GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

"Hôm nay chúng ta chia sẻ về các vết thương thực sự xẩy ra trong cuộc sống chung của gia đình. 

Đó là những lúc tai hại xẩy ra trong chính gia đình - một điều dễ sợ nhất!"

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý về Gia Đình: Bài 23 - Thứ Tư 24/6/2015

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

 

Trong các bài giáo lý vừa rồi chúng ta đã nói về vấn đề gia đình sống với những tính chất mỏng dòn của thân phận con người, như nghèo khổ, bệnh nạn, chết chóc. Trái lại, hôm nay chúng ta chia sẻ về các vết thương thực sự xẩy ra trong cuộc sống chung của gia đìnhĐó là những lúc tai hại xẩy ra trong chính gia đình - một điều dễ sợ nhất!

 

Chúng ta đều rõ là đời sống của bất cứ gia đình nào cũng không thiếu những giây phút xẩy ra những hành vi cử chỉ của các phần tử trong gia đình phạm đến những cảm tình thân mật chí thiết. Có những lời nói và những hành động (cùng với những bỏ qua không làm!), thay vì tỏ bày yêu thương, thì lại làm giảm sút hay tệ hơn nữa còn sát hại yêu thương nữa. Khi những vết thương này, những vết thương vẫn còn có thể chữa lành, bị bỏ lơ, chúng sẽ trở nên tệ hại hơn nữa, ở chỗ, chúng sẽ được biến thành ngạo mạn, hận thù, khinh bỉ. Rồi vào một lúc nào đó chúng có thể trở thành những rạn nứt sâu xa, chia cách vợ chồng với nhau, và thúc đẩy đến chỗ tìm kiếm cảm thông, nâng đỡ và an ủi ở một nơi nào khác. Tuy nhiên, những thứ "nâng đỡ" này đừng nghĩ rằng sẽ mang lại thiện ích cho gia đình. 

 

Tình trạng tình nghĩa vợ chồng bị mất mát đi thì gây ra nỗi phẫn uất trong các mối liên hệ và tình trạng đổ vỡ này ập xuống trên đầu của con cái.

 

Đúng thế, con cái. Tôi muốn chia sẻ một chút về điểm này. Bất chấp tính chất cảm xúc của chúng ta dường như biến đổi và tất cả những phân tích về tâm lý đã được chỉnh đốn của chúng ta, tôi trộm nghĩ chẳng lẽ chúng ta lại không tê tái trước những vết thương nơi linh hồn của con cái hay sao. Người ta càng cố gắng bù đắp cho con cái bằng những quà tặng hay những thứ nhâm nhi vụn vặt thì cảm giác này lại càng bị lạc loài bởi những vết thương đau đớn nhất trong linh hồn. Chúng ta nói nhiều về những thứ xáo trộn nơi hành vi cử chỉ, về sức khỏe tâm thần, về phúc lợi của con cái, về mối lo âu của cha mẹ và con cái ... thế nhưng chúng ta có biết được vết thương của linh hồn ra sao chưa? Chúng ta có cảm thấy sức nặng như núi đè bẹp xuống linh hồn của một người con hay chăng, trong những gia đình xẩy ra cách thức đối xử tồi tệ và tai hại cho đến độ gây đổ vỡ lòng trung thành phu thê? Trong việc chọn lựa của chúng ta - những chọn lựa sai lầm chẳng hạn - thì linh hồn của những đứa con cần phải chịu đựng bao nhiêu là gánh nặng? Khi thành phần người lớn mất trí, khi mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân mình, khi người cha và người mẹ tác hại lẫn nhau, thì linh hồn của đứa con chịu nhiều khổ đau, nó cảm thấy một thứ cảm giác tuyệt vọng. Và chúng là những vết thương hằn vết tích suốt cả cuộc đời.

 

Hết mọi sự đều liên hệ với nhau trong gia đình: khi tinh thần của nó bị thương tích ở một chỗ nào đó thì mọi người đều bị cảm nhiễm. Và khi một người nam và một người nữ dấn thân để trở nên "một xác thịt" và hình thành một gia đình, chỉ nghĩ đến các nhu cầu tự do và thỏa mãn riêng của mình, thì cái lệch lạc này sâu xa tác hại đến cõi lòng và đời sống của con cái. Rất nhiều lần con cái âm thầm khóc than. Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này. Vợ chồng là một xác thịt, nhưng con cái của họ là xác thịt bởi xác thịt của họ. Nếu chúng ta nghĩ về lời Chúa Giêsu gắt gao khiển trách người lớn đừng làm gương mù cho những con người bé nhỏ - chúng ta đã nghe thấy đoạn Phúc Âm này (xem Mathêu 18:6), chúng ta cũng có thể hiểu lời của Người hơn thế nữa về trách nhiệm nặng nề mà họ cần phải có để bảo vệ mối liên hệ phu thê là những gì bắt đầu làm nên gia đình của con người (xem Mathêu 19:6-9). Khi một người nam và nữ trở nên một xác thịt thì tất cả các thương tích cũng như tất cả những ruồng bỏ của người cha và người mẹ đều ảnh hưởng đến xác thịt sống động của họ là con cái. 

 

Đàng khác, đúng là có những trường hợp không thể nào tránh được tình trạng chia lìa. Đôi khi thậm chí nó trở thành những gì cần thiết về luân lý nữa, nếu nó thực sự là vấn đề cần phải đưa người phối ngẫu yếu thế hơn hay con cái nhỏ bé khỏi bị những thương tích trầm trọng nhất gây ra bởi những gì là ngạo mạn và bạo lực, những gì là hạ nhục và khai thác, những gì là ly gián và dửng dưng.

 

Tạ ơn Chúa cũng không thiếu những người, được đức tin và tình yêu thương con cái nâng đỡ, chứng thực lòng trung thành của mình với mối liên hệ họ tin tưởng, cho dù dường như bất khả phục hồi. Tuy nhiên, không phải tất cả những ai chia lìa đều cảm thấy ơn gọi này. Không phải là tất cả đều nhận biết, trong đơn côi, lời Chúa kêu gọi họ. Chúng ta thấy chung quanh mình các gia đình khác nhau trong những tình trạng được gọi là bất thường - tôi không thích chữ này - và chúng ta tự hỏi mình nhiều vấn đề. Làm sao chúng ta có thể giúp họ đây? Làm sao chúng ta có thể nâng đỡ họ đây? Làm sao chúng ta có thể nâng đỡ họ để con cái của họ không trở thành những con tin của người cha hay của người mẹ?

 

Chúng ta hãy xin Chúa cho được một đức tin mạnh mẽ, để nhìn thực tại bằng ánh mắt của Chúa; và xin Chúa cho được một đức ái cao cả để chúng ta có thể tiến tới với con người ta bằng trái tim nhân hậu của Ngài

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-family-wounds