SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Sống Lời Chúa Hôm Nay

 

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG


 

BÀI ĐỌC I: 2 Sam 7:1-5, 3b-12, 14a, 16

“Nước Đavít sẽ tồn tại muôn đời trước mặt Chúa”
Bài trích sách thứ hai Các Vua.

Khi ấy vua Đavít ngự trong đền và khi Chúa cho ông được bằng yên tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh, thì vua nói với tiên tri Nathan rằng: “Ông thấy không? Ta ở trong nhà làm bằng gổ bá hương, còn hòm bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư?”. Nathan trả lời với vua rằng: “Điều vua nghó trong lòng, vua hãy đi thực hiện, vì xảy ra đêm ấy có lời Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy phán với Đavít tôi tớ Ta rằng: Chúa phán thế nầy: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng? Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đồn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta và Ta ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. Ta sẽ tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi, và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng, như danh các bậc vó nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt chỉ một nơi cho Israel dân Ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị khuấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Israel dân Ta; Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù; và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.

Lời của Chúa.


Đáp Ca: (Xin mời Cộng đồn thưa)

Lạy Chúa, tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.

1.      Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời” trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.

2.      Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Đavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.

3.      Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha tôi, và Thiên Chúa là Đá Tảng cứu độ của tôi”. Đời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.


BÀI ĐỌC II: Rom 16:25-27

“Mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nay được tỏ bày”
Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, kính chúc Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững vàng theo Phúc âm tôi loan truyền, và lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô, theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày, và nhờ các tiên tri ghi chép theo lệnh của Thiên Chúa hằng hữu, được thông tri cho các Dân Ngoại, để dẫn đưa họ về vâng phục đức tin. Kính chúc Thiên Chúa Đấng khôn ngoan độc nhất, nhờ Chúa Giêsu Kitô, kính chúc Người vinh quang muôn đời. Amen.

Lời của Chúa.


(Xin mời Cộng đồn đứng)
Alleluia, alleluia. — Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền. — Alleluia.


PHÚC ÂM
: Lc 1:26-38

“Nầy Trinh Nữ sẻ thụ thai và sẽ sinh một con trai”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên Thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghóa gì. Thiên Thần liền thưa: Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghóa với Chúa. Nầy trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacób và triều đại Người sẽ vô tận. Nhưng Maria thưa với Thiên Thần: Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam? Thiên Thần thưa: Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và nầy, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được. Maria liền thưa: Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Phúc Âm của Chúa.


 

Maria: Đức Tin Tuân Phục - Lời Nhập Thể: Mạc Khải Thần Linh



“Nếu Mùa Vọng có 4 tuần, tượng trưng cho 4000 năm loài người mong đợi Đấng Cứu Thế, Vị được Thiên Chúa hứa hẹn ngay sau biến cố nguyên tội (x Gen 3:15), bao giờ cũng được mở đầu bằng việc Giáo Hội kêu gọi ‘tỉnh thức’ đợi chờ Đấng Cứu Thế đến hay Chúa Kitô giáng sinh ở Chúa Nhật thứ nhất, và kết thúc Mùa Vọng ở Chúa Nhật thứ bốn bằng biến cố trực tiếp liên quan đến Mẹ của Đấng Cứu Thế (Năm A: biến cố báo mộng cho Thánh Giuse về việc Mẹ đã được thụ thai bởi Thánh Thần; Năm B: biến cố truyền tin Mẹ thụ thai Lời Nhập Thể; Năm C: biến cố Mẹ mang Lời Nhập Thể viếng thăm mẹ con Gioan Tẩy Giả), thì ở hai Chúa Nhật giữa, Chúa Nhật 2 và 3 của Mùa Vọng, Giáo Hội đã cho thấy vai trò Tiền Hô dọn đường của Thánh Gioan Tẩy Giả cho một Đấng Đến Sau ngài”. Đó là những gì đã được nhận định ở ngay đầu bài suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật II Mùa Vọng. Căn cứ vào việc Giáo Hội cố ý sắp xếp các bài Phúc Âm theo chủ đề Mùa Phụng Vụ như thế, chúng ta thấy được mối liên hệ về ý nghĩa của cả bốn tuần Mùa Vọng (đặc biệt theo chu kỳ Năm B) này như sau: Con người cần phải luôn tỉnh thức để trông đợi Đấng Thiên Sai (CN I MV), Đấng Thiên Sai này là Đấng Đến Sau Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã làm phép rửa thống hối để dọn đường nơi dân Yến Duyên cho Người đến (CN II MV), và cũng là vị đã làm chứng về Người cho những ai đặt vấn đề quyền làm phép rửa của thánh nhân (CN III MV), nhưng Đấng Thiên Sai này lại là Đấng cao trọng hơn Tiền Hô của mình, vì Người đã được thụ thai nơi cung lòng trinh nguyên của Người Tì Nữ Xin Vâng Lời Chúa là Đức Maria bởi quyền năng Đấng Tối Cao (CN IV MV). 

Phải, Phúc Âm Thánh Luca cho Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B tuần này đã trình thuật biến cố truyền tin Lời Nhập Thể của Con Thiên Chúa nơi cung lòng trinh nữ Maria bởi quyền phép Đấng Tối Cao. Trong biến cố truyền tin này, chúng ta thấy Thiên Chúa tỏ Dự Án Thần Linh của mình ra cho Mẹ Maria biết. Tức là Ngài không bàn với Mẹ hay hỏi ý kiến của Mẹ về việc Lời Nhập Thể, nên hay chăng và như thế nào, mà là tỏ cho Mẹ biết Ngài đã quyết định việc Lời Nhập Thể và đã đến lúc Lời Nhập Thể rồi đấy, nhưng Mẹ là người nữ duy nhất trong cả loài người đã được Ngài từ đời đời tuyển chọn để làm Mẹ Lời Nhập Thể, vậy Mẹ có sẵn sàng đồng ý với Dự Án Thần Linh này hay chăng? Qua trình thuật truyền tin, chúng ta thấy thái độ hết sức khiêm tốn, sáng suốt, dễ dạy, hoàn toàn phó thác đến liều lĩnh của Mẹ. 

Mẹ khiêm tốn ở chỗ tỏ ra bối rối trước lời kính chào chúc tụng Mẹ của một thần trời, vì Mẹ không bao giờ nghĩ rằng tự bản thân mình Mẹ xứng đáng với lời chào của sứ thần, nhưng cũng chính vì hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó mà Mẹ thật sự không hiểu nổi khi áp dụng vào trường hợp của Mẹ, như Phúc Âm nhắc tới chi tiết bối rối không hiểu này của Mẹ. Mẹ đã sáng suốt ở chỗ đặt vấn đề khả năng về tâm sinh lý của Mẹ trong việc làm Mẹ Ngôi Lời của mình, vì Mẹ đã bộc lộ ý nguyện muốn trọn đời giữ mình đồng trinh, hoàn toàn hiến thân cho một mình Thiên Chúa là Đấng duy nhất vô cùng đáng yêu trên hết mọi sự, dù bấy giờ Mẹ đã đính hôn với một nam nhân trong giòng tộc là Thánh Giuse, một ý nguyện hoàn toàn khác hẳn với tất cả mọi nữ giới thời bấy giờ nói riêng và tập tục của dân tộc Mẹ nói chung, vì họ cho rằng không sinh sản là bất hạnh, và họ mong được diễm phúc làm Mẹ Đấng Thiên Sai. Bởi thế, câu Mẹ đặt vấn đề “việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không hề biết đến nam nhân”, trước hết chứng tỏ Mẹ hoàn toàn khiêm nhượng, không hề có ý muốn hay tham vọng được làm Mẹ Đấng Thiên Sai; sau nữa, Mẹ muốn đặt mình trước nhan Thiên Chúa để tùy Ngài định đoạt sao cho đẹp ý muốn tối thượng toàn năng của Ngài, Đấng Mẹ luôn nhận biết, như Mẹ đã bộc lộ trong Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat, là “Đấng cứu chuộc tôi” (Lk 1:47). Bởi thế, khi vừa nghe xong lời Sứ Thần giải thích, tấm lòng vốn dễ dạy của Mẹ liền lập tức thưa “xin vâng”, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xẩy ra cho Mẹ, như việc Mẹ có thể bị ném đá chết nếu bị phu quân Giuse của mình tố cáo về thai nhi trong bụng Mẹ không dính dáng gì đến ông. Chính vì việc Thánh Giuse bỏ đi, tuy với lòng ngay của mình, tự sự việc thánh nhân làm ấy lại là một lời gián tiếp cáo giác cái thai bất hợp lệ của trước mắt loài người này và chắc chắn hai Mẹ Con này sẽ bị ném đá mà chết thôi. 

Qua biến cố truyền tin Lời Nhập Thể nói riêng và cả cuộc đời Mẹ nói chung, chúng ta thấy và phải tuyên nhận Mẹ Maria thực sự là hiện thân sống động và tuyệt hảo của một Đức Tin Tuân Phục. Nghĩa là Mẹ đã chấp nhận tất cả những gì Thiên Chúa tỏ ra cho Mẹ, hay nói ngược lại, tất cả Mạc Khải Thần Linh hoàn toàn được sáng tỏ nơi Mẹ. Mẹ đầy ơn phúc là thế. “Đầy ơn phúc” chẳng những ở chỗ Mẹ không hề làm mất đi một chút nào, qua việc phạm tội hay lầm lỗi, ân sủng Mẹ nhận được từ giây phút hoài thai trong lòng thai mẫu Anna, mà còn, trái lại, làm cho mức độ đầy ân sủng ngay từ đầu này, mức độ đầy ơn cứu độ của Chúa Kitô Mẹ được hưởng trước, như hạt giống rơi vào đất tốt đã trổ sinh gấp trăm (x Mt 13:23), một thứ “gấp trăm” chỉ có thể xẩy ra trong cả loài người nơi chỉ một mình trường hợp của Mẹ, qua việc Mẹ luôn tỉnh thức để có thể nhận ra ý Chúa (x Lk 2:19, 51), nhờ đó Mẹ mau mắn làm trọn ý Chúa (x Lk 11:28; Mt 12:50), như Mẹ cũng đã thúc giục đám phục dịch bữa tiệc cưới ở Cana làm theo (x Jn 2:5). 

Nếu Chúa Kitô đã lấy chính những việc Người làm theo ý Cha của Người, thậm chí “đã vâng lời cho đến chết và cho dù chết trên thập giá” (Phil 2:8), để chứng thực Người thực sự là Đấng Thiên Sai, tức “để tỏ Cha ra” (Jn 1:18), để tỏ tất cả những gì Cha muốn ra, hay để Mạc Khải Thần Linh chẳng những là Dự Án Thần Linh của Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời, mà còn là chính bản thân Thiên Sai của Người được sáng tỏ nữa, thì, qua việc luôn nghe và giữ Lời Chúa của mình, Mẹ Maria quả thực là hiện thân của một Đức Tin Tuân Phục, đã chấp nhận tất cả Mạc Khải Thần Linh là Chúa Kitô, tất cả những gì Thiên Chúa tỏ ra nơi Lời Nhập Thể. Có thể nói, nếu Chúa Kitô là tất cả Mạc Khải Thần Linh, là tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ cho loài người, là tột đỉnh Mạc Khải Thần Linh, thì Mẹ Maria cũng là tất cả Đức Tin Tuân Phục, là tất cả đáp ứng nhân bản đối với Mạc Khải Thần Linh, là mức độ trọn vẹn nhất của Đức Tin Tuân Phục. Bởi thế không còn gì có thể diễn tả Đệ Nhất Tạo Vật về Ân Sủng này chính xác và xứng hợp bằng lời chào của sứ thần Chúa trong bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm B tuần này: “Kính mừng đầy ơn phúc”, một trạng thánh “đầy ơn phúc” đã được đồng hóa với Mẹ, đã làm nên con người Mẹ, đã trở thành căn tính của Mẹ và đã biến thành tên gọi của Mẹ.

Chiêm ngưỡng Mẹ Maria theo chiều kích “đầy ơn phúc” bằng Đức Tin Tuân Phục trọn hảo này, chúng ta mới thấy được rằng tất cả ý nghĩa và giá trị đời người, và tầm mức trọn hảo của con người tạo vật là ở chỗ phản ảnh Thiên Chúa Thần Linh, ở chỗ Mạc Khải Thần Linh được hoàn toàn tỏ hiện nơi bản thân con người. Đó là lý do con người đã được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (x Gen 1:26,27), để họ có khả năng và tư cách phản ảnh Ngài. Thế nhưng, Lịch Sử Cứu Độ đã cho thấy, con người tự mình không thể nào phản ảnh Thiên Chúa một cách trọn vẹn và trọn hảo, dù là nguyên tổ còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, chưa biết đến tội lỗi là gì, nếu chính Thiên Chúa không hóa thân làm người, để qua chính nhân tính thấp hèn của con người, một nhân tính đã hư đi của con người, con người có thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa như Ngài biết Ngài và yêu Ngài. Đó là lý do con người, nơi Lời Nhập Thể, đã được kêu gọi “nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48). 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL