TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2014

 

Việt Nam-Vatican cam kết khôi phục bang giao

Cuộc gặp được Vatican đánh giá là ‘bước quan trọng’ của tiến trình củng cố mối quan hệ giữa Tòa Thánh với Việt Nam.
Cuộc gặp được Vatican đánh giá là ‘bước quan trọng’ của tiến trình củng cố mối quan hệ giữa Tòa Thánh với Việt Nam.

Việt Nam và Vatican cam kết khôi phục quan hệ ngoại giao sau cuộc hội kiến giữa lãnh đạo đôi bên tại Rome cuối tuần qua.

Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đức Giáo hoàng Phanxicô hôm 18/10 bày tỏ mong muốn củng cố mối quan hệ giữa Tòa Thánh với Việt Nam trong cuộc gặp được Vatican đánh giá là ‘bước quan trọng’ của tiến trình đó.  

Truyền thông nhà nước thuật lời ông Dũng khẳng định rằng Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Tòa thánh. Đôi bên cũng nhất trí duy trì các cuộc đối thoại và liên lạc nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển.

Chính phủ cộng sản Việt Nam cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vatican từ năm 1975. Hai bên cùng nỗ lực để cải thiện quan hệ trong suốt bảy năm qua.

Tuy nhiên, bang giao giữa Việt Nam và Vatican không thể khôi phục trừ phi Hà Nội cải thiện các quy định-chính sách xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo của người dân, theo nhận định của một chức sắc Công giáo ở khu vực miền Nam, người được biết đến qua các hoạt động tích cực cổ xúy cho nhân quyền, công lý, và tự do tôn giáo.

Linh mục Đinh Hữu Thoại, Chánh Văn phòng tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam:

“Có những điều kiện cụ thể để mối quan hệ đó có thể xúc tiến hơn. Tùy thuộc phía Việt Nam có thay đổi hay không thôi, chứ Giáo hội không từ chối quan hệ với bất cứ đất nước nào. Vấn đề là Việt Nam phải đạt các điều kiện về tự do tôn giáo, sự độc lập của Giáo hội với nhà nước không bị nhà nước can thiệp vào chuyện nội bộ của Giáo hội. Những cái cơ bản đó phải có thì mới nói tới vấn đề bang giao. Hiện nay, thực tế ở Việt Nam không có tự do tôn giáo đúng nghĩa. Mọi sinh hoạt tôn giáo, ngay cả việc rất quan trọng là bổ nhiệm Giám mục, vẫn phải qua hệ thống kiểm soát của nhà nước. Họ đồng ý thì Giáo hội và Đức Giáo hoàng mới bổ nhiệm được. Cái đó vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng. Chính sách và luật pháp của Việt Nam cũng là những chính sách hạn chế tự do tôn giáo chứ không thật sự giúp cho quyền tự do tôn giáo được thực thi. Hai vấn đề lớn đó hiện nay chưa giải quyết xong thì khó mà đi đến bang giao với Vatican được."

Có những điều kiện cụ thể để mối quan hệ đó có thể xúc tiến hơn. Tùy thuộc phía Việt Nam có thay đổi hay không thôi, chứ Giáo hội không từ chối quan hệ với bất cứ đất nước nào.

Linh mục Thoại cho rằng dù gần đây Việt Nam và Vatican đã tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao trong nỗ lực hàn gắn quan hệ, nhưng chưa thấy được kết quả đích thực và cụ thể:

“Rõ ràng Việt Nam cũng đang cố gắng trong mong muốn thiết lập bang giao với Tòa Thánh vì điều đó có lợi cho họ, nhưng mọi việc chưa đi đến một bước tiến nào khá hơn sau các cuộc gặp đó.”

Thông cáo báo chí của Vatican về cuộc gặp vừa rồi giữa Thủ tướng Dũng và Đức Giáo hoàng Phanxicô nói Tòa Thánh đánh giá cao hậu thuẫn của Hà Nội dành cho cộng đồng Công Giáo phù hợp với sự phát triển quy định trong Hiến Pháp 2013 liên quan đến chính sách tôn giáo cũng như sự hỗ trợ dành cho Đại diện không thường trú của Vatican trong sứ mạng phát huy quan hệ giữa Giáo Hội với nhà nước Việt Nam.

Linh mục Đinh Hữu Thoại nói đây chỉ là những tuyên bố mang tính ngoại giao và bày tỏ hy vọng rằng thực tế trong tương lai sẽ xứng đáng với lời ca tụng này:

“Thông báo đó mang tính ngoại giao. Tự do tôn giáo trong nước không có dấu hiệu gì là gia tăng cả. Chính sách không gì thay đổi. Mới đây nhất là vụ ở quận hai, Thủ Thiêm, họ vẫn âm mưu xóa sổ tôn giáo. Phải thay đổi từ bên trong Việt Nam thì mới nói đến vấn đề bang giao với Vatican.”

Thông cáo của Tòa Thánh cũng cho biết thêm lãnh đạo Việt Nam và Vatican trong cuộc gặp lần này cũng thảo luận một số chủ đề hy vọng sẽ được xem xét thêm qua các kênh đối thoại hiện hữu, nhưng không nêu rõ đó là những việc cụ thể gì.

Hai bên cũng trao đổi quan điểm về những vấn đề quốc tế và khu vực hiện tại, đặc biệt là sáng kiến nhằm thăng tiến hòa bình-ổn định tại Châu Á.

Vatican trước đó từng lên tiếng ca ngợi những bước tiến tích cực từ các cuộc đàm phán về quan hệ đôi bên tại Hà Nội hôm 10 và 11/9.

Trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của mình hồi tháng 8 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi đối thoại với hai quốc gia cộng sản Việt Nam và Trung Quốc vốn chưa có quan hệ chính thức với Vatican. Ngài cũng đồng thời nhấn mạnh rằng Vatican không nhìn Châu Á với tư tưởng ‘chế ngự.’

Hy vọng mối tương quan giữa người Công giáo và các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam bớt khó khăn hơn. Rất mong mỗi lần có cuộc gặp như vậy sẽ có thêm bước tiến nữa xích lại gần nhau hơn...

Từ năm 2011, đặc sứ không thường trú của Vatican đã thực hiện nhiều chuyến thăm đến Việt Nam và tham dự các sinh hoạt tôn giáo lớn của Giáo hội Công giáo trong nước.

Đây là lần thứ nhì Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến tại Vatican sau cuộc gặp lần đầu với Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 hồi tháng Giêng năm 2007.

Cộng đồng Công giáo trong nước hiện chiếm khoảng 7% trên tổng số 89 triệu dân Việt Nam.

Giới hoạt động nhân quyền tố cáo Việt Nam vẫn gia tăng sách nhiễu các nhà hoạt động tôn giáo trong nước và các tổ chức tôn giáo ngoài nhà nước vẫn liên tục bị đàn áp.

Giám mục chính tòa của Giáo phận Vinh kiêm Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nói với VOA Việt ngữ ông hy vọng cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Vatican sẽ mở ra những chuyển biến tích cực cho mối quan hệ đôi bên và vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp:

“Cũng hy vọng mối tương quan giữa người Công giáo và các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam bớt khó khăn hơn. Rất mong mỗi lần có cuộc gặp như vậy sẽ có thêm bước tiến nữa xích lại gần nhau hơn, giúp Việt Nam mở ra với cộng đồng quốc tế hơn và cũng giúp cho những người thuộc các tôn giáo được đóng góp nhiều hơn để phục vụ đất nước-dân tộc.”