SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

"Ta muốn tình thương chứ không phải hy tế" là tất cả lề luật và các tiên tri




Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 30 Thường Niêm A này, câu cuối cùng (Mathêu 22:40) đó là tất cả lề luật và các tiên tri đều tùy thuộc vào hai giới răn này”, tức là vào giới răn thứ nhất là mến Chúa “hết” mình và giới răn thứ hai là yêu nhau “như” mình.

 

Trước hết, câu này gợi lên hình ảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi cao, có Moisen và Êlia đến đàm đạo với Người (xem Mathêu 17:3). Moisen là nhân vật tiêu biểu cho lề luật và Elia tiêu biểu cho các tiên tri. Hai yếu tố lề luật và tiên tri này có thể hiểu về luật tự nhiên và luật luân lý là những gì bẩm sinh là người có lương tâm chân chính ai cũng biết, và lương tâm nơi con người đóng vai trò như tiên tri luôn nhắc nhở con người về các thứ lề luật này trong việc làm lành lánh dữ.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các lề luật được ghi khắc trong lòng của con người (xem Rôma 2:15) và những gì được lương tâm nhắc nhở trong đời sống tâm linh và nhân sinh hay nhân bản của con người, đều qui về đức bác ái yêu thương, ở chỗ làm lành lánh dữ - làm lành tức là “Ái nhân như kỷ” – yêu người như thể thương thân (tích cực), và lánh dữ nghĩa là “đừng làm gì mà mình không muốn người khá làm cho mình” (Khổng Tử).

 

Một trong những dụ ngôn Chúa Giêsu dạy có thể chứng thực câu kết thúc “tất cả lề luật và các tiên tri đều tùy thuộc vào hai giới răn này” trong bài phúc âm hôm nay đó là hai người lên đền thờ cầu nguyện được Thánh ký Luca thuật lại ở đoạn 18, một dụ ngôn cho thấy người Pharisiêu đã tuân giữ lề luật được Moisen ban bố và được các tiên tri liên lỉ nhắc nhở trong suốt giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái (câu 11-12), nhưng lại tỏ ra thiếu bác ái yêu thương, khinh thường người anh em của mình: "Tôi không phải như tên thu thuế kia" (câu 11), một thái độ cao ngạo vị kỷ và khinh bỉ phi nhân bản khiến tất cả những gì liên quan đến lề luật và các tiên tri được người Pharisiêu này làm đều trở thành vô hiệu hóa, tức không được công chính hóa như người thu thuế biết mình tội lỗi, nên đã hạ mình xuống trước nhan Chúa và không dám khinh một ai. (xem câu 14).

 

Bởi thế, chính Chúa Kitô đã khẳng định nguyên tắc “tất cả lề luật và các tiên tri đều tùy thuộc vào hai giới răn này” khi phán: "Nếu quí vị hiểu được điều này 'Ta muốn tình thương chứ không phải là hy tế' thì quí vị đã không lên án những con người vô tội ấy. Con Người mới thực sự là chủ của ngày hưu lễ" (Mathêu 12:7-8); "Ngày hưu lễ được lập ra vì con người chứ không phải con người vì ngày hữu lễ. Đó là lý do tại sao Con Người còn là chủ của ngày hưu lễ" (Marcô 2:27-28). 

 

Vị trí và vai trò Chúa Giêsu Kitô là chủ của ngày hưu lễ, một thời điểm của dân Do Thái tiêu biểu cho cả lề luật và các tiên tri, đã cho thấy cả Moisen và Êlia là những vị đến trước Chúa Kitô, những nhân vật tiêu biểu cho nội dung và tinh thần Cựu Ước, nhưng cả hai đều phải qui về Chúa Kitô, tột đỉnh của mạc khải thần linh và là tất cả mạc khải thần linh, bằng không, cả hai đều không hoàn trọn trong Chúa Kitô, mất mục đích là chính Chúa Kitô, Đấng khi hai vị đàm đạo với là lúc Người đang biến hình, ám chỉ mầu nhiệm phục sinh của Người, một mầu nhiệm tái tạo con người trong ân sủng và Thần Linh, "trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24), một mầu nhiệm giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết là những gì liên quan đến lề luật (xem Roma 4:15) cũng như đến các tiên tri (thành phần được Thiên Chúa sai đến luôn cảnh báo cho dân Do Thái hằng bất trung một tương lai bị hủy diệt nếu không tuân giữ lề luật).


Giáo Hội không thể nào khép kín trong khuôn khổ thuần tín lý và duy lề luật, khư khư giữ chặt lấy kho tàng đức tin bao gồm tín lý và luân lý bất hủ của mình, trái lại Giáo Hội, qua thừa tác mục vụ chân chính của mình theo gương Chúa Kitô là Đấng sáng lập của mình, Đấng đã "đến không phải để hủy diệt" (Luca 9:54-55) mà là "để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư hoại" (Luca 19:10), là "để  phục vụ và hiến mạng sống mình cho nhiều người" (Mathêu 20:28), cần phải mở toang kho tàng đức tin ấy ra để ban phát những gì quí báu nhất trong kho tàng đức tin này, đó là tình thương, như chính Người khẳng định và dạy bảo: "Nếu quí vị hiểu được điều này 'Ta muốn tình thương chứ không phải là hy tế' thì quí vị đã không lên án những con người vô tội ấy. Con Người mới thực sự là chủ của ngày hưu lễ" (Mathêu 12:7-8); "Ngày hưu lễ được lập ra vì con người chứ không phải con người vì ngày hữu lễ. Đó là lý do tại sao Con Người còn là chủ của ngày hưu lễ" (Marcô 2:27-28). "Con Người còn là chủ của ngày hưu lễ" có nghĩa là lề luật được Người cũng là Thiên Chúa lập nên là để làm lành cho con người chứ không phải để hủy diệt con người (xem Luca 6:9), và vì thế Ngưòi đã tỏ ra làm chủ cả ngày hữu lễ ở chỗ Người dám làm trái ngược lại với tất cả những gì con người thiển cận suy nghĩ và lo ngại về bản chất và tinh thần của ngày hưu lễ, nhờ đó Người hoàn chỉnh kẻ giữ luật. 

 

Còn vấn đề con người lạm dụng việc cởi mở của Giáo Hội, như trong vấn đề canh tân phụng vụ sau Công Đồng Chung Vaticanô II, hay trong vấn đề dễ dàng giải tôn / tiêu hôn, hoặc trong vấn đề bao che cho thành phần giáo sĩ lạm dụng tình dục vị thành niên v.v. không phải là lý do khiến Giáo Hội sợ hãi không dám sống đúng với giáo huấn và gương lành của Đấng Sáng Lập. Là "ánh sáng muôn dân - lumen gentium" (nhan đề của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticanô II ban hành ngày 21/11/1964), Giáo Hội cần phải tỏa ra tất cả những gì được gọi là "rạng ngời chân lý - veritatis splendor" (nhan đề của bức thông điệp được ĐTC GPII ban hành ngày 6/8/1993) nơi bản thân mình đó là tình thương. Nếu Chúa Kitô "là phản ảnh của vinh hiển Cha, là hiện thân của bản thể Cha" (Do Thái 1:3) ở chỗ Người tử giá để tỏ lộ tất cả dung nhan thần linh của Người thế nào (xem Gioan 8:28) thì Giáo Hội cũng không thể nào sống trọn bản chất của mình nếu không "yêu thương những ai thuộc về mình thì yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1), dù "kẻ" đó có thế nào chăng nữa, có lạm dụng tình thương của mình chăng nữa, điển hình như một Giuđa Íchca cho dù đã có ý định phản nộp Thày mình nhưng vẫn được Người là Đấng thấu suốt mọi sự rửa chân cho (xem Gioan 13:2-4,11).

Tóm lại, lề luật và lương tâm của con người chỉ chuyên chính và trọn hảo khi nó trở thành những gì làm cho con người "nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48) cũng chính "là Đấng xót thương" (Luca 6:36), và con người nên trọn lành thật sự, không phải chỉ ở chỗ cẩn thận tuân giữ hết mọi lề luật và sống theo lương tâm chân chính, như người thanh niên giầu có mà còn ở chỗ theo Chúa Kitô (xem Mathêu 19:20-21), "Đấng tỏ Cha ra" (Gioan 1:18) bằng Cuộc Vượt Qua của mình, Đấng đã đến không phải là để hủy bỏ lề luật và các tiên tri mà là để làm cho chúng được nên hoàn trọn" (Mathêu 5:17), Đấng là chủ c ngày hưu lễ khi Người sống lại và hiện ra với các môn đệ "vào ngày thứ nhất trong tuần" (Gioan 20:19), Ngày Chúa Nhật của Tân Ước, Ngày Kitô Giáo hằng tuần long trọng cử hành mầu nhiệm phục sinh, thay cho ngày hưu lễ thứ bảy của Cựu Ước.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL