ƠN GỌI NHÂN BẢN

 

Phụ nữ bị truyền thông lạm dụng

 

Phụ nữ bị 'truyền thông lạm dụng'?

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng trong cuộc thảo luận hôm 30/10

Nhân loạt chương trình về 100 Phụ nữ 2014 BBC cùng chuyên gia và các khách mời thảo luận trực tuyến trên Google Hangout về vấn đề bất bình đẳng giới trong truyền thông.

“Tôi rất không thích từ ‘thiên chức’”, và nhất là truyền thông hay “nhấn mạnh” từ này, khi phụ nữ bị yêu cầu phải làm tròn trách nhiệm, vừa phải ‘đẹp, hoàn hảo’, tiến sỹ Khuất Thu Hồng chia sẻ trong chương trình thảo luận hôm 30/10.

Có quan điểm tương tự, nhà thiết kế và từng là người mẫu ở Việt Nam, Hà Đăng so sánh với báo chí Luxembourg rằng cô "ít thấy báo chí hàng ngày ở đây nhắc đến những vai trò, nghĩa vụ của người phụ nữ trong gia đình – là điều tôi bắt gặp rất nhiều, tràn lan trên các báo chính thống cũng như lá cải ở Việt Nam.

“Ví dụ như làm thế nào để giữ gìn hạnh phúc gia đình, làm thế nào để con bạn lớn nhanh và hầu hết những thông tin này dành cho phụ nữ.

“Nó giống như gánh nặng đặt thêm lên đôi vai người phụ nữ, bên cạnh vấn đề về hình thức của họ.”

Khi hỏi các khách mời tham gia chương trình hôm 30/10 về tìm kiếm do BBC thử trên Google với từ khóa ‘hình ảnh phụ nữ trong truyền thông Việt Nam’, kết quả đầu tiên xuất hiện là ‘Tài liệu giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ’ của hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tiến sỹ Thu Hồng cho rằng: “Nếu nói nghĩa đen thì có thể nói đó là sự bất bình đẳng giới.

“Hội Liên hiệp Phụ nữ là tổ chức đại diện, tổ chức quần chúng của phụ nữ mà nhiệm vụ là giáo dục và huy động phụ nữ tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

“Còn nam giới không có những hội riêng như vậy nên không có thông điệp dành riêng cho nam giới.”

Nhà xã hội học và chuyên gia về giới, giải thích thêm, ở Việt Nam, “do ý chí chính trị” nên việc giáo dục phụ nữ luôn được đặt ra trong các hội đoàn của nhà nước, “nhưng mặt khác xu hướng thị trường, chủ nghĩa tiêu thụ cũng thấm đẫm trong đời sống Việt Nam, thế nên quảng cáo rất nhiều, sử dụng hình ảnh phụ nữ để bán hàng.”

‘Nghịch lý’

Chiến dịch phản đối trang 3 báo The Sun - vốn đăng hình phụ nữ ngực trần suốt 42 năm

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là nơi duy nhất có cách thực hành này.

Điểm qua một số tờ báo ‘lá cải’ ở Anh, Nguyễn Hùng của BBC cho rằng truyền thông lá cải ở đâu cũng có những điểm tương đồng và ở đâu cũng có khách hàng của nó.

Chẳng hạn như báo The Sun – thuộc mảng báo lá cải hàng đầu ở Anh, nổi tiếng với trang 3 chuyên đăng hình phụ nữ ngực trần, tính đến tháng 12/2013 có 117.000 người chịu trả tiền để đọc bản trên mạng.

Thế nhưng cũng có một chiến dịch phản đối trang 3, được hàng trăm ngàn người và tổ chức ủng hộ, với khẩu hiệu “boobs aren’t news” – tạm dịch là phô bày ngực phụ nữ không phải là cách làm tin.

Nhiếp ảnh gia với nghệ danh Loan Trần, từng có thời gian tham gia tổ chức cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong giải thích, “có cung khắc có cầu. Khi nhân dân muốn xem cái gì, người ta sẽ làm cái đó. Đấy là quy luật tất yếu của báo chí.”

Bất đồng với ý kiến trên, tiến sỹ Thu Hồng cho rằng truyền thông, báo chí hay quảng cáo cũng có vai trò định hình thị hiếu của người dân.

“Họ lợi dụng hay lạm dụng phương tiện truyền thông để tạo ra nhu cầu, tạo ra thị hiếu.”

“Không phải chỉ ở Anh mà cả ở Việt Nam, truyền thông đã sử dụng hình ảnh phụ nữ ở tất cả các chiều cạnh cho mục đích thương mại.”

Người mẫu, nhà thiết kế Hà Đăng cũng nhận xét quan niệm về cái đẹp của phụ nữ đang bị gây ảnh hưởng rất nhiều từ ngành công nghiệp thời trang và báo hình ở khắp nơi trên thế giới.

Chẳng hạn, ở Việt Nam, người ta cho rằng phụ nữ “chân phải thật dài, là da trắng, mắt to, ngực nở. Tôi nghĩ điều này cũng tốt thôi nhưng nó gây ám ảnh lên các thiếu nữ, phụ nữ rằng mình chưa hoàn thiện.”

“Nghịch lý trong các tạp chí dành cho phái đẹp ở Việt Nam là phần đầu toàn hình những cô gái đẹp bốc lửa, sexy, phần sau thì khuyên hãy là chính mình, ‘hãy để vẻ đẹp tự nhiên của bạn tỏa sáng’.”

‘Nỗ lực phi thường’

Hình ảnh phụ nữ được tận dụng trong cả truyền thông và quảng cáo - trong hình là một buổi ra mắt xe hơi ở Việt Nam

Quan sát về sự phân biệt giới tính trong giới người mẫu và nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia Loan Trần nói ‘đương nhiên là vẫn bất bình đẳng vì ngay về giới tính đã khác nhau rồi. Ví dụ như người mẫu nữ sẽ nhiều sô hơn người mẫu nam.’

Từ góc độ thay đổi giới tính, cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm, người chuyển giới đầu tiên được chính thức công nhận ở Việt Nam, quan sát thấy “xã hội Việt Nam kỳ thị có, nhưng cực đoan thì không.”

"Nói chung là phải có cách làm sao để thay đổi, có cách nhìn mới về những người tạm gọi là chuyển giới hoặc chỉnh lại giới tính. Đó là điều mà Trâm khao khát làm được.”

Cô giáo Quỳnh Trâm cũng cho biết thêm, cô phải phấn đấu “gấp 10 lần” bình thường “vì họ đã có sẵn định kiến nên để thay đổi định kiến của xã hội với những người thay đổi giới tính rất khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu.”

Bên cạnh đó, tiến sỹ Khuất Thu Hồng nhận xét “những gì mà phụ nữ Việt Nam ngày nay đạt được, phần lớn là do nỗ lực tự thân của họ,” và người phụ nữ Việt nam đã có những nỗ lực ‘phi thường’.

Nhà báo Nguyễn Hùng đặt câu hỏi về việc liệu hai ngày tôn vinh phụ nữ ở Việt Nam và những ngày của mẹ, của bà, có cho thấy vai trò và hình ảnh người phụ nữ đã phần nào được cải thiện.

“Các nước châu Âu không nhắc đến những ngày như ngày phụ nữ là do họ coi người phụ nữ cũng bình quyền như người đàn ông... Họ không có nhu cầu được tôn vinh vào một ngày đặc biệt trong năm,” Hà Đăng đáp.

Cô cũng nói xu hướng của những người phụ nữ nước ngoài hoặc phụ nữ Việt Nam sống ở nước ngoài là “muốn chứng minh việc nam giới làm được thì chúng tôi cũng làm được và không có ranh giới nào giữa hai giới tính khác nhau”.

Để có thể xóa dần hành xử phân biệt giới tính, một trong những biện pháp quan trọng là giáo dục trẻ em sớm ngay từ bậc tiểu học, theo một nghiên cứu ở Anh.

Nhà xã hội học và chuyên gia về giới Khuất Thu Hồng đồng tình với kết luận trên và cho rằng điều này cần được bắt đầu càng sớm càng tốt, “người ta nói là thậm chí là ngay khi đứa trẻ mới chào đời.

“Điều đó sẽ giúp cho đứa trẻ nhận ra rằng thế giới của chúng ta có nam có nữ và có những giới khác nữa.

“Và chúng ta hành xử dựa trên những nhân dạng về giới và giới của mình nhưng đồng thời tôn trọng những nhân dạng khác, và làm sao để chúng ta được sống trong thế giới đa dạng nhưng rất hài hòa."

 

BBC 30/10/2014