GIÁO HỘI HIỆN THẾ
"Hôn nhân Kitô giáo không phải chỉ là một nghi thức cử hành trong nhà thờ,
kèm theo hoa hòe, trang sức, hình ảnh.
Hôn nhân Kitô giáo là một Bí Tích diễn ra trong Giáo Hội"
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình Bài 16 - Thứ Tư 6/5/2015
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Trong loạt bài giáo lý của chúng ta về gia đình, hôm
nay chúng ta trực tiếp chạm đến vẻ đẹp
của hôn nhân Kitô giáo. Hôn
nhân Kitô giáo không phải chỉ là một nghi thức cử hành trong nhà thờ, kèm theo
hoa hòe, trang sức, hình ảnh. Hôn nhân Kitô giáo là một Bí Tích diễn ra trong
Giáo Hội và
là một Bí Tích cũng được Giáo Hội cử hành để bắt đầu cho một cộng dồng gia đình
mới.
Đó là những gì Thánh Tông Đồ Phaolô đã lược tóm trong lời diễn tả thời danh của
ngài: "Đây
là một mầu nhiệm cao cả mà tôi muốn nói liên quan đến Chúa Kitô và Giáo Hội"
(Ephêsô 5:32). Được tác động bởi Thánh Linh, Thánh Phaolô khẳng định rằng tình
yêu giữa các đôi phối ngẫu là hình ảnh của tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội -
một phẩm vị không thể nào tưởng tượng ra được! Tuy nhiên, thực tế thì nó đã được
in ấn nơi dự án sáng tạo của Thiên Chúa, và với ơn của Chúa Kitô, vô vàn cặp
phối ngẫu, bất chấp những hạn hữu của mình và tội lỗi của mình, họ đã hiện
thực được phẩm vị này!
Nói về đời sống mới trong Chúa Kitô, Thánh Phaolô nói
rằng tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi để yêu nhau như Chúa Kitô đã yêu họ,
tức là "tùy thuộc vào nhau" (Ephêsô 5:21), nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Ở đây ngài
nêu lên một sánh ví giữa cặp vợ chồng và Chúa Kitô với Giáo Hội. Hiển nhiên nó
là một sánh ví không vẹn toàn, thế nhưng chúng ta cần phải rút lấy ý nghĩa
thiêng liêng của nó là những gì rất cao quí và cách mạng, đồng thời lại đơn sơ
trong tầm với của hết mọi con người nam nữ biết phó mình cho ân sủng của Thiên
Chúa.
Thánh Phaolô nói người chồng cần phải yêu thương vợ
của mình "như thân thể của mình" (Êphêsô 5:28); chồng phải yêu thương vợ như
Chúa Kitô "đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội" (câu 25). Thế nhưng
những người chồng đang có mặt ở đây có hiểu điều này hay chăng? Có yêu thương vợ
của mình như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội chăng? Những điều
này không phải là chuyện đùa đâu nhé, mà là những điều nghiêm trọng đấy! Hiệu
quả của việc tận tuyệt dấn thân này đòi người nam, vì yêu thương và phẩm giá của
người nữ, noi gương bắt chước Chúa Kitô, cần phải tỏ ra mình là một con
người đặc biệt trong chính cộng đồng Kitô hữu.
Hạt giống của tính chất mới mẻ theo phúc âm này, một tính chất tái thiết lập
tính hỗ tương nguyên thủy của việc hiến thân và tôn trọng, đã từ từ chín mùi
trong lịch sử nhưng rồi cuối cùng đã trở nên thịnh hành phổ thông.
Bí Tích Hôn Phối là một tác động cao cả của đức tin và đức mến, ở chỗ bí tích
này chứng kiến lòng can đảm trong việc tin tưởng vào vẻ đẹp nơi tác động tạo
dựng của Thiên Chúa cũng như trong việc sống cái tình yêu thúc đẩy con người đến
chỗ luôn vượt ra ngoài bản thân mình cũng như ngoài cả gia đình mình. Ơn
gọi của Kitô hữu trong việc yêu thương không tiếc nuối và không cân lượng là
những gì nhờ ơn Chúa trở thành căn bản cho việc tự do ưng thuận để làm nên hôn
nhân.
Chính Giáo Hội hoàn toàn tham phần vào lịch sử của hết
mọi cuộc hôn nhân Kitô hữu, ở chỗ, Giáo Hội được xây dựng trên những thành đạt
của nó cũng như vào những khổ đau khi nó bị thất bại. Tuy nhiên, chúng ta cần
phải trân trọng hỏi mình rằng: là
tín hữu và là mục tử, tự mình chúng ta có hoàn toàn chấp nhận mối liên hệ bất
khả phân ly này trong lịch sử của Chúa Kitô và của Giáo Hội với lịch sử của hôn
nhân và của gia đình nhân loại hay chăng?Chúng
ta có sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm này một cách nghiêm chỉnh hay chăng, tức
là, hết mọi cuộc hôn nhân đều tiến theo đường lối yêu thương của Chúa Kitô với
Giáo Hội hay chăng? Thật là cao cả!
Trong sự sâu xa của cái mầu nhiệm về tạo vật này, một
mầu nhiệm được nhìn nhận và tái thiết theo tính chất tinh tuyền của nó,
một đại chân trời thứ hai hướng tới những gì làm nên đặc tính của Bí Tích Hôn
Nhân. Quyết định
"chấp nhận thành hôn trong Chúa" cũng chất chứa một chiều kích truyền giáo ở chỗ
trong lòng sẵn sàng chấp nhận như thế theo phúc lành của Thiên Chúa và ơn Chúa
cho tất cả mọi người. Thật
vậy, vì là vợ chồng nên các cặp vợ chồng Kitô hữu tham dự vào sứ vụ truyền
giáo của Giáo Hội. Cần phải can đảm thực hiện điều ấy! Đó là lý do tại sao khi
tôi chào các đôi tân hôn tôi nói rằng: "Coi kìa những con người can trường!" -
vì cần can đảm để yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội.
Việc cử hành Bí Tích này không thể bỏ qua việc đồng trách nhiệm của đời sống
gia đình liên quan tới đại sứ vụ yêu thương của Giáo Hội. Thế nên, đời sống của
Giáo Hội lúc nào cũng được phong phú nhờ vẻ đẹp của mối liên minh vợ chồng ấy,
cũng như Giáo Hội lúc nào cũng trở nên bần cùng khi bị biến dạng. Để cống hiến
cho tất cả mọi người tặng ân đức tin, đức mến và đức cậy, Giáo Hội cũng
cần đến lòng trung thành can trường của các đôi phối ngẫu đối với ân sủng nơi Bí
Tích của họ! Dân của Thiên Chúa cần đến cuộc hành trình đức tin, đức mến và đức
cậy hằng ngày của mình, với tất cả niềm vui và nỗ lực để cuộc hành trình này bao
gồm cả về hôn nhân và gia đình.
Tuyến đường này được muôn đời ghi dấu như thế, nó là một tuyến đường của yêu
thương, ở chỗ người ta yêu mến cách thức Thiên Chúa muôn đời thương yêu. Chúa
Kitô không ngừng chăm sóc Giáo Hội: Người luôn yêu Giáo Hội, Người luôn canh
giữ Giáo Hội, như chính bản thân Người. Chúa Kitô không ngừng lấy đi khỏi dung
nhan con người tất cả những dấu lem và nét nhăn. Việc phóng xạ sức mạnh và sự
dịu dàng này của Thiên Chúa là những gì cảm động và đẹp đẽ, một thứ phóng
xạ được truyền từ cặp phối ngẫu này đến cặp phối ngẫu kia, từ gia đình này đến
gia đình nọ. Thánh Phaolô đã đúng: đó thực sự là "mầu nhiệm cao cả"! Con người
nam nữ đủ can đảm để chứa đựng kho tàng này trong "các bình sành" nhân tính của
chúng ta - những con người nam nữ rất can đảm này là một nguồn lực thiết yếu cho
Giáo Hội cũng như cho toàn thế giới! Xin Thiên Chúa ngàn lần chúc lành cho họ
vì điều ấy!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn
mạnh tự ý)
http://www.zenit.org/en/
Xin xem đoạn Video Clip về Buổi Giáo Lý hôm nay, Thứ Tư 6/5/2015
Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định và góp ý Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn
giáo