SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

Chúa Kitô có thực sự Phục Sinh hay chăng?

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Có: 1 – Ở Các Lần Hiện Ra

 

Theo tín lý và phụng vụ thì Phục Sinh là mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Bởi vì, nếu Chúa Kitô không sống lại thì tất cả mọi sự chẳng còn gì là thần linh, chẳng còn gì là mạc khải từ trời, chẳng còn gì là thánh kinh, chẳng còn gì là đức tin cứu độ nữa (xem 1Corinto 15:13-14). Bấy giờ, nhân vật lịch sử mang tên Giêsu Nazarét chỉ thuần là một phàm nhân, chẳng khác gì và chẳng hơn gì các vị giáo tổ khác, mà còn là một tay ma đầu nhất thế giới, bởi dám quả quyết rằng mình sống lại nhưng bất khả, nhưng không bao giờ xẩy ra, và vì thế đã thực sự không thể nào cứu được mình, không thể nào xuống khỏi thập tự giá bị chính quyền đế quốc Rôma đóng đanh vào đó.

 

Thế nhưng, mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô sẽ chẳng còn ý nghĩa hay giá trị gì nữa, nếu thiếu mất Biến Cố Hiện Ra của Người sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại, một biến cố, theo tính chất khẩn thiết bất khả thiếu, cũng quan trọng không kém như thậm chí ở một khía cạnh nào đó còn mầu nhiệm phục sinh là mầu nhiệm bất khả phân ly với biến cố hiện ra của Người. Bởi nếu Người không hiện ra sau khi sống lại thì kể như, đối với riêng các tông đồ và chung dân Do Thái, lịch sử nhân loại vẫn không có một vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người và đã cứu chuộc nhân loại bằng Cuộc Vượt Qua của Ngài nơi Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

 

Chúa Giêsu Kitô bởi thế không thể nào không hiện ra sau khi Người sống lại, mục đích duy nhất và chính yếu đó là để làm sao chứng thực được rằng Người quả thực chẳng những là Đấng Thiên Sai, Đấng đã được sai đến để cứu Dân Người nói riêng và nhân loại nói chung khỏi tội lỗi và sự chết, mà Người còn là Thiên Chúa thật, Đấng hằng sống, không ai có thể tiêu diệt Người, trái lại, Người đã chiến thắng sự dữ nơi con người và của con người là thành phần đã cùng nhau (cả Dân Do Thái lẫn Dân Ngoại đại diện cho toàn thể nhân loại) tàn ác sát hại Người.

 

Trong Tuần Bát Nhật Phúc Sinh, Giáo Hội chọn đọc các bài Phúc Âm liên quan tới những lần hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh:

 

Thứ Hai, Phúc Âm Thánh Mathêu 28:8-15 thuật lại lần Chúa Giêsu hiện ra với các phụ nữ đến thăm mộ của Người từ tảng sáng trong khi các bà chạy đi báo tin cho các tông đồ về những gì các bà nghe thấy thiên thần nói với các bà về Đấng các bà tìm đã sống lại;

 

Thứ Ba, Phúc Âm Thánh Gioan 20:11-18 thuật lại lần Chúa Giêsu hiện ra với Chị Mai Đệ Liên trong khi chị đang tìm xác của Người ở ngoài mồ, tức là ngay sau bài Phúc Âm Chúa Nhật (Jn 20:1-9) thuật lại việc chị ra mồ, thấy xác Thày không còn thì chạy về báo tin cho tông đồ Phêrô và Gioan hay, rồi sau đó tiếp tục ở lại mồ khi hai vị tông đồ này đã ra mồ và trở về;

Thứ Tư, Phúc Âm Thánh Luca 24:13-35 thuật lại lần Chúa Giêsu hiện ra với 2 môn đệ đang đi về làng Emmau vào buổi chiều, để rồi sau khi nhận ra Người, hai vị chạy về báo tin cho các tông đồ;

 

Thứ Năm, Phúc Âm Thánh Luca 24:35-48 thuật lại lần Chúa Giêsu hiện ra với 11 tông đồ vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần, (ngay sau đoạn Người hiện ra với 2 môn đệ đi Emmau), đoạn trình thuật này cũng được Phúc Âm Thánh Gioan nhắc đến (x. Jn 20:19-23), nhưng ở hai khía cạnh khác nhau liên quan đến sứ vụ làm chứng của các tông đồ (theo Phúc Âm Thánh Luca) và thừa tác vụ thánh hóa (theo Phúc Âm Thánh Gioan); 

 

Thứ Sáu, Phúc Âm Thánh Gioan 21:1-14 thuật lại lần Chúa Giêsu hiện ra với 7 tông đồ vào tảng sáng ở bờ hồ Tibêria để tỏ mình ra cho các vị qua mẻ cá lạ các vị bắt được vị nghe theo lời Người chỉ dẫn sau cả đêm thất bại, và "đó là lần thứ ba" được Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại;  

 

Thứ Bảy, Phúc Âm Thánh Marcô 16:9-15 thuật lại thứ tự 3 lần Chúa Giêsu hiện ra vào ngày thứ nhất trong tuần: trước hết với Chị Mai Đệ Liên, sau đó với 2 môn đệ trên đường về làng Emmau, và sau hết với 11 tông đồ.

 

Về các lần hiện ra của Chúa Kitô sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết, có thể căn cứ vào Phúc Âm Thánh Marcô, như Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô trong Tuần Thánh được căn cứ chính yếu vào bố cục của đoạn trình thuật về biến cố này theo Phúc Âm Thánh Gioan.  

 

Thật vậy, Thánh Ký Marcô (16:9-14), như bài Phúc Âm cho Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Phục Sinh cho thấy, đã thuật lại thứ tự 3 lần Chúa Giêsu hiện ra vào ngày thứ nhất trong tuần: trước hết với Chị Mai Đệ Liên, sau đó với 2 môn đệ trên đường về làng Emmau, và sau hết với 11 tông đồ.

 

Thánh Ký Gioan còn thuật lại thêm 2 lần sau đó nữa, một lần với 11 tông đồ vào 8 ngày sau (x Jn 20:26-29), và một lần với 7 tông đồ ở bờ hồ Tibêria (x Jn 21:1-14).

 

Cuối cùng, Thánh Ký Mathêu thuật lại lần hiện ra sau hết ở Galilêa vào lúc Người thăng thiên về trời cùng Cha (x Mt 28:16-20).

 

Như thế, các Phúc Âm thuật lại 6 lần Chúa Giêsu hiện ra sau khi Người phục sinh, 3 trong 4 lần có đầy đủ 11 vị tông đồ: lần nhất vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần (x Lk 24:36; Jn 20:19), lần thứ hai vào buổi tối 8 ngày sau đó (x Jn 20:26), và lần thứ ba ở Galilêa khi Người thăng thiên về trời cùng Cha (x Mt 28:16-17).

 

Tuy nhiên, theo thứ tự 3 lần hiện ra của Chúa Giêsu trong ngày thứ nhất trong tuần được Thánh Ký Marcô thuật lại thì không thấy lần Chúa Giêsu hiện ra với các phụ nữ trên đường các bà chạy về báo tin cho các tông đồ, như Thánh Mathêu thuật lại trong bài Phúc Âm cho ngày Thứ Hai trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh.

 

Về trường hợp của các người phụ nữ ra thăm mồ Chúa ngay từ tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần này, Phúc Âm Nhất Lãm cho biết những chi tiết khác nhau nhưng ăn khớp với nhau như sau:

1- tảng đá lớn lấp cửa mộ của Chúa đã được một vị thiên thần, xuất hiện qua một trận động đất, lăn ra khỏi cửa mồ (x Mt 28:2);

 

2- các bà được thiên thần báo tin Đấng các bà tìm kiếm đã sống lại rồi và các bà cần phải về báo tin cho các tông đồ (x Mt 28:5-7; Mk 16:6-7; Lk 24:4-7 - riêng Thánh Luca ở đây không thuật lại lời thiên thần bảo các bà về báo tin cho các tông đồ);

 

3- các bà đang chạy về báo tin cho các tông đồ thì Chúa Giêsu hiện ra với các bà (x Mt 28:8-10), trong khi đó Thánh Marcô thuật lại là các bà sợ quá nên không nói với ai (x Mk 16:8), nhưng Thánh Ký Luca lại cho biết rằng các bà đã về báo cho các tông đồ biết song các vị không tin, tuy nhiên tông đồ Phêrô chạy ra mồ xem sao và tỏ ra bỡ ngỡ (x Lk 24:11-12).

 

Vấn đề ở đây liên quan tới lần hiện ra thứ nhất của Chúa Kitô Phục Sinh. Căn cứ vào Phúc Âm Nhất Lãm (và cả Phúc Âm Thánh Gioan), thì lần hiện ra thứ nhất này Chúa Giêsu chỉ hiện ra với riêng Chị Mai Đệ Liên, đúng như Thánh Marcô thuật lại, chứ không hiện ra với chung "các bà" hay "các phụ nữ". Lý do có thể được suy diễn như sau:

 

1- Cụm từ "các bà" hay "các phụ nữ" ở đây bao gồm con số nữ giới và thành phần nữ giới ra viếng mồ của Chúa vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, nhưng không nói rõ bao nhiêu người, ngoài tên tuổi rõ ràng của 2-3 người, trong đó tên Mai Đệ Liên được liệt kê đầu tiên (x Mt 28:1; Mk 16:1; Lk 24:10), nhất là không nói rõ các bà này ra làm mấy đợt hay chỉ có một đợt duy nhất chung với nhau mà thôi.

 

2- Đó là lý do, về thời điểm, trong khi có bà (là Chị Mai Đệ Liên) ra từ khi "trời còn tối" (x Jn 20:1) thì lại có mấy bà lại ra vào "ngay lúc mặt trời vừa lên" (x Mk 16:2) hay "từ tảng sáng" (x. Mt 28:1), và về thị kiến, trong khi Chị Mai Đệ Liên thấy 2 thiên thần (x Jn 20:11-12) thì các bà khác lại thấy 1 thiên thần (x Mk 16:5 và cả Mt 28:2).

 

3- Riêng chuyện loan báo cho các tông đồ, hình như chỉ có Chị Mai Đệ Liên trong số "các bà", vì là người sốt sắng nhất đã ra mồ trước, từ khi trời còn tối chứ chưa sáng như các bà khác, đã chạy về báo cho tông đồ Phêrô và Gioan (x Jn 20:2), nên Phúc Âm Thánh Marcô cho biết là các bà sau khi thấy và nghe vị thiên thần "sợ quá không dám nói với ai" (16:8), tức là không có bà nào về báo cho các tông đồ hết, ngoại trừ Mai Đệ Liên ra trước, và kết quả của việc thông báo này được Phúc Âm Thánh Luca cho biết rằng các vị tỏ ra không tin (x Lk 24:11), chỉ trừ tông đồ Phêrô có chạy ra mồ (x Lk 24:12), một sự kiện được Thánh Ký Gioan thuật lại có cả tông đồ Gioan sau khi được Chị Mai Đệ Liên báo cho biết tảng đá đã bị lăn ra khỏi cửa mồ (x Jn 20:2).

 

4- Nếu theo Thánh Marcô không có bà nào về báo cho các tông đồ, ngoại trừ Chị Mai Đệ Liên thực hiện việc loan báo này như Thánh Gioan cho biết, thì sự kiện Chúa Giêsu hiện ra với các bà được Thánh Mathêu thuật lại (x 28:9) chỉ xẩy ra cho Chị Mai Đệ Liên mà thôi, nhưng không phải là trên đường chị chạy về báo cho các tông đồ (x Mt 28:9-10), mà ở ngay gần ngôi mộ của Chúa, dưới hình thù như một người canh vườn (x Jn 20:14-15).

 

Cử chỉ của Chị Mai Đệ Liên lúc bấy giờ là cử chỉ cố hữu của chị đối với Chúa Giêsu khi Người còn sống cũng chứng tỏ sự kiện Người hiện ra bấy giờ là Người hiện ra với chị chứ không phải với các phụ nữ ra mộ sau chị. Cử chỉ đó là cử chỉ chị muốn đụng chạm tới Chúa, "ôm chân Người", một cử chỉ chẳng những được Thánh Mathêu trực tiếp ghi nhận (x Mt 28:9) mà còn được Thánh Gioan gián tiếp cho thấy nơi chính lời Chúa Giêsu nói với chị: "Đừng chạm đến Thày..." (Jn 20:17).  

 

Có: 2 – Qua Các Vị Tông Đ

 

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Người không hiện ra với tất cả mọi người mà chỉ riêng với thành phần môn đệ của Người mà thôi, một chọn lựa bề ngoài có vẻ bất khôn, vì trần gian, một khi không đích thân tận mắt thấy Người đã sống lại, có thể sẽ cho rằng biến cố Người sống lại như là một tin đồn do phe môn đệ của Người tung ra chứ hoàn toàn không có thật, như vẫn được loan truyền trong dân gian Do Thái tới nay (xem Mathêu 28:11-15)?

 

Đúng vậy, khi Chúa Kitô phục sinh, vào giây phút nào và như thế nào, không một ai trên thế gian này đã tận mắt chứng kiến thấy. Hai sự kiện liên quan đến biến cố phục sinh của Chúa Kitô đó là ngôi mộ trống (xem Luca 24:22-23) cùng với các thứ khăn vải liệm xác của Người được xếp lại đàng hoàng (xem Gioan 20:7).

 

Tuy là hai bằng chứng cụ thể có thể minh chứng rằng Người đã sống lại, bằng không thì tại sao có vệ binh của Hội Đồng Do Thái canh mồ đàng hoàng (xem Mathêu 27:62-66) mà trong mồ lại chẳng có thi thể của Người? Và nếu các môn đệ có tài khéo đến đâu chăng nữa để có thể qua mặt bọn vệ binh Do Thái mà vội vàng cướp mất thi thể của Người mà mang đi thì không thể nào lại có vấn đề các khăn vải liệm xác của Người được gọn gàng xếp gấp đâu vào đó một cách đàng hoàng như thế, trong khi ở trường hợp Lazarô hồi sinh lại cần phải được người sống tháo cởi các thứ ràng buộc thi thể của anh ta (xem Gioan 11:44).

 

Chính vì hai chứng cớ cụ thể về sự kiện phục sinh bí mật của Người là một hang mộ trống cùng với các thứ khăn vải liệm xác được xếp lại đâu vào đó như thế vẫn chưa đủ chứng thực biến cố phục sinh của Chúa Kitô, vô cùng quan trọng và khẩn thiết, liên quan đến phần rỗi của loài người như thế, mới thực sự cần đến việc Người buộc lòng phải hiện ra với đặc biệt thành phần môn đệ của Người, hơn là với chung cho cả dân Do Thái ở Giêrusalem bấy giờ cũng như Dân Ngoại là lực lượng đế quốc Rôma ở đấy.

 

Bởi vì, Người có hiện ra với mọi người thì cũng chẳng có ai tin, thay vào đó, họ còn tưởng Người là ma quái nữa là đàng khác, như chính thành phần môn đệ của Người đã ở với Người 3 năm và được Người báo trước về biến cố Vượt Qua của Người mà vẫn còn chưa tin Người sống lại khi Người hiện ra với họ vào lần đầu tiên, trái lại, Người còn phải hết sức chứng thực là Người chứ không phải là ma, chẳng những bằng các dấu bề ngoài (cho các vị xem dấu tử giá trên chân tay của Người và ăn uống trước mặt các vị - xem 24:38-43) mà còn bằng ơn soi động bề trong nữa (chẳng những dẫn chứng những lời Thánh Kinh được ứng nghiệm nơi Người mà còn phải trực tiếp mở tâm trí của các vị ra cho các vị thấu hiểu và dễ dàng chấp nhận những gì đã được báo trước về Người - Luca 24:44-45).

Như thế, chứng cớ về sự thật phục sinh của Chúa Kitô chính là bản thân các vị tông đồ môn đệ của Người, cho dù các vị không đích thân mục kích thấy Chúa Kitô Thày của các vị sống lại vào lúc nào và như thế nào. Nhưng đối với các vị thì quả thực Người đã sống lại đúng như lời Người đã phán hứa với các vị khi còn sống, và cũng chỉ có các vị là thành phần duy nhất (bao gồm cả các phụ nữ theo Người nữa) đã sống với Người ngay từ ban đầu mới nhận ra Người mà thôi. Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra trước mắt các vị tông đồ sau khi Người sống lại từ trong cõi chết chính là bằng chứng đích thực nhất, sống động nhất và hùng hồn nhất về sự thật Người đã sống lại.

 

Các tông đồ thực sự là "chứng nhân", theo đúng nghĩa đen của danh từ hay danh xưng "tông đồ" nơi tiếng Hy Lạp. Bản chất của những vị được gọi làm tông đồ của Chúa Kitô chính là chứng nhân và để làm chứng nhân. 

 

Đó là lý do, sau khi các vị đã nhận biết quả thực "con ma" đột nhiên sừng sững hiện ra ngay trước mặt họ trong "căn phòng khóa chặt" (xem Gioan 20:19) trước đó chính là Thày của các vị đã thật sự sống lại, thì các vị liền nhận được lệnh truyền của Người: "Các con là chứng nhân của Thày về tất cả những điều ấy" (Luca 24:48). Về sứ vụ chứng nhân của các vị tông đồ và lý do tại sao chỉ có các môn đệ của Chúa Kitô mới được Người hiện ra đã được gói ghém trong bài đọc Thứ Nhất cho Lễ Phục Sinh ban ngày, như Thánh ký Luca đã ghi lại lời của Tông Đồ Phêrô trong Sách Tông Vụ (10:37-43) như sau:

 

"Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng. Quý vị biết rõ: Ðức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Dothái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Ðấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội". (bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Các Giờ Kinh).

 

Muốn được như vậy, muốn thực sự trở thành chứng nhân tông đồ của Chúa Kitô Phục Sinh và cho Chúa Kitô Phục Sinh, thành phần môn đệ của Chúa Kitô nói chung, bao gồm từ các vị tông đồ cũng như Kitô hữu hậu sinh, đều phải hội đủ một yếu tố chính yếu bất khả thiếu đó là Thánh Thần của Chúa Kitô và từ Chúa Kitô, như chính Chúa Kitô đã thông báo và khẳng định trong Bữa Tiệc Ly: "Thần Chân Lý, từ Cha mà đến và cũng là Đấng Thày sai đến từ Cha, sẽ làm chứng về Thày. Các con cũng phải làm chứng nữa, vì các con đã từng ở với Thày ngay từ ban đầu" (Gioan 15:26-27).

 

Chính vì Thánh Thần là yếu tố chính yếu bất khả thiếu cho sứ vụ tông đồ chứng nhân cho Chúa Kitô mà Chúa Kitô Phục Sinh mới thông ban cho Thánh Thần của Người cho các tông đồ ngay sau khi Người sống lại từ trong cõi chết: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội của họ bị cầm lại" (Gioan 20:21-22), và Người căn dặn các vị rằng "hãy cứ ở lại trong thành này cho đến khi nhận được quyền lực từ trên cao" (Luca 24:49).

 

Trước khi từ giã các môn đệ mà về cùng Cha, Chúa Kitô Phục Sinh đã liên kết mối liên hệ mật thiết bất khả thiếu và bất khả phân ly giữa sứ vụ chứng nhân tông đồ với Thánh Thần khi căn dặn các vị rằng: "Các con sẽ lãnh nhận được quyền năng khi Thánh Thần xuống trên các con; bấy giờ các con phải là nhân chứng của Thày... cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8).

 

Và lịch sử của Giáo Hội ngay từ giây phút đầu tiên đã chứng thực rằng, vào Lễ Ngũ Tuần, sau khi "tất cả được tràn đầy Thánh Thần" (Tông Vụ 2:4), sứ vụ tông đồ chứng nhân mới được bắt đầu, mới được thực hiện, như giây phút Giáo Hội chính thức được khai sinh, giây phút Giáo Hội bắt đầu là "ánh sáng muôn dân - lumen gentium" (tên của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vatican II ban hành ngày 21/11/1964), giây phút Giáo Hội trung thực phản ảnh một Chúa Kitô Phục Sinh "là ánh sáng thế gian... ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12). 

 

Có: 3 – Nơi Giáo Hội Tông Truyền

 

Chính vì "ánh sáng Chúa Kitô" (Lời hô trong Đêm Vọng rước nến Phục Sinh) qua Giáo Hội của Người đã chiếu "đến tận cùng trái đất" mới có thành phần Kitô hữu hậu thế nối tiếp các vị tông đồ tiên khởi. Thật vậy, sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh không phải chỉ thuộc về các vị tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi, thành phần được diễm phúc đích thân giao tiếp mật thiết với Người (xem 1Gioan 1:1-2), mà còn thuộc về cả hết mọi và mỗi một Kitô hữu hậu thế nữa. Bởi vì, thành phần Kitô hữu hậu thế được thừa hưởng đức tin "tông truyền", một đức tin được truyền lại từ chính các vị tông đồ, qua những lời rao giảng của các vị được truyền khẩu nhất là được viết thành văn tự (trong bộ Thánh Kinh Tân Ước).

 

Chính thành phần Kitô hữu hậu thế sau các vị tông đồ cũng là chứng cớ về sự thật phục sinh của Chúa Kitô, không phải vì họ được tận mắt chứng kiến thấy Chúa Kitô hiện ra như với các vị tông đồ xưa, mà vì họ là hoa trái phát xuất từ đức tin tông truyền, từ đức tin của các tông đồ, một đức tin sinh hoa kết trái, một đức tin bé mọn như hạt cải nhỏ nhất trong các hạt giống, tiêu biểu cho con số 12 tông đồ quê mùa yếu nhược, nhưng hạt giống bé mọn nhất đó đã thực sự trở thành một Giáo Hội vĩ đại trên trần gian, một cây đâm rễ vươn cao và vươn dài mở rộng đến tận cùng trái đất và đã trở thành nơi cho chim trời là các linh hồn ẩn náu trong ơn cứu độ (xem Mathêu 13:31-32).

 

Thế nhưng, Kitô hữu hậu thế không thể làm chứng cho Chúa Kitô nếu không cảm nghiệm được Người. Các tông đồ ngày xưa, trước khi trở thành chứng nhân cho Thày của mình sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại cũng đã phải sống gần gũi với Người 3 năm trời, Kitô hữu hậu sinh, tận trong thâm tâm cởi mở đầy khao khát thần linh của họ, cũng sẽ được chính Chúa Kitô, qua các Bí Tích Thánh và Thánh Kinh, tỏ mình ra cho họ, tùy theo ơn gọi và hoàn cảnh sống của mỗi người, bằng chính những ơn soi động và nơi các biến cố trong suốt hành trình đức tin của họ, bao gồm cả những yếu đuối lỡ lầm bất khả tránh của họ, để nhờ đó, họ cảm thấy quyền năng phục sinh của Người (xem Mathêu 28:18) càng ngày càng mãnh liệt hơn bao giờ hết trong họ, đến độ, họ chẳng những có thể thắng vượt và khắc phục được tất cả mọi sự dữ (xem Marcô 16:17-18), mà còn có thể mang lại ơn tha thứ cứu độ cho trần gian nữa (xem Luca 24:47 và Gioan 20:22).

 

Đúng thế, tự bản chất yếu nhược, con người tự nhiên của Kitô hữu không thể nào không phạm tội và sống một cách dân ngoại, thậm chí có những người hay có những lúc họ còn sống tệ hơn dân ngoại, sống như chẳng có đức tin, sống như kẻ vô thần, sống phản với đức tin. Vậy mà, đôi khi, nơi một thiếu số hiếm quí Kitô hữu, thế gian lại liên tục thấy xuất hiện những con người phi thường, những con người sống vượt lên trên tất cả mọi người, những con người làm được các việc làm không ai làm được nếu không có ơn Chúa, nếu không có một quyền lực thần linh nào đó trong họ và từ họ, một quyền lực từ trên cao là Thánh Linh, một quyền lực chiến thắng tội lỗi và sự chết của Chúa Kitô thông cho. Điển hình nhất trong thời cận đại, ở vào cuối thế kỷ 20 văn minh vật chất đó là một Mẹ Têrêsa Calcutta, hay ở vào đầu thế kỷ 21 khủng hoảng toàn cầu đó là một Giáo Hoàng Phanxicô.

 

Quyền lực Phục Sinh của Chúa Kitô có thể biến Kitô hữu trở thành chứng từ trung thực và sống động nhật của Mầu Nhiệm Phục Sinh và cho Chúa Kitô Phục Sinh được tỏ hiện rõ nhất nơi thành phần môn đệ Kitô hữu của Người, khi họ sống theo tinh thần của Người: 1- qua tâm tình của Người "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29) nơi họ, 2- qua chủ trương dấn thân như Người "không phải để được phục vụ mà là phục vụ" (Mathêu 20:28), và 3- bằng tấm lòng bác ái yêu thương với Người "xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34). Tóm lại, một khi được biến đổi bởi quyền lực phục sinh của Chúa Kitô, Kitô hữu có thể "yêu thương nhau như Thày yêu thương các con... nhờ đó tất cả mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thày" (Gioan 13:34-35).

 

Như thế, cho tới tận cùng trái đất và cho tới khi Chúa Kitô lại đến trong vinh quang, Mầu Nhiệm Phục Sinh vẫn liên tục được tỏ hiện qua Giáo Hội trong giòng lịch sử của nhân loại, ở chỗ, Chúa Kitô vẫn tiếp tục "hiện ra" ở một nghĩa nào đó với thành phần Kitô hữu hậu thế, nghĩa là "tỏ mình ra" cho họ, qua các dấu tích tử nạn của Người, biểu hiệu nơi tất cả những gì là khổ đau gây ra cho họ mà họ cần phải hiệp thông với Người, để Người có thể chiếm đoạt họ bằng Thánh Thần của Người, Đấng biến đổi họ thành hiện thân nhân chứng của Người, nhờ đó họ có thể tỏ Người ra cho chung loài người. Bấy giờ - phải chỉ cho tới lúc ấy, lúc Kitô hữu được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô trong Thánh Thần của Người, Kitô hữu mới thật sự trở thành Chứng Từ Phục Sinh trung thực nhất và sống động nhất của Chúa Kitô Phục Sinh và cho Chúa Kitô Phục Sinh vậy!

 

 

Phụ đề:

 

Riêng về nhân vật nữ giới được diễm phúc thấy Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra trước nhất, trước cả thành phần tông đồ môn đệ chính thức của Người, bởi thế, chị mới được tặng danh hiệu là "tông đồ của các tông đồ", vì nhân vật nữ giới này đã được lệnh của Chúa loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Người cho chính các tông đồ, không phải như một nhân viên đưa thư, chẳng biết nội dung của bức thư như thế nào, mà là như một tông đồ, vì đã thực sự thấy Chúa Kitô Phục Sinh và loan truyền Người sống lại.

Tuy nhiên, dầu sao, thẩm quyền vẫn thuộc về các tông đồ nói chung và Tông Đồ Phêrô nói riêng. Bởi thế, nhân vật nữ giới này vẫn phải trình báo với các vị về Tin Mừng Phục Sinh để chính các vị kiểm chứng, vì chỉ các vị mới có sứ mệnh chính thức trong sứ vụ "tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi dân nước. Rửa tội cho họ... Rồi chỉ dạy cho họ những điều Thày đã tuyền cho các con" (Mathêu 28:19). 

 

Một số người thắc mắc là Maria, chị em với Matta và Lazarô (Phúc Âm Thánh Gioan 11:1 và 12:3) và Maria Magdalene (cũng Phúc Âm Thánh Gioan 19:25 ở dưới chân thập giá Chúa và 20:18 được Chúa hiện ra đầu tiên sau khi Phục Sinh) có phải là 2 nhân vật khác nhau hay chăng? Xin thưa, theo tôi, chỉ là một nhân vật duy nhất, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm trùng hợp sau đây.

 

Thánh Ký Gioan đã chú thích ở trong ngoặc đơn về Maria là chị em của Matta và Lazarô như sau: “(Maria có Lazarô bị bệnh này là người đã xức dầu cho Chúa bằng dầu thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình)” (11:2).

 

Thánh Ký Gioan, qua chú thích của mình, đã ám chỉ đến “người đàn bà có tiếng tội lỗi trong thành” (Lk 7:37), một nữ nhân vật cũng đã được Thánh Luca thuật lại nhưng không nêu danh tánh lúc bấy giờ, người đàn bà tội lỗi được Chúa khẳng định “vì yêu nhiều nên được tha nhiều” (Lk 7:47), qua cử chỉ chị “đã xức dầu cho Chúa bằng dầu thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình”.  

 

Vậy, Maria là chị em với Matta và Lazarô đã sống một đời sống bê tha tội lỗi trước khi trở thành một trong những người bạn thân của Chúa. Cũng Maria này đã xức dầu thơm cho Chúa và bị Giuđa trách cứ là phung phí nhưng được Chúa bênh vực rằng: “Mặc kệ cô ta. Cứ để cho cô ta giữ dầu thơm này cho ngày họ sửa soạn an táng Thày” (Jn 12:7). Ở đoạn 19:40, Thánh Ký Gioan có nói đến “dầu thơm” an táng thân xác của Chúa, tuy không cho biết ai mang đến, nhưng không ai ngoài Maria, cũng là Maria Magdalene đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Gioan trước đó, vì Ông Nicôđêmô được Thánh Ký cho biết chỉ mang “mộc dược trộn với trầm hương” (19:39).

 

Còn Maria Magdalene, được Thánh Ký Marcô, trong đoạn liệt kê thứ tự các lần Chúa Kitô phục sinh hiện ra, mà người đầu tiên là “Maria Magdalene”, một nhân vật nữ đã được thánh ký  ghi chú thêm một cách kỹ lưỡng như sau: “Người trước hết đã hiện ra với Maria Magdalene là người được Người trừ cho khỏi 7 quỉ” (16:9).

 

Nếu Maria Magdalene này là người được Chúa Giêsu trừ cho khỏi 7 quỉ thì Maria Magdalene này đã được Thánh Ký Luca liệt kê trong danh sách của những người nữ theo hộ tống Chúa Giêsu, ngay sau đoạn trình thuật về “người đàn bà có tiếng là tội lỗi trong thành” (Lk 7:36-50), một danh sách nữ nhân Thánh Ký Luca cho biết trong s đó có: “Maria được gọi là Magdalene là người được trừ cho khỏi 7 quỉ” (Lk 8:2).

 

Tóm lại, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm được trích dẫn liên quan đến nhân vật mang tên Maria và Maria Magdalene, có thể kết luận rằng cả hai danh xưng này chỉ là một nữ nhân vật duy nhất, đó là Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên được Giáo Hội mừng kính hằng năm vào ngày 22/7:

 

Theo Thánh Ký Luca thì “Maria được gọi là Magdalene là người được trừ cho khỏi 7 quỉ” (Lk 8:2). Mà Thánh Ký Marcô cho biết nhân vật Maria Magdalene được trừ cho 7 quỉ này là người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh hiện ra (x Mk 16:9). Và Maria Magdalene được Chúa Kitô phục sinh hiện ra đầu tiên này cũng là Maria đã xức dầu thơm cho Chúa để hướng về biến cố an táng của Người (x Jn 12:7), cũng là Maria (chị em của Matta và Lazarô) được biệt chú là người đã xức dầu thơm cho Chúa (x Jn 11:2; Lk 7:38).

Về vấn đề nơi chốn khác nhau giữa Maria ở Bêtania với Matta và Lazarô, và Maria ở Magdalene hay Magdala, có thể hiểu Magdalene hay Magdala là địa điểm khi Maria quê ở Bêtania bỏ nhà đi hoang sống như “một người đàn bà có tiếng tội lỗi trong thành” ở Magdala.

 

Vậy Maria Magdalene cũng là Maria chị em của Matta và Lazarô ở Bêtania, một con người đã bỏ nhà đi hoang sống đời tội lỗi (x Lk 7:37) ở Magdala, nhưng đã thống hối bằng tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung của mình (x Lk 7:47), “đã chọn phần tốt hơn” là lắng nghe lời Chúa (x Lk 10:42), đã khóc thương Lazarô khiến Chúa cũng cảm thấy mủi lòng trước nước mắt của chị (x Jn 11:33), và đã trung kiên theo Chúa (còn hơn cả đa số các vị tông đồ) cho tới khi đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Tông Đồ Gioan (x Jn 19:25), nhờ đó chị thậm chí còn diễm phúc trở thành con người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh ưu tuyển hiện ra (x Mk 16:9), trước cả các thánh tông đồ, và Người đã sai chị đi loan báo tin mừng phục sinh về Người cho chính các tông đồ nữa (x Jn 20:17)!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL