GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014
2015
Sau đây là 2 cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô được thực hiện hai ngày liền,
13/9 và 14/9, với 2 cơ quan truyền thông khác nhau. Ngày Chúa Nhật 13/9/2015 với
Đài Phát Thanh FM Milenium Á Căn Đình, và Thứ Hai 14/9 với Đài Phát Thanh Radio
Renascenca Bồ Đào Nha. Cả 2 được tuyển dịch sang Anh ngữ bởi Vatican Radio và
National Catholic Reporter.
Với Đài Phát Thanh FM Milenium Á Căn Đình
Về các bạn bè giả tạo:
"Tình bạn là một cái gì đó rất linh thánh. ... Thế nhưng cái cảm quan vụ lợi về
tình bạn - tìm kiếm những gì tôi có được nhờ gần gũi với người ấy và làm cho tôi
thành bạn hữu của họ - điều này khiến tôi cảm thấy đớn đau. Tôi đã cảm thấy bị
lợi dụng bởi một số người cho mình là 'bạn hữu' mà tôi có thể chưa thấy họ hơn
một hay hai lần trong đời tôi, và họ đã sử dụng điều này để trục lợi. Thế nhưng
đó là một kinh nghiệm tất cả chúng ta đều đã từng trải qua: thứ tình bạn vụ lợi.
Về chủ trương cực đoan bảo thủ tôn giáo:
"Ở bất cứ một tôn giáo nào cũng đều có một nhóm nhỏ chính thống cực đoan thực
hiện việc hủy hoại theo khuynh hướng của một tư tưởng nào đó chứ không phải của
thực tại. Thực tại trổi vượt hơn ý nghĩ. Thiên Chúa, dù theo Do Thái giáo, theo
Kitô giáo hay theo Hồi giáo, theo đức tin của 3 loại tín hữu này, đều là Đấng
đồng hành với dân của Thiên Chúa bằng sự hiện diện của Ngài. Chúng ta thấy được
điều đó trong Thánh Kinh, tín đồ Hồi giáo thấy được điều ấy trong kinh Coran của
họ. Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa gần gũi cận kề, một vị Thiên
Chúa hỗ trợ. Thành phần chính thống cực đoan đẩy Thiên Chúa ra khỏi mối thân hữu
với dân Ngài này; họ giải thể Ngài, họ biến Ngài thành một ý hệ. Bởi thế, nhân
danh vị Thiên Chúa ý hệ ấy, họ sát hại, tấn công, hủy diệt, và vu khống. Họ thực
sự biến vị Thiên Chúa này thành một vị thần Baal, thành một thứ ngẫu tượng".
Về các vị linh mục vị luật:
"Khi một vị linh mục tự cô lập mình, bằng cử chỉ trịnh trọng và vị luật, hay
bằng cử chỉ của một ông hoàng... khi ngài tách mình ra, ngài như đồng hóa một
cách nào đó với những ai được Chúa Giêsu nói đến ở cả đoạn 23 Phúc Âm Thánh
Mathêu... (ở đây Đức Thánh Cha ám chỉ các vị linh mục này giống như thành
phần luật sĩ và biệt phái giả hình bị Chúa Giêsu thậm tệ khiển trách - biệt chú
của người dịch Việt ngữ). Những kẻ vị luật, những người biệt phái, những
người Saducees, những vị tiến sĩ luật cảm thấy họ thuộc về thành phần tinh
tuyền".
"Khi có một khoảng trống thì dân chúng cố gắng trám vào. Nếu một xứ sở không có
trẻ con, thì thành phần di dân nhào đến để thay thế vào chỗ của chúng.
Với Đài Phát Thanh Radio Renascenca Bồ Đào Nha
Về việc dám chơi dám chịu
"Đời sống không có vấn đề là một đời sống cùn nhụt
nhạt nhẽo. Thật là chán. Trong bản thân mình, con người có nhu cầu cần phải đối
diện và giải quyết các thứ xung khắc và các thứ vấn đề. Dĩ nhiên việc giáo
dục để làm sao không có vấn đề là một thứ giáo dục khử trùng. Cứ thử đi, ở chỗ,
hãy uống một ly nước khoáng chất, nước vòi bình thường, rồi uống một ly nước
lọc. Trong khi nước vòi thì tanh tưởi thì nước lọc lại chẳng có vấn đề gì... (cười)...
Nó giống như thể nuôi một đứa bé ở trong phòng thí nghiệm phải không? Xin ...
Hãy liều nhưng bao giờ cũng nhắm đích!"
Về nền văn hóa qui kỷ
"Chúng ta đòi hỏi các thứ quyền lợi của chúng ta mà chẳng để ý gì tới những
trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội. Tôi tin rằng quyền lợi và nghĩa vụ cần
phải đi đôi với nhau. Bằng không, chúng ta đang kiến tạo nên một thứ giáo dục
gương soi; vì việc giáo dục ở trước một cái gương soi là một thứ chau chuốt và
ngày nay chúng ta đang sống trong một nền văn minh chau chuốt bản thân mình".
Về 'vị thần tiền bạc' ở hậu trường của cuộc khủng
hoảng tỵ nạn ngày nay
"Những người nghèo này đang chạy thoát chiến tranh, đói
khổ, thế nhưng đó là một đầu mối của một tảng băng. Vì ở bên dưới cái tảng
băng đó có một nguyên cớ, và cái nguyên cớ này là một hệ thống kinh tế xã hội
tồi tệ và bất chính, trong mọi sự, trên thế giới này. Khi nói về vấn đề môi
sinh, trong cấu trúc kinh tế xã hội của chúng ta, trong bối cảnh chính trị, thì
con người bao giờ cũng phải là chính yếu. Mà guồng máy kinh tế chủ chốt ngày
nay đã thay thế vị trí chính yếu của con người bằng vị thần ngẫu tượng tiền
bạc".
Về lịch sử di dân của ngài
"Tôi là con trai của những người di dân và tôi thuộc
về đợt di dân năm 1929 (từ Ý sang Á Căn Đình)... Thật sự là trong những ngày ấy
có việc làm - những người đã có việc khi họ đến đó vào năm 1929 - nhưng những
người thuộc gia đình của tôi đến vào năm 1932, gặp cuộc khủng hoảng kinh tế của
thập niên 1930, đã sống vất vưởng ở ngoài đường phố, chẳng có gì cả. Ông của
tôi đã mua một căn nhà kho giá 2 ngàn pesos (giá
hiện tại cứ 1 peso Mễ đổi được 6 cents Mỹ - biệt chú của người dịch Việt ngữ)
mà ông đã mướn, và cha tôi, từng là một kế toán viên, bấy giờ phải buôn thúng
bán bưng. Bởi vậy họ đã có ý muốn phấn đấu, ý muốn thành công.... Tôi biết về
vấn đề di dân lắm!"
Về các xã hội qui kỷ đang mời mọc di dân
"Khi có một khoảng trống thì dân chúng cố gắng trám vào.
Nếu một xứ sở không có trẻ con, thì thành phần di dân nhào đến để thay thế
vào chỗ của chúng. Tôi nghĩ đến mức sinh sản ở Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Tôi
tin rằng nó gần không phần trăm. Bởi vậy, nếu không có trẻ em, là có chỗ trống.
Và việc không muốn có con trẻ, một phần - theo suy diễn của tôi, có thể
là không đúng - là vì nền văn hóa sống ung dung thoải mái có phải không? Trong
gia đình của tôi, mấy năm trước đây, tôi đã nghe những người anh chị em họ của
tôi nói rằng: "Con cái ư? Không đời nào. Chúng tôi thích ngao du vào các ngày
nghỉ, hay muốn mua biệt thự, hoặc muốn cái này cái kia'... Và thành phần lão
thành càng ngày càng lẻ loi cô độc".
Về tương lai của Âu Châu
"Tôi tin rằng thử thách lớn nhất của Âu Châu đó là trở
về với tình trạng Âu Châu làm mẹ (hơn là) Âu Châu làm bà".
Về Giáo Hội Công Giáo cần phải thay đổi
"Nếu ai có một căn phòng trong nhà của mình đóng cửa một
thời gian dài thì nó sẽ bị ẩm ướt và xông mùi hôi hám. Nếu một giáo hội, một
giáo xứ, một giáo phận hay một tổ chức tự khép kín, nó sẽ trở nên bệnh hoạn...
và chúng ta còn lại một thứ giáo hội gầy gò khẳng khiu, với những thứ luật lệ
ngặt nghèo, không có tính chất sáng tạo. An toàn, càng an toàn hơn nữa, khi được
bảo đảm bởi một hãng bảo hiểm, thế nhưng chẳng an toàn gì hết! Trái lại - nếu
xông pha - nếu một giáo hội và một giáo xứ đi vào trần gian, thì một khi ở bên
ngoài, họ có thể chịu cùng số phận như bất cứ ai khác đi ra ngoài, chẳng hạn bị
tai nạn. Cho dù ở trong trường hợp đó, giữa một giáo hội bệnh hoạn và bị bầm
dập, tôi vẫn thích giáo hội bị bầm dập hơn, vì ít là giáo hội đã bước ra
ngoài đường phố".
Về việc Giáo Hội giam nhốt Chúa Giêsu
Trong Thánh Kinh, trong Sách Khải Huyền, có một điều hết
sức tuyệt vời về Chúa Giêsu... ở đó Người đang nói với một giáo hội thế này:
'Ta ở ngoài cửa mà gõ... Nếu ngươi mở cửa Ta sẽ vào ăn uống với ngươi'. Thế
nhưng, tôi xin hỏi nhé, trong giáo hội, biết bao nhiêu lần Chúa Giêsu đã gõ cửa,
mà là gõ ở bên trong, để Người có thể tiến ra loan báo Nước Trời. Đôi khi chúng
ta chiếm lấy Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta mà thôi, và chúng ta quên rằng một giáo
hội không tiến vào thế giới, một giáo hội không tiến ra ngoài là một giáo hội
giam nhốt Chúa Giêsu vậy".
Về lý do tại sao ngài đã được chọn làm giáo hoàng
"Về điều này bạn cần phải hỏi Chúa Thánh Thần!".
Về lý do tại sao ngài cắt giảm tiến trình hủy hôn
"Để đơn giản hóa vấn đề... Để giúp đức tin của dân
chúng được nhẹ nhàng hơn. Nhờ đó Giáo Hội có thể trở nên như là một bà mẹ vậy".
Về việc Giáo Hội có thể tiếp nhận các cặp vợ chồng có những liên hệ không hợp
với giáo huấn của Giáo Hội, chẳng hạn như những ai đã ly dị rồi tái hôn.
"Trong thượng nghị giám mục thế giới (vào tháng tới đây)
chúng tôi sẽ nói về tất cả những đường lối khả dĩ giúp cho những gia đình này.
Thế nhưng một điều cần phải rất rõ ràng - một điều đã được Đức Giáo Hoàng hưu
trí Biển Đức XVI để lại một cách minh tường đó là: Người nào đang sống trong
cuộc hôn nhân thứ hai thì không phải là bị tuyệt thông và cần phải được hội nhập
vào đời sống của Giáo Hội. Điều này đã là những gì sáng tỏ. Tôi cũng đã nói điều
này rất rõ ràng nơi việc đến gần hơn với Thánh Lễ, với giáo lý, với việc giáo
dục con cái của họ, đến đức bác ái... Có rất nhiều giải pháp khác nhau".
Về tính cách được lòng quần chúng của ngài
"Tôi thường tự hỏi mình rằng thánh giá của tôi sẽ như
thế nào, thánh giá của tôi ra sao... Các thánh giá là những gì phải có. Bạn có
thể không trông thấy chúng, nhưng chúng vẫn có đó. Chúa Giêsu cũng thế, ở một
thời điểm nào đó, rất được lòng quần chúng, và hãy coi rồi sau đó ra sao chứ.
Bởi vậy không ai bảo đảm hạnh phúc của mình trên thế gian này được".
Về việc cố gắng thoát khỏi cái bong bóng giáo hoàng
"Phải, tôi cần phải thoát ra ngoài, nhưng nó vẫn chưa
hoàn toàn cho lắm... Thế nhưng, từng chút một, tôi đã có được một số giao tiếp
với dân chúng vào các ngày Thứ Tư (trong các buổi triều kiến chung ở Quảng
Trường Thánh Phêrô) và nó giúp tôi nhiều lắm. Điều tôi mất mát nhất về Buenos
Aires đó là được đi ra ngoài bách bộ trên đường phố".
Về điều gì đã làm cho ngài thức giấc về đêm
"Có thể là sự thật? Tôi ngủ như là một tảng đá vậy!"
Về điều gì thúc động ngài
"Khi có nhiều việc để làm".
Về thời gian bao lâu ngài đi xưng tội một lần
"Cứ khoảng 15 hay 20 ngày. Tôi xưng tội với một vị linh
mục Dòng Phanxicô là Cha Blanco, vị đã tỏ ra tử tế với tôi và đã đến đây để giải
tội cho tôi. Và tôi không bao giờ cần phải gọi xe cứu thương để mang ngài về vì
cú sốc gây ra bởi các tội lỗi của tôi!"
Về cách thức và nơi chốn ngài muốn chết
"Bất cứ lúc nào Thiên Chúa muốn. Thật vậy... Bất cứ nơi
nào Thiên Chúa muốn".
Về sự mường tượng của ngài đối với cõi vĩnh hằng
"Khi tôi còn trẻ, tôi đã mường tượng thấy nó rất ư là
nhạt nhẽo (cười).
Giờ đây tôi nghĩ nó là một mầu nhiệm hội ngộ. Nó hầu như là những gì bất khả
nghĩ tưởng, thế nhưng nó chắc chắn rất ư là tuyệt mỹ và tuyệt diệu khi được hội
ngộ với Thiên Chúa".
http://www.huffingtonpost.com/entry/pope-francis-radio-interviews_55f750e8e4b00e2cd5e7c1ac
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn
mạnh tự ý)