SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

"Thấy người mà nghĩ đến thân"

(Chia sẻ trong cuộc hội ngộ với Tông Đồ Chúa Tình Thương tiểu nhóm 2 GP Orange CA Thứ Năm 9/10/2014)

"Chính cái lương tâm làm cho tôi thấy được lỗi lầm của người khác trước hết nhắc nhở tôi rằng tôi cũng đã lỗi lầm và sai lạc rất nhiều lần rồi".

1- Trên đây là lời huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Huấn Từ Truyền Tin của ngài hôm Chúa Nhật 7-9-2014, nhân bài Phúc Âm của Thánh Mathêu đoạn 18 về việc anh chị em sửa lỗi cho nhau.  

2- Lời trên đây chỉ có ý nói rằng thấy người mà nghĩ đến thân, ở chỗ, tôi là người nên tôi cũng có thể làm bất cứ chuyện gì, dù tầy trời nhất, gian ác nhất, độc ác nhất, như hành động chặt đầu của Nhà Nước Hồi Giáo, 

 

3- Bởi thế, khi nghe thấy hay nhìn thấy ai phạm tội, nhất là những tội ác kinh hoàng, chúng ta trước hết hãy hạ mình xuống, tạ ơn Chúa đã gìn giữ con, bằng không là người như họ con cũng có thể gây ra tội ác như họ hay hơn họ.

 

4- Sau nữa, hãy cầu nguyện cho chính thành phần phạm nhân đáng thương này, chứ không phải chỉ cầu cho thành phần nạn nhân của họ mà thôi, vì thành phần phạm nhân mới đáng thương hơn cả thành phần nạn nhân nữa, bởi tội ác họ gây ra liên quan đến phần rỗi đời đời của họ chứ không phải chỉ liên quan đến phần xác và vật chất bị thiệt mạng hay thiệt hại do họ gây ra cho thành phần nạn nhân của họ.

 

5- Chúng ta vốn xu hướng về cái xấu, nên dễ nghe nói xấu và hay nói xấu, Chính ý nghĩ xấu của chúng ta về anh chị em chúng ta là những gì chi phối lời nói xấu và hành động xấu của chúng ta đối với những người anh chị em bị chúng ta nghĩ xấu.

 

6- Vì thế chúng ta rất khó tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, và nếu chúng ta có tha cho họ thì họ cũng phải vô tình chứ không được cố ý xúc phạm đến chúng ta, hay có tha thì họ cũng phải trực tiếp đến xin lỗi chúng ta chứ chúng ta không thể nào tự tha thứ cho họ, chứ chưa nói đến chuyện làm hòa với những ai phạm đến mình như Chúa dạy (xem Mathêu 5:23-24), và như gương của Chúa, Đấng đã bị loài người xúc phạm nhưng đã tự động từ trời xuống làm hòa với loài người!

 

Có một chị là người vốn hay áp dụng phương pháp "hãy lợi dụng để sống Lòng Thương Xót Chúa" cho biết rằng có những hoàn cảnh trong gia đình làm cho mình tức điên lên. Cùng với các góp ý khác để làm sao có thể chẳng những không bị bấn loạn mà còn làm chủ được các trường hợp như thế, tôi đã chia sẻ thêm như sau:

 

1- Đừng nhìn đến đối tượng gây ra sự việc rắc rối hay bất lợi cho mình hơn là nhìn thẳng lên Chúa là chính Đấng để nó xẩy ra như vậy để thánh hóa mình, Đấng muốn sử dụng tác nhân ấy để làm lợi cho mình, một tác nhân do đó theo đức tin mình còn phải cám ơn họ bởi nhờ họ mà mình nên thánh hơn;

2- Kitô hữu chúng ta đã là thánh khi lãnh nhận phép rửa nhưng muốn làm thánh phải cố gắng nên thánh bằng cách lợi dụng tất cả mọi sự trái ý và gian nan khốn khó xẩy đến cho mình: khi chống trả cám dỗ và cố gắng chịu đựng là chúng ta đang nên thánh, cho đến khi thắng vượt được cám dỗ và bình an trong đau khổ là chúng ta đã làm thánh rồi vậy.

3- Hãy luôn tâm niệm câu Chúa Giêsu nói đầu tiên trên thập tự giá: "họ lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34) thì chúng ta có thể nhẫn nại chịu đựng lẫn nhau, nhất là có thể tha thứ cho nhau, dù phạm nhân không xin lỗi mình hay cố tình phạm đến mình nhiều lần đi nữa.

4- Kitô hữu chúng ta hay sống trong tình trạng trở thành nạn nhân gấp đôi, ở chỗ, chẳng những là nạn nhân của phạm nhân mà còn là nạn nhân của chính mình khi chấp nhất phạm nhân, không tự động tha thứ cho họ, khiến lòng lúc nào cũng nặng nề và bề ngoài thì sợ ma ban ngày mỗi khi gặp phạm nhân, không dám nhìn phạm nhân và tránh né phạm nhân, và vì thế đã là nạn nhân mà còn phải đi xưng tội lỗi đức bác ái.

 

5- Chính những lúc đụng chạm nhau và gặp đau khổ mới cho thấy đức tin của Kitô hữu chúng ta có chân thực hay chăng và đang ở mức độ nào: nên thánh và sống đức tin không phải chỉ ở trong nhà thờ và việc đạo đức mà nhất là ở những lúc gặp đau khổ thử thách: Vậy hãy lợi dụng tất cả mọi sự để sống Lòng thương Xót Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc.

 

Có một chị xin tôi lập lại câu tôi trả lời trước đây mà chị đã quên liên quan đến vấn đề tại sao Chúa để bất hạnh xẩy ra cho những người vô tội? Tôi không nhớ tôi đã trả lời như thế nào như chị đã nghe, nhưng tôi đã trả lời lại như sau:

 

1- Chìa khóa của vấn đề là ở Thánh Giá Chúa Kitô: không ai được Cha thương bằng Con của Ngài, nhưng cũng chẳng có ai lại phải chịu khổ đau bằng Con của Ngài! Tại sao thế? Chỉ vì phần rỗi nhân loại. Bởi chỉ có Người Con vô tội này mới có thể đền tội cho loài người và cứu chuộc loài người tội lỗi mà thôi.

 

2- Thật vậy, nếu mục đích của Thiên Chúa dựng nên loài người là để cho họ được hiệp thông thần linh đời đời với Ngài ở đời sau, tức là họ được cứu độ và lên thiên đàng với Ngài, thì Ngài phải sử dụng mọi cách để thực hiện ý định của Ngài nhờ đó nhân loại có thể được cứu độ, mà cách duy nhất được Ngài vô cùng khôn ngoan và toàn năng sử dụng đó là hy sinh Con duy nhất của Ngài, đến độ "không dung tha cho Con mình, một phó nộp Người cí tất cả chúng ta" (Rôma 8:32).

 

3- Con người muốn được cứu độ cũng phải trải qua đau khổ. Thành phần nạn nhân vô tội sống bất hạnh hay bị chết đi vì thiên tai chẳng những là để cứu độ bản thân mình mà còn nhờ đó cùng với Chúa Kitô cứu độ các linh hồn cần đến LTXC hơn nữa. Thiên Chúa muốn sử dụng cái vô tội của họ (như tính chất vô tội nơi Con của Ngài) để làm cái giá xứng đáng cứu độ thành phần tội nhân đồng loại đáng thương của họ. 

 

4- Thế nên, mỗi lần tôi thấy thiên tai xẩy ra, mà nạn nhân thường là thành phần vô tội, (như động đất hiếm khi xẩy ra ở những thành phố tội lỗi, hay những nơi giầu sang phú quí đo hội, hầu như ở những nơi dân lành hẻo lánh nghèo khổ đáng thương), tôi đều nghĩ đến thành phần nạn nhân vô tội đã trở thành cái giá cứu độ tha nhân đồng loại của mình...

Nghe tôi trình bày như thế, một chị cảm thấy Chúa bất công với người vô tội và làm cho thành phần tội lỗi cứ tiếp tục tội lỗi rồi cũng được Chúa cứu. Tôi đã làm sáng tỏ hơn như sau:

 

5- Muốn được cứu rỗi cần phải nhận biết Thiên Chúa, bởi thế tội nhân nào cũng phải nhận biết Thiên Chúa một cách nào đó, ở chỗ, họ cảm thấy được LTXC trước cuộc đời tội lỗi của họ, nhờ đó họ ngợi khen cảm tạ LTXC. 

 

6- Thành phần nạn nhân vô tội cũng thế, trên thiên đàng họ cũng muôn đời cảm tạ LTXC vì họ đã được Ngài thương cho được vô tội mà tham dự vào công cuộc cứu độ vô cùng cao cả xót thương nhân hậu của Ngài với tha nhân đồng loại tội lỗi đáng thương. Bởi Ơn Cứu Độ không phải chỉ giành riêng cho họ mà còn cho tất cả nhân loại, nhất là những linh hồn cần đến LTXC hơn. 

7- Thành phần nạn nhân vô tội, vì là loài người nên cũng có thể trở thành phạm nhân như ai, thậm chí còn hơn ai, nếu ở trong hoàn cảnh của các phạm nhân, như thực tế cho thấy khi còn ở miền quê thì vô tội đấy nhưng một khi đã lên đến tỉnh thành rồi thì tội lỗi như ai, hay khi còn ở VN thì có vẻ Khổng giáo đấy nhưng sang đến Mỹ rồi thì chỉ có quyền làm người hơn là tình người.

 

8- Tóm lại, dù là phạm nhân tội lỗi hay nạn nhân vô tội cuối cùng cũng chỉ cùng nhau muôn đời tri ân cảm tạ ngợi khen LTXC vô cùng nhân hậu mà thôi!

 TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh