GIÁO HỘI HIỆN THẾ
"Người nam là tất cả đối với người nữ và người nữ là tất cả đối với
người nam"
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Gia Đình - Bài 14 - Thứ Tư 22/4/2015
Xin chào Anh Chị Em buổi sáng.
Trong bài giáo lý trước về gia đình, tôi đã chia sẻ về
giai đoạn thứ nhất nơi việc tạo dựng nên loài người, ở chương thứ nhất của Sách
Khởi Nguyên, nơi có lời chép rằng: "Thiên Chúa đã tạo dựng nên loài người theo
hình ảnh của Ngài, theo hình ảnh của mình Thiên Chúa đã tạo dựng nên họ; Ngài đã
tạo dựng nên họ có nam có nữ". Hôm nay, tôi muốn hoàn trọn bài chia sẻ qua
giai đoạn thứ hai là giai đoạn chúng ta thấy ở chương thứ hai. Ở đây chúng
ta đọc thấy rằng, sau khi đã tạo dựng nên trời đất, thì Chúa "đã nặn nên con
người từ đất, và đã thở hơi sự sống vào lỗ mũi của con người; và con người đã
trở thành một hữu thể sống động". Con
người là tột đỉnh của việc tạo dựng.
Bởi vậy Thiên Chúa đã đặt con người vào một cái vườn tuyệt đẹp để con người canh
tác và bảo trì nó.
Thánh Linh, Đấng đã linh ứng toàn bộ Thánh Kinh, có
lúc đã nghĩ đến hình ảnh con người bị lẻ loi cô độc, và con
người không có nữ giới thì như thiếu một cái gì đó.
Và Ngài đã gợi lên nơi Thiên Chúa tư tưởng, hầu như là một cảm nhận nơi Thiên
Chúa, Đấng nhìn vào mình thì thấy Adong
lẻ loi cô độc một mình trong vườn, chàng là chủ tể... nhưng lại lẻ loi cô độc.
Vậy Thiên Chúa thấy rằng điều ấy "không tốt", như thiếu vắng mối hiệp thông,
không được phong phú. Thiên Chúa phán: "Điều ấy không tốt" và thêm: "Ta sẽ tạo
nên cho hắn một trợ viên thích hợp với hắn".
Thế rồi Thiên Chúa mang đến cho con người thấy tất cả
mọi thú vật; con người đặt tên cho từng loại - và đó là hình ảnh nữa cho thấy
vai trò làm chủ của con người trên thiên nhiên vạn vật - tuy nhiên, con
người không thấy nơi bất cứ con thú nào như mình. Bởi vậy mà con người vẫn tiếp
tục lẻ loi cô độc.
Sau hết, khi Thiên Chúa mang đến người nữ cho con người, con người hớn hở nhìn
nhận rằng tạo vật này, và chỉ duy có tạo vật ấy, là những gì thuộc về mình:
"xương bởi xương tôi và thịt là thịt tôi". Cuối cùng đã xẩy ra sự kiện tương
giao, phản ảnh về chính bản thân mình.
Vậy - lấy thí dụ để hiểu điều này cho rõ hơn - khi
một người muốn bắt tay người khác, thì họ cần phải có người khác ở trước mặt họ:
nếu người ta chìa tay của mình ra mà chẳng có gì cả thì bàn tay giơ ra đó thiếu
mất mối tương giao. Con người cũng thế, họ đã thiếu một cái gì đó để vươn đến
chỗ phong phú của họ, họ đang thiếu vắng tình trạng tương giao.
Nữ giới không phải là "bản sao chụp" của nam nhân; họ trực tiếp xuất phát từ cử
chỉ tạo dựng của Thiên Chúa. Hình ảnh
về "cái xương sườn" không tiêu biểu cho những gì là thấp kém hay phụ thuộc mà
trái lại nói lên rằng người nam và người nữ có cùng một bản thể và bổ khuyết cho
nhau.
Sự kiện - vẫn theo ý nghĩa ẩn dụ - Thiên Chúa khuôn đúc người nữ khi người nam
thiếp ngủ là sự kiện nhấn mạnh rằng người nữ không phải là tạo vật của người nam
mà là của Thiên Chúa. Đồng thời nó còn cho thấy một điều khác nữa, đó là để
tìm thấy người nữ, và chúng ta có thể nói rằng để được lòng người nữ, để gặp
người nữ, nam nhân trước hết cần phải mơ tưởng về người nữ rồi mới gặp được họ.
Niềm tin tưởng của Thiên Chúa nơi người nam và người nữ, thành phần được Ngài
trao phó trái đất cho, thì đại lượng, trực tiếp và trọn vẹn. Tuy nhiên, chính ở
chỗ ấy mà Tên Gian Ác mới gieo rắc theo tâm tưởng của hắn mối ngờ vực, nghi nan,
bất tín và sau cùng là bất phục chính mệnh lệnh bảo vệ họ. Họ rơi vào một thứ
cuồng mê toàn năng là những gì làm hư hỏng hết mọi sự và hủy hoại tình trạng hòa
hợp. Chúng ta cũng cảm thấy thứ cuồng mê ấy trong chính bản thân mình, trong tất
cả chúng ta, rất ư là nhiều lần.
Tôi lỗi gây ra nỗi bất tín và chia rẽ giữa người nam và người nữ. Mối
liên hệ của họ bị đe dọa bởi hằng ngàn cách thức của những gì quanh co và quị
lụy, của những gì là dụ dỗ lừa đảo và ngạo mạn nhục nhằn, thậm chí của những gì
là thảm thương và bạo lực nhất.
Lịch sử còn hằn những dấu vết ấy. Chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ đến những cái thái
quá tiêu của các nền văn họa phụ hệ. Chúng ta hãy nghĩ đến nhiều hình thức trọng
nam khinh nữ, coi nữ giới là đồ thứ yếu. Chúng ta hãy nghĩ đến việc dụng cụ hóa
và buôn bán thân thể nữ giới trong nền văn hóa truyền thông hiện đại. Tuy nhiên,
chúng ta cũng hãy nghĩ đến nạn dịch mới đây của những gì là bất tín, nghi ngại
và thậm chí hận thù đang lan tràn trong nền văn hóa của chúng ta - đặc biệt là
bắt đầu với một thứ bất tín bao hàm về nữ giới - có dính dáng tới mối liên minh
giữa người nam và người nữ là những gì đồng thời lại có thể làm đẹp sự thân mật
hiệp thông và gìn giữ cái giá trị của sự khác biệt.
Nếu chúng ta không tìm thấy cái tần số đồng tình cho mối liên minh này, một mối
liên minh có thể thiết lập các thế hệ mới trong việc chỉnh sửa những gì là bất
tín và dửng dưng này, thì trẻ em vào đời càng bị mất gốc từ lòng mẹ. Tình trạng
bị mất giá về xã hội của mối liên minh ổn định và truyền sinh này nơi người nam
và người nữ thật sự là một sự mất mát đối với tất cả mọi người. Chúng
ta cần phải tái thẩm định lại hôn nhân và gia đình!
Thánh Kinh nói một điều tuyệt vời, đó là người nam gặp người nữ, họ gặp nhau, và
người nam phải lìa bỏ một cái gì đó để trọn vẹn gặp được người nữ. Vì thế mà
người nam lìa bỏ cha mẹ mình để đến với người nữ. Tuyệt vời! Mục đích là để bắt
đầu cuộc hành trình. Người
nam là tất cả đối với người nữ và người nữ là tất cả đối với người nam.
Việc chăm sóc cho mối liên minh nam nữ này - nếu họ cũng là thành phần tội nhân
và bị thương tích, bị lầm lẫn hay nhục nhằn, bất tín và bất ổn - bởi thế, đối
với thành phần tín hữu chúng ta là một ơn gọi cần thiết và hào hứng, trong điều
kiện hiện nay. Cũng trong cùng đoạn về việc tạo dựng và tội lỗi, cuối cùng,
chúng ta đã thấy được một hình ảnh tuyệt vời: "Và Chúa là Thiên Chúa đã làm cho
Adong cũng như cho vợ của chàng những phục sức bằng da cho họ mặc". Đó là một
hình ảnh về niềm êm ái dịu dàng đối với cặp vợ chồng tội lỗi ấy khiến chúng ta
cảm thấy ngỡ ngàng về niềm êm ái dịu dàng của Thiên Chúa đối với người nam và
người nữ. Nó là hình ảnh về việc chăm sóc phụ thân nơi cặp vợ chồng nhân loại.
Chính Thiên Chúa chăm sóc và bảo vệ tác phẩm chính yếu của Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn
mạnh tự ý)
http://www.zenit.org/en/
Xin coi thêm đoạn video clip về bài giáo lý hôm nay