với phong trào Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamyah, đặt căn cứ ở Indonesia và là tác giả vụ khủng bố đẩm máu ở Bali năm 2002. Tổ chức Jemaah Islamyah cũng muốn xây dựng một vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á.
Thế nhưng tổ chức đã bị suy yếu nhiều sau hàng loạt chiến dịch truy quét của cảnh sát Indonesia. Họ không còn tiến hành khủng bố trong mấy năm gần đây.
Cho dù vậy, sự vươn lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cũng nguy hiểm đối với Indonesia vì sự kiện này có thể khơi dậy trở lại lại ngọn lửa cực đoan của phong trào Jemaah Islamyah.
RFI : Tại Philippines, các nhóm du kích quân Hồi giáo ở miền Nam vẫn tiếp tục hoạt động. Các thành phần này có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo hay không ?
Arnaud Dubus : Tại Philippines, có hai tổ chức Hồi giáo võ trang không đông đảo lắm đã tuyên bố quy phục tổ chức Nhà nước Hồi giáo thông qua các video được đưa lên mạng Internet.
Nhóm thứ nhất là Abu Sayyaf, ở trên đảo Jolo và Basilan, ngoài khơi vùng bờ biển phía Nam Philippines. Nhóm thứ hai là một tổ chức mới, cũng rất nhỏ, lấy tên là Chiến sĩ Hồi giáo cho Tự do Bangsamoro. Nhóm này là thành phần ly khai từ phong trào Hồi giáo lớn ở vùng Mindanao, miền Nam Philippines - Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro MILF, đã vừa ký kết hiệp định hòa bình với Manila.
Phong trào MILF có 12.000 quân và không ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, do đó tổ chức thánh chiến ở Cận Đông không có ảnh hưởng lớn ở Philippines. Một số nguồn tin đã khẳng định là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo dường như đã tuyển mộ người ở Mindanao, nhưng điều này không được chính thức xác nhận.
Tóm lại, có thể nói rằng tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo là nguồn cảm hứng rõ rệt cho hai nhóm Abu Sayyaf và Chiến sĩ Hồi giáo cho Tự do Bangsamoro. Trong những đoạn video phô trương các con tin mà họ đang cầm giữ, hai tổ chức này đã lấy lại các cảnh dàn dựng và lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
RFI : Còn tại miền Nam của Thái Lan thì sao ? Vì đây cũng là nơi có một cộng đồng người Hồi giáo đông đảo ?
Arnaud Dubus : Theo tôi được biết thì không hề có mối liên hệ nào được thiết lập giữa du kích quân hồi giáo ly khai ở miền Nam Thái Lan với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Thế nhưng cũng có thể có những liên lạc qua internet.
Cuộc nổi dậy ở miền Nam Thái Lan là một phong trào mang tính chất dân tộc và sắc tộc, trong đó khía cạnh tôn giáo chỉ là thứ yếu. Cuộc nổi dậy này cũng gắn chặt với các vấn đề địa phương, cục bộ, ngay cả tính chất khu vực cũng không có, huống chi là tính chất « thế giới hồi giáo » nói chung.