GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

"Tôi không biết là chúng ta sẽ có thể thực hiện được một thế giới vắng bóng người nghèo hay chăng, vì tội lỗi bao giờ cũng có đó và dẫn đến vị kỷ. Thế nhưng chúng ta luôn phải chiến đấu, bao giờ cũng phải chiến đấu....".


Đức Thánh Cha trả lời Phỏng Vấn với Nhật Báo Straatnieuws Hà Lan ngày 27/10/2015 



Phỏng Vấn Viên: 

Đâu là sứ điệp Giáo Hội cho thành phần vô gia cư - homeless? Về thực hành thì tình liên kết Kitô giáo đối với họ có nghĩa là gì?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

"Có hai điều ở đây. Chúa Giêsu đến trần gian này vô gia cư và Người đã biến mình trở thành nghèo khổ. Bởi thế, Giáo Hội muốn ôm ấp tất cả mọi người mà nói rằng quí vị có quyền có được một mái ấm. Các phong trào quần chúng hoạt động với 3 chữ t theo tiếng Tây Ban Nha là trabajo (work - việc làm), techo (casa - nhà ở) và tierra (earth - đất đai). Giáo Hội dạy rằng hết mọi người đều có quyền hưởng tất cả 3 thứ này".


Phỏng Vấn Viên: 

Ngài thường kêu gọi chú trọng đến người nghèo và những người tị nạn. Làm như thế ngài không cảm thấy lo sợ là vấn đề ấy trở thành một thứ nhàm chán được lan truyền đi nơi truyền thông hay trong xã hội nói chung hay sao? 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

"Khi chúng ta trở lại với một vấn đề không có gì là thú vị, vì nó là một vấn đề vốn có thể gây ra bất đồng, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng nói rằng: 'Thế là đủ rồi, thật là mệt với nó'. Tôi cảm thấy quả thực có cái chán ngán ấy, nhưng tôi không sợ nó đâu. Tôi cần phải tiếp tục nói lên sự thật và nói những điều ấy ra sao nữa".


Phỏng Vấn Viên: 

Ngài không sợ rằng việc ngài bênh vực tình đoàn kết và sự trợ giúp cho thành phần vô gia cư và những người nghèo khác có thể bị chính trị khai thác hay sao? Giáo Hội cần phải lên tiếng ra sao để gây ảnh hưởng đồng thời vẫn không dính dáng gì đến chính trị? 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

"Về vấn đề này có những đường lối dẫn đến các thứ lỗi lầm. Tôi xin nhấn mạnh đến hai khuynh hướng. Giáo Hội cần phải lên tiếng một cách trung thực và bằng cả chứng từ của mình nữa: chứng từ nghèo khó. Nếu một tín hữu nói về nghèo khổ hay vô gia cư mà sống như ông hoàng thì chẳng tốt lành gì. Đó là khuynh hướng thứ nhất.

"Khuynh hướng thứ hai đó là thực hiện những hợp đồng với các chính quyền. Các thứ hợp đồng ấy có thể thực hiện đấy, thế nhưng chúng phải rõ ràng và minh bạch. Chẳng hạn chúng ta có thể điều hành căn dinh thự này, nhưng tất cả sổ sách cần phải được kiểm tra đàng hoàng để tránh tình trạng hối lộ tham những, như bao giờ cũng xẩy ra khuynh hướng tham nhũng hối lộ này nơi đời sống xã hội, cả về chính trị lẫn tôn giáo... Có lần tôi đặt câu hỏi với một viên chức ở Á Căn Đình, một con người rất thành tín - một nhân vật đã từ bỏ vị thế của mình, vì ông không thể thỏa hiệp với những khía cạnh mập mờ khác nhau. Tôi đã hỏi ông ta rằng khi ông cống hiến việc trợ giúp bằng hình thức các bữa ăn, quần áo hay tiền bạc cho người nghèo và người thiếu thốn, thì có bao nhiêu phần trăm nơi những gì ông gửi đến được tận tay người nhận? Ông đã trả lời tôi rằng 35%. Như thế có nghĩa là 65% kia bị thất thoát. Đó là tham những hối lộ: một phần bớt xén cho tôi, một phần cắn xén cho anh".


Phỏng Vấn Viên:

Vị Thánh Phanxicô danh hiệu của ngài đã quyết sống nghèo tới cùng, thậm chí đã bán đi cả cuốn sách phụng vụ lời Chúa của mình nữa. Với tư cách là Giáo Hoàng và là giám mục Rôma, ngài có bao giờ cảm thấy bị thôi thúc bán đi các thứ đồ quí giá của Giáo Hội hay chăng?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

"Câu hỏi này dễ thôi. Chúng không phải là những báu vật của Giáo Hội, chúng là các thứ báu vật của nhân loại. Chẳng hạn nếu ngày mai tôi quyết định bán đấu giá bức Tượng Mẹ Đồng Công của Michelangelo, tôi không thể làm như thế, vì nó không phải là tài sản của Giáo Hội. Nó được giữ ở trong một nhà thờ nhưng nó lại thuộc về nhân loại. Điều ấy đúng với tất cả những báu vật của Giáo Hội. Thế nhưng, chúng tôi đã bắt đầu bán các tặng vật cùng các thứ khác được tặng cho tôi, và lợi nhuận bán đi này được trao cho Đức Ông Krajewski là phát chẩn viên của tôi phụ trách. Rồi còn có cả việc mở xổ số nữa. Có những chiếc xe đều đã được đem bán hay cho đi bằng một cuộc mở xổ số cùng với những lợi nhuận được dùng cho người nghèo. Có những cái có thể bán đi và chúng tôi bán những thứ ấy". 


Phỏng Vấn Viên:

Ngài có thấy được rằng tình trạng giầu có của Giáo Hội có thể đưa đến thứ mong mỏi ấy hay chăng?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

"Đúng thế, nếu chúng ta thực hiện một bản kiểm kê các tài sản của Giáo Hội, thì Giáo Hội có vẻ là rất ư là giầu có. Thế nhưng, khi Bản Hòa Ước năm 1929 được ký kết với chính phủ Ý quốc về Vấn Đề Ngưòi Roma, chính phủ Ý quốc bấy giờ đã cống hiến cho Giáo Hội một công viên rộng lớn ở Roma. Nhưng Đức Giáo Hoàng Piô XI bấy giờ từ chối mà chỉ muốn một nửa cây số vuông để có thể bảo đảm tính cách độc lập của Giáo Hội thôi. Nguyên tắc này vẫn nguyên như thế.

"Phải, của cải bất động sản của Giáo Hội thì dồi dào đáng kể đấy, nhưng chúng tôi sử dụng nó để bảo tồn những cấu trúc của Giáo Hội, cũng như để bảo trì những công việc đang được thực hiện ở các quốc gia thiếu thốn, như các bệnh viện và học đường. Mới hôm qua chẳng hạn, tôi yêu cầu gửi cho Congo 50 ngàn đồng âu (euros) để xây cất 3 ngôi trường học ở nơi những khu làng nghèo khổ, vì việc giáo dục là những gì cần thiết cho tr em. Những yêu cầu này tôi gửi đến cho văn phòng quản trị có thẩm quyền và số tiền ấy đã được gửi đi rồi".


Phỏng Vấn Viên:

Đức Thánh Cha có thể nào mường tượng thấy được một thế giới mà chẳng có người nghèo hay chăng? 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

Tôi muốn có một thế giới vắng bóng người nghèo. Chúng ta cần phải tranh đấu cho điều ấy. Thế nhưng tôi là một tín hữu và tôi biết rằng tội lỗi luôn hiện diện trong chúng ta. Và bao giờ cũng có lòng tham lam của con người, bao giờ cũng thiếu tình đoàn kết, bao giờ cũng không thiếu cái vị kỷ tạo nên bần cùng. Bởi thế, tôi khó lòng mà nghĩ đến một thế giới không có người nghèo. Quí vị cứ nghĩ mà xem đến các trẻ em bị khai thác cho việc nô lệ lao động, hay về những trẻ em bị lạm dụng tình dục. Một hình thức khai thác nữa đó là trẻ em bị sát hại cho việc buôn bán các bộ phận con người. Việc sát hại trẻ em để lấy những bộ phận của các em là một thứ tham lam. Bởi thế, tôi không biết là chúng ta sẽ có thể thực hiện được một thế giới vắng bóng người nghèo hay chăng, vì tội lỗi bao giờ cũng có đó và dẫn đến vị kỷ. Thế nhưng chúng ta luôn phải chiến đấu, bao giờ cũng phải chiến đấu....".


VATICAN INFORMATION SERVICE 
YEAR XXII - N° 196
DATE 06-11-2015

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch với tựa đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý