GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

"Người đã tỏ mình ra cho các vị để sự thật về cuộc phục sinh của Người có thể vươn tới hết mọi người nhờ chứng từ của các vị. Và Giáo Hội có nhiệm vụ phải kéo dài sứ vụ này"

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Huấn Từ Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Chúa Nhật III Phục Sinh ngày 19/4/2015

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

 

Trong các bài đọc phụng vụ hôm nay, chữ "chứng nhân" được âm vang 2 lần. Lần thứ nhất ở trên môi miệng của Thánh Phêrô: sau khi chữa lành cho một người bất toại ở cửa đền thờ Giêrusalem, ngài đã kêu lên rằng: "Anh em đã giết chết tác giả sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ trong kẻ chết; chúng tôi là những chứng nhân về điều ấy" (Tông Vụ 3:15). Lần thứ hai trên môi miệng của Chúa Giêsu Phục Sinh: Vào tối ngày Vượt Qua, Người đã mở tâm trí của các môn đệ về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người mà nói cùng các vị rằng: "Các con là chứng nhân về những điều ấy" (Luca 24:48). 

 

Các Tông Đồ, những vị đã tận mắt thấy Chúa Kitô Phục Sinh, không thể nào giữ thinh lặng về cảm nghiệm phi thường này của các vị. Người đã tỏ mình ra cho các vị để sự thật về cuộc phục sinh của Người có thể vươn tới hết mọi người nhờ chứng từ của các vị. Và Giáo Hội có nhiệm vụ phải kéo dài sứ vụ này, hết mọi người đã lãnh nhận Phép Rửa được kêu gọi để làm chứng nhân, bằng lời nói và bằng đời sống của mình rằng Chúa Giêsu đã sống lại, Người đang sống động và hiện diện giữa chúng ta. Tất cả chúng ta được kêu gọi làm chứng rằng Chúa Giêsu đang sống đây! 

 

Chúng ta có thể tự hỏi mình rằng: ai là chứng nhân? Chứng nhân là người đã thấy, là người tưởng nhớ và là người tường trình. Thấy, nhớ và nói là 3 động từ diễn tả căn tính và sứ vụ này

 

Chứng nhân là người đã thấy bằng con mắt khách quan, là người đã thấy được một thực tại, nhưng không phải bằng con mắt dửng dưng lạnh lùng; họ đã thấy và đích thân tham dự vào biến cố ấy. Đó là lý do tại sao họ nhớ tưởng, chẳng những vì họ làm sao để có thể diễn lại các biến cố ấy một cách chính xác, mà còn vì những sự kiện ấy đã nói và họ đã nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của chúng. 

 

Thế nhưng, ở đây là một sứ điệp cứu độ, một biến cố cụ thể, thật sự là một Con Người, đó là Chúa Kitô Phục Sinh, Vị Cứu Tinh duy nhất sống động của tất cả mọi người. Người có thể được chứng kiến thấy bởi những ai có được một cảm nghiệm riêng về Người, trong nguyện cầu và trong Giáo Hội, bằng một đường lối được bắt nguồn nơi Bí Tích Rửa Tội, được nuôi dưỡng bằng Bí Tích Thánh Thể, được niêm ấn với Bí Tích Thêm Sức, được tiếp tục hoán cải nhờ Bí Tích Thống Hối.

 

Nhờ đường lối ấy, một đường lối luôn được Lời Chúa hướng dẫn, hết mọi Kitô hữu có thể trở nên chứng nhân của Chúa Giêsu phục sinh. Và chứng từ của họ càng khả tín nó càng tỏ hiện ở nơi lối sống có tính cách phúc âm, hân hoan, can trường, hiền lành, bình an, nhân hậu. Trái lại, nếu Kitô hữu sống thoải mái, sống hoang tưởng, sống vị kỷ, họ sẽ trở thành điếc lác và mù lòa trước vấn đề "phục sinh" của rất nhiều anh chị em. Làm sao họ có thể truyền đạt một Chúa Giêsu sống động, làm sao họ có thể truyền đạt quyền năng giải phóng của Chúa Giêsu Kitô, những gì vô cùng dịu dàng êm ái của Người chứ?

 

Xin Mẹ Maria, Người Mẹ của chúng ta, nâng đỡ chúng ta bằng lời chuyển cầu của Mẹ, để chúng ta, bất chấp những hạn hữu của chúng ta nhưng với ân sủng đức tin, có thể trở nên chứng nhân của Vị Chúa Phục Sinh, mang đến cho những ai chúng ta gặp gỡ các tặng ân niềm vui và an bình của Lễ Phục Sinh. 

 

Sau Kinh Lạy Nữ Vương hôm nay, ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân bị chìm đắm ở biển Địa Trung Hải và kêu gọi sự trợ giúp quốc tế để tránh tái diễn những thảm kịch tương tự. Tất cả đều im lặng trong giây lát để tưởng niệm các nạn nhân sau đó cùng nhau đọc 1 Kinh Kính Mừng. Tiếp theo ngài ngỏ lời chào đến các phái đoàn hành hương từ khắp nơi trên thế giới hiện diện, với một danh sách khá dài hiếm thấy. Cuối cùng ngài nhắc đến sự kiện hôm nay là ngày bắt đầu 61 ngày (cho tới 24/6/2015) trưng bày Tấm Khăn Liệm ở Thành Turin Ý quốc mà ngài sẽ đến kính viếng vào ngày 21/6/2015, nguyên văn như sau:)

 

Hôm nay ở Turin bắt đầu việc long trọng trưng bày Tấm Khăn Liệm này. Nếu Chúa muốn, tôi cũng sẽ đến kính viếng vào ngày 21/6. Tôi hy vọng rằng hành động này của việc tôn kính giúp cho tất cả chúng ta tìm thấy nơi Chúa Giêsu Kitô Dung Nhan Nhân Hậu của Thiên Chúa, đồng thời cũng nhận ra dung nhan này ở nơi gương mặt của anh chị em chúng ta, đặc biệt là ở nơi những người anh chị em đau khổ nhất. Xin đừng quên cầu cho tôi. Chúc anh chị em một Chúa Nhật tốt đẹp và một bữa trưa ngon lành!. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://www.zenit.org/en/articles/regina-coeli-on-being-witnesses-to-the-risen-christ