GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Dẫn nhập của người dịch:
Theo thông lệ hằng năm, thường cứ vào Thứ Hai sau Chúa Nhật Tuần IV trước Đại Lễ Giáng Sinh, các vị giáo hoàng gặp gỡ toàn thể giáo triều Roma như là buổi gặp gỡ tất niên và là buổi chúc mừng Giáng Sinh nhau. Riêng với vị giáo hoàng đương kim Phanxicô của chúng ta đây, ngài còn thêm cả buổi gặp gỡ toàn thể nhân viên phục vụ ở Tòa Thánh nữa cũng trong cùng một ngày này, để cám ơn họ, ôn lại năm cũ một chút và nhắn nhủ họ năm mới.
Với Giáo Triều Rôma, trong khi các vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài thường ôn lại những diễn tiến trong năm cũ của chung Giáo Hội cũng như của riêng Tòa Thánh Vatican, và hướng về một năm mới với những dự tính đặc biệt, thì vị giáo hoàng Phanxicô của chúng ta lại nhấn mạnh đến tinh thần phục vụ nhiều hơn. Chẳng hạn như năm 2014, Huấn Từ Chúc Mừng Giáng Sinh của ngài với Giáo Triều Rôma về 15 căn bệnh (Đức Thánh Cha Phanxicô - Huấn Từ Chúc Giáng Sinh 2014 Giáo Triều Rôma).
Năm 2015 này cũng thế, tại Sảnh Đường Clemente, trong Bài Huấn Từ Chúc Mừng Giáng Sinh cho Giáo Triều Rôma, ngài đã nói đến "những thứ kháng sinh" và kêu gọi các Đấng Bậc đang phục vụ ở Trung Tâm Thế Giới Công Giáo là Tòa Thánh Vatican này là "hãy trở về với những gì thiết yếu".
Anh chị em thân mến,
Xin tha cho tôi vì tôi không đứng để nói với anh chị em, bởi có những ngày tôi bị cảm không được khỏe lắm. Xin anh chị em cho phép tôi ngồi nói với anh chị em.
Tôi hân hoan chân thành chúc mừng một Giáng Sinh ân phúc và một Tân Niên hạnh phúc đến anh chị em và đồng nghiệp của anh chị em, đến các vị Đại Diện Tòa Thánh, đặc biệt đến những ai trong năm qua đã hoàn tất việc phục vụ của mình và đã về hưu. Chúng ta cũng nhớ đến tất cả những ai đã về nhà Thiên Chúa. Xin gửi đến anh chị em cũng như các phần tử của gia đình anh chị em tâm tưởng của tôi và lòng tri ân cảm tạ của tôi.
Trong cuộc gặp gỡ của chúng ta năm 2013, tôi đã nhấn mạnh đến hai khía cạnh quan trọng và bất khả tách biệt của công việc ở Giáo Triều đây, đó là tính chất chuyên nghiệp và phục vụ, và tôi đã đề cao Thánh Giuse như là một mẫu gươngcần phải noi gương bắt chước. Thế rồi năm vừa qua, như để sửa soạn lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, tôi đã nói về một số khuynh hướng hay bệnh hoạn - bản kiểm kê các chứng bệnh của tòa thánh / the catalogue of curial diseases; hôm nay tôi muốn nói về "những thứ kháng sinh của tòa thánh - curial antibiotics" - những thứ kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ Kitô hữu nào, đến tòa thánh, đến cộng đồng, đến dòng tu, đến giáo xứ hay đến phong trào trong Giáo Hội. Các chứng bệnh là những gì cần phải được ngăn ngừa, phòng ngừa, chăm sóc, nhưng buồn thay, ở một số trường hợp, cần phải có những can thiệp đớn đau và lâu dài.
Một số những chứng bệnh này đã trở nên hiển nhiên trong năm qua, gây ra không ít đớn đau cho toàn thân và tác hại đến nhiều linh hồn, thậm chí gây ra bởi gương mù tệ hại.
Dường như cần phải nói đến những gì đã từng là - và mãi sẽ là - đối tượng của việc chân thành suy nghĩ và quyết tâm dự phòng. Việc canh tân cải cách sẽ vẫn tiến tới, một cách dứt khoát, sáng tỏ và thẳng tay giải quyết, vì Ecclesia semper reformanda - Giáo Hội luôn cần được cải tiến.
Tuy nhiên, những chứng bệnh và thậm chí cả đến những gương mù tệ hại vẫn không thể làm lu mờ đi cái hiệu năng của những việc phục vụ cống hiến cho Giáo Hoàng cũng như cho toàn thể Giáo Hội bởi Tòa Thánh Rôma, được thực hiện một cách tận lực, hữu trách, dấn thân và hy hiến, và đó là một nguồn mạch ủi an thực sự. Thánh Ignatiô đã dạy rằng "tinh thần xấu xa thường quen làm lan truyền ra những gì là sầu thương, buồn chán và khó khăn, cũng như gây ra những nỗi lo âu không cần thiết để ngăn cản bước tiến của chúng ta; trái lại tinh thần thiện hảo thường quen làm lan truyền ra những gì là can đảm và nghị lực, an ủi và châu lệ, cảm hứng và thanh thản, cùng làm giảm bớt hay cất đi hết mọi khó khăn để làm cho chúng ta tiến bước trên con đường thiện hảo" (1).
Thật là hết sức bất công nếu không bày tỏ lòng chân thành tri ân và phấn khích cần thiết cho tất cả những con người nam nữ tốt lành và trung trực này ở Tòa Thánh đây, những con người làm việc một cách hy sinh, sốt sắng, thành tín và chuyên nghiệp, cống hiến cho Giáo Hội cũng như cho Vị Thừa Kế Thánh Phêrô những gì là vững chắc về tình liên kết và sự tuân phục của họ cùng với những lời cầu nguyện liên tục của họ.
Ngoài ra, những trường hợp chống đối, khó khăn và thất bại nơi những cá nhân và các hành sự viên là những bài học và cơ hội để tăng trưởng, đừng bao giờ chán nản. Chúng là những cơ hội để trở về với những gì là thiết yếu, nghĩa là càng ý thức hơn nữa về bản thân mình, về Thiên Chúa và về tha nhân của chúng ta, về sensus Ecclesiae (cảm quan Giáo Hội) và sensus fidei (cảm quan đức tin).
Chính về việc trở về những gì là thiết yếu mà tôi muốn nói đến hôm nay, chỉ mấy ngày sau khi Giáo Hội khai mạc cuộc hành trình Năm Thánh Tình Thương, một Năm tiêu biểu cho Giáo Hội cũng như cho tất cả chúng ta một hiệu triệu khẩn trương thể hiện lòng biết ơn, việc hoán cải, việc canh tân, việc thống hối và việc hòa giải.
Giáng Sinh thật sự là lễ của tình thương vô cùng của Thiên Chúa, như Thánh Âu Quốc Tinh đã nói với chúng ta: "Còn tình thương nào cao cả lớn lao được tỏ ra cho những con người bất hạnh chúng ta hơn tình thương khiến Đấng Tạo Dựng nên các tầng trời ngự xuống giữa chúng ta, và khiến Đấng Tạo Dựng nên trái đất này mặc lấy thân xác chết chóc của chúng ta chứ? Cũng chính tình thương ấy đã khiến cho Vị Chúa này của thế giới mặc lấy bản tính của một người tôi tớ, để tự mình là bánh, Người muốn chịu đói; tự mình thỏa thuê, Người muốn chịu khát; tự mình quyền năng, Người cảm thấy yếu hèn; tự mình là ơn cứu độ, Người muốn cảm thấy được thương tích của chúng ta, và tự mình là sự sống, Người muốn chết đi. Người làm tất cả những điều ấy để làm dịu đi cái đói của chúng ta, làm nhẹ bớt niềm trông mong của chúng ta, để kiên cường nỗi yếu hèn của chúng ta, để tẩy xóa tội lỗi của chúng ta và để thắp lên đức bác ái của chúng ta" (2).
Bởi thế, trong bối cảnh của năm Thánh Tình Thương này cũng như của việc chúng ta sắp sửa soạn cử hành Giáng Sinh, tôi muốn cống hiến một trợ giúp cụ thể để có được cảm nghiệm dồi dào về mùa ân sủng này. Chắc chắn là không thể nào có được tất cả một bản kiểm kê về các nhân đức cần thiết cho những ai phục vụ ở Tòa Thánh cũng như cho những ai muốn hiến thân cho Giáo Hội hay phục vụ Giáo Hội một cách hữu hiệu hơn.
Tôi xin các Vị Lãnh Đạo các Phân Bộ và các vị bề trên khác hãy suy nghĩ về bản kiểm kê này, thêm thắt vào và hoàn trọn nó. Nó là một bản liệt kê được dựa trên một cách phân chữ của từ ngữ Misericordia - Cha Ricci đã thực hiện điều này ở Trung Hoa - với mục đích coi nó như là kim chỉ nam và là ngọn hải đăng của chúng ta:
1- Missionary and pastoral spirit - Tinh thần truyền giáo và mục vụ: tình thần truyền giáo là những gì làm cho Giáo Triều này rõ ràng trở nên dồi dào phong phú; nó là chứng cớ của tính chất hiệu quả, hiệu năng và chân thực nơi hoạt động của chúng ta. Đức tin là một tặng ân, tuy nhiên cái thước đo đức tin của chúng ta cũng cần được chứng tỏ ở chỗ chúng ta truyền đạt đức tin nữa (3). Tất cả mọi người lãnh nhận Phép Rửa đều là thành phần thừa sai của Tin Mừng, nhất là bằng đời sống của họ, bằng hoạt động của họ và bằng chứng từ về niềm vui và niềm xác tín của họ. Tinh thần mục vụ lành mạnh là một nhân đức bất khả châm chước đặc biệt đối với linh mục. Nó được thể hiện nơi nỗ lực hằng ngày của ngài trong việc theo Vị Mục Tử là Đấng chăm sóc cho đàn chiên và hiến mạng sống mình để cứu mạng sống của người khác. Nó là một thước đo cho hoạt động Tòa Thánh và linh mục của chúng ta. Không có đôi cánh này chúng ta không bao giờ có thể bay được, hay thậm chỉ có thể hoan hưởng cái phúc của "thành phần tôi tớ trung thành" (Mathêu 25:14-30).
2- Idoneity and sagacity- Sự xứng hợp và khôn ngoan: Sự xứng hợp, hay thích hợp, bao gồm nỗ lực bản thân để có được những đòi hỏi cần thiết hầu chúng ta có thể thi hành một cách tốt đẹp nhât các công việc và nhiệm vụ của chúng ta một cách khôn ngoan sáng suốt. Nó không chấp nhận "vấn đề cho rằng thế này thế kia" cũng như những thành quả. Sự khôn ngoan là việc sẵn sàng nắm bắt và đương đầu với các trường hợp một cách tinh khéo và sáng tạo. Sự xứng hợp và khôn ngoan cũng tiêu biểu cho việc đáp ứng của loài người chúng ta với ân sủng thần linh, khi chúng ta biết tuân theo câu châm ngôn nổi tiếng này: "Hãy làm mọi sự như thể Thiên Chúa không hiện hữu, rồi trao phó tất cả mọi sự vào bàn tay Thiên Chúa như thể các bạn không hiện hữu". Đó là phương sách của người môn đệ hằng ngày nguyện cầu cùng Chúa bằng những lời của Kinh Nguyện Phổ Quát tuyệt vời được cho là của Đức Giáo Hoàng Clementê XI: "Xin chiếu cố dẫn dắt chúng con bằng đức khôn ngoan của Chúa, hãy kiềm chế con bằng công lý của Chúa, hãy an ủi con bằng tình thương của Chúa, hãy bênh vực con bằng quyền năng của Chúa. Con muốn hiến dâng lên Chúa tất cả ý nghĩ của con, lời nói của con, hành động của con và các nỗi đau khổ của con; nhờ đó con chỉ có thể nghĩ đến Chúa, nói về Chúa, qui tất cả mọi hoạt động của con cho vinh quang Chúa hơn, và sẵn sàng chịu đựng bất cứ những gì Chúa ấn định" (4).
3- Spirituality and humanity - Linh tính và nhân tính: Linh tính là cột xương sống của tất cả mọi dịch vụ trong Giáo Hội cũng như trong đời sống Kitô hữu. Nó là những gì nuôi dưỡng tất cả mọi hoạt động của chúng ta, bảo trì và bảo vệ nó khỏi tình trạng mỏng dòn của con người và khỏi theo chước cám dỗ hằng ngày. Nhân tính là những gì thể hiện tính trung thực của đức tin chúng ta; những ai chối bỏ nhân tính của mình là chối bỏ tất cả mọi sự. Nhân tính là những gì làm cho chúng ta khác với máy móc và người máy, những thứ vô cảm và bất động. Khi nào chúng ta thấy nhân tính khó khóc một cách thực sự hay khó cười một cách chân thành - đó mới chỉ là hai dấu hiệu thôi - là chúng ta đã bắt đầu suy yếu và bắt đầu tiến trình biến các thứ "con người" thành một cái gì khác. Nhân tính biết cách tỏ ra êm ái dịu dàng và trung thành cũng như lịch thiệp với hết mọi người (xem Philiphe 4:5). Linh tính và nhân tính, hai phẩm tính được phú bẩm, là một khả năng cần thiết để trở nên hoàn toàn sinh động, hoàn toàn chiếm đạt và hằng ngày tỏ hiện.
4- Example and fidelity - Gương mẫu và trung tín: Chân Phước Phaolô VI đã nhắn nhở Tòa Thánh - vào năm 1963 - về "ơn gọi của Tòa Thánh là làm gương sáng" (5). Một gương sáng trong việc tránh làm gương mù gương xấu gây hại cho các linh hồn và làm tổn hại đến uy tín chứng từ của chúng ta. Trung tín với việc tận hiến của chúng ta, với ơn gọi của chúng ta, luôn nhớ lời Chúa Kitô là "Ai trung thành trong một điều nhỏ mọn thì cũng trung thành trong điều lớn; và ai bất tuân trong điều nhỏ mọn cũng bất trung trong điều lớn" (Luca 16:10), và "nếu bất cứ ai trong các con gây vấp ngã cho một trong những con người bé nhỏ đang tin vào Thày đây thì thà buôc cối đá vào cổ họ mà quăng xuống biển còn hơn. Khốn cho thế gian vì làm cơ gây vấp phạm! Không thể không xẩy ra vấp phạm nhưng khốn cho kẻ nào gây cớ vấp phạm" (Mathêu 18:6-7).
5- Reasonbleness and gentleness - Lý lẽ và dịu dàng: nếu lý lẽ là những gì giúp cho tránh được những thứ cảm xúc thái quá, thì dịu dàng giúp tránh được những gì là thái quá về quan liêu, về chương trình và về những gì được hoạch định. Những phẩm tính này cần thiết cho một phẩm cách quân bình: "Kẻ thù - xin tha lỗi cho tôi vì tôi lại trích dẫn lời của Thánh Ignatiô - rất chú ý tới tính cách thô lỗ hay tế nhị của linh hồn, hắn tìm cách làm cho linh hồn quá tế nhị để khiến cho linh hồn càng buồn chán và lẫn lộn hơn" (6). Tất cả những gì thái quá đều là một hiện tượng bất quân bình nào đó, một là bất quân bình về lý lẽ hai làvề tính cách dịu dàng.
6- Innocuousness and determination - tính chất vô hại và cương quyết: Tính chất vô hại làm cho chúng ta thận trọng trong các phán đoán của chúng ta và có thể cầm hãm các hành động háo hức vội vã. Nó là một khả năng mang lại những gì tốt nhất nơi bản thân chúng ta, nơi người khác cũng như nơi tất cả mọi thứ hoàn cảnh nhờ tác hành một cách cẩn thận và chuyên chú. Nó bao gồm việc làm cho người khác những gì chúng ta muốn họ làm cho chúng ta (xem Mathêu 7:12 và Luca 6:31). Cương quyết là tác hành bằng một ý muốn quyết liệt dứt khoát, bằng một nhãn quan sáng tỏ, bằng việc tùng phục Thiên Chúa và chỉ cho thứ tối hậu luật là phần rỗi các linh hồn - salus animarum (xem Giáo Luật khoản 1725).
7- Charity and truth - Bác ái và sự thật: hai nhân đức bất khả phân ly này của đời sống Kitô giáo, "nói sự thật trong bác ái yêu thương và thực hành bác ái yêu thương trong sự thật"(xem Epheso 4:15) (7). Ở chỗ đâu bác ái không có sự thật thì trở thành một ý hệ mị dân hủy hoại, và sự thật mà thiếu bác ái yêu thương thì trở thành một thứ duy luật thiển cận.
8- Openness and maturity - cởi mở và trưởng thành: cởi mở là chân thành và chính trực, là nhất trí và hoàn toàn chân thực liên quan đến bản thân mình cũng như đến Thiên Chúa. Một con người chân thực và cởi mở không tác hành một cách giả vờ chỉ khi nào bị theo dõi; những người chân thành không lo sợ bị bắt gặp, vì họ chẳng bao giờ phản bội niềm tin của người khác. Một con người chân thành không bao giờ lấn át như thành phần "tôi tớ gian ác" (xem Mathêu 24:48-51), đối với những người hay những sự được trao phó cho họ chăm sóc. Chân thành là nền tảng cho tất cả mọi phẩm tính khác. Trưởng thành là việc tìm cầu để chiếm đạt tầm mức quân bình và hài hòa nơi các tặng ân về thể lý, tâm lý và đạo lý của chúng ta. Nó là đích điểm và là kết quả của một tiến trình phát triển không ngừng chẳng liên hệ gì tới tuổi tác.
9. Respectfulness and humility - tôn trọng và khiêm tốn: tôn trọng là khả năng của những tâm hồn cao sang và khôn khéo, thành phần luôn cố gắng tỏ ra thực sự tôn trọng người khác, tôn trọng công việc riêng của mình, tôn trọng các cấp trên và cấp dưới của mình, tôn trọng các hồ sơ và giấy tờ văn kiện, tôn trọng tính chất bảo mật và riêng tư, và cũng của những linh hồn có thể chăm chú lắng nghe và lịch thiệp ăn nói. Khiêm tốn là một nhân đức của các thánh và những con người thánh đức này lại càng trở nên quan trọng hơn nữa khi họ nhận thức rằng họ chẳng là gì và chẳng có thể làm gì mà không nhờ ơn Chúa (xem Gioan 15:8).
10. Diligence and attentiveness - Tận tâm và chuyên tâm: chúng ta càng tin vào Thiên Chúa và vào sự quan phòng của Ngài, thì chúng ta càng gia tăng sự tận tâm và sẵn sàng hiến bản thân mình, với ý thức rằng chúng ta càng cho đi thì càng nhận lãnh. Có ích lợi gì khi mở các Cửa Thánh ở tất cả mọi đền thờ trên thế giới mà cửa lòng mình lại khép kín yêu thương, mà tay mình rụt lại chẳng ban tặng, mà nhà mình chẳng hiếu khách và thánh đường của mình không đón nhận và chấp nhận. Chuyên tâm là việc quan tâm đến những điều nhỏ bé, đến việc làm hết sức mình và không bao giờ chiều theo tính mê nết xấu và lùi bước trước những thua bại của chúng ta. Thánh Vinh Sơn Phaolô thường cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhận thức về những ai ở quanh con, những ai lo âu và khiếp sợ, những ai âm thầm chịu khổ, và những ai cảm thấy lẻ loi cô độc và bị bỏ rơi".
11. Intrepidness and alertness - dũng cảm và tỉnh táo: gan dạ dũng cảm nghĩa là không sợ đối diện với các thứ trục trặc, như Đaniên ở trong hang sư tử, hay như Đavít trước Gồliát. Nghĩa là tác hành một cách mạnh dạn, cương quyết và dứt khoát, "như một binh sĩ thiện chiến" (2Timothêu 2:3-4). Nghĩa là lập tức đáp ứng ngay từ đầu, như Abraham hay Mẹ Maria. Tỉnh táo lại là một khả năng để tác hành một cách tự do và dễ dàng, không dính bén với những gì là vật chất mau qua. Thánh Vịnh viết: "khi giầu sang gia tăng thì lòng ngươi đừng quyến luyến" (61:10). Tỉnh táo nghĩa là luôn tiến bước, không bao giờ bị đè nặng bởi chất chồng những thứ không cần thiết, bị cuốn hút vào những quan tâm của riêng mình và bị thôi thúc bởi tham vọng.
12. Accountability and sobriety - sau cùng là trách nhiệm và điềm đạm: những con người hữu trách và đáng tin là những người trân trọng việc dấn thân của mình một cách nghiêm túc và đảm đang khi họ được quan sát, nhất là lúc họ chỉ có một mình; họ thể hiện một cảm quan trầm lắng vì họ không bao giờ phản lại niềm tin tưởng. Điềm đạm - nhân đức cuối cùng trong bản liệt kê này nhưng không phải vì thế mà lại ít quan trọng nhất - là khả năng từ bỏ những gì là nông nổi và chống lại thứ ý hệ hưởng thụ chủ chốt. Điềm đạm thì khôn khéo, đơn sơ giản dị, thẳng thắn, quân bình và điều độ chừng mực. Điềm đạm là nhìn thế giới này bằng con mắt của Thiên Chúa và từ phía người nghèo. Điềm đạm là một lối sống (8) nhắm đến những gì chính yếu của người khác như là một nguyên tắc theo cấp trật và được tỏ ra nơi một cuộc sống quan tâm và phục vụ người khác. Con người điềm đạm thì nhất quán và thẳng thắn trong tất cả mọi sự, vì họ có thể chịu đựng, hồi phục, tái tạo, điều chỉnh và sống một cuộc đời điều độ.
Anh chị em thân mến,
Tình thương không phải là một thứ tình cảm hời hợt bề ngoài mà là một tổng hợp của Tin Mừng hân hoan, là một chọn lựa và quyết định nơi tất cả những ai muốn mặc lấy "Tâm Tình của Chúa Giêsu" (9) và muốn trở thành những môn đệ thật sự của Chúa là Đấng đã xin chúng ta hãy "thương xót như Cha trên trời là Đấng thương xót" (Mathêu 5:48; Luca 6:36). Theo lời của Cha Emes Ronchi, "Tình thương là những gì tồi bại đối với công lý, những gì ngu xuẩn đối với khôn ngoan, những gì an ủi đối với chúng ta là thành phần con nợ. Cái nợ được sống động, cái nợ được yêu thương chỉ có thể đáp trả băng tình thương".
Vậy chớ gì tình thương hướng dẫn bước chân của chúng ta, tác động việc canh tân cải cách của chúng ta và soi động các quyết định của chúng ta. Chớ gì tình thương là nền tảng cho tất cả mọi nỗ lực của chúng ta. Chờ gì tình thương dạy chúng ta khi nào chúng ta tiến và lúc nào chúng ta lùi. Chớ gì tình thương cũng giúp chúng ta có thể hiểu được cái nhỏ mọn chúng ta thực hiện trong dự án cứu độ cao cả của Thiên Chúa cũng như trong việc làm uy nghi và huyền diệu của Ngài.
Để giúp cho chúng ta nắm bắt được hơn điều này, chúng ta hãy thưởng thức lời cầu nguyện hùng tráng thường được cho là của Chân Phước Oscar Amulfo Romero nhưng được thốt lên lần đầu tiên bởi Đức Hồng Y John Dearden:
Bao giờ chúng ta lui bước cũng có ích
để thấy được các sự vật từ xa.
Vương Quốc này không chỉ vượt lên trên những nỗ lực của chúng ta, mà còn vượt ra ngoài nhãn quan của chúng ta.
Trong đời sống của mình, chúng ta chỉ đạt được một phần nhỏ
dự án huyền diệu nơi công việc của Thiên Chúa.
Chúng ta chẳng làm gì trọn vẹn cả,
Tức là Vương Quốc này cao cả lớn lao hơn chính bản thân chúng ta.
Không có một lời phát biểu nào lại nói được hết mọi sự.
Không có một lời cầu nguyện nào lại bày bỏ trọn vẹn được đức tin.
Không có một Kinh Tin Kính nào mang lại sự thiện hảo.
Không có cuộc viếng thăm mục vụ nào giải quyết được hết mọi vấn đề.
Không có một chương trình nào trọn vẹn hoàn thành sứ vụ của Giáo Hội.
Không có một đích điểm hay mục đích nào hoàn toàn được đạt thành.
Đây là tất cả
vấn đề:
Chúng ta gieo hạt một ngày kia sẽ nẩy nở.
Chúng ta tưới cho hạt đã được gieo vãi,
vì biết rằng có những người khác sẽ coi chừng chúng.
Chúng ta đặt nền móng cho một điều gì đó sẽ phát triển.
Chúng ta thêm men sẽ làm gia tăng các khả năng của chúng ta.
Chúng ta không thể làm được hết mọi sự,
nhưng nó là những gì tự do để bắt đầu.
Điều ấy cống hiến cho chúng ta sức
mạnh để làm một cái gì đó và làm một cách tốt đẹp.
Nó có thể vẫn không hoàn tất, mà chỉ là bước khởi đầu, là một bước tiến trong cuộc hành trình.
Nó là một cơ hội để ân sủng Chúa thông ban
và làm phần còn lại.
Chúng ta sẽ có thể chẳng bao giờ thấy nó hoàn thành,
nhưng đó lại là cái khác nhau giữa chủ nhân và lao nhân.
Chúng ta là thành phần lao nhân chứ không phải là những kiến trúc viên thông thạo,
là những tên đầy tớ chứ không phải là Đấng Thiên Sai.
Chúng ta là các ngôn sứ của một tương lai không thuộc về chúng ta.
Cùng với những tư tưởng và cảm thức ấy, tôi chúc anh chị em một Giáng Sinh vui vè và thánh thiện, và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin cám ơn anh chị em.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)
[1] Spiritual Exercises, 315.
[2] Cf. Sermo CCVII, 1 (PL 38, 1042).
[3] “Missionary spirit is not only about geographical territories, but about peoples, cultures and individuals, because the "boundaries" of faith do not only cross places and human traditions, but the heart of each man and each woman. The Second Vatican Council emphasized in a special way how the missionary task, that of broadening the boundaries of faith, belongs to every baptized person and all Christian communities”, Message for World Mission Day 2013, 2.
[4] Missale Romanum (2002).
[5] PAUL VI, Address to the Roman Curia (21 September 1963): AAS 55 (1963), 793-800.
[6] Spiritual Exercises, 349.
[7] “Charity in truth, to which Jesus Christ bore witness by his earthly life and especially by his death and resurrection, is the principal driving force behind the authentic development of every person and of all humanity... It is a force that has its origin in God, Eternal Love and Absolute Truth” (BENEDICT XVI, Encyclical Letter Caritas in Veritate [29 June 2009], 1: AAS 101 (2009), 641); hence the need to “link charity with truth not only in the sequence, pointed out by Saint Paul, of veritas in caritate (Eph4:15), but also in the inverse and complementary sequence of caritas in veritate. Truth needs to be sought, found and expressed within the “economy” of charity, but charity in its turn needs to be understood, confirmed and practised in the light of truth” (ibid., 2).
[8] A style of life marked by sobriety restores “that disinterested, unselfish and aesthetic attitude that is born of wonder in the presence of being and of the beauty which enables one to see in visible things the message of the invisible God who created them” (JOHN PAUL II, Encyclical Centesimus Annus [1 May 1991], 37); cf. AA.VV, Nuovi stili di vita nel tempo della globalizzazione, Fondazione Apostolicam Actuositatem, Rome, 2002.
[9] SAINT JOHN PAUL II, Angelus (9 July 1989): “The expression “Heart of Jesus” immediately calls to mind Christ’s humanity and emphasizes the wealth of his feelings: his compassion for the sick; his predilection for the poor; his mercy for sinners; his tenderness towards children; his strength in denouncing the hypocrisy of pride and violence; his meekness before his opponents; his zeal for the glory of the Father, and his rejoicing in the mysterious and providential plans of his grace… [it] recalls Christ’s sorrow over his betrayal by Judas, his distress due to loneliness, his anguish in the face of death, his filial and obedient abandonment into the hands of the Father. Most of all, it speaks of the love which flows unceasingly from his inmost being: infinite love for the Father and limitless love for mankind”.