GIÁO HỘI HIỆN THẾ
"Tất cả chúng ta đều là tội nhân! Chúng ta hãy lợi dụng
thời điểm đang đến đây để bước qua ngưỡng cửa của tình thương Thiên Chúa, Đấng
không bao giờ mệt mỏi thứ tha, không bao giờ chán ngán trông chờ chúng ta! Ngài
nhìn đến chúng ta, Ngài luôn ở bên chúng ta. Hãy can đảm lên! Chúng ta hãy đi
qua cửa ngõ này!"
Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo Lý Gia Đình Bài 35 - Thứ Tư 18/11/2015
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Với bài chia sẻ này, chúng ta đã tiến tới ngưỡng cửa của Năm Thánh,
cửa đang đóng. Trước chúng ta là một cửa vào, thế nhưng không phải chỉ là Cửa
Thánh, cửa khác - cửa cao cả của Tình Thương Thiên Chúa, và đó là một cửa đẹp! -
cửa đón nhận lòng thống hối của chúng ta, bằng cách ban ơn tha thứ của Ngài. Cửa
này mở toang ra; phần chúng ta cần một chút can đảm để bước qua ngưỡng cửa. Mỗi
người chúng ta đều chất chứa trong mình những thứ đè nén chúng ta. Tất cả chúng
ta ai cũng thế. Tất
cả chúng ta đều là tội nhân! Chúng ta hãy lợi dụng thời điểm đang đến ấy để bước
qua ngưỡng cửa của tình thương Thiên Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi thứ tha,
không bao giờ chán ngán trông chờ chúng ta! Ngài nhìn đến chúng ta, Ngài luôn ở
bên chúng ta. Hãy can đảm lên! Chúng ta hãy đi qua cửa ngõ này!
Từ Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới được tổ chức trong tháng 10, tất cả mọi
gia đình và toàn thể Giáo Hội đã được phấn khích mạnh mẽ để gặp gỡ nhau ở ngưỡng
cửa mở ra này. Giáo
Hội được phấn khích để mở ra các cửa ngõ của mình, để cùng Chúa đi ra gặp gỡ
những người con cái nam nữ trên đường phố, đôi khi đang bất định, đôi khi bị lạc
loài, trong những thời buổi khó khăn này.
Các gia đình Kitô hữu đặc biệt được phấn khích để mở cửa ra cho
Chúa là Đấng đang chờ đợi để vào, mang theo phúc lành của Người và tình thân của
Người. Mà nếu cửa của tình thương Thiên Chúa bao giờ cũng mở thì các cửa nơi các
nhà thờ, nơi các cộng đồng, nơi các giáo xứ, nơi các tổ chức, nơi các giáo phận
của chúng ta cũng cần phải mở ra, nhờ đó tất cả chúng ta có thể ra đi mang theo
tình thương của Thiên Chúa. Năm Thánh tiêu biểu chẳng những cho cửa ngõ cao cả
của tình thương Thiên Chúa này mà còn cho các cửa ngõ nhỏ thuộc các thánh đường
của chúng ta mở ra để cho Chúa vào - hay nhiều lần cũng để cho Chúa đi ra nữa -
một tù nhân bởi những thứ cấu trúc của chúng ta, bởi tính vị kỷ của chúng ta và
bởi rất ư là nhiều điều.
Chúa không bao giờ đẩy cửa mà vào. Thậm chí Người còn xin phép để được vào nữa. Sách
Khải Huyền viết: "Này đây, Ta đang đứng ở cửa mà gõ; ai nghe tiếng Ta mà mở cửa
ra, Ta sẽ vào với họ mà dùng bữa với họ và họ với Ta" (3:20). Thế nhưng, chúng
ta cứ cho rằng Chúa đang gõ cửa lòng chúng ta! Rồi trong thị kiến lớn lao cuối
cùng của Sách Khải Huyền này, Thành Đô của Thiên Chúa được tiên báo như thế này:
"Các cổng của nó ban ngày sẽ không bao giờ đóng", nghĩa là vĩnh viễn, vì "ở đó
không còn đêm tối nữa" (21:25). Có những nơi trên thế giới này không khóa cửa mà
vẫn tồn tại; thế nhưng có rất nhiều nơi lại có những thứ cửa bọc sắt an toàn đã
trở thành những gì là bình thường. Chúng ta không được chiều theo ý nghĩ là cần
phải áp dụng chính sách này vào tất cả cuộc sống của chúng ta, vào đời sống
gia đình, đời sống thành thị, đời sống xã hội, và lại càng không như thế với đời
sống của Giáo Hội. Thật là kinh khủng! Một Giáo Hội bất khả tiếp nhận, giống như
một gia đình khép kín, là một Giáo Hội bôi nhọ Phúc Âm và đông lạnh thế giới. Không
có vấn đề những thứ cửa bọc thép trong Giáo Hội, không một cửa nào như thế hết!
Hết mọi sự đều được mở ra!
Việc điều hành có tính cách biểu hiệu "các thứ cửa" - những ngưỡng cửa, những
ngõ thông, những biên giới - đã trở
thành những gì thiết yếu. Thật sự là cửa cần phải có để bảo vệ nhưng không phải
có để đẩy đi. Không được đẩy cửa mà vào, trái lại cần phải xin phép, vì sự
tiếp đón được sáng tỏ nơi việc tự do đón tiếp, và sự tiếp đón bị mờ đi khi bị
xâm nhập một cách cưỡng bức. Cửa
thường được mở để xem ai đó đang chờ đợi ở bên ngoài, và là người có lẽ đã chưa
dám can đảm - có thể còn không có can đảm - để gõ cửa. Biết
bao nhiêu người đã mất niềm tin, không có can đảm để gõ cửa lòng Kitô hữu chúng
ta, gõ cửa các nhà thờ của chúng ta... Và họ đang ở đó, không có can đảm, chúng
ta đã lấy mất niềm tin tưởng của họ: xin đừng để điều này tái diễn nữa.
Cửa có nhiều điều phải nói về một ngôi nhà cũng như về Giáo Hội. Việc điều hành
cửa ngõ cần phải cẩn thận nhận thức, và đồng thời, nó phải gây được một tác
dụng đầy tin tưởng. Tôi muốn nói lên lời cám ơn với tất cả những người giữ cửa:
cửa các khu chung cư của chúng ta,
cửa của các cơ cấu dân sự, cửa của chính các nhà thờ. Sự khôn khéo và tử tế của
người canh cửa này có thể cống hiến một hình ảnh về nhân loại và sự đón tiếp
của cả nhà ở ngay từ lối vào. Chúng ta cần phải học từ những con người nam nữ
này, những con người quản thủ viên nơi chốn hội ngộ và tiếp đón của thành đô con
người ấy! Cám ơn rất nhiều tất cả những quản thủ viên của rất nhiều cửa ngõ,
cửa của những nơi cư trú, cửa của các nhà thờ. Thế nhưng bao giờ cũng bằng một
nụ cười, bao giờ cũng cho thấy lòng hiếu khách của ngôi nhà ấy, của nhà
thờ ấy, để dân chúng cảm thấy vui sướng và được đón tiếp ở chỗ ấy.
Thật vậy, chúng ta biết rõ rằng chính chúng ta là những quản thủ viên và đầy tớ
cho Cửa Ngõ của Thiên Chúa, và Cửa Ngõ của Thiên Chúa này ra sao? Chúa Giêsu!
Người soi chiếu chúng ta nơi tất cả mọi cửa ngõ cuộc đời, bao gồm cả cửa ngõ
vào đời và cửa ngõ qua đời. Chính Người đã khẳng định rằng: "Tôi là cửa; ai qua
Tôi mà vào thì sẽ được cứu độ, cũng sẽ được ra vào và tìm thấy đồng cỏ" (Gioan
10:9). Chúa
Giêsu là cửa ngõ giúp chúng ta ra vào. Vì chuồng chiên của Thiên Chúa là một nơi
trú ngụ chứ không phải là một nhà tù! Nhà của Thiên Chúa là một nơi cư trú, chứ
không phải là ngục thất, và cửa ngõ được gọi là Giêsu! Nếu
cửa ngõ này đóng thì chúng ta hãy nói: "Xin Chúa mở cửa!" Chúa Giêsu là cửa và
Người để cho chúng ta ra vào. Những kẻ trộm cướp tìm cách tránh né cửa ngõ.
Chẳng lạ gì các
kẻ trộm cướp bao giờ cũng tìm cách khác mà vào, qua cửa sổ, qua mái nhà, nhưng
chúng tránh vào qua lối cửa, vì chúng có những ý đồ gian ác, và chúng lẻn vào
chuồng chiên để đánh lừa chiên và lợi dụng chiên.
Chúng ta cần phải qua cửa và lắng nghe tiếng của Chúa Giêsu: nếu chúng ta nghe
thấy giọng nói của Người là chúng ta an toàn; chúng ta được cứu độ. Chúng ta có
thể vào mà không lo sợ và ra mà không bị hiểm nguy. Trong bài nói rất duyên dáng
này của Chúa Giêsu, cũng nói đến cả thành phần bảo quản viên, người có nhiệm vụ
mở cửa cho vị Mục Tử Nhân Lành (xem Gioan 10:2). Nếu bảo quản viên nghe được
tiếng vị Mục Tử thì mở cửa cho tất cả chiên vào, những con chiên được vị Mục
Tử đưa về, bao gồm cả những con bị thất lạc trong rừng được vị Mục Tử Tốt Lành
tìm thấy. Chiên
không được chọn bởi bảo quản viên, chúng không được chọn bởi thư ký viên của
giáo xứ hay văn phòng của giáo xứ; tất cả chiên đều được mời gọi, chúng được Vị
Mục Tử Nhân Lành chọn. Người bảo
quản cũng phải vâng nghe tiếng của Vị Mục Tử. Đó, chúng ta có thể nói một
cách đường hoàng rằng chúng ta cần phải là thành phần bảo quản viên ấy. Giáo
Hội là người giữ cửa Nhà Chúa; Giáo Hội không phải là sở hữu chủ của Nhà Chúa.
Gia Đình Nazarét biết rõ ý nghĩa của những gì là một thứ cửa mở hay đóng, vì là
một gia đình cần sinh con, một gia đình cần nơi trọ, một gia đình cần phải thoát
nạn. Chớ gì các gia đình Kitô hữu dán lên ngưỡng cửa nhà mình một dấu hiệu nho
nhỏ to tướng Lời của Tình Thương Thiên Chúa và việc đón nhận của Ngài. Thật vậy,
chính vì thế mà Giáo
Hội cần phải được nhận biết, ở mọi hang cùng ngõ hẻm trái đất này, như là bảo
quản viên của một Vị Thiên Chúa đang gõ cửa, như là sự đón nhận của một Vị Thiên
Chúa không đóng cửa trước anh chị em, viện lẽ anh chị em không thuộc về nhà ấy.
Chúng ta đang tiến tới Năm Thánh với tinh thần ấy: sẽ có một Cửa Thánh, thế
nhưng nó sẽ là cửa tình thương cao cả của Thiên Chúa! Chớ gì nó cũng là cửa lòng
của chúng ta để tất cả chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và để
về phần mình chúng ta cũng thứ tha, khi đón nhận tất cả những ai gõ cửa
của chúng ta.
http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-the-door-of-mercy
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn
mạnh tự ý)
Thứ Tư tuần sau, 25/11/2915, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện
chuyến tông du thứ 11 mới trong 2 năm 8 tháng gần 2 tuần làm giáo hoàng của
ngài, và là chuyến tông du cuối cùng trong 5 chuyến trong năm 2015 (năm 2014
cũng 5 chuyến tông du). Chuyến tông du cuối năm 2015 này ngài tới thăm Châu Phi
lần đầu tiên, châu lục thứ 4 ngài đặt chân tới (ngoại trừ Úc Châu thì chưa),
và 3 quốc gia ở Châu Phi được ngài tới thăm đầu tiên ở Phi Châu này là Kenya,
Uganda và Cộng Hòa Trung Phi, tất cả trong vòng 6 ngày, cho tới Thứ Hai
30/11/2015. Chúng ta hãy cầu nguyện để ngài hoàn thành sứ vụ chăn chiên khắp nơi
của ngài và mang "vui mừng và hy vọng" bằng tình thương đến cho nhân loại!
Bởi thế, bài giáo lý trong buổi triều kiến chung Thứ
Tư hằng tuần hôm nay, sau loạt 34 bài giáo lý về hôn nhân gia đình được ngài
hướng dẫn ở giữa thời điểm 2 Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới về gia đình
(10/2014-2015), có thể là một dạo khúc cho loạt bài giáo lý về Lòng Thương Xót
Chúa và Sống Lòng Thương Xót Chúa trong Năm Thánh Tình Thương trong Năm Thánh
Tình Thương, một Năm Thánh được khai mạc vào Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2015 (Thứ Ba).
Theo như Tòa Thánh đã thông báo, mỗi tuần sẽ có 2 buổi triều kiến chung, chẳng
những một buổi vào Thứ Tư giữa tuần như thường lệ mà còn một buổi nữa đặc biệt
trong Năm Thánh Tình Thương vào Thứ Bảy cuối tuần nữa.