GIÁO HỘI HIỆN THẾ
"Khởi đi từ hôm nay, các bài giáo lý của chúng ta sẽ bắt đầu chia sẻ về mối quan
tâm tới tính chất dễ bị tổn thương của gia đình nơi các điều kiện của đời
sống đang thách đố gia đình...
Một trong những thử thách này là nghèo khổ"
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình - Bài 20
Xin chào anh chị em thân mến.
Trong các ngày Thứ Tư như thế này, chúng ta đã chia sẻ về gia đình. Chúng ta
tiếp tục với đề tài này để suy tư về gia đình.
Khởi đi từ hôm nay, các bài giáo lý của chúng ta sẽ bắt đầu chia sẻ về mối quan
tâm tới tính chất dễ bị tổn thương của gia đình nơi các điều kiện của đời
sống đang thách đố gia đình.
Hôm nay chúng ta mở đầu bài thứ nhất. Một
trong những thử thách này là nghèo khổ. Chúng
ta hãy nghĩ tới nhiều gia đình sống chen chúc ở các vùng ngoại ô của
những đại đô thị đông đúc, nhưng cũng ở cả các miền thôn quê nữa... Biết bao
nhiêu là nghèo khổ, biết bao nhiêu là hèn hạ! Thế rồi, còn tệ hơn nữa, thậm
chí còn xẩy ra chiến tranh ở một số nơi.
Chiến tranh bao giờ cũng là những gì kinh khủng. Nó đặc biệt ảnh hưởng đến dân
chúng, đến các gia đình. Chiến
tranh quả thực là "mẹ của tất cả mọi thứ nghèo khổ", nó bần cùng hóa gia đình,
là một con thú to con bắt mồi sự sống, bắt mồi linh hồn,
và tác hại cả những con người linh thánh nhất và đáng yêu nhất.
Bất chấp tất cả, vẫn có nhiều gia đình nghèo khổ cố gắng sống đời sống thường
nhật của mình một cách xứng đáng, thường tỏ ra cởi mở tin tưởng vào phúc lành
của Thiên Chúa. Tuy
nhiên, không được sử dụng cái gương sống này để biện minh cho thái độ dửng dưng
lạnh lùng của chúng ta, trái lại nó còn làm gia tăng sự hổ nhục của chúng ta
nữa! Rất ư
là nhiều nghèo khổ! Ngay cả ở trong cảnh nghèo khổ, gia đình tiếp tục hình
thành và thậm chí còn bảo trì bao nhiêu có thể tính chất nhân bản nơi những liên
hệ của họ, hầu như đó là một phép lạ. Sự kiện này gây phiền nhiễu cho những
chuyên viên phác họa về sự phúc lợi là thành phần coi những cảm xúc, việc
truyền sinh, các mối liên hệ gia đình, như là những gì thứ yếu có thể thay đổi
nơi phẩm chất của đời sống. Họ chẳng hiểu gì hết! Trái lại, chúng
ta cần phải quì xuống trước những gia đình này, những gia đình là một học đường
thực sự về nhân bản có thể cứu các xã hội khỏi cảnh dã man mọi rợ.
Vậy thì sẽ còn lại những gì nếu chúng ta chịu thua trước việc đe dọa tống tiền
của Cesa (có lẽ ở đây ĐTC ám chỉ Quyền Lực) và của Mommom (chữ này tự
nó có ý nghĩa là giầu sang phú quí), của bạo động và tiền bạc và chúng ta
loại bỏ đi những cảm tình gia đình? Chỉ có được một đạo lý dân sự mới chỉ khi
nào những ai có trách nhiệm với đời sống của quần chúng biết tái cấu tạo mối
liên hệ xã hội bằng cuộc chiến đấu chống lại cơn lốc xoáy hủy hoại giữa gia đình
và cảnh nghèo khổ, một cơn lốc xoáy đang dẫn chúng ta xuống vực thẳm.
Kinh tế ngày nay thường được tập trung vào việc hoan hưởng phúc lợi cá nhân,
nhưng lại thực hiện một cách rộng rãi việc khai thác những mối liên hệ
gia đình. Đó là một thứ mâu thuẫn trầm trọng! Công việc lớn lao của gia đình
theo tự nhiên không được nhắc đến trong các bản tường trình về tài chính! Thật
vậy, kinh tế và chính trị tỏ ra keo kiệt trong việc nhìn nhận vấn đề này. Tuy
nhiên, việc hình thành nội tâm của con người và việc luân lưu tình cảm xã hội
lại cắm cọc chính ở chỗ đó. Nếu anh chị em bỏ nó đi thì tất cả đều bị sụp đổ.
Đây không phải chỉ là vấn đề lương thực nuôi sống. Chúng ta nói về công ăn việc
làm, về vấn đề giáo dục, về vấn đề sức khỏe nữa.
rất cần phải hiểu điều ấy. Chúng ta bao giờ cũng cảm thấy thật xúc động khi nhìn
thấy các tấm hình trẻ em thiếu thốn mọi sự, những trẻ em ở trong những trường
học chẳng có gì hết, đang hãnh diện tỏ ra cho thấy rằng mình có được những cây
bút chì và những tập giấy viết. Vậy làm thế nào chúng nhìn vào thày cô của chúng
một cách yêu thương đây! Trẻ em thật sự biết rằng con người ta không sống nguyên
bởi bánh! Đối với tình cảm gia đình: khi sống nghèo khổ, trẻ em chịu đựng vì
chúng muốn yêu thương, muốn có được mối liên hệ gia đình.
Kitô hữu chúng ta bao giờ cũng cần phải tỏ ra gần gũi hơn nữa với các gia đình
bị nghèo khổ thử thách.
Thế nhưng chúng ta hãy nghĩ về họ: tất cả mọi anh chị em đều biết được một người
nào đó; biết một người cha không có việc làm, một người mẹ thất nghiệp, và
gia đình phải chịu đựng! Những mối liên hệ trở nên yếu kém. Đó là những gì xấu.
Thật vậy, cảnh nghèo
khổ về xã hội đang tấn công gia đình và có những lúc hủy hoại gia đình. Tình
trạng thiếu việc làm hay mất việc làm, hoặc tính cách bếp bênh thật nhiều của
việc làm, đều có ảnh hưởng trầm trọng đối với đời sống gia đình, gây thử thách
dữ dội nơi các mối liên hệ. Những điều kiện sinh sống ở những vùng lân cận thiếu
thốn, liên quan đến vấn đề nhà cửa và chuyển vận, cùng với việc giảm thiểu các
dịch vụ về xã hội, sức khỏe và giáo dục, là những gì càng gây thêm khó khăn.
Tình trạng thiệt hại gây ra bởi những mô thức giả hiệu ấy có thể được thêm vào
với những yếu tố vật chất này, được các phương tiện truyền thông đại chúng phổ
biến theo chủ nghĩa hưởng thụ và tôn thờ ngoại diện, là những gì ảnh hưởng tới
các tầng lớp xã hội nghèo khổ nhất và gia tăng tình trạng bại hoại nơi các mối
liên hệ gia đình. Cho dù có chăm sóc cho gia đình, có chăm sóc cho những
mối liên hệ tình cảm thì cảnh khốn khổ vẫn là những gì thách đố gia đình.
Giáo Hội là một người mẹ, không được quên đi thảm trạng này của con cái mình. Cả
Giáo Hội nữa cũng phải nghèo, phải
trở nên phong phú và đáp ứng với rất nhiều cùng khốn như thế. Một
Giáo Hội nghèo là một Giáo Hội thực hành tính chất đơn sơ giản dị tự nguyện
trong đời sống của mình - nơi các cơ cấu của mình, nơi lối sống của phần tử mình
- để phá đổ hết mọi bức tường ngăn cách, nhất là bởi người nghèo.
Cần phải cầu nguyện và làm việc. Chúng ta hãy tha thiết cầu cùng Chúa, để Ngài
làm chúng ta rung động, làm cho các gia đình Kitô hữu thành những vai chính cho
cuộc cách mạng về việc gắn bó gia đình, một cuộc cách mạng hiện nay rất cần
thiết! Giáo Hội, ngay từ đầu, đã được làm nên bởi điều này, bởi việc gắn bó
gia đình. Chúng ta không được quên rằng vấn đề nhận định về thành phần thiếu
thốn, về những con người hèn mọn và về người nghèo là những gì hướng đến việc
phán xét của Thiên Chúa (Mathêu 25:31-46). Chúng ta đừng quên điều ấy. Chúng
ta hãy làm tất cả mọi sự có thể để giúp các gia đình tiến bước qua những thử
thách nghèo khổ và khốn cùng đang tấn công các mối tình cảm gia đình, các mối
liên hệ gia đình.
Tôi xin đọc lại một lần nữa bài Thánh kinh chúng ta đã nghe từ đầu. Mỗi một
người trong chúng ta cần phải nghĩ về các gia đình đang bị thử thách, bị thử
thách bởi khốn cùng, bởi nghèo khổ. Thánh Kinh viết: "Hỡi
con, đừng lấy mất những gì cần sống của người nghèo, và đừng để cho mắt của
những ai thiếu thốn đợi trông". Chúng
ta hãy suy nghĩ về từng lời này. "Đừng
làm buồn phiền kẻ đang đói khát, đừng giận dữ ai đang thiếu thốn. Đừng gây thêm
nữa những trục trặc của một tâm trí giận dữ, đừng chậm trễ tặng ban cho kẻ ăn
xin. Đừng tẩy chay một ai sầu khổ van xin, đừng quay đi tránh né khỏi người
nghèo. Đừng tránh né nhìn người thiếu thốn, đừng
tạo cớ cho người ta nguyền rủa các người; vì trong sự cay cực của linh hồn họ
thốt lên lời nguyền rủa các người..." (Ws 4:1-6). Vì đó
là những gì Chúa sẽ làm, Phúc Âm viết, nếu chúng ta không làm những điều ấy. Xin
cám ơn anh chị em!
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh,
BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)
http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-poverty-and-the-family