SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Linh Đạo Đồng Công - Linh Đạo Thánh Mẫu

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 Ba bài suy niệm sáng cho Khóa Tĩnh Huấn Gia Đình Tận Hiến Đồng Công XXXXV - 2014 

ở Nhà Tĩnh Tâm Ngôi Lời Riverside California (4-6/7/2014)

 

 

Nhận định tổng quan

 

Bình thường thì dòng tu nào cũng có một đặc sủng riêng, theo ơn soi động của Thiên Chúa nơi vị sáng lập của dòng tu vào thới điểm của nào đó. Và đặc sủng này có liên hệ mật thiết với linh đạo của hội dòng được sáng lập, một linh đạo cho thấy đường lối đặc thù để đạt được mục đích chính yếu lưỡng diện bất khả thiếu của hội dòng đó là sống thánh thiện và chứng nhân, gọi tắt là sống thánh chứng nhân. Tất nhiên dòng nào cũng có một linh đạo dựa vào nền tảng Lời Chúa. 

 

Riêng Dòng Đồng Công là một dòng thuần túy Việt Nam, do Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC, sáng lập, một vị linh mục Việt Nam đầu tiên lập dòng Việt Nam, vị được ơn soi động thành lập từ đầu thập niên 1940, và hội dòng của ngài cũng đã được Tòa Thánh chính thức công nhận vào đầu thập niên 1950, với mục đích làm sao cho người Việt Nam nên thánh như Tây phương. Và linh đạo sống thánh chứng nhân của hội dòng ngài ngay từ nguyên thủy cho tới nay bao gồm 3 tinh thần chính yếu, đó là Tinh Thần Bỏ Mình, Tinh Thần Tận Hiến và Tinh Thần Yêu Nhau.

 

Trong thời gian 18 năm 2 tháng được ở trong Lòng/Dòng Mẹ Đồng Công tôi vẫn chưa khám phá ra tính chất hết sức sâu xa thâm thúy nơi linh đạo sống thánh chứng nhân của dòng tu thuần túy Việt Nam đầu tiên này... mãi cho đến khi vị sáng lập qua đi vào chính ngày tôi vào tu 43 năm trước, 21/6/1964-2007. Có thể cho tới thời điểm vị sáng lập mà tôi vô cùng kính mến qua đi ấy hạt giống Đồng Công được ngài gieo nơi tôi mới hoàn toàn triển nở hết tầm vóc của nó để cái vốn liếng thiêng liêng bất khả thiếu ấy trở thành huyết mạch cho ơn gọi và sứ vụ tông đồ giáo dân của tôi.  

 

Theo tôi thì Linh Đạo Đồng Công là Linh Đạo Thánh Mẫu! Tại sao? Tại vì 3 Tinh Thần chính của Dòng Đồng Công là Bỏ Mình, Tận Hiến và Yêu Nhau là 3 thái độ sống thánh chứng nhân của Mẹ Maria ở Biến Cố Truyền Tin! Không phải hay sao, diễn tiến theo thứ tự những gì Mẹ bày tỏ và phản ứng trong Biến Cố Truyền Tin mở đầu cho Công Cuộc Cứu Chuộc của Thiên Chúa trong thời gian theo giòng lịch sử nhân loại có thể được bao gồm nơi lời Mẹ thưa cùng sứ thần: "Maria thưa: 'Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi những gì ngài nói'. Nghe thế sứ thần từ biệt cô. Lập tức Maria vội vã lên đường đến một vùng đồi núi thuộc một tỉnh ở Giuđêa..." (Luca 1:38-39).

 

Căn cứ vào lời Mẹ thưa và việc Mẹ làm ngay sau đó, chúng ta thấy 3 Tinh Thần Đồng Công rất ăn khớp với cả thứ tự lẫn ý nghĩa như những gì Mẹ nói và làm: 1- "Này tôi là nữ tỳ Chúa" - Gương Thánh Mẫu về Tinh Thần Bỏ Mình của Đồng Công; 2- "Xin hãy thực hiện nơi tôi những gì ngài nói" - Gương Thánh Mẫu về Tinh Thần Tận Hiến của Đồng Công; 3- "Vội vã lên đường..." - Gương Thánh Mẫu về Tinh Thần Yêu Nhau của Đồng Công. 

 

Tên gọi của 3 Tinh Thần đặc biệt bất khả thiếu và bất khả phân ly theo Linh Đạo Thánh Mẫu của Dòng Đồng Công này có tính cách rất thực tế và cụ thể. Ở chỗ "Bỏ Mình" - bỏ chính bản thân mình, chứ không phải từ bỏ nói chung hay chỉ từ bỏ 3 thứ chính yếu theo lời khấn dòng là của cải, xác thịt và ý riêng. "Tận Hiến" - hiến dâng tất cả mọi sự, hiến dâng cho đến cùng, chứ không phải "dâng hiến" nói chung. Và "Yêu Nhau" - không phải là yêu thương tha nhân nói chung mà là yêu thương chính anh em của mình trong Dòng, nhờ đó mới có thể trở thành chứng nhân truyền giáo, đúng như đường lối của Chúa Giêsu khi Người ban giới răn mới của Người cho riêng nội bộ Tông Đồ: "Thày yêu thương các con thế nào, các con hãy yêu nhau như vậy. Cứ dấu này mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thày đó là các con yêu thương nhau" (Gioan 13:34-35).

 

Đồng Công - Tinh Thần Bỏ Mình 

 

Vấn đề rất quan trọng trước hết và trên hết cần phải được đặt ra ở đây: "Mình" đây là gì? Tốt hay xấu?? Tại sao phải bỏ đi??? 

 

"Mình" đây phải chăng vẫn được gắn liền với bản thân "Mình". Nói cách khác, "Mình" đây chính là "Bản Thân" của một con người, một bản thân có tính chất riêng biệt hay độc nhất vô nhị của một con người nào đó, tuyệt đối không giống với bất cứ một người nào khác. 

 

Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh thần linh của Ngài, theo môt nghĩa nào đó, là ở chỗ này. Ở chỗ, nếu Ngài là Thiên Chúa chân thật duy nhất thì từng con người được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài cũng phải là một con người thực sự duy nhất, không giống với bất cứ một con người nào khác. Đó là lý do mỗi một cá nhân con người đều tự nhiên có những đặc tính bề trong (như tính nết bẩm sinh nhất là ý hướng chủ quan) và đặc điểm bề ngoài (như bộ mặt trời ban nhất là dấu tay xác thể) làm nên căn tính chuyên biệt và khác biệt của họ. 

 

Như thế, "Mình" đây cũng đồng nghĩa với "Cái Tôi", một chủ thể duy nhất hay độc nhất trên đời làm chủ tất cả những gì làm nên căn tính độc nhất vô nhị không giống với bất cứ ai của mình. "Cái Tôi" này là những gì bất khả thiếu và bất khả chối bỏ, bằng không, con người không hơn gì con vật, loài chỉ là một tập thể chẳng có gì là cá thể và chẳng biết đến trách nhiệm là chi. Nếu con người không có "Cái Tôi", tức không có "Bản Ngã", thì, theo chủ trương của Phật giáo sẽ trở thành "vô ngã" để tránh khỏi tình trạng "chấp ngã" hay "vị ngã" (chỉ sống vì mình). Nếu về tâm lý và tâm linh con người không có "Bản Ngã", không có "Cái Tôi", thì về luân lý con người cũng không có chủ thể, không có trách nhiệm gì về tất cả mọi việc làm của con người, không có công lênh mà cũng chẳng có tội lỗi.  

 

Nếu "Mình" đây là "Bản Thân" thực sự duy nhất của con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa chân thật duy nhất, và "Mình" đây cũng chính là "Cái Tôi" chủ quan bất khả thiếu và bất khả chối bỏ của con người trong đời sống với xã hội loài người, thì "Mình" là những gì tốt lành và thiết yếu của con người và nơi con người, mà tại sao lại "Bỏ Mình"?

 

Đúng thế, "Bỏ Mình" đây là những gì đã được Chúa Kitô dứt khoát khẳng định: "Ai muốn theo Thày họ cần phải bỏ chính mình đi - he must deny his very self..." (Mathêu 16:24). Như thế, lý do chính yếu và chính đáng nhất mà con người nói chung và Kitô hữu thành phần môn đệ của Chúa Kitô nói riêng, đặc biệt là thành phần sống đời tận hiến tu trì, cần phải "Bỏ Mình" đó là để có thể theo Chúa Kitô. Chính vì "Bỏ Mình" là điều kiện tối cần và tối yếu để có thể theo Chúa Kitô như thế mà, như Người  ngay sau đó còn tiếp tục cho biết rằng: "Ai muốn giữ lấy sự sống của mình thì sẽ bị mất nó, còn ai đánh mất sự sống của mình vì Thày sẽ lại giữ được nó" (Mathêu 16:25).

 

Kinh nghiệm đời thường cũng cho thấy lời của Chúa Kitô vừa cảnh giác trên đây thật là chính xác và rất ư là chính đáng. Điển hình nhất là trường hợp khi chúng ta bất ngờ bị một con rắn cực độc cắn vào cánh tay hay vào cẳng chân, nếu chúng ta không chặt ngay cánh tay hay cái chân bị rắn độc vừa cắn ấy đi, (tức là tiếc xót và sợ đau cứ muốn giữ lấy sự sống của mình), thì cả mạng sống của chúng ta sẽ bị tiêu tan, (tức chúng ta đã đánh mất sự sống của mình), trái lại, để cứu lấy cả mạng sống của mình, chúng ta cần phải dứt khoát chặt phăng cánh tay hay cái chân bị rắn độc cắn ấy đi, (tức liều mạng và bất chấp đớn đau đánh mất sự sống của mình). 

 

Về đời sống thiêng liêng cũng thế, lý do đầu tiên liên quan đến việc "Bỏ Mình", đó là vì cái "Mình" của con người được dựng nên theo hình ảnh thần linh của Thiên Chúa đã bị nhiễm độc ngay từ ban đầu bởi "con cựu xà" (Khải Huyền 12:9). Bởi thế, ý nghĩa trước hết trong việc "Bỏ Mình" đó là bỏ tất cả những gì bị nhiễm độc Satan, đó là các thứ mầm mống tội lỗi, như đam mê nhục dục và tính mê nết xấu. 

 

Đối với Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, vị muốn lập một hội dòng thuần túy Việt Nam để huấn luyện người Việt Nam nên thánh, thì Tinh Thần "Bỏ Mình" được ngài hết sức chú trọng, đến độ, theo ngài, nếu không có Tinh Thần "Bỏ Mình" thì cũng chẳng có gì hết, chứ đừng nói đến Tinh Thần Tận Hiến và Tinh Thần Yêu Nhau của Đồng Công. Ngài thường nhắc đến bản chất có những khuynh hướng tiêu cực của con người Việt Nam nơi thành phần tu sĩ Đồng Công của ngài, đó là sống theo cảm tình, hay thay đổi và gian dối, những tính xấu cần phải sửa "Mình" mới có thể nên thánh được. Chưa hết, ngài còn hết sức cố gắng huấn dụ và trợ giúp (thậm chí bằng việc khiển trách và trừng phạt) những tu sĩ Đồng Công nào ngài biết được tỏ ra kiêu căng tự ái với anh em. 

 

Chưa hết, Tinh Thần "Bỏ Mình" không phải chỉ dừng lại ở chỗ bỏ đi những gì là xấu xa độc hại nơi "Bản Thân" mình, mà còn ở chỗ bỏ đi cả những gì thiếu trọn lành, như lòng quyến luyến thụ tạo cho dù là những sự vật hay sự việc tự bản chất là tốt lành, lòng nhiệt thành phục vụ nhưng vẫn còn chiều theo ý riêng một cách nào đó hay một lúc nào đó v.v. Nghĩa là tất cả những gì con người yêu thích ấy đã trở thành như lẽ sống, như sự sống của họ, hầu như bất khả thiếu và lòng họ ở nơi chúng: "Kho tàng của các con ở đâu thì lòng của các con cũng ở đó" (Mathêu 6:21). Đó là lý do mới có sự kiện thanh tẩy trong đời sống thiêng liêng, vì con người tự mình khó lòng, nếu không muốn nói là không thể "Bỏ Mình" ở chỗ này, trái lại, cứ muốn "giữ lấy sự sống" của mình, cho đến khi Chúa nhúng tay vào bằng đau khổ thử thách như một phương cách duy nhất vô cùng tác hiệu để giải thoát họ khỏi tình trạng bị ràng buộc khó tiến này.

 

Đối với một số tu sĩ Đồng Công, thành phần được vị sáng lập dòng là Anh Cả chú trọng cách riêng, bởi thấy họ quả thực là hăng say nên thánh theo lý tưởng ngài vạch ra cho chung dòng, thì ngài huấn thánh kỹ lưỡng hơn nữa. Chẳng hạn ngài cho họ thấy rằng họ không sống trọn lành khi họ bàn hỏi với ngài, hay ngài tự động bảo họ khi thuận lợi, hoặc thậm chí ngài còn thử thách họ, không cho họ có cơ hội theo đuổi những gì họ ham thích nữa, chẳng hạn không được tiếp tục học hay đình trệ việc học làm linh mục v.v.

 

Tinh Thần "Bỏ Mình" không phải chỉ có thế, ở chỗ bỏ các thứ mầm mống tội lỗi nơi Bản Thân Mình và bỏ lòng quyến luyến tạo vật không trọn lành của Bản Thân Mình, mà nhất là còn ở chỗ bỏ chính ý nghĩ tốt lành nhất và chính đáng nhất của Mình nữa. Điển hình là trường hợp của Tông Đồ Phêrô đã bị Thày thậm tệ quở trách là "Đồ Satan, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta" (Mathêu 16:23), chỉ vì vị tông đồ lanh lợi đầy ý hướng ngay lành và đầy lòng yêu mến Thày này có ý nghĩ và ý muốn bênh vực Vị Thày vô cùng đáng kính mến của mình, vì "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16). 

 

Chính Chúa Kitô cũng đã "Bỏ Mình" ở chỗ: "Tuy thân phận là Thiên Chúa, Người vẫn không tự cho Mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được. Trái lại, Người đã tự hủy Mình ra như hư không, mặc lấy thân phận tôi đòi, được sinh ra tương tự như con người ta" (Philiphê 2:6-7). Nếu bảo rằng Cái "Mình" của con người là những gì tốt lành và chính đáng, những gì bất khả thiếu và bất khả chối bỏ thì còn Cái "Mình" nào bằng Cái "Mình" của Chúa Kitô, vậy mà Người cũng đã Bỏ "Cái Mình" thần linh vô cùng cao cả của Người đi để trở thành "Cái Mình" vô cùng thấp hèn như con người hoàn toàn vì con người. 

 

Mức độ "Bỏ Mình" cao nhất này nơi gương của Chúa Kitô cũng là mục tiêu nhắm tới của Tinh Thần "Bỏ Mình" Đồng Công. Ở chỗ, vị sáng lập dòng, vị nhận khẩu hiệu là QP (Quorum Primus) - "kẻ tội lỗi nhất": "Chúa Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu các tội nhân, trong số đó bản thân tôi là kẻ tội lỗi nhất - I myself am the worst" (Quorum Primus - 1Timôthêu 1:15), đã phác họa và thành lập một tổ chức giới hạn cho một số tu sĩ Đồng Công nào muốn nên trọn lành hơn, đó là Hội Toàn Thiêu, một hội dành cho những tu sĩ Đồng Công nào, như ngài luôn sử dụng thành ngữ "chọn chỗ cuối rốt" (Luca 14:10).

 

Vì là phần tử thuộc về Dòng Đồng Công với tư cách là cộng sự viên truyền giáo của dòng, thành phần Gia Đình Tận Hiến Đồng Công cũng cần phải áp dụng Tinh Thần Bỏ Mình của dòng trong bậc sống đời thường và gia đình của mình. 

 

Trước hết, Bỏ Mình ở mức độ liên quan đến tội lỗi xấu xa, đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, phần tử Gia Đình Tận Hiến Đồng Công cần phải bỏ đi những gì có thể nguy hại đến hạnh phúc hôn nhân gia đình, chẳng hạn cờ bạc, rượu chè, trai gái, nhất là ngoại tình. Nếu ngoại tình không phải chỉ ở điều răn thứ 6 liên quan đến tác động giao hợp nam nữ, mà còn bao gồm cả điều răn thứ 9 liên quan đến tâm tưởng lăng loàn dâm ô, và nếu dịp tội ngoại tình nơi nam giới là con mắt (xem Mathêu 5:28) thì người làm chồng cần phải giữ mắt cẩn thận, chặn đứng ngay khi vừa thấy những gì là khiêu gợi, kẻo bị sa ngã như "thánh" vương Đavid (xem 2Samuel 11:2-4), và nếu dịp tội ngoại tình nơi nữ giới là lỗ tai, vì bản chất nhẹ dạ dễ nghe lời tán tỉnh dụ dỗ (xem Khởi Nguyên 3:1-6), nhất là những lúc cảm thấy bất mãn với chồng, chán nhau thì người vợ bấy giờ rất dễ bị khủng bố bởi những lời ve vãn đường mật lọt vào tai bởi những tên chuyên nghiệp tán tỉnh.

 

Sau nữa, Bỏ Mình ở mức độ liên quan đến những gì là ham thích lành mạnh nhưng không có lợi cho chung đời sống hôn nhân gia đình, chẳng hạn như người vợ thì ham đi mua sắm đến dư thừa đồ dùng không xài đến hay ít khi xài đến, hoặc người chồng thì ham mê computer quá đến thiếu sót phận sự trong gia đình v.v. Thậm chí ngay cả việc vợ chồng là những gì bất khả thiếu và tốt lành đôi bạn đời cũng cần phải bỏ mình, ở chỗ tôn trọng nhau về cả thời điểm thích hợp cũng như về cách thức ái ân âu yếm nhau v.v.

 

Sau hết, Bỏ Mình ở mức độ liên quan đến những gì là tốt lành và chính đáng. Chẳng hạn như hai vợ chồng ai cũng có lòng xây dựng hạnh phúc gia đình, nhưng vẫn không thể hy sinh chấp nhận những ý nghĩ hay đường lối của nhau, vì cho những gì mình nghĩ vẫn hay hơn, lợi hơn v.v. Nếu không nhường nhịn nhau, tình trạng tranh chấp này có thể sẽ tiến đến chỗ cãi nhau, tranh chấp, từ lần này đến lần khác, và nếu một trong hai người càng làm tới khi thừa thắng xông lên, thì sức người có hạn, khó lòng thoát khỏi một lúc nào đó cơn dồn nén bùng lên và cuối cùng là tan vỡ bất khả cứu vãn.

 

 

Đồng Công - Tinh Thần Tận Hiến

 

Tinh Thần Tận Hiến được tiếp ngay sau Tinh Thần Bỏ Mình. Như thế, tiến trình của Linh Đạo Đồng Công đi từ Tinh Thần Bỏ Mình đến Tinh Thần Tận Hiến, trước khi sang Tinh Thần Yêu Nhau. Trong mối liên hệ mất thiết bất khả phân ly giữa chung 3 tinh thần và riêng 2 tinh thần đầu là Bỏ Mình và Tận Hiến thì có thể nói Tinh Thần Tận Hiến làm sáng tỏ Tinh Thần Bỏ Mình. Hay nói cách khác, Bỏ Mình là để Tận Hiến, chứ không phải Bỏ Mình là Hủy Mình, là Diệt Thân, là hoàn toàn đánh mất Bản Thân Mình. Nói một cách chính xác hơn, Bỏ Mình là tác động tiến tới chỗ Thành Mình, Là Mình bằng Tinh Thần Tận Hiến. Tại sao? Vấn đề đã được sáng tỏ ngay mở đầu mạc khải Thánh Kinh, trong Sách Khởi Nguyên.

 

Thật vậy, tự mình, ý muốn nên "bằng" Thiên Chúa hay nên "như" Thiên Chúa của con người, không phải là những gì tội lỗi, phạm thượng, trái lại, rất hợp với ý muốn của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên họ để cho họ được hiệp thông thần linh với Ngài, tức được thông phần vào bản tính thần linh của Ngài và sống sự sống thần linh với Ngài, nghĩa là được nên như Thiên Chúa, nên bằng Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã kêu gọi các tông đồ ở Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi rằng; "Các con hãy nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48). 

 

Và cũng chỉ khi nào con người nên "bằng" Thiên Chúa hay nên "như" Thiên Chúa là Cha của mình trên trời, là nguyên ủy và là cùng đích của mình, thì họ mới thực sự đạt được tất cả căn tính thần linh chính yếu Là Người và Làm Người của mình là loài đã được dựng nên theo hình ảnh thần linh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26). Bằng không, họ sẽ không bao giờ trở thành Chính Mình, không bao giờ thực sự Là Mình theo dự án thần linh của Thiên Chúa khi tạo dựng nên họ. 

 

Tuy nhiên, trong tiến trình nên "bằng" Thiên Chúa hay nên "như" Thiên Chúa, tức tiến trình Là Mình và trở nên Chính Mình của con người, tự họ, con người không thể nào làm nổi. Trước hết, vì chính họ chẳng những không thể nào Biết Mình họ bằng Thiên Chúa là Đấng dựng nên họ biết họ, bởi thế họ lại càng không biết Thiên Chúa là Đấng như thế nào nữa để mà nên "bằng" hay nên "như" Ngài. Sau nữa, cho dù bấy giờ ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, chưa biết đến tội lỗi là gì, nhờ đó họ Biết Mình đấy, như đã xẩy ra là sau giấc ngủ say, vừa tỉnh dậy đã nhận ra ngay: "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" (Khởi Nguyên 2:23), họ vẫn không có khả năng để từ đất lên trời, tức để tự mình nên "bằng" hay nên "như" Thiên Chúa "vô hình" (Colose 3:15), "Thần Linh" (Gioan 4:24).

 

Bởi thế, tội lỗi của con người ngay từ ban đầu không phải chỉ ở chỗ bất tuân phục bề ngoài, mà chính là ở chỗ "bất tín" và "tự phụ". Trước hết, con người ngay từ ban đầu đã chẳng "bất tín" với Thiên Chúa là gì, ở chỗ cho dù họ có hoàn toàn ý thức được những gì Thiên Chúa căn dặn về cây biết lành biết dữ kèm theo hậu quả tai hại nếu động đến nó (xem Khởi Nguyên 3:2-3), thế mà vẫn tin tưởng chấp nhận làm theo lời dụ dỗ gian dối lừa đảo của con rắn hơn (xem Khởi Nguyên 3:4,13), coi lời Thiên Chúa không chân thật bằng lời của rắn quỉ, thậm chí nghĩ rằng Thiên Chúa đánh lừa mình, giấu diếm mình, giới hạn mình. 

 

Sau nữa, con người ngay từ ban đầu đã không "tự phụ" là gì, khi nghĩ rằng mình có thể nên "bằng" Thiên Chúa hay nên "như" Thiên Chúa bằng việc làm trái lại với ý muốn của Ngài, tức bằng việc theo ý riêng mình, chiếm chỗ của Thiên Chúa để tự quyết định lành dữ theo ý mình, qua tác động hái trái cấm mà ăn. Bấy giờ, phải, ngay sau khi nuốt trái cấm, họ mới Biết Mình, biết mình sai lầm, biết mình dại dột, biết mình lầm lỡ, biết mình trần truồng (xem Khởi Nguyên 3:7), nhất là khi nghe thấy vấn đề liên quan trực tiếp đến vị trí Làm Người của họ, đến thân phận Là Người của họ, đến bản Thân Mình của họ, được Thiên Chúa đặt ra cho họ khi nói cùng họ lời đầu tiên rất quan trọng là: "Ngươi đang ở đâu?" (Khởi Nguyên 3:9).

 

Vấn đề "Bỏ Mình" để "Là Mình" và trở nên "Chính Mình" như thế, qua mạc khải thánh kinh ở đoạn 3 của Sách Khởi Nguyên về "sự cố nguyên tội", đã quá rõ. Tức là muốn "Là Mình" và trở nên "Chính Mình", con người cần phải "Bỏ Mình" trong Chúa. Theo ý nghĩa "Bỏ Mình" trong Chúa này thì "Bỏ Mình" ở đây không còn bao hàm ý nghĩa "chối bỏ - deny" mang tính cách tiêu cực và dường như tụt hậu cho bằng chiều kích "phó thác - surrender", hoàn toàn có tính cách tích cực và dấn thân hơn. 

 

Thật vậy, cốt lõi của Tinh Thần Tận Hiến là ở chỗ phó thác này. Tận Hiến không phải chỉ là tác động dâng hết, rồi thôi. Tận Hiến bao gồm 3 yếu tố chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly, theo thứ tự đó là tin tưởng, tuân phục và phó thác. Không tin tưởng không tuân phục và bất tuân là thái độ phản loạn hoàn toàn phản nghịch với phó thác. Hai nguyên tổ đã vì không tin tưởng vào Thiên Chúa nên đã bất chấp lệnh truyền mà ăn trái cấm. Trái lại, Trinh Nữ Nazarét, trong Biến Cố Truyền Tin, vì tin tưởng mới Xin Vâng (xem Luca 1:38), và xin vâng một cách hoàn toàn phó thác cậy trông vào "Quyền năng Đấng Tối Cao" (Luca 1:35), cho dù bấy giờ cô Trinh Nữ đầy ơn phúc này chưa biết cách thức "việc ấy xẩy ra thế nào được?" (Luca 1:34), nhất là chưa nghe thấy rõ ràng lời sứ thần cam đoan với cô rằng dù cô có "thụ thai và hạ sinh ... Con Đấng Tối Cao" (Luca 1:31-32) cô vẫn còn đồng trinh, đừng có lo!  

 

Chính Đấng "tuy thân phận là Thiên Chúa... đã tự hủy mình ra như không... mặc lấy thân phận tôi đòi" (Philiphê 2:6-7) cũng thế, cũng từ "Bỏ Mình" đến "Tận Hiến", ở chỗ "Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá" (Philiphê 2:8). Và chính Người cũng thực hiện tác động hoàn toàn phó thác của mình vào Đấng mà Người cảm thấy đã bị Ngài "bỏ rơi"  (Mathêu 26:46) trên thập tự giá, khi thốt lên lời cuối cùng của Người trên trần gian này: "Con xin phó thác linh hồn Con trong tay Cha" (Luca 23:46), như thể Người muốn lập lại cùng Cha của Người lời Người đã thưa cùng Cha trong Vườn Cây Dầu: "Cha ơi, nếu có thể thì xin cất chén này cho Con, nhưng xin cứ ý của Cha chứ đừng theo ý của Con" (Mathêu 26:39), hay lời của Người với Cha ở ngay đầu Lời Nguyện Hiến Tế kết thúc Bữa Tiệc Ly rằng: "Cha ơi, xin hãy tôn vinh Con Cha để Con Cha cũng được tôn vinh Cha" (Gioan 17:1).

 

Tinh Thần Tận Hiến trong linh đạo của Dòng Đồng Công này, theo Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ chủ trương và thực hiện để huấn thánh tu sĩ Đồng Công của ngài, là ở chỗ sống đời "như trẻ nhỏ - sicut parvuli" của Phúc Âm (Mathêu 18:3), một đời sống hoàn toàn tin tưởng phó thác trong tay Thiên Chúa, Đấng vẫn được chính vị sáng lập này tin tưởng phó thác bản thân mình, chung dòng và mọi hoạt động của dòng, và hay lập lại những câu Phúc Âm liên quan đến việc quan phòng thần linh của Ngài, chẳng hạn câu: "mọi sợi tóc trên đầu đã được đếm hết cả rồi; một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng không ngoài ý Chúa" (xem Luca 12:7; 21:18), bởi thế, "đừng sợ gì cả" "cứ tin vào Chúa - tới giờ thì Chúa sẽ làm".

 

Lòng cậy trông phó thác của Người Anh Cả Đồng Công này là ở chỗ cứ làm hết sức mình trong tuân phục và bác ái yêu thương, phần còn lại là của Chúa, Chúa sẽ lo việc của Ngài. Tinh Thần Tận Hiến qua lòng cậy trông phó thác của vị sáng lập này được thể hiện rõ nhất, không phải chỉ ở chỗ cố gắng tự lực mưu sinh chẳng được bao nhiêu nhưng anh em dòng hằng ngày vẫn dùng đủ nơi cơm ăn, áo mặc và đồ dùng, mà nhất là ở những quyết định táo bạo, khi dấn thân đến phục vụ ở cả những nơi nguy hiểm thiếu an toàn, không ai dám tới. Chẳng hạn như ở địa sở Nhà Đá Dốc Truông của Giáo Phận Qui Nhơn, thuộc Tỉnh Bình Định và Thị Xã Qui Nhơn, vào thời khoảng 1966-1970 rồi 1974-1975. Dòng Đồng Công đến đây theo lời mời gọi của Đức Giám Mục Hoàng Văn Đoàn, vừa có mục đích dời Nhà Mẹ vừa để tự đào tạo linh mục dòng, vừa để phục vụ dân lành nghèo khổ ở địa phương trong việc bác ái cứu trợ và giáo dục học đường.

 

Tinh Thần Tận Hiến trong anh em tu sĩ Đồng Công được thể hiện có thể nói là thực tế nhất và sống động nhất là ở chỗ tu là nên thánh trước hết và trên hết, không tìm gì khác ngoài việc chuyên tâm theo Chúa cho đến cùng, qua việc tỏ ra luôn luôn tích cực và chủ động tuân phục bề trên về số phận của mình, cho dù không được học hành hay làm linh mục, trong khi đó, trong khi mình vất vả khó nhọc hy sinh phục vụ dòng, hết nhiệm vụ này đến trách nhiệm khác, hầu như không ai có thể thay thế, thì lại có nhiều anh em tu sau đẻ muộn, thậm chí còn dường như kém cỏi hơn mình, lại được ưu tiên học hành và làm linh mục một cách ngon lành! Người tu sĩ Đồng Công sống trọn lành Tinh Thần Tận Hiến theo Lý Tưởng Thánh Đồng Công của Đấng sáng lập theo ước nguyện của ngài quả thật cần phải tin tưởng, tuân phục và phó thác biết bao. Có thể nói Tinh Tận Tận Hiến Đồng Công và Lý Tưởng Thánh Đồng Công là một.

 

Về hình thức, Tinh Thần Tận Hiến Đồng Công được thể hiện qua các nghi thức Tận Hiến cho Mẹ Maria, theo linh đạo Per Mariam Ad Jesum của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort), một linh đạo đã được thánh nhân trình bày trong cuốn tiểu luận về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của ngài từ đầu thế kỷ 18, một tác phẩm Thánh Mẫu nổi tiếng mà tập sinh Đồng Công cần phải học hỏi, và trước khi học hỏi đã thực hành để chính thức trở thành một Tập Sinh Đồng Công, qua nghi thức tận hiến cho Đức Mẹ. Chưa hết, sáng nào cũng thế, trước nguyện gẫm và thánh lễ, anh em Đồng Công ở bất cứ nơi đâu sống thành cộng đoàn đều qui tụ lại đọc Kinh Dâng Đoàn để dâng anh em dòng cho Đức Mẹ trong ngày hôm ấy. 

 

Tục lệ và nghi thức Tận Hiến cho Mẹ Maria theo tinh Thần Tận Hiến Đồng Công là một cảm thức đầy xác tín của chung dòng cũng như cũng từng tu sĩ Đồng Công chẳng những về thân phận bé nhỏ, yếu đuối, bất lực và khốn nạn của mình, mà còn về quyền thế của Mẹ cũng mẫu gương Xin Vâng của Mẹ cần được noi gương bắt chước để sống trọn Tinh Thần Tận Hiến Đồng Công, nhất là ở những lúc "đứng kề bên thập giá của Chúa Kitô" (Gioan 19:25) như Mẹ và với Mẹ.

 

Gia Đình Tận Hiến Đồng Công, (ngay từ ban đầu, vào năm 1977, chỉ mới được gọi là Gia Đình Đồng Công cho đến năm 2006 mới đổi thành Gia Đình Tận Hiến Đồng Công), một tổ chức để gia nhập cần phải qua một khóa tĩnh huấn về Tinh Thần Tận Hiến và phải chính thức tuyên hứa qua nghi thức Tận Hiến Cho Mẹ. Nghi Thức Tận Hiến này chẳng những bao hàm ý nghĩa bản thân đương sự muốn gia nhập Gia Đình Tận Hiến Đồng Công muốn thuộc trọn về Mẹ để Nhờ Mẹ Đến Chúa (Per Mariam Ad Jesum) mà còn hiến dâng cả gia đình của mình, vợ chồng con cái của mình, của cải sản vật của gia đình mình, cùng với tương lai hạnh phúc hay đau khổ của gia đình mình cho Mẹ, hoàn toàn tin tưởng cậy trông và phó thác cho Mẹ, để Mẹ có thể chở che cứu giúp nhất là trong những cơn gian nan khốn khó khủng hoảng "hết rượu" (Gioan 2:3).

 

Tinh Thần Tận Hiến nơi các phần tử tuyên hứa gia nhập Gia Đình Tận Hiến Đồng Công không phải chỉ có thế, chỉ ở chỗ dâng mình cùng với gia đình của mình cho Mẹ, mà còn ở chỗ noi gương bắt chước Mẹ nữa, ở chỗ tiếp tục như Mẹ Xin Vâng theo Thánh ý Chúa ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự, cho đến khi đứng dưới chân thập giá của Chúa Kitô như Mẹ và với Mẹ. 

 

 

Đồng Công - Tinh Thần Yêu Nhau

 

Nếu Tinh Thần Tận Hiến được coi là cao nhất và đáng được gọi là căn tính của Dòng Đồng Công và đồng nghĩa với Lý Tưởng Thánh Đồng Công thì tại sao lại không phải là tinh thần được xếp cuối cùng, mà lại ở giữa hai Tinh Thần Bỏ Mình và Tinh Thần Yêu Nhau?

 

Đúng thế, chính vì ở giữa hai Tinh Thần Bỏ Mình và Tinh Thần Yêu Nhau mà Tinh Thần Tận Hiến mới là tột đỉnh của Tinh Thần Bỏ Mình và Tinh Thần Yêu Nhau, một trước và một sau, hay một bên phải và một bên trái, như Thánh Giá của Chúa Kitô ở giữa hai thập tự giá trên Đồi Canvê vậy.

 

Không phải là Tinh Thần Bỏ Mình, như đã được nhận định và phân tích, phải vươn lên Tinh Thần Tận Hiến hay sao, và phải được hoàn trọn bởi Tinh Thần Tận Hiến hay sao?? Và nếu thiếu Tinh Thần Tận Hiến, ở chỗ hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa, Đấng muốn làm gì thì làm nơi mình và cho mình khi Ngài chiếm đoạt mình và sống trong mình, biến mình thành chứng nhân trung thực và sống động của Người, thì Kitô hữu nói chung và tu sĩ Đồng Công nói riêng không thể nào "yêu nhau như Thày yêu thương các con" (Gioan 13:34; 15:12). 

 

Có thể nói, Tinh Thần Yêu Nhau là hoa trái của Tinh Thần Tận Hiến. Đến độ không sống Tinh Thần Tận Hiến không thể Yêu Nhau. Càng Tận Hiến, tức là càng Bỏ Mình vì Chúa, trong Chúa và cho Chúa, thì tâm hồn càng nên giống Chúa và càng Yêu Nhau như Chúa, Đấng vì yêu 1- "đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), ở chỗ "nên giống anh em mình mọi bề" (Do Thái 2:17), 2- đã "đến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người" (Mathêu 20:28), thậm chí đã trở thành "một cớ vấp phạm" (Luca 2:34) đến độ "đã bị loại trừ khỏi cõi nhân sinh" (Isaia 53:8), và 3- đã thông ban Thánh Thần hiệp thông cho các tông đồ khi Người thở hơi trên các vị mà phán "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội của người ấy bị cầm lại" (Gioan 20:22-23).

 

Theo mô phạm yêu thương lý tưởng của vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) được thể hiện và mạc khải nơi một Chúa Kitô nhập thể giáng sinh, một Chúa Kitô phục vụ gian khổ, và một Chúa Kitô hiệp nhất nên một, Tinh Thần Yêu Nhau bao gồm 3 yếu tố chính bất khả thiếu thứ tự đó là bình đẳng, phục vụ và hiệp thông.

 

Về yếu tố bình đẳng, Tinh Thần Yêu Nhau của Dòng Đồng Công được thể hiện rõ ràng nhất qua tính cách bình dân, gọi nhau là "anh em", giữa thành phần thuần túy tu sĩ và linh mục, thậm chí giữa cả bề trên với bề dưới. Đối với cộng đoàn dân Chúa khắp nơi, Tinh Thần Yêu Nhau Đồng Công được thể hiện qua đời sống hòa đồng với hết mọi thành phần và tầng lớp xã hội. Ngày xưa tính cách bình dân của Dòng Đồng Công còn được thể hiện nơi cái đầu không chải tém và chiếc áo khẩu cổ truyền trong dân gian. 

 

Về yếu tố phục vụ, Tinh Thần Tận Hiến của Dòng Đồng Công được thấy ngay nơi câu khẩu hiệu của dòng, đó là câu Phúc Âm: "Non ministrari sed ministrare - Không để được phục vụ mà là phục vụ (thường nói vắn tắt văn hoa hơn là) không hưởng thụ nhưng phục vụ (một thành ngữ dễ nghe hơn nhưng không lột tả hết ý nghĩa của lời Chúa)" (Mathêu 20:28), kèm theo là cái logo - biểu hiệu của dòng, một biểu hiệu quả thực phản ảnh chính xác nhất ý nghĩa của khẩu hiệu dòng, đó là hình ảnh rửa chân, một việc đã được chính Chúa Kitô thực hiện và truyền dạy: "Những gì Thày vừa làm là để làm gương cho các con, để Thày đã làm thế nào các con cũng phải làm như thế" (Gioan 13:15). 

 

Tính cách phục vụ của Đồng Công còn được thể hiện ở chỗ tự lực mưu sinh của anh em dòng, chủ trương không làm chủ người khác, những người được thuê làm công cho mình, nhất là cho những việc thuộc nội bộ của dòng, như làm bếp, làm vườn (như ở Trại Thiên Mẫu Di Linh Lâm Đồng Bảo Lộc vào đầu thập niên 1970), nuôi gà (như ở Trại Thiện Chí Khu Kitô Vương Thủ Đức xưa), chăn heo (như ở Trại Thiên Mẫu High Grove Missouri vào cuối thập niên 1970), in ấn (như ở Nhà In Sao mai Printing ở Houston Texas đầu thập niên 1980) v.v.

 

Tinh cách phục vụ của Dòng Đồng Công, về phương diện đối ngoại, cũng bao gồm cả những hoạt động tông đồ truyền giáo nữa, nhắm đến các đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, đối với giới già, mở các nhà hưu đưỡng để phục vụ các vị linh mục về hưu thuộc bất cứ giáo phận nào; hay đối với giới trẻ, mở trường học tư thục Đồng Công miễn phí ở các khu vực truyền giáo như Mỹ Chánh (thập niên 1960) hay Nhà Đá Qui Nhơn (thập niên 1970, hoặc Lương Sơn Phan Rí (1974-1975); hoặc đối với giới trí thức, mở cư xá sinh viên Rạng Đông (ở Đà Lạt đầu thập niên 1970) để hướng dẫn giới trẻ trí thức là thành phần lãnh đạo tương lai của đất nước; hay đối với giới nghèo, thực hiện việc phát thuốc như ở Qui Nhơn (cho đồng bào địa phương) hay Di Linh (cho đồng bào Thượng) v.v.

 

Tính cách phục vụ của Dòng Đồng Công, về phương diện đối ngoại, cũng bao gồm cả những hoạt động tông đồ truyền giáo nữa, nhắm đến các đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, đối với giới già, mở các nhà hưu đưỡng để phục vụ các vị linh mục về hưu thuộc bất cứ giáo phận nào; đối với giới trẻ, mở trường học tư thục Đồng Công miễn phí ở các khu vực truyền giáo như Mỹ Chánh (thập niên 1960) hay Nhà Đá Qui Nhơn (thập niên 1970, hoặc Lương Sơn Phan Rí (1974-1975); đối với giới trí thức, mở cư xá sinh viên Rạng Đông (ở Đà Lạt đầu thập niên 1970) để hướng dẫn giới trẻ trí thức là thành phần lãnh đạo tương lai của đất nước; đối với giới nghèo, thực hiện việc phát thuốc như ở Qui Nhơn (cho đồng bào địa phương) hay Di Linh (cho đồng bào Thượng) v.v. tông dồ báo chí truyền thông thánh mẫu. Đấy là chưa kể đến việc phục vụ cho Sùng Kính Thánh Mẫu với tờ Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ từ Việt Nam cho tới bây giờ, hay tổ chức Ngày Thánh Mẫu hằng năm ở trụ sở Chi Dòng Hoa Kỳ từ năm 1978 v.v. 

 

Riêng vị sáng lập, Tinh Thần Bác Ái của ngài thật sự là phản ảnh Tinh Thần Tận Hiến, hoàn toàn trông cậy phó thác mọi sự trong tay Chúa, ở chỗ cho dù chính mình và nhà dòng đang túng thiếu, chẳng dư giả gì, ngài vẫn sẵn sàng quảng đại giúp đỡ những ai túng thiếu đến xin ngài hay ngài biết được. Chính vì hành động bác ái xuất phát từ tấm lòng tin yêu Chúa này mà phép lạ bánh hóa nhiều vẫn âm thầm xẩy ra với ngài và cho chung dòng, đến độ, như bà góa tin tưởng bác ái với tiên tri Elia trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực của vị tiên tri này nhờ đó bà không hề thiếu lương thực trong cơn hạn hán bấy giờ mà bà và con bà tưởng như khó lòng thoát chết (1Chư Vương 17:13-16).

 

Về yếu tố hiệp thông, Tinh Thần Bác Ái Đồng Công được thể hiện chẳng những qua việc sửa lỗi cho nhau, vì đó cũng là phận sự đòi buộc theo lời Chúa dạy (xem Mathêu 18:15-18), một hành động cho thấy anh em theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công rất mong muốn cho nhau nên trọn lành hơn, một việc thường được thực hiện vào các buổi họp đội khấn với nhau, mà còn bằng việc tha lỗi cho nhau, không chấp nhất nhau, hoàn toàn thông cảm với nhau trong Chúa, và lấy lòng quảng đại bác ái yêu thương bù đắp cho nhau (xem 1Phêrô 4:8), như chính nạn nhân được Chúa thứ tha (xem Mathêu 6:14-15).

 

Yếu tố hiệp thông trong Tinh Thần Yêu Nhau của Đồng Công còn ở chỗ anh em cùng làm việc tông đồ truyền giáo. Cho dù là một tu sĩ hèn mọn trong dòng, không có tiếng tăm gì, không có bằng cấp chi, không có chức linh mục, không trực tiếp và công khai làm việc tông đồ truyền giáo, nhưng nếu thực tình sống Tinh Thần Yêu Nhau thì từng tác động âm thầm yêu nhau của người tu sĩ này cũng trở thành tác động tông đồ truyền giáo, cũng có tác dụng cứu các linh hồn, cũng trợ giúp việc tông đồ truyền giáo của những anh em dòng ở các nơi. Có thể nói thành phần anh em tu sĩ Đồng Công thuần túy âm thầm sống trong dòng nhưng tràn đầy Tinh Thần Yêu Nhau chẳng khác nào nội tâm của hội dòng, như một Têrêsa Hài Đồng Giêsu sống trong Nhà Kín mà lại trở nên Quan Thày của việc Truyền Giáo.

 

Chính vì Tinh Thần Yêu Nhau của Đồng Công trước hết và trên hết áp dụng cho nội bộ nhưng vẫn có tính chất tông đồ truyền giáo và tác dụng chứng nhân mà các phần tử thuộc Gia Đình Tận Hiến Đồng Công, tuy không phải là tu sĩ chính thức của hội dòng, vẫn có thể đóng vai trò cộng sự viên hiệp thông truyền giáo với hội dòng, bằng đời sống hôn nhân gia đình theo gương Thánh Gia của mình giữa trần thế.

 

Hơn nữa, là phần tử của hội dòng với tư cách là cộng sự viên truyền giáo như thế, mà sứ vụ truyền giáo không thể thiếu bác ái yêu thương, bởi thế Tinh Thần Yêu Nhau của Dòng Đồng Công cũng được áp dụng cho cả mọi và mỗi phần tử của tổ chức này, thành phần sống đời hôn nhân gia đình, một cơ cấu xã hội tự nó là trung tâm yêu thương và sự sống. Nếu chính tình yêu và chỉ có tình yêu đã tạo nên đời sống vợ chồng của các phần tử Gia Đình Tận Hiến Đồng Công thì cũng chỉ có tình yêu mới bảo tồn và phát triển hạnh phúc gia đình của họ và cho họ mà thôi. 

 

Một tục lệ về Tinh Thần Yêu Nhau của Dòng Đồng Công đó là hát Kinh Ubi Caritas ban sáng trước điểm tâm và tất cả mọi sinh hoạt trong ngày, một tục lệ tốt lành để nhắc nhở anh em dòng rằng cả đêm đã kết hợp với Chúa trong bầu khí thinh lặng ngặt và sau khi đã cử hành Mầu Nhiệm Thánh là Thánh Lễ và được hiệp lễ để nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể, Tấm Bánh Bẻ Ra nuôi sống nội tâm, thì trong ngày sống mới hãy sống "đức ái trọn hảo - perfectae caritatis" theo bản chất của đời tận hiến tu trì của Đồng Công, hãy yêu thương nhau trong Chúa và vì Chúa, bằng cách chấp nhận nhau dù khác biệt nhau về tính nết, nhịn nhục nhau dù nghịch nhau về chủ trương, và tha thứ cho nhau dụ phạm đến nhau, nhờ đó, đời sống chung của anh em Đồng Công sẽ trở thành một thực tại thần linh: "Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời"!

 

Tuy nhiên, tình yêu phái tính của họ, theo tự nhiên và kinh nghiệm thực tế cho thấy, có nhiều lúc đã bị khủng hoảng, đã rơi vào tình trạng "thiếu rượu" (Gioan 2:3) gây ra bởi khác biệt nhau về tính nết, bởi phản nghịch nhau về tâm tưởng, nhất là bởi phạm đến nhau về luân lý, có lúc chán nhau, không chịu được nữa và muốn bỏ nhau. Bởi thế mà họ cần phải Tận Hiến cho Đức Mẹ cả bản thân họ lẫn gia đình của họ, để một khi có Mẹ ở với, Mẹ sẽ như ở tiệc cưới Cana tự động lo giải quyết tất cả mọi gian nan khốn khó (đôi khi không biết) của họ, miễn là, càng khủng hoảng họ càng phải tiếp tục gắn bó cậy trông phó thác cho Mẹ, Đấng có thể chuyển cầu cùng Con của Mẹ để hóa tình yêu tự nhiên nhạt như nước lã thành thứ rượu tình yêu siêu nhiên ngon hơn trước cho họ và gia đình họ (xem Gioan 2:5-10).

 

Cảm nhận tổng kết

 

Trong 3 Tinh Thần cốt lõi làm nên Linh Đạo sống thánh chứng nhân này của Dòng Đồng Công, tinh thần chính yếu nhất, đến độ có thể nói là căn tính của Đồng Công, mà nếu mất đi thì không còn là Đồng Công nữa, đó là Tinh Thần Tận Hiến, tột đỉnh của Tinh Thần Bỏ Mình và là nguồn mạch của Tinh Thần Yêu Nhau. Tiến trình của Linh Đạo Đồng Công có thể được tóm gọn như sau: từ Mình đến Chúa cho Nhau (xem Philiphê 2:6-11). 

 

Bởi thế, nhìn chung thì 3 Tinh Thần Đồng Công theo Linh Đạo Thánh Mẫu là Bỏ Mình, Tận Hiến và Yêu Nhau cũng có tính chất Thánh Giá, ở chỗ, bao gồm cả chiều dọc lẫn chiều ngang: 

 

Chiều dọc gồm có Tinh Thần Bỏ Mình và tận Hiến: Tinh Thần Bỏ Mình như từ dưới chân Thánh Giá vươn lên tới đỉnh Thánh Giá là biểu hiệu cho Tinh Thần Tận Hiến: "Con xin phó linh hồn con trong tay Cha" - Luca 23:46), để rồi từ đỉnh Thánh Giá này rẽ theo chiều ngang hai bên của cánh Thánh Giá. 

 

Theo lịch sử thì cây thập tự giá nguyên thủy là hình chữ T hoa hơn là hình chữ thập +. Tiêu biểu là cây thập giá của hai tên trộm tử tội cùng bị treo lên thập giá như Chúa Kitô, và sở dĩ cây thập giá của Chúa Kitô có thêm phần ở trên đầu là vì cần có chỗ để gắn tấm bảng "INRI" theo lệnh của tổng trấn Philatô. 

 

Nếu thực sự cây thập giá nguyên thủy là hình thù chữ T thì thật là khít khao và ăn khớp với ý nghĩa của Linh Đạo Đồng Công. Ở chỗ, một khi Bỏ Mình lên tới tuyệt đỉnh Tận Hiến thì liền trở thành một chiều ngang, nơi đôi cánh tay của Vị Thiên Chúa Làm Người đang giang ra như muốn đón chờ và ôm lấy cả loài người, một chiều ngang trên đỉnh Thánh Giá không hẹn mà hò ấy thật sự là tiêu biểu cho Tinh Thần Yêu Nhau nơi Linh Đạo Đồng Công.  

 

 

Tâm Phương cmc (con mẹ cũ),

Thứ Bảy 21/6/2014, kỷ niệm đúng 60 năm vào tu trong Dòng Đồng Công Thủ Đức Việt Nam.