GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

"Chúng ta đừng sợ mời Chúa Giêsu đến dự tiệc cưới, mời Người đến với gia đình của chúng ta, 

để Người ở với chúng ta và coi sóc gia đình chúng ta.

Và chúng ta đừng sợ mời cả Đức Maria Mẹ của Người nữa!" 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình Bài 15 - Thứ Tư 29/4/2015

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

 

Sau khi bàn đến 2 trình thuật của Sách Khởi Nguyên, vấn đề chúng ta chia sẻ về dự án nguyên thủy của Thiên Chúa liên quan đến đôi nam nữ giờ đây có liên quan trực tiếp đến Chúa Giêsu.

 

Ở đoạn đầu Phúc Âm của mình, Thánh ký Gioan thuật lại tình tiết về Tiệc Cưới ở Cana, một biến cố có sự hiện diện của Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu cùng các người môn đệ tiên khởi của Người (xem gioan 2:1-11). Chúa Giêsu đã không phải chỉ tham dự vào đám cưới đó mà còn "cứu vãn cuộc cử hành này" bằng một phép lạ hóa rượu! Bởi thế, một trong những dấu lạ của Người được Người sử dụng để tỏ vinh quang của Người ra, Người đã thực hiện ở bối cảnh của một đám cưới, và nó là một cử chỉ yêu thương cho gia đình mới chớm ấy, nhờ mối quan tâm từ mẫu của Mẹ Maria. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại Sách Khởi Nguyên, lúc Thiên Chúa hoàn tất việc tạo dựng và thực hiện tác phẩm chính của Ngài; tác phẩm chính ấy là người nam và người nữ. Thật vậy, ở đó, nơi tác phẩm chính này mà Chúa Giêsu đã bắt đầu làm các phép lạ, ở một đám cưới, ở một tiệc cưới: một người nam và một người nữ. Vậy Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng tác phẩm chính của xã hội là gia đình, là người nam và người nữ yêu thương nhau! Đó là tác phẩm chính!

 

Từ thời điểm của Tiệc Cưới ở Cana, đã có rất nhiều điều thay đổi, thế nhưng cái "dấu lạ" ấy của Chúa Giêsu vẫn còn chất chứa một sứ điệp còn nguyên giá trị của nó.

 

Ngày nay, dường như không dễ gì mà nói về gia đình như là một cuộc cử hành được mới mẻ hóa theo thời gian, ở các giai đoạn khác nhau của cả cuộc đời các cặp phối ngẫu.Vấn đề ở đây là luôn xẩy ra sự kiện càng ngày càng ít người lập gia đình hơn, sự kiện giới trẻ không muốn kết hôn nữa. Trái lại, ở nhiều xứ sở con số phân ly đang gia tăng, trong khi đó số trẻ em đang giảm thiểu. Cái khó khăn của việc ở với nhau - như đôi phối ngẫu, như một gia đình - là những gì dẫn đến tình trạng làm đứt đoạn những mối liên hệ một cách thường xuyên và mau chóng hơn bao giờ hết, mà thực sự con cái là thành phần đầu tiên phải hứng chịu những hậu quả. Thế nhưng chúng ta hãy nghĩ mà xem những nạn nhân đầu tiên, những nạn nhân quan trọng nhất, những nạn nhân khổ đau nhất trong một cuộc phân ly đó là con trẻ. Nếu từ khi anh chị em còn nhỏ xíu anh chị em cảm nghiệm thấy hôn nhân là một mối liên hệ về "một thời gian đã được định đoạt" thì nó sẽ đúng là như thế đối với anh chị em một cách vô thức. Thật vậy, nhiều người trẻ đã bị dẫn tới chỗ loại bỏ chính cái dự phóng về một mối liên hệ bất khả vãn hồi cũng như về một gia đình bền vững. Tôi nghĩ chúng ta cần phải suy nghĩ một cách rất trân trọng về lý do tại sao rất nhiều người trẻ "không cảm thấy thích" thành hôn. Đó là thứ văn hóa của những gì là tạm bợ... hết mọi sự đều là tạm bợ, dường như chẳng có gì là vĩnh viễn cả. 

 

Sự kiện về giới trẻ không muốn thành hôn là một trong những mối quan tâm đang xẩy ra hôm nay đây: tại sao giới trẻ không muốn thành hôn? Tại sao họ thường thích sống với nhau và rất thường theo một "thứ trách nhiệm hạn hữu"? Tại sao nhiều người - trong đó có cả thành phần đã lãnh nhận phép rửa - ít tin tưởng vào hôn nhân và gia đình? Cần phải cố gắng để hiểu được lý do tại sao nếu chúng ta muốn giới trẻ có thể tìm thấy đường ngay nẻo chính để theo đuổi. Tại sao chúng không tin tưởng vào gia đình chứ? 

 

Những cái khó khăn không phải chỉ có tính chất về kinh tế, cho dù những khó khăn này thực sự là trầm trọng. Nhiều người chủ trương rằng những gì đã xẩy ra trong các thập niên vừa rồi đã liên quan đến tình trạng giải phóng của nữ giới. Tuy nhiên, luận điệu này cũng không vững, đó là một sai lầm, không đúng! Nó là một hình thức của vấn đề trọng nam khinh nữ bao giờ cũng muốn thống trị nữ giới. Chúng ta có một hình ảnh xấu về Adong khi Chúa hỏi chàng 'Tại sao ngươi lại đi ăn trái cây đó?' thì chàng đã trả lời rằng: 'Người đàn bà đã trao nó cho tôi' Lỗi là lỗi của người nữ. Tội nghiệp nữ giới! Chúng ta cần phải bênh vực nữ giới! Thực tế cho thấy hầu như tất cả mọi người nam và người nữ đều muốn vững vàng về tình cảm, muốn hôn nhân vững chắc và muốn gia đình hạnh phúc. Gia đình đứng đầu sổ về những gì là thỏa mãn nơi giới trẻ; tuy nhiên, vì sợ gây ra lầm lỗi mà nhiều người thậm chí không dám nghĩ đến nó; cho dù họ là Kitô hữu, họ cũng không nghĩ đến hôn phối theo bí tích, một dấu hiệu đặc thù và bất khả tái lập của mối liên minh là những gì trở thành chứng từ của đức tin. Thật vậy, có lẽ vì cái sợ bị thất bại này là chướng ngại lớn nhất trong việc lãnh nhận lời của Chúa Kitô, Đấng hứa ban ân sủng của Người cho cuộc hiệp nhất phối ngẫu cũng như cho gia đình. Chứng từ thuyết phục nhất cho phúc lành của hôn nhân Kitô hữu này là đời sống tốt lành của các cặp phối ngẫu Kitô hữu và của gia đình. Không còn cách nào tốt đẹp hơn thế để diễn tả cái đẹp của Bí Tích này! Hôn nhân được Thiên Chúa thánh hóa là để bảo toàn mối liên hệ giữa người nam và người nữ được Thiên Chúa chúc phúc từ khi tạo thành thế giới này; và nó là nguồn an bình và thiện ích cho cả cuộc đời hôn nhân và gia đình. Chẳng hạn, trong thời gian sơ khai của Kitô giáo, cái phẩm giá cao cả này của mối liên hệ giữa người nam và người nữ đã thắng vượt được một thứ lạm dụng mà bấy giờ chủ trương là bình thường, tức là quyền của người làm chồng được chối bỏ vợ mình, thậm chí do những động lực ngạo ngược và đê hèn nhất. Phúc Âm về gia đình, một Phúc Âm thật sự loan báo rằng Bí Tích này đã thắng vượt thứ văn hóa quen thói bỏ vợ ấy.

 

Mầm mống Kitô giáo về tính chất bình đẳng sâu đậm giữa những người phối ngẫu cần phải sinh hoa kết trái mới hôm nay đây. Chứng từ về phẩm giá xã hội của hôn nhân sẽ thực sự trở thành thuyết phục bằng cách thức ấy, một cách thức làm chứng gây được tác dụng thu hút, một cách thức hỗ tương giữa họ với nhau, một cách thức bổ túc lẫn nhau. 

 

Thế nên, là Kitô hữu, chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa về vấn đề này. Chẳng hạn: cương quyết nâng đỡ quyền được bù đắp ngang nhau cho công việc như nhau, tại sao việc nữ giới phải kiếm được ít hơn nam nhân là chuyện thường tình chứ? Không! Họ cũng có các quyền lợi như nhau. Cái chênh lệch ấy thật sự là một thứ đồi bại! Đồng thời việc nhìn nhận tính chất làm mẹ của nữ giới và tính chất làm cha của nam giới bao giờ cũng là những gì phong phú giá trị cho thiện ích nhất là của con trẻ. Cũng thế, nhân đức tiếp đãi của các gia đình kitô hữu ngày nay là những gì quan trọng cốt yếu, nhất là ở những trường hợp nghèo khổ, thoái hóa và bạo lực trong gia đình. 

 

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng sợ mời Chúa Giêsu đến với tiệc cưới, mời Người đến với gia đình của chúng ta, để Người ở với chúng ta và coi sóc gia đình chúng ta. Và chúng ta đừng sợ mời cả Đức Maria Mẹ của Người nữa! Khi Kitô hữu thành hôn "trong Chúa" là họ được biến đổi thành một dấu hiệu có tác dụng về tình yêu của Thiên Chúa. Kitô hữu không kết hôn thì chỉ sống cho bản thân họ thôi, còn họ kết hôn trong Chúa cho lợi ích của toàn thể cộng đồng, của toàn thể xã hội.

 

Tôi sẽ nói về ơn gọi đẹp đẽ của hôn nhân trong bài giáo lý tới. 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-marriage