GIÁO HỘI HIỆN THẾ
"Xin phép, cám ơn, xin lỗi".
"Đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa với nhau".
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình - Bài 17 Thứ Tư 13/5/2015
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Bài giáo lý hôm nay như là một cửa ngỏ cho một loạt những suy tư về đời sống
gia đình,
về đời sống thực sự của nó, với thời điểm của nó cùng với các hoàn cảnh của nó. Bên
trên cửa ngõ này có 3 chữ đã được tôi sử dụng mấy lần rồi. Các chữ này là: xin
phép, cám ơn, xin lỗi.
Thật vậy, những chữ này là những gì khai lối mở đường cho việc sống tốt đẹp
trong gia đình. Chúng là những chữ đơn sơ giản dị, nhưng không dễ mang ra thực
hành đâu. Chúng bao gồm một sức mạnh cả thể: một sức mạnh để chăm sóc gia đình
là nơi trải qua hằng ngàn những khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng
sức mạnh này thì sẽ xẩy ra những rạn nứt có
thể thậm chí làm cho nó bị suy sụp.
Chúng ta thường hiểu chúng như là những chữ bày tỏ "các hành xử tốt đẹp". Nghĩ
như thế cũng phải thôi. Một con người lịch sự thì ngỏ lời xin phép, cám ơn và
xin lỗi nếu họ phạm phải một lầm lỗi nào đó, vì phép lịch sự rất quan trọng. Một
vị đại Giám Mục là Thánh Phanxicô Salêsiô thường nói rằng "phép lịch
sự là nửa đường thánh thiện rồi vậy".
Tuy nhiên, hãy coi chừng, trong lịch sử chúng ta cũng đã từng biết đến một thứ
ngoại diện của việc hành xử tốt đẹp là những gì có thể trở thành một thứ mặt nạ
che giấu cái cằn cỗi của linh hồn và sự lạnh lùng với người khác. Có một câu nói
như thế này: "ẩn
nấp ở đằng sau nhiều việc hành xử tốt đẹp là những thói xấu".
Thậm chí cả tôn giáo cũng không thoát được cái nguy cơ ấy, thứ nguy cơ liên quan
tới một thứ chu toàn về hình thức theo chiều hướng thế tục thiêng liêng.
Ma quỉ là tên cám dỗ Chúa Giêsu đã tỏ ra cho thấy cách hành xử tốt đẹp của hắn -
hắn là một vị chúa thực sự, là một chính nhân quân tử - và trích dẫn lời Thánh
Kinh đàng hoàng; hắn tỏ ra như thể là một thần học gia. Kiểu cách của hắn có
vẻ đúng đắn, thế nhưng ý đồ của hắn là làm sai trệch đi sự thật về tình yêu của
Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta hiểu được phép lịch sự theo đúng ý nghĩa đích
thực của nó, đó là đường lối của những mối liên hệ tốt đẹp được bắt nguồn vững
chắc từ lòng yêu mến sự thiện và tôn trọng người khác. Gia đình sống tốt đẹp
nhờ ở tính chất lành mạnh yêu thương này.
Chữ đầu tiên là "xin phép - may I".
Khi chúng ta lưu ý đến việc ngỏ lời xin một cách lịch sự về những gì chúng ta
nghĩ rằng chúng ta xứng đáng thì chúng ta tỏ ra thực sự bảo vệ tinh thần chung
sống hôn nhân và gia đình. Để tiến vào đời sống của người khác, cũng như khi họ
trở thành một phần đời của chúng ta, cần phải tỏ ra tế nhị bằng một thái độ
không mang tính cách xâm lược, một thái độ tái lập lòng tin tưởng và trọng kính.
Lòng tin tưởng không cho phép coi thường hết mọi sự. Mà tình
yêu càng thân mật và sâu xa thì nó càng đòi phải tôn trọng tự do của người khác
và đòi phải có khả năng chờ đợi họ mở cửa lòng mình ra.
Về vấn đề này, chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu nói trong Sách Khải Huyền: "Này
Ta đứng ở cửa mà gõ. Nếu ai nghe thấy tiếng của Ta mà mở cửa cho Ta thì ta sẽ đi
với họ, ăn với họ và họ ở cùng Ta". Chúa
cũng xin phép để tiến vào! Chúng ta đừng quên điều ấy nhé.
Trước khi làm gì trong gia đình, hãy xin phép,anh/em
có làm như thế được chăng? Anh/em có thích anh/em làm điều ấy như thế này hay
chăng? Nó
thực sự là một ngôn từ lịch sự nhưng tràn đầy yêu thương. Điều ấy giúp ích rất
nhiều cho gia đình.
Chữ thứ hai là cám ơn - thank you.
Thường chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đang trở thành một thứ văn minh của
những hành xử tệ hại và của những ngôn từ đồi bại, như thể nó là một dấu hiệu về
một cuộc giải phóng. Chúng ta nghe thấy chúng cũng được phát ngôn một cách công
khai. Phép lịch sự và khả năng ngỏ lời cám ơn được thấy như là một dấu hiệu yếu
kém, đôi khi chúng còn thậm chí gợi lên cả niềm bất tín nữa.
Khuynh hướng này phản lại với chính cái cốt lõi của gia đình. Chúng ta cần phải
tỏ ra bất khoan nhượng khi xẩy ra vấn đề liên quan đến việc giáo dục về lòng
biết ơn, về sự nhận biết: cả hai vấn đề phẩm vị của con người và công lý xã
hội đều phải gặp nhau ở chỗ này. Nếu đời sống gia đình lơ
là với lối sống này thì đời sống xã hội cũng bị mất đi lối sống ấy. Hơn nữa, đối
với một tín hữu thì lòng biết ơn lại ở chính tâm điểm của niềm tin:
một Kitô hữu mà không biết tri ân cảm tạ là một con người đã quên mất ngôn từ
của Thiên Chúa. Xin hãy nghe kỹ điều tôi nói đây! Một
Kitô hữu mà không biết tri ân cảm tạ là một con người đã quên mất ngôn từ của
Thiên Chúa.
Này, đó là những gì xấu xa tồi bại!
Chúng ta hãy nhớ lại câu Chúa Giêsu hỏi sau khi Người chữa lành cho 10 người tật
phong mà chỉ có một người duy nhất trở lại ngỏ lời tạ ơn Người. Có lần tôi đã
nghe thấy một vị lão thành nói, rất khéo léo, rất tốt lành và đơn sơ giản dị,
nhưng đầy khôn ngoan của lòng đạo hạnh, của đời sống... "lòng
biết ơn là một thứ cây tăng trưởng chỉ ở mảnh đất của những tâm hồn cao thượng" -
cái cao thượng của tâm hồn ấy, ân sủng của Thiên Chúa trong tâm hồn này là những
gì thúc đẩy con người lên tiếng: Cám ơn với niềm tri ân. Nó là bông hoa của một
linh hồn cao thượng. Đó là một cái gì đáng mến.
Và chữ
thứ ba là "xin lỗi - pardon" - một
chữ khó nói, đúng thế, nhưng lại cần thiết. Khi
thiếu mất chữ này thì những rạn nứt nho nhỏ càng rạn nứt to hơn - cho dù không
muốn chăng nữa - cho đến khi chúng trở thành những khoảng cách rộng lớn.
Không phải là vô bổ mà trong "Kinh Lạy Cha", kinh nguyện được Chúa Giêsu dạy đọc
gồm tóm tất cả những vấn đề thiết yếu của đời sống chúng ta, chúng ta thấy được
lời nguyện này: "Xin
Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".
Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng chúng ta đã sai trái và tỏ ra lo lắng muốn lấy
lại những gì chúng ta đã gây ra - như lòng tôn trọng, niềm thành tín, tình yêu
thương - để nhờ đó chúng ta đáng được thứ tha. Như thế là ngăn chặn được việc
lây lan. Nếu
chúng ta không có khả năng xin lỗi, thì có nghĩa là chúng ta cũng không có khả
năng tha thứ.
Trong một gia đình mà thiếu thứ tha thì bắt đầu thiếu khí thở và nước nôi
bị ứ đọng. Nhiều
vết thương về cảm xúc, nhiều chỗ rạn nứt trong gia đình bắt đầu bằng sự thiếu
vắng chữ xin lỗi quí báu này. Trong đời
sống gia đình thường xẩy ra các cuộc cãi nhau, xẩy ra tình trạng "bát đĩa" cũng
"bay", nhưng tôi xin cống hiến lời khuyên như thế này, đó là đừng kết thúc ngày
sống mà không làm hòa với nhau.
Anh chị em xin nghe kỹ đây. Là vợ chồng với nhau anh chị em có cãi nhau hay
chăng? - Con cái với cha mẹ nữa? Anh chị em có cãi nhau một cách dữ dội hay
chăng? Nó
là vấn đề không đúng thật đấy nhưng nó cũng không có vấn đề gì hết: vấn đề là ở
chỗ tình cảm không được như thế nữa vào ngày hôm sau, thế thôi.
Bởi vậy, nếu anh chị em cãi nhau, thì ngày sống không được kết thúc mà không làm
hòa với nhau trong gia đình. Mà
làm sao tôi có thể làm hòa đây? Chẳng lẽ tôi quì xuống hay sao? Không cần! - chỉ
một cử chỉ nhỏ bé thôi, một điều nho nhỏ thôi.
Thì kìa bầu khí hòa hợp trong gia đình được tái tạo! Một
cử chỉ săn sóc cũng đủ, không cần nói, nhưng đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà
không làm hòa với nhau trong gia đình nhé. Anh
chị em có hiểu hay chăng? Này, không dễ gì đâu đấy nhé! Thế nhưng nó lại cần
phải thực hiện. Để rồi nhờ đời sống như thế mà gia đình càng trở thành đẹp đẽ
hơn nữa.
Ba chữ then chốt này của gia đình là những chữ đơn sơ giản dị thật đấy, mà có lẽ
thoạt tiên chúng làm cho chúng ta mỉm cười. Tuy nhiên, một khi chúng ta mà quên
mất chúng thì không có gì đáng bật cười hơn nữa, có đúng không? Có
lẽ việc giáo dục của chúng ta quá coi thường chúng. Xin Thiên Chúa giúp chúng
ta đưa chúng trở lại đúng vị trí của chúng, trong lòng của chúng ta, trong
gia đình của chúng ta, cũng như trong đời sống chung về dân sự của chúng ta.
Giờ đây tôi xin mời tất cả mọi người hãy cùng nhau lập lại ba chữ này nhé: "Xin
phép, cám ơn, xin lỗi"... nào tất cả mọi người! "Xin
phép, cám ơn, xin lỗi".
Chúng là ba chữ để thực sự tiến vào tình yêu thương của gia đình, nhờ đó
gia đình sẽ được tốt đẹp. Vậy tất cả mọi người cùng nhau lập lại lời tôi khuyên
nhủ nghe: đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa với nhau. Nào mọi
người lập lại: "Đừng
bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa với nhau".
Xin cám ơn anh chị em.
"Hôm
nay là Lễ Nhớ Đức Trinh Nữ Maria Fatima.
Giới trẻ thân mến, hãy học biết vun trồng lòng tôn sùng Người Mẹ của Thiên Chúa
này, bằng việc lần chuỗi Mân Côi hằng ngày; anh chị em bệnh nhân thân mến, hãy
cảm thấy sự hiện diện của Mẹ Maria trong giờ phút Thánh Giá, và các cặp tân hôn
thân mến, các bạn hãy cầu nguyện cùng Mẹ để gia đình của các bạn không bị thiếu
vắng tình yêu thương và tôn trọng nhau".
http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-family-life
Hôm nay, 13/5/2015, Lễ Đức
Mẹ Fatima (từ
năm 2002), Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima, theo lời yêu cầu của ĐTC Phanxicô, đã hiện
diện ở Quảng Trường Thánh Phêrô - "Our
Lady of Fatima Statue To Be Present During General Audience" - http://www.zenit.org/en/articles/our-lady-of-fatima-statue-to-be-present-during-general-audience
Fatima là Biến Cố Thánh Mẫu vĩ đại nhất và quan trọng nhất trong lịch sử Giáo
Hội,
vì biến cố này liên quan đến lịch sử thế giới (qua biến cố Nước Nga trở lại ngày
25/12/1991) cũng như đến vai trò của Giáo Hội hay nhờ vai trò của Giáo Hội, qua
biến cố ĐTC GPII cùng với hàng giáo phẩm Công giáo trên thế giới đã cùng
nhau hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria thành hiệu
ngày 25/3/1984, đúng như ý Chúa muốn và cách thức Chúa muốn, được Mẹ Maria tỏ
cho riêng Nữ Tu Lucia biết ngày 13/6/1929 ở Thành Tuy nước Tây Ban Nha, và
chị đã đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII trong bức thư ngày 12/10/1940.
Fatima không phải chỉ liên quan đến Nước Nga, để rồi sau khi Nước Nga trở lại
rồi thì Fatima kết thúc,
trái lại, theo Bí Mật Fatima phần thứ 3 là những gì đang càng lúc càng ứng
nghiệm hơn bao giờ hết, liên quan đến chiến tranh khủng bố từ ngày 11/9/2001 sau
"một thời gian hòa bình", cũng như liên quan đến thân phận Kitô hữu bị sát hại
một cách khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội như hiện nay, thì quả
thật những lời của ĐTC Biển Đức khẳng định ở Fatima ngày 13/5/2010 đang được
thực hiện, chắc chắn sẽ phải xẩy ra và hình như sắp sửa xẩy ra:
"Chúng ta sẽ lầm lạc khi nghĩ rằng vai trò ngôn sứ của Fatima đã hoàn tất… Chớ
gì 7 năm hướng chúng ta tới biến cố mừng trăm năm của những cuộc hiện ra này mau
chóng hoàn tất lời tiên tri về cuộc vinh thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội
Mẹ Maria, cho vinh quang của Ba Ngôi Chí Thánh".