SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Kho tàng đức tin

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Kho tàng đức tin (fidei depositum / the deposit of faith), trước hết, hiểu theo ý nghĩa về ngôn từ là toàn bộ chân lý cứu độ (the body of saving truth / revealed truth), thế nhưng, nếu hiểu theo ý nghĩa về tinh thần của nó thì kho tàng đức tin là chính Chúa Kitô.

 

Trước hết, kho tàng đức tin là toàn bộ chân lý cứu độ. Đúng thế, đối tượng của đức tin đó là toàn bộ chân lý cứu độ, mà toàn bộ chân lý cứu độ này là "tất cả sự thật - the whole truth / all the truth" (Gioan 16:13) được Thiên Chúa mạc khải (nên cũng được gọi là the body of revealed truth) và được ghi lại trong Thánh Kinh (Holy Bible / Holy Scripture) nói chung và Tân Ước nói riêng. 

Bộ Thánh Kinh Tân Ước được bắt đầu viết bởi các vị thánh ký, trong đó có chính các vị tông đồ, như Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê, Mathêu và Phaolô, bao gồm cả thành phần môn đệ của các vị như Thánh Marcô là môn đệ của Thánh Phêrô và Thánh Luca là môn đệ của Thánh Phaolô, vào thời khoảng từ năm 45 đến năm 100 sau khi Chúa Kitô Thăng Thiên.

(Sở dĩ có một số cuốn, chẳng hạn Phúc Âm Thánh Toma hay Phúc Âm Thánh Phêrô không được liệt kê trong sổ bộ mà chỉ ở trong danh sách ngụy thư, là vì các cuốn này có những chi tiết không thực sự là sự thật mạc khải hay sự thật cứu độ như các cuốn khác, và vì thế các cuốn ngụy thư này có thể do ai đó viết chứ không phải chính Tông Đồ Phêrô và Tôma viết).

 

Tuy nhiên, bộ Thánh Kinh Tân Ước 27 cuốn này chỉ được Giáo Hội chính thức công nhận từ cuối thế kỷ thứ 4. Như thế, tất cả những gì được các vị tông đồ hay môn đệ của các vị cùng những ai thừa kế các vị rao giảng bằng miệng, hay sau khi thành văn được Giáo Hội tuyên nhận thành sổ bộ Thánh Kinh Tân Ước, đều được gọi là tông truyền và thuộc về Thánh Truyền (Holy/Sacred Tradition).

Bởi thế, kho tàng đức tin là toàn bộ chân lý cứu đ bao gồm Mạc Khải Thánh Kinh và Thánh Truyền, tức là tất cả những gì được Thiên Chúa mạc khải và được các Tông Đồ truyền lại để Giáo Hội tiếp tục bảo tồn, loan báo và truyền dạy, hầu mang lại phần rỗi cho chung nhân loại và riêng những ai thuộc về Nhiệm Thể của Chúa Kitô. 

Sau nữa, kho tàng đức tin là chính Chúa Kitô: Bởi vì nếu kho tàng đức tin là toàn bộ chân lý cứu độ hay chân lý mạc khải thì Chúa Kitô là chính "chân lý" (Gioan 14:6) - Người chính là "Ngôi Lời" (Gioan 1:1,14), là tột đỉnh mạc khải của Thiên Chúa (từ thời Cựu Ước) và là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa (thời viên trọn Tân Ước) để nhờ tin vào Người mà con người được cứu độ (xem Gioan 3:15-17).

Ngoài ra, kho tàng đức tin là chính Chúa Kitô: Bởi vì Người là "sự sống đã trở nên hữu hình" nhờ đó chính các tông đồ đã được tận mắt thấy, tận tai nghe và tận tay sờ chạm đến (xem 1Gioan 1:1-3) để các vị có thể thực sự làm chứng về Người và cho Người (bằng lời nói cũng như việc làm), và nhờ chứng từ chân thực đầy sống động của các vị mà ai tin vào Người sẽ/mới được cứu độ (xem Marco 16:15-16; Mathêu 28:19-20).

Tuy nhiên, Chúa Kitô không phải chỉ là "sự thật" (the truth) mà còn là "sự sống" (the life) - xem Gioan 16:4, hay chỉ là "ánh sáng" mà còn phải là "ánh sáng sự sống" (the light of life) - xem Gioan 8:12. Do đó, không thể nào tách Chúa Kitô khỏi "sự sống", hay đâu không có "sự sống" không có Chúa Kitô. "Tất cả sự thật" về Chúa Kitô có thể tóm gọn lại ở lời Người tự xưng: "Thày là Đường Lối, là Sự Thật và là Sự Sống (xem Gioan 14:6), ba yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly về Người và nơi Người.

Chúa Kitô "là Sự Thật", ở chỗ "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), và Chúa Kitô "là Sự Sống", ở chỗ "Người thở hơi trên các môn đệ mà phán: 'Các con hãy nhận lấy Thánh Linh'" (Gioan 20:22). Thế nhưng, Chúa Kitô cũng chính "là Đường Lối" nữa, ở chỗ "Con Người đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người được cứu độ" (Mathêu 20:28).

Bởi thế, các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi được Người tuyển chọn ở với Người và được Người đặc biệt tỏ mình ra cho, như Phúc Âm ghi nhận, vẫn đã vấp phạm đến vai trò "Thày là Đường Lối", điển hình nhất là Tông Đồ Phêrô là vị trưởng tông đồ đoàn đã bị Người thậm tệ quở trách khi lầm lẫn về bản thân bất khả đụng chạm tới của Người (xem Mathêu 16:23), hay trường hợp Tông Đồ Gioan và Giacôbê, vì thân phận cùng danh giá của Người, lại muốn tiêu diệt tha nhân của Người - (xem Gioan 9:54). 

Như vậy, có thể nói một cách tổng quát rằng kho tàng đức tin của Giáo Hội đó là tất cả những gì liên quan đến cả mạc khải thần linh (the body of revealed truth) lẫn ơn cứu độ của loài người (vì thế the body of revealed truth mới còn được gọi là the body of saving truth) bao gồm dự án cứu độ và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa (the plan of salvation and the economy of salvation).

 

Đúng vậy, toàn bộ chân lý mạc khải trong Thánh Kinh không phải chỉ bao gồm những chân lý mạc khải (revealed truth) về bản thân và thần tính của Thiên Chúa là những gì liên quan đến thần học và tín lý, mà còn bao gồm cả những chân lý cứu độ (saving truth) về đường lối cứu rỗi liên quan đến đức tin và luân lý, cũng như về phương tiện cứu độ nữa liên quan đến các bí tích. 

 

Đó là lý do, cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo năm 1992, được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành bằng Tông Hiến Kho Tàng Đức Tin ngày 11/10/1992, kỷ niệm 30 năm khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-1992), bao gồm 4 phần thứ tự như sau: 1- Đức tin và Kinh Tin Kính; 2- Phụng vụ và 7 Bí Tích; 3- Luân lý và 10 Điều Răn; 4- Cầu nguyện và Kinh Lạy Cha. 
Cấu trúc 4 phần bất khả thiếu và bất khả phân ly này của Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 1992 này được kết thúc bằng phần Cầu Nguyện và Kinh Lạy Cha như thể cho thấy rằng đức tin (phần 1), phụng vụ (phần 2) và luân lý (phần 3) đều phải làm sao để đạt tới đích điểm của mình là giúp con người Kitô hữu Công giáo được thực sự hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, đến độ họ không còn ước nguyện gì khác hay gì hơn ngoài "Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện".


Thế nhưng, kho tàng đức tin cần phải được phân phát và vai trò phân phát đã được Chúa Kitô trao cho tông đồ đoàn và các vị thừa kế của các vị là hàng giáo phẩm của Giáo Hội hoàn vũ, bao gồm giáo hoàng và các vị giám mục, thành phần lãnh đạo Giáo Hội với 3 thứ quyền linh xứng hợp như sau: 1- quyền quản trị chăn dắt liên quan đến kỷ luật và mục vụ, 2- quyền giảng dạy liên quan đến tín lý và luân lý, và 3- quyền thánh hóa liên quan đến phụng vụ Thánh Thể và các Bí Tích Thánh.

 

Chúa Kitô đã trao chìa khóa quyền định đoạt cứu độ chẳng những trước hết cho Thánh Phêrô (xem Mathêu 16:18-19; Gioan 21:15-18) và các vị thừa kế Thánh Phêrô là các đức giáo hoàng) mà còn cho chung tông đồ đoàn (xem Mathêu 18:18; Gioan 20:23) và các vị thừa kế các tông đồ là giám mục). 

 

Bởi thế, tất cả những gì Đức Thánh Cha lấy quyền mình mà công khai chính thức tuyên tín những gì phải tin (tín lý) hay giữ (luân lý) đều vô ngộ và buộc phải tuân theo mới được cứu độ. Và tất cả những gì được các công đồng chung (21 công đồng từ đầu tới Công Đồng Chung Vaticanô II), bao gồm hàng giáo phẩm trên thế giới hiệp nhất với giáo hoàng tuyên bố và truyền dạy cũng vô ngộ và buộc phải tin theo và tuân giữ. 

 

Tất cả những gì được Giáo Hội chính thức và công khai tuyên bố bằng huấn quyền giáo hoàng hay công đồng chung đều lấy từ kho tàng đức tin của Giáo Hội cho từng thời đại lịch sử. Bởi kho tàng đức tin này không phải để giữ lấy một cách trọn vẹn mà là để phân phát và sinh lợi. Đó là lý do Giáo Hội luôn hoàn chỉnh về các nghi thức phụng vụ và đường lối mục vụ cũng như kỷ luật theo đúng tinh thần của mạc khải thần linh và mưu ích cho phần rỗi tối đa cho con người, nhờ đó hiện thực một cách hiệu năng cuộc hội ngộ thần linh giữa Thiên Chúa và loài người mà Giáo Hội là bí tích hiệp nhất vậy (xem Công Đồng Chung Vaticanô II - Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân – 1). 

 

Thế nên, vị mục tử nào duy tín lý và thuần luân lý là thành phần tôi tớ lãnh nhận được 1 nén bạc đem chôn kỹ để trả về nguyên vẹn cho chủ nên đã bị chủ trừng phạt vì nén bạc chủ ttrao là để sinh lợi chứ không phải còn nguyên (xem Mathêu 25:24-28). Tại sao - Vì "Ngày hưu lễ được lập ra vì con người chứ không phải con người vì ngày hưu lễ" (Marco 2:27), và Ngày hưu lễ là để làm lành chứ không phải hành ác (xem Luca 6:9). 

Tóm lại, vì Giáo Hội được Chúa Kitô ở cùng cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20), nhờ Thánh Thần là Thần Chân Lý luôn dẫn Giáo Hội vào tất cả sự thật (xem Gioan 16:13), mà Giáo Hội không bao giờ sai lầm trong tất cả mọi quyết định liên quan đến kho tàng đức tin là mạc khải thần linh và phần rỗi các linh hồn.

 

Thứ Năm 13/11/2014,
Bài chia sẻ sống đạo với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương Tiểu Nhóm 2 GP Orange CA