GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

"Các môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi ... 

giúp cho dân chúng giao tiếp với Tình Thương trắc ẩn cứu độ"

 

Đức Thánh Cha Phanxicô:

Bài Giảng Bế Mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV 

Chúa Nhật 25/10/2015

 

Ba Bài Đọc cho Chúa Nhật này cho chúng ta thấy lòng cảm thương của Thiên Chúa, cho thấy vai trò làm cha của Ngài, những gì được Ngài cuối cùng tỏ ra nơi Chúa Giêsu.


Giữa một thảm họa quốc gia, dân chúng bị quân thù đầy ải, thì tiên tri Giêrêmia lại loan báo rằng "Chúa đã cứu dân Ngài, thành phần còn sót lại của Yến Duyên (Israel)". Tại sao Ngài đã cứu họ? Vì Ngài là cha của họ (xem câu 9); và vì là cha Ngài chăm sóc cho con cái của mình và hỗ trợ họ trong cuộc hành trình của họ, bằng việc nâng đỡ "người mù lòa và kẻ què quặt, những bà mẹ cưu mang con và những người mẹ đang sinh nở" (31:8). Vai trò làm cha của Ngài mở ra cho họ một con đường trước mặt, một đường lối an ủi sau bao nhiêu là nước mắt và thật là buồn đau. Nếu thành phần dân này trung thành, nếu họ kiên trì tìm kiếm Ngài ngay cả nơi đất khách quê người, Thiên Chúa sẽ biến cảnh giam cầm của họ thành tự do, cảnh lẻ loi cô độc của họ thành hiệp thông: những gì dân tộc này hôm nay gieo trong nước mắt thì mai đây họ sẽ gặt hái trong hân hoan (xem Thánh Vịnh 125:6). 


Qua bài Thánh Vịnh, chúng ta cũng bày tỏ thứ niềm vui là hoa trái của ơn Chúa cứu độ: "miệng chúng tôi háo hức cười tươi và lưỡi chúng tôi vang lên niềm hoan lạc" (câu 2). Tín hữu là một con người cảm nghiệm được hành động cứu độ của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Các mục tử chúng ta đã cảm nghiệm được ý nghĩa những gì khó khăn gieo vãi, có những lúc khóc lên, và niềm vui về ân sủng của một mùa gặt hái vượt ngoài sức lực và khả năng của chúng ta.


Đoạn văn trong Thư gửi Giáo đoàn Do Thái cho chúng ta thấy lòng cảm thương của Chúa Giêsu. Người cũng "bị yếu hèn bủa vây" (5:2), nhờ đó Người có thể cảm thương những ai vô thức và lỗi lầm. Chúa Giêsu chẳng những là vị thượng tế cao cả, thánh hảo và vô tội, mà còn là vị thượng tế mặc lấy nỗi yếu hèn của chúng ta và từng bị cám dỗ như chúng ta trong hết mọi sự ngoại trừ tội lỗi (câu 4:15). Vì thế Người là vị trung gian của thứ giao ước mới và vĩnh cửu mang lại cho chúng ta ơn cứu độ.  


Bài Phúc Âm hôm nay trực tiếp liên quan đến Bài Đọc 1: như dân Yến Duyên được giải phóng nhờ vai trò làm cha của Thiên Chúa thế nào thì chàng Bartimaeus cũng được giải phóng nhờ lòng cảm thương của Chúa Giêsu như vậy. Chúa Giêsu vừa rời thành Giêricô. Cho dù bấy giờ Người mới chỉ bắt đầu cuộc hành trình quan trọng nhất của Người, cuộc hành trình đưa Người đến Giêrusalem, Người vẫn dừng lại để đáp ứng tiếng kêu của chàng Bartimaeus. Chúa Giêsu cảm kích trước lời yêu cầu của chàng và can dự vào trường hợp của chàng. Người không chỉ muốn làm phúc cho chàng mà còn muốn gặp gỡ chàng một cách riêng tư nữa. Người không cống hiến cho chàng bất cứ hướng dẫn hay giải đáp nào, mà là hỏi chàng rằng: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" (Marco 10:51). Câu hỏi này dường như vô nghĩa: một người mù còn muốn gì hơn ngoài ước muốn được nhìn thấy hay sao? Thế mà, qua câu hỏi được đặt ra khi đối mặt này, trực tiếp nhưng trân trọng, Chúa Giêsu cho thấy rằng Người muốn nghe thấy các nhu cầu của chúng ta. Người muốn nói với từng người chúng ta về đời sống của chúng ta, về các hoàn cảnh thực sự của chúng ta, để không một sự gì không được tỏ ra cho Người biết. Sau khi Bartimeaus được chữa lành, Chúa nói với chàng rằng: "Đức tin của anh đã chữa lành anh" (câu 52). Thật là tuyệt vời khi thấy Chúa Giêsu khen ngợi đức tin của chàng Bartemaeus, Người đã tin tưởng vào chàng ra sao. 
Người đã tin chúng ta hơn chúng ta tìn bản thân mình.


Còn một chi tiết hay nữa, đó là Chúa Giêsu xin các môn đệ của Người đến gọi Bartimaeus. Các vị đã nói với người mù này 2 điều mà chỉ có Chúa Giêsu mới sử dụng trong phần còn lại của Phúc Âm. Điều đầu tiên các vị nói với chàng là: "Hãy yên tâm!", theo nghĩa đen là "hãy tin tưởng, hãy dũng cảm!". Thật vậy, chỉ xẩy ra cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu con người mới có sức mạnh để đối diện đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn nhất. Điều thứ hai đó là "hãy đứng lên!", như Chúa Giêsu đã nói với rất nhiều người bệnh, thành phần được Người cầm tay chữa lành. Các môn đệ của Người không làm gì khác ngoài việc lập lại những lời lẽ phấn khích và giải phóng, dẫn chàng ta trực tiếp đến với Chúa Giêsu, chẳng hề thuyết giải cho chàng. Các môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi làm như thế, ngay cả hôm nay đây, nhất là hôm nay đây, đó là giúp cho dân chúng giao tiếp với Tình Thương trắc ẩn cứu độ. Khi tiếng kêu của nhân loại, như của Bartimeaus, còn mạnh mẽ hơn nữa, thì không còn một đáp ứng nào hơn là làm cho lời của Chúa Giêsu thành lời của chúng ta và nhất là noi gương bắt chước tấm lòng của Người. Những giây phút khổ đau và xung khắc đối với Thiên Chúa là những cơ hội của tình thương. Hôm nay đây là thời điểm của tình thương!


Tuy nhiên, có một số cám dỗ đã xẩy ra cho những ai theo Chúa Giêsu. Trong số đó bài Phúc Âm cho thấy ít là hai cám dỗ. Không có một người môn đệ nào đã dừng lại như Chúa Giêsu. Các vị đã tiếp tục bước đi, cứ tiến bước như chẳng có gì xẩy ra. Nếu Bartimeaus bị mù thì các vị bị điếc: vấn đề của chàng không phải là vấn đề của các vị. Điều này có thể nguy hiểm cho chúng ta, ở chỗ, 
trước những vấn đề liên tục xẩy ra thì thà tiếp tục di chuyển hơn là để cho mình bị phiền toái. Nếu vậy thì như các vị môn đệ, chúng ta ở với Chúa Giêsu đấy nhưng chúng ta lại không nghĩ như Người. Chúng ta ở trong nhóm của Người nhưng lòng của chúng ta lại không mở ra. Chúng ta đã đánh mất đi tính suy tư, niềm tri ân và lòng nhiệt thành và có nguy cơ trở thành quen thuôc sống dửng dưng trước ân sủng. Chúng ta có thể nói về Người và làm việc cho Người, nhưng chúng ta sống xa cách với cõi lòng của Người, một tấm lòng vươn tới với những ai bị thương tích. Đó là một chước cám dỗ: "một thứ linh đạo ảo ảnh", ở chỗ, chúng ta có thể bước đi qua các sa mạc của nhân loại mà không thấy những gì thật sự ở đó; thay vào đó, chúng ta thấy những gì chúng ta muốn thấy. Chúng ta có khả năng khai triển các quan niệm về thế giới, thế nhưng chúng ta không chấp nhận những gì được Chúa đặt ra trước mắt chúng ta. Một đức tin không biết đâm rễ vào đời sống của dân chúng thì vẫn cằn cỗi, đúng hơn là một ốc đảo, tạo nên các thứ sa mạc khác.


Còn chước cám dỗ thứ hai, đó là chước cám dỗ sống "một thứ đức tin thời biểu - a scheduled faith". 
Chúng ta có thể bước đi với Dân Chúa nhưng chúng ta đã có một thời biểu để hành trình đâu vào đó về nơi chốn rồi: chúng ta biết chúng ta sẽ đi đâu và bao lâu sẽ tới; mọi người cần phải tôn trọng nhịp sống của chúng ta và mọi thứ vấn đề là một cái gì đó phiền toái. Chúng ta có nguy cơ trở thành "nhiều người" trong Phúc Âm đã mất nhẫn nại lên tiếng khiển trách Bartimeaus. Mới trưóc đó ít lâu, họ đã trách móc trẻ em (xem 10:13), giờ đây đến người ăn mày mù lòa này: bất cứ ai gây phiền hà chúng ta hay không thuộc tầm kích của chúng ta đều bị loại trừ. Chúa Giêsu thì khác, Người muốn bao gồm, trước hết những ai ở bên lề đang kêu lên Người. Như anh chàng Batimeaus, họ có đức tin, vì việc nhận thức được nhu cầu cứu độ là đường lối tuyệt nhất để gặp gỡ Chúa Giêsu.


Cuối cùng, anh chàng Bartimeaus đã theo Chúa Giêsu lên đường (câu 52). Chàng không chỉ lấy lại được thị giác mà còn gia nhập hàng ngũ với cộng đồng của những ai bước đi với Chúa Giêsu. Quí Nghị Phụ Thượng Nghị thân mến, chúng ta đã bước đi với nhau. Xin cám ơn quí Nghị Phụ về đường lối chúng ta đã chia sẻ bằng đôi mắt của chúng ta gắn chặt vào Chúa Giêsu cũng như vào anh chị em của chúng ta, trong việc tìm kiếm những cách thức được Phúc Âm chỉ định cho thời điểm của chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể loan báo mầu nhiệm của tình yêu thương gia đình. Chúng ta hãy theo đuổi đường lối Chúa mong muốn. Chúng ta hãy xin Người nhìn đến chúng ta bằng ánh mắt chữa lành và cứu độ của Người, ánh mắt biết cách chiếu tỏa ánh sáng, như ánh mắt ấy phản ánh sự rạng ngời chiếu tỏa nó. Đừng bao giờ để mình bị phai mờ đi bởi bi quan hay tội lỗi, chúng ta hãy tìm kiếm và nhìn lên vinh quang của Thiên Chúa đang chiếu soi nơi những con người nam nữ đang hết mình sống động.

 

http://www.zenit.org/en/articles/full-text-pope-s-homily-at-closing-mass-of-synod

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)