GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

"Gia đình bao giờ cũng là một 'bệnh viện' gần nhất"

"nói chung, thời gian bệnh nạn làm gia tăng sức mạnh nơi các mối liên hệ của gia đình"

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình bài 21 - Thứ Tư 10/6/2015

 

(Hôm nay, theo thông lệ, đáng lẽ Đức Thánh Cha tường trình chuyến tông du của ngài hôm Thứ Bảy vừa rồi, nhưng ngài đã không muốn mất giờ vào một vấn đề không cần lắm, để tập trung vào loạt bài về gia đình có tính cách khẩn trương hơn, hướng đến Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV về Gia Đình vào Tháng 10/2015 tới đây).

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

 

Chúng ta tiếp tục với các bài giáo lý về gia đình, và trong loạt bài giáo lý này, tôi muốn chạm đến một khía cạnh rất thông thường trong đời sống gia đình của chúng ta, đó là khía cạnh về bệnh nạn. Bệnh nạn là một cảm nghiệm về tính chất mỏng dòn mềm yếu của chúng ta, một cảm nghiệm chúng ta sống trong gia đình chính yếu như là những trẻ nhỏ, sau đó đặc biệt như một kẻ già lão khi bị yếu đau. Trong phạm vi của những mối liên hệ trong gia đình thì bệnh nạn của những con người chúng ta yêu thương là những gì được chịu đựng một cách đau khổ và buồn khổ "hơn". Chính lòng yêu thương làm cho chúng ta cảm thấy "cái hơn" này. Thật là thường thấy người cha và người mẹ cảm thấy khó khăn hơn trong việc chịu đựng bệnh nạn của đứa con trai hay con gái hơn của bản thân họ. Chúng ta có thể nói, gia đình bao giờ cũng là một "bệnh viện" gần nhất. Ngay cả cho đến ngày nay, ở nhiều phần đất trên thế giới, bệnh viện là một đặc ân cho một số ít, và thường ở những nơi xa cách. Chính người mẹ, người cha, anh chị em và ông bà là thành phần bảo đảm việc chăm sóc và giúp đỡ để chữa lành.

 

Trong Phúc Âm, nhiều đoạn thuật lại những cuôc gặp gỡ của Chúa Giêsu với thành phần bệnh nhân và việc Người ra tay chữa lành họ. Người tỏ mình ra một cách công khai như là một Đấng chiến đấu chống lại bệnh nạn và là Đấng đến để chữa lành con người cho khỏi hết mọi bệnh nạn: bệnh của tinh thần cũng như bệnh về thể xác. Cảnh tượng phúc âm vừa được Thánh ký Marcô đề cập đến thật là cảm động. Phúc Âm thuật lại rằng: "Vào lúc chiều tối, họ mang đến cho Người tất cả những ai bị bệnh hay bị quỉ ám" (1:32). Nghĩ đến các thành phố lớn hiện nay, tôi ngẫm nghĩ đâu là các cánh cửa để bệnh nhân có thể đưa đến hầu có thể được chữa trị! Chúa Giêsu không bao giờ tránh né việc chữa trị cho họ. Người chẳng bao giờ bước đi, Người không khi nào ngoảnh mặt đi chỗ khác. Khi người cha hay người mẹ, hay chỉ là những người thân hữu mang đến cho Người một bệnh nhân để Người chạm tới họ và chữa lành cho họ thì Người ra tay liền; việc chữa lành được coi hơn cả luật lệ, ngay cả luật nghỉ ngơi rất linh thánh về Ngày Hưu Lễ (xem Marco 3:106). Các vị tiến sĩ luật đã khiển trách Chúa Giêsu vì Người đã chữa lành vào Ngày Hưu Lễ, vì Người đã làm việc lành vào Ngày Hưu Lễ. Thế nhưng, tình yêu của Chúa Giêsu là để ban sinh lực, là để làm lành, và việc ấy bao giờ cũng là những gì ưu tiên nhất!

 

Chúa Giêsu đã sai các môn đệ của Người đi để thi hành công cuộc của Người và Người đã ban cho các vị quyền năng chữa lành, tức là đến gần người bệnh và chữa họ hoàn toàn lành mạnh (xem Mathêu 10:1). Chúng ta cần phải nhớ kỹ những gì Người nói với các môn đệ trong đoạn về người mù từ lúc mới sinh (Gioan 9:1-5). Thành phần môn đệ - với người mù ở ngay trước mắt họ - đã bàn cãi về chuyện ai đã phạm tội mà anh ta bị mù bẩm sinh, bởi anh ta hay bởi cha mẹ của anh ta, khiến anh ta bị mù. Chúa đã minh nhiên nói rằng: chẳng phải là anh ta hay cha mẹ của anh ta; anh ta bị như thế là để cho công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta. Rồi Người đã chữa lành anh ta. Đó là vinh quang của Thiên Chúa! Đó là công việc của Giáo Hội! Là giúp đỡ bệnh nhân, không huyên thuyên miệng lưỡi, mà là luôn giúp đỡ, luôn an ủi, luôn xoa dịu, luôn gần gũi người bệnh; đó là việc làm.

 

Giáo Hội mời gọi việc nguyện cầu liên tục cho những con người thân thương của Giáo Hội đang bị bệnh hành hạ. Không bao giờ lơ là với việc cầu nguyện cho bệnh nhân. Thật vậy, chúng ta cần phải cầu nguyện hơn nữa, cả riêng tư lẫn cộng đồng. Chúng ta hãy nghĩ đến đoạn phúc âm về người đàn bà Canaan (xem Mathêu 15:21-28). Bà là một người phụ nữ dân ngoại, không phải là dân Do Thái, nhưng là một người dân ngoại van xin Chúa Giêsu chữa lành cho đứa con gái của bà. Để thử đức tin của bà, Chúa Giêsu trước hết trả lời bà một cách cộc cằn: "Tôi chỉ được sai đến với chiên lạc của Nhà Israel mà thôi". Người đàn bà không chịu thua - khi một người mẹ xin giúp con gái của mình thì bà chẳng bao giờ bỏ cuộc. Tất cả chúng ta đều biết rằng những người mẹ chiến đấu cho con cái của mình - nên bà trả lời: "cho dù là chó cũng được ăn những vụn vặt từ bàn của chủ rơi xuống!" như thể bà nói rằng "Ít là xin cứ đối xử với tôi như là một con chó!" Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói với bà rằng: "Ôi bà, đức tin của bà mạnh lắm! Bà mong muốn sao thì được như vậy" (câu 28). 

 

Trước bệnh nạn, cũng trong gia đình, các thứ khó khăn xẩy ra vì tình trạng yếu hèn của con người. Tuy nhiên, nói chung, thời gian bệnh nạn làm gia tăng sức mạnh nơi các mối liên hệ của gia đình. Tôi nghĩ đến vấn đề quan trọng biết bao việc giáo dục con cái là những con người nhỏ bé biết gắn bó đoàn kết trong thời gian bệnh nạn. Thứ giáo dục thiếu cảm quan về bệnh nạn của con người là thứ giáo dục làm chai đá tâm can. Nó làm cho giới trẻ "tê mê" trước khổ đau của người khác, không thể đương đầu với khổ đau và sống cảm nghiệm của những gì là hạn hữu. Biết bao lần chúng ta thấy một người nam, một người nữ đến sở làm với một gương mặt mệt nhọc, với một thái độ mệt mỏi và khi được hỏi "sao vậy?" thì họ trả lời rằng: "Tôi ngủ có 2 tiếng đồng hồ vì chúng tôi phải thay nhau cận kề bên cháu bé bị bệnh, bên người ông, bên người bà". Thế rồi ngày sống tiếp tục với việc làm. Đó là những gì anh hùng; đó là những gì dũng cảm của các gia đình! - những thứ dũng cảm âm thầm ấy được thực hiện một cách êm ái dịu dàng và can đảm khi có ai bị bệnh trong gia đình. 

 

Tình trạng yếu đuối và khổ đau của những người thân thương nhất và linh thánh nhất của chúng ta có thể, đối với con cái của chúng ta và cháu chắt của chúng ta, là một học đường của đời sống - cần phải giáo dục cho con cháu hiểu được việc gần gũi này khi xẩy ra bệnh nạn trong gia đình - và họ trở nên như thế khi bệnh nạn xẩy ra họ được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện, bằng tình cảm và việc ân cần gần gũi của những người họ hàng thân thuộc. Cộng đồng Kitô hữu quá biết rằng, trong cơn thử thách bệnh nạn, gia đình không bị lẻ loi cô độc. Chúng ta cần phải tạ ơn Chúa về những cảm nghiệm đẹp đẽ này nơi tình huynh đệ của Giáo Hội trong việc giúp cho các gia đình trải qua những giây phút khó khăn đau đớn và đau khổ. Việc gần gũi này của Kitô hữu, của gia đình này với gia đình kia, thực sự là một kho tàng cho giáo xứ - một kho tàng khôn ngoan giúp các gia đình đang gặp khó khăn và làm cho Vương Quốc của Thiên Chúa được thông hiểu hơn là nhiều bài thuyết giảng! Những cảm nghiệm đẹp đẽ này nơi tình huynh đệ của Giáo Hội là việc âu yếm vuốt ve của Thiên Chúa vậy.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://www.zenit.org/en/articles/on-sickness-and-suffering-of-family-members