22.10.2014
TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2014
22.10.2014
Giữa lúc cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo IS bắt đầu diễn ra, nhiều quốc gia ngày càng lo ngại về số thương vong có thể xảy ra ở nước họ. Hàng trăm thanh niên châu Âu và những nơi khác đã tham gia vào những cuộc chiến của nhóm thánh chiến ở Trung Đông. Các chuyên gia ước tính rằng có đến 10 phần trăm trong số này là phụ nữ, những người bị cám dỗ bởi hình ảnh lý tưởng của một Nhà nước Hồi giáo thực sự và những trận chiến để đạt được nó. Đây là một hiện tượng đang nổi lên ở Pháp, nước xuất khẩu hàng đầu những nữ chiến binh được tuyển mộ vào nhóm thánh chiến này.
Gần một tháng trước đây, cô bé Assia Saidi biến mất khỏi nhà ở miền nam Pháp và để lại lời nhắn trên trang facebook với lý do: Đi tham gia nhóm thánh chiến ở Syria. Các nhà điều tra và gia đình hốt hoảng tìm kiếm cô. Vào một ngày thứ Bảy, họ tìm thấy cô bé 15 tuổi đang làm việc tại một quán bar ở Marseille.
Assia nói với một đài phát thanh ở Pháp rằng cô đã bị cám dỗ tham gia nhóm thánh chiến qua một trang web, nhưng những người ở Marseille nói với cô rằng những người tuyển mộ thực chất là những kẻ khủng bố.
Nhưng có rất nhiều trường hợp không có được một cái kết có hậu như thế. Hàng trăm bé gái và phụ nữ trẻ đang rời bỏ các quốc gia Tây phương để tham gia hàng ngũ của Nhà nước Hồi giáo và các nhóm cực đoan khác. Khó để nói có bao nhiêu người, nhưng Pháp dường như là nước xuất khẩu nữ chiến binh thánh chiến hàng đầu. Trong số gần 1.000 người nhóm thánh chiến này tuyển mộ được từ Pháp, có hơn 60 người là nữ giới.
Giảng viên Katherine Brown công tác tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng của đại học King College ở London đưa ra những phân tích về vai trò của phụ nữ trong các phong trào thánh chiến:
“Hiện giờ, ý niệm về cực đoan hóa là rất phổ biến nhưng sự hiểu biết của chúng ta lại rất hạn hẹp. Bởi vì một điều đã trở nên rất rõ ràng là động cơ tham gia của mỗi cá nhân là rất đa dạng.”
Bà Brown đã phân tích các trang mạng xã hội để tìm hiểu lý do vì sao phụ nữ phương Tây tham gia phong trào thánh chiến Hồi giáo:
“Phụ nữ tham gia vào các tổ chức cực đoan và đến các quốc gia Hồi giáo vì cả lý do cá nhân lẫn lý do chính trị…Tôi thực sự không đồng ý với ý kiến cho rằng lý do chỉ là về mặt cảm xúc, chỉ là về việc đi kiếm cho mình một người chồng, chỉ là một cái gì đó bốc đồng hay thiếu lý trí.”
Bà nói rằng đúng là có một số người đến những nơi này để trở thành cái gọi là “cô dâu thánh chiến.” Nhưng những người khác thực sự bị lôi kéo vì viễn cảnh về một quốc gia Hồi giáo đầy lý tưởng, một hình ảnh mà nhóm IS cố gắng thuyết phục mọi người, bất chấp những phương pháp dã man của nhóm này.
Nhà nhân chủng học người Pháp Dounia Bouzar lãnh đạo một trung tâm mới mở ở Paris với mục đích ngăn chặn sự lan tràn của việc cực đoan hóa. Bà nói rằng trong khi đàn ông bị hấp dẫn với những lý do kinh điển liên quan tới việc chống lại ác quỷ, những kẻ tuyển mộ sử dụng lý do nhân đạo để lôi kéo phụ nữ tham gia:
“Cách chiêu dụ đầu tiên của những kẻ tuyển mộ là thuyết phục phụ nữ tin rằng họ phải chết trên mảnh đất thánh thần để bảo vệ những người mà họ yêu thương. Điều thứ hai là nhu cầu hoạt động nhân đạo ở đó, và điều này thu hút rất nhiều phụ nữ muốn làm những việc liên quan tới y tế, y tá, xã hội, những công việc có tính vị tha.”
Nhưng nhóm IS cũng đang gửi đi một thông điệp có tính chính trị hơn, theo lời chuyên gia về Hồi giáo và cựu giới chức chống khủng bố cấp cao Louis Caprioli:
“IS nói rằng họ ủng hộ ý tưởng phụ nữ không chỉ có ra ngoài làm những công việc xã hội mà thực sự đóng một vai trò nào đó. Có những đoạn video cho thấy phụ nữ dùng ngôn ngữ rất cứng rắn và rằng họ sẽ ra ngoài để giết mọi người và vác súng A.K.”
Những hình ảnh như thế này thực sự có một tác động rất lớn, theo lời giảng viên Brown, ngay cả trong trường hợp chỉ có rất ít phụ nữ thực sự chiến đấu ngoài mặt trận:
“Và lý do nó có ý nghĩa như vậy là bởi những định kiến của chúng ta. Bởi vì khi chúng ta thấy phụ nữ tham gia vào những hành động bạo lực trong xã hội, chúng ta thấy đó là một điều gì đó rất mạnh mẽ. Vì thế đây là cách tuyên truyền có tác dụng rất lớn.”
Một vài người được tuyển mộ có thể là những người Hồi giáo cảm thấy bị xã hội châu Âu chối bỏ. Nhưng cô bé 17 tuổi Helene lớn lên trong một gia đình không theo tôn giáo ở ngoại ô Paris đã cải sang đạo Hồi hai năm trước đây. Tờ Le Monde của Pháp thuật lại việc Helene đã xem những đoạn video của một người thuyết giáo Kuwait và có bạn trai người Ai Cập, người hứa với cô rằng sẽ đưa cô đến một đất nước tôn trọng luật Sharia.
Trong thực tế, nhà nhân chủng học Bouzar nói, những phụ nữ trẻ này chỉ có một khái niệm chung chung mơ hồ về niềm tin Hồi giáo:
“3/4 trong số những người phụ nữ trẻ này chưa bao giờ bước chân vào một đền thờ Hồi giáo. Vào ngày thứ Ba, họ có thể ăn thịt lợn, và đến hôm thứ Tư thì họ đã có thể sẵn sàng lên đường sang Syria. Câu hỏi về tôn giáo không bao giờ bị thúc ép trong khi sự rao giảng về chủ thuyết…chỉ được thực hiện cho tới lúc cuối cùng.”
Chuyên gia Caprioli nói rằng những người Thiên chúa giáo cũng bị những thành viên chủ chiến Hồi giáo thu hút:
“Thông qua Hồi giáo, họ tìm thấy một sự nghiêm khắc mà Thiên chúa giáo không có. Họ tin rằng Hồi giáo tôn trọng phụ nữ hơn bởi vì họ sống trong một xã hội phương Tây nơi phụ nữ bị gây hấn và cưỡng hiếp. Vì vậy họ lý tưởng hóa vị trí của phụ nữ trong thế giới Hồi giáo và nghĩ rằng họ sẽ không phải gánh chịu loại bạo lực như thế này.”
Dĩ nhiên, thực tế hoàn toàn khác biệt. Một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc mô tả những hành động tàn bạo mà những kẻ chủ chiến IS gây ra đối với phụ nữ ở Iraq, bao gồm việc giết hại và bắt làm nô lệ tình dục. Nhà nghiên cứu Brown nói rằng những chiến binh thánh chiến phương Tây gặp phải những thực tế khác, nhưng ít khủng khiếp hơn:
“Điều mà chúng ta có xu hướng thấy đó là thực tế khắc nghiệt hơn những gì mà họ tưởng tượng. Vì thế mà có những dòng tin nhắn đăng trên twitter như là ‘tôi phải tìm máy sấy tóc ở đâu bây giờ?’ hay ‘nhà vệ sinh đó là nhà vệ sinh chung.’ Đây là những điều mà tôi không nghĩ là những người phụ nữ này nghĩ tới khi họ rời bỏ đất nước mình.”
Một khi đã tới đó, một số người như cô bé 16 tuổi Noura el-Bathy từ thành phố Avignon của Pháp bị mắc kẹt hoàn toàn. Vào tháng Năm, anh trai của cô là Fouad đã cố gắng tới thăm em mình ở Syria. Mô tả với truyền thông địa phương, anh Fouad nói những nỗ lực đưa em gái mình trở về nhà đã thất bại và Noura nói với anh rằng cô đã phạm một sai lầm trong cuộc đời.”
VOA