GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Tối Thứ Bảy mùng 3/10/2015 ở Quảng Trường Thánh Phêrô
Các Gia Đình thân mến,
Xin chào anh chị em tối nay! Không tốt đẹp hay sao khi
thắp sáng lên một cây nến nhỏ trong bóng tối? Không có cách nào khác để xua tan
tối tăm hay sao? Bóng tối thậm chí có thể bị chế ngự hay chăng?
Anh chị em có nhớ những gì đã xẩy ra cho Elia hay chăng? Theo quan điểm loài người thì vị tiên tri này đã cảm thấy sợ hãi và cố gắng thoát chạy. Sợ hãi. "Elia đã sợ hãi; ông đã chỗi dậy và thoát thân giữ mạng... Ông đã đi bộ 40 đêm ngày đến Horeb là núi của Thiên Chúa. Ở đó ông đến một cái hang mà trú qua đêm. Bấy giờ có lời Chúa phán cùng ông rằng: 'Ngươi đang làm gì ở đây vậy Elia?'" (1 Các Vua 19:3,8-9). Trên núi Horeb, ông có thể có được câu trả lời, không phải trong một cơn gió mạnh thổi đến làm nứt thạch tan đá, không phải trong một trận động đất hay trong lửa hồng. Ân sủng của Thiên Chúa không la vang; ân sủng này là một tiếng thì thào chạm đến tất cả những ai sẵn sàng nghe thấy tiếng gió thoang thoảng thổi - một thứ tiếng lặng thinh nho nhỏ. Ân sủng này thôi thúc họ tiến lên, trở lại với thế giới, làm chứng nhân cho tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, để thế giới tin tưởng...
Theo chiều hướng này, đúng một năm trước đây, cũng ở Quảng Trường này, chúng
ta đã kêu cầu cùng Thánh Linh và xin
cho các vị Nghị Phụ - trong việc bàn luận về đề tài gia đình - biết chuyên chú
lắng nghe nhau, bằng ánh mắt gắn chặt vào Chúa Giêsu, Lời tối hậu của Chúa và là
tiêu chuẩn mà mọi sự cần phải theo đó mà đo lường cân nhắc.
Tối hôm nay, việc cầu nguyện của chúng ta cũng không thể nào khác được. Vì
như Đức Tổng Giám Mục Ignatius IV Hazim đã nhắc nhở chúng ta, không có Thánh
Linh thì Thiên Chúa là Đấng xa vời, Chúa Kitô vẫn thuộc về quá khứ, Giáo Hội trở
thành một tổ chức thuần tùy, quyền bính trở thành thống trị, sứ vụ trở nên tuyên
truyền, tôn thờ trở thành thần bí, đời sống Kitô giáo trở thành một thứ luân lý
nô lệ (cf.
Address to the Ecumenical Conference of Uppsala, 1968).
Bởi vậy chúng
ta hãy cầu nguyện để Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới khai mở ngày mai sẽ cho
thấy được cái cảm nghiệm về hôn nhân gia đình phong phú biết bao và viên
trọn nhân bản chừng nào.
Chớ gì Thượng Nghị này nhận thức, trân trọng và loan báo tất cả những gì là mỹ
lệ, thiện hảo và thánh đức về cái cảm nghiệm ấy. Chớ gì Thượng Nghị này bao gồm
cả những trường hợp gây tổn thương và khốn khó như chiến tranh, bệnh hoạn, sầu
thương, những mối liên hệ bị thương tích và đổ vỡ là những gì tạo nên buồn thảm,
phẫn uất và phân ly. Chớ gì Thượng Nghị này nhắc nhở những gia đình ấy, và hết
mọi gia đình, rằng Phúc Âm bao giờ cũng là "tin mừng" giúp chúng ta có thể
bắt đầu lại. Chớ gì các vị Nghị Phụ biết rút tỉa từ kho tàng truyền thống
sống động của Giáo Hội những lời lẽ của niềm an ủi và hy vọng cho các
gia đình được kêu gọi trong thời đại của chúng ta để xây dựng cộng đồng giáo hội
và thành đô của con người.
* * *
Charles de Foucauld, có lẽ giống như một ít người
khác, đã nắm bắt được cái tấm vóc quan trọng của thứ linh đạo phát tỏa từ
Nazarét. Vị đại thám hiểm này đã vội vàng từ bỏ binh nghiệp của mình, đã bị thu
hút bởi mầu nhiệm Thánh Gia, mầu nhiệm liên hệ hằng ngày của Chúa Giêsu với cha
mẹ của Người cũng như với hàng xóm láng giềng, việc lao công thầm lặng của
Người, việc cầu nguyện khiêm hạ của Người. Khi chiêm ngưỡng Gia Đình Nazarét,
Thày Charles đã nhận ra cái ước muốn giầu sang phú quí và quyền lực thực sự là
trống rỗng biết bao. Nhờ việc tông đồ bác ái của mình, ngài đã trở thành mọi sự
cho mọi người. Được thu hút bởi đời sống của một vị ẩn tu, ngài đã tiến đến
chỗ hiểu rằng chúng ta không gia tăng trong tình yêu Thiên Chúa bằng việc tránh
né cái vướng mắc nơi những liên hệ loài người. Vì trong tình yêu thương người
khác, chúng ta học biết yêu mến Thiên Chúa, trong việc cúi mình xuống giúp đáp
tha nhân chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa. Nhờ việc gần gũi huynh đệ của
mình và việc liên đới của ngài với kẻ nghèo và người bị bỏ rơi mà ngài đã
hiểu được rằng chính họ là những người truyền bá phúc âm hóa chúng ta, họ là
người giúp cho chúng ta lớn lên về nhân bản.
Để hiểu được gia đình ngày nay, cả chúng ta nữa cũng cần
phải - như Thày Charles de Foucauld - đi vào mầu nhiệm của gia đình Nazarét, đi
vào đời sống thầm lặng hằng ngày của gia đình này, không phải là không giống
như đời sống của hầu hết các gia đình, với những vấn đề của họ cùng với những
niềm vui bình dị của họ, một đời sống được đánh dấu bằng sự nhẫn nại an
lành giữa nghịch cảnh, tôn trọng người khác, một lòng khiêm tốn là những gì hào
phóng và là những gì nở hoa nơi việc phục vụ, một đời sống huynh đệ được xuất
phát từ cảm quan tất cả chúng ta đều là phần thể của một thân thể duy nhất.
Gia đình là một nơi giúp sống trọn sự thánh đức
của phúc âm ở những điều kiện thông thường nhất. Ở đó chúng ta được hình thành
bởi ký ức của các thế hệ đã qua và chúng ta đâm những gốc rễ giúp chúng ta có
thể tiến xa hơn. Gia đình là một nơi nhận thức, nơi chúng ta học nhận biết dự án
của Thiên Chúa về đời sống của chúng ta và tin tưởng theo đuổi dự án ấy.
Gia đình là một nơi của những gì là cho không biếu không, của sự hiện diện
huynh đệ khôn ngoan và đoàn kết, một nơi chúng ta học biết xuất thân và chấp
nhận người khác, học biết thứ tha và cảm thấy được tha thứ.
* * *
Giáo Hội là một ngôi nhà mở cửa, xa khỏi cái hào nhoáng
bên ngoài, tỏ ra hiếu khách nơi tính chất chân thành giản dị của các phần tử
Giáo Hội. Đó là lý do tại sao Giáo Hội có thể kêu gọi niềm mong đợi hòa bình
hiện hữu nơi hết mọi con người nam nữ, bao gồm cả những ai - giữa các thách đố
của cuộc đời - có những con tim bị thương tích và khổ đau.
Giáo Hội này thực sự có thể thắp sáng lên cái bóng tối
rất nhiều con người nam nữ cảm thấy. Giáo Hội có thể khả tín chỉ cho họ hướng
tới đích điểm và bước đi bên họ, chính vì Giáo Hội đích thân đã cảm nghiệm được
những gì cần phải được tái sinh khôn cùng trong cõi lòng từ bi thương xót của
Chúa Cha.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn
mạnh tự ý)