SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Những dấu hiệu phản Công giáo
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
chia sẻ với TĐCTT tiểu nhóm 4 Chúa Nhật 30/11/2014
Chúng ta thường được nghe rằng Giáo Hội được phát sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô Tử Giá, và Giáo Hội được khai sinh khi Thánh Thần Hiện Xuống. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong bộ tác phẩm Chúa Giêsu Nazarét, Ấn Bản Anh ngữ, tập 2, trang 101, còn chủ trương Giáo Hội xuất hiện ngay từ Lời Nguyện Hiến Tế của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly nữa. Vậy thì phải hiểu sao về những chủ trương này, đâu là tất cả sự thật của vấn đề quan trọng này? Có thể nói, nếu xét về từng phương diện hay tính chất của Giáo Hội thì cả 3 đều đúng:
Trước hết, nếu chúng ta tuyên xưng Giáo Hội "duy nhất", ở chỗ Giáo Hội là nhiệm
thể của Chúa Kitô, là hiền thê của Chúa Kitô, hiệp nhất nên một với Chúa Kitô và
với các phần thể của mình, thì Giáo Hội bắt đầu có từ ngay trong Bữa Tiệc Ly,
thời điểm Chúa Kitô bày tỏ tình Người yêu Giáo Hội cho tới cùng (xem Gioan 13:1;
15:12-13), hiến mình cho Giáo Hội qua lời truyền phép Thánh Thể (xem Luca
22:19-20), thánh hiến vì Giáo Hội (xem Gioan 17:19) và xin cho Giáo Hội được
hiệp nhất nên một (xem Gioan 17:21), cùng dạy các môn đệ yêu thương nhau
như được Người yêu thương (xem Gioan 13:34, 15:12).
Sau nữa, nếu chúng ta tuyên xưng Giáo Hội "thánh thiện", ở chỗ Giáo Hội là mẹ
của các linh hồn, là bí tích cứu độ, được xuất phát từ chính Chúa Kitô, như Evà
xuất từ Adong (xem Khởi Nguyên 2:22-23) để trở nên mẹ của các sinh linh (xem
Khởi Nguyên 3:20), thì Giáo Hội đã được xuất phát từ Thánh Giá Chúa
Kitô trên Đồi Canvê.
Sau hết, nếu chúng ta tuyên xưng Giáo Hội "công giáo", ở chỗ Giáo Hội là
Cộng Đồng Dân Chúa, là chứng nhân tông đồ, thì Giáo Hội được khai sinh từ biến
cố Thánh Thần Hiện Xuống, một biến cố tỏ tường cho thấy đặc tính "công giáo" của
Giáo Hội, ở chỗ "giống nhau" vì các tông đồ đã "nhận được quyền lực từ trên cao"
(Luca 24:49; Tông Vụ 1:8) khi lưỡi lửa đậu trên đầu của mỗi vị (xem tông Vụ
2:3); "phổ quát", vì sau đó các vị đã rao giảng cho toàn thể dân chúng từ khắp
các nơi về Giêrusalem (xem Tông Vụ 2:4); và "phục vụ", vì các vị đã sử dụng đặc
sủng nói tiếng lạ (xem Tông Vụ 3:4) để giúp cho mọi người khác nhau cùng nhận
biết Chúa Kitô.
Trước hết,
về đối nội,
“Công giáo” là giống nhau,
điển hình nhất là phụng vụ, đến độ đi đâu cũng chỉ cử hành cùng một nghi thức
phụng vụ, không như bên Chính Thống giáo Đông phương với đủ mọi nghi thức khác
nhau tùy theo truyền thống tông đồ v.v..
Bởi thế, những ai
cực bảo thủ, như trường hợp của ĐTGM
Lefèbre (1970) ở Pháp sau Công Đồng Chung Vaticanô II đã trở thành ly giáo
(1988), hay những ai quá cấp tiến
làm cho phụng vụ Thánh Lễ không còn ý nghĩa đích thực, như đã được ĐTC GPII hai
lần nhắc nhở và tìm cách cứu vãn (xem Thông Điệp Giáo Hội sống bởi Thánh Thể
17/4/2003 - đoạn 52, và Tông Thư kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Phụng Vụ Thánh
4/12/2003 – đoạn 15), đều phản Công giáo.
Sau nữa, về đối ngoại, "Công giáo" là
phổ quát, tức là truyền giáo cho mọi người được nhận biết Sứ Điệp Cứu Độ của
Chúa Kitô và chính Chúa Kitô mà trở về với Người mà được cứu độ.
Bởi thế, những ai thụ động không truyền
giáo, hoặc không cộng tác truyền giáo, hay
không sống thánh chứng nhân
theo ơn gọi là môn đệ Chúa Kitô của mình, thậm chí ngược lại những ai
chủ trương đồng nhất tôn giáo, hay
hoà đồng tôn giáo, đạo nào cũng
là đạo, đều phản Công giáo.
Sau hết, về sinh hoạt, "Công
giáo" là đa
dạng (với
đặc sủng tiếng lạ ngay từ khi Giáo Hội được hạ sinh nơi biến cố Thánh
Linh Hiện
Xuống),
nhưng là một đa dạng phục vụ hiệp nhất hay hiệp nhất trong đa dạng, (unity in
diversity chứ không phải theo kiểu đồng dạng - uniformity), tương tự như một
thân thể có nhiều chi thể (chứ không phải chỉ có mắt hay chỉ có tay hoặc chỉ
có đầu) và các chi thể tuy khác nhau nhưng liên kết với nhau lại thành một thân
thể và làm việc bởi thân thể và cho thân thể (xem 1Corinto 12:12-30).
Bởi thế, những ai có khuynh hướng "duy
ngã độc tôn" (chỉ có đoàn thể của mình hay bản thân mình là nhất, là có lợi,
còn những ai khác hay đoàn thể khác thì không bằng mình), hay những ai có
tinh thần cạnh tranh giành giật
(competition – “chúng con thấy có một kẻ nhân danh Thày mà trừ quỉ và chúng con
đã cố ngăn cản hắn vì hắn không thuộc về
nhóm của chúng ta” – Marco 9:38,40), đều phản Công giáo (Tại sao chỗ này đã tổ
chức Đại Hội LTXC rồi chỗ kia còn nhào ra tổ chức? Tại sao chúng ta tổ chức tĩnh
tâm ngày này mà nhóm kia cũng tổ chức tĩnh tâm trùng ngày? Tại sao chúng ta
không nghĩ cùng nhau tổ chức cho từng nơi và cho những ai không thể tham dự chỗ
này thì tham dự chỗ kia, và tại sao chúng ta không nghĩ vì hôm đó là ngày lành
tháng tốt nên nhóm nào cũng cảm thấy có ý nghĩa để thực hiện chứ không có ý lấy
khách của nhau v.v).