TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2014

‘Cướp biển lấy hàng nhưng thả người’

Toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu Sunrise 689 vẫn còn sống

Tàu chở dầu của Việt Nam bị mất tích ở ngoài khơi Singapore đã được thả ra sau khi bị cướp biển tấn công và cướp dầu, các hãng tin cho biết.

Tàu Sunrise 689 trở trên 5.000 tấn dầu đang trên đường từ Singapore về Quảng Trị đã mất liên lạc hoàn toàn từ ngày 3/10.

Trước đó, giới chức Việt Nam đều nghiêng về giả thiết tàu bị cướp biển tấn công.

‘Không nghiêm trọng’

“Hai trong số 18 thuyền viên đã bị thương và cướp biển đã lấy đi một phần dầu," hãng tin Anh Reuters dẫn lời ông Nguyễn Vũ Điệp, đại diện của Công ty đóng tàu Thủy sản Hải Phòng, cơ quan sở hữu tàu Sunrise 689, cho biết.

Cũng theo lời ông Diệp thì có hai thủy thủ bị thương và tàu đã được lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hộ tống đưa về đảo Phú Quốc.

“Một thuyền viên bị đánh và bị gãy chân,” ông Diệp nói và cho biết hơn 10 tên cướp có vũ trang đã tấn công tàu.

Ông Điệp đã xác nhận với BBC rằng tình hình thương tích của hai thuyền viên ‘không nghiêm trọng’ và khi nào tàu đến đất liền mới đưa họ đi chữa trị.

Tàu Sunrise 689 đã biến mất khỏi màn hình radar khoảng 40 phút sau khi rời khỏi Singapore.

Reuters cũng dẫn lời Cơ quan Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang ở châu Á có trụ sở ở Singapore cho biết chiếc tàu dầu này đã được phóng thích ‘vào sớm thứ Năm ngày 9/10’.

Cơ quan này cũng nói rằng thiết bị liên lạc trên tàu đã bị phá hủy.

Còn hãng tin Mỹ AP dẫn lời ông Phạm Văn Hoàng, thuyền phó của tàu, cho biết ‘một nhóm hơn 10 người đàn ông’ mà ông Hoàng cho là ‘người Indonesia’ đem theo súng và dao đi trên hai chiếc tàu cao tốc đã tiếp cận tàu Sunrise chẳng bao lâu sau khi nó rời cảng ở Singapore.

Eo biển Malacca là nơi có mật độ giao thông hàng hải cao

Ông Hoàng kể rằng cướp biển sau đó đã phá hủy toàn bộ hệ thống lái và thông tin liên lạc của tàu và nhốt toàn bộ thủy thủ đoàn 18 người vào một căn phòng.

“Chúng dí dao vào cổ chúng tôi và đe dọa sẽ giết nếu chúng tôi kháng cự,” thuyền phó Hoàng nói với AP qua điện thoại di động khi còn trên tàu.

Sau khi hút dầu qua tàu của mình, cướp biển đã thả thủy thủ đoàn vào sớm thứ Năm ngày 9/10 và lúc đó tàu ở cách mũi cực nam của Việt Nam khoảng 90 hải lý.

Thuyền phó Hoàng nói tàu của ông đã phải chặn đường một tàu cá để hỏi vị trí vì toàn bộ hệ thống định vị đã bị phá.

Đây là vụ cướp biển thứ 12 trong khu vực đông nam Á kể từ tháng Tư. Các vụ khác cũng nhắm vào tàu dầu và cướp biển cũng thả tàu sau khi lấy hàng, ông Noel Choong, người đứng đầu bộ phận báo cáo về cướp biển của Cơ quan Hàng hải Quốc tế có trụ sở ở Kuala Lumpur.

BBC 9/10/2014

 

Hải tặc cướp tàu dầu Việt Nam từ Singapore về Quảng Trị ?

 

Trọng Nghĩa
mediaTàu chở dầu Việt Nam mang số hiệu MT Sunrise 689.MarineTraffic.com

Một chiếc tàu chở dầu mang cờ hiệu Việt Nam vừa bị mất tích trên đường đi từ Singapore về Quảng Trị. Trong một lời báo động được công bố vào hôm nay, 07/10/2014, cơ quan quốc tế chuyên trách theo dõi nạn cướp biển, trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia) đã tỏ ý lo ngại trước khả năng chiếc tàu bị hải tặc cướp đi.

Trung tâm Báo cáo về Hải tặc (Piracy Reporting Center) thuộc Văn phòng Hàng hải Quốc tế (International Maritime Bureau), cho biết chiếc tàu chở dầu mang tên MT Sunrise 689 đã hoàn toàn bị mất liên lạc ít lâu sau khi rời cảng Singapore vào ngày 02/10 vừa qua, và « không rõ về số phận của thủy thủ đoàn cũng như chiếc tàu ».

Theo báo chí Việt Nam, chiếc tàu thuộc quyền sở hữu của Công ty Đóng tàu Thủy sản Hải Phòng, bên trên có 18 thủy thủ đều là người Việt. Chiếc tàu này đã bị mất liên lạc không đầy một tiếng đồng hồ sau khi rời cảng Singapore, trên đường về Quảng Trị (miền Trung Việt Nam), chở theo hơn 5000 tấn dầu Gasoil.

Sau khi được tin chiếc tàu bị mất tích, chính quyền Việt Nam đã kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả các cơ quan chức năng cũng như lực lượng cảnh sát biển của các nước trong vùng – từ Trung Quốc, Malaysia, cho đến Singpore, Indonesia – để tìm kiếm tông tích chiếc tàu.

Giả thuyết chiếc tàu dầu Việt Nam bị cướp biển tấn công và mang đi hiện đang được chú trọng vì lẽ trong năm nay, nạn hải tặc trong vùng biển Đông Nam Á đã rộ lên trở lại, với các vụ cướp ngày càng táo bạo đa số nhắm vào tàu lớn như tàu chở dầu chẳng hạn.

Cướp biển tập trung tại vùng eo biển Malacca nằm giữa Malaysia, Indonesia và Singapore. Đã có nhiều chiếc tàu chở dầu bị chặn cướp, dầu bị hút và san qua những chiếc tàu nhỏ hơn của hải tặc. Tuy nhiên cho đến nay, chưa thấy có báo cáo nào về việc hải tặc sát hại thủy thủ trên tàu bị cướp.

Trong vòng một thập niên trước đây, tệ nạn hải tặc rất nghiêm trọng tại vùng Đông Nam Á từng có dấu hiệu bị tạm thời dẹp yên nhờ nỗ lực của các lực lượng hải quân trong khu vực. Chiều hướng cướp biển ngóc đầu trở lại trong vùng do đó đã gây quan ngại rất lớn, và Cơ quan Hàng hải Quốc tế đã kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường hợp tác để đối phó với tệ nạn cướp biển.

Theo giới chuyên gia, với kinh tế vùng Đông Á càng lúc càng phát triển, hàng hóa và dầu hỏa chuyển vận qua eo biển Malacca và vùng Biển Đông càng lúc càng nhiều. Điều này đã kích thích lòng tham của nhiều băng cướp mới, rất có thể là do các mạng lưới tội phạm có tổ chức lớn điều hành.

 

RFI 7-10-2014