ƠN GỌI NHÂN BẢN

 

Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông 

 Việt Nam Cộng Hòa – Quốc Gia trẻ trung của Đông Nam Á.

19 Tháng 5 2014
Nhà nước Việt Nam Cộng Hoà ra đời không bao lâu sau khi nền đô hộ thực dân của người Pháp kết liễu tại Đông Dương vào giữa thập niên 1950. Từ đó đến ngày 30-4-1975, trên phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam, nhiều người Việt đã chung tay gầy dựng nên một xã hội năng động, cầu tiến chưa từng thấy trước nay. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi không nhắc về cuộc chiến giữ gìn bờ cõi  quân lực VNCH, cũng không chủ ý làm các phép so sánh đối chiếu với những nước lân bang trong cùng thời gian. Chỉ xin mời bạn cùng điểm qua vài cột mốc với ít nhiều ý nghĩa, có thể là các ghi nhận sơ khởi về những đóng góp khả quan, hữu ích của VNCH trong dòng lịch sử Việt.
 

Đường Nguyễn Huệ và toà Đô Chính năm 1960
 
Thành công trước hết của VNCH cần phải kể có lẽ là nỗ lực đón nhận gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư sau Hiệp định Geneva 1954. Ghi nhận thì dễ dàng, nhưng ngay cả với một cường quốc như Hoa Kỳ ngày nay, việc tái định cư, ổn định đời sống về mọi mặt (nhà ở, công ăn việc làm, y tế, giáo dục…) cho cả triệu dân là một thách thức ghê gớm. Chánh phủ Ngô Đình Diệm có công lớn trong sứ mạng này. Có lẽ không gì ngạc nhiên khi nhiều gia đình người Bắc di cư đến nay vẫn dành nhiều ưu ái cho vị tổng thống đầu tiên của VNCH.
 

Hình ảnh cuộc di cư vào Nam 1954
 
 
Người ta nhận xét người Việt ở miền Nam thường hào sảng và… hào hoa. Đặc điểm này dường như cũng đúng với chế độ VNCH. Mặc dù trong khung cảnh chiến tranh điêu linh, miền Nam Việt Nam vẫn kịp khai triển một nền văn hoá nghệ thuật độc đáo, đậm chất Việt, cách riêng trong các ngành văn chương, âm nhạc, hội hoạ… Có hai lý do lớn góp phần thúc đẩy sự viên mãn này: công việc giáo dục nhân bản, và một nền báo chí tự do. Cả miền Nam thời đó có khoảng 50 tờ nhật báo và hằng trăm tạp chí lớn nhỏ đủ loại, tạo sân chơi cho nhiều tài năng trẻ mặc sức tung hoành. Chính trong môi trường này, dưới thời VNCH rất nhiều tác phẩm quý đã ra đời, vẫn còn chỗ đứng đến ngày nay. Có hằng trăm, thậm hằng ngàn tên tuổi thành danh vào lúc tuổi đời chỉ ngoài đôi mươi, điều sau này hiếm gặp lại.
 

Thiếu nữ Việt Nam Cộng Hoà
 
Sự có mặt của người Mỹ và các nước bạn đồng minh, cùng nhu cầu chiến cuộc, giúp VNCH có một mạng lưới đường xá, cầu cống, và các công trình kiến trúc khang trang, rộng khắp xứ sở. Hệ thống hạ tầng cơ sở này hầu như còn nguyên trạng, trở thành trục xương sống của nền kinh tế Việt Nam kéo dài đến sau này, khoảng đầu thập niên 1990. 
 
Kinh tế nước Việt Nam thời hậu chiến sau năm 75 rập khuôn mô hình Nga Sô cũ, khiến đời sống dân chúng cơ cực bần hàn, dẫn đến quyết định “cải tổ”, “mở cửa”, và thu hút “đầu tư” năm 1986. Nhìn lại, các nhà hoạch định kinh tế của VNCH đã đi trước đó đến 30 năm. Từ 1957, chánh phủ VNCH đã ban hành nhiều chánh sách mạnh mẽ, kêu gọi đầu tư ngoại quốc lẫn tư nhân, giúp canh tân mở mang nước nhà. Chính nhờ những quyết sách nhạy bén này, trong 20 năm kế tiếp, miền Nam Việt Nam trong thế vô vàn khó khăn, vẫn nỗ lực xiển dương một nền công nghệ riêng tuy quy mô còn khiêm tốn. Ta có thể nhắc những cái tên lừng lẫy của một thời như: Khu kỹ nghệ Biên Hòa, Khu kỹ nghệ An Hòa, Khu kỹ nghệ Phong Đình, nhà máy giấy Cogido An Hảo, các xưởng dệt Vinatexco và Vimytex, nhà máy thủy tinh Khánh Hội, hai nhà máy xi măng Hà Tiên và Thủ Đức… VNCH cũng kịp xây đập thủy điện Đa Nhim từ đầu thập niên 1960, là một trong những lý do giúp phát triển mạng lưới điện lên ít nhất 10 lần. Kỹ nghệ dầu hoả cũng manh nha đầu thập niên 1970 với hãng Mobil của Mỹ chuẩn bị khai thác dầu tại giàn khoan Bạch Hổ ngoài khơi Vũng Tàu.
 
 
Một thành quả khá độc đáo khác, thường được nhiều người nhắc nhở, là sản phẩm xe hơi “La Dalat”. Khởi thuỷ là một cơ xưởng của Citroen mở từ năm 1936. Đến đầu thập niên 1970, hãng này gọi là “Citroen Xe Hơi Công Ty”, đóng nhiều phiên bản xe La Dalat khác nhau, mở cửa hoạt động đến năm 1975. Ngày nay, vẫn có nhiều người chơi xe cổ sưu tập các xe La Dalat này, đặc biệt ở Sài Gòn. Chiếc xe tí hon, đơn giản, song ít nhiều gợi niềm hoài cảm, và hãnh diện cho người miền Nam một thuở, đã bước vào kỹ nghệ đóng xe hơi từ rất sớm.
 
 
Một điểm son đặc biệt thời VNCH là chương trình “Người Cày Có Ruộng” khởi sự năm 1970. Đây là tương phản lớn với cuộc “cải cách ruộng đất” đẫm máu ở miền Bắc với chánh sách cộng sản. Ở miền Nam Việt Nam, chánh phủ VNCH nghĩ ra cách bán công khố phiếu, lấy tiền đó mua lại ruộng đất của điền chủ, rồi đem chia cho nông dân miễn phí. Chương trình này giúp khoảng bốn triệu nông dân có đất ruộng riêng, đời sống được cải thiện đáng kể. Nhiều học giả sau này đánh giá “Người Cày Có Ruộng” là một trong những chương trình cải cách điền địa quy mô, mang nhiều tham vọng, và thực thi hiệu quả nhất tại quốc gia VNCH. 
 
 
Trong những thành tựu này, có thể nói, không gì sánh bằng nền giáo dục VNCH. Tuy non trẻ, ảnh hưởng của nó còn kéo dài, vị ngọt của nó còn thấm đẫm theo nhiều thế hệ người Việt ở hải ngoại lẫn quốc nội sau này. VNCH là một trong những quốc gia đưa giáo dục vào chính hiến pháp, bảo đảm công dân được học hành miễn phí, và nền đại học không bị chi phối bởi chánh trị. Giáo dục thời VNCH chú trọng các yếu tố nhân bản, dân tộc, và khai phóng.
Có thể kể vài con số ước lượng sơ khởi vào đầu thập niên 1970. VNCH có 2.5 triệu học trò tiểu học, trên nửa triệu học trò trung học, và hơn 100 ngàn sinh viên đại học. Trên cả nước, số người biết đọc / viết chiếm khoảng 70% dân số. Ngành giáo dục VNCH có đến 3 máy chấm bài thi trắc nghiệm điện tử IBM thế hệ đầu của Mỹ. Lúc đó Singapore mới có 1 máy, và ở VN hơn ba mươi năm sau mới biết sử dụng trở lại.
 
 
VNCH có hệ thống trường học cả công lẫn tư rất mạnh, ở mọi cấp học. Nhiều trường còn lưu danh đến ngày nay như: Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Vạn Hạnh, Viện Đại học Minh Đức, Học viện Quốc gia Hành chánh, trường Quốc gia Âm nhạc, trung học Pétrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Quốc Học (Huế), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Lasan Taberd, Regina Pacis, Regina Mundi, Bác ái, v.v…
 

Những nhân tài trẻ măng của một thời…
 
Tuy chỉ hiện diện trong khoảng 20 năm , nước Việt Nam Cộng Hoà cũng kịp ghi lại nhiều dấu ấn. Các chánh phủ VNCH, ở thời đệ Nhất và đệ Nhị Cộng hoà, dù đối diện vô vàn thách thức, dù phải đương đầu với võ lực xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản từ phương bắc, vẫn đủ sức điều hành một xứ sở với gần 20 triệu người một cách hiệu quả trong chừng mực có thể. Với các thành tựu điểm qua trong bài này, ở những lãnh vực kỹ nghệ, giáo dục, văn hoá… VNCH đóng góp một cái nền, một cái khung chắc chắn. Sự ảnh hưởng của nó lên cách tổ chức, ý thức, và đời sống người Việt về sau này sẽ cần thêm thời gian để người ta nhận biết rõ cho thấy sự khác biệt ở hai miền nam bắc. Thời VNCH đã tạo ra một lớp người mới, có tri thức, chánh trực, hết lòng phụng sự quốc gia ( Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm ) . Chỉ tiếc rằng sau một cơn biến động năm 75, đa phần trong số họ không có cơ hội giúp phục hưng xứ sở, thậm chí còn phải hứng chịu nhiều sự trả thù ác hiểm. Thế cho nên, dù đã thôi tồn tại gần 40 năm rồi, VNCH vẫn còn được nhiều người nhắc nhở, nửa như niềm hãnh diện chưa phôi phai, nửa như nỗi lưu luyến dịu dàng, về một thời thanh xuân cũ, về cái buổi ban đầu trẻ trung nhiều hứa hẹn… Và có lẽ, từ nỗi nhớ nhung nhẹ nhàng này của nhiều người Việt, sẽ bật ra những tia hy vọng, hướng về một tương lai khác hơn, về sự phục sinh của các giá trị đẹp, và sự rõ ràng sòng phẳng với nhiều sự thật lịch sử còn ẩn khuất.