GIÁO HỘI HIỆN THẾ
"Chúng ta không đợi
chờ một thời điểm nào đó hay một chốn điểm
nào đó;
mà
chúng ta sẽ hội ngộ một con người đó là Chúa Giêsu"
Đức Thánh Cha Phanxicô - Huấn
Từ Truyền Tin Chúa
Nhật XXXIII Thường Niên 15/11/2015
Anh chị em thân mến:
Bài Phúc Âm của Chúa Nhật áp chót của phụng niên nêu lên cho chúng ta một số lời
của Chúa Giêsu về những biến cố cuối cùng của lịch sử nhân loại, hướng đến việc
vương quốc của Thiên Chúa hoàn toàn trị đến.
Đó là lời giảng của Chúa
Giêsu ở Giêrusalem trước cuộc Vượt Qua kết thúc của
Người. Lời giảng này chất chứa một số yếu tố khải thị
như chiến tranh, đói kém, tai ương thảm
họa trong không gian vũ trụ. "Mặt
trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống
và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển".
Còn
nữa, những tình tiết này vẫn không phải là phần thiết yếu của sứ điệp nhắn
gửi. Cốt lõi của vấn đề được lời Chúa Giêsu nhắm tới là chính bản thân
Người, là mầu nhiệm về bản thân Người và về cái chết cùng phục sinh của
Người, cũng như việc Người trở lại vào ngày cùng tháng tận. Đích điểm
cuối cùng của chúng ta là được hội ngộ với Vị Chúa
Phục Sinh.
Tôi xin hỏi
anh chị em là bao nhiêu người trong anh chị em nghĩ đến điều này, đó là "sẽ
có một ngày tôi được trực diện hội
ngộ với Chúa". Đó
là đích điểm của chúng ta, cuộc hội ngộ của chúng ta. Chúng
ta không đợi chờ một thời điểm nào đó hay một chốn điểm
nào đó; mà chúng ta sẽ hội
ngộ một con người đó là Chúa Giêsu.
Bởi thế, vấn đề ở đây không phải là "khi nào" xẩy ra những dấu hiệu báo
trước về những ngày cuối cùng ấy, mà chúng ta có đang dọn mình hay chăng.
Vấn đề cũng không phải là những sự ấy sẽ xẩy ra "như thế nào", mà là chúng
ta cần phải tác hành hôm nay "ra sao", trong khi trông đợi những sự ấy xẩy
ra.
Chúng ta được kêu
gọi để sống hiện tại trong việc
xây dựng tương
lai của chúng ta một cách thanh thản và tin tưởng vào Thiên Chúa. Dụ ngôn về
cây vả nẩy trổ,
như dấu hiệu
báo mùa hè đang tới, mang một ý nghĩa đó là viễn ảnh về ngày cùng tháng tận
không phải là những gì tách chúng ta khỏi cuộc sống hiện tại, mà làm cho
chúng ta nhìn tới các
cộng việc hằng ngày của chúng ta bằng
một vươn hướng hy vọng.
Hy vọng: nhân đức
này rất khó để sống. Một nhân đức nhỏ nhất trong các nhân đức nhưng lại mạnh
nhất. Và niềm hy vọng của chúng ta có một dung nhan, đó là dung nhan của
Vị Chúa Phục Sinh, Đấng đến
với "đầy quyền năng và vinh quang", và là Đấng tỏ tình yêu thương tử giá và
biến hình Phục Sinh của
Người. Cuộc
hiển thắng
của Chúa Giêsu vào ngày cùng tháng tận sẽ là cuộc hiển thắng
của thập giá,
một chứng tỏ cho thấy việc hy hiến bản thân mình cho tha nhân theo gương
Chúa Kitô là quyền lực vinh thắng duy nhất, là
trụ điểm
duy nhất giữa
những biến động của thế giới này.
Chúa Giêsu chẳng
những là điểm đến cho cuộc hành trình trần thế của chúng ta, mà còn là một
sự hiện
diện liên lỉ trong cuộc đời của chúng ta nữa. Đó
là lý do tại sao khi chúng ta nói về tương lai và hướng mình về tương
lai ấy, bao giờ chúng ta cũng trở lại với hiện tại.
Người đối đầu với
những thứ tiên tri giả, những kẻ bói toán tiên đoán rằng sắp tận thế đến nơi
rồi; Người đối mặt với định mệnh thuyết. Người ở bên chúng ta; Người bước đi
với chúng ta; Người yêu thương chúng ta lắm lắm.
Người muốn lái thành
phần môn đệ của Người thuộc mọi thời đại khỏi những gì là tò mò về ngày giờ,
về những tiên đoán, về tử vi, mà chú trọng đến lịch sử lúc này đây.
Tôi muốn hỏi anh
chị em - nhưng đừng
trả lời ra tiếng; mà mỗi người tự trả lời lấy - có
bao nhiêu người trong anh chị em đọc tử vi hằng ngày?
Mỗi người hãy trả lời, và khi anh chị em cảm thấy thích đọc tử vi của mình
thì hãy nhìn vào Chúa Giêsu là Đấng ở với chúng ta. Điều đó mới tốt hơn và
mới giúp chúng ta hơn.
Phải, sự
hiện diện của Chúa Giêsu kêu
mời chúng ta ngưỡng vọng và tỉnh thức là những gì loại trừ cả tính bất
nhẫn lẫn trạng
thái hôn
mê, cả việc vượt
thoát tới tương lai lẫn việc trở
thành tù nhân của giây phút hiện tại và thế tục. Cả
trong những ngày của chúng ta đây cũng không thiếu những thảm họa về thiên
nhiên cũng
như về luân
lý, không
thiếu những nghịch cảnh và khó khăn đủ thứ. Hết mọi sự rồi cũng qua đi như
Chúa nhắc nhở chúng ta. Duy chỉ có lời của Người là tồn tại như ánh sáng dẫn
lối và kiên định cuộc hành trình của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhìn vào
Người là Người
thay đổi tâm can chúng ta. Chớ gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết tin
tưởng vào Chúa Giêsu, nền tảng vững chắc của đời sống chúng ta, và biết hân
hoan kiên trì trong tình yêu của Người.
(sau khi nguyện
Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp về vụ khủng bố tấn công Paris Pháp
quốc tối đêm hôm Thứ Sáu 13/11/2015 như thế này:)
Anh chị em
thân mến, tôi muốn bày tỏ nỗi buồn sâu xa của tôi về các cuộc tấn công khủng
bố đẫm máu ở Pháp vào đêm hôm
Thứ Sáu, tác
hại cho nhiều nạn nhân.
Tôi xin bày tỏ nỗi
buồn sâu xa nhất của tôi với vị
Tổng Thống Cộng Hòa Pháp quốc và toàn thể nhân dân Pháp quốc. Tôi đặc
biệt cảm thấy gần gũi với các gia đình có thân nhân bị thiệt mạng và bị
thương tích.
Hành động man
rợ này khiến chúng ta sửng sốt và đặt vấn đề là làm sao mà tâm can của con
người có thể nghĩ ra và thi hành được những hành động ghê rợn kinh hoàng như
thế chứ, những hành động đã chẳng những làm tan nát Pháp quốc mà còn toàn
thế giới nữa.
Trước
những hành động bất chấp như vậy, chúng ta không thể nào không lên án cuộc
tấn công phẩm
giá của con người không
thể nào tượng tượng được.
Tôi muốn cực lực tái
khẳng định rằng con đường
bạo lực và thù ghét không giải quyết được các vấn đề của nhân loại. Và việc
sử dụng danh Thiên Chúa để biện minh cho đường lối này là phạm thượng.
Tôi mời gọi anh chị
em hãy hiệp lời cầu nguyện với tôi: chúng ta hãy ký thác các nạn nhân bất
khả tự vệ của thảm họa này cho tình thương của Thiên Chúa. Xin Đức Trinh Nữ
Maria, Mẹ của tình thương, gieo trồng nơi các tấm lòng tất cả những ý nghĩ
khôn ngoan và những giải quyết an bình.
Chúng ta hãy xin Mẹ
bảo vệ chúng ta và canh chừng nước Pháp thân yêu, trưởng nữ của Giáo Hội,
canh chừng toàn thể Âu Châu và tất cả thế giới.
Chúng ta hãy âm thầm
cầu nguyện một chút rồi đọc một Kinh Kính Mừng...
[Kính mừng
Maria đầy ơn phúc...]