SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Thứ Sáu Tuần Thánh - Bản Án Giêsu

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Diễn Tiến

 

Trong Tam Nhật Thánh, nhất là Thứ Sáu Tuần Thánh, thời điểm tưởng niệm biến cố được Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ của Người khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể phải làm để tưởng nhớ đến Người, Đấng "đã bị nộp vì các con" (Lk 22:19), chúng ta hãy giành chút thời giờ để đọc kỹ hay nghe kỹ lại những gì xẩy ra cho Người qua Phúc Âm Thánh Gioan, một phúc âm được Giáo Hội chọn đọc cho chính ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này, một phúc âm cũng rất ăn khớp với bộ Phúc Âm Nhất Lãm về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

 

1- Về sự kiện Chúa Giêsu trước Thượng Tế Anna có riêng hẳn một đoạn không có  ở bất cứ Phúc Âm nào (18:12-14,19-24);

 

2- Về sự kiện Tông Đồ Phêrô chối Thày: Có 3 trường hợp khác nhau rõ ràng hoàn toàn xẩy ra ở dinh Thượng Tế Anna: lần nhất khi vị tông đồ này vừa được tông đồ Gioan ra cổng đưa vào bên trong (18:16-17); lần hai đang ngồi sưởi (18:18,25) và lần ba khi Chúa Giêsu bị giải sang cho thượng tế Caipha (18:26-27).

 

Đến đây, Phúc Âm Thánh Luca cho biết hai chi tiết: thứ nhất là lần chối thứ ba cách lần chối thứ nhất 1 tiếng (22:59) và sau lần chối thứ ba Chúa Giêsu quay lại nhìn tông đồ Phêrô (22:61). Như thế, căn cứ vào các chi tiết của Phúc Âm Thành Gioan và Luca thì thời gian Chúa Giêsu ở Dinh Thượng Tế Anna khoảng chừng 1 tiếng đồng hồ, và khi Người được giải sang Dinh Thượng tế Caipha thì đó là lúc Người quay nhìn vị tông đồ chối bỏ mình.

 

3- Về sự kiện Chúa Giêsu bị phán quyết và lên án ở Dinh Thượng tế Caipha, Phúc Âm Thánh Gioan hoàn toàn không đề cập gì tới, vì Phúc Âm Thánh Mathêu và Phúc Âm Thánh Marcô đã trình thuật lại sự kiện này với những chi tiết giống nhau, bao gồm 3 phần: phần cáo gian, phần vấn đáp và phần kết án (Mt 26:57-67; Mk 14:53-65).

 

Ngoài ra, cũng ở chỗ Phúc Âm Thánh Gioan im lặng này, riêng Phúc Âm Thánh Mathêu còn thêm một sự kiện nữa, đó là sự kiện tông đồ Giuđa nghe tin Hội Đồng Do Thái lên án tử cho Thày mình và giải Thày đến cho Tổng Trấn Philatô thì cảm thấy hối hận và quyết định đi trả lại tiền bán Thày cho họ rồi đi tự tử (xem Mt 27:1-5).

 

4- Về sự kiện Người được Tổng Trấn Philatô phân xử, một sự kiện chỉ có Phúc Âm Thánh Gioan là nói rõ nhất, bao gồm 3 màn phân xử rõ ràng: màn thứ nhất (Jn 18:28-38): "Sự thật là gì?" (câu 38) - Chúa Giêsu được Philatô hạch hỏi về vương quyền của Người; màn thứ hai (18:38,19:1-7): "Này là Con Người ấy"- Chúa Giêsu bị Philatô cho hành hạ; màn thứ ba (19:8-16): "Đây là vua của các ngươi"- Chúa Giêsu bị Philatô ra lệnh đóng đanh trước áp lực của dân Do Thái.

 

Đối với thái độ của dân Do Thái và thẩm quyền Philatô, ở màn 1, Philatô bảo dân Do Thái tự xử nhưng họ trả lời họ không có quyền tố cáo ai, nhưng sau khi hạch hỏi bị cáo, Philatô tuyên bố bị cáo vô tội; ở màn thứ hai, Philatô tính thả bị can nhưng dân chúng đòi tha Baraba, nên ông ra lệnh hành hạ bị can rồi tuyên bố trước mặt dân chúng là bị can vô tội, nhưng bị đám trưởng tế và vệ binh la ó đòi đóng đanh, vì bị can dám cho mình là Con Thiên Chúa; ở màn ba, sau khi hạch hỏi về nguồn gốc thần linh của bị cáo, thẩm quyền Philatô lại đem bị can ra tuyên bố vô tội, nhưng bị dân Do Thái dọa rằng nếu tha cho bị can là ông chống lại hoàng đế Ceasar và Ceasar là vua duy nhất của dân Do Thái chứ không phải bị can Giêsu, Philatô đã đành phải ra lệnh đóng đanh bị can vô tội theo ý dân Do Thái.

 

Trong vụ phân xử Chúa Giêsu ở Dinh Philatô, còn có một sự kiện không được Thánh Ký Gioan kể tới, vì đã được thuật lại ở Phúc Âm Thánh Luca (22:2-12) đó là sự kiện Chúa Giêsu được giải đến cho quận vương Hêrôđê. Sự kiện này xẩy ra ở màn xử đầu tiên ở Dinh Philatô, sau khi vị tổng trấn này muốn tha cho bị can thì dân Do Thái tố cáo bị can muốn dấy loạn bằng giáo thuyết của mình khởi đầu từ Galilêa là địa dự thuộc thẩm quyền của quận vương Hêrôđê.

 

Căn cứ vào diễn tiến ở cả Dinh Caipha và Dinh Philatô liên quan tới sự kiện xử án nhân vật Giêsu Nazarét này thì mỗi thẩm quyền nhắm vào một tội danh khác nhau của Chúa Giêsu, tùy theo tính chất của mỗi thẩm quyền. Chẳng hạn, trong khi thẩm quyền Do Thái lên án Người liên quan đến tôn giáo, đến nguồn gốc thần linh của Người, thì thẩm quyền dân ngoại Rôma lại lưu ý tới khía cạnh chính trị, đến quyền bính vua chúa của Người đối với dân Do Thái.  

 

5- Về đoạn đường núi sọ: Thánh Ký Gioan không hề thuật lại tí nào, vì đã có Phúc Âm Nhất Lãm trình thuật, chẳng hạn sự kiện Simon thành Cyrênê bị bắt vác thập giá phụ với Chúa Giêsu, và riêng Phúc Âm Thánh Luca còn thuật lại sự kiện Chúa Giêsu nhắc nhở thành phần phụ nữ thành Gialiêm khóc thương Người (23:27-31).

 

6- Về Núi Sọ CanvêPhúc Âm Thánh Gioan có 3 đầu trong 4 chi tiết dưới đây giống với Phúc Âm Nhất Lãm, đó là: Chúa Giêsu bị đóng đanh ở giữa 2 tên trộm, y phục của Người được đám quân lính Rôma bắt thăm chia chác, trên đầu cây thập tự giá của Người có treo tấm bảng đề "Vua Dân Do Thái", và Người bị thẩm quyền Do Thái cùng với dân chúng xỉ nhục và nhạo báng. Ngoài ra, chỉ có Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại những chi tiết đặc biệt khác (19:25-37), như sự kiện dưới chân thập giá của Chúa Giêsu có Mẹ của Người và môn đệ yêu dấu, sự kiện Người trăn trối Thánh Gioan cho Mẹ Người và Mẹ Người cho Thánh Gioan, sự kiện Người kêu "Tôi khát", và sự kiện cạnh sườn của Người bị lưỡi đòng của một người lính Rôma đâm vào, khiến máu cùng nước chảy ra.  

 

Ngoài ra, cũng ở chỗ Phúc Âm Thánh Gioan im lặng này, riêng Phúc Âm Thánh Mathêu còn thêm một sự kiện nữa, đó là sự kiện tông đồ Giuđa nghe tin Hội Đồng Do Thái lên án tử cho Thày mình và giải Thày đến cho Tổng Trấn Philatô thì cảm thấy hối hận và quyết định đi trả lại tiền bán Thày cho họ rồi đi tự tử (xem Mt 27:1-5). 

 

7- Về những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập tự giá, Thánh Gioan thuật lại 4 lời, Thánh Luca 3 lời và Thánh Mathêu với Thánh Marcô chỉ có 1 lời. Tất cả là 8 lời chứ không phải 7, thứ tự như sau: 1- "Cha ơi, xin tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Lk 23:34); 2- "Tôi bảo cho anh biết hôm nay anh sẽ được ở cùng Tôi trên thiên đàng" (Lk 23:43); 3- "Hỡi bà, đó là người con của bà" (Jn 19:26); 4- "Đó là Mẹ của con" (Jn 19:27); 5- "Chúa Trời Con ơi, Chúa Trời Con ơi, sao Ngài lại bỏ rơi Con?" (Mt 27:46; Mk 15:34); 6- "Tôi khát" (Jn 19:28); 7- "Giờ đã hoàn tất" (Jn 19:30); 8- "Cha ơi, Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha" (Lk 23:46).

 

Phúc Âm Thánh Gioan, theo chu kỳ phụng niên, dù không thuộc về một chu kỳ nào nhất định, cũng được Giáo Hội sử dụng vào các thời điểm phụng vụ đặc biệt, như Mùa Vọng: Chúa Nhật 3 thuộc chu kỳ Năm B; Mùa Giáng Sinh: Đại Lễ Giáng Sinh lễ ban ngày, và Chúa Nhật 2 sau Giáng Sinh; Mùa Chay Các Chúa Nhật 3-5 thuộc chu kỳ Năm A và B, và Chúa Nhật 5 Năm C; Tuần Thánh Ngày Thứ Năm lễ nghi Rửa Chân và Ngày Thứ Sáu nghi thức thương khó; Mùa Phục Sinh: Các Chúa Nhật suốt mùa này; Mùa Thường Niên: Chúa Nhật 2 cho cả 3 chu kỳ A-B-C, Chúa Nhật 17-21 và Lễ Chúa Kitô Vua thuộc chu kỳ Năm B.

 

Vấn Đề

 

 

Thứ Sáu Tuần Thánh có 3 vấn đề cần được suy tư như sau: Tại sao gọi là Good Friday chứ không phải là Holy Friday? (1);  Tại sao Phêrô lại nhanh chóng và dễ dàng chối Thày? (2); Tại sao Philatô nhận biết Chúa Kitô mà lại vẫn giết Người? (3).

 

I- Tại sao gọi là Good Friday chứ không phải là Holy Friday?

 

Sự kiện đầu tiên đó là chỉ ở thế giới Tiếng Anh mới gọi là Good Friday mà thôi. Từ ngữ này xuất phát từ cảm nhận của con người về một trong 3 ngày trong Tuần Thánh, vốn được gọi là Thứ Sáu Tuần Thánh hay Holy Friday ngay từ đầu. Theo lịch sử thì hơn 3 thế kỷ đầu chỉ có một ngày duy nhất cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua – Paschal Mystery, đó là Thứ Bảy áp Lễ Phục Sinh. Cho tới sau khi Kitô giáo được chính thức hóa từ triều đại của Hoàng Đế Constantine (306-337) vào năm 313 bởi Sắc Chỉ Milan, Mầu Nhiệm Vượt Qua mới bắt đầu được chia làm 3 ngày được gọi là Tam Nhật Vượt Qua – Sacred Paschal Triduum cũng gọi là Tam Nhật Thánh: Thứ Năm Thánh, Thứ Sáu Thánh và Thứ Bảy Thánh.

 

Về ý nghĩa ngày nào trong Tam Nhật Vượt Qua cũng là Ngày Thánh, là bởi vì ngày nào cũng liên quan đến Mầu Nhiệm Vượt Qua là mầu nhiệm mạc khải thần linh cao cả nhất về mộtThiên Chúa là tình yêu (1Gioan 4:8,16), tức về một vị Thiên Chúa Toàn Hảo, một vị Thiên Chúa – Thánh, Thánh, Thánh! Có thể đó là lý do Thứ Sáu Tuần Thánh đã được thế giới Anh ngữ gọi một cách đặc biệt là Good Friday, tức là ngày cho thấy tất cả sự thiện hảo tốt lành của Thiên Chúa. Bởi thế, cũng trong thế giới Anh ngữ, Thứ Sáu Tuần Thánh này cũng được gọi là Great Friday nữa, thậm chí còn được gọi là Black Friday, ám chỉ một ngày u ám cho Con Thiên Chúa, một ngày Con Thiên Chúa tử giá!

  

II- Tại sao Phêrô lại nhanh chóng và dễ dàng chối Thày?

 

Theo bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan luôn được Giáo Hội chọn đọc vào Thứ Sáu Tuần Thánh, (trong khi các bài Phúc Âm Nhất Lãm của Thánh Ký Mathêu cho Chu Kỳ Phụng Vụ Năm A, Thánh Marcô cho Năm B và Thánh Luca cho Năm C), và chỉ có nơi phúc âm của vị thánh ký biệt danh là người môn đệ được Chúa Giêsu yêunày (Gioan 13:23, 19:26, 20:2; 21:7,20), chúng ta mới biết được thêm các chi tiến cần liên quan đến lý do tại sao hay nguyên nhân sâu xa tại sao Tông Đồ Phêrô đã chối Thày mình một cách dễ dàng và mau chóng đến như thế, trong khi mới trước đó vị tông đồ này đã thề sống chết với Thày (xem Gioan 13:37), và đó là lý do trong khi tất cả đều bỏ Người mà thoát thân(Marco 14:50) thì ngài cùng với Tông Đồ Gioan (cũng là 2 vị tông đồ cùng đến mồ sau khi nghe tin xác Thày không còn trong mồ) vẫn cốtheo sát Chúa Giêsu(Gioan 18:15).

 

Sự kiện thứ nhất đó là ngài được Tông Đồ Gioan là vị quen biết với Thượng Tế Anna can thiệp để ngài có thể qua cổng là nơi ngài đang đứng bấy giờ mà vào bên trong khu vườn của Dinh Thượng Tế. Việc can thiệp ngay lành này của Tông Đồ Gioan có thể đã gây ngay mối nghi vấn cho phe Thượng Tế, do đó, người phụ nữ canh cổng bấy giờ mới đặt vấn đề với Tông Đồ Phêrô liền:Ngươi không phải là một trong đám môn đệ của tên ấy hay sao?Bị chất vấn bất ngờ, như bị một quả đấm ngay vào mặt, vị trưởng Tông Đồ đoàn hăng say cách đó không lâu đã phản ứng không kịp, để rồi bị choáng váng ngã xuống: “Không phải tôi đâu” (Gioan 18:17). Tác động chối Thày của ngài lần thứ nhất này có thể thông cảm được, là vì ngài muốn dấu kín chân tướng của mình để có thể nhờ đótheo sát Thày cùng với tông đồ Gioan, tức là được vào bên trong.

 

Quả thế, nhưng thương ôi, nhờ được lọt vào bên trong mà ngài tiếp tục chối thêm hai lần nữa, khi chỉ một mình ngài lạc loài đứng sưởi với thành phần bộ hạ của vị Thượng Tế, khiến ngài làm sao tránh được trở thành mục tiêu chú ý của đối phương. Họ nói với ngài rằng: ‘người không phải là môn đệ của hắn hay sao?’”, và trong khi một đàng vừa tiếp tục theo dõi Thày ở bên trong Dinh Thượng Tế một đàng vừa lo lắng bị lộ tẩy thì lại bị cả đám nhào vô đánh hội đồng bằng cách chặn hỏi một cách bất ngờ, một câu hỏi có tính cách khẳng định như câu hỏi ở ngoài cổng, nhưng lần này cả đám hỏi chứ không phải chỉ một người nữ hỏi, khiến người môn đệ đã dám cả gan hứa quyết với Thàycho dù tất cả có lung lạc đức tin vào Thày, con cũng không bao giờ lay chuyển niềm tin với Thày (Mathêu 26:33) vẫn không thể chống cự lại sức mạnh của đám đông tấn công bấy giờ, nên ngài đã tiếp tục cố gắng che dấu thân phận:Không phải là tôi (Gioan 18:25). 

 

Thế nhưng, cho dù bị đánh hội đồng như thế, và cho dù, theo phản ứng tự nhiên về cả tâm lý lẫn thể lý, ngài đã cố gắng cong người lại (bảo vệ con tim) và ôm lấy đầu (bảo vệ cái mặt), một phản ứng sống còn của một người bị tấn công theo bản năng tự vệ mạng sống, một phản ứng cho thấy người môn đệ cả này vẫn tiếp tục muốn bảo vệ tấm lòng trung kiên và thân phận môn đệ của mình với Thày cho đến cùng, mặc dầu bề ngoài có vẻ phũ phàng và mâu thuẫn. Để rồi, cuối cùng ngài vẫn không thể nào chống cự được với nhát dao đâm thật mạnh xuống lưng của ngài là phần thân thể ngài cong mình lại để đỡ đòn hội đồng, hầu bảo vệ tim và mặt, bởi một kẻ trong thành phần đối phương, một nhát dao ngài không ngờ rằng chân tướng của ngài đã hoàn toàn bị lộ tẩy bởi thân nhân của người bị ngài chém đứt tai trong Vườn Cây Dầu cách đó ít lâu (xem Gioan 18:26): Thế nhưng tao chẳng thấy mày ở với hắn trong vườn đó hay sao?” (Gioan 18:26-27).

 

Tuy nhiên, nếu so sánh với Phúc Âm Nhất Lãm về 3 lần vị trưởng tông đồ đoàn này chối bỏ Thày mình thì 3 lần ngài chối bỏ theo Thánh ký Gioan có tính chất gián tiếp hơn là trực tiếp. Bởi trong Phúc Âm Thánh Gioan, ngài chỉ phủ nhận bản thân ngài thôi: "Tôi không phải" hay "Không phải tôi" (18:17,25 - hai lần đầu, còn lần cuối cùng không thấy Thánh ký Gioan thuật lại nguyên câu trả lời của ngài), còn ở trong Phúc Âm Nhất Lãm, ngài quả thực chối bỏ Thày của ngài: "Tôi không biết người ấy" (Mathêu 26:72,74; Marco 14:71; Luca 22:57). Dầu sao, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng là chối bỏ Thày (trực tiếp) hay không dám nhận mình là môn đệ của Thày (gián tiếp).

 

Vấn đề ở đây là hành động 3 lần chối Thày của Tông Đồ Phêrô hoàn toàn là do ý ngay lành, vì ngài sợ bị lộ tẩy chân tướng, vì ngài sợ không được lén lút theo Thày. Ngài đã lấy chính Thày ra để chống đỡ, bằng cách phủ nhận Thày. Nhưng dầu sao, tự hành động chối Thày của ngài, tức hành động thà để cho Thày bị đánh đập, bị chối bỏ, còn hơn mình bị đánh đập, bị lộ tẩy, cũng đáng trách. Bởi thế, ngay sau khi thấy được cặp mắt của Thày đầy cảm thương như nhắc nhở (xem Luca 22:61): đấy, con thấy không, Thày đã bảo con rồi mà giờ đây con chưa thể theo Thày được đâu, sau này con sẽ theo Thày (Gioan 13:36 và xem cả 21:19), Ngài đã đi ra ngoài mà khóc lóc thảm thiết (Luca 22:62), và sau này ngài vẫn cảm thấy rất buồn khi bị Thày có vẻ ngờ vực tình yêu của ngài đối với Thày qua ba lần chất vấn con có yêu mến Thày hay chăng?” – “Vâng thưa Thày, Thày biết rõ mọi sự, Thày biết rằng con yêu mến Thày (Gioan 21:17).

  

III- Tại sao Philatô nhận biết Chúa Kitô mà lại vẫn giết Người?

 

Cái tên “Philatô” lịch sử này quan trọng và nổi tiếng đến độ, ngay cả vị tiền hô Gioan Tẩy Giả là con người cao trọng nhất được nữ giới sinh ra (xem Mathêu 11:11), các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô, là nền tảng của Giáo Hội (xem Epheso 2:20), cũng không được nhắc đến tên trong Kinh Tin Kính của Kitô giáo nói chung và của Giáo Hội Công Giáo nói riêng. Cũng trong trình thuật của Thánh Ký Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta mới thấy được rõ ràng những chi tiết quan trọng và cần thiết ở bên trong Dinh Tổng Trấn Philatô liên quan đến việc truy xét của vị tổng trấn này với Chúa Giêsu và về Chúa Giêsu, cũng như liên quan đến lý do chính yếu Người bị lên án tử.

 

Căn cứ vào trình thuật của Thánh ký Gioan thì Tổng Trấn Philatô chất vấn Chúa Giêsu 3 lần, hay ba điều, thứ tự như sau: 1- “Ngươi có phải là Vua Dân Do Thái hay chăng?” (Gioan 18:33), 2- Chân lý nghĩa là gì?” (Gioan 18:38), 3- “Ngươi từ đâu tới vậy?” (Gioan 19:9).

 

1- “Ngươi có phải là Vua Dân Do Thái hay chăng?” (Gioan 18:33). Chúa Giêsu đã không bao giờ tự xưng mình một cách tự động hay khi được hỏi đến minh nhiên, công khai và chính thức rằng: “Ta là Đức Kitô” hay “Ta là Vua”. Lý  do, chỉ vì đó là 2 tước hiệu, một liên quan đến giáo quyền Do Thái (Kitô) và một đụng chạm đến chính quyền Đế quốc Rôma (Vua). Cho dù Người quả thực là Đức Kitô và là Vua, như trong 3 năm công khải tỏ mình ra Người vẫn luôn tìm cách chứng thực rằng Người là Đức Kitô và là Vua: là Đức Kitô đối với chung Dân Do Thái và riêng giáo quyền Do Thái là Hội Đồng Đầu Mục, và là Vua đối với chung loài người và với riêng thẩm quyền Đế Quốc Rôma bấy giờ là quyền lực đang đô hộ dân Do Thái và dân Do Thái đang mong được giải thót bởi một Vị Thiên Sai (Kitô) như đã từng xẩy ra trong Lịch Sử Cứu Độ của họ.

 

Vì tránh đụng chạm, Người đã trả lời câu chất vấn đầu tiên này của Tổng Trấn Philatô một cách gián tiếp khẳng định như sau:Chính ngài nói tôi là vua – It is you who say I am a king(Gioan 18:37). Kiểu trả lời khẳng định một cách gián tiếp này, Chúa Giêsu cũng đã áp dụng với Hội Đồng Đầu Mục Do Thái khi được hội đồng này cùng nhau đồng thanh hỏi một cách trực tiếp, dứt khoát và chính thức, như Thánh ký Luca thuật lại rằng: "Như thế thì ngươi có phải là Con Thiên Chúa chứ gì?" và câu trả lời của Người là: "Chính các ngài nói Tôi như thế đó - It is you who say I am" (Luca 22:69).

 

Còn Thánh ký Mathêu cho biết chỉ có Thượng Tế Caipha (26:57) là người đã thay hội đồng chất vấn Chúa Giêsu: "Ta truyền cho ngươi phải thề trước Thiên Chúa hằng sống mà nói cho chúng ta biết ngươi có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa hay chăng?" (26:63), và vị có thẩm quyền này cùng với cả hội đồng của ông bấy giờ đã nhận được câu trả lời khẳng định một cách gián tiếp như sau: "Chính ngài là người đã nói thế - It is you who say it..." (26:64). Chỉ có ở trình thuật của Thánh ký Marco mới có câu trả lời "Tôi đúng là thế - I am" trực tiếp khẳng định của Chúa Giêsu với vị thượng tế này thôi (xem 14:62), nghĩa là trực tiếp thừa nhận điều vị thượng tế hỏi là đúng; nhưng dầu sao, ở câu Phúc Âm của Thánh ký Marcô này Người vẫn không thẳng thừng và mãnh liệt lập lại một cách rõ ràng những gì được hỏi "Ngươi có phải là Đức Kitô, Con của Đấng Thánh hay chăng" rằng "Phải, tôi chính là Đức Kitô, Con của Đấng Thánh đây".  

 

2- "Chân lý nghĩa là gì?” (Gioan 18:38): Ở trong câu khẳng định một cách gián tiếp mình là Vua Dân Do Thái, là Đấng đến giải thoát dân Do Thái, không phải bằng quyền lực chính trị và tình trạng bị đô hộ về thể lý, mà là bằng quyền lực thần linh và tình trạng nô lệ tội lỗi "ngồi trong tăm tối và bóng tử thần" (Luca 1:79). Chân lý ở đây chính là Chúa Kitô, một Chúa Kitô tỏ mình ra là Chân Lý qua các việc Ngài làm, trước hết và trên hết, ở chỗ Người "đến không phải để làm theo ý của mình mà là ý của Đấng đã sai" (Gioan 6:38), nhờ đó, Người mới có thể hoàn thành công cuộc cứu độ trần gian của Người với tư cách là Đức Kitô Thiên Sai của dân Do Thái. 

 

Sở dĩ Tổng Trấn Philatô không nhận được câu trả lời của Chúa Giêsu, vì ngay bấy giờ ông đã thấy Chân Lý, đã đối diện với chính Chân Lý, và cho dù chưa nhận biết Chân Lý là chính Chúa Kitô, qua những việc Người làm, nhất là việc Người chấp nhận khổ nạn và tử giá theo ý Đấng đã sai «để làm chứng cho chân lý» (Gioan 18 :37) tức là để chứng tỏ Người là ai (xem Gioan 8:28), ông cũng cảm nhận được Chân Lý một cách nào đó, qua những gì ông đã khẳng định được treo trên đầu của cây thập tự giá đóng đanh Chúa Giêsu: "Giêsu Nazarét, Vua Dân Do Thái" (Gioan 19:19).  

 

3- “Ngươi từ đâu tới?” (Gioan 19:9). Sở dĩ có câu hỏi thứ ba này là vì Tổng Trấn Philatô sau khi đã cố gắng điều tra và cảm thấy rằng Chúa Giêsu 2 lần: "Ta chẳng thấy hắn có tội gì cả - I find no case against thia man / him(xem Gioan 18:38;19:6), đã nghe thấy dân Do Thái lên án tử cho Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi có luật và theo luật thì hắn phải chết vì hắn xưng mình là Con Thiên Chúa" (Gioan 19:7). Đúng thế, cái tội đáng chết của Chúa Giêsu ở đây, đối với chung Dân Do Thái và riêng Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, đó là tội "lộng ngôn. Ông chỉ là một con người mà dám xưng mình là Thiên Chúa" (Gioan 10:33).

 

Ở câu hỏi thứ ba này, chính Philatô là một con người hữu thần, chứ không phải hoàn toàn vô thần, chứng tỏ cũng muốn tìm về Chân Lý là những gì ông muốn biết, đã đặt vấn đề nhưng chưa có câu trả lời, một câu trả lời sẽ được giải đáp thỏa đáng liên quan đến nguồn gốc của một nạn nhân kỳ lạ mà ông đang đối diện và chất vấn. Đó là lý do ông không trực tiếp hỏi "Ngươi có phải là Con Thiên Chúa hay chăng?" như câu hỏi thứ nhất "Ngươi có phải là Vua dân Do Thái hay chăng?", mà là hỏi: "Ngươi từ đâu đến?", một vấn nạn cũng đã gây nhức nhối trong dân do Thái về Chúa Giêsu trước đó (xem Gioan 7:27-28), đến độ họ đã không chịu được nữa mà hỏi thẳng với Người rằng: "Ông còn để cho chúng tôi phải nghi nan cho đến bao giờ nữa chứ? Nếu ông thực sự là Đức Kitô thì hãy nói thẳng ra cho chúng tôi biết đi(Gioan 10:24). 

 

Ở đây cũng thế, Chúa Giêsu vẫn nhất định dứt khoát không chính thức và công khai xưng mình: "Tôi là Đức Kitô", vì Người biết họ bấy giờ không thể nào chấp nhận được Chân Lý ấy, đến độ, như Người đã khẳng định với cả dân Do Thái cũng như với các tông đồ rằng: "Các người sẽ tìm kiếm Tôi, nhưng nơi tôi đi quí vị không thể tới được" (Gioan 13:33; 7:33), chẳng những thế, trong chính lúc họ tìm kiếm Người, muốn biết Người là ai và từ đâu đến thì họ đã được Chúa Kitô cảnh báo cho họ biết trước rằng: "các người sẽ chết trong tội lỗi của mình" (Gioan 8:21).

 

Điển hình là Tông Đồ Phêrô, như đã được phân tích, trong khi cố gắng theo sát Thày bắt đầu cuộc khổ nạn của Người thì lại chối bỏ Thày 3 lần, nhất là trường hợp Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, như đã phân tích, trong khi muốn biết Người là ai thì lại lên án tử cho Người sau khi nghe Người chấp nhận những gì họ đang ngờ vực về Người liên quan đến nguồn gốc thần linh của Người.

 

Vì Mầu Nhiệm Tử Giá thuộc về Mạc Khải Thần Linh, một mạc khải thần linh lên đến tột đỉnh khi Chúa Kitô tự nguyện hiến mạng sống mình trên Thập Tự Giá mà chỉ ở nơi Thánh Giá con người mới thấy được "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) về Chúa Kitô và nơi Chúa Kitô, như chính Người đã khẳng định: "Khi nào các người treo Con Người lên, các người sẽ biết Tôi là Ai?" (Gioan 8:28), hay mới biết Người từ đâu đến và sẽ đi đâu, vì chỉ ở nơi Thánh Giá mà mọi người mới được cứu chuộc: "Khi nào Tôi bị treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng Tôi" (Gioan 12:32).

 

Thật vậy, ngay sau khi Chúa Giêsu tắt thở trên Thánh Giá, và qua các hiện tượng thiên nhiên bất thường biến động bấy giờ, Chúa Giêsu đã được nhận biết bởi cả dân Do Thái lẫn dân Ngoại, như Thánh ký Luca thuật lại thì: "Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: ‘Người này quả thật là công chính!’ Và khi thấy những việc xảy ra như thế, tất cả những đám người đã tụ tập đông đảo để xem cảnh tượng ấy đều đấm ngực trở về nhà ».

 

Như thế, biến cố Tử Giá của Chúa Kitô, trước hết và trên hết, nguyên nhân chính không phải là do loài người, nhất là thành phần thẩm quyền liên hệ trực tiếp bấy giờ, bao gồm cả Tổng Trấn Philatô hay Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, mà là chính Thiên Chúa, Đấng muốn lợi dụng những bất toàn của con người, lầm lạc (nơi Hội Đồng Đầu Mục Do Thái) và hèn yếu (nơi Tổng Trấn Philatô), để hoàn thành Dự Án Cứu Độ của Ngài nơi Con Ngài là Đức Kitô Thiên Sai Cứu Thế, Đấng đã tuyên bố: "Không ai có thể lấy mạng sống của Tôi được. Tôi tự nguyện bỏ nó đi. Tôi có quyền bỏ nó đi và có quyền lấy nó lại" (Gioan 10:18).

 

Nếu thế thì quả thực đúng như Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã cảm nhận, xác tín và tuyên bố rằng: «Thiên Chúa đã dồn con người vào tình trạng bất tuân để tỏ lòng xót thương với tất cả mọi người – God has imprisioned all in disobedience that he might have mercy on all» (Roma 11 :32) 

 

 

Vậy, Chúa Kitô Tử Giá là việc chính Người muốn thực hiện để chứng thực Người quả là Đức Kitô Thiên Sai của Dân Do Thái và từ đó Người cũng là Vua của loài người, Đấng Cứu Tinh Nhân Trần - Redemptor Hominis (Nhan đề của Thông Điệp đầu tay của ĐTC GPII ban hành Chúa Nhật I Mùa Chay ngày 4/3/1979), Đấng đã giải phóng con người khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết là những gì thuộc vương quốc của ma quỉ ngay từ ban đầu nơi nguyên tội!

 

Ôi cao cả thay Mầu Nhiệm Cứu Chuộc! Ôi, vĩ đại thay Tình Yêu Thiên Chúa!! Ôi diễm phúc thay Loài Người Tội Lỗi!!!

 

Chớ gì chúng ta, thánh phần Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, không tiếp tục sống mâu thuẫn và mãi dậm chân tại chỗ, không thể nào siêu thoát và được thực sự hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, ở chỗ:

 

 

1- Trong khi Vị Thiên Chúa nhập thể là Chúa Giêsu Kitô toàn thiện và vô cùng đáng tôn thờ phải chịu khổ nạn và tử giá để nhờ đó có thể cứu chuộc được loài người vô cùng thấp hèn chúng ta, còn chúng ta chỉ là thành phần tội lỗi chỉ đáng hỏa ngục đời đời, mà lại chỉ muốn được sung sướng, không muốn chịu khổ, dù chỉ một chút, để được cứu độ và xứng đáng được thừa hưởng Nước Trời vô giá đời sau!

2- Trong khi Đấng Tử Giá muốn "kéo mọi người lên cùng Tôi khi Tôi bị treo lên khỏi mặt đất" (Gioan 10:33) là Thánh Giá, tột đỉnh của Lòng Thương Xót Chúa của Người, thì chúng ta là Kitô hữu môn đệ của Người lại cứ muốn tụt xuống hay lì ra không muốn "bị" Người kéo lên Thánh Giá với Người, để "được dự phần với Thày" (Gioan 13:8) trong công cuộc cứu chuộc "những linh hồn cần đến LTXC hơn".

3- Trong khi "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16) bất khả phân ly với thánh giá đau khổ, chúng ta, thành phần chứng nhân của Người, lại chỉ chấp nhận một Đức Kitô không thánh giá, và chỉ hân hoan hớn hở chấp nhận một Chúa Kitô Phục Sinh huy hoàng không còn bất cứ một dấu vết khổ nạn và tử giá nào trên Thánh Thể của Người, bằng không thì coi Người chỉ là ma quái...!

Chớ gì Kitô hữu Công giáo chúng ta là thành phần, theo bản tính tự nhiên vẫn sợ hãi thánh giá, muốn xa tránh thánh giá cho thật xa, và thậm chí muốn tiêu diệt chính thánh giá, lại quì xuống hôn Thánh Giá Chúa Kitô là những gì mình hết sức dị ứng trong nghi thức Thương Khó của Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, trái lại, tác động hôn kính Thánh Giá là một cử chỉ xin tự hiến cho Chúa "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!"

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL