ƠN GỌI NHÂN BẢN

 

Người Việt Đông Âu 'được rất nhiều'

Nguyễn Giangbbcvietnamese.com

Nhờ chuyển đổi thể chế sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, người Việt ở Đông Âu đã được hưởng tự do, kể cả tự do cho họ quyền vẫn tin vào ý tưởng cộng sản cho đến phúc lợi xã hội và tiện nghi của nền kinh tế tư bản.

Nhưng riêng tại Nga, dù có sự ủng hộ cho chuyển đổi dân chủ ban đầu, nay sự thất vọng về hiện tại khiến vẫn có người hoài niệm về thời Liên Xô và lại có thêm lo ngại về tình hình như Ukraine và kinh tế nước sở tại.

Được và mất

Trong cuộc thảo luận trên Google+ và YouTube (xem tại đường dẫn này) do Nguyễn Giang chủ trì, khách mời từ Đức, Ba Lan và Nga cho BBC biết về cảm giác 'được và mất' nhân sự kiện châu Âu kỷ niệm Bức tường Berlin sụp đổ ngày 9/11/1989.

Nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin cho BBC hay:

"Tôi không thấy cảm giác mất trong cộng đồng Việt ở Berlin. Những người vẫn muốn giữ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa vẫn có thể sinh hoạt hội đoàn, không mất gì, còn sinh hoạt, hoạt động của họ có được cộng đồng chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Tôi thấy họ bằng lòng với chuyện đó."

"Còn về làm ăn kinh tế, bản thân họ có quyền lựa chọn, có quyền trải qua, so sánh, họ có quyền theo đuổi lý tưởng A hay B mà không ai cấm đoán. Đó là ưu việt của xã hội tự do."

Riêng với người dân Đức, những người từng tổ chức các cuộc tuần hành lên con số cả triệu hồi 1989 để đòi thống nhất đất nước, Giáo sư Jorg Thomas Engelbert, nhà Việt học từ Đại học Hamburg cho biết:

Giáo sư Engelbert nói các thế hệ sau của người Việt tại Đức sẽ thấm tư tưởng dân chủ hơn cha anh họ

"Tùy theo từng người khác nhau nhưng chắc là cũng có một số người mất những tư tưởng, những l‎ý tưởng, những điều mà họ cảm thấy là nó vĩnh viễn và cố định mà cuối cùng cũng chẳng ra gì. Nhưng mà cái đấy cũng mất lâu có những thế hệ già thì nó phải lâu hơn..."

Nhưng với người Nga, có lẽ cảm giác 'mất mát' là lớn hơn cả, như nhà báo dân chủ Nguyễn Minh Cần từ Moscow kể lại:

"Sau khi ở Ba Lan Công đoàn Đoàn kết thành công vào tháng 6/1989 thì chúng tôi hồi hộp chờ các biến cố khác, rồi khi người Đông Đức tràn sang Hungary để sang Áo thì chúng tôi nghĩ số phận nước Đông Đức sẽ được quyết định, được giải phóng..."

"Khi đó, người Nga chưa có cảm giác họ sẽ mất cái gì. Tôi đã tham gia nhiều cuộc biểu tình, không chỉ thanh niên mà cả những người về hưu họ cũng phấn khởi, muốn thay đổi. Nhưng khi Yeltsin lên, có những chủ trương sai, thì người ta mới thấy mình mất một lý tưởng."

"Sau này người ta mới nghĩ là mất, còn khi ấy thì người ta có cảm giác mong được giải phóng."

Hệ thống cộng sản tan rã ngay trên quê hương của nó là biến cố lớn, tầm vóc thể kỷ của châu Âu. Nay nhìn vào di sản ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, các nước Đông Âu chọn cách giải quyết khác nhau.

Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Warsaw, nói về đặc thù của Ba Lan:

"Hiến pháp Ba Lan, điều 13 cấm chủ nghĩa cộng sản và Nazi nên sự lựa chọn công khai theo lý tưởng cộng sản thì không có."

"Còn người Việt Nam vẫn có thể sống cuộc sống đủ tiện nghi, có ưu việt của xã hội dân chủ, nhưng họ vẫn trong chừng mực nào đó vẫn có thể duy thì suy nghĩ cộng sản nhưng không công khai."

Việt Nam và người Việt hôm nay

Ngày nay nhìn lại, các chuyển biến từ Đông Âu đã có tác động đến Việt Nam như đánh giá của Giáo sư Engelbert:

"Việt Nam chắc chắn cũng thay đổi thôi và cái thay đổi bắt đầu không phải từ năm 1989 mà từ năm 1986. Chúng ta đều đã biết là quá trình đổi mới, đổi mới về kinh tế thì thành công rõ rệt không thể phủ định được, mặc dù cũng vấn đề này vấn đề nọ trong quá trình cần phải giải quyết."

Bà Mạc Việt Hồng: "Ba Lan ngày nay cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và phát-xít'

"Còn những cái đổi mới, những phương diện khác thì dĩ nhiên những người Việt Nam hôm nay thì họ biết nhiều hơn, có thể nói được rất nhiều chuyện."

Nhìn vào xã hội Ba Lan ngày nay, bà Mạc Việt Hồng nói:

"Công bằng xã hội ở Ba Lan hiện nay so với Việt Nam: Ở Ba Lan cũng như nhiều nước châu Âu khác việc giải quyết công bằng xã hội tốt hơn Việt Nam và các nước đang phát triển khác rất nhiều. Họ có chính sách trợ cấp xã hội cho người nghèo. Nền tảng xuất phát của Ba Lan có thể cũng cao hơn Việt Nam."

Giáo sư Engelbert cũng nêu quan điểm về bất công xã hội trong sự so sánh với Việt Nam:

"So với các nước lân cận như Campuchia, Philippines hoặc Thái Lan họ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa từ rất lâu rồi thì những chính sách xã hội của Việt Nam cũng không đến nỗi kém lắm và Ngân hàng Thế giới họ có một số chương trình, ví dụ là đưa sinh hoạt văn hóa vào nông thôn hay là trường học hay là thường gọi là cái gì đó nó cũng có ‎ý nghĩa."

"Nhưng mà dĩ nhiên vấn đề tham nhũng chẳng hạn thì trong khuôn khổ của chế độ hiện hành thì rất khó giải quyết vì thiếu những yếu tố dân chủ, thiếu yếu tố của pháp luật, thiếu những cái yêu cầu công an độc lập… Có một số vấn đề thì dĩ nhiên là ngay cả vấn đề kinh tế thì trong khuôn khổ của chế độ này thì rất khó giải quyết."

Nhắc lại tình hình hoạt động báo chí có một thời ủng hộ tư tưởng dân chủ Đông Âu, ông Lê Mạnh Hùng cho biết:

Ông Lê Mạnh Hùng: 'Tôi không thấy có cảm giác mất mát gì trong cộng đồng Việt ở Berlin'

"Tình hình hoạt động của các tờ báo vận động dân chủ trong nhiều nhóm người Việt khác nhau ở Berlin hiện nay là số đầu báo và tạp chí đã giảm đi nhiều so với những năm 1990. Lý‎ do là việc cập nhật thông tin qua internet khiến cho đọc giả tản mát. Thứ hai là mức độ giao lưu giữa người Việt sống ở Đức với VN và quốc tế cũng tăng cường hơn trước rất nhiều. Yếu tố kinh tế cũng khiến cho những người làm báo rất chật vật để tồn tại tờ báo của mình. Do đó, hiện giờ đã có sự chuyển hướng đi vào internet."

Vẫn về chuyện người Việt tại Đức tiếp thu tư tưởng dân chủ phổ cập ở Đông Âu, ông Engelbert nêu ra nhận định:

"Tôi nghĩ là thế hệ mới lớn lên, những người mà sống ở Đức nói tiếng Đức có khi là giỏi hơn tiếng Việt. Họ thấm những ‎ý kiến của xã hội tiên tiến bây giờ kể cả dân chủ kể cả tự do, tự do cả trong trường học mà có thể cãi với thầy được. Cái đấy ở Việt Nam còn là điều mới lạ mà họ rất là quen."

"Tôi nghĩ là tương lai của cộng đồng người Việt ở Đức cũng như người Việt ở Việt Nam là cái thế hệ trẻ này mà họ sẽ khác hẳn so với những thế hệ trước trên rất nhiều phương diện, có cả tốt có cả điều mà người ta sẽ cho là mất mát."

"Chúng ta có thể đầy hy vọng là lịch sử tiến lên, ở đâu cũng thế."

Còn từ Moscow, ông Nguyễn Minh Cần cho hay về tâm trạng của người Việt Nam ở đó sau 25 năm chuyển đổi tại Đông Âu:

"Bây giờ thì tâm trạng của cộng đồng người Việt ở Nga, kể cả sinh viên và trí thức hầu như không quan tâm đến chính trị hoặc sợ dính dáng đến chính trị. Cho nên bây giờ không như trước. Và đối với cả tình hình của Nga thì họ cũng không quan tâm."

"Chỉ khi quan hệ Nga – Ukraine trở nên tồi tệ, ảnh hưởng tới kinh tế Ukraine khiến cho công việc làm ăn của người Việt rất khó khăn, lúc bấy giờ người ta mới suy nghĩ là do chính sách của Nga nhưng cũng không có hành động gì cả."

Toàn bộ cuộc thảo luận video hôm 13/11 được lưu trên YouTube tạihttp://bit.ly/1wWayk và trên Google+ ở địa chỉ này.

BBC Tiếng Việt có chương trình bàn tròn thời sự hàng tuần ghi hình qua mạng Google+ từ London