SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Biên Giới Tội và Phúc
Hướng về Năm Đời Tận Hiến
(30/11/2014 – 2/2/2016)
Và biệt tặng những ai đang sống Đời Tận Hiến
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Người thanh niên có nhiều của cải (Mathêu 19:16-22)
(16) và
kìa có một người đến thưa Ðức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để
được hưởng sự sống đời đời?" (17) Ðức Giêsu đáp: "Sao anh hỏi tôi về
điều tốt? Chỉ có một Ðấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy
giữ các điều răn". (18) Người ấy hỏi: "Ðiều răn nào?" Ðức Giêsu đáp:
"Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. (19) Ngươi
phải thờ cha kính mẹ", và "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình". (20) Người
thanh niên ấy nói: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì
nữa?" (21) Ðức Giêsu đáp: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi
bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.
Rồi hãy đến theo tôi". (22) Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ
đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Người giàu có muốn theo Ðức Giêsu (Marco 10:17-22)
(17) Ðức
Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và
hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia
nghiệp?" (18) Ðức Giêsu đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có
ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. (19) Hẳn anh biết các điều
răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm
hại ai, hãy thờ kính cha mẹ". (20) Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả
những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ". (21)Ðức Giêsu đưa mắt
nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều,
là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên
trời. Rồi hãy đến theo tôi". (22) Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và
buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
(Bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Qua hai bài Phúc Âm có cùng một nội dung vừa tội vừa phúc trên đây của Thánh ký
Mathêu và Thánh ký Marcô, chúng ta thấy cả hai chỉ khác nhau một số chi tiết bổ
túc cho nhau như sau (ở những chỗ được in nghiêng và mầu):
Phúc Âm Thánh Mathêu (19:16-22) |
Phúc Âm Thánh Marcô (10:17-22) |
(16) Có một người đến thưa Ðức Giêsu rằng: "Thưa
Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?" |
(17) Có một người chạy đến, quỳ
xuống trước mặt Người và
hỏi: "Thưa
Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" |
(17) “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn" |
|
(18) "Ðiều răn nào?" |
|
(18) "Ngươi
(không được ngoại tình, không được giết người), không được trộm cắp.
Ngươi không được làm chứng gian. (19) Ngươi
phải thờ cha kính mẹ", và "Ngươi
phải yêu đồng loại như yêu chính mình" |
(19) “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian,
chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ" |
(20)"Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi
còn thiếu điều gì nữa?" |
(20) "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ" |
(21) "Nếu
anh muốn nên hoàn thiện,
thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một
kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" |
(21) Ðức
Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến.
Người bảo anh ta: "Anh
chỉ thiếu có một điều,
là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho
tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" |
(22) Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều
của cải. |
(22) Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có
nhiều của cải. |
Ở đoạn 18 của Phúc Âm Thánh Mathêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh
Phụng Vụ, trên website của Vietnamese Missionaries in Taiwan, không có 2 câu (không
được ngoại tình, không được giết người) như
trong New American Bible.
Đọc kỹ bài Phúc Âm này, chúng ta thấy được những điều như thế này:
1- Bài phúc âm này bao gồm cả tội lẫn phúc, phần trên của bài phúc âm
về vấn đề tội lỗi liên quan đến các giới răn theo luân lý, và phần dưới của bài
phúc âm về vấn đề phúc đức trọn lành liên quan đến đời sống tu đức Kitô giáo.
2- Điều kiện tối thiểu để được rỗi, tức được hưởng sự sống đời đời đó là chỉ
cần giữ trọn các giới răn, chứ không buộc phải sống nhân đức trọn lành.
3- Các giới răn căn bản để được rỗi và sự sống đời đời này đều là những gì liên
quan đến nguyên tắc tự nhiên: yêu đồng loại như bản thân mình, tức là đừng
phạm đến ai vì chính mình cũng chẳng muốn bị ai phạm đến.
4- Hơn nữa, các giới răn cản bản này, nếu giữ trọn vẹn, chẳng những tỏ ra tôn
trọng phẩm giá làm người cao quí của mình và của tha nhân đồng loại nữa.
5- Đó là lý do các giới răn mới bao gồm mọi phương diện căn bản nhất về luân lý
cần phải tránh không được làm để chẳng những bảo trì phẩm giá làm người của mình
mà còn của cả đồng loại, đó là: không được sát nhân (điều răn thứ 5), gian dâm
(điều răn thứ 6 và 9), trộm cắp (điều răn thứ 7 và 10), chứng gian (điều răn
thứ 8) và phải tôn kính cha mẹ (điều răn thứ 4).
Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn:
Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự
Thư hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ
Thứ năm: Chớ giết người
Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục
Thứ bảy: Chớ lấy của người
Thứ tám: Chớ làm chứng dối
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người
Thứ mười: Chớ tham của người
Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời
trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.
6- Nguyên tắc ái nhân như kỷ căn bản này là nguyên tắc luân lý phổ quát, theo
lương tâm tự nhiên ai cũng biết, không cần phải dạy, không cần phải theo đạo;
bởi vậy mà bất cứ ai sống theo và trọn lương tâm vẫn có thể được rỗi là thế, vì
trong cuộc chung thẩm để được cứu độ Thẩm Phán Chí Công chỉ căn cứ vào đức ái
tha nhân mà thôi, hoàn toàn không căn cứ vào lòng kính mến Chúa (thuộc 3 giới
răn đầu tiên trong 10 điều răn, 3 điều răn không được Chúa Kitô nhắc tới với
người thanh niên giầu có).
7- Trong các giới răn được Chúa Giêsu liệt kê, chúng ta thấy bao gồm toàn thể
con người: về sự sống không được sát nhân, về cả thể xác lẫn lòng trí không được
gian dâm ngoại tình, về của cải sản nghiệp không được trộm cắp, về danh dự
thế giá không được chứng gian, và về liên hệ ruột thịt phải tôn kính cha mẹ.
8- Thế nhưng, các giới răn căn bản này chỉ có thể trở thành tội và là trọng
tội đến độ có thể làm cho con người hư đi đời đời một khi họ chủ ý phạm những
giới răn tự chúng có tính chất trọng tội dù biết rằng không được làm; nghĩa là
tác động tội lỗi của họ bao gồm 3 yếu tố: điều phạm là nặng, ý thức về nó và vẫn
cố tình phạm.
9- Nói chung, vì là con người, theo phẩm giá của mình, theo nguyên tắc luân lý,
con người có thể hành thiện hay hành ác, căn cứ vào 3 yếu tố chính yếu: việc
làm, ý hướng và hoàn cảnh (Sách GLGHCG khoản 1750).
10- Một việc tốt con người làm bao giờ cũng phải hội đủ cả 3 yếu tố bất khả
thiếu và bất khả phân ly này, đến độ, cho dù tôi có ý tốt, vẫn không thể biến
việc xấu thành tốt, như giết người vì thương hại họ để cho họ đỡ khổ chẳng hạn,
và cho dù có ý tốt cùng làm việc tốt, như giúp giáo xứ để xây dựng giáo xứ,
nhưng lại bỏ bê gia đình thì vẫn không tốt
11- Tuy nhiên, có những lỗi phạm được giảm khinh trách nhiệm, thậm chí được tha
thứ, tùy theo hoàn cảnh và trường hợp, nhất là tùy theo động lực thúc đẩy
làm, chẳng hạn như vì thiếu khôn ngoan, hoặc bị ép buộc hay đe dọa, hay sợ hãi
quá độ v.v. chẳng hạn (Sách GLGHCG Khoản 1735)
12- Nguyên tắc chung đó là con người ta sẽ phải trả lẽ với Chúa về các việc lành
dữ họ làm khi còn sống, tức là sẽ bị xét xử theo lương tâm trước mặt Chúa của họ
hay Chúa căn cứ vào lương tri của họ mà xét xử họ (xem Mathêu 12:36-37).
13- Về phần Chúa, khi thấy người thanh niên giầu có ấy tuy đầy đủ sung túc vẫn
không bỏ Chúa, nên Người tỏ ra hài lòng với anh ta, đã trìu mến nhìn anh ta (xem
Marco 10:21), và từ cái nhìn trìu mến đó Người muốn anh ta được hưởng trọn vẹn
niềm vui nước trời hơn, bằng cách cho anh ta biết anh ta còn thiếu một điều là
tự do theo Người, không bị ràng buộc vào trần gian và bởi trần gian này nữa.
14- Biên giới giữa tội và phúc ở ngay lòng của con người, ngay khuynh hướng tìm
kiếm viên trọn tầm vóc của mình, ngay ước vọng có vươn lên hay chăng nơi con
người. Đó là lý do, cho dù đã giữ trọn vẹn các giới răn từ nhỏ, người thanh niên
giầu có đầy đủ về phương diện vật chất vẫn cảm thấy còn thiếu một cái gì đó
chưa đủ (xem Mathêu 19:20), tức cần phải nên trọn lành là điều duy nhất nữa mới
làm cho cuộc sống của anh ta được viên trọn và có phúc thật.
15- Những mối phúc đức trọn lành được Chúa Giêsu rao giảng ở trong một bối cảnh
hết sức ý nghĩa, đó là trước hết ở trên núi là hình ảnh hay thực tại tượng trưng
cho những gì là cao cả và siêu việt, và sau nữa trực tiếp ngỏ cùng các tông đồ
là thành phần theo Chúa (xem Mathêu 5:1), hơn là cho hay chứ không phải cho
chung dân chúng.
(3) "Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
(4) Phúc
thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.
(5) Phúc
thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
(6) Phúc
thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
(7) Phúc
thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
(8) Phúc
thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
(9) Phúc
thay ai xây dựng hòa bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
(10) Phúc
thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
(11) Phúc
cho anh em khi vì Thầy
mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
(12) Anh
em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
16- Căn cứ vào Phúc Âm của Thánh ký Mathêu ở đoạn 5, từ câu 3 đến hết câu 11,
câu nào cũng được mở đầu bằng hai chữ "phúc thay...", thì có tất cả 9 mối
phúc đức hơn là Tám Mối Phúc Thật như truyền thống vẫn nói; chính Sách Giáo Lý
Giáo Hội Công Giáo, cuốn toát lược, được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ xuất bản năm
2006, ở trang 192, cũng liệt kê 9 Mối Phúc Đức Trọn Lành.
17- Sở dĩ gọi là các Phúc Đức Trọn Lành là vì trong từng Tám Mối Phúc Thật (theo
cách gọi quen thuộc) không phải chỉ bao gồm có phúc mà còn cả nhân đức trọn lành
nữa. Ở chỗ, người có được một phúc thật nào đó trong Tám Mối Phúc Thật là
người đã sống nhân đức trọn lành, hay nói ngược lại, người nào thực
hành nhân đức trọn lành nào thì được phúc thật bởi đó mà ra.
18- Các Đức theo thứ tự của mình từ thấp lên cao, (từ 1 tới 9), đó là
nghèo khó tâm linh (1), sầu thương dứt bỏ (2), hiền lành hành sử (3), khao khát
nhân đức (4), tấm lòng xót thương (5), tâm hồn trong sạch (6), xây đắp thuận
hòa (7), chịu đựng bách hại (8), chứng nhân tông đồ (9).
19- Các Phúc theo thứ tự của mình từ thấp lên cao, từ 1 tới 9, đó là được
nước trời gia nghiệp (1), được an ủi (2), được đất sản nghiệp (3), được no thỏa
trọn lành (4), được thương xót (5), được thấy Thiên Chúa (6), được gọi là Thiên
Chúa (7), được gia nghiệp nước trời (8), được phần thưởng lớn lao trên trời
(9). Tại sao lại theo thứ tự này?
20- Phúc được gia nghiệp nước trời là một phúc dành cho người nào sống đức khó
nghèo tâm linh (1) và chịu bách hại vì sự công chính (8) và làm chứng cho Chúa
Kitô (9). Thật ra phúc thứ 9 không phải là chính nước trời mà là phần thưởng lớn
lao trên trời. Tuy nhiên, nếu hiểu nước trời đây là Chúa Kitô thì phần thưởng
lớn lao trên nước trời đây chính là được gần Chúa Kitô nhất vì họ giống Chúa
Kitô nhất trên trần gian qua vai trò làm chứng cho Người.
21- Chính vì phúc thứ nhất được gia nghiệp nước trời liên quan đến đức nghèo khó
tâm linh mà Chúa Giêsu đã khuyên người thanh niên giầu có nếu muốn nên trọn lành
hãy bán của cải đi, thí cho kẻ nghèo, để được kho báu trên trời, rồi mới có thể
theo Người được. Tức là muốn theo Chúa thì phải tìm nước Thiên Chúa trước và
trên hết mọi sự.
22- Theo tu đức Công giáo thì con đường nhân đức hay con đường nên trọn lành,
cũng được gọi là linh đạo Kitô giáo, có thể được chia làm 3 giai đoạn hay 3 cấp:
giai đoạn thứ nhất là giai đoạn khởi sinh, giai đoạn thứ hai là giai đoạn tiến
sinh, và giai đoạn thứ ba là giai đoạn hiệp sinh.
23- Giai đoạn khởi sinh là giai đoạn tâm hồn được kêu gọi bỏ mình, cảm
thấy khinh chê thế gian, coi thường mọi sự, cố gắng sửa đổi tính mê nết xấu, tìm
cách xa tránh dịp tội và giữ mình sạch tội, kiềm chế ngũ quan và cảm giác v.v.;
24- Giai đoạn tiến sinh là giai đoạn tiến đức hay tập đức, giai đoạn tâm
hồn hăng say đến cùng Chúa bằng việc ham thích đọc kinh cầu nguyện, hy sinh hãm
mình, đọc sách thiêng liêng, tham dự phụng vụ, suy tư nguyện gẫm v.v.;
25- Giai đoạn hiệp sinh là giai đoạn tâm hồn được kết hiệp với Chúa,
không bị tạo vật chi phối, cầu nguyện chiêm niệm bằng lòng muốn hơn bằng trí
khôn và môi miệng, bình an tự tại trong mọi nơi mọi lúc, hằng lắng nghe tiếng
Chúa và mau mắn đáp ứng ý muốn cùng các tác động thần linh của Ngài, suy tư,
phát biểu, tác hành và phản ứng như hiện thân trung thực của Ngài và chứng nhân
sống động của Ngài.
26- Ba bậc tu đức trong linh đạo Kitô giáo này được thể hiện nơi 9 Phúc Đức Trọn
Lành, và theo thứ tự thì cứ 3 Phúc Đức Trọn Lành là một bậc tu đức: 3 phúc đức
trọn lành đầu tiên (1-3) thuộc về bậc tu đức thứ nhất là giai đoạn khởi sinh; 3
phúc đức trọn lành tiếp theo (4-6) thuộc về bậc tu đức thứ hai là giai đoạn tiến
sinh; và 3 phúc đức trọn lành cuối cùng (7-9) thuộc về bậc tu đức thứ ba cao
nhất là giai đoạn hiệp sinh.
27- Ba phúc đức trọn lành đầu tiên thuộc giai đoạn khởi sinh đó là 1- khó nghèo,
2- khóc lóc và 3- hiền lành. Thật vậy, giai đoạn khởi sinh là giai đoạn tu đức
từ bỏ, và cái từ bỏ đầu tiên là của cải trần gian là những gì cần phải dứt bỏ
một cách buồn đau (người thanh niên giầu có trong bài Phúc Âm liên hệ chưa từ bỏ
giầu sang đã cảm thấy buồn đau rồi khi mới nghĩ đến nó thôi), nhưng họ từ bỏ một
cách hiền lành và vẫn trân trọng giá trị của nó là những gì tự bản chất vẫn tốt
lành bởi được Chúa dựng nên, chứ không phải khinh bỉ chúng, nhờ đó họ
mới được đất làm của mình, vì nước trời là của họ, họ có sử dụng của cải cũng
chỉ vì Chúa chứ không thèm khát và quyến luyến gì nó.
28- Ba phúc đức trọn lành tiếp theo giai đoạn khởi sinh là giai đoạn tiến sinh,
bao gồm các phúc đức: 4- đói khát, 5- xót thương và 6- trong sạch. Đúng thế, sau
khi đã trải qua giai đoạn từ bỏ một cách khó khăn và đau đớn nhưng cần thiết,
tâm hồn bắt đầu cảm thấy khao khát thần linh, ngoài ra không còn khao khát gì
khác, không gì có thể làm cho tâm hồn no thỏa, và tâm hồn cảm thấy thương đến
những người anh chị em đang bị chìm đắm trong đam mê tội lỗi, chứ không khinh
thường họ, một đức bác ái yêu thương đã tinh tuyền hóa đức tin của họ, khiến họ
có một cái nhìn như Thần Linh thấu suốt mọi sự.
29- Ba phúc đức trọn lành cuối cùng, sau giai đoạn tu đức khởi sinh liên
quan đến 3 phúc đức đầu tiên (1-3) và giai đoạn tiến sinh liên quan đến 3
phúc đức (4-6), là các phúc đức: 7- hòa thuận (trong cộng đồng nhân loại và dân
Chúa), 8- gian khổ (bị bách hại vì thánh đức), 9- chứng nhân (bị xỉ nhục vì danh
Thày). Không phải hay sao, một khi tiến tới giai đoạn tu đức hiệp sinh, tâm hồn
bấy giờ được tràn đầy bình an, sống với ai cũng được và trở nên mối giây liên
kết bác ái, nhưng cũng chính vì thế tâm hồn này đã trở nên mục tiêu chống đối và
bách hại bởi kẻ dữ là thành phần không chấp nhận thánh đức của tâm hồn này, một
tâm hồn nhờ đó lại trở thành chứng nhân của Chúa Kitô và cho Chúa Kitô, Đấng
sống trong họ, nên một với họ.
30- Hai phúc đức cuối cùng (8-9) trong 9 phúc đức trọn lành ở giai đoạn tu đức
hiệp sinh là giai đoạn tu đức cao nhất, đó là hai phúc đức khiến tâm hồn càng ở
trong thế thụ động hơn là chủ động (như họ đã tác hành đối với 7 phúc đức trọn
lành trước đó). Như thế đã chứng thực con đường nên thánh càng lên cao lại càng
trở nên thụ động hơn, chẳng khác gì như một con trẻ hoàn toàn trở nên nhỏ bé
trong bàn tay chủ động đầy quyền năng của Đấng Quan Phòng Thần Linh, hay như một
tông đồ Phêrô khi về già thì bị người ta dẫn đi đến những nơi ngài không muốn
(xem Gioan 21:18), hoặc như chính Chúa Kitô không còn đi rao giảng hay làm phép
lạ mà là xuống khỏi thập giá và chết trên thập giá vậy.