GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Quyền cầm buộc và cởi mở của
Giáo Hội:
bao gồm những gì và cho
tới đâu?
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Nền tảng Thánh Kinh:
Chúa Kitô
là Đấng sáng lập Kitô giáo nhưng không trực tiếp cai trị Giáo Hội của Người
và chăn dắt đoàn chiên của Người, nhưng đã trao quyền quản trị Giáo Hội và
chăn dắt đoàn chiên của Người trước hết và trên hết cho Tông Đồ Phêrô (xem
Mathêu 16:16 và Gioan 21:15-17), sau đó cho cả tồng đồ đoàn hiệp nhất với
Tông Đồ Phêrô (xem Mathêu 18:18 và Gioan 20:23).
Theo giòng
lịch sử, Giáo Hội đã quả thực thực thi quyền giảng dạy được gọi là Huấn
Quyền (Magisterium) của mình, trong đó bao gồm cả quyền cầm buộc và tháo cởi
của mình, những
quyền được chính Chúa
Kitô minh định trong Phúc Âm như sau:
1- "Thày trao cho con chìa khóa nước
trời. Điều gì con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc; điều gì con
cởi mở dưới đất trên trời cũng cởi mở" (Mathêu 16:19);
2- "Điều
gì các con
cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và điều
gì các con
cởi mở dưới đất trên trời cũng cởi mở" (Mathêu 18:18);
3- "Các
con tha thứ tội lỗi cho ai thì tội lỗi của người ấy được thứ tha; các con
cầm buộc tội ai thì tội lỗi của người ấy bị cầm buộc" (Gioan
20:23);
4- "Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ ở khắp
các dân nước. Các con hãy rửa tội cho
họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Hãy
dạy cho họ thi hành hết mọi sự Thày đã truyền cho các con" (Mathêu
28:19-20);
5- "Ai đón nhận các
con là đón nhận Thày, và ai đón nhận Thày là đón nhận Đấng đã sai Thày"
(Mathêu 10:40); "Ai nghe các con là nghe Thày. Ai loại trừ các con là loại
trừ Thày. Ai loại trừ Thày là loại trừ Đấng đã sai Thày" (Luca 10:16);
6- "Hãy
chăm nuôi các con cừu của Thày - Feed my lambs ... Hãy chăn dắt chiên của
Thày - Tend my sheep ... Hãy chăm nuôi chiên của Thày - Feed my sheep"
(Gioan 21:15-17).
Thẩm
Quyền Giáo Hội:
Căn
cứ vào chính các lời Chúa Kitô tuyên bố trên đây, Kitô hữu nói chung và Kitô
hữu Công giáo nói riêng đều
phải công nhận rằng:
1- Các tông đồ là nền tảng của Giáo Hội Chúa
Kitô (xem Epheso 2:20) - vì các ngài là chứng nhân tiên khởi của Chúa
Kitô, được Người tuyển chọn để đặc biệt tỏ
mình ra cho các ngài và sai các ngài đi để làm chứng về Người
cho đến tận cùng trái đất và cho tới khi
Người lại đến trong vinh quang.
2- Tông Đồ Đoàn được
lãnh đạo bởi Tông Đồ Phêrô, và thành
phần thừa kế Tông Đồ Đoàn là
Hàng Giáo Phẩm của Giáo Hội, bao gồm vị Giáo Hoàng Thừa
Kế Tông Đồ Phêrô và các vị Giám Mục
Thừa Kế các vị Tông Đồ khác - Hàng Giáo Phẩm của Giáo
Hội, bao gồm cả Giáo Hoàng và các vị Giám Mục, bao giờ
cũng thi hành
vai trò mục
tử lãnh đạo của
mình bằng 3 quyền vụ (quyền hành để
phục vụ theo
nhiệm vụ, hơn
là quyền bính - authority, hay quyền hành - power) chính
yếu của mình là
quyền vụ quản
trị, quyền vụ thánh
hóa và quyền vụ giảng
dạy.
3- Tông Đồ Trưởng Phêrô được trao cả chìa
khóa nước trời, tiêu biểu cho quyến bính của vai trò mục tử tối cao thay
Người chăn sóc toàn thể đàn chiên của Người trong Giáo Hội, lẫn trách nhiệm đóng
mở (động từ "đóng mở" hợp với ý nghĩa của chiếc "chìa khóa") cũng là trách
nhiệm buộc cởi (xem Mathêu 16:19) kiêm trách nhiệm chăm sóc toàn thể đàn
chiên của Chúa Kitô (xem Gioan 21:15-17) - đó là lý do chỉ cần một
mình thẩm quyền Giáo Hoàng thừa kế
ngài cũng có thể tuyên
bố các tín điều một cách vô ngộ (như định tín của Công Đồng Chung Vaticanô I
- 1870).
4- Tuy nhiên, quyền cầm buộc và cởi mở
cũng được Chúa Kitô trao cho chung cả Tông Đồ Đoàn
nữa (xem Mathêu 18:18) - bởi thế quyền
cầm buộc và cởi mở của Giáo Hội còn được thể hiện và hành
sử qua cả các
Công Đồng Chung của Giáo Hội trong suốt giòng lịch sử, những công đồng bao
gồm cả Giáo Hoàng và toàn thể Hàng Giám Mục trên thế giới, từ
Công Đồng Chung đầu tiên Nicea năm 325 đến Công Đồng Chung thứ 21 là
Vaticanô II (1962-1965).
5- "Hãy chăm nuôi
các con cừu của Thày - Feed my lambs ... Hãy chăn dắt chiên của Thày - Tend my
sheep ... Hãy chăm nuôi chiên của Thày - Feed my sheep" (Gioan 21:15-17). Quyền
cầm buộc và tháo cởi được Chúa Kitô trao cho riêng Tông Đồ Phêrô cũng như cho
chung Tông Đồ đoàn, tức cho thành phần thừa kế các vị là Giáo Hoàng nói riêng và
Hàng Giáo Phẫm nói chung trong Giáo Hội. Tuy nhiên, quyền chăn dắt toàn thể Giáo
Hội của Người chỉ được trao cho một mình Tông Đồ Phêrô, cả chiên nhỏ (cừu) lẫn
chiên lớn: "Cừu - lambs" trong câu thứ nhất liên quan đến tác động "chăm nuôi /
feed" có thể ám chỉ cộng đồng các tín hữu (chữ “lambs” ở số nhiều), "chiên"
trong câu thứ hai liên quan đến tác động "chăn dắt/ tend" có thể ám chỉ
chung Hàng Giáo Phẩm (“sheep” ở số ít), và "chiên" trong câu thứ ba liên
quan đến tác động "chăm nuôi" có thể ám chỉ chung Cộng Đồng Giáo Hội (“sheep” ở
số ít) vì ngay sau câu này là hình ảnh về cái chết của Mục Tử Phêrô sẽ phải hy
sinh mạng sống mình như Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, hiến mạng cho chiên sự
sống.
6-
"Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ ở khắp các dân nước. Các con hãy rửa tội cho họ
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Hãy dạy cho họ thi hành hết mọi sự Thày đã
truyền cho các con" (Mathêu 28:19-20). Câu này có thể nói bao gồm 3 thẩm quyền
chính yếu của Tông Đồ Đoàn cũng như của các vị thừa kế các Tông Đồ. Đó là quyền
quản trị, quyền thánh hóa và quyền giảng dạy. Quyền quản trị: "Các con hãy đi
tuyển mộ môn đồ ở khắp các dân nước”, và quyền quản trị này bao
gồm cả thành phần môn đồ ở các dân nước đây được các Tông Đồ tuyển chọn thừa kế
các vị, cũng như liên quan đến luật lệ hay kỷ luật của
Giáo Hội.
Quyền thánh hóa: “Hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, và
quyền thánh hóa này còn bao gồm cả các Bí Tích thánh khác liên quan đến phụng vụ
và nghi lễ nữa. Và quyền
giảng dạy: “Hãy
dạy cho họ thi hành hết mọi sự Thày đã truyền cho các con", và quyền giảng dạy
này bao gồm cả về tín lý, luân lý và tu đức.
7- Chính vì Tông Đồ Đoàn, bao gồm cả Tông Đồ
trưởng Phêrô, được Chúa Kitô tuyển chọn, tỏ mình và
sai đi, như chính Người được Cha
sai đến trần gian, mà: "Ai đón nhận các con là đón nhận Thày, và ai đón nhận
Thày là đón nhận Đấng đã sai Thày" (Mathêu 10:40); "Ai nghe các con là nghe
Thày. Ai loại trừ các con là loại trừ Thày. Ai loại trừ Thày là loại
trừ Đấng đã sai Thày" (Luca 10:16) - Bởi thế, Kitô hữu cần phải liên lỉ lắng
nghe, ngoan ngoãn tuân
phục và cương quyết trung
thành với các vị Thừa Kế Tông Đồ Đoàn
là Hàng Giáo Phẩm của Giáo Hội Chúa
Kitô, được lãnh đạo bởi các vị Giáo Hoàng, Thừa Kế Thánh Phêrô, Đại
Diện Chúa Kitô trên trần gian qua mọi thời đại.
8- Và
vì Giáo Hội được chính Chúa Kitô thiết lập (xem Mathêu 16:18) và ở cùng
cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20), mà cho dù Giáo Hội của Người có được
lãnh đạo bởi Hàng Giáo Phẩm nói chung và các vị Giáo Hoàng nói riêng chỉ là
loài người yếu đuối tội lỗi, như đã từng xẩy ra trong giòng lịch sử của Giáo
Hội, nhưng không một quyền lực tăm tối và thù địch nào, cho dù có quỉ
quyệt đến đâu và hung dữ đến mấy, cho dù cả hỏa ngục có gầm thét bùng
nổ như hỏa diệm sơn chăng nữa, cũng chẳng bao giờ và chẳng thể nào có thể
phá nổi Giáo Hội của Người (xem
Mathêu 16:18), trái lại, chính sự tồn
tại và phát triển của Giáo Hội, trong suốt giòng lịch sử của nhân loại qua
bao nhiêu gian nan thử thách bách hại hằng liên lỉ xẩy ra, đã quả thực cho
thấy sự hiện diện thần linh sống động của Chúa Kitô và quyền lực bất diệt
của Thánh Thần Người trong Giáo Hội.
Trách
Nhiệm Buộc Cởi:
Trách nhiệm cầm buộc và cởi mở của Giáo Hội được thi hành bởi riêng
vị Giáo Hoàng và chung Hàng Giáo Phẩm
trên thế giới, và là một thứ quyền liên quan đến Kho Tàng Đức
Tin của Giáo Hội cũng như đến 3 quyền
vụ chính của vai trò mục tử lãnh đạo các vị được Chúa Kitô ủy thác cho đó là
quyền vụ quản trị, quyền vụ thánh hóa và quyền vụ giảng dạy: "Các
con hãy đi tuyển mộ môn đồ ở khắp
các dân nước (quyền quản trị).
Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh
Cha và Con và Thánh Thần (quyền thánh hóa). Hãy
dạy cho họ thi hành hết mọi sự Thày đã truyền cho các con (quyền
giảng dạy)"
(Mathêu 28:19-20).
Nếu
Kho Tàng Đức Tin của Giáo Hội là toàn bộ chân lý mạc khải cũng là chân lý
cứu độ được Chúa Kitô tỏ ra cho các Tông Đồ
và được các Tông Đồ truyền đạt bằng
ngôn từ cũng như bằng văn
tự, qua Thánh Kinh và Thánh Truyền, thì quyền
cầm buộc và cởi mở của
Giáo Hội là ở chỗ vừa cẩn thận gìn
giữ (cầm buộc) vừa khôn khéo ban phát (cởi mở) Kho Tàng Đức Tin vô giá này
của mình, trong vai trò chỉ là quản gia làm theo ý chủ của mình, hơn
là vai trò chủ
nhân ông có toàn quyền quyết định những
gì không phải là sở hữu của mình mà chỉ được
trao phó cho mà thôi.
Về
trách nhiệm cầm buộc:
Trước hết, trong vai trò quản trị của mình, liên quan đến giáo luật
hay kỷ luật, Giáo Hội có quyền buộc hàng giáo sĩ phải sống độc thân, buộc
tín hữu lập gia đình phải sống thủy chung với nhau cho đến cùng, đó là lý do
về thủ tục thành hôn, Giáo
Hội buộc
phải qua khóa dự bị hôn nhân trước khi lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, buộc
ai xin lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối phải
có nhân chứng và minh chứng thực sự không vướng mắc một cuộc hôn nhân nào
khác, buộc
phải cho con cái lãnh nhận Phép Rửa thì người khác tôn giáo mới được kết hôn
với Kitô hữu Công giáo, buộc
phải có phép chuẩn khi muốn lấy người không phải Kitô hữu Công giáo v.v..
Sau nữa, trong vai trò thánh hóa của mình, liên quan đến phụng
vụ hay nghi thức, Giáo Hội có quyền buộc tín hữu phải giữ Ngày Chúa Nhật và
Các Ngày Lễ Buộc, buộc phải xưng tội một năm ít là một lần, buộc phải giữ
chay thích đáng trước khi Hiệp Lễ, phải ăn chay kiêng thịt vào những
dịp ấn định, buộc phải cử hành theo đúng nghi thức phụng vụ đã được Giáo
Hội qui định, buộc phải giữ ấn tòa giải tội v.v.
Sau hết, trong vai trò giảng dạy của mình,
liên quan đến tín lý hay luân lý, Giáo
Hội có quyền buộc phải tin vào các tín điều được Giáo Hội, qua các vị Giáo
Hoàng hay Công Đồng Chung, chính thức công khai tuyên bố, như là những chân
lý mạc khải của Thiên Chúa, chẳng hạn các tín điều về Chúa Ba Ngôi, về Chúa
Kitô (chẳng
hạn Tín Điều về một Chúa Kitô chỉ có một Ngôi Vị duy nhất với hai bản tính được
Công Đồng Nisea năm 325 và Ephêsô năm 431 tuyên
bố để phản bác 2 lạc giáo Ariô thế kỷ 4 và Nestoriô thế kỷ 5), về
Mẹ Maria (như
4 Tín Điều
Thánh Mẫu: Mẹ Thiên Chúa bởi Công Đồng Epheso năm 431, Mẹ Đồng Trinh
bởi Công Đồng Laterano năm 649, Mẹ Vô Nhiễm bởi Đức Piô IX 8/12/1854, và Mẹ
Mông Triệu bởi Đức Piô XII 1/11/1950),
về Luân Lý (chẳng
hạn tôn
trọng sự sống ngay từ khi thụ thai cho tới lúc tự nhiên qua đi),
có quyền cấm đọc các sách báo nguy hại đến đức tin Kitô giáo, có quyền cấm
thành phần giáo sư hay thần học gia chủ trương sai lạc phản Giáo Hội giảng
dạy trong các học đường Công giáo v.v.
Về trách
nhiệm cởi mở:
Trước
hết, trong
vai trò quản
trị của mình, liên quan đến giáo luật hay kỷ luật, Giáo
Hội có quyền cho
giáo dân lập gia đình được làm phó tế
vĩnh viễn (từ thời Công Đồng Chung Vaticanô II trong thập niên 1960), cho
các linh mục Chính Thống Giáo Đông Phương hay Hiệp Thông Anh Giáo trở về
hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn tiếp tục đời sống gia đình trong
khi thi hành thừa tác vụ linh mục của họ, có
quyền "treo chén" bất cứ vị linh mục hay giám mục nào trầm trọng vi phạm
giáo luật hoàn toàn phản lại với thừa tác vụ thánh của họ, có
quyền cho phép linh mục hồi tục được lập gia đình, có quyền tháo lời khấn
cho các tu sĩ vĩnh thệ xuất tu, có quyền giải hôn hay tiêu hôn cho những
cuộc hợp hôn bất thành ngay từ đầu v.v.
Sau nữa, trong
vai trò thánh hóa của
mình, liên quan đến phụng vụ hay nghi thức, Giáo Hội có quyền canh
tân phụng vụ, như Công Đồng Chung
Vaticanô II đã làm qua Hiến Chế Phụng Vụ Thánh ban hành năm 1963, có quyền
cho phép làm lễ bằng tiếng Latinh khi cần, có quyền cho rước lễ bằng tay hay
bằng miệng, có quyền châm chước hay thích ứng trong việc giữ các Ngày Lễ
Buộc trong năm, có
quyền ban ơn toàn xá hay đại xá v.v.
Sau hết, trong
vai trò giảng dạy của mình,
liên quan đến tín lý hay luân lý, Giáo
Hội có quyền tha vạ tuyệt thông
cho những ai theo các bè rối hay ly
giáo hoặc
lạc giáo trở
về với Giáo Hội, có
quyền công nhận các phép lạ hay các cuộc hiện ra hoặc các mạc khải tư, có
quyền thừa nhận những mầm mống thần linh nơi các đạo giáo ngoài Kitô giáo,
có quyền chấp nhận những tập tục địa phương hợp nhân bản và không phản
với đức tin Kitô giáo (như tục thờ kính ông bá tổ tiên theo văn hóa Á Đông),
có quyền cho phép thành hôn với người ngoài Kitô giáo v.v.
Về
giới hạn cởi mở:
Trước
hết, trong
vai trò quản
trị của mình, liên quan đến giáo luật hay kỷ luật, Giáo
Hội không bao giờ có quyền cho
nữ giới làm linh mục, không bao giờ có
quyền nhận người đồng tính làm linh mục, không được phép hợp
thức hóa hôn nhân đồng tính v.v.
Sau nữa, trong
vai trò thánh hóa của
mình, liên quan đến phụng vụ hay nghi thức, Giáo Hội không có quyền được
thêm bớt con số 7 bí tích, không có quyền thay đổi các yếu tố chính yếu làm
nên từng bí tích là
chất thể và mô thể của mỗi bí tích (chẳng
hạn như chất thể của Bí Tích Thánh Thể bao giờ cũng là bánh
không men cùng rượu nho, và mô thể của
Bí Tích Thánh Thể bao giờ cũng là lời truyền phép của vị chủ tế trong Thánh
Lễ) v.v.
Sau hết, trong
vai trò giảng dạy của mình,
liên quan đến tín lý hay luân lý, Giáo
Hội không được quyền chối bỏ chân lý
mạc khải chỉ có Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất (xem Tông Vụ 4:12; Gioan
3:17-18) và Giáo Hội là phương tiện cứu độ duy nhất của Thiên Chúa (xem
Marco 16:15-16; Gioan 17:21-23), không được quyền cho
phép phá
thai (kể cả khi bị hiếp, trừ
trường hợp cứu mạng thai mẫu),
không được quyền cho
phép ly dị, không được quyền
cho phép triệt sinh an tử hay triệt sinh trợ tử v.v.
Một
trong những nguyên tắc hay tiêu chuẩn để căn cứ vào đó Giáo Hội thực
hiện giới hạn thẩm quyền cởi mở của mình, đó là tất cả những gì Giáo Hội xét
thấy cần cởi mở hoàn toàn không phạm đến chính chân lý mạc khải cũng là chân
lý cứu độ, ở chỗ, những điều muốn cởi mở ấy tuyệt đối không được tương phản
với hay làm sai lệch đi chân lý mạc khải hay chân lý cứu độ. Điển hình nhất
là việc truyền chức linh mục cho nữ giới hay là việc ban Bí Tích Hôn Phối
cho các cặp đồng tính v.v.
Riêng
về vấn đề truyền chức linh mục cho nữ giới, trong Tông Thư Ordinatio
Sacerdotalis gửi cho các Vị Giám Mục Công Giáo ký ngày 22/5/1994, Thánh Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II đã kết thúc văn kiện quan trọng này để
giải quyết dứt khoát vấn đề cứ tiếp tục được bùng lên theo chiều hướng thuần
nhân quyền của thế giới văn minh tân tiến, nguyên văn như
sau:
"Bởi
thế, để loại trừ đi tất cả mọi ngờ vực liên quan đến một vấn đề
mang tầm vóc quan trọng, một vấn đề liên quan đến chính thể chế thần linh
của Giáo Hội, bằng thừa tác vụ của tôi trong việc củng cố anh em của mình
(xem Luca 22:32), tôi tuyên bố rằng Giáo
Hội không có một thẩm quyền nào hết trong việc truyền chức linh mục cho nữ
giới, và phán quyết này cần phải được vĩnh viễn tuân thủ bởi tất cả mọi tín
hữu trong Giáo Hội".
Việc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lấy
quyền của riêng mình là vị thừa kế Tông Đồ
Phêrô để tuyên bố dứt khoát về vấn đề
truyền chức linh mục cho nữ giới và buộc mọi tín hữu trong Giáo Hội phải
vĩnh viễn tuân thủ là chứng cớ cho thấy quyền sử dụng chìa khóa được trao
cho ngài với tư cách là thừa kế Tông Đồ
Phêrô trong việc gìn giữ hay bảo tồn
(khóa hay cầm buộc) Kho Tàng Đức Tin của Giáo Hội.
Nếu ai còn ấm ức chưa chịu thì cứ tự hỏi mình
xem có ngon hơn Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa hay chăng mà đòi
quyền cho mình hay cho nữ giới làm
linh mục, trong khi không ai xứng đáng làm
linh mục bằng Đệ
Nhất Nữ Nhân về ân sủng này! Ngoài ra, hãy đặt thẳng vấn đề với Thiên Chúa
là Đấng Tối Cao vô cùng khôn ngoan và toàn thiện rằng tại sao Ngài không
nhập thể là một nữ giới mà là nam giới, và tại sao Ngài là "Cha chúng con ở
trên trời", là Cha của Đức Giêsu Kitô mà
không là mẹ? Nếu mọi sự đã được Thiên
Chúa Hóa Công sắp xếp theo ý định thượng
trí của Ngài thì loài người tạo vật
không thể nhân danh nhân quyền và quyền bình đẳng phái tính của thời đại văn
minh duy nhân bản vô thần ngày nay để đòi
Thiên Chúa phải cho nam nhân sinh con như nữ giới và nữ giới có thân mình y
hệt như nam nhân, nghĩa
là bình đẳng phái tính đến độ cả hai
phái tính đều phải một là cải tính (sexual orientation change) như đang xẩy
ra nơi một số cá nhân, hai là trở thành trung
tính (neutral).
Về mục
vụ cởi mở:
1- Nam nhân đã
có gia đình được làm linh mục hay chăng?
Ngay từ đầu,
Giáo Hội chưa có hệ thống chủng viện để huấn luyện linh mục từ nhỏ hay
từ thời còn trẻ như bây giờ. Vậy
thì làm sao có được thành phần thừa kế các vị tông đồ nếu không phải là
thành phần đã có gia đình nhưng hội đủ điều kiện về tâm lý, luân lý, đạo lý
cũng như khả năng lãnh đạo để tiếp tục thừa tác vụ mục tử của các
tông đồ. Đó là lý do ngay từ đầu các vị phó tế, linh mục và giám mục là
những người có gia đình (Marco 1:29-31; Mathêu
8:14-15; Luca 4:38-39; 1Timotheu 3:2, 12; Tito 1:6). Bởi thế, tự bản chất
chức linh mục không buộc phải giữ độc thân.
Tuy nhiên, vị linh mục, về tinh thần,
là một Chúa Kitô Khác - Alter Christus / Another Christ, và về mục vụ, phải
làm sao chỉ biết chuyên tâm đến lợi ích trên hết của đoàn chiên, ngoài ra
không còn một quan tâm nào khác (như quan tâm đến gia đình riêng của
mình), Giáo Hội Công Giáo, theo giòng lịch sử, mới có luật linh mục độc
thân, bắt đầu nhen nhúm từ từ, như ở Tây Ban Nha vào năm 305, đến 2
Công Đồng Chung Lateranô I (1123) và II (1139), nhất là đến Công Đồng Chung
Triđentinô (1642-1643) là công đồng chẳng những cấm hôn nhân giáo sĩ
(prohibition of clerical marriage - khoản 9) mà còn khuyến khích mở các
chủng viện huấn luyện linh mục độc thân nữa.
Thậm chí ĐTC Biển Đức XV trong Consistorial Allocution
ngày 16/12/1920 của mình còn nhấn mạnh rằng Giáo Hội coi việc độc thân này
quan trọng đến độ không bao giờ hủy bỏ nó (xem Acta Apostolicae Sedis 12 -
1920 - trang 585).
Thế
nhưng, thưc tế đang xẩy ra là càng ngày càng khan hiếm linh mục nhất là ở
thế giới Tây phương. Nếu xẩy
ra trường hợp ở những nơi cả một
cộng đồng tín hữu cả năm hay nhiều năm chẳng được tham dự phụng vụ Thánh Lễ
hay lãnh nhận các Bí Tích Thánh, thì vì nhu cầu mục vụ
và lợi ích thiêng liêng cho tín hữu, Giáo
Hội có quyền tuyển
chọn một ít nam nhân có gia đình nào đó xứng đáng để làm
linh mục hay chăng?
2- Ly dị
tái hôn hay ăn ở vợ
chồng bất hợp pháp có được
xưng tội rước lễ hay chăng?
Chắc
chắn Giáo Hội không có quyền cho phép ly dị, vì đó là luật bất khả phân ly của
Thiên Chúa đối với ơn gọi và đời sống hôn nhân gia đình (xem Khởi
Nguyên 2:23-24; Mathêu 19:8-9). Đó
là lý do Giáo Hội rất thận trọng
trong vấn đề giải hôn hay tiêu hôn, thậm chí phải mất một thời gian lâu về
thủ tục mới xong, đến độ nhiều người không chờ được, và đã có ý kiến trong
Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ III - 2014 rút ngắn lại thủ tục này.
Tuy nhiên, thực
tế cho thấy có những trường hợp rất éo le khó có thể
giải quyết nếu chỉ sử dụng luật lệ bất khả phân ly của đời sống hôn nhân
gia đình và áp đặt qui tắc muốn lãnh nhận ơn tha thứ của Bí Tích
Giải Tội thì phải ăn năn dốc lòng chừa và phải từ bỏ dịp tội, sau đó
mới được rước lễ hay mới xứng đáng rước lễ.
Sau đây xin đan cử một số trường hợp cụ
thể điển hình liên quan đến mục vụ về hôn nhân gia đình của Giáo Hội để xem
Giáo Hội có quyền cho phép những ai rơi vào các trường hợp này mà chưa thể
nào thoát nổi được xưng tội rước lễ hay chăng?
Trường
hợp thứ nhất, mẹ con sang Mỹ trước trong khi chồng vẫn bị cải tạo, sau đó
nghe tin chồng vượt ngục đã bị bắn chết, nhưng chưa có gì là chính xác,
và đã từng liên lạc với Hội Hồng Thập Tự thế giới để tìm chồng mà mãi không
thấy đâu. Nếu trong thời gian chờ đợi chồng mà hoàn cảnh đưa đẩy cần
nơi nương tựa nơi một người đàn ông nào đó để rồi
sau đó có con với người đàn ông này. Vì không có bằng chứng thật sự chồng
chết nên cuộc sống với người đàn ông kia như vợ chồng là đời
sống bất hợp pháp đối với Chúa và Giáo Hội, không được xưng tội rước lễ.
Trường
hợp thứ hai, mẹ con sang Mỹ đoàn tụ với bố mẹ và anh chị em của mình, nhưng
người chồng nhất định sang Mỹ, và ở Mỹ người vợ cần nương tựa cả về vật chất
lẫn tình cảm, đã không thể giữ mình, nên đã sống với một người đàn ông khác
và đã có con với người ta. Người vợ đã từng xin giải hôn ở tòa hôn phối giáo
phận Hoa Kỳ nhưng bị tòa án hôn phối giáo phận ở VN của người chồng không
chịu bởi người chồng phản đối. Do đó người vợ không được giải hôn và
việc ăn ở vợ chồng với người đàn ông
của chị là bất hợp pháp, không được xưng tội chịu lễ.
Trường
hợp thứ ba, cả gia đình bao gồm
cha mẹ và con cái đi vượt biên với
nhau, nhưng chẳng may người vợ bị hải tặc hiếp rồi
mang đi mất tiêu. sang tới Mỹ, người chồng tiếp tục tìm kiếm vợ, thậm chí
sang đất nước của kẻ hiếp vợ mình để tìm vợ ở các ổ điếm, nhưng
càng tìm càng chẳng thấy đâu. Trong khi đó các đứa con
cần bàn tay của người mẹ chăm sóc, và tình cảm của người chồng cũng khó
lòng đứng vững trước duyên sắc và sắn đón của một người đàn bà sẵn sàng thay
vợ chăm sóc cho gia đình mình, nên đã ăn ở với người đàn bà này và đã có con
với nhau. Tất nhiên là trường hợp ăn ở với nhau này là bất hợp pháp và do đó
không được xưng tội rước lễ.
3- Đáp ứng mục vụ từng trường hợp chuyên
biệt
Nếu Chúa Kitô đến thế gian là để cứu
chung nhân loại thì Người đồng thời cũng lưu ý tới từng trường hợp nữa, như
trường hợp với người phụ nữ ở bờ giếng Giacóp đã sống
với 6 người đàn ông không phải là chồng của chị (xem
Gioan 4:4-30), hay trường hợp với viên trưởng ban thu thuế Giakêu lùn (xem
Luca 19:1-10). Bởi thế, Giáo
Hội cũng cần phải lưu tâm tới từng trường hợp đặc biệt để có thể mang ơn
cứu độ đến cho họ một cách xứng hợp thích đáng và
hiệu nghiệm một cách khôn khéo nào đó.
Giáo
Hội được ký thác kho tàng đức tin cho không phải chỉ để gìn giữ (cầm buộc)
mà con để phân phát nữa (cởi mở), bằng không, kho tàng đức tin sẽ trở
thành vô dụng cho dù được bảo trì hết sức kỹ lưỡng
không bị thất thoát một tí gì, nhưng vẫn chỉ là một nén bạc còn nguyên trả
về cho chủ, khiến chủ đã bị phật ý và ra tay trừng phạt (xem Mathêu
25:24-30; Luca 19:20-27).
Trước
hết, về trường hợp cả một cộng đồng dân Chúa thiếu linh mục nên không được
hưởng các ơn ích thiêng liêng về phần hồn, để nhờ đó họ có
thể đủ sức thiêng mà chống trả cám dỗ và tránh
lánh tội lỗi
nếu thiếu ơn Chúa và còn
nhờ đó có thể sống chứng nhân hơn
nữa, Giáo Hội vẫn có thể dùng quyền cởi mở của mình để
tuyển chọn một số nam nhân đang có gia đình nhưng thật xứng đáng về đủ mọi
phương diện cho thừa tác vụ linh mục trong việc đáp ứng nhu cầu của
cộng đồng dân Chúa địa phương của mình.
Sau nữa, về 3 trường hợp sống vợ chồng
ngang trái bất hợp pháp, như
trên đây, Giáo Hội cũng có thể dùng quyền cởi mở của mình để cho họ xưng tội
rước lễ với các điều kiện thật thích đáng, nếu thật sự thấy cá nhân đó ở
trong hoàn cảnh khó xử và khó tháo gỡ, nhất là liên quan đến lợi ích về cả tinh
thần lẫn thiêng liêng của con cái, nhưng
lại là một cá nhân vốn
có một tấm lòng tan nát khiêm cung khi thấy mình đang sống một cuộc đời tội
lỗi ngang trái bất đắc dĩ ngoài ý muốn của họ, và họ thật lòng khao khát
muốn được rước lễ, để nhờ ơn Chúa họ có thể tránh được một đời sống càng tệ
hại hơn nữa nếu thiếu sức thiêng, trái lại, họ còn có thể làm
gương sống đạo cho
con cái.
Thứ Năm 20/11/2014,
Bài chia sẻ sống đạo với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương Tiểu Nhóm 3 GP Orange CA